admin@phapluatdansu.edu.vn

QUYẾT ĐỊNH CỦA TÒA CÔNG LÝ CHÂU ÂU VỀ VẤN ĐỀ CHIẾT KHẤU CỦA DOANH NGHIỆP THỐNG LĨNH

 PHÙNG VĂN THÀNH – Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương

Ngày 6 tháng 10 năm 2015, Toà án công lý Châu Âu (ECJ) đã đưa ra phán quyết liên quan đến vấn đề chiết khấu trong vụ Post Danmark[1]. Phán quyết của ECJ đưa ra trong vụ việc này là sự tổng hợp và hệ thống hoá lại tất cả các quyết định liên quan đến vấn đề chiết khấu mà ECJ đã đưa ra trong các vụ việc trước đây, qua đó hình thành hướng dẫn thực thi cho các cán bộ thực thi cũng như các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trên thị trường khi xây dựng các chính sách chiết khấu.

1. Thông tin vụ việc

Post Denmark là doanh nghiệp bưu chính có vị trí thống lĩnh trên thị trường Vương quốc Đan Mạch. Doanh nghiệp này nguyên là một doanh nghiệp độc quyền do nhà nước là chủ sở hữu. Đến năm 2007 – 2008, doanh nghiệp này được tái cơ cấu trong đó có cả phần vốn góp của tư nhân và một phần thuộc sở hữu của người lao động.

Sau khi tái cơ cấu, doanh nghiệp này áp dụng chính sách chiết khấu dựa trên định mức về khối lượng đối với từng phân đoạn thị trường dịch vụ bưu chính trực tiếp của toàn bộ thị trường dịch vụ bưu chính. Tại thời điểm này trên thị trường chỉ có duy nhất một doanh nghiệp đối thủ là Bring Citymail (một công ty của Na Uy).

Trên cơ sở điều tra, vào năm 2009, Cơ quan cạnh tranh Đan Mạch đi đến kết luận rằng Post Danmark đã lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường dịch vụ bưu chính thông qua việc áp dụng các chính sách chiết khấu nhằm xây dựng mạng lưới khách hàng trung thành và bóp méo thị trường cạnh tranh trong khi không đưa ra được các biện pháp tạo hiệu quả kinh tế mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.

2. Điểm cơ bản trong chính sách chiết khấu đang được xem xét

Chính sách chiết khấu của Post Danmark được định mức trên cơ sở khối lượng đã tiêu thụ. Tất cả các khách hàng đều được hưởng mức chiết khấu như nhau dựa trên tổng khối lượng mua cộng dồn trong một khoảng thời gian nhất định.

Chính sách chiết khấu của Post Danmark áp dụng có điều kiện. Vào thời điểm đầu năm, Post Danmark và khách hàng ký kết thoả thuận trong đó dự tính khối lượng bưu chính được gửi đi trong cả năm và đặt ra mức khối lượng để được hưởng chiết khấu. Đến cuối năm, Post Denmark có thể điều chỉnh các mức khối lượng thực tế bưu chính đã được gửi nếu như thực tế không đạt được như mức dự tính ban đầu.

Post Danmark áp dụng chính sách chiết khấu ngược. Mặc dù chính sách chiết khấu được xây dựng trên nguyên tắc khối lượng mua vượt định mức giống như chính sách chiết khấu mà các doanh nghiệp khác thực hiện. Tuy nhiên, việc xác định khối lượng mua vượt định mức để được hưởng chiết khấu không phải tại thời điểm mua đối với một lần mua nhất định mà được xem xét vào thời điểm cuối năm theo nguyên tắc cộng dồn khối lượng giao dịch trong cả một năm.

Chính sách chiết khấu của Post Danmark không hoàn toàn dựa trên nguyên tắc định mức khối lượng mua mà cũng không dựa trên nguyên tắc khách hàng trung thành. Nói cách khác, chính sách chiết khấu của Post Danmark theo các điều kiện của hoạt động chiết khấu thông thường, tức chiết khấu hoặc dựa trên cơ sở vượt định mức giao dịch hoặc dành cho các khách hàng trung thành hoặc cả hai.

3. Lập luận của ECJ

Trên cơ sở tham khảo dẫn chiếu một số vụ việc tương tự trước đó, ECJ đã đưa ra một số nhận định và kết luận như sau:

– Chính sách chiết khấu trong đó tạo cho khách hàng các ích lợi tài chính với mục đích nhằm ngăn chặn khách hàng đạt được tất cả hoặc một số các điều kiện hay yêu cầu trong chính sách tương tự của các doanh nghiệp đối thủ cạnh tranh chính là một dạng hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường quy định tại Điều 102, Hiệp ước hoạt động của Liên minh Châu Âu (TFEU)[2].

– Khi đánh giá các hoạt động chiết khấu, cho dù là chiết khấu dựa trên nguyên tắc vượt định mức hoặc khách hàng trung thành, thì cũng cần phải xem xét tất cả các bối cảnh liên quan tới vụ việc. Một điều cần thiết là phải đánh giá các tiêu chuẩn và nguyên tắc kiểm soát việc trao chiết khấu, và phải điều tra xem liệu việc đưa ra một mối lợi không dựa trên bất kỳ một sự điều chỉnh ích lợi kinh tế mang tính hài hoà có dẫn tới tác động loại bỏ hay hạn chế quyền tự do lựa chọn các nguồn cung của người mua, hoặc có dẫn tới ngăn cản các đối thủ cạnh tranh tiếp cận thị trường, hoặc có áp đặt các điều kiện bất bình đẳng trong các giao dịch tương tự với các đối tác thương mại hoặc có giúp tăng cường sức mạnh thống lĩnh thông qua việc bóp méo cạnh tranh[3]. Hơn thế nữa, mức độ tăng cường sức mạnh thống lĩnh của đối tượng bị điều tra và các điều kiện cạnh tranh cụ thể trên thị trường liên quan cũng cần phải được xem xét và đánh giá thấu đáo[4].

– Chính sách chiết khấu được thực hiện bởi các doanh nghiệp, giống như chính sách chiết khấu mà Post Danmark đã áp dụng, không dựa trên nguyên tắc gắn kết các khách hàng với doanh nghiệp trên cơ sở các nghĩa vụ hay điều kiện thông thường, dù thế nào cũng gây khó khăn cho những khách hàng này trong việc tiếp cận được các nguồn cung từ các doanh nghiệp đối thủ, tạo ra tác động ngăn cản phản cạnh tranh[5]. Chính sách chiết khấu [được áp dụng bởi Post Danmark] đang bị xem xét là chính sách chiết khấu ngược và việc quy định thời gian 01 năm để xem xét áp dụng các điều kiện cho hưởng chiết khấu là khá dài làm cho doanh nghiệp thống lĩnh dễ giàng buộc được các khách hàng với mình, thu hút nhiều khách hàng từ các doanh nghiệp đối thủ, vì vậy, theo quan điểm của cơ quan cạnh tranh, sẽ đảm bảo sức thu hút khách hàng cho doanh nghiệp thống lĩnh. Hơn nữa, Post Danmark nắm giữ tới 95% thị phần trên thị trường liên quan, hưởng nhiều lợi thế từ cấu trúc thị trường hiện tại và là một đối tác thương mại không thể tránh khỏi đối với nhiều đối tác thương mại khác[6].

– Một thực tế nữa là nếu chỉ căn cứ vào việc chính sách chiết khấu không mang tính phân biệt (ví dụ, chính sách chiết khấu đã được định mức hoá) thì cũng không thể loại trừ được việc bị coi là có khả năng gây tác động ngăn cản trên thị trường liên quan, đi ngược lại tinh thần của Điều 102, TFEU[7].

– Cơ quan cạnh tranh có thể tạo cơ hội cho doanh nghiệp thống lĩnh thực hiện các chính sách mang lại hiệu quả kinh tế mà có thể bù đắp được tác động ngăn cản gây ra bởi chính sách chiết khấu[8].

– Sẽ là bất khả thi nếu chỉ căn cứ vào Điều 102, TFEU hoặc các án lệ trước đây để suy ra rằng cơ quan cạnh tranh có nghĩa vụ pháp lý thực hiện một cuộc khảo sát để xác định mức độ hoạt động hiệu quả của các doanh nghiệp đối thủ trên thị trường nhằm chứng minh rằng chính sách chiết khấu do doanh nghiệp thống lĩnh áp dụng là hành vi lạm dụng[9]. Trong các trường hợp thị trường bị bao bọc bởi các rào cản gia nhập cao, các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả cũng có thể tạo nên một áp lực cạnh tranh nhất định lên các doanh nghiệp thống lĩnh. Tuy nhiên, cũng không thể bỏ qua một cuộc khảo sát như vậy trong các vụ liên quan đến hành vi chiết khấu giá. Khảo sát để xác định mức độ hoạt động hiệu quả của các doanh nghiệp đối thủ trên thị trường cần được coi là một trong số các công cụ để cùng với các phương pháp đánh giá khác nhằm xác định và chứng minh cho hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh[10].

– Khi áp dụng quy định tại Điều 102, TFEU, không thể có một tiêu chí đánh giá cụ thể nào đó nhằm xác định liệu có hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh hay không. Hành vi phản cạnh tranh, về bản chất, có khả năng làm gia tăng đáng kể mức độ hạn chế cạnh tranh, hoặc thậm chí triệt tiêu cạnh tranh trên thị trường liên quan nơi mà doanh nghiệp thống lĩnh đang hoạt động. Bởi vậy, ECJ kết luận rằng để áp dụng thống nhất quy định tại Điều 102, TFEU, tác động phản cạnh tranh của chính sách chiết khấu do doanh nghiệp thống lĩnh thực thi cũng cần phải được chứng minh.

Như vậy, với những kết luận trên đây, lần đầu tiên ECJ chính thức đưa ra một hướng dẫn thực thi mang tính bao quát nhưng cũng khá cụ thể liên quan đến hành vi chiết khấu của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trên thị trường, từ đó giúp các cán bộ thực thi có được các định hướng tốt khi thực hiện điều tra. Ngoài ra, đây cũng là các nội dung mang tính định hướng mà các doanh nghiệp thống lĩnh cần lưu tâm khi xây dựng các chính sách chiết khấu liên quan đến các sản phẩm hay dịch vụ của mình.


[1] Case C-23/14 Post Danmark II

[2] Trích đoạn 27 trong Quyết định của ECJ trong vụ Post Danmark

[3] Trích đoạn 29 trong Quyết định của ECJ trong vụ Post Danmark

[4] Trích đoạn 30 trong Quyết định của ECJ trong vụ Post Danmark

[5] Trích đoạn 27 trong Quyết định của ECJ trong vụ Post Danmark

[6] Trích các đoạn 32, 34, 35, 39 và 40 trong Quyết định của ECJ trong vụ Post Danmark

[7] Trích các đoạn 38 trong Quyết định của ECJ trong vụ Post Danmark

[8] Trích các đoạn 38 và 39 trong Quyết định của ECJ trong vụ Post Danmark

[9] Trích các đoạn 57 trong Quyết định của ECJ trong vụ Post Danmark

[10] Trích các đoạn 60 trong Quyết định của ECJ trong vụ Post Danmark


SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC CẠNH TRANH VÀ BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG, BỘ CÔNG THƯƠNG

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: