PGS.TS. BÀNH QUỐC TUẤN – Khoa Luật, Đại học Công nghệ TP.HCM
Là một trong các loại chủ thể phổ biến của Tư pháp quốc tế, pháp nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Khi tham gia vào các quan hệ pháp luật pháp nhân phải thông qua người đại diện của mình (bao gồm đại diện theo pháp luật và đại diện theo uỷ quyền). Vì vậy, việc xác định người đại diện của pháp nhân trong Tư pháp quốc tế là vấn đề quan trọng để đảm bảo tính hợp pháp của các quan hệ mà pháp nhân tham gia. Trong phạm vi bài viết, tác giả chỉ phân tích những vấn đề liên quan đến người đại diện theo pháp luật của pháp nhân trong Tư pháp quốc tế.
1. Xác định đại diện của pháp nhân trong Tư pháp quốc tế
Xác định đại diện của pháp nhân có ý nghĩa quan trọng trong Tư pháp quốc tế vì thông qua hành vi của người đại diện, quyền và nghĩa vụ của pháp nhân khi tham gia vào một quan hệ pháp luật cụ thể trên thực tế sẽ được xác lập, đặc biệt là quan hệ xác lập, thực hiện hợp đồng của các pháp nhân là doanh nghiệp. Theo Coronne Renault – Brahinsky (2002) thì xác định chủ thể có quyền ký kết hợp đồng là một trong những vấn đề quan trọng của pháp luật về hợp đồng. Còn theo Jean – Marc Favret (2002) thì xác định chủ thể có thẩm quyền ký kết hợp đồng luôn là nội dung điều chỉnh quan trọng của pháp luật hợp đồng Liên minh châu Âu. Trong Tư pháp quốc tế,việc xác định người đại diện của pháp nhân thường căn cứ vào quốc tịch của pháp nhân bởi lẽ Hệ thuộc Luật quốc tịch pháp nhân (Lex societatis) thường được áp dụng để giải quyết các vấn đề liên quan đến pháp nhân nước ngoài. Điều này xuất phát từ thực tế pháp nhân luôn hoạt động ở nơi mình không có quốc tịch. Nói cách khác pháp nhân luôn được xem là chủ thể nước ngoài tại quốc gia pháp nhân đang hoạt động. Vì vậy, mọi vấn đề liên quan đến pháp nhân, trong đó có vấn đề xác định người đại diện, thường căn cứ vào hệ thống pháp luật của quốc gia mà pháp nhân mang quốc tịch.
Để xác định quốc tịch pháp nhân trong Tư pháp quốc tế hiện nay có nhiều nguyên tắc được sử dụng. Theo Jean Derruppe (2005) thì có các nguyên tắc xác định quốc tịch của pháp nhân sau: Xác định quốc tịch pháp nhân theo nơi đặt trung tâm quản lý của pháp nhân; Xác định quốc tịch pháp nhân theo nơi thành lập của pháp nhân hoặc đăng ký điều lệ của pháp nhân khi thành lập; Xác định quốc tịch pháp nhân theo nơi hoạt động chủ yếu của pháp nhân; Xác định quốc tịch pháp nhân theo nơi thành lập và đặt trụ sở chính của pháp nhân; Xác định quốc tịch pháp nhân theo quốc tịch của những người nắm quyền kiểm soát pháp nhân.
Mỗi quốc gia sẽ có nguyên tắc xác định quốc tịch pháp nhân riêng của mình và các nước khác có nghĩa vụ phải thừa nhận năng lực chủ thể của pháp nhân đã được xác lập theo pháp luật mà pháp nhân mang quốc tịch. Còn theo Nguyễn Văn Luyện, Lê Thị Bích Thọ, Dương Anh Sơn (2009) thì có nhiều nguyên tắc xác định quốc tịch của thương nhân. Nếu thương nhân và đại diện của thương nhân có năng lực chủ thể theo pháp luật quốc gia mà thương nhân mang quốc tịch và theo pháp luật quốc tế thì nhà nước Việt Nam có nghĩa vụ thừa nhận năng lực chủ thể của họ. Như vậy, việc tồn tại nhiều nguyên tắc xác định quốc tịch của pháp nhân trong Tư pháp quốc tế là điều tất yếu và việc có nhiều nguyên tắc khác nhau để xác định quốc tịch của pháp nhân đã dẫn đến tình trạng tư cách pháp nhân của một tổ chức ở các nước sẽ khác nhau. Điều này sẽ kéo theo việc xác định người đại diện của pháp nhân cũng sẽ khác nhau theo pháp luật các nước. Để giải quyết các vấn đề này, cách thức hiệu quả nhất là thống nhất các quy định về xác định quốc tịch của pháp nhân thông qua việcký kết các điều ước quốc tế. Các điều ước quốc tế cũng đồng thời là cơ sở để công nhận quy định pháp luật của nhau về quốc tịch pháp nhân.
Đóng vai trò quan trọng là các Công ước được ban hành trong khuôn khổ của Hội nghị La Haye về Tư pháp quốc tế. Điển hình là Công ước ngày 01/6/1956 về việc công nhận tư cách pháp nhân của các công ty, các hiệp hội và các tổ chứcnước ngoài, tại Điều 1 Công ước quy định: “Tư cách pháp nhân của một công ty, một hiệp hội hay một tổ chức theo luật của nước thành viên công ước nơi tiến hành thủ tục đăng ký thành lập và công bố và nơi có trụ sở đăng ký, sẽ được công nhận bởi tất cả các quốc gia thành viên khác của công ước…”. Như vậy, theo Công ước này, quốc tịch pháp nhân được xác định trên cơ sở nơi thành lập hoặc nơi có trụ sở chính. Nguyên tắc này sẽ được áp dụng thống nhất đối với các quốc gia thành viên Công ước.Tương tự, khoản 2 Điều 4 Công ước ngày 30/6/2005 của Hội nghị La Haye về thỏa thuận lựa chọn tòa án quy định: “Một pháp nhân được coi là cư trú tại một quốc gia khi:a) Pháp nhân đăng kí điều lệ tại quốc gia đó;b) Pháp nhân được thành lập theo pháp luật của quốc gia đó;c) Pháp nhân có trung tâm quản lý tại quốc gia đó, hoặcd) Pháp nhân đặt trụ sở chính tại quốc gia đó”. Các quy định của Liên minh châu Âu tại Công ước về thẩm quyền giải quyết và vấn đề công nhận, cho thi hành phán quyết về dân sự, thương mại của tòa án cũng tương tự. Về cơ bản, các Công ước chủ yếu tập trung điều chỉnh vấn đề quốc tịch pháp nhân mà không có quy định trực tiếp điều chỉnh vấn đề xác định người đại diện của pháp nhân. Chính vì vậy, các quốc gia là thành viên Công ước đều phải ban hành quy định pháp luật quốc gia xác định người đại diện của pháp nhân nước ngoài hoạt động tại nước mình. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính làm cho các Công ước của Hội nghị La Haye về vấn đề này chưa nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia.
Hoàn thiện pháp luật quốc gia thông qua các quy phạm xung đột là một trong những cách thức được áp dụng phổ biến nhằm xác định quốc tịch, năng lực chủ thể cũng như người đại diện của pháp nhân nước ngoài.Tuy nhiên, cũng không có nhiều quy phạm xung đột trong Tư pháp quốc tế các nước trực tiếp điều chỉnh vấn đề xác định người đại diện của pháp nhân nước ngoài. Ví dụ: Điều 56 Luật tư pháp quốc tế của Cộng hoà Bungari ngày 04/5/2005 quy định “Pháp nhân được điều chỉnh bởi luật của quốc gia nơi pháp nhân đăng ký thành lập”.Nhiều nước đã ban hành Luật Tư pháp quốc tế cũng theo xu thế này, chỉ quy định về nguyên tắc xác định quốc tịch pháp nhân, nguyên tắc xác định năng lực chủ thể của pháp nhân mà không điều chỉnh vấn đề xác định người đại diện của pháp nhân, cụ thể như Luật Tư pháp quốc tế của Italia năm 2005, Luật Tư pháp quốc tế của Bỉ năm 2004, Luật Tư pháp qu1o6c tế của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa năm 2010, … Quy định tại điểm i Điều 155 Luật Tư pháp quốc tế Liên bang Thụy Sĩ ngày 18/12/1987 là một trong những quy phạm xung đột trực tiếp quy định vấn đề người đại diện của pháp nhân nước ngoài, theo đó: “Vấn đề đại diện của công ty do pháp luật của nước nơi công ty thành lập điều chỉnh nếu pháp luật đó không trái với trật tự công cộng của Liên bang Thụy Sĩ”. Quy định này trực tiếp xác định: Người đại diện của pháp nhân do luật của nước nơi pháp nhân thành lập điều chỉnh. Cần chú ý rằng không phải tất cả các nước đều theo nguyên tắc pháp nhân thành lập ở đâu sẽ có quốc tịch của nước đó.
Thực tiễn Tư pháp các nước cho thấy việc xác định người có thẩm quyền đại diện cho pháp nhân phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Ví dụ: Xác định người có thẩm quyền đại diện trong quan hệ hợp đồng thường phụ thuộc vào nơi ký kết hợp đồng hoặc nơi thực hiện hợp đồng, … Về cơ bản, Tư pháp quốc tếvẫn áp dụng nguyên tắc vấn đề đại diện sẽ được giải quyết theo luật của nước mà pháp nhân có quốc tịch. Tuy nhiên, khi người đại diện thực hiện hành vi của mình nhân danh pháp nhân thì phải căn cứ vào pháp luật của nước nơi thực hiện hành vi. Sự khác nhau này trên thực tế đã dẫn đến xung đột pháp luật trong nhiều trường hợp xác định các hậu quả pháp lý do người đại diện của pháp nhân thực hiện.
2. Vấn đề đại diện của pháp nhân trong Tư pháp quốc tế Việt Nam
2.1 Pháp luật hiện hành về đại diện của pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam
Các quy định của Tư pháp quốc tế Việt Nam điều chỉnh các vấn đề liên quan đến chủ thể nước ngoài hiện nay tập trung tại Phần thứ năm Bộ luật Dân sự 2015. Theo các quy định hiện hành thì các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên sẽ ưu tiên áp dụng trước. Trong trường hợp không có điều ước quốc tế sẽ áp dụng các quy phạm pháp luật của Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại Việt Nam chưa ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế nào liên quan đến vấn đề quốc tịch pháp nhân cũng như xác định người đại diện của pháp nhân. Phần thứ năm của Bộ luật Dân sự 2015 cũng chưa có quy phạm xung đột nào trực tiếp giải quyết vấn đề đại diện pháp nhân. Các văn bản pháp luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam tham gia điều chỉnh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài cũng không có quy phạm pháp luật điều chỉnh vấn đề này. Chính vì vậy, việc áp dụng một quy phạm xung đột của Tư pháp quốc tế Việt Nam để xác định người đại diện của pháp nhân nước ngoài đến thời điểm này là chưa thực hiện được tại Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định mang tính nguyên tắc của Bộ luật Dân sự 2015 liên quan đến việc xác định quốc tịch của pháp nhân có thể áp dụng để xác định người đại diện của pháp nhân nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Theo quy định tại Điều 676 Bộ Luật dân sự 2015 về “Pháp nhân” thì:
1. Quốc tịch của pháp nhân được xác định theo pháp luật của nước nơi pháp nhân thành lập.
2. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân; tên gọi của pháp nhân; đại diện theo pháp luật của pháp nhân; việc tổ chức, tổ chức lại, giải thể pháp nhân; quan hệ giữa pháp nhân với thành viên của pháp nhân; trách nhiệm của pháp nhân và thành viên của pháp nhân đối với các nghĩa vụ của pháp nhân được xác định theo pháp luật của nước mà pháp nhân có quốc tịch, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
3. Trường hợp pháp nhân nước ngoài xác lập, thực hiện giao dịch dân sự tại Việt Nam thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân nước ngoài đó được xác định theo pháp luật Việt Nam Quy định này điều chỉnh hai trường hợp khác nhau liên quan đến pháp nhân nước ngoài:
– Pháp nhân nước ngoài không xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự tại Việt Nam, có thể ở nước pháp nhân có quốc tịch hoặc một nước thứ ba: Đối với trường hợp này vấn đề đại diện của pháp nhân sẽ do pháp luật của nước mà pháp nhân có quốc tịch điều chỉnh và pháp luật nơi pháp nhân hoạt động (khoản 2).Trường hợp này không liên quan đến Tư pháp quốc tế Việt Nam.
– Pháp nhân nước ngoài xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự tại Việt Nam: Các vấn đề có liên quan đến năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân nước ngoài sẽ được giải quyết theo pháp luật Việt Nam (khoản 3). Tuy nhiên, như đã phân tích, quy định tại Điều 676 là nguyên tắc chung để xác định năng lực chủ thể của mọi pháp nhân nước ngoài và cũng chỉ điều chỉnh vấn đề năng lực pháp luật của pháp nhân mà không đề cập đến vấn đề người đại diện của pháp nhân. Trở ngược về Bộ luật Dân sự 2005 và Bộ luật Dân sự 1995 cũng cho thấy chưa có quy định nào trực tiếp điều chỉnh vấn đề đại diện của pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Trong một số văn bản pháp luật chuyên ngành hiện hành có các điều luật trực tiếp điều chỉnh vấn đề đại diện pháp nhân. Ví dụ: Điều 13 Luật doanh nghiệp 2014. Tuy nhiên, đây là quy định điều chỉnh pháp nhân Việt Nam, không điều chỉnh pháp nhân nước ngoài và đây cũng chỉ là quy định dành cho doanh nghiệp, một loại hình pháp nhân và cũng không phải là nguyên tắc chung áp dụng cho Tư pháp quốc tế Việt Nam.
Như vậy, quy định của Tư pháp quốc tế Việt Nam có sự tương đồng nhất định với quy định của các điều ước quốc tế cũng như Tư pháp quốc tế của một số quốc gia. Tư pháp quốc tế Việt Nam áp dụng nguyên tắc xác định quốc tịch của pháp nhân theo pháp luật của nước nơi thành lập pháp nhân và quy phạm xung đột chỉ điều chỉnh vấn đề xác định năng lực chủ thể của pháp nhân mà không trực tiếp điều chỉnh vấn đề xác định người đại diện của pháp nhân. Theo các nguyên tắc này thì khi một pháp nhân đã được xác định quốc tịch theo pháp luật một quốc gia nhất định thì đương nhiên được công nhận có tư cách pháp nhân tại Việt Nam. Về vấn đề này thì Tư pháp quốc tế Việt Nam khá tương đồng với Tư pháp quốc tế của Pháp. Theo Theo Jean Derruppe (2005) thì các án lệ của Pháp đưa ra nguyên tắc đương nhiên công nhận tư cách pháp nhân của công ty nước ngoài tại Pháp.
Tóm lại, Tư pháp quốc tế Việt Nam hiện nay chưa có quy định trực tiếp điều chỉnh vấn đề xác định người đại diện của pháp nhân nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Chính sự thiếu vắng quy phạm xung đột trong trường hợp này đã làm phát sinh nhiều tranh chấp liên quan đến người đại diện của pháp nhân nước ngoài từ trước khi Bộ luật Dân sự 2015 ban hành. Tuy nhiên, như đã phân tích, Bộ luật Dân sự 2015 đã không có bất cứ quy phạm xung đột nào trực tiếp điều chỉnh vấn đề này.
2.2.Thực tiễn các tranh chấp pháp sinh liên quan đến vấn đề đại diện của pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam
Những tranh chấp có liên quan đến vấn đề đại diện của pháp nhân nước ngoài đã phát sinh từ trước thời điểm Bộ luật Dân sự 2015 được ban hành và liên quan đến rất nhiều nội dung khác nhau, đặc biệt là trong thương mại quốc tế. Theo Nguyễn Ngọc Lâm (2010) thì tranh chấp về chủ thể ký kết hợp đồng là loại tranh chấp phổ biến nhất trong quá trình thực hiện hợp đồng thương mại quốc tế. Còn theo Đỗ Văn Đại và Mai Hồng Quỳ (2010) thì tranh chấp về chủ thể có thẩm quyền ký kết thỏa thuận trọng tài cũng là loại tranh chấp phổ biến nhất liên quan đến điều khoản trọng tài trong hợp đồng thương mại quốc tế. Trong phạm vi bài viết tác giả xin nêu ra vụ việc điển hình để cho thấy sự khác nhau giữa trường hợp không có quy phạm xung đột trực tiếp điều chỉnh vấn đề và trường hợp có quy phạm xung đột trực tiếp điều chỉnh vấn đề. Cụ thể như sau:
– Vụ việc thứ nhất: Tranh chấp liên quan đến giao dịch do người không có quyền đại diện xác lập. Theo Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam – VIAC (2015) thì đây là vụ việc liên quan đến việc xác định người đại diện của pháp nhân. Cụ thể: Công ty A. của Cyprus (nguyên đơn) ký kết hợp đồng với Công ty B. của Việt Nam (bị đơn). Đại diện ký kết hợp đồng của phía Việt Nam là ông Q., là Phó Tổng giám đốc công ty. Trong hợp đồng đã ký kết có con dấu của công ty B. cũng như chữ ký của ông Q. Tuy nhiên, trong nội dung hợp đồng cũng như hồ sơ không thấy thể hiện văn bản uỷ quyền. Để thực hiện hợp đồng, Công ty A. đã chuyển tiền cho Công ty B và Công ty B. cũng có văn bản xác nhận việc đã nhận tiền. Sau đó, phía Công ty B. không muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng với lý do người đại diện ký hợp đồng của Công ty B. không có thẩm quyền ký kết hợp đồng, hợp đồng bị vô hiệu. Không đồng ý, Công ty A. đã khởi kiện Công ty B. tại Trung tâm trọng tài yêu cầu buộc Công ty B. phải tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Hội đồng trọng tài giải quyết vụ tranh chấp đã căn cứ vào Điều 145 và Điều 146 Bộ luật Dân sự 2005 để khẳng định hợp đồng vẫn có giá trị ràng buộc với bị đơn do ông Q. dù không phải là người đại diện của Công ty B., cũng không có văn bản uỷ quyền ký kết hợp đồng nhưng các văn bản trong hồ sơ đã cho thấy phía Công ty B. biết rõ việc ông Q. ký kết hợp đồng cũng như biết rõ nội dung hợp đồng. Công ty B. cũng thể hiện ý chí của mình chấp nhận nội dung hợp đồng do ông Q. ký kết thông qua việc xác nhận đã nhận được tiền do Công ty A. chuyển. Vì vậy, hợp đồng đã được xác lập và Công ty B. phải tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Như vậy, hợp đồng không do người đại diện của công ty xác lập vẫn ràng buộc công ty nếu người đại diện của công ty biết rõ sự tồn tại của hợp đồng mà không phản đối hoặc có những hành vi thể hiện sự chấp nhận hợp đồng đó. Tuy nhiên, để thuyết phục được Hội đồng trọng tài tuyên theo hướng này phía nguyên đơn đã rất vấn vả trong việc tập hợp các cơ sở pháp lý chứng minh ý chí của bên bị đơn và quy phạm pháp luật mà Hội đồng trọng tài áp dụng giải quyết vụ việc là quy phạm thực chất của pháp luật Việt Nam chứ không phải quy phạm xung đột trong khi đây là một vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Trong trường hợp này nếu có quy phạm xung đột điều chỉnh vấn đề người đại diện của pháp nhân thông qua một nguyên tắc của Tư pháp quốc tế thì vấn đề sẽ đơn giản hơn rất nhiều.
– Vụ việc thứ hai: Tranh chấp liên quan đến tư cách pháp nhân của đối tác nước ngoài. Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam – VIAC (2015) thì đây là vụ việc liên quan đến xác định tư cách pháp nhân của doanh nghiệp nước ngoài. Cụ thể: Công ty A. là công ty Tây Ban Nha (là nguyên đơn) xác lập hợp đồng với Công ty B. là công ty Việt Nam (là bị đơn) một hợp đồng mua bán. Theo đó, Công ty A. sẽ mua của Công ty B. một lượng hàng hoá là cá tươi. Hợp đồng ký kết ngày 29/9/2010. Sau đó hai bên phát sinh tranh chấp, phía Công ty B. cho rằng Công ty A. không có tư cách pháp nhân nên hợp đồng đã ký kết không có giá trị và không thực hiện hợp đồng. Lý do Công ty B. đưa ra là hợp đồng được ký kết ngày 29/9/2010 nhưng đến ngày 24/3/2011 Công ty A. mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại Tây Ban Nha. Như vậy, tại thời điểm ký kết hợp đồng phía Công ty A. chưa có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam. Hợp đồng bị vô hiệu về mặt hình thức và không có giá trị pháp lý thực hiện. Không đồng ý, phía Công ty A. đã đưa tranh chấp ra Trung tâm trọng tài giải quyết.
Hội đồng trọng tài lập luận “Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp” không phải là căn cứ để xác định tư cách pháp nhân của Công ty A., và Công ty A. đã xuất trình trước Hội đồng trọng tài “Giấy chứng nhận thành lập” và “Điều lệ thành lập và hoạt động” của Công ty A. (có chứng nhận lãnh sự của Đại sứ quán nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Tây Ban Nha ngày 14/12/2011). Theo các giấy tờ này thì Công ty A. là một pháp nhân độc lập được thành lập và hoạt động hợp pháp theo pháp luật của Tây Ban Nha vào ngày 03/10/1994. Như vậy, tại thời điểm ký kết hợp đồng với Công ty B, Công ty A. là pháp nhân theo pháp luật Tây Ban Nha và vì vậy hợp đồng đã ký kết có hiệu lực pháp lý.
Trong vụ việc này, Hội đồng trọng tài đã căn cứ vào khoản 1 Điều 765 Bộ luật Dân sự 2005: “Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân nước ngoài được xác định theo pháp luật của nước nơi pháp nhân đó được thành lập” để giải quyết vụ việc. Khoản 1 Điều 765 là một quy phạm xung đột trực tiếp điều chỉnh vấn đề xác định tư cách pháp nhân của doanh nghiệp nước ngoài và nguyên tắc áp dụng là dựa vào pháp luật của nước mà doanh nghiệp có quốc tịch. Trong trường hợp này là pháp luật của Tây Ban Nha. Như vậy, với việc có quy phạm xung đột trực tiếp điều chỉnh vấn đề việc giải quyết vụ việc đã trở nên đơn giản rất nhiều so với vụ việc thứ nhất.
2.3 Kiến nghị liên quan đến vấn đề đại diện của pháp nhân nước ngoài trong Tư pháp quốc tế Việt Nam
Từ các phân tích lý thuyết, pháp luật hiện hành của Việt Nam cũng như thực tiễn các tranh chấp phát sinh đã cho thấy việc thiếu vắng quy phạm xung đột điều chỉnh vấn đề xác định người đại diện của pháp nhân nước ngoài trong Tư pháp quốc tế Việt Nam là vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu trong quá trình tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy phạm xung đột của Bộ luật Dân sự 2015 nói riêng và Tư pháp quốc tế Việt Nam nói chung. Tác giả xin đề xuất giải pháp góp phần hoàn thiện pháp luật như sau:
Trước hết, về mô hình pháp luật: Tư pháp quốc tế Việt Nam đến thời điểm hiện tại, vì những lý do chủ quan và khách quan, đang theo đuổi mô hình không ban hành đạo luật riêng về Tư pháp quốc tế mà các quy phạm điều chỉnh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được bố trí trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau trong đó Bộ luật Dân sự đóng vai trò trung tâm, là luật chung của Tư pháp quốc tế Việt Nam. Chính vì vậy, hoàn thiện các quy phạm mang tính nguyên tắc của Tư pháp quốc tế Việt Nam phải bắt đầu bằng việc hoàn thiện quy phạm xung đột của Bộ luật Dân sự 2015. Do đó, quy phạm xung đột điều chỉnh vấn đề xác định người đại diện của pháp nhân nước ngoài phải được bổ sung vào Phần thứ năm Bộ luật Dân sự 2015.
Thứ hai, về giải pháp nội dung: Các lý thuyết chung của Tư pháp quốc tế cũng như tham khảo kinh nghiệm lập pháp quốc tế của các nước cho thấy Hệ thuộc Luật quốc tịch pháp nhân luôn là giải pháp hàng đầu để xây dựng quy phạm xung đột giải quyết các vấn đề có liên quan đến pháp nhân trong Tư pháp quốc tế. Trong trường hợp pháp nhân thực hiện hành vi tại một quốc gia cụ thể thì các vấn đề có liên quan đến năng lực chủ thể của pháp nhân sẽ được xác định theo hệ thống pháp luật nơi pháp nhân thực hiện hành vi. Vì vậy, để đảm bảo tính phù hợp với các thông lệ quốc tế, giải pháp cho quy phạm xung đột của Tư pháp quốc tế Việt Nam cũng nên theo định hướng này. Theo đó, để xác định vấn đề đại diện của pháp nhân trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam cần căn cứ vào hệ thống pháp luật mà pháp nhân mang quốc tịch. Trong trường hợp pháp nhân thực hiện hành vi cụ thể tại Việt Nam (ký kết hợp đồng, thực hiện một dự án đầu tư, …) thì việc xác định người đại diện của pháp nhân phải tuân theo pháp luật Việt Nam, cụ thể phải tuân theo các quy phạm pháp luật của Bộ luật Dân sự điều chỉnh các vấn đề có liên quan đến pháp nhân.
Tóm lại, xác định người đại diện của pháp nhân trong Tư pháp quốc tế là một vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến tính hợp pháp của các giao dịch mà pháp nhân tiến hành. Chính vì vậy, trong giai đoạn sắp tới, để đảm bảo hành lang pháp lý cho pháp nhân tham gia vào các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam, quá trình hoàn thiện hệ thống quy phạm xung đột của Tư pháp quốc tế Việt Nam cần phải tiếp tục bổ sung các quy phạm còn thiếu, trong đó có quy phạm xung đột xác định người đại diện của pháp nhân./.
SOURCE: TẠP CHÍ PHÁP LUẬT VÀ PHÁT TRIỂN SỐ 1 + 2/2019
Trích dẫn từ: http://phapluatphattrien.vn/nghien-cuu-ly-luan/van-de-dai-dien-cua-phap-nhan-trong-tu-phap-quoc-te
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: 6. QHDS CÓ YTNN, Chủ thể, LUẬT THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ, PHÁP LUẬT QUỐC TẾ |
Leave a Reply