admin@phapluatdansu.edu.vn

MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ PHÁP LUẬT PHÁ SẢN CỦA CỘNG HÒA PHÁP VÀ THẢO LUẬN LIÊN QUAN ĐẾN DỰ THẢO LUẬT CỦA VIỆT NAM

Thẩm phán JÉRÔME DEHARVENG  –  Bộ Tư pháp, Cộng hòa Pháp

Với sự tham gia thảo luận của Luật sư HUBERT DE FREMONT

Trước hết, tôi xin trình bày một số vấn đề chung trong lĩnh vực pháp luật về phá sản doanh nghiệp với các nguyên tắc chung để xử lý các trường hợp doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Đây là thuật ngữ hay được sử dụng trong các hội nghị quốc tế. Ở đây, người ta hay nói đến việc mất khả năng thanh toán hơn là phá sản doanh nghiệp.

Ngày nay hầu hết tất cả các nước đã bỏ khái niệm xử lý phá sản kèm theo chế tài đối với các doanh nghiệp. Trong nhiều thế kỷ trước đây, xử lý phá sản là thủ tục nhằm áp dụng các chế tài đối với các con nợ không thanh toán được các khoản nợ của mình. Hiện nay, chúng ta đã có một quan niệm mới hiện đại hơn về vấn đề này. Thủ tục xử lý phá sản doanh nghiệp được hiểu là thủ tục xử lý tập thể đối với tài sản của những con nợ không thanh toán được các khoản nợ của mình. Thủ tục xử lý tập thể đã thay thế thủ tục đòi nợ của từng chủ nợ đối với con nợ, nghĩa là khi đã mở thủ tục phá sản doanh nghiệp mang tính tập thể như vậy, quyền đòi nợ cá nhân của mỗi chủ nợ riêng lẻ sẽ tạm thời bị chấm dứt.

Như vậy, mục đích đầu tiên của thủ tục xử lý phá sản doanh nghiệp đó là thực hiện nghĩa vụ thanh toán của con nợ. Tuy nhiên, thủ tục này lại được thực hiện trong một bối cảnh hết sức đặc biệt, đó là tính chất phức tạp của các vụ phá sản.

Vậy khi nào thủ tục phá sản được mở? Có một điều chắc chắn ai cũng biết được rằng khi tòa án ra quyết định mở thủ tục tuyên bố phá sản doanh nghiệp, không phải tất cả các chủ nợ đều được thanh toán đầy đủ các khoản nợ của mình. Do đó, thủ tục xử lý phá sản doanh nghiệp phải được tiến hành tập thể để đảm bảo quyền lợi công bằng trước mọi chủ nợ. Công bằng ở đây không có nghĩa là cào bằng tất cả, vì pháp luật cũng đã quy định một số chủ nợ có quyền được ưu tiên hơn những chủ nợ khác. Thứ tự ưu tiên được lập ra trên cơ sở tính chất của các khoản nợ. Chính vì thế tính chất công bằng trong thủ tục này có nghĩa là phải đảm bảo thông tin được đến với các chủ nợ được như nhau, đảm bảo được vị trí của các chủ nợ trong trình tự tố tụng.

Chúng tôi đã quy định trong pháp luật một nguyên tắc gọi là nguyên tắc giải quyết “công bằng”, mà “công bằng” không có nghĩa là “bằng nhau”. Điều đó có nghĩa là trong thủ tục phá sản, các chủ nợ ở trong những điều kiện như nhau thì được giải quyết quyền lợi như nhau. Một chủ nợ có bảo đảm phải được giải quyết quyền lợi như những chủ nợ có bảo đảm khác. Tương tự như vậy, quyền lợi của một chủ nợ không có bảo đảm cũng phải được giải quyết như quyền lợi của các chủ nợ không có bảo đảm khác.

Bên cạnh nguyên tắc giải quyết công bằng còn đặt ra một nguyên tắc nữa đó là nguyên tắc công khai, nghĩa là tất cả những người có liên quan đều phải được cung cấp thông tin đầy đủ. Chính vì vậy cần phải có một thủ tục mang tính tập thể thay thế cho quyền đòi nợ riêng lẻ của từng cá nhân. Nếu từng cá nhân tự mình đi đòi nợ sẽ có hiện tượng những ai nhanh chân sẽ có lợi và những người đến sau sẽ không được giải quyết quyền lợi, dù lợi ích chính đáng của họ là gì.

Thủ tục giải quyết phá sản doanh nghiệp còn nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các tác nhân kinh tế. Việc các doanh nghiệp mắc nợ trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh dễ gây ra bất ổn cho đời sống kinh tế xã hội chung, làm nảy sinh ra các khó khăn liên tiếp, tạo ra sự bất bình đẳng trong hoạt động cạnh tranh. Nếu trong số các doanh nghiệp hoạt động trên thị trường, có một số doanh nghiệp mắc nợ mà lại không phải trả nợ thì rõ ràng họ sẽ có nhiều ưu thế hơn những doanh nghiệp mắc nợ mà đã phải thanh toán hết nợ.

Do đó, mục đích thứ hai của thủ tục phá sản doanh nghiệp là làm chấm dứt hoàn toàn hoạt động của các doanh nghiệp kém hiệu quả, sau khi đã tiến hành các biện pháp cần thiết mà vẫn không thể thanh toán các khoản nợ của mình. Trên nguyên tắc, tất cả mọi người đều có trách nhiệm là bằng mọi giá, tự mình phải vượt qua những khó khăn mà mình đã gặp phải. Thông thường thì phải có một cơ quan quản lý ra quyết định đình chỉ hoạt động của các doanh nghiệp không còn khả năng thanh toán như vậy.

Có hai cách để mở thủ tục xử lý phá sản doanh nghiệp: hoặc là theo đơn yêu cầu của một người không phải là con nợ; hoặc là bản thân doanh nghiệp mắc nợ đó buộc phải nộp đơn yêu cầu toà án mở thủ tục, nếu không sẽ bị áp dụng các chế tài trừng phạt.


TRA CỨU BÀI VIẾT ĐẦY ĐỦ TẠI ĐÂY


SOURCE: Kỷ yếu Hội thảo “Pháp luật về phá sản doanh nghiệp”, Nhà Pháp luật Việt – Pháp. Hà Nội, ngày 8-10/01/2001.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: