admin@phapluatdansu.edu.vn

CÁC QUYỀN THỦ TỤC CÔNG BẰNG TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ Ở MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI VÀ Ở VIỆT NAM

 NGUYỄN VĂN QUÂN & NGUYỄN BÍCH THẢO – Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

1. Các quyền thủ tục công bằng trong tố tụng dân sự Hoa Kì

Mặc dù nước Anh là quê hương của học thuyết về trình tự công bằng, học thuyết này lại được tiếp nhận một cách chính thức và phát triển mạnh mẽ trong lí luận và thực tiễn pháp lí ở Hoa Kì, đặc biệt thông qua các án lệ giải thích Hiến pháp của Tòa án tối cao. Hiến pháp Hoa Kì long trọng ghi nhận “due process of law” với tư cách là một nguyên tắc cốt lõi. Tu chính án thứ 5 của Hiến pháp Hoa Kì tuyên bố: “Không ai bị… tước bỏ tính mạng, tự do và tài sản mà không dựa trên trình tự pháp luật công bằng”1. Tu chính án thứ 14 một lần nữa khẳng định: “không bang nào tước bỏ tính mạng, tự do và tài sản của bất kì ai mà không dựa trên trình tự pháp luật công bằng”2.

Hiện nay, các học giả trên thế giới đều thống nhất rằng trình tự pháp luật công bằng bao gồm hai khía cạnh: trình tự công bằng thủ tục (procedural due process) và trình tự công bằng nội dung (substantive due process). Các quyền về thủ tục là những yếu tố cấu thành nên quan niệm về trình tự công bằng thủ tục. Hai yếu tố cốt lõi của trình tự công bằng thủ tục trong tố tụng dân sự là chủ thể có quyền được thông báo và quyền được lắng nghe bởi một tòa án vô tư, không thiên vị trước khi chủ thể đó bị tước đoạt tự do hoặc tài sản.

Tuy nhiên, theo thời gian, hệ thống án lệ đồ sộ của Tòa án Tối cao Hoa Kì đã giải thích theo hướng ngày càng mở rộng nội hàm của các quyền thủ tục công bằng này, từ đó tạo nên một hệ thống các giá trị cơ bản hay các bảo đảm về thủ tục (procedural safeguards) trong tố tụng dân sự Hoa Kì. Các quyền đó bao gồm:

Thứ nhất: Quyền được thông báo. Một yêu cầu căn bản của thủ tục công bằng trong bất kì quy trình tố tụng nào là các bên liên quan phải được thông báo hợp lí về vụ kiện, từ đó họ mới có cơ hội tham gia vào quá trình tố tụng, trình bày các chứng cứ, lí lẽ, lập luận để bảo vệ mình. “Thông báo” phải đầy đủ để người nhận nắm được nội dung vụ kiện và xác định được mình cần làm gì để ngăn chặn việc lợi ích của mình bị tước đoạt. “Thông báo” phải được thực hiện bằng phương thức hợp lí nhằm đảm bảo rằng người được thông báo có khả năng chắc chắn sẽ nhận được.

Thứ hai: Quyền được lắng nghe. Trước khi một người bị tước đoạt lợi ích về tài sản hoặc tự do, người đó phải được lắng nghe bởi tòa án tại một phiên họp hay phiên xử được tổ chức dưới hình thức nào đó, tức là có cơ hội trình bày thấu đáo mọi chứng cứ, lí lẽ, lập luận của mình trước tòa án, bác bỏ các chứng cứ, lí lẽ, lập luận của đối phương. Quyền được lắng nghe được hiểu là tòa án không chỉ xem xét và quyết định trên cơ sở hồ sơ, tài liệu, mà phải trực tiếp nghe các bên trình bày (xét xử trực tiếp, bằng lời nói). Quyền được thông báo và quyền được lắng nghe nói trên phải được thực hiện vào thời điểm hợp lí, theo phương thức hợp lí và thực chất, nghĩa là thông báo hay tổ chức phiên họp/phiên xét xử không phải chỉ mang tính hình thức cho có, mà cần phải diễn ra kịp thời, trước khi tòa án có quyết định cuối cùng về việc tước đoạt tài sản (tự do) của chủ thể [1]. Nói cách khác, chính quyền không thể ra quyết định tước đoạt tài sản hay tự do của người nào khi chưa đáp ứng các đòi hỏi của thủ tục công bằng (thực hiện quy trình thông báo và tổ chức phiên họp).

TRA CỨU BÀI VIẾT ĐẦY ĐỦ TẠI ĐÂY


1. Tu chính án thứ 5 Hiến pháp Hoa Kì

2. Tu chính án thứ 14 Hiến pháp Hoa Kì

SOURCE: Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Luật học, Vol. 36, No. 1 (2020) 51-62

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: