A. Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ
Chính phủ tại Phiên họp thường kỳ tháng 4 năm 2020 quyết nghị: Thống nhất thông qua Đề nghị xây dựng Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nhằm kịp thời hướng dẫn áp dụng cơ chế pháp lý thi hành quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật khác liên quan về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; khắc phục kịp thời những vướng mắc, bất cập phát sinh trong quy định của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội; tạo điều kiện thuận lợi, giảm thiểu rủi ro pháp lý, chi phí cho các bên tham gia quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và các chủ thể khác có liên quan.
Giao cho Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, trình Chính phủ tháng 12 năm 2020.
B. Các chính sách xây dựng Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tại Tờ trình Chính phủ số 20/TTr-BTP ngày 09/4/2020 của Bộ Tư pháp đã được Chính phủ Quyết nghị thông qua
I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH
Trải qua hơn 13 năm thi hành, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012) quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2005 về giao dịch bảo đảm (sau đây gọi là Nghị định số 163/2006/NĐ-CP) đã góp phần tích cực trong tạo lập, hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, làm tăng cơ hội tiếp cận cho người dân trong tham gia quan hệ nghĩa vụ, trong tìm kiếm các nguồn vốn và thúc đẩy sự phát triển của các quan hệ kinh tế – xã hội liên quan.
Tuy nhiên, trong bối cảnh BLDS năm 2015 và hệ thống pháp luật có liên quan[1] có nhiều chính sách, quy định mới trong điều chỉnh quan hệ dân sự, sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng, có tính hội nhập ngày càng cao của kinh tế – xã hội và bản thân một số quy định của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP cũng còn những điểm chưa thực sự phù hợp dẫn tới một yêu cầu khách quan được đặt ra là cần sửa đổi Nghị định này để bảo đảm hơn nữa về sự đồng bộ, thống nhất, về bảo đảm hiệu lực, tính khả thi trong quy định của pháp luật, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
1. Về cơ sở chính trị, pháp lý
– Nghị quyết số 10/NQ-TW ngày 03/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và Nghị quyết số 11/NQ-TW ngày 03/6/2017 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Nghị quyết số 50/NQ-TW ngày 20/08/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đều đưa ra nhiệm vụ, giải pháp về việc: Thể chế đầy đủ quyền sở hữu, bảo đảm hiệu lực thực thi, bảo vệ có hiệu quả quyền sở hữu tài sản theo hướng, sửa đổi, bổ sung quy định bảo đảm quyền, nghĩa vụ, công nhận và bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp về tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, vốn đầu tư, thu nhập và lợi ích hợp pháp khác; hoàn thiện pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp dân sự theo hướng thống nhất, đồng bộ; hoàn thiện các quy định về đăng ký và giao dịch tài sản; phát triển hệ thống đăng ký minh bạch, liên thông, dễ tiếp cận, nhất là bất động sản; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan để bảo đảm quyền sử dụng đất thực sự là tài sản được chuyển nhượng, giao dịch, thế chấp cho các nghĩa vụ dân sự, kinh tế, để các tổ chức, cá nhân được thuê đất, giao đất lâu dài với quy mô phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh…;
– Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2016 và các năm tiếp theo giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao “rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tự mình hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các quy định mới của Bộ luật dân sự (sửa đổi)…”;
– Quyết định số 243/QĐ-TTg ngày 02/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành BLDS năm 2015 giao “Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký tài sản, giao dịch bảo đảm, hụi họ biêu phường và các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết khác (dựa trên kết quả rà soát)”;
– Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 giao Bộ Tư pháp trong quý IV năm 2020 hoàn thành nhiệm vụ “Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định hướng dẫn các quy định của Bộ luật dân sự 2015 về giao dịch bảo đảm, trong đó hoàn thiện các quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm, thứ tự ưu tiên thanh toán… theo hướng đơn giản hóa quy định về hồ sơ và thực hiện triển khai đăng ký, sửa đổi, bổ sung, xóa đăng ký biện pháp bảo đảm theo phương thức trực tuyến”;
– Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19/07/2017 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng giao “Bộ Tư pháp có trách nhiệm hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định về giao dịch bảo đảm”.
2. Về đáp ứng yêu cầu đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật
Một là, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 163/2006/NĐ-CP để bảo đảm thực thi thống nhất những quy định, chính sách mới trong BLDS năm 2015 và các luật khác liên quan về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, trong đó:
(i) Về chủ thể, cần hướng dẫn cơ chế pháp lý của cá nhân, pháp nhân tham gia quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và cơ chế pháp lý cho việc tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân vào quan hệ này;
(ii) Về tài sản, cần hướng dẫn cơ chế pháp lý để xác định đầy đủ, cụ thể hơn tài sản là bất động sản, động sản, trong đó quyền tài sản, tài sản hiện có, tài sản hình thành trong tương lai, tài sản trong lĩnh vực đặc thù… dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ;
(iii) Về quan hệ sở hữu, cần hướng dẫn cơ chế pháp lý để xác định mối quan hệ giữa việc đưa tài sản vào bảo đảm thực hiện nghĩa vụ với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản, nhất là liên quan đến sở hữu chung (hôn nhân gia đình, hộ gia đình, tổ hợp tác…), tài sản trong quan hệ đầu tư, kinh doanh, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt, bảo lưu quyền sở hữu trong hợp đồng mua bán tài sản…;
(iv) Về hiệu lực pháp lý liên quan đến giao dịch, làm rõ cơ chế pháp lý xác định các thời điểm pháp lý trong xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm, bao gồm thời điểm hợp đồng có hiệu lực, thời điểm chuyển quyền đối với tài sản và thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba;
(v) Hướng dẫn cơ chế pháp lý về xác lập, thực hiện bảo lưu quyền sở hữu, cầm giữ tài sản và các nội dung pháp lý cần được áp dụng thống nhất về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm, bảo đảm nghĩa vụ trong tương lai, tài sản dùng để bảo đảm, hiệu lực của giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm, hiệu lực đối kháng với người thứ ba, đăng ký biện pháp bảo đảm, quyền, nghĩa vụ của các chủ thể trong giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm, thế chấp quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất, xử lý tài sản bảo đảm, thứ tự ưu tiên thanh toán…).
Hai là, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 163/2006/NĐ-CP để góp phần bảo đảm thực thi nguyên tắc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 (Điều 14, Điều 32, Điều 33, khoản 3 Điều 51…) và BLDS năm 2015 (Điều 2, Điều 3, Điều 9, Điều 10…).
Ba là, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 163/2006/NĐ-CP để góp phần bảo đảm thực thi nguyên tắc áp dụng pháp luật theo tinh thần Điều 4 BLDS năm 2015, nhất là trong bối cảnh, ngoài BLDS là luật chung điều chỉnh quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì còn có rất nhiều luật khác có liên quan có quy định về quan hệ này[2].
3. Về khắc phục những vướng mắc, bất cập nội tại trong quy định của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP
Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 163/2006/NĐ-CP nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ chính nội tại quy định của Nghị định này như: chưa cụ thể hóa, chưa bao quát hoặc chưa quy định đúng bản chất pháp lý của tài sản trong lĩnh vực đặc thù; chưa bao quát được hết hiệu lực của giao dịch bảo đảm; chưa có hướng dẫn cụ thể cơ chế pháp lý về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong tương lai hoặc nghĩa vụ có điều kiện; chưa có quy định về tài sản bảo đảm đang chịu sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền trong tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, thi hành án…
4. Về đáp ứng yêu cầu phát triển mới của kinh tế – xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế
Thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế thời gian qua cho thấy, quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ ở nước ta ngày càng đa dạng về đối tượng, loại, phạm vi, đòi hỏi pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cần được hoàn thiện theo hướng bao quát hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thực tiễn, ví dụ yêu cầu về phát triển nông nghiệp hàng hóa công nghệ cao, tài sản hình thành từ công nghệ cao, quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền khác phát sinh từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đối tượng sở hữu trí tuệ; việc đưa tài sản vào giao dịch của người nước ngoài có quyền tài sản ở Việt Nam…
Với những căn cứ nêu trên, Bộ Tư pháp nhận thấy, việc Chính phủ ban hành Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thay thế Nghị định số 163/2006/NĐ-CP là cần thiết.
II. MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG NGHỊ ĐỊNH
1. Mục đích
Việc xây dựng Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là để kịp thời hướng dẫn áp dụng cơ chế pháp lý thi hành quy định của BLDS năm 2015, luật khác liên quan về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; khắc phục kịp thời những vướng mắc, bất cập phát sinh trong quy định của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội; tạo điều kiện thuận lợi, giảm thiểu rủi ro pháp lý, chi phí cho các bên tham gia quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và các chủ thể khác có liên quan.
2. Quan điểm xây dựng Nghị định
2.1. Bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; quy định của BLDS năm 2015, luật khác có liên quan; đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, không trùng lặp, chồng chéo với các quy định đã được quy định cụ thể trong BLDS năm 2015, luật hoặc các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; đảm bảo tương thích, phù hợp với các điều ước quốc tế, cam kết quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia.
2.2. Đảm bảo nguyên tắc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự; nguyên tắc giới hạn thực hiện quyền dân sự được quy định trong Hiến pháp, BLDS năm 2015 và luật khác có liên quan.
2.3. Bám sát kết quả tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật, những vướng mắc phát sinh do không có sự thống nhất trong áp dụng pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
2.4. Kế thừa, phát triển các quy phạm pháp luật còn phù hợp; tham khảo hợp lý kinh nghiệm pháp luật nước ngoài.
III. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG CỦA NGHỊ ĐỊNH
1. Phạm vi điều chỉnh của Nghị định
Hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS năm 2015, luật khác có liên quan về xác định bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm trong xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm (sau đây gọi chung là bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm); tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm; xử lý tài sản bảo đảm.
2. Đối tượng áp dụng của Nghị định
Bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; cá nhân, pháp nhân khác có liên quan.
IV. CHÍNH SÁCH TRONG ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG NGHỊ ĐỊNH[3]
1. Chính sách 1: Hoàn thiện cơ chế pháp lý về xác định bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm
1.1. Nội dung của chính sách
Chính phủ hướng dẫn áp dụng cơ chế pháp lý trong thi hành quy định của BLDS năm 2015, luật khác có liên quan về xác định bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm bao gồm cá nhân, pháp nhân; xác định các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm khi các thực thể pháp lý này tham gia quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
1.2. Mục tiêu của chính sách
Bảo đảm thuận lợi, thống nhất, hiệu quả, giảm thiểu rủi ro pháp lý, chi phí cho người dân và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong thi hành quy định của BLDS năm 2015, luật khác có liên quan về xác định địa vị pháp lý của bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm.
1.3. Giải pháp thực hiện chính sách
Dựa trên cơ sở đánh giá tác động tích cực, tiêu cực, chi phí, lợi ích của các giải pháp thực hiện chính sách, Chính phủ hướng dẫn áp dụng cơ chế pháp lý xác định bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm, trong đó:
a) Nhận diện rõ hơn việc cá nhân và những người có quyền, lợi ích liên quan trong tham gia xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm đặc biệt là người chưa thành niên, người có quan hệ hôn nhân và gia đình, quan hệ sở hữu chung theo phần, sở hữu chung hợp nhất, chủ doanh nghiệp tư nhân…;
b) Nhận diện rõ hơn việc pháp nhân trực tiếp xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm hoặc tham gia thông qua chi nhánh, văn phòng đại diện của mình hoặc thông qua cá nhân, pháp nhân khác theo cơ chế đại diện hoặc ủy thác; điều kiện pháp lý riêng cho pháp nhân trong tham gia quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đặc thù…;
c) Nhận diện rõ hơn trường hợp hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân, nhóm người sử dụng đất… tham gia quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo hướng xác định các thành viên của các tổ chức này là bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm.
2. Chính sách 2: Hoàn thiện cơ chế pháp lý về tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ
2.1. Nội dung của chính sách
Chính phủ hướng dẫn áp dụng cơ chế pháp lý trong thi hành các quy định của BLDS năm 2015, luật khác có liên quan về xác định tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (sau đây gọi chung là tài sản dùng để bảo đảm).
2.2. Mục tiêu của chính sách
Bảo đảm thuận lợi, thống nhất, hiệu quả, giảm thiểu rủi ro pháp lý, chi phí cho người dân và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, góp phần sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của xã hội, khai thác tối đa giá trị kinh tế của tài sản trong thi hành quy định của BLDS năm 2015, luật khác có liên quan về tài sản dùng để bảo đảm.
2.3. Giải pháp thực hiện chính sách
Dựa trên cơ sở đánh giá tác động tích cực, tiêu cực, chi phí, lợi ích của các giải pháp thực hiện chính sách, Chính phủ hướng dẫn áp dụng cơ chế pháp lý theo hướng làm rõ hơn quy định của BLDS năm 2015, luật khác có liên quan đến tài sản được dùng, tài sản bị cấm hoặc bị hạn chế là đối tượng của bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, trong đó:
a) Xác định rõ hơn nội hàm tài sản hình thành trong tương lai và tài sản này trong lĩnh vực đặc thù hoặc còn có vướng mắc trong thực tiễn khi dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (bất động sản hình thành từ dự án nhà ở, dự án công trình xây dựng khác, dự án đầu tư, quyền sử dụng đất; quyền khai thác khoáng sản; tài sản hình thành trong thực hiện các dự án về tàu cá, trang trại; tài sản hình thành từ kết quả đầu tư, kinh doanh khác; quyền sở hữu trí tuệ; tài sản số; quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền khác phát sinh từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; lợi ích hình thành từ hợp đồng…);
b) Xác định rõ hơn quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, quyền sử dụng đất có mặt nước để nuôi trồng thủy sản, quyền sử dụng rừng, quyền sử dụng khu vực biển… dùng để bảo đảm; cơ chế pháp lý giải quyết hậu quả của việc các bên thỏa thuận dùng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng để bảo đảm;
c) Xác định rõ hơn động sản được dùng để bảo đảm, trong đó có động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu, quyền lưu hành; hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh; hàng hóa lưu kho; tài sản liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán, giấy tờ có giá; quyền khai thác khoáng sản, quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên; quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng; quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, tài sản số, quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền khác phát sinh từ kết quả nghiên cứu khoa học…;
d) Xác định rõ hơn tài sản dùng để bảo đảm hình thành từ quyền bề mặt, quyền hưởng dụng, quyền đối với bất động sản liền kề, bảo lưu quyền sở hữu;
đ) Nhận diện tài sản dùng để bảo đảm cần có cơ chế pháp lý riêng như tài sản gắn liền, vật đồng bộ, bất động sản ở nhiều địa điểm khác nhau, tài sản thừa kế, tài sản đang chịu sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền về xử lý vi phạm hành chính, tố tụng, thi hành án…
3. Chính sách 3: Hoàn thiện cơ chế pháp lý về xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm
3.1. Nội dung chính sách
Chính phủ hướng dẫn áp dụng cơ chế pháp lý trong thi hành quy định của BLDS năm 2015, luật khác có liên quan về xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm.
3.2. Mục tiêu của chính sách
Bảo đảm thuận lợi, thống nhất, hiệu quả, phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro pháp lý, chi phí trong thi hành quy định của BLDS năm 2015, luật khác có liên quan về xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm.
3.3. Giải pháp thực hiện chính sách
Dựa trên cơ sở đánh giá tác động tích cực, tiêu cực, chi phí, lợi ích của các giải pháp thực hiện chính sách, Chính phủ hướng dẫn áp dụng cơ chế pháp lý về xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm, trong đó:
a) Xác định rõ hơn điều kiện có hiệu lực của giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm; mối quan hệ pháp lý giữa công chứng, chứng thực giao dịch bảo đảm và đăng ký biện pháp bảo đảm; hiệu lực đối kháng với người thứ ba; bảo vệ người thứ ba ngay tình; giao dịch bảo đảm vô hiệu một phần hoặc toàn bộ…;
b) Xác định rõ hơn phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm; bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác; một tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ; nhiều tài sản dùng để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ; xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm liên quan đến tài sản bảo đảm có tính chất đặc thù;
c) Xác định rõ hơn các vấn đề pháp lý liên quan đến bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong tương lai; bảo lưu quyền sở hữu, cầm giữ tài sản; mối quan hệ pháp lý giữa bảo lưu quyền sở hữu, cầm giữ tài sản với biện pháp bảo đảm khác;
d) Xác định rõ hơn các điều kiện pháp lý trong trường hợp bên nhận bảo đảm là cá nhân hoặc tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tín dụng.
4. Chính sách 4: Hoàn thiện cơ chế pháp lý về xử lý tài sản bảo đảm theo hướng thuận lợi, hiệu quả, thống nhất, ít rủi ro và tác động tiêu cực
4.1. Nội dung chính sách
Chính phủ hướng dẫn áp dụng cơ chế pháp lý trong thi hành các quy định của BLDS năm 2015, luật khác có liên quan về xử lý tài sản bảo đảm.
4.2. Mục tiêu của chính sách
Bảo đảm thuận lợi, hiệu quả, thống nhất và sự ổn định của giao dịch và các quan hệ xã hội khác có liên quan; giảm thiểu rủi ro pháp lý, chi phí trong thi hành quy định của BLDS năm 2015, luật khác có liên quan về xử lý tài sản bảo đảm.
4.3. Giải pháp thực hiện chính sách
Dựa trên cơ sở đánh giá tác động tích cực, tiêu cực, chi phí, lợi ích của các giải pháp thực hiện chính sách, Chính phủ hướng dẫn áp dụng cơ chế pháp lý xử lý tài sản bảo đảm, trong đó:
a) Xác định rõ hơn căn cứ xử lý tài sản bảo đảm; thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm;
b) Xác định rõ hơn các trường hợp xử lý theo phương thức: tự bán tài sản bảo đảm, nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ hoặc xử lý tài sản trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc bên nhận bảo đảm tiếp cận trực tiếp, chi phối trực tiếp tài sản bảo đảm hoặc phương thức xử lý khác;
c) Xác định rõ hơn thứ tự ưu tiên thanh toán;
d) Xác định rõ hơn trách nhiệm dân sự của các bên do chậm thực hiện nghĩa vụ liên quan trong trường hợp tài sản bảo đảm đã được xử lý.
V. DỰ KIẾN NGUỒN LỰC, ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM CHO VIỆC THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SAU KHI ĐƯỢC THÔNG QUA
1. Về nguồn nhân lực
Cơ bản sử dụng nguồn nhân lực hiện có trong xây dựng pháp luật, áp dụng và thi hành pháp luật nên không phát sinh thêm nguồn nhân lực cho việc thi hành Nghị định sau khi được thông qua.
2. Về nguồn lực kinh phí
– Kinh phí cho việc thực hiện chính sách trong đề nghị xây dựng Nghị định sau khi được Chính phủ thông qua được đảm bảo bằng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn hỗ trợ khác phù hợp với quy định pháp luật.
– Kinh phí cho tổ chức thi hành Nghị định sau khi được ban hành được bảo đảm bằng ngân sách nhà nước hoặc nguồn hỗ trợ khác phù hợp với quy định của pháp luật dành cho các hoạt động: tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng, pháp điển hóa và các hoạt động khác có liên quan theo quy định của pháp luật.
VI. THỜI GIAN DỰ KIẾN TRÌNH CHÍNH PHỦ
Bộ Tư pháp dự kiến trình Chính phủ vào tháng 12 năm 2020.
[1] Pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, lâm nghiệp, khoáng sản, doanh nghiệp, đầu tư, tín dụng, chứng khoán, bảo hiểm, hàng không, hàng hải, chuyển giao công nghệ, hôn nhân và gia đình…
[2] Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, Luật Lâm nghiệp năm 2017, Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Luật Công chứng năm 2014, Luật Đấu giá năm 2016, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Trọng tài thương mại năm 2010, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014);…
[3] Qua các hoạt động tổng kết, Bộ Tư pháp nhận được nhiều ý kiến cụ thể về vướng mắc, bất cập phát sinh do chưa có sự thống nhất trong áp dụng BLDS năm 2015, luật khác có liên quan. Trên cơ sở các ý kiến này, Bộ Tư pháp đã khái quát hóa thành những chính sách lớn mang tính chất bao quát như trong Tờ trình. Còn những vấn đề vướng mắc cụ thể, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan trên cơ sở các chính sách được Chính phủ thông qua để xây dựng thành các quy định cụ thể trong dự thảo Nghị định.
CIVILLAWINFOR Tổng hợp
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: 1. SỬA ĐỔI BLDS 2005, Quy định chung về nghĩa vụ và bảo đảm nghĩa vụ |
[…] 20 thg 5, 2020 — I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH. Trải qua hơn 13 năm thi hành, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ (được sửa đổi, … => Đọc thêm […]