admin@phapluatdansu.edu.vn

VỀ VIỆC SỬ DỤNG THUẬT NGỮ TRONG DỰ THẢO BỘ LUẬT DÂN SỰ (SỬA ĐỔI)

Thời gian qua, có một số tranh luận về việc sử dụng thuật ngữ “Giao dịch dân sự” hay “Hành vi pháp lý”, “Quyền sở hữu” hay “Vật quyền”, “Trái quyền”… trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) nay là Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa thực sự phù hợp với các nguyên lý cơ bản của luật tư và vị trí, vai trò của Bộ luật Dân sự dẫn tới nhiều vướng mắc trong vận dụng, giải thích pháp luật hiện nay. Civillawinfor xin chia sẻ một số thông tin liên quan đến quá trình soạn thảo về vấn đề này.

I. Ý kiến của Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế tại Phiên họp giữa Bộ trưởng Bộ Tư pháp và nhóm chuyên gia Việt Nam, ngày 2/8/2014

Căn cứ vào kết quả lấy ý kiến thành viên chính phủ và các Bộ, ngành, chuyên gia, Vụ pháp luật dân sự – kinh tế đề xuất một số nội dung thảo luận trong Phiên làm việc giữa Bộ trưởng Hà Hùng Cường với nhóm chuyên gia tư vấn như sau:

1. Thảo luận về việc sử dụng thuật ngữ và nội dung liên quan đến hành vi pháp lý, vật quyền, trái quyền trong Bộ luật dân sự

Văn phòng Chính phủ, một số cơ quan và chuyên gia đề nghị không sử dụng thuật ngữ “hành vi pháp lý” thay cho “giao dịch dân sự”; cân nhắc việc sử dụng thuật ngữ “vật quyền”, “trái quyền” và nội dung của hai chế định này để Bộ luật dân sự được dễ hiểu, dễ áp dụng và nâng cao tính khả thi.

Đề nghị các chuyên gia cho ý kiến tham vấn về vấn đề này.

Quan điểm của Vụ pháp luật dân sự – kinh tế:

1.1. Hành vi pháp lý

Việc dự thảo Bộ luật sử dụng thuật ngữ “hành vi pháp lý” thay cho “giao dịch dân sự” là dựa trên các căn cứ sau đây:

Một là, trong giao lưu dân sự, việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quan hệ dân sự chịu sự chi phối, quyết định bởi các cấu thành sau đây: Chủ thể => khách thể => đối tượng => sự thể hiện ý chí (hay còn gọi là tuyên bố ý chí). Sự thể hiện ý chí của chủ thể được hỗ trợ bởi chế độ đại diện và bị giới hạn chế định thời hiệu hưởng quyền, miễn trừ nghĩa vụ (quy định vì sự ổn định của giao lưu dân sự và trách nhiệm của chủ thể trong thực hiện quyền của mình). Sự thể hiện ý chí của chủ thể có thể thực hiện thông qua thỏa thuận (hợp đồng) hoặc có thể thông qua ý chí đơn phương của một chủ thể (ví dụ, di chúc);

Hai là, “giao dịch dân sự” là thuật ngữ có nguồn gốc Hán – Việt có bản chất được hiểu theo ngôn ngữ tiếng Việt là sự đổi chác, mua bán với nhau. Do đó, nếu sử dụng “giao dịch dân sự” như là thuật ngữ biểu đạt cho sự thể hiện ý chí của chủ thể là không phù hợp, vì hai lý do: (1) chưa bao hàm hết tính đa dạng, phong phú với nhiều định dạng, biến thể khác trong thể hiện ý chí của chủ thể dân sự (ví dụ, hành vi kết hôn, hành vi ly hôn mà gắn với nghĩa đổi chác, mua bán là không phù hợp cả về nghĩa pháp lý và khía cạnh văn hóa. Trên thực tế, khi xác định hiệu lực của hành vi kết hôn hoặc hành vi ly hôn, ít có cơ quan có thẩm quyền nào lại vận dụng quy định về giao dịch dân sự trong Bộ luật dân sự để vận dụng giải quyết cho các quan hệ này trong trường hợp Luật hôn nhân và gia đình không có quy định); (2) xét về hình thức biểu đạt của sự thể hiện ý chí, thì “giao dịch dân sự” không thể biểu đạt đầy đủ, đúng nghĩa trong trường hợp sự thể hiện ý chí là kết quả của ý chí đơn phương không thông qua giao kèo, đổi chác, mua bán;

Ba là, việc sử dụng đúng từ ngữ trong Bộ luật dân sự có vai trò rất quan trọng, nó có tính định hướng không chỉ về mặt lý luận, nguyên lý mà còn định hướng cho hoạt động xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật. Việc trùng lắp trong quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về giao dịch dân sự và hợp đồng là minh chứng cho việc sử dụng thuật ngữ chưa đúng, dẫn tới sự “lúng túng” của nhà làm luật khi quy định về sự thể hiện ý chí của chủ thể trong quan hệ dân sự và khi quy định về hợp đồng;

Bốn là, dự thảo Bộ luật đã bổ sung Điều 693 về Điều khoản chuyển tiếp trong đó đã quy định về việc áp dụng những hậu quả phát sinh từ việc sử dụng thuật ngữ “hành vi pháp lý” thay cho “giao dịch dân sự” liên quan đến quy định của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

1.2. Về vật quyền, trái quyền:

Việc sử dụng thuật ngữ “vật quyền”, “trái quyền” và nội dung của hai chế định này là dựa trên các căn cứ sau đây:

Một là, quy định “vật quyền”và “trái quyền” cũng là để bảo đảm thống nhất với nội dung, tinh thần của Hiến pháp về việc “Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, điều tiết nền kinh tế trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường” (Điều 53). Trong đó, việc vận hành nền kinh tế theo các quy luật thị trường mang một dấu hiệu cơ bản là công nhận tính đa dạng, phong phú về các quyền tài sản trong giao lưu dân sự. Để bảo đảm sự vận hành thông thoáng của nền kinh tế thị trường, đồng thời để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong điều chỉnh pháp luật thì nhà làm luật (từ thời La Mã đến các nước có nền kinh tế thị trường phát triển hiện nay) đã chia quyền tài sản (vốn rất phức tạp với nhiều định dạng, biến thể khác nhau) thành hai loại quyền cơ bản, đó là quyền cho phép chủ thể chi phối trực tiếp đối với vật mà không cần thông qua hành vi của người khác (vật quyền hay còn gọi là quyền đối vật) và quyền yêu cầu chủ thể khác thực hiện một công việc (trái quyền hay còn gọi là quyền đối nhân).

Trên cơ sở sự phân biệt giữa vật quyền và trái quyền, nhà làm luật cũng như các nhà hoạch định chính sách kinh tế – xã hội có một nguyên lý thống nhất trong xây dựng các chế độ pháp lý tương ứng cho các quyền tài sản có tính chất khác biệt. Trên cơ sở đó, các chủ thể trong giao lưu dân sự lựa chọn thực hiện các quyền tài sản phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của mình để phát huy cao nhất giá trị hàng hóa tài sản và giá trị hàng hóa của sức lao động. Mặt khác, quy định quyền tài sản trong giao lưu dân sự thành vật quyền và trái quyền cũng bảo đảm cho Việt Nam thuận lợi hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế hơn trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Bộ luật dân sự hiện hành đã ghi nhận một số quyền thể hiện nội dung của vật quyền như quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề (Điều 274), quyền về lối đi qua bất động sản liền kề (Điều 275), có những quy định về các quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản (Điều 173)… Tuy nhiên, vì không có chủ thuyết về vật quyền nên những quy định này có những hạn chế sau đây: còn nhiều loại vật quyền khác chưa được quy định trong Bộ luật dân sự, chưa quy định cụ thể mối quan hệ giữa các quyền, hậu quả pháp lý trong việc xử lý các quyền; chưa có sự phân biệt biện pháp bảo đảm đối vật và biện pháp bảo đảm đối nhân mặc dù trong cách thực hiện các biện pháp bảo đảm có sự khác nhau, chưa quy định triệt để về tính theo đuổi trong các quy định về thế chấp, do đó, đã hạn chế khả năng khai thác giá trị kinh tế của tài sản bảo đảm;

Hai là, theo nội dung, tinh thần của Hiến pháp “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa” (Điều 51) thì Bộ luật dân sự cần quy định cụ thể hóa để bảo đảm tài sản trong giao lưu dân sự là hàng hóa trong nền kinh tế thị trường. Ở đó, quyền tài sản không chỉ ràng buộc giữa hai bên trong quan hệ mà còn có thể ràng buộc với người thứ ba. Người thứ ba chính là động lực, là người trực tiếp giúp các chủ sở hữu khai thác tốt nhất các lợi ích mà tài sản đem lại, hay nói cách khác người thứ ba là người góp phần làm tăng giá trị kinh tế của tài sản. Vì thế, hiệu lực ràng buộc với người thứ ba, công nhận và bảo vệ lợi ích của người thứ ba là yêu cầu khách quan, bắt buộc trong nền kinh tế tự do trao đổi hàng hóa. Xét dưới góc độ này, các quan hệ nghĩa vụ (dự kiến cải cách thành trái quyền) thường chỉ có giá trị ràng buộc giữa hai bên trong quan hệ nghĩa vụ, chứ không ràng buộc được người thứ ba nếu như các bên không có thỏa thuận. Trong khi đó, quy định về tài sản và quyền sở hữu nếu được cải cách thành vật quyền sẽ đáp ứng tốt được yêu cầu khách quan này.

Ví dụ: chủ sở hữu tài sản có quyền kiện đòi lại tài sản của mình đang nằm trong tay người khác; chủ nợ nhận thế chấp có quyền kê biên tài sản thế chấp để bán và ưu tiên thu tiền trừ nợ mà chủ sở hữu cũng như bất kỳ ai khác không có quyền phản đối;

Ba là, việc quy định “vật quyền”, “trái quyền” có một ý nghĩa lớn về chính sách pháp luật trong việc bảo đảm trật tự xã hội và trật tự giao lưu dân sự không bị xáo trộn làm ảnh hưởng đến lợi ích chung và lợi ích của chính chủ thể. Đối với vật quyền, do có tính chất tuyệt đối, có tính loại trừ, có tính chất chi phối nên vật quyền phải do luật định cụ thể trên mọi khía cạnh: về các loại vật quyền, nội dung, hiệu lực của vật quyền và cách thức công khai vật quyền. Nếu vật quyền không dựa trên nguyên tắc luật định thì trật tự xã hội và trật tự giao dịch có thể bị xáo trộn làm ảnh hưởng đến lợi ích chung và lợi ích của chính chủ thể. Đối với trái quyền, để phát huy cao nhất năng lực của các chủ thể thì tự do ý chí, tự do thỏa thuận phải là nguyên tắc cơ bản, miễn sao ý chí của chủ thể không vi phạm điều cấm, đạo đức xã hội;

Bốn là, về lý thuyết, có thể thay thế thuật ngữ khác cho “vật quyền”, “trái quyền” để dễ hiểu hơn đối với người dân, ví dụ, thay vì dùng “vật quyền” thì dùng thuật ngữ “quyền sở hữu và quyền của người không phải là chủ sở hữu” hoặc “quyền sở hữu và các quyền liên quan đến quyền sở hữu”. Tuy nhiên, việc đơn giản hóa thuật ngữ như vậy không bảo đảm được nguyên lý cơ bản trong điều chỉnh các quyền đối vật vì “quyền của người không phải là chủ sở hữu” hoặc “quyền liên quan đến quyền sở hữu” không chỉ bao gồm các quyền đối vật mà còn có thể là các quyền đối nhân (trái quyền).

Mặt khác, thuật ngữ “vật quyền”, “trái quyền” có thể khó hiểu với người dân, thậm chí đối với cơ quan áp dụng pháp luật, nhưng qua quá trình thi hành pháp luật, nghiên cứu khoa học và phổ biến pháp luật thì thuật ngữ này cũng sẽ dần trở thành quen thuộc. Bộ luật dân sự hiện hành của nước ta đã và đang sử dụng nhiều thuật ngữ Hán – Việt như, “giao dịch dân sự”, “pháp nhân”, “thời hiệu”, “đại diện”…;

Năm là, nhiều Bộ luật dân sự hoặc luật về tài sản, hợp đồng trên thế giới từ trước đến nay (Luật La Mã, các bộ luật dân sự Đức, Nhật Bản, Campuchia, Liên bang Nga, Luật về vật quyền Trung Quốc…) và các học thuyết trên thế giới đã sử dụng thuật ngữ “vật quyền”, “trái quyền” để có thể bao quát được đầy đủ đối với các quyền đối vật, quyền đối nhân, bảo đảm tính ổn định trong việc điều chỉnh các quyền đối vật, quyền đối nhân phát sinh trong thực tiễn.

Thuật ngữ “vật quyền”, “trái quyền” cũng đã được sử dụng nhiều ở Việt Nam trong các giai đoạn lịch sử áp dụng các Bộ luật dân sự trước đây của nước ta (Bộ dân luật Sài Gòn năm 1972, Dân luật Bắc Kỳ năm 1931, Hoàng việt Trung kỳ hộ luật năm 1936). Sau ngày 2 tháng 9 năm 1945, do hoàn cảnh kháng chiến chống Pháp, các Bộ luật dân sự có trước năm 1945 vẫn được áp dụng. Ngày 22 tháng 5 năm 1950, chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 97/SL để “sửa đổi một số quy lệ và chế định trong dân luật” nhằm sửa đổi một số điều trong các bộ dân luật cũ này (chủ yếu bình đẳng nam, nữ; và bình đẳng trong gia đình), không có sửa đổi quy định liên quan đến vật quyền, trái quyền. Tại miền Bắc Việt Nam, ngày 10 tháng 7 năm 1959 Tòa án tối cao ra chỉ thị số 772/TATC để “đình chỉ việc áp dụng luật pháp cũ của phong kiến đế quốc”, trong đó có các quy định về vật quyền, trái quyền.

2. Thảo luận về bảo vệ người thứ ba ngay tình khi hành vi pháp lý vô hiệu (Điều 144 dự thảo Bộ luật)

Văn phòng Chính phủ, một số cơ quan đề nghị dự thảo Bộ luật quy định về bảo vệ người thứ ba ngay tình khi hành vi pháp lý vô hiệu theo quy định của Bộ luật dân sự hiện hành.

Đề nghị các chuyên gia cho ý kiến tham vấn về vấn đề này.

Quan điểm của Vụ pháp luật dân sự – kinh tế: việc dự thảo Bộ luật quy định “Trong trường hợp tài sản giao dịch là bất động sản hoặc động sản phải đăng ký quyền sở hữu mà tài sản đó đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau đó được chuyển giao bằng một hành vi pháp lý khác cho người thứ ba và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện hành vi pháp lý thì hành vi pháp lý đó không bị vô hiệu” là dựa trên những căn cứ sau đây:

Một là, để bảo đảm công bằng, hợp lý đối với người thiện chí, ngay tình và bảo đảm sự ổn định trong các quan hệ dân sự thì các Bộ luật dân sự trên thế giới đều ghi nhận trong giao dịch, người thứ ba ngay tình được bảo vệ (Bộ luật dân sự năm 1995, 2005 của nước ta cũng đã quy định về vấn đề này). Tuy nhiên, việc bảo vệ người thứ ba ngay tình theo nguyên tắc nào thuộc về chính sách pháp luật của từng nước. Nhưng nhìn chung, những nước quy định thời điểm xác lập, chấm dứt quyền sở hữu, vật quyền khác đối với bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu tính từ thời điểm đăng ký thì thường lựa chọn chính sách “hiệu lực công tín”, tức là, nếu người thứ ba ngay tình căn cứ vào việc tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà xác lập giao dịch thì người thứ ba ngay tình được bảo vệ;

Hai là, Bộ luật dân sự năm 2005 (Điều 168, Điều 439, Điều 692), Luật đất đai năm 2013 (khoản 3 Điều 188) quy định thời điểm xác lập, chấm dứt quyền sở hữu đối với bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu tính từ thời điểm đăng ký. Dự thảo Bộ luật dân sự tại Điều 176 về cơ bản kế thừa quy định của Bộ luật dân sự hiện hành và quy định của Luật đất đai năm 2013. Do đó, việc quy định bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền là phù hợp với nguyên tắc đăng ký bất động sản hiện nay và sẽ bảo đảm hơn về tính công bằng, hợp lý đối với người thiện chí, ngay tình, bảo đảm sự ổn định trong các quan hệ dân sự. Qua đó, khắc phục được những bất cập, hạn chế trong quy định của Bộ luật dân sự hiện hành là chỉ bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa;

Ba là, quy định như dự thảo Bộ luật không có nghĩa không tôn trọng và bảo vệ quyền của chủ sở hữu. Trong trường hợp do tài sản chưa được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền hoặc tài sản đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền nhưng đã được chuyển giao cho người thứ ba không ngay tình thì chủ sở hữu hoàn toàn có quyền kiện đòi tài sản từ người thứ ba. Trong trường hợp tài sản đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền và đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì chủ sở hữu có quyền yêu cầu bồi hoàn giá trị tài sản, bồi thường thiệt hại, thậm chí kiện bồi thường Nhà nước đối với cơ quan có thẩm quyền về đăng ký tài sản;

Bốn là, quy định như dự thảo Bộ luật sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn, lâu dài, ổn định hơn cho tất cả các bên, như: (1) chủ sở hữu, người có vật quyền để bảo vệ quyền lợi của mình thì phải đi đăng ký tài sản; (2) cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đăng ký tài sản phải có trách nhiệm hơn để bảo đảm tính chính xác, minh bạch, công khai trong đăng ký tài sản (về nguyên tắc, các cơ quan này có thể là chủ thể bị kiện trong bồi thường nhà nước, nếu việc đăng ký tài sản được thực hiện trái pháp luật); (3) người thứ ba cũng quan tâm hơn đến việc áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn pháp lý, hạn chế rủi ro cho mình… Những lợi ích này sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo đảm sự ổn định, minh bạch, công khai trong nền kinh tế được vận hành theo quy luật thị trường.

3. Thảo luận về thời hiệu yêu cầu về thừa kế

Văn phòng Chính phủ cho rằng, việc chỉnh lý dự thảo Bộ luật vẫn chưa khắc phục được những nhược điểm của quy định hiện hành về “thời hiệu khởi kiện về thừa kế”. VPCP đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý quy định này, tuy nhiên, VPCP cũng không có đề xuất nào khác.

Đề nghị các chuyên gia cho ý kiến tham vấn về vấn đề này.

Quan điểm của Vụ pháp luật dân sự – kinh tế:

Việc dự thảo Bộ luật không quy định thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế và chỉ quy định về thời hiệu để người thừa kế bác bỏ quyền thừa kế của người khác hoặc xác nhận quyền thừa kế của mình là mười năm, kể từ thời điểm người đó biết hoặc phải biết các trường hợp quy định về người không được quyền hưởng di sản là dựa trên các căn cứ sau đây:

Một là, về nguyên tắc người thừa kế có quyền hưởng di sản được sở hữu phần di sản được thừa kế kể từ thời điểm mở thừa kế. Xuất phát từ bản chất tuyệt đối của quyền sở hữu thì Nhà nước không thể căn cứ vào việc sau một thời hạn luật định mà người thừa kế không có yêu cầu chia di sản thừa kế thì tuyên bố họ mất quyền sở hữu đối với di sản;

Hai là, Bộ luật tố tụng dân sự (khoản 3 Điều 159 BLTTDS sửa đổi 2011) quy định: “Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự thì thực hiện như sau:

a) Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện”

Như vậy, pháp luật tố tụng hiện hành về cơ bản, đã ghi nhận việc không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp quyền sở hữu tài sản. Việc tiếp tục duy trì thời hiệu khởi kiện về thừa kế, đến thời điểm này, là không còn phù hợp.

Ba là, để bảo đảm đồng bộ với chính sách điều chỉnh trong quy định về thời hiệu là chỉ quy định về thời hiệu hưởng quyền và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự. Việc không quy định thời hiệu khởi kiện về thừa kế trong Dự thảo cũng là phù hợp với tinh thần chung của Dự thảo;

Bốn là, việc quy định những trường hợp người không được quyền hưởng di sản mà không ấn định thời hạn để các chủ thể yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác có thể dẫn tới sự mất ổn định trong các quan hệ có liên quan nếu để vụ việc diễn ra trong thời gian quá dài. Vì vậy, dự thảo bổ sung quy định thời hiệu bác bỏ quyền thừa kế của người khác hoặc xác nhận quyền thừa kế của mình phải trong thời hạn 10 năm kể từ thời điểm người đó biết hoặc phải biết các trường hợp người không được quyền hưởng di sản.

Năm là, nghiên cứu kinh nghiệm lập pháp của một số nước cho thấy, các nước này không quy định về thời hiệu chia di sản thừa kế.


II. KẾT CẤU DỰ THẢO BỘ LUẬT DÂN SỰ (SỬA ĐỔI) (Ngày 26/7/2014 – bản trình Chính phủ)

PHẦN THỨ NHẤT. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

CHƯƠNG I. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH, NGUYÊN TẮC CƠ BẢN VÀ ÁP DỤNG TẬP QUÁN, TƯƠNG TỰ PHÁP LUẬT

CHƯƠNG II. CÁ NHÂN

CHƯƠNG III. PHÁP NHÂN

CHƯƠNG IV. TÀI SẢN

CHƯƠNG V. HÀNH VI PHÁP LÝ

CHƯƠNG VI.  ĐẠI DIỆN

CHƯƠNG VII. THỜI HẠN VÀ THỜI HIỆU

PHẦN THỨ HAI. QUYỀN SỞ HỮU VÀ VẬT QUYỀN KHÁC

CHƯƠNG VIII. QUY ĐỊNH CHUNG

CHƯƠNG IX. CHIẾM HỮU

CHƯƠNG X. QUYỀN SỞ HỮU

CHƯƠNG XI. ĐỊA DỊCH

CHƯƠNG XII. QUYỀN CẦM CỐ, QUYỀN THẾ CHẤP, QUYỀN CẦM GIỮ VÀ BẢO LƯU QUYỀN SỞ HỮU

CHƯƠNG XIII. QUYỀN ƯU TIÊN

CHƯƠNG XIV. QUYỀN SỞ HỮU VẬT TRÊN ĐẤT THUỘC QUYỀN SỬ DỤNG CỦA NGƯỜI KHÁC

CHƯƠNG XV. QUYỀN HƯỞNG DỤNG

PHẦN THỨ BA. TRÁI QUYỀN

CHƯƠNG XVI. QUY ĐỊNH CHUNG

Mục 1. Căn cứ phát sinh và đối tượng của trái quyền

Mục 2. Thực hiện trái quyền

Mục 3. Đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lãnh

Mục 4. Trách nhiệm dân sự

Mục 5. Chuyển giao quyền yêu cầu và chuyển giao nghĩa vụ

Mục 6. Chấm dứt trái quyền

Mục 7. Hợp đồng

CHƯƠNG XVII. MỘT SỐ HỢP ĐỒNG THÔNG DỤNG

CHƯƠNG XVIII. THỰC HIỆN CÔNG VIỆC KHÔNG CÓ UỶ QUYỀN

CHƯƠNG XIX. NGHĨA VỤ HOÀN TRẢ DO CHIẾM HỮU, SỬ DỤNG TÀI SẢN, ĐƯỢC LỢI VỀ TÀI SẢN KHÔNG CÓ CĂN CỨ PHÁP LUẬT

CHƯƠNG XX. TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG

PHẦN THỨ TƯ. THỪA KẾ

CHƯƠNG XXI. QUY ĐỊNH CHUNG

CHƯƠNG XXII. THỪA KẾ THEO DI CHÚC

CHƯƠNG XXIII. THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT

CHƯƠNG XXIV. THANH TOÁN VÀ PHÂN CHIA DI SẢN

PHẦN THỨ NĂM. ÁP DỤNG PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI QUAN HỆ DÂN SỰ CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI

PHẦN THỨ SÁU. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH


III. Ý KIẾN CỦA MỘT SỐ TỔ CHỨC GÓP Ý VÀO DỰ THẢO BỘ LUẬT DÂN SỰ (SỬA ĐỔI) LIÊN QUAN ĐẾN HÀNH VI PHÁP LÝ (Trích từ Báo cáo của Bộ Tư pháp tổng hợp và tiếp thu, giải trình ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương đối với dự thảo Bộ luật Dân sự thuộc thành phần Hồ sơ Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Bộ luật dân sự)

* Phòng Thương mại và Công nghiệp:

Về mặt lý thuyết, việc thay đổi thuật ngữ này được cho là mang tính hình thức (thuần túy là thay đổi thuật ngữ, tên gọi) mà không làm ảnh hưởng tới nội dung của quy định. Từ góc độ này thì việc dùng thuật ngữ “hành vi pháp lý” không gây hệ quả gì lớn và được cho là phù hợp hơn với cách gọi của nhiều nước trên thế giới về chế định này và chính xác hơn về bản chất (bởi giao dịch hàm ý các bên, trong khi quan hệ dân sự có những hành vi pháp lý đơn phương, không có sự tham gia trực tiếp của “các bên”).

Tuy nhiên, cần cân nhắc về việc thay đổi thuật ngữ với các lý do sau:

– Thứ nhất, việc sử dụng thuật ngữ “giao dịch” không phải là không chính xác (so với “hành vi pháp lý”);

– Thứ hai, việc thay đổi thuật ngữ có thể dẫn tới các xáo trộn nghiêm trọng trong hệ thống pháp luật dân sữ cũng như thực tiễn áp dụng.

Ngoài ra, đề nghị bổ sung định nghĩa các thuật ngữ khác như “nội dung của hành vi pháp lý”, “chủ thể của hành vi pháp lý”…

* Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam:

Cần duy trì “giao dịch dân sự” vì các lý do sau:

– Thuật ngữ này đã gắn bó và trở thành thói quen của Việt Nam từ gần 20 năm nay. Trong vòng 20 năm áp dụng BLDS, thực tiễn cho thấy hoàn toàn không có bất kỳ bất cập nào. Do đó, không có lý do để bỏ thuật ngữ “giao dịch dân sự” và sở dĩ hành vi pháp lý đơn phương cũng là giao dịch dân sự là vì nó phát sinh những hệ quả đối với người khác như di chúc xuất phát từ ý chí của một người nhưng kéo theo hệ quả pháp lý với người khác nên hành vi pháp lý đơn phương là giao dịch dân sự là rất thuyết phục.

– Việc thay thế thuật ngữ không những không có lý do mà còn kéo theo chi phí xã hội rất lớn vì toàn bộ các quy định giao dịch dân sự bị thay thế bằng một khái niệm mới nên sẽ phải tập huấn, giải thích, viết lại cơ bản các tài liệu liên quan cho toàn xã hội. Hơn nữa, khái niệm “hành vi pháp lý” không hơn gì khái niệm “giao dịch dân sự” vì trừu tượng hơn. Nói cách khác, việc thay thế trên vừa không có ý nghĩa thực tế vừa gây tốn kém quá lớn cho xã hội.

* Hội luật gia Việt Nam:

Ttrong quá trình tổng hợp ý kiến hội viên, nhiều luật gia cho rằng Chương V dự thảo Bộ luật nên giữ nguyên khái niệm “giao dịch dân sự” như quy định hiện hành, không nên thay thế khái niệm “hành vi pháp lý” sẽ phù hợp hơn cả về khái niệm và thực tiễn áp dụng pháp luật.

* Liên đoàn Luật sư Việt Nam:

Theo quy định từ BLDS 2005 (Điều 121) và Điều 121 Dự thảo này thì “Giao dịch dân sự” hay “Hành vi pháp lý” đều là khái niệm để chỉ về hợp đồng và hành vi pháp lý đơn phương và việc sử dụng khái niệm nào trong trường hợp này cũng chỉ là ý chí chủ quan của nhà làm luật, chứ không phải do nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và các quan hệ dân sự trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Hơn nữa, trong thực tiễn nhiều năm nay, việc sử dụng khái niệm “Giao dịch dân sự” không hề làm ảnh hướng đến công tác nghiên cứu khoa học pháp lý và công tác áp dụng pháp luật. Trong khi đó, nếu sử dụng khái niệm “Hành vi pháp lý” để chỉ về quan hệ hợp đồng dân sự giữa nhiều chủ thể với nhau thì khó có thể thấy sự phù hợp giữa ngôn ngữ với hành động thực tế; đồng thời có thể dẫn đến nhầm lẫn với Hành vi pháp lý trong các lĩnh vực hành chính, lao động, hình sự …

Vì vậy, chúng tôi đề nghị tiếp tục sử dụng khái niệm “Giao dịch dân sự”, không thay đổi khái niệm “Giao dịch dân sự” thành “Hành vi pháp lý”.


IV. Ý KIẾN CỦA CHUYÊN GIA JICA tại Phiên họp giữa Bộ trưởng Bộ Tư pháp và nhóm chuyên gia Việt Nam, ngày 2/8/2014

Dự án JICA – 1/8/2014

Bộ Luật dân sự là pháp luật qui định “hệ thống quyền lợi và nghĩa vụ trong qua lại giữa cá nhân”. Vì thế nội dung và thể hiện của qui định đó phải là những gì để người dân thường được áp dụng Bộ Luật dân sự hiểu được. Mặt khác vì các khái niệm mà pháp luật dân sự xử lý đều là những gì có độ trừu tượng chuyên sâu nên hầu như không thể tránh được việc sử dụng thuật ngữ chuyên môn. Hai yêu cầu tương phản nhau này không hẵn sẽ có cái nào bắt buộc phải ưu tiên mà cần được nghiên cứu dựa trên nhiều sự thể.

Văn phòng chúng tôi xin trình bày dưới đây quan điểm của mình về 2 điểm được hỏi nhưng tự thể với tiền đề cần rất lưu ý rằng nhận thức và ý kiến của chúng tôi là người nước ngoài thì cũng có hạn chế đối với việc sử dụng thuật ngữ chuyên môn bằng tiếng Việt nam như thế nào thì thích hợp nhất.

(1) “Giao dịch dân sự” và “Hành vi pháp lý”

a) Kết luận

Thay vì thuật ngữ “Giao dịch dân sự” thì sử dụng “Hành vi pháp lý” hay thuật ngữ “Sự thể hiện ý chí” là bản chất của “Hành vi pháp lý” thì thích hợp trên mặt logic.

b) Lý do (Khái quát)

– Trong Bộ Luật dân sự hiện hành thuật ngữ “Giao dịch dân sự” không chỉ trong hợp đồng mà được sử dụng như là những gì gồm cả “Sự thể hiện ý chí” đơn phương. Nếu sử dụng như là thuật ngữ để chỉ khái niệm bao quát cả hai này thì như Vụ pháp luật kinh tế dân sự đã chỉ ra nó không phải là “Giao dịch dân sự” có ý nghĩa trao đổi ý chí qua lại giữa những chủ thể trên 2 người do đó sử dụng “Hành vi pháp lý” hay thuật ngữ “Sự thể hiện ý chí” là bản chất của “Hành vi pháp lý” thì sẽ thích hợp trên mặt logic hơn.

– Tuy đương nhiên sẽ thận trọng trong việc áp dụng mới thuật ngữ ít quen thuộc nhưng mặt khác tương tự như thuật ngữ chuyên môn “Giao dịch dân sự” có nguồn gốc chữ Hán Việt cũng cần có kiến thức pháp luật nhất định để hiểu chính xác nội dung ý nghĩa trong Bộ Luật dân sự.

– Khi sử dụng thuật ngữ chuyên môn nếu không sử dụng chính xác sẽ dễ dẫn đến xáo trộn khái niệm. Xáo trộn này gây ảnh hưởng xấu lên giáo dục Luật học tại đại học còn có khả năng gây ảnh hưởng không hay cho việc nuôi dưỡng nhân sự là rường cột của nước nhà trong tương lai.

(2) “Vật quyền” và “Trái quyền”

a) Kết luận

Việc phân biệt rõ giữa “Vật quyền” và “Trái quyền” và thể hiện đứng đắn sự khác biệt này trong Bộ Luật dân sự là pháp luật dân sự căn bản thì hữu ích khi tương lai xúc tiến hoàn thiện chế độ pháp luật trong lãnh vực pháp luật dân sự, pháp luật kinh tế.

Tự thể việc nên dùng thuật ngữ “Vật quyền” và “Trái quyền” thì hoàn toàn do xét đoán chính sách của Việt nam chúng tôi không thể đề xuất ý kiến được. Tuy nhiên nếu dùng 2 thuật ngữ này với khái niệm đi đôi thì ít nhất sẽ dễ hiểu cho người nước ngoài. Điều này có lẽ sẽ có ý nghĩa nhất định trong việc thúc đẩy kinh tế thị trường hội nhập quốc tế và kêu gọi đầu tư nước ngoài hơn nữa.

b) Lý do

– Đúng như ý kiến của Vụ pháp luật kinh tế dân sự quyền lợi trên mặt Luật tư trước giờ vẫn phân biệt thành 2 loại là quyền lợi chi phối trực tiếp vật không thông qua hành vi của người khác và quyền lợi yêu cầu người khác thực hiện công việc nhất định. Ngày hôm nay tuy có tồn tại quyền lợi mới khó phân loại bằng phương pháp truyền thống như quyền tài sản trí tuệ chẳng hạn nhưng sự khác biệt về bản chất của 2 loại nêu trên là điểm “Quyền lợi có thể yêu cầu (*Nhật dùng chữ chủ trương), đối kháng đối với tất cả mọi người” hoặc “Quyền lợi có thể yêu cầu, đối kháng chỉ đối với người nhất định” và phân định này vẫn tiếp tục hữu hiệu như trước giờ. Dành phân biệt rõ 2 quyền này trong Bộ Luật dân sự là pháp luật dân sự căn bản thì trong tương lai chắc sẽ hữu ích để hoàn thiện chế độ pháp luật thích hợp với từng quyền lợi trong lãnh vực pháp luật dân sự, pháp luật kinh tế.

– Tự thể việc phân định “Vật quyền” và “Trái quyền” chỉ là sắp xếp quyền sở hữu, quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề, quyền cầm cố, quyền thế chấp v.v…(Quyền lợi có thể yêu cầu, đối kháng đối với tất cả mọi người) như là vật quyền và nghĩa vụ căn cứ trên hợp đồng và hành vi ngoài hợp đồng khác (Quyền lợi có thể yêu cầu, đối kháng chỉ đối với người nhất định) đã được qui định trong Bộ Luật dân sự là trái quyền để hoàn thiện qui định thích hợp với tính chất của từng loại mà thôi. Do đó khó có thể cho rằng tự thể việc phân định này sẽ gây ảnh hưởng xấu trực tiếp nào đó cho xã hội Việt nam.

– Gọi những khái niệm này là “Vật quyền” và “Trái quyền” hoặc bằng ngôn từ khác như đã nêu trên đó là xét đoán chính sách, tuy nhiên ít nhất thuật ngữ “quyền của người không phải chủ sở hữu” không chỉ có quyền lợi có thể yêu cầu, đối kháng đối với tất cả mọi người mà còn được gồm cả quyền lợi có thể yêu cầu, đối kháng chỉ đối với người nhất định thì không thích hợp. Mặt khác, thuật ngữ “Quyền liên quan đến quyền sở hữu” thì không rõ để chỉ cái gì.

c) Ý kiến liên quan

Vì vật quyền là quyền lợi có thể yêu cầu, đối kháng đối với tấ cả mọi người nên không chỉ trên đương sự giao dịch liên quan đến vật quyền mà có khả năng gây ảnh hưởng lớn cả cho người thứ ba. Vì thế để làm rõ quan hệ quyền lợi nhằm bảo vệ đương sự và người thứ ba, vật quyền phải được làm rõ hoặc việc xác lập, biến động, làm mất đi vật quyền bắt buộc phải được công khai cho xem. Chỉ khi xác lập được chế độ công khai cho xem tin cậy được thì các đương sự mới có thể dự đoán được rõ ràng kết quả của giao dịch, kết quả là giao dịch sẽ sống động sẽ đóng góp cho cả phát triển kinh tế.

SOURCE: CIVILLAWINFOR TỔNG HỢP TỪ THÀNH PHẦN HỒ SƠ XÂY DỰNG DỰ THẢO BỘ LUẬT DÂN SỰ (Sửa đổi)

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: