LS. HOÀNG THỊ HOÀI THU – LS. HỒ THỊ TRÂM – Chuyên gia LƯƠNG VĂN LÝ – CÔNG TY TNHH LUẬT GLOBAL VIỆT NAM LAWYERS
1. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại khi hòa cảnh thay đổi bởi Covid-19
Tình hình dịch bệnh do Covid-19 gây ra ngày càng diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 05/4/2020, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới đã lên tới 1.199.583 người, với 64.662 ca tử vong.
Khi hoàn cảnh thay đổi và khó khăn phải gánh chịu
Dịch bệnh đã kéo theo hậu quả là kinh tế hầu hết các nước đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tại Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), các chuyên gia thậm chí còn cảnh báo chủng virus corona mới có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD trong năm nay.
Trước bối cảnh nêu trên, các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng không tránh khỏi những thiệt hại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc duy trì hoạt động bình thường là không thể, dẫn đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của các bên theo những hợp đồng đã giao kết cũng bị ảnh hưởng.
Để hạn chế phần nào khó khăn, hẳn nhiên, bên bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi tình hình dịch bệnh luôn mong muốn điều chỉnh hoặc chấm dứt hợp đồng đã giao kết.
Câu chuyện sẽ thuận lợi nếu bên còn lại “cảm thông” và thiện chí chịu cùng nhau ngồi lại, cùng nhau cân nhắc nhằm đạt được sự đồng thuận trong việc điều chỉnh hay thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, nếu bên còn lại không đồng ý chia sẻ khó khăn, sự bất đồng quan điểm sẽ dẫn đến tranh chấp giữa các bên.
Ai có thẩm quyền giải quyết tranh chấp khi hoàn cảnh thay đổi
Các bên tham gia hợp đồng đều hiểu rằng, tuân thủ các quy định trong hợp đồng đã được thỏa thuận là điều rất cần thiết và quan trọng để các bên đều có thể đạt được mục đích hướng đến. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng đã xuất hiện nguyên nhân khách quan dẫn đến thay đổi rất lớn. Khi đó việc cứng nhắc duy trì các điều khoản đã không còn phù hợp nữa có vẻ như “bất công” với bên bị thiệt hại do hoàn cảnh thay đổi dù họ hoàn toàn không có lỗi.
Chính vì lẽ đó, luật Việt Nam cũng như luật pháp nhiều nước đã rất tiến bộ khi tạo cơ sở pháp lý để bên bị thiệt hại nghiêm trọng hơn có quyền yêu cầu bên còn lại phải cùng nhau giải quyết khó khăn.
Cụ thể, tiếp nối tinh thần của pháp luật Việt Nam ghi nhận về quyền của các bên khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản trong một số trường hợp, Bộ luật Dân sự 2015 (“BLDS 2015“) của Việt Nam đã có hẳn một điều khoản (Điều 420) về hoàn cảnh thay đổi cơ bản để các bên có cơ sở nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp này.
Theo Khoản 2 và 3 Điều 420 của BLDS 2015, trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý; trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án:
(i) Chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định;
(ii) Sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
Như vậy, BLDS 2015 đã quy định rõ, nếu không thể thỏa thuận, các bên có thể yêu cầu Tòa án “can thiệp” theo một trong hai hướng nêu trên để quyền và lợi ích các bên được đảm bảo trên cơ sở phù hợp với hoàn cảnh thực tế đã thay đổi cơ bản.
Trọng tài có thẩm quyền không?
Có quan điểm cho rằng, mặc dù Điều 420 BLDS 2015 quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản thuộc về Tòa án, nhưng cần phải hiểu và giải thích điều luật này theo hướng “Tòa án” ở đây là bao gồm cả Tòa án và cơ quan Trọng tài có thẩm quyền (nếu các bên có thỏa thuận về việc lựa chọn Trọng tài là cơ quan giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng).
Liệu rằng cách hiểu, giải thích Điều 420 về thẩm quyền giải quyết tranh chấp như quan điểm trên có đúng với ý chí các nhà làm luật hay không? Để tìm ra câu trả lời cho vấn đề này, có thể xem xét các quy định của BLDS 2015 về thẩm quyền giải quyết tranh chấp nói chung và quy định của một số bộ luật/ luật về thẩm quyền giải quyết một số tranh chấp đặc thù.
(i) Từ quy định chung của BLDS 2015, Khoản 1 Điều 10 của BLDS 2015 quy định rằng cá nhân, pháp nhân không được lạm dụng quyền dân sự của mình gây thiệt hại cho người khác, để vi phạm nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện mục đích khác trái pháp luật. Trường hợp cá nhân, pháp nhân không tuân thủ quy định nói trên thì Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác căn cứ vào tính chất, hậu quả của hành vi vi phạm mà có thể không bảo vệ một phần hoặc toàn bộ quyền của họ, buộc bồi thường nếu gây thiệt hại và có thể áp dụng chế tài khác do luật quy định.
Khoản 1 Điều 14 của BLDS 2015 quy định rằng “Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân. Trường hợp quyền dân sự bị xâm phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại Tòa án hoặc Trọng tài. Việc bảo vệ quyền dân sự theo thủ tục hành chính được thực hiện trong trường hợp luật quy định. Quyết định giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính có thể được xem xét lại tại Tòa án.”
Điều 15 của BLDS 2015 quy định rằng “Khi giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền dân sự, Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.”
Theo các quy định nêu trên thì khi quyền dân sự bị xâm phạm hoặc khi phát sinh tranh chấp, cá nhân, pháp nhân có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài hoặc cơ quan có thẩm quyền khác bảo vệ quyền lợi của mình. Như vậy, nội hàm của các điều luật cũng đã có sự phân biệt Tòa án với Trọng tài và cơ quan có thẩm quyền khác.
Do đó, khi điều luật ghi nhận rằng thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong trường hợp nhất định thuộc về “Tòa án” thì điều đó có nghĩa là Tòa án sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đó, chứ không phải Trọng tài hay cơ quan có thẩm quyền khác sẽ được quyền giải quyết tranh chấp.
Trong trường hợp luật trao thẩm quyền bảo vệ quyền dân sự bị xâm phạm hoặc thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho cả Tòa án lẫn Trọng tài và/hoặc cơ quan có thẩm quyền khác thì điều luật sẽ thể hiện minh thị rằng “Tòa án, Trọng tài, hoặc cơ quan có thẩm quyền khác có thẩm quyền giải quyết tranh chấp” hoặc sẽ thể hiện rằng “Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác” hoặc tùy theo cấu thành của điều luật và ý chí của nhà làm luật mà điều luật sẽ có cách thức quy định phù hợp.
Nhưng dẫu bằng cách nào đi chăng nữa, để trao thẩm quyền bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân hay thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho Tòa án hoặc một cơ quan nào khác, điều luật phải thể hiện rõ ràng tranh chấp nào, thẩm quyền gì, được trao cho ai.
Chẳng hạn, Khoản 2 Điều 164 của BLDS 2015 quy định rằng “chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.
Hay Điều 169 của BLDS 2015 quy định “khi thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản, chủ thể có quyền yêu cầu người có hành vi cản trở trái pháp luật phải chấm dứt hành vi đó hoặc có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người đó chấm dứt hành vi vi phạm”.
Hoặc như Điều 301 của BLDS 2015 quy định rằng “người đang giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 299 của BLDS 2015. Trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.”
2. Quy định của các luật, bộ luật khác về thẩm quyền giải quyết một số tranh chấp trong các lĩnh vực chuyên ngành
Luật Thương mại 2005
Phù hợp với BLDS 2015 về việc thể hiện rõ thẩm quyền giải quyết tranh chấp chỉ được trao cho Tòa án hay vừa được trao cho Tòa án, vừa được trao cho Trọng tài và/hoặc cơ quan có thẩm quyền khác, Luật Thương mại 2005 cũng quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các bên, được thể hiện tại Điều 317 về hình thức giải quyết tranh chấp như sau: hình thức giải quyết tranh chấp trong hoạt động thương mại gồm: thương lượng giữa các bên hoặc hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải; hoặc giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án.
Có thể thấy rằng Điều 317 không những không ghi rằng thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc “Tòa án”, để người đọc tự hiểu và diễn giải “Tòa án” trong trường hợp này bao gồm cả Tòa án và cơ quan Trọng tài mà còn chỉ ra rất rõ thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong hoạt động thương mại được trao cho cả Tòa án và Trọng tài (phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên, phù hợp với các quy định liên quan).
Luật Đất đai 2013
Điều 203 của Luật Đất đai 2013 quy định rằng “Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau: 1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết; 2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây: (i) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 203 của Luật Đất đai 2013; (ii) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;
Như vậy, Luật Đất đai 2013 đã quy định rất rõ, tùy từng trường hợp liên quan đến giấy tờ pháp lý của đất tranh chấp mà Ủy ban nhân dân hay Tòa án sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Khi đọc Điều 203 của Luật đất đai, không thể diễn giải rằng “Tòa án” được đề cập trong Điều luật bao gồm cả Tòa án lẫn Trọng tài.
Theo chúng tôi, Luật Đất đai 2013 không trao thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cho cơ quan Trọng tài, bởi lẽ “Tòa án” được quy định tại Điều 203 Luật Đất đai 2013 chỉ được hiểu và cần phải hiểu một cách chung nhất và phù hợp với ý nghĩa vốn có của nó (phù hợp với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 và các bộ luật/luật khác), nghĩa là “Tòa án” chỉ là Tòa án (là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp) mà không bao gồm trong đó Trọng tài (là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của Luật Trọng tài Thương mại 2010) hay bất kỳ cơ quan nào khác.
Bộ luật Lao động 2012
Theo Điều 200 của Bộ luật Lao động 2012, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bao gồm: Hoà giải viên lao động và Toà án nhân dân.
Theo Điều 203 của Bộ luật Lao động 2012, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể (tranh chấp về quyền) bao gồm: Hòa giải viên lao động; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện; Toà án nhân dân.
Ngoài những cơ quan nói trên, Bộ luật Lao động 2012 không giao thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cho cơ quan nào khác. Trên thực tế, các cơ quan Trọng tài cũng không thụ lý và giải quyết các tranh chấp lao động.
Tóm lại, từ phân tích nêu trên có thể nhận định rằng khi pháp luật hiện hành thể hiện thẩm quyền giải quyết tranh chấp nói chung hay tranh chấp khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản thuộc về “Tòa án” thì chỉ có thể hiểu rằng pháp luật chỉ đang đề cập đến Tòa án mà không thể hiểu rằng “Tòa án” bao gồm cả Tòa án, cả Trọng tài và những cơ quan có thẩm quyền khác. Trong trường hợp, hợp đồng giữa các bên (thương nhân hoặc có ít nhất một bên là thương nhân và mục đích của các bên khi giao kết là lợi nhuận) có điều khoản giải quyết tranh chấp bằng cơ chế Trọng tài thì điều khoản này được hiểu là chỉ áp dụng đối với những tranh chấp phát sinh từ hợp đồng, trong điều kiện “bình thường”. Điều khoản Trọng tài này sẽ không được áp dụng trong trường hợp tranh chấp phát sinh do hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Nếu điều khoản Trọng tài trong hợp đồng có nội dung thể hiện rõ rằng cơ quan Trọng tài sẽ giải quyết tranh chấp khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản thì nội dung đó của điều khoản Trọng tài có khả năng sẽ bị vô hiệu.
Vì sao lại có quan điểm cho rằng Trọng tài được quyền giải quyết tranh chấp khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản?
Tại sao vẫn có quan điểm cho rằng Trọng tài được quyền giải quyết tranh chấp khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản? Có thể quan điểm này xuất phát từ việc tham khảo quá trinh diễn giải và áp dụng pháp luật tại một số nơi trên thế giới liên quan đến thẩm quyền giải quyết tranh chấp khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
Chẳng hạn như án lệ áp dụng PICC tại Tòa án trọng tài quốc tế ICC (số 7365/FMS, số 8873, 9994, 12446… ) và thực tiễn xét xử trọng tài của nhiều quốc gia (Hà Lan, Đức,…) cho thấy mặc dù luật chỉ định cơ quan xét xử là “Court” (Tòa án), tuy nhiên thuật ngữ “Tòa án” ở đây được diễn giải là bao gồm cả Tòa án Trọng tài (Arbitration Court) và vẫn cho phép Trọng tài có thẩm quyền xét xử trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
Vậy có nên trao cho Trọng tài thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh do hoàn cảnh thay đổi cơ bản không?
Thực tiễn cho thấy, việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng cơ chế Trọng tài, một trong các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (“ADR“) trong thời gian qua đã rất hiệu quả. Bên cạnh đó, Điều 2 Luật Trọng tài Thương mại 2010 cũng đã quy định khá “mở” về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Trọng tài bao gồm:
(1) Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại;
(2) Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại;
(3) Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.
Hơn nữa, khi hoàn cảnh thay đổi thì quan hệ giữa các bên trong hợp đồng thương mại vẫn không đổi và tranh chấp giữa các bên vốn dĩ vẫn là tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại, thỏa mãn điều kiện để Trọng tài được giải quyết tranh chấp này theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 của LTTTM 2010. Như vậy, tiếp cận từ tính hiệu quả của ADR, và quy định mở của Luật Trọng tài thương mại 2010, có thể thấy rằng cần bổ sung Điều 420 BLDS 2015.
Kiến nghị sửa đổi BLDS 2015 và bổ sung Luật thương mại 2005
Như vậy, để tạo sự đồng bộ giữa Bộ Luật Dân sự và Luật Trọng tài Thương mại cũng như phù hợp với thông lệ và thực tiễn quốc tế, chúng tôi đề nghị rằng Bổ sung Điều 420 của BLDS 2015 theo hướng cho phép Trọng tài giải quyết tranh chấp giữa các bên phát sinh do hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Đồng thời, bổ sung quy định thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản vào Luật thương mại 2005. Theo đó, Trọng tài sẽ có đầy đủ thẩm quyền để sửa đổi hoặc chấm dứt hợp đồng đã giao kết giữa các bên như thẩm quyền của Tòa án hiện nay.
THẢO LUẬN CỦA CIVILLAWINFOR:
1. Điều 14.1 BLDS năm 2015 về bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền:
“Trường hợp quyền dân sự bị xâm phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại Tòa án hoặc trọng tài”.
Như vậy, BLDS năm 2015 dưới góc độ bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền đã ghi nhận chủ thể quan hệ pháp luật dân sự có quyền lựa chọn yêu cầu cơ quan Tòa án hoặc trọng tài bảo vệ quyền dân sự cho mình khi bị xâm phạm hoặc có tranh chấp. Trường hợp này xét dưới góc độ lựa chọn của người dân thì vị trí của Tòa án và của Trọng tài là ngang nhau và nó cũng thể hiện rõ sự lựa chọn này không chỉ áp dụng riêng đối với hợp đồng thương mại mà còn có thể ở các hợp đồng phi thương mại. Tuy nhiên, BLDS là luật quy định về quy tắc ứng xử trong các quan hệ tư chứ không phải là luật về thủ tục giải quyết tranh chấp tư. Do dó, việc xác định thẩm quyền, thủ tục trong giải quyết yêu cầu của người dân thì phải căn cứ vào pháp luật tố tụng tại Tòa án hoặc Trọng tài.
2. Việc BLDS năm 2015, luật khác điều chỉnh quan hệ tư trong lĩnh vực cụ thể về giao dịch, hợp đồng thường chỉ ghi nhận về vai trò của Tòa án trong bảo vệ quyền dân sự, phải chăng đã loại trừ thẩm quyền của Trọng tài trong giải quyết tranh chấp tư?
Về vấn đề này, trong quá trình xây dựng BLDS năm 2015, cũng có ý kiến (ví dụ, VIAC) đề nghị các quy định liên quan đến giao dịch, hợp đồng cần ghi rõ Tòa án hoặc trọng tài để bảo đảm thẩm quyền của Trọng tài và thực tế cũng đã có sự tranh luận kéo dài về vấn đề này. Cuối cùng, BLDS năm 2015 đã dành một khoản duy nhất (Điều 14.1) để ghi nhận vị trí của Trọng tài trong bảo vệ quyền tư, giải quyết tranh chấp tư. Tuy nhiên, cần lưu ý, cùng với Điều 2.2, Điều 3.2, khoản này có vị trí là quy định chung, mang tính nguyên tắc, chi phối, xuyên suốt khi được đặt tại Chương về xác lập, thực hiện, bảo vệ quyền dân sự (Chương II) của Phần thứ nhất – Quy định chung của BLDS và BLDS có vị trí, vai trò là luật chung điều chỉnh quan hệ tư.
Vậy phải chăng, việc Bộ luật dân sự, luật khác có liên quan ghi nhận cụ thể vai trò của Tòa án trong bảo vệ các quyền tư (không chỉ ở vấn đề điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi tại Điều 420) thì thẩm quyền của Trọng tài đã bị loại trừ?. Không thể hiểu như vậy, thực tế cho thấy, Trọng tài vẫn có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tư từ trước đến nay khi mà BLDS năm 1995, 2005 và hầu hết luật khác có liên quan của Việt Nam đều có cách tiếp cận như BLDS năm 2015, Trọng tài có thẩm quyền hay không có thẩm quyền là hoàn toàn phụ thuộc vào quy định của Luật Trọng tài thương mại và sự lựa chọn của các bên, đó không phải là nhiệm vụ của Bộ luật dân sự, luật khác điều chỉnh quan hệ tư trong lĩnh vực cụ thể (ví dụ, bản thân cái tên Luật Trọng tài thương mại cũng có thể dẫn tới cách hiểu Trọng tài không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng phi thương mại?).
Tiếp cận của BLDS năm 2015 như đang thảo luận là được cân nhắc từ vị trí, vai trò của Tòa án và Trọng tài trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Luật TCTAND, BLTTDS, Luật Trọng tài thương mại… Một trong các căn nguyên là, Tòa án với vị trí là cơ quan xét xử của Nhà nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp, có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ quyền tư không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự theo thẩm quyền hoặc kể cả vì lý do chưa có điều luật để áp dụng (Điều 14 BLDS năm 2015, Điều 4 BLTTDS), trọng khi đó trọng tài viên có quyền “chấp nhận hoặc từ chối giải quyết tranh chấp” (Điều 21 Luật Trọng tài thương mại). Việc trọng tài viên có quyền từ chối giải quyết tranh chấp cho thấy rõ bản chất của mối quan hệ giữa trọng tài viên với các bên tranh chấp là sự thỏa thuận và thất rõ sự khác giữa sứ mệnh của Trọng tài, trọng tài viên với Tòa án, thẩm phán trong bảo vệ quyền tư của người dân. Bên cạnh đó, quy định của BLDS áp dụng cho tất cả các quan hệ hợp đồng tư không chỉ có quan hệ hợp đồng thương mại, trong khi Luật về trọng tài lại là Luật Trọng tài thương mại và dường như nhóm tác giả cũng chỉ quan tâm đến riêng hợp đồng thương mại?, Xét về nguyên tắc áp dụng pháp luật, Điều 4 BLDS năm 2015 cũng đã ghi nhận nguyên tắc ưu tiên luật điều chỉnh trong lĩnh vực riêng, trường hợp luật này không có quy định thì quy định của BLDS được áp dụng, đồng thời luật điều chỉnh trong lĩnh vực riêng có quy định trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì quy định của BLDS cũng được áp dụng…
Với cách tiếp cận như vậy, việc nhóm tác giả có đề nghị sửa BLDS, Luật Thương mại để phù hợp với Luật Trọng tài thương mại đã đi đúng vấn đề chưa? có giải quyết được tận cùng vấn đề hay không? phải chăng cần phải đặt ưu tiên sửa đổi Luật Trọng tài thương mại, Luật tố tụng khác có liên quan để đáp ứng được vị trí, vai trò của Trọng tại theo tinh thần Điều 14.1 BLDS năm 2015 và để thống nhất trong thực thi quyền lựa chọn của người dân về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tư?…
SOURCE: TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ LUẬT SƯ VIỆT NAM
Trích dẫn từ:
https://lsvn.vn/tham-quyen-giai-quyet-tranh-chap-hop-dong-thuong-mai-khi-hoan-canh-thay-doi-boi-covid-19.html
https://lsvn.vn/quy-dinh-cua-cac-luat-bo-luat-khac-ve-tham-quyen-giai-quyet-mot-so-tranh-chap-trong-cac-linh-vuc-chuyen-nganh.html
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: 5. Quan điểm của Tòa án và về Tòa án, CHƯA PHÂN LOẠI, Nhà nước và nền KTTT, PHÁP LUẬT VỀ TRỌNG TÀI, Thẩm quyền của Tòa án |
Leave a Reply