admin@phapluatdansu.edu.vn

KỶ YẾU HỘI THẢO “PHÁP LUẬT VỀ TRƯNG MUA, TRƯNG DỤNG TÀI SẢN CỦA CÁ NHÂN VÀ PHÁP NHÂN”

Với sự tham gia của Báo cáo viên: OLIVIER CHALLAN BELVAL (Mr.) – Thẩm phán Tham chính viện, Cộng hòa Pháp

Đúng như ông Sollier đã nói về chủ đề hội thảo ngày hôm nay, xây dựng pháp luật về trưng mua, trưng dụng cũng là một yếu tố để tiến tới xây dựng Nhà nước pháp quyền. Trưng mua bất động sản của cá nhân, ở Việt Nam cũng như ở các nước khác trên thế giới, là một thủ tục dễ gây tổn thương, làm cho người có tài sản bị trưng mua cảm thấy như bị tước đoạt một cái gì đó. Vì vậy, chúng ta cần phải xây dựng những thủ tục, thể thức trưng mua thật rõ ràng, trong đó quyền sở hữu của cá nhân phải được bảo vệ ở mức tốt nhất.

Nếu các bạn đồng ý, trước hết tôi sẽ trình bày hết sức nhanh và ngắn gọn một bài tham luận nho nhỏ về những điểm quan trọng nhất của thủ tục trưng mua ở Pháp, tôi không tin các bạn có thể áp dụng toàn bộ thủ tục của Pháp vào thực tế một đất nước như Việt Nam. Sau đó, tôi sẽ nhường lời để quý vị đặt những câu hỏi gặp phải trong quá trình soạn thảo và chúng ta sẽ cùng nhau tìm ra câu trả lời thích đáng. Như vậy, hội thảo có thành công hay không một phần cũng phụ thuộc vào các bạn. Căn cứ vào những kinh nghiệm mà bản thân tôi có được trong quá trình công tác, vào những sai lầm mà Pháp đã phạm phải trong lĩnh vực này, tôi sẽ trả lời các bạn và để phần nào giúp các bạn xây dựng một đạo luật về trưng mua, trưng dụng phù hợp với truyền thống, thực tế và yêu cầu của Việt Nam.

Thủ tục trưng mua ở Pháp

Khi một cơ quan công quyền của Nhà nước nhận định rằng cần phải trưng mua một số bất động sản nào đó của cá nhân để thực hiện một dự án thì cơ quan đó sẽ ra quyết định tiến hành thủ tục trưng mua bất động sản vì lợi ích công cộng. Để bắt đầu thủ tục đó, cơ quan này phải có một văn bản tuyên bố thực hiện dự án đó vì lợi ích công cộng.

Qua đây các bạn thấy rằng để tiến hành thủ tục trưng mua thì trước đó đã phải có một dự án. Đây cũng chính là một biện pháp nhằm bảo vệ tài sản của cá nhân, tài sản của cá nhân chỉ có thể bị trưng mua cho một dự án cụ thể, đã được xây dựng hoàn hảo và được công nhận vì lợi ích công cộng. Khi dự án đã hình thành, cơ quan trưng mua mới tiến hành thủ tục tuyên bố vì lợi ích công cộng, bắt đầu bằng việc tham khảo ý kiến của người dân và của các cơ quan công quyền có liên quan đến dự án (chẳng hạn như chủ tịch UBND xã, huyện ở Việt Nam…) nơi có bất động sản sẽ bị trưng mua. Thủ tục tham khảo ý kiến này được tạm gọi là “thủ tục điều tra công cộng”. Đây là thời điểm hết sức quan trọng để nhân dân và các cơ quan Nhà nước khác có liên quan, có thể bày tỏ ý kiến của mình, góp ý nhận xét về dự án sắp được thực hiện. Thủ tục thực hiện điều tra ý kiến này được quy định rất chặt chẽ nhằm bảo vệ quyền lợi của những người có liên quan.

Sau khi hoàn thành thủ tục điều tra công cộng mới tiến đến tuyên bố lý do vì lợi ích công cộng. Căn cứ vào kết quả điều tra công cộng, người ta có thể giữ nguyên hoặc sửa đổi dự án ban đầu định thực hiện và tuyên bố dự án đó được xây dựng nhằm phục vụ lợi ích công cộng.

Có nhiều khả năng có thể xảy ra sau khi dự án được tuyên bố vì lợi ích công cộng:

– Huỷ bỏ dự án: Theo quy định của pháp luật, tuyên bố vì lợi ích công cộng chỉ có giá trị trong một thời hạn nào đó. Hết thời hạn này mà dự án vẫn chưa được thực hiện thì tuyên bố trên được coi như đã hết hiệu lực.

– Tiến hành mua các bất động sản trong khu vực dự án theo giá thoả thuận: Khi đó lại cần phải có những biện pháp bảo vệ quyền lợi của các cơ quan trưng mua, tránh hiện tượng chủ sở hữu nâng giá lên quá cao.

– Tiến hành trưng mua những bất động sản cần thiết cho dự án: Trưng mua là một biện pháp cưỡng chế, một hành vi đơn phương dễ làm cho người dân lo sợ.

Trước đây, khi có quyết định công nhận mục đích công cộng của dự án, người ta thường tiến hành ngay việc trưng mua. Nhưng ngày nay, mọi việc đã thay đổi, biện pháp mua theo giá thoả thuận hay được các cơ quan trưng mua dùng nhất. Qua kinh nghiệm cho thấy phương thức mua theo giá thoả thuận làm cho người dân dễ chấp nhận dự án hơn. Chỉ khi nào không thoả thuận được thì mới tiến hành thủ tục trưng mua.

Việc trưng mua được thực hiện căn cứ vào quyết định chuyển quyền sở hữu và làm nảy sinh vấn đề định giá cho tài sản được trưng mua. Định giá là một việc hết sức quan trọng vì đồng thời phải bảo vệ được quyền lợi của cả hai bên: bên trưng mua và bên có tài sản bị trưng mua. Khi bị trưng mua, tài sản sẽ chuyển sang sở hữu của pháp nhân công quyền đã tiến hành trưng mua.

Người có tài sản bị trưng mua cũng có khả năng kháng cáo, nếu trong một khoảng thời gian nào đó mà dự án trên vẫn không được thực hiện thì họ có quyền yêu cầu toà án giải quyết hoàn lại tài sản cho mình.


TRA CỨU KỶ YẾU ĐẦY ĐỦ TẠI ĐÂY


SOURCE: Hội thảo “Pháp luật về trưng mua, trưng dụng taig sản của cá nhân và pháp nhân”, Nhà Pháp luật Việt – Pháp. Hà Nội, ngày 15-16/06/2000

BẢN DỊCH CỦA NHÀ PHÁP LUẬT VIỆT – PHÁP

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading