admin@phapluatdansu.edu.vn

XÁC ĐỊNH HÀNH VI VI PHẠM TRÊN CƠ SỞ BẢN CHẤT PHẢN CẠNH TRANH CỦA HÀNH VI THEO PHÁP LUẬT CẠNH TRANH CHÂU ÂU

 PHÙNG VĂN THÀNH – Phòng Điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương

I. Giới thiệu và phân loại hành vi theo Điều 101, TFEU

Điều 101 trong Hiệp ước hoạt động của Liên minh Châu Âu (TFEU – Treaty on the Functioning of the European Union) là một trong những điều khoản cơ bản làm nền tảng pháp lý cho pháp luật cạnh tranh hay pháp luật chống độc quyền của Châu Âu. Điều 101 quy định mọi thoả thuận giữa các chủ thể trên thị trường, quyết định của hiệp hội và các hành vi phối hợp khác mà có thể gây ảnh hưởng đến thương mại giữa các nước thành viên và mang tính chất hoặc có tác động ngăn cản, hạn chế hoặc làm sai lệch bóp méo cạnh tranh trên thị trường chung trong liên minh đều bị cấm bởi không phù hợp với tinh thần và mục tiêu chung của thị trường.

Trước tiên có thể thấy quy định trên đây đã nêu rõ hai dạng hành vi khác nhau dựa trên mức độ cam kết giữa các thành viên tham gia đó là hành vi thoả thuận và hành vi phối hợp. Thoả thuận là trường hợp có sự trao đổi, gặp gỡ và đi đến thống nhất ý chí (meeting of mind) giữa hai hay nhiều chủ thể kinh doanh trên thị trường về một hay một số các yếu tố kinh doanh. Vì vậy, trong trường hợp thoả thuận thường có sự cam kết cao nhất của các thành viên đối với những nội dung đã được thống nhất, ít nhất là về mặt hình thức. Trong nhiều trường hợp các bên tham gia thoả thuận còn đặt ra các hình thức hay biện pháp chế tài để đảm bảo thực hiện các nội dung đã cam kết. Thoả thuận có thể thông qua nhiều hình thức khác nhau như thoả thuận miệng (trao đổi miệng trực tiếp, điện thoại…) hoặc bằng văn bản (email, thư tín, quyết định cuộc họp, biên bản cuộc họp, biên bản thoả thuận…). Trong trường hợp hành vi phối hợp không có sự thống nhất và tính cam kết cao như thoả thuận. Đây là trường hợp giữa các doanh nghiệp có sự ngầm hiểu với nhau về một vấn đề nào đó và từ đó có thể đưa ra những hành vi kinh doanh mang tính tương đồng.

Căn cứ quy định tại Điều 101, TFEU, bất kỳ một thoả thuận hay hành vi phối hợp nào giữa các chủ thể trên thị trường đều có nguy cơ bị xác định là hành vi vi phạm nếu mang bản chất hoặc gây tác động làm phương hại đến các hoạt động cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, điều khoản này cũng đưa ra hai tiêu chí để điều chỉnh đối với các hành vi thoả thuận hay phối hợp đó là mang bản chất phản cạnh tranh và  gây tác động phản cạnh tranh.Liên quan đến nội dung này, Toà án công lý Châu Âu (ECJ – European Court of Justice) cũng đã đưa ra quan điểm rất rõ rằng mang bản chất hoặc tác động phản cạnh tranh, làm phương hại cạnh tranh là những cấu thành hoàn toàn khác biệt của từng dạng hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 101, TFEU. Những hành vi mang bản chất phản cạnh tranh là những hành vi tự thân nó có tính chất phản cạnh tranh, xâm hại tới các hoạt động cạnh tranh trên thị trường. Mặc dù vậy, ECJ cũng cho rằng khi xác định một hành vi vi phạm trên cơ sở mang bản chất phản cạnh tranh thì trong một số trường hợp cũng cần phải xem xét thêm cả các tác động phản cạnh tranh do hành vi đã gây ra trên thực tế.

Mục đích của Điều 101, TFEU là nhằm ngăn chặn các hành vi phản cạnh tranh và thúc đẩy tiến trình hoà nhập kinh tế giữa các quốc gia thành viên trong Liên minh Châu Âu. Hội nhập và hoà nhập kinh tế là vấn đề cốt yếu đảm bảo cho sự thành công của Liên minh Châu Âu và cần phải được bảo vệ thông qua hoạt động ngăn chặn các thành phần kinh tế tư nhân tự tạo lập nên các rào cản kinh tế bằng các thoả thuận hoặc hành vi phối hợp. Thị trường thương mại tự do chung sẽ bị xâm hại nếu các doanh nghiệp trên thị trường có khả năng thực hiện các hành vi phản cạnh tranh như thoả thuận hạn chế thị trường, thống nhất ấn định giá đối với sản phẩm, thông thầu. Vì vậy, Điều 101 của TFEU không chỉ chứa đựng các quy định pháp lý cốt lõi làm nền tảng cho pháp luật chống độc quyền của Châu Âu mà còn là công cụ quan trọng nhằm đảm bảo mục tiêu xây dựng và duy trì sự vận hành hiệu quả của khu vực thị trường chung trong toàn Liên minh Châu Âu.

Một hành vi được xác định vi phạm Điều 101 căn cứ trên cơ sở tính chất phản cạnh tranh của hành vi nếu như hành vi đó tự thân mang bản chất phản cạnh tranh, xâm hại tới các hoạt động cạnh tranh trên thị trường. Tính chất phản cạnh tranh của hành vi được xác định trên cơ sở nội dung và mục tiêu mà hành vi nhắm tới.

II. Xác định hành vi thoả thuận vi phạm Điều 101, TFEU dựa trên cơ sở bản chất phản cạnh tranh của hành vi

Các cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh của Châu Âu đã xác định có một số dạng hành vi thoả thuận mang bản chất phản cạnh tranh, ví dụ như thoả thuận ấn định giá, thoả thuận kiểm soát số lượng hay khối lượng hàng hoá hay dịch vụ, thoả thuận phân chia thị trường. Một trong số những vụ việc đầu tiên mà ECJ xử lý và đưa ra quan điểm chính thức về các thoả thuận bị coi là mang bản chất phản cạnh tranh, làm phương hại đến cạnh tranh trên thị trường là vụ Consten/Grundig[1]. Consten, một hãng chuyên sản xuất đài ra-đi-ô của Đức và một công ty phân phối sản phẩm của Pháp đã thoả thuận thống nhất trao cho công ty của pháp quyền phân phối độc quyền các đài ra-đi-ô hiệu Grundig tại thị trường Pháp và thống nhất các phương thức nhằm kiểm soát và hạn chế việc xuất khẩu và nhập khẩu các sản phẩm đài ra-đi-ô. Đại diện biện hộ cho Consten đã trình bày ý kiến trước ECJ rằng thoả thuận phân phối ra-đi-ô Grundig không vi phạm pháp luật về chống độc quyền của Châu Âu. Lý do được đưa ra là thoả thuận này đã cho phép nhà sản xuất đài ra-đi-ô của Đức gia nhập thị trường Pháp và đã mang lại những tác động tích cực thông qua việc đẩy mạnh sự gia nhập thị trường của công ty Đức vào thị trường Pháp. Tuy nhiên, ECJ đã không chấp nhận đối với những phản biện từ Consten và đồng thời xác định rằng thoả thuận như vậy là vi phạm pháp luật cạnh tranh của Châu Âu bởi nó mang bản chất phản cạnh tranh, xâm hại tới cạnh tranh trên thị trường bởi đã hạn chế các nhà phân phối có thể tham gia bán các sản phẩm ra-đi-ô và hạn chế cả các phương thức cũng như các loại sản phẩm ra-đi-ô được xuất khẩu hay nhập khẩu. Nói cách khác, do thoả thuận đã nêu tự thân nó mang bản chất phản cạnh tranh nên không cần phải viện vào các lý do để đánh giá những tác động của thoả thuận đối với thị trường. Đồng thời ECJ cũng giải thích khi một thoả thuận mang bản chất phản cạnh tranh thì không cần phải đánh giá chính xác về các tác động mà nó gây ra. Hay nói cách khác, nếu một thoả thuận mang bản chất phản cạnh tranh thì đương nhiên bị coi là hành vi vi phạm mà không cần tính đến việc có hay không những tác động tích cực đối với việc gia nhập thị trường.

Có thể nói Consten/Grundig chính là vụ việc đầu tiên có đề cập đến các thoả thuận mang bản chất phản cạnh tranh và tạo nền tảng cơ sở cho việc xem xét đánh giá các loại thoả thuận này. Nhưng trong một vụ việc gần đây hơn, vụ Allianz/Hungaria, ECJ còn cân nhắc cả các tác động kinh tế trong quá trình xem xét đánh giá tính chất phản cạnh tranh của một thoả thuận. Trong vụ việc với sự tham gia của các công ty bảo hiểm xe ôtô để ký kết các thoả thuận với các nhà buôn xe nhằm xác định mức phí theo giờ mà các doanh nghiệp bảo hiểm trả cho việc sửa chữa xe. ECJ xác định thoả thuận này mang bản chất hạn chế cạnh tranh nhưng cũng xem xét cả các khía cạnh kinh tế và pháp lý của thoả thuận, và cả các tác động thực tế của thoả thuận đối với thị trường. Và ECJ đưa ra kết luận rằng thoả thuận, mặc dù có thể có một số tác động trên thực tiễn, mang bản chất phản cạnh tranh. Việc xem xét các tác động trong vụ việc này dường như có mâu thuẫn so với quan điểm không cần thiết phải xem xét yếu tố tác động khi xác định bản chất phản cạnh tranh của một thoả thuận mà ECJ đưa ra trong vụ việc trước. Tuy nhiên, không phải như vậy bởi ngoài một số đánh giá tác động được đưa ra trong vụ việc Allianz/Hungaria thì về tổng thể cơ quan cạnh tranh Châu Âu không cần phải đánh giá những tác động tiềm năng hoặc thực tế khi xác định bản chất phản cạnh tranh của hành vi thoả thuận để xác định hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 101, TFEU. Đối với các thoả thuận có tính chất phản cạnh tranh rõ ràng thì những tác động thực tiễn dưới góc độ kinh tế cho dù có thể là những tác động mang tính tích cực như trong vụ việc Consten/Grundig cũng sẽ không được xem xét. Vì vậy, đối với các chủ thể kinh doanh trên thị trường chung của Liên minh Châu Âu khi ký kết các thoả thuận cần phải nhận thức rõ rằng các thoả thuận đó không mang bản chất phản cạnh tranh, đặc biệt trong mọi trường hợp không được thoả thuận để phân chia thị trường dựa trên phạm vi địa lý của từng quốc gia thành viên hoặc đưa ra các giới hạn trong việc tiếp cận sản phẩm.

III. Xác định hành vi phối hợp vi phạm Điều 101, TFEU dựa trên cơ sở bản chất phản cạnh tranh của hành vi

Vụ việc đầu tiên ECJ xử lý có liên quan đến các hành vi phối hợp có thể kể đến là vụ ICI v. Commission[2].Trong vụ việc này, các hãng sản xuất các sản phẩm thuốc nhuộm (dyestuff) quanh Châu Âu đã có ba lần riêng biệt cùng tăng giá ở nhiều thị trường các quốc gia trong khối thị trường chung của Liên minh Châu Âu. Vì không có bất kỳ một thoả thuận thống nhất tăng giá cụ thể nào nên vụ việc được xử lý dựa trên chủ thuyết về hành vi phối hợp. Tất cả các mức tăng giá là đồng nhất. Đại diện biện hộ cho các bên đã đưa ra quan điểm xem xét vụ việc và biện cãi rằng để xác định một hành vi phối hợp mang bản chất phản cạnh tranh, cơ quan cạnh tranh cần xem xét những tác động thực tế của hành vi tới thị trường, bởi vì một hành vi phối hợp không thể bị xem xét tách rời với những tác động thực tiễn tới cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, không giống như trong trường hợp xem xét đối với các thoả thuận mang bản chất phản cạnh tranh, việc xem xét các hành vi phối hợp đòi hỏi phải có đánh giá tổng thể về các tác động đối với thị trường bởi các tác động thực tiễn sẽ là những thông tin cụ thể và được sử dụng làm bằng chứng nhằm xác định liệu đã có một hành vi phối hợp xâm hại cạnh tranh hay không. Những tác động thực tế phải được xem xét trong mối tương quan với một thị trường cụ thể đang được xem xét, mà trong vụ việc này là thị trường các sản phẩm thuốc nhuộm.

Trong vụ việc này các tác động thực tế đối với thị trường đã cho thấy hành vi phối hợp xâm hại cạnh tranh trên thị trường các sản phẩm thuốc nhuộm. Đã có hành vi cùng nhau tăng giá ở các khu vực địa lý khác nhau trong khu vực thị trường chung của Liên minh Châu Âu mà không thể đưa ra được một lời biện minh hay giải thích bằng yếu tố cấu trúc thị trường. ECJ cũng đồng ý một phần với các biện luận được đưa ra và xác định có hành vi phối hợp. Toà án thấy rằng hành vi của các bên liên quan có tác động xâm hại cạnh tranh trên thị trường bằng việc loại bỏ sự bất trắc trên thị trường, nghĩa là các hãng đã biết rõ rằng các đối thủ cạnh tranh nào đang chuẩn bị kế hoạch và biết sẽ không phải đối mặt với rủi ro trong việc tăng giá trong khi một doanh nghiệp đối thủ đã từ bỏ việc thực hiện tăng giá. Vì vậy, ECJ kết luận rằng những tác động thực tế đối với thị trường sẽ cho thấy một hành vi phối hợp có vi phạm pháp luật cạnh tranh Châu Âu hay không.

Tiếp theo, trong vụ việc Suiker Unie[3], ECJ lại lần nữa xem xét một hành vi phối hợp dựa trên việc đánh giá tác động đối với thị trường. Trong vụ việc, hàng loạt hãng sản xuất đường trên khắp thị trường Châu Âu tạo nên hệ thống các mạng lưới để từ đó từ chối bán đường cho một số các đối thủ cạnh tranh nhất định trên một số khu vực thị trường nhất định và giới hạn sản lượng sản xuất đường. Tuy nhiên, thị trường đường được kiểm soát khá chặt chẽ tại Châu Âu và doanh nghiệp đường chỉ có thể bị xác định vi phạm pháp luật cạnh tranh nếu như các cơ quan quản lý trước đó đã cho phép các hoạt động cạnh tranh trên thị trường. Khi xem xét một cách cụ thể, ECJ xác định rằng cơ quan quản lý của Ý đã chưa thực sự cho phép các hoạt động cạnh tranh được diễn ra tự do trên thị trường đường, và vì vậy, các hoạt động cạnh tranh trên thực tiễn chưa được hình thành nên không thể có hành vi hạn chế cạnh tranh. Nhưng đối với các thị trường khác mà đã cho phép các hoạt động cạnh tranh được thực hiện, và các nhà sản xuất đường đã đặt ra các hành vi giới hạn sản lượng sản xuất và lưu thông đường thì đồng nghĩa với việc có hành vi xâm hại cạnh tranh trên các thị trường này, và do vậy, có hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh. Hành vi do các bên thực hiện đã có tác động trực tiếp và xâm hại cạnh tranh trên thị trường vì vậy bị coi là hành vi vi phạm.

Như vậy, trong các vụ việc đầu tiên trên đây, yếu tố tác động ảnh hưởng của hành vi được xem xét một cách cụ thể. Khác với các hành vi thoả thuận phản cạnh tranh, các hành vi phối hợp được xem xét trên cơ sở đánh giá tác động thực tiễn. Tuy nhiên, việc xem xét đối với các hành vi phối hợp có sự thay đổi kể từ quyết định đưa ra trong vụ việc Anic[4]. Trong vụ việc, các nhà sản xuất polypropylene tại Châu Âu đã đặt ra mức giá mục tiêu cho các sản phẩm của họ, đã có các cuộc gặp mặt để bàn luận về các chiến lược sản phẩm, và đã đưa ra các mức giới hạn. Một trong số các biện lý cho rằng có thể xác định hành vi phối hợp vi phạm pháp luật cạnh tranh bởi tính chất phản cạnh tranh của hành vi mà không cần phải xem xét các tác động thực tế của hành vi đối với thị trường. Hơn nữa, vì các thoả thuận có thể bị xác định là hành vi vi phạm dựa trên tính chất phản cạnh tranh của hành vi hoặc dựa trên yếu tố tác động đối với thị trường thì các hành vi phối hợp cũng phải nên được xác định một cách tương tự. Trong vụ việc này hành vi phối hợp mang bản chất phản cạnh tranh bởi các bên đã tổ chức nhiều cuộc họp và ở đó có sự trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp đối thủ. Việc gặp gỡ giữa các doanh nghiệp đối thủ sẽ chẳng có vấn đề gì nếu như tại đó không có việc trao đổi thông tin lẫn nhau. Vấn đề là ở chỗ các doanh nghiệp đã gặp nhau và trao đổi thông tin với nhau. Thông qua việc trao đổi thông tin, các hành vi kinh doanh độc lập của các doanh nghiệp sẽ giảm. Sự độc lập trong việc đưa ra quyết định về mỗi hành vi kinh doanh chính là yếu tố cơ bản tạo nên và làm gia tăng các hoạt động cạnh tranh. ECJ đã đồng ý với quan điểm có những hành vi phối hợp mang bản chất phản cạnh tranh bị xác định là hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh Châu Âu mà không cần đánh giá các tác động đối với thị trường. ECJ tuyên bố các công ty sản xuất polypropylene đã có sự cấu kết với mục tiêu hạn chế cạnh tranh và sự cấu kết có tính phản cạnh tranh này này không nhất thiết phải được biểu lộ thông qua các tác động thị trường mà tự thân nó là hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh Châu Âu. Như vậy, quan điểm xử lý trong vụ việc Anic đã to nên một chuẩn mực mới trong việc xem xét các hành vi phối hợp mang bản chất phản cạnh tranh. Bản chất của cạnh tranh là ganh đua và khi doanh nghiệp xác định tham gia thị trường, đối mặt với cạnh tranh nghĩa là đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức, thị trường mang lại cơ hội nhưng cũng đồng nghĩa với có rất nhiều bất trắc. Đó chính là động lực nuôi dưỡng cạnh tranh làm cho các hoạt động kinh tế trên thị trường không ngừng được đổi mới và phát triển. Bởi vậy, ECJ đưa ra quan điểm rằng việc chia xẻ thông tin thị trường giữa các doanh nghiệp đối thủ làm triệt tiêu những bất trắc, tức là xâm hại cạnh tranh. Do đó việc đánh giá các tác động thực tế đối với thị trường là không cần thiết và bản thân hành vi chia xẻ thông tin để đồng loạt tăng giá mang bản chất phản cạnh tranh nên đã hội đủ các yếu tố cấu thành của hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh Châu Âu.

Cách tiếp cận và xác định hành vi phối hợp vi phạm pháp luật cạnh tranh dựa trên bản chất phản cạnh tranh của hành vi như trong vụ Anic được thể hiện một cách rõ ràng hơn trong vụ T-Mobile[5]. Trong vụ việc, năm hãng di động tại Netherlands có tổ chức một cuộc họp chính thức và trong đó có một hãng đưa ra thông tin về mức phí hoa hồng trả cho các nhà buôn. Trong vụ việc này chỉ có duy nhất một lần họp và thông tin đưa ra không trực tiếp ảnh hưởng tới quyết định kinh doanh của các doanh nghiệp còn lại. Tuy nhiên, sau khi có những biện lý cho rằng hành vi chia xẻ thông tin trong trường hợp này mang bản chất phản cạnh tranh, thậm chí thông tin được đưa ra chia xẻ chỉ từ một hãng trong khi các hãng còn lại không đưa ra thông tin chia xẻ. Và do mang bản chất phản cạnh tranh nên không cần phải xem xét tác động thực tế đối với thị trường mà vẫn có thể xác định là hành vi phối hợp vi phạm pháp luật cạnh tranh Châu Âu. Bởi lý do đơn giản được đưa ra là tất cả các doanh nghiệp trên thị trường cần phải hoạt động một cách độc lập, tức là độc lập đưa ra quyết định kinh doanh của mình. Nếu doanh nghiệp nhận được thông tin từ doanh nghiệp đối thủ và vẫn đang hoạt động trên thị trường thì bị cho là đã sử dụng thông tin nhận được để đưa ra quyết định kinh doanh của mình và do vậy không còn hoạt động một cách độc lập, tức là không còn tự mình đưa ra quyết định kinh doanh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cạnh tranh bị xâm hại. ECJ hoàn toàn đồng ý với luận điểm này và cho rằng đây chính là hành vi phối hợp mang bản chất phản cạnh tranh vi phạm pháp luật cạnh tranh Châu Âu bởi các lý do (i) thông tin kinh doanh đã được chia xẻ giữa các doanh nghiệp đối thủ, (ii) các doanh nghiệp được chia xẻ thông tin vẫn hiện hữu trên thị trường, và (iii) do vậy khi các doanh nghiệp được chia xẻ thông tin vẫn còn tồn tại trên thị trường thì bị cho rằng đã sử dụng các thông tin được chia xẻ để phục vụ cho việc đưa ra các quyết định kinh doanh nên qua đó triệt tiêu những bất trắc của thị trường mà doanh nghiệp có thể phải đối mặt và điều đó cũng có nghĩa làm triệt tiêu cạnh tranh. Trên cơ sở đó, ECJ một lần nữa khẳng định rằng những tác động thực tiễn đối với thị trường không liên quan và không ảnh hưởng tới việc xác định một hành vi phối hợp mang bản chất phản cạnh tranh, xâm hại cạnh tranh trên thị trường.

Trên cơ sở luận thuyết mới của ECJ về các hành vi phối hợp mang bản chất phản cạnh tranh theo quy định tại Điều 101, TFEU, vấn đề cốt yếu cần quan tâm là việc chia xẻ thông tin giữa các doanh nghiệp đối thủ và vì vậy làm giảm những bất trắc thị trường mà doanh nghiệp phải đối mặt qua đó xâm hại cạnh tranh. Luận thuyết này dẫn tới một khả năng doanh nghiệp dễ bị xác định có hành vi phối hợp vi phạm pháp luật cạnh tranh đơn giản bởi có một doanh nghiệp đối thủ đơn phương chia xẻ các thông tin trong kinh doanh. Chỉ một hành vi chia xẻ thông tin giữa các doanh nghiệp đối thủ đã đủ cấu thành hành vi vi phạm mà không cần phải quan tâm tới việc các doanh nghiệp khác có sử dụng các thông tin đã được chia xẻ vào các quyết định kinh doanh của mình hay không hoặc việc sử dụng đó như thế nào. Kể cả việc các doanh nghiệp khác có chia xẻ thông tin hay không, thậm chí có doanh nghiệp từ chối chia xẻ thông tin cũng không cần phải quan tâm. Chỉ cần có một doanh nghiệp chia xẻ các thông tin kinh doanh, thậm chí chỉ chia xẻ một lần, và tất cả các doanh nghiệp đối thủ khác được chia xẻ thông tin vẫn còn hiện hữu trên thị trường thì xác định có hành vi vi phạm Điều 101, TFEU đối với tất cả các doanh nghiệp đã tham gia vào cuộc họp chia xẻ thông tin.

Từ thực tiễn vụ việc trên, ECJ đã đưa ra một định hướng nhằm chứng minh và xác định một hành vi phối hợp vi phạm Điều 101, TFEU khá dễ dàng đối với Ủy ban cạnh tranh Châu Âu cũng như cơ quan cạnh tranh của từng quốc gia nhưng lại vô cùng hà khắc đối với các doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường. Như một tiền lệ được đưa ra trong vụ việc T-Mobile, các doanh nghiệp trên thị trường không được chia xẻ các thông tin kinh doanh cho doanh nghiệp đối thủ và nếu như các thông tin kinh doanh đã được chia xẻ trong thực tế thì các doanh nghiệp được chia xẻ thông tin vẫn còn đang hiện hữu trên thị trường sẽ bị xác định có hành vi phối hợp mang bản chất phản cạnh tranh, xâm hại tới cạnh tranh trên thị trường và bị xác định có hành vi vi phạm, thậm chí cả đối với các doanh nghiệp chỉ nghe thông tin và không chia xẻ bất kỳ thông tin kinh doanh nào của doanh nghiệp mình.

IV. Một số đánh giá

Từ các vụ việc trên cho thấy việc áp dụng quy định tại Điều 101, TFEU tại Châu Âu trong một số trường hợp là tương đối hà khắc. Ví dụ, trong trường hợp việc chia xẻ thông tin kinh doanh bị xác định là hành vi phối hợp cho dù có những doanh nghiệp chỉ tiếp nhận thông tin tại cuộc họp và không chia xẻ bất kỳ một thông tin kinh doanh nào, thậm chí thông tin được chia xẻ trên thực tế cũng không ảnh hưởng tới quyết định kinh doanh của họ. Rõ ràng, cách xác định vi phạm như trong các trường hợp nêu trên của ECJ dựa trên cơ sở lỗi suy đoán, một cách áp dụng luật tương đối hà khắc đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận điều này gắn với mục tiêu hành động nhằm ngăn chặn các hành vi phản cạnh tranh và thúc đẩy tiến trình hoà nhập kinh tế giữa các quốc gia thành viên mà các cơ quan cạnh tranh Châu Âu đang hướng tới thì hoàn toàn có cơ sở. Hơn nữa, hơn bất kỳ ai, các doanh nghiệp đang kinh doanh trên thị trường hoàn toàn nhận thức được rằng khi tham gia thị trường sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh, nghĩa là cơ hội luôn đi song hành với bất trắc, và mỗi doanh nghiệp đều phải tự mình lựa chọn và đưa ra các quyết định kinh doanh nhằm tranh thủ cơ hội, loại trừ các bất trắc, rủi ro để đạt được hiệu quả kinh tế. Mỗi doanh nghiệp đều phải độc lập trong việc đưa ra các quyết định liên quan đến sản phẩm, giá cả, chất lượng, thị trường, khách hàng hay các yếu tố khác của thị trường. Bản thân mỗi doanh nghiệp đều hoàn toàn có thể tự hiểu và nhận thức được rằng mọi hành vi cấu kết hay phối hợp với doanh nghiệp đối thủ khác trên thị trường liên quan đến các yếu tố của thị trường là đi ngược với mục tiêu của các hoạt động cạnh tranh. Và vì vậy, bản thân các hành vi cấu kết hay phối hợp đó có gắn với yếu tố lỗi.

Một điểm nữa có thể thấy pháp luật cạnh tranh Châu Âu quy định rất rõ và các cơ quan cạnh tranh Châu Âu cũng xác định và có quan điểm áp dụng rất rõ rằng đối với những dạng hành vi thoả thuận hay phối hợp mang bản chất phản cạnh tranh, tức là tự thân hành vi có tính chất xâm hại cạnh tranh sẽ bị xác định là hành vi vi phạm mà không cần quan tâm tới những tác động của hành vi đối với thị trường, thậm chí là những tác động kinh tế mang tính tích cực. Đây chính là cơ sở để áp dụng nguyên tắc vi phạm mặc nhiên (per se rule/per se illegal) đối với những hành vi mang bản chất phản cạnh tranh theo pháp luật cạnh tranh Châu Âu. Cụ thể hơn, khi doanh nghiệp tham gia thị trường tức là sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh. Dưới góc độ của một doanh nghiệp, cạnh tranh dựa trên cơ sở của các yếu tố cơ bản bao gồm giá cả, chất lượng, mẫu mã, chủng loại hàng hoá hay dịch vụ, các dịch vụ khuyến mại, hậu mãi…Trên cơ sở các loại hàng hoá và dịch vụ đã được định hình trên cơ sở nhu cầu của thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng, doanh nghiệp sẽ hướng tới xây dựng hình ảnh, chiếm lĩnh và mở rộng thị trường, gia tăng số lượng hay doanh số để đạt tới cái đích cuối cùng là lợi nhuận. Tổng hoà tất cả các hoạt động và vòng quay kinh doanh đó của các doanh nghiệp trêm thị trường sẽ tạo nên cấu trúc cạnh tranh trên từng thị trường riêng. Và mục tiêu của pháp luật cạnh tranh là tạo lập, duy trì và bảo vệ các cấu trúc cạnh tranh trên từng thị trường riêng này làm động lực phát triển cho toàn bộ nền kinh tế. Vì vậy, bất kỳ một hành vi thoả thuận hay phối hợp nào liên quan trực tiếp đến các yếu tố cạnh tranh cơ bản của thị trường như ấn định giá cả, kiểm soát sản lượng, phân chia thị trường…sẽ đều gây tác động phản cạnh tranh, tức mang bản chất phản cạnh tranh, xâm hại môi trường cạnh tranh trên từng thị trường riêng và qua đó xâm hại môi trường cạnh tranh nói chung thì cần phải được kiểm soát, ngăn cấm và loại bỏ, cho dù những thoả thuận hay hành vi phối hợp đó, trong một hoàn cảnh cụ thể, ở một góc nhìn cụ thể hay đối với một số đối tượng cụ thể, có thể có những tác động kinh tế tích cực. Áp dụng nguyên tắc vi phạm mặc nhiên (per se illegal) trong những trường hợp này chính là bỏ qua những ích lợi nhỏ để hướng tới mục tiêu trọng tâm chung lớn hơn đó là môi trường cạnh tranh nói chung. Thiết nghĩ, việc xác định các hành vi mang bản chất phản cạnh tranh cũng như áp dụng nguyên tắc vi phạm mặc nhiên cũng cần được đặc biệt lưu ý nhằm hướng tới hoàn thiện các quy định của pháp luật cạnh tranh của Việt Nam bởi một số quy định trong Luật cạnh tranh của chúng ta hiện còn bất cập. Đơn cử, giá cả chính là yếu tố cạnh tranh cốt lõi nên thoả thuận ấn định giá trực tiếp hoặc gián tiếp trong mọi trường hợp đều có tính chất rất nghiêm trọng, không chỉ xâm hại, ngăn cản, bóp méo cạnh tranh mà thậm chí có thể làm triệt tiêu cạnh tranh. Vì vậy, thoả thuận ấn định giá giữa các doanh nghiệp đối thủ trên thị trường luôn bị coi là hành vi mang bản chất phản cạnh tranh và được quy định cấp theo nguyên tắc vi phạm mặc nhiên theo pháp luật cạnh tranh ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, thậm chí đối tượng vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự. Trong khi đó Luật cạnh tranh của Việt Nam lại quy định cấm có điều kiện, khi mà các bên tham gia thoả thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên. Mặc dù có thể có lý do biện minh rằng nền kinh tế Việt Nam nhỏ bé trong đó hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, quy định này về tổng thể là một bước thụt lùi so với sự phát triển của pháp luật cạnh tranh thế giới.


Chú thích:

[1] Cases 56 & 58/64, Consten and Grundig v. Comm’n, 1966 E.C.R. 301, 342;

[2] Case 48/49, ICI v. Comm’n, 1972 E.C.R. 621, 655.

[3] Cases 40–48, 50, 54–56, 111, 113, & 114–73, Suiker Unie v. Comm’n, 1975

[4] Case C-49/92 Comm’n v. Anic, 1999 E.C.R. I-04125

[5] Case C-8/08, T-Mobile, 2009 E.C.R. I-04529, paras. 12–21


SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC CẠNH TRANH VÀ BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG, BỘ CÔNG THƯƠNG

Trích dẫn từ: http://www.vca.gov.vn/NewsDetail.aspx?lg=1&CateID=80&ID=3077

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: