admin@phapluatdansu.edu.vn

QUYỀN KHỞI KIỆN CỦA CỔ ĐÔNG HOẶC CÔNG TY ĐỐI VỚI NGƯỜI QUẢN LÝ TRONG CÔNG TY CỔ PHẦN

LS. NGUYỄN DUY ANH – Công ty Luật Trí Minh

1. Đặt vấn đề

Kể từ Luật Doanh nghiệp năm 1999 đã khai sinh ra loại hình công ty cổ phần, một pháp nhân hoàn toàn xa lạ với thương nhân Việt Nam, vốn quen với loại hình hộ gia đình. Vốn công ty cổ phần vốn được chia thành các phần bằng nhau, và việc huy động vốn là không giới hạn. Trong đó những quyền hạn của các cổ đông với mức sở hữu cổ phần khác nhau là khác nhau, đương nhiên là cổ đông lớn có nhiều đặc quyền hơn cổ đông nhỏ. Để bảo vê cổ đông thì Luật Doanh nghiệp quy định nhiều thể chế, trong đó có thể chế khởi kiện người quản lý công ty của cổ đông. Bài luận này tập trung trả lời các câu hỏi chính sách khởi kiện người quản lý quy định trong luật có thực thi được không? Các kiến nghị và giải pháp để quyền khởi kiện người quản lý được thực thi hiệu quả hơn.

2. Nội dung

2.1. Quyền khởi kiện quản lý công ty của cổ đông

Điều 161 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 (LDN) quy định về khởi kiện người quản lý trong công ty cổ phần như sau:

“1. Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 06 tháng có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong các trường hợp sau đây:

a) Vi phạm nghĩa vụ người quản lý công ty theo quy định tại Điều 160 của Luật này;

b) Không thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ được giao; không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời nghị quyết của Hội đồng quản trị;

c) Thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao trái với quy định của pháp luật, Điều lệ công ty hoặc nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông;

d) Sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ cho lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;

đ) Sử dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;

e) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

2. Trình tự, thủ tục khởi kiện thực hiện tương ứng theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Chi phí khởi kiện trong trường hợp cổ đông, nhóm cổ đông khởi kiện nhân danh công ty sẽ tính vào chi phí của công ty, trừ trường hợp thành viên khởi kiện bị bác yêu cầu khởi kiện.”

Không phải tất cả cổ đông đều có quyền khởi kiện người quản lý công ty mà chỉ cổ đông có 1% cổ phần sở hữu liên tục 6 tháng trở lên. Lý do của hạn chế này là nhằm loại bỏ các cổ đông nhỏ từ công ty đối thủ sang quấy phá hoạt động của công ty, cũng như là để cổ đông nắm được hoạt động công ty trước khi thực thi quyền khởi kiện nhà quản lý.

Các chức danh có thể bị cổ đông khởi kiện bao gồm: thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, đây được xem là các chức danh cao nhất của công ty, có quyết quyết định hoạt động hàng ngày của công ty (sau đây gọi chung là người quản lý).

Các hành vi của người quản lý bị khởi kiện có thể chia thành hai nhóm là làm không đúng quyền, nghĩa vụ của công ty giao phó và hành vi tư lợi gây thiệt hại cho công ty. Hành vi không thực hiện đúng quyền hạn trách nhiệm của công ty giao phó được hiểu là lạm quyền hoặc không thực hiện công việc theo đúng quyền và nghĩa vụ của mình. Hành vi tư lợi được hiểu là thực hiện công việc nhằm phục vụ cho lợi ích cá nhân làm thiệt hại cho lợi ích công ty.

Chi phí khởi kiện trong trường hợp cổ đông nhân danh công ty để khởi kiện thì đươc tính vào chi phí công ty, trừ trường hợp bị bác đơn khởi kiện. Quy định này được hiểu việc khởi kiện vì lợi ích công ty nên chi phí công ty phải chịu, trường hợp cổ đông khởi kiện sai thì cổ đông tự chịu chi phí khởi kiện.

2.2. Việc thực thi trên thực tế của chính sách

Theo thống kê trên trang http://congbobanan.toaan.gov.vn/, không tìm thấy bản án của bất cứ vụ án cổ đông khởi kiện người quản lý công ty. Con số này có thể lý giải ở nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan là lượng cổ đông tại công ty chưa nhiều, đa số cũng là công ty gia đình nên không phát sinh nhu cầu khởi kiện, ngoài ra cũng có thể là chính sách khởi kiện người quản lý được thể chế hóa ở Luật không thể áp dụng thực tế dẫn đễn quyền này không thực hiện được. Nguyên nhân chủ quan có thể tính đến là bản thân cổ đông chưa ý thức được quyền bảo vê tài sản của mình thông qua khởi kiện người quan lý hoặc họ chưa có thói quen thực hiện các công việc này. Chúng ta cùng tiếp cận các chính sách hỗ trợ cho việc thực thi chính sách khởi kiện người quản lý để hiểu hơn lý do của việc chính sách này khó thực thi trên thực tế. Các chính sách hỗ trợ liên quan đến quyền khởi kiện nhà quản lý của cổ đông gồm: Quyền đề cử, bầu, bổ nhiệm người quản lý; quyền tiếp cận thông tin giao dịch công ty; chi phí và thời gian khởi kiện tại Tòa án.

2.2.1. Quyền đề cử, bầu, bổ nhiệm người quản lý công ty

Về việc đề cử để bầu Hội đồng quản trị (HĐQT) thì theo Điều 114.2.a LDN quy định:

“Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có các quyền sau đây:

a) Đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát;”

Việc bầu thành viên HĐQT theo nguyên tắc bầu dồn phiếu (Điều 144.3 LDN), Tổng giám đốc được HĐQT bổ nhiệm (Điều 157.1 LDN)

Như vậy, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% trở lên có đặc quyền đề cử cũng như có lượng phiếu bầu lớn hơn so với các cổ đông nhỏ. Điều này dẫn đến các chức danh quản lý có thể chịu sự kiểm soát của cổ đông lớn. Việc cổ đông lớn khởi kiện người quản lý có thể là không cần thiết mà họ có thể sử dụng quyền bầu bãi nhiệm để điều chỉnh hành vi người quản lý hoặc sử dụng quan hệ lao động với công ty để xử lý kỷ luật nếu cần.

2.2.2. Quyền tiếp cận thông tin công ty và nghĩa vụ chứng minh

LDN chia quyền tiếp cận thông tin cho cổ đông nhóm cổ đông từ 10% vốn điều lệ nhiều hơn so với cổ đông phổ thông bình thường (Điều 114 LDN).

2020-04-19 (12)

Quyền tiếp cận thông tin báo cáo tài chính, hoạt động điều hành, quản lý của công ty chỉ giành cho cổ đông hoặc nhóm cổ đông từ 10% vốn điều lệ trở lên, cổ đông dưới 10% vốn điều lệ không được phép tiếp cận.

Nghĩa vụ chứng minh của cổ đông khi khởi kiện nhà quản lý công ty không thuộc các trường hợp được miễn trừ theo Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS), mặc dù các tài liệu, chứng cứ được lưu trữ tại công ty và cổ đông nhỏ cũng không được tiếp cận. Tỷ lệ cổ đông nhỏ khởi kiện hành vi của Người quản lý công ty cũng sẽ tỷ lệ thuận với độ tiếp cận thông tin của họ.

2.2.3. Thời gian và chi phí khởi kiện

Thời gian xét xử sơ thẩm đối với vụ án tranh chấp thương mại là 5 tháng (Điều 203 BLTTDS ) cộng thêm 4 tháng để mở phiên tòa phúc thẩm nếu có kháng cáo, kháng nghị (Điều 286 BLTTDS). Như vậy tổng cộng thời gian giải quyết một vụ tranh chấp khởi kiện người quản lý công ty là 9 tháng theo BLTTDS. Đây là một thời gian khá dài.

Về chi phí khởi kiện thì người khởi kiện phải đóng tạm ứng án phí để Tòa án thụ lý (Điều 195.1 BLTTDS), trong giai đoạn thụ lý thì nếu phát sinh các chi phí tố tụng khác như giám định, ủy thác tư pháp thì người khởi kiện phải đóng thì Tòa án mới thực hiện. Theo Luật doanh nghiệp quy định nếu cổ đông nhân danh công ty để khởi kiện thì chi phí khởi kiện công ty chi trả. Tuy nhiên, thực tế tại giai đoạn nộp hồ sơ thì nếu cổ đông không chi tạm ứng án phí thì Tòa không thụ lý cũng như giai đoạn chuẩn bị xét xử cổ đông không đóng chi phí tố tụng thì Tòa không thực hiện theo yêu cầu nguyên đơn, trong khi đó người quản lý công ty sẽ không duyệt chi khoản chi phí này để đóng thay cho các cổ đông khởi kiện. Nghịch lý trong việc khởi kiện nhà quản lý công ty của cổ đông là giành lại quyền lợi cho công ty nhưng chi phí bỏ ra lại là tiền túi của mình, và nếu xét theo tỷ lệ vốn trong công ty đối với cổ đông nhỏ thì lợi ích gián tiếp nhận được nếu giành thắng lợi cho công ty cũng không đáng kể.

Cổ đông nhỏ không có động lực thực hiện việc khởi kiện nhà quản lý công ty khi phát hiện sai phạm của họ.

2.2.4. Hạn chế khởi kiện tập thể

BLTTDS chưa có quy định cụ thể cho việc khởi kiện tập thể. Việc nhập tách vụ án phụ thuộc quyết định chủ quan của thẩm phán (Điều 42 BLTTDS)..

Việc một nhóm cổ đông có nhu cầu khởi kiện nhà quản lý công ty khi phát hiện sự sai phạm của nhà quản lý có thể sẽ bị nản lòng vì thủ tục tố tụng yêu cầu mỗi người phải thực hiện 1 vụ kiện độc lập. Khởi kiện tập thể sẽ làm gia tăng sức mạnh cho nhóm cổ đông, việc không có quy định về việc khởi kiện tập thể cho trường hợp cổ đông khởi kiện công ty cũng là một rào cản pháp lý cho việc thực thi quyền này của nhóm cổ đông.

2.3. Hậu quả của việc chính sách không thực thi được

Thị trường chứng khoán muốn mạnh thì phải thu hút được nhiều nhà đầu tư. Nhà đầu tư chỉ an tâm khi tài sản của họ được bảo vệ. Trường hợp người quản lý đồng thời là cổ đông lớn hoặc có hành vi cầu kết tư lợi với cổ đông lớn thì sẽ gây thiệt hại rất lớn trực tiếp cho công ty và gián tiêp cho các cổ đông khác. Thị trường tài chính lúc này chỉ tập hợp của một số nhóm người có tài sản và sở hữu chéo tham gia không mang lại giá trị bền vũng cho sự phát triển thị trường tài chính.

Rõ ràng việc thực thi được chính sách khởi kiện nhà quản lý công ty sẽ tạo niềm tin cho cổ đông đặc biệt cổ đông nhỏ, tạo sự cẩn trọng minh bạch, tuân thủ pháp luật cho quản lý công ty, từ đó sức sống của công ty tăng lên và đem lại lợi ích cho tất cả cổ đông, nhân viên công ty và cho xã hội.

3. Kiến nghị

3.1. Xây dựng các cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả

Tranh chấp của cổ đông với người quản lý công ty mang tính chất nội bộ. Với văn hóa của người Việt Nam “tốt khoe xấu che” và rất ngại việc đến Tòa “vô phúc đáo tụng đình” nên việc giải quyết tranh chấp này cần thông qua một cơ quan theo cơ chế đặc biệt phù hợp hơn với văn hóa Việt Nam.

Cơ quan này nên chú trọng công tác hòa giải, thành viên của tổ chức này không cần là luật sư hay thẩm phán mà nên là các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nhân uy tín, những người có tâm huyết với việc xây dựng doanh nhân và kinh tế Việt Nam. Các phiên làm viêc của cơ chế hòa giải này cần được giải quyết nhanh chóng nhằm giúp các bên tháo gỡ các mâu thuẩn, việc sửa chữa sai lầm nếu có. Vì giải quyết nhanh chóng nên chi phí hòa giải cũng sẽ giảm bớt đáng kể. Cơ quan hòa giải này thành lập từ các hiệp hội doanh nghiệp, độc lập với Tòa án và là một thủ tục bắt buộc trước khi khởi kiện ra Tòa án.

Việc hòa giải này sẽ giúp giải quyết được hai bài toán về việc không thực thi được cơ chế khởi kiện người quản lý công ty, đó là thời gian và chi phí. Ngoài ra cơ chế hòa giải ngoài Tòa cũng phù hợp hơn với văn hóa của người Việt Nam, vốn thích “dĩ hòa vi quý”. Đây cũng là cơ chế hạn chế khởi kiện từ các cổ đông với ý đồ quấy phá hoạt động công ty, nghĩa là cơ chế này vừa tăng vừa giảm, tăng cơ hội cho việc giải quyết mâu thuẩn nội bộ, giảm các vụ quấy phá công ty.

3.2. Tăng quyền cho cổ đông nhỏ

Muốn cổ đông nhỏ phát triển thì phải cho nó không gian quyền lực. Cơ chế khởi kiện là sự khẳng định lớn nhất cho việc cam kết bảo vệ tài sản cho cổ đông nhỏ. Bên cạnh xây dựng cơ chế hòa giải để giúp cổ đông nhỏ tiết kiệm thời gian, chi phí cho việc khởi kiện nhằm tăng hình thức cho chính sách này. Thì cần phải tăng “ruột” cho chính sách bằng cách tăng quyền tiếp cận thông tin cho cổ đông nhỏ. Cổ đông nhỏ cần được báo cáo tất cả các giao dịch của công ty hàng quý, từ đó tăng cường sự giám sát của tất cả các cổ đông lên nhà quản lý công ty.

Ngoài ra, quy định giới hạn cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% cổ phần công ty liên tục trong 6 tháng cũng cần được gỡ bỏ, để mọi cổ đông đều có quyền bảo vệ tài sản của mình. Tỷ lệ 1% hay 10% đều mang tính tương đối phụ thuộc quy mô công ty đó. Ngoài ra việc giám sát các giao dịch của công ty đã được công khai cho tất cả cổ đông đã tạo nên tâm lý tin tưởng cao về sự minh bạch của công ty, nếu có các vụ quấy phá bằng việc thực thi quyền khởi kiện nhà quản lý công ty thì cũng không thể gây ảnh hưởng tiêu cực cho các cổ đông khác và công ty.

Việc tăng quyền cho cổ đông nhỏ công ty ngoài việc tạo tính khả thi cho quyền khởi kiện người quản lý còn có tác dụng tăng số lượng cổ đông nhỏ cho công ty từ đó các quyền lực của nhà quản lý sẽ được phân nhỏ hơn và có sự giám sát tốt hơn để tránh lạm quyền.

3.3. Sửa đổi, bổ sung BLTTDS

Để thực thi việc khởi kiện của cổ đông hay nhóm cổ đông đối với quản lý công ty thì BLTTDS cần bổ sung hai điểm sau: Một là miễn nghĩa vụ chứng minh cho cổ đông khi khởi kiện vì các tài liệu chứng cứ được lưu trữ tại công ty. Hai là quy định quyền khởi kiện tập thể được áp dụng cho trường hợp khởi kiện của cổ đông và nhóm cổ đông.

4. Tổng kết

Quyền đối với tài sản là gốc để tạo ra các quyền khác, bảo vệ được quyền đối với tài sản của các chủ thể trong xã hội thì sẽ tạo được sự phát triển bền vững cho xã hội đó. Quyền khởi kiện người quản lý trong công ty cổ phần là cơ chế để nhà nước bảo vệ tài sản cho cổ đông khi góp vốn cho công ty hoạt động. Thực thi quyền đó phải lựa chọn các cơ chế để phù hợp với văn hóa và thói quen của chính người dân nước ấy. Với văn hóa Việt Nam đề cao vai trò hòa giải khi có tranh chấp thì cần phát triển các cơ chế hòa giải và tăng quyền của cổ đông như một cơ chế phụ trợ để cổ đông bảo vệ tài sản và thực thi được quyền khởi kiện người quản lý.


SOURCE:

Nguyen Duy Anh (Mr) – Vice Director HCM office

+84.909774790 / +84 939333323 (ext 117)

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: