VỤ PHÁP CHẾ – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
1. Về thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ của bên thứ ba
Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của bên thứ ba là một hợp đồng bảo đảm bằng tài sản của bên thứ ba để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay của bên vay vốn đối với ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, hiệu lực pháp lý của loại hợp đồng này trong thực tiễn còn có nhiều ý kiến khác nhau và có thể để lại hệ quả xấu cho ngân hàng thương mại. Nội dung này trước đây khi Bộ luật Dân sự 2015 chưa ban hành, có hiệu lực, trên cơ sở thực tiễn một số bản án của TAND các cấp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam[1], Bộ Tư pháp[2] và Hiệp hội ngân hàng[3] cũng đã có ý kiến chính thức, phản ánh gửi đến TAND tối cao. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện tổng kết quy định của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục nhận được phản ánh của một số TCTD [4]liên quan đến vấn đề này.
Theo đó, quy định về thế chấp tài sản tại Điều 317 Bộ luật dân sự 2015, Ðiều 342 Bộ luật Dân sự 2005 đã xác định bên thế chấp có quyền dùng tài sản của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, không hạn chế đó là nghĩa vụ của mình hay của người khác. Đồng thời, theo quy định tại Điều 336 Bộ luật Dân sự 2015, bên bảo lãnh có thể sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Tuy nhiên, hiện nay, trong quá trình giải quyết tranh chấp của ngành Tòa án chưa có quan điểm thống nhất chấp nhận giao dịch bảo đảm dưới hình thức cầm cố, thế chấp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự cho người khác (bên thứ ba); không chấp nhận giao dịch bảo đảm thế chấp, cầm cố mà coi là bảo đảm bằng biện pháp bảo lãnh. Thực tế thời gian qua một số Tòa án địa phương [5]đã có quan điểm Hợp đồng thế chấp/cầm cố tài sản của bên thứ ba là không đúng quy định của Bộ luật dân sự và tuyên hợp đồng này vô hiệu. Việc tòa án ra quyết định tuyên vô hiệu hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của bên thứ ba giữa bên thế chấp và bên nhận thế chấp là không phù hợp với các quy định của pháp luật về thế chấp bằng QSDÐ của bên thứ ba và gây nên sự xáo trộn rất lớn trong đời sống xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch, đồng thời có thể tạo ra một hoặc nhiều hệ quả pháp lý không mong muốn như sau:
(i) Không phù hợp với các quy định về thế chấp, bảo lãnh của Bộ luật Dân sự 2015; (ii) Việc tòa án các cấp tuyên hợp đồng thế chấp QSDÐ của bên thứ ba vô hiệu là trái ý chí tự nguyện của các bên tham gia giao dịch (bao gồm chính bên thế chấp), vì tại thời điểm ký kết hợp đồng thế chấp QSDÐ, bên thế chấp tự nguyện dùng tài sản thuộc sở hữu của mình (trường hợp này là quyền sử dụng đất) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên nhận thế chấp; và (iii) các phán quyết của tòa án đã làm cho các khoản cho vay của ngân hàng từ có bảo đảm trở thành khoản cho vay không có bảo đảm, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ nợ hợp pháp của các ngân hàng. Các phán quyết này sẽ tạo ra tiền lệ xấu về mặt pháp lý và kinh tế, khi bên thứ ba (bên thế chấp) lợi dụng để yêu cầu tòa án tuyên hợp đồng thế chấp bằng QSDÐ của bên thứ ba vô hiệu nhằm trốn tránh nghĩa vụ của mình đối với ngân hàng (bên nhận thế chấp) và hệ quả tiếp theo là có thể dẫn đến vô hiệu hàng loạt hợp đồng thế chấp QSDÐ của bên thứ ba trong toàn hệ thống ngân hàng.
2. Về việc ủy quyền thực hiện giao dịch
Căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự[6] thực tế hiện nay có nhiều trường hợp người được uỷ quyền ký hợp đồng bảo đảm để bảo đảm các khoản vay của chính người được uỷ quyền hoặc cho người khác mà không phải là người uỷ quyền đang bị nhiều Tòa án cho rằng vi phạm nguyên tắc, mọi hành động của người được ủy quyền đều phải vì lợi ích của người ủy quyền. Đồng thời Khoản 1 Điều 32[7] Luật Hôn nhân gia đình 2014 đã quy định trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó. Quy định này nhằm bảo vệ cho các tổ chức tín dụng là bên thứ ba ngay tình vì qua quá trình cung cấp thông tin về việc mở, sử dụng tài khoản, xử lý thông tin nhận biết khách hàng, các TCTD và khách hàng đã xác định rõ khách hàng là ai cũng như xác lập căn cứ pháp lý đối với tư cách chủ sở hữu số dư tài khoản đối với chủ tài khoản đã mở tài khoản tại ngân hàng. Vướng mắc nêu trên dẫn đến nhiều hợp đồng ủy quyền bị tuyên vô hiệu ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Cụ thể:
…
TRA CỨU BÀI VIẾT VIẾT ĐẦY ĐỦ TẠI ĐÂY
[1]Công văn số 1573/NHNN-PC ngày 19/3/2012 của Ngân hàng Nhà nước VN.
[2]Công văn số 1345/BTP-ÐKGDBÐ ngày 27/02/2012.
[3]Công văn số 17/HHNH ngày 02/02/2012.
[4] VIB; MSB; VCB, TPBank, NHXD, NH Chính sách XH; VAMC,…
[5] Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 48/KDTM-ST ngày 22/9/2011 của TAND tỉnh Quảng Ngãi; Bản án phúc thẩm của TAND TP. HCM tuyên hủy 2 hợp đồng thế chấp của Eximbank…
[6] Điều 562 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”
[7] “1. Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó”.
SOURCE: Hội thảo “Thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan đến tín dụng ngân hàng tại Tòa án nhân dân”. TANDTC- Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Hội An, Quảng Nam, ngày 4/10/2019.
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: 1. SỬA ĐỔI BLDS 2005, 5. Quan điểm của Tòa án và về Tòa án, LUẬT TÀI CHÍNH - TÍN DỤNG - CHỨNG KHOÁN - BẢO HIỂM, Quy định chung về nghĩa vụ và bảo đảm nghĩa vụ |
Leave a Reply