Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

BÁO CÁO SỐ 108/BC-BXD NGÀY 28 THÁNG 8 NĂM 2019 CỦA BỘ XÂY DỰNG TỔNG KẾT THI HÀNH LUẬT XÂY DỰNG (Được bổ sung tại Báo cáo số 138/BC-BXD ngày 16 tháng 10 năm 2019)

Advertisements

Bối cảnh và một số yêu cầu sửa đổi, bổ sung

Trong thực tiễn triển khai thực hiện Luật Xây dựng năm 2014 đã xuất hiện một số vướng mắc, hạn chế, bất cập cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định của Luật như:

– Một số quy định về nội dung, phạm vi, thẩm quyền thực hiện của cơ quan quản lý nhà nước, người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, cơ quan tư vấn về công tác thẩm định dự án, thẩm định thiết kế chưa phù hợp với nguyên tắc: cơ quan quản lý nhà nước chỉ kiểm soát nội dung thuộc chức năng quản lý nhà nước về xây dựng, kiểm soát sự phù hợp với quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn, phương pháp tính định mức đơn giá của các dự án. Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, cơ quan tư vấn phải tự chịu trách nhiệm về các nội dung cụ thể của dự án, thiết kế xây dựng.

– Nội dung, thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng và cấp giấy phép xây dựng còn có một số điểm trùng lặp; điều kiện cấp giấy phép xây dựng chưa phù hợp với một số loại công trình; thời gian cấp giấy phép xây dựng còn dài.

– Việc thành lập, vận hành Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, ban quản lý dự án khu vực đối với một số trường hợp khó thực hiện.

– Quy định về phân chia dự án thành phần; quy định công bố chỉ tiêu, hệ thống định mức xây dựng, chỉ số giá, giá xây dựng, các loại hợp đồng xây dựng, các quy định liên quan đến quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng, đánh giáan toàn công trình, quy định về xây dựng các công trình khẩn cấp, cấp bách… cũng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra;

– Còn thiếu một số quy định điều chỉnh đối với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị (dự án có những đặc điểm riêng, khác với dự án xây dựng công trình thông thường như: quy mô, diện tích chiếm đất lớn, sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau, thời gian thực hiện dự án thường kéo dài, có nhiều chủ thể tham gia, dự án vừa xây dựng vừa kinh doanh, khai thác…).

(3) Sau khi Luật Xây dựng năm 2014 có hiệu lực, đã có một số Luật mới được ban hành như: Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật liên quan đến quy hoạch, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14, Luật Kiến trúc số 40/2019/QH14; các luật khác đang được sửa đổi, bổ sung như Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai… Vì vậy, cần thiết phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung một số quy định của Luật Xây dựng năm 2014 để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2014là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay và cần phải bảo đảm một số yêu cầu sau đây:

(1) Phù hợp vớichủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng.

(2) Phù hợp với thực tiễn, tập trung sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan đến vấn đề mang tính cấp bách, cần thiết nhất và đã được đánh giá tác động, để tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý để khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

(3) Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm tính tương thích của các chính sách với các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

(4) Bảo đảm sự quản lý thống nhất của Trung ương, tăng cường phân cấp hợp lý và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư xây dựng.

TRA CỨU VĂN BẢN ĐẦY ĐỦ TẠI ĐÂY


SOURCE: Tài liệu kèm theo Dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2019)

Exit mobile version