THS. LS. NGUYỄN TIẾN MẠNH – Giám đốc Công ty luật Hồng Long, đoàn Luật sư Tp.HCM
Trong quá trình hoạt động, hợp tác kinh doanh, các doanh nghiệp đa phần phải đối diện với các khoản nợ chậm thanh toán của đối tác. Nếu giải quyết không ổn thỏa, sẽ phát sinh tình trạng doanh nghiệp nợ dây dưa, hoặc thực sự mất khả năng thanh toán. Để giải quyết hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp mắc nợ và chủ nợ, giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là các bên thiện chí thương lượng giải quyết với nhau. Tuy nhiên, trong trường hợp không giải quyết được thì chủ nợ có quyền áp dụng biện pháp pháp lý cần thiết để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tùy theo điều kiện và khả năng thanh toán của doanh nghiệp mắc nợ, chủ nợ có thể nộp đơn khởi kiện đòi nợ (vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại) theo thủ tục tố tụng dân sự, hoặc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp mắc nợ tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Tuy nhiên, việc lựa chọn áp dụng biện pháp nào để đòi nợ một cách hợp pháp và hiệu quả là một vấn đề mà chủ nợ cần phải cân nhắc, lựa chọn cho phù hợp.
Sau đây, chúng tôi xin phân tích một số nội dung về những thuận lợi và hạn chế của từng biện pháp pháp lý để quý doanh nghiệp tham khảo.
1. Về điều kiện áp dụng của từng biện pháp
Đối với việc nộp đơn khởi kiện đòi nợ theo thủ tục tố tụng dân sự, theo quy định tại Điều 186 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 (BLTTDS 2015) về quyền khởi kiện vụ án thì: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Như vậy, khi có một khoản nợ đến hạn mà không được thanh toán, dù khoản nợ này có bảo đảm hay không thì chủ nợ vẫn có quyền nộp đơn khởi kiện kèm theo tài liệu chứng cứ có liên quan để yêu cầu Tòa án buộc bên mắc nợ phải thanh toán tiền nợ cho mình. Đối với việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì theo quy định tại Điều 5 Luật Phá sản năm 2014, chủ nợ chỉ được nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp mắc nợ khi đáp ứng đủ 02 điều kiện: (1) Khoản nợ đó không có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần; (2) hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp mắc nợ không thanh toán.
Từ những quy định trên có thể thấy, điều kiện để áp dụng biện pháp nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là khắt khe hơn việc nộp đơn khởi kiện đòi nợ thông thường. Tuy nhiên, biện pháp này cũng có ưu điểm ở quy trình giải quyết và hiệu quả tác động nhất định của nó đối với doanh nghiệp mắc nợ.
2. Về quy trình giải quyết
Đối với vụ án dân sự, Điều 195, Điều 196 BLTTDS 2015 quy định: sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết thì Thẩm phán thông báo cho người khởi kiện nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí và ra Thông báo thụ lý vụ án gửi các bên. Trong giai đoạn này, doanh nghiệp mắc nợ (Bị đơn) có quyền nêu ý kiến, thậm chí có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải (theo quy định tại Điều 200 BLTTDS 2015). Tại phiên họp để hòa giải theo quy định tại Điều 210 BLTTDS 2015, các bên đưa ra ý kiến về việc giải quyết vụ án; trong trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án thì Tòa án ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận, Quyết định này có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Trong trường hợp hòa giải không thành thì vụ án sẽ được đưa ra xét xử sơ thẩm, rồi xét xử phúc thẩm nếu bị kháng cáo hoặc kháng nghị. Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm là 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án (Điều 203 BLTTDS 2015), và xét xử phúc thẩm là 02 tháng (Điều 286 BLTTDS 2015) nếu không thuộc trường hợp được gia hạn thêm. Tuy nhiên, trên thực tế thời hạn này thường bị kéo dài hơn rất nhiều, thậm chí cả vài ba năm. Đó là chưa kể, trong trường hợp thắng kiện, bản án có hiệu lực pháp luật thì thời gian để thi hành án cũng không phải là ngắn.
Đối với việc giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản, Tại điều 37 Luật Phá sản 2014 cho phép trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ, các bên có quyền đề nghị bằng văn bản thương lượng việc rút đơn trong thời hạn không quá 20 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu. Trường hợp thương lượng không thành hoặc hết thời hạn thương lượng thì Tòa án nhân dân thông báo cho người nộp đơn nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản và thụ lý đơn, xem xét trong thời hạn 30 ngày và quyết định việc mở hay không mở thủ tục phá sản. Trong thời gian này, nếu doanh nghiệp mắc nợ chứng minh được mình không thuộc trường hợp mất khả năng thanh toán Tòa án sẽ ra Quyết định không mở thủ tục phá sản. Đương nhiên, là đến thời điểm đó họ đã phải thanh toán được các khoản nợ đến hạn theo quy định, đây là điều chủ nợ mong muốn. Trong trường hợp bị mở thủ tục phá sản thì doanh nghiệp mắc nợ phải gánh chịu những hậu quả pháp lý khó khăn trong suốt quá trình giải quyết vụ việc, sẽ được phân tích ở phần sau. Quy trình giải quyết vụ việc mở thủ tục phá sản trải qua nhiều giai đoạn, bao gồm: thu thập tài liệu chứng cứ; kiểm toán nếu báo cáo tài chính của doanh nghiệp mắc nợ chưa đầy đủ; tiếp nhận đơn đòi nợ của các chủ nợ khác; tổ chức Hội nghị chủ nợ quyết định việc cho doanh nghiệp mắc nợ triển khai Phương án phục hồi kinh doanh để có tiền trả nợ hay là đề nghị tuyên bố doanh nghiệp phá sản; nếu doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản thì Quản tài viên tổ chức định giá và bán đấu giá tài sản để trả nợ theo thứ tự phân chia tài sản theo quy định. Trên thực tế, quy trình này cũng chiếm thời gian khá dài, tuy nhiên việc tiến hành thứ tự các bước giải quyết có phần được thực hiện tương đối về thời gian hơn trong thủ tục tố tụng dân sự.
Như vậy, nếu sử dụng biện pháp khởi kiện dân sự đòi nợ theo thủ tục tố tụng dân sự thì đây là biện pháp đòi nợ riêng lẻ, quy trình thủ tục giải quyết ít liên quan đến các cá nhân, tổ chức khác. Trong khi đó, biện pháp nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là một biện pháp đòi nợ tập thể, cùng lúc nhiều chủ nợ cùng đưa ra yêu cầu đòi nợ, gây áp lực trả nợ đối với doanh nghiệp mắc nợ; quy trình thủ tục giải quyết của biện pháp này cũng phức tạp hơn, có sự tham gia của nhiều cá nhân, tổ chức.
3. Về hậu quả pháp lý
Đối với vụ án khởi kiện đòi nợ, trong suốt quá trình giải quyết vụ án, doanh nghiệp mắc nợ (Bị đơn) không bị hạn chế gì đối với hoạt động kinh doanh, chỉ tham gia tố tụng theo triệu tập của Tòa án. Trong trường hợp chủ nợ (nguyên đơn) thắng kiện và bản án có hiệu lực, đưa ra thi hành án thì doanh nghiệp mắc nợ (Bị đơn) mới bị kê biên, phong tỏa tài sản để thi hành án dân sự.
Đối với việc yêu cầu mở thủ tục phá sản, nếu doanh nghiệp mắc nợ bị mở thủ tục phá sản thì chịu sự quản lý, giám sát của Quản tài viên hoặc tổ chức hành nghề quản lý, thanh lý tài sản được Tòa án chỉ định trong quá trình hoạt động cũng như cung cấp các tài liệu theo yêu cầu; và người đại diện theo pháp luật nếu vi phạm các hành vi bị cấm thì doanh nghiệp buộc phải thay đổi người đại diện theo pháp luật. Trong trường hợp doanh nghiệp mắc nợ bị tuyên bố phá sản thì tài sản sẽ được thanh lý để trả cho các khoản nợ theo thứ tự ưu tiên và tỷ lệ nhất định tùy theo giá trị tài sản còn lại; người đã giữ chức vụ quản lý của doanh nghiệp đó mà cố ý vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 18, khoản 5 Điều 28 và khoản 1 Điều 48 Luật phá sản 2014 có thể bị xem xét, quyết định việc không được quyền thành lập doanh nghiệp hoặc làm người quản lý doanh nghiệp trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Tòa án nhân dân có quyết định tuyên bố phá sản.
Như vậy, hậu quả pháp lý đối với trường hợp mở thủ tục phá sản có phần nặng nề hơn so với giải quyết đơn khởi kiện vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại. Trong quá trình giải quyết theo thủ tục phá sản thì doanh nghiệp mắc nợ có thể được xem xét để thực hiện phương án khôi phục hoạt động kinh doanh, là cơ hội để tạo ra lợi nhuận trả nợ.
Nhìn chung, mỗi biện pháp pháp lý đòi nợ có những ưu thế và hạn chế nhất định, việc lựa chọn hình thức để áp dụng tùy thuộc vào điều kiện và tình hình của mỗi doanh nghiệp mắc nợ cũng như chủ nợ. Do đó, mỗi chủ nợ và doanh nghiệp mắc nợ cần cân nhắc và quyết định sao cho đảm bảo quyền lợi của mình nhất./.
SOURCE: Cám ơn tác giả đã chia sẻ bài viết
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: 1. Lý luận chung, 2. Chủ thể kinh doanh, 5. Quan điểm của Tòa án và về Tòa án, 5. Đầu tư, Nhà nước và nền KTTT |
Leave a Reply