admin@phapluatdansu.edu.vn

THỰC TIỄN GIẢI QUYẾT VỤ VIỆC HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH: Có áp dụng Nghị quyết 35/2000/NQ-QH10 để giải quyết được không?

Civillawinfor tổng hợp từ các bài viết của HIỀN CHÂU và TRÂN THỊ LỊCH – Tòa án nhân dân tối cao

Nguyên đơn đã từng chung sống như vợ chồng với bị đơn ở nước ngoài, sau đó về nước yêu cầu hủy hôn nhân của bị đơn với người vợ sau có đăng ký kết hôn đang ở nước ngoài, vậy Nghị quyết 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội có điều chỉnh đối với trường hợp này không?.

Tóm tắt vụ việc

Năm 1985, ông Trần Văn Anh chung sống như vợ chồng với bà Nguyễn Thị Nương không có đăng ký kết hôn và có hai con chung ở Đức. Đến năm 2000 ông Trần Văn Anh về tỉnh H, Việt Nam phát triển kinh doanh, tại đây ông có quan hệ tình cảm và đăng ký kết hôn với bà Lê Vân Anh vào năm 2001. Sau đó ông Anh đã đưa bà Lê Vân Anh sang Đức và ở lại sinh sống luôn ở Đức.

Năm 2008, bà Nguyễn Thị Nương về nước sinh sống tại tỉnh H, tại đây, bà đã làm đơn đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh H huỷ hôn nhân giữa ông Trần Văn Anh và bà Lê Vân Anh.

TAND tỉnh H đã căn cứ Nghị quyết 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 về việc thi hành Luật Hôn nhân gia đình, chấp nhận yêu cầu của bà Nguyễn Thị Nương công nhận hôn nhân của ông Trần Văn Anh và bà Nguyễn Thị Nương là hôn nhân thực tế, hủy hôn nhân trái pháp luật giữa ông Trần Văn Anh với bà Lê Vân Anh, yêu cầu bà Nguyễn Thị Nương và ông Trần Văn Anh thực hiện đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật.

Quan điểm về đường lối giải quyết

Quan điểm 1: Tại mục 3 của Nghị quyết 35/2000/NQ-QH10 về thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã nêu rõ:

a) Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03 tháng 01 năm 1987, ngày Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Toà án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000;

b) Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03 tháng 01 năm 1987 đến ngày 01 tháng 01 năm 2001, mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực cho đến ngày 01 tháng 01 năm 2003; trong thời hạn này mà họ không đăng ký kết hôn, nhưng có yêu cầu ly hôn thì Toà án áp dụng các quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết.

Từ sau ngày 01 tháng 01 năm 2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng;

c) Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 trở đi, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 của Nghị quyết này, nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, đều không được pháp luật công nhận là vợ chồng; nếu có yêu cầu ly hôn thì Toà án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì Toà án áp dụng khoản 2 và khoản 3 Điều 17 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết.

Do đó, TAND tỉnh H xác định quan hệ hôn nhân giữa ông Trần Văn Anh và bà Nguyễn Thị Nương là quan hệ hôn nhân thực tế và hủy quan hệ hôn nhân giữa ông  Trần Văn Anh và bà Lê Vân Anh là chính xác.

Quan điểm 2:

Thời điểm từ năm 1985 đến năm 2000 ông Trần Văn Anh và bà Nguyễn Thị Nương sống chung như vợ chồng và có con chung là ở Đức, hiện tại ông Trần Văn Anh cũng đang sống tại Đức và người sống cùng ông Anh là bà Vân Anh. Do quan hệ sống chung giữa ông Trần Văn Anh và bà Nguyễn Thị Nương diễn ra ở Đức nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết 35 do đó không thể áp dụng Nghị quyết 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 để công nhận quan hệ hôn nhân thực tế của ông Trần Văn Anh và bà Nguyễn Thị Nương.

Mặt khác, thời điểm sau khi Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 có hiệu lực thì ông Trần Văn Anh đã đăng ký kết hôn với bà Lê Vân Anh và sống cùng kể từ năm 2001 đến nay tại Đức, còn quan hệ giữa ông Trần Văn Anh và bà Nguyễn Thị Nương thì đã rạn nứt từ thời điểm ông Anh về nước làm ăn và sinh sống. Hiện tại, bà Nương đang sinh sống tại Việt Nam, ông Anh sinh sống tại Đức với bà Vân Anh nên việc xác định quan hệ giữa ông Trần Văn Anh và bà Nguyễn Thị Nương là hôn nhân thực tế để hủy quan hệ hôn nhân có đăng ký kết hôn của ông Trần Văn Anh với bà Lê Vân Anh là không hợp lý.

Ý kiến thảo luận

Hiền Châu: Nhất trí với quan điểm không áp dụng Nghị quyết 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 để công nhận quan hệ hôn nhân thực tế của ông Trần Văn Anh và bà Nguyễn Thị Nương.

Đây là trường hợp vướng mắc trong thực tiễn, việc có áp dụng Nghị quyết 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội để giải quyết hay không vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau, do đó, chúng tôi đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn để áp dụng thống nhất pháp luật.

Trần Thị Lịch:

Năm 2008, bà Nguyễn Thị Nương về nước sinh sống tại tỉnh H, bà đã làm đơn đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh H huỷ hôn nhân giữa ông Trần Văn Anh và bà Lê Vân Anh. Theo quy định tại điểm b mục 4 Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 9-6-2000 của Quốc hội về việc áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình để giải quyết các vụ việc về hôn nhân gia đình, đối với những vụ, việc mà Toà án thụ lý từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 thì áp dụng Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết.

Tình huống pháp lý không nêu cụ thể nơi cư trú của các đương sự nhưng việc ông Anh chung sống với bà Nương có hai con chung tại Đức, việc ông Anh đăng ký kết hôn với bà Anh và đưa bà Anh sang Đức sinh sống có thể xác định ông Anh là người Việt Nam định cư ở nước ngoài nên phải xác định là quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài và áp dụng các quy định tại Chương XI Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 để giải quyết. Theo quy định tại khoản 4 Điều 100 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì “các quy định của Chương này cũng được áp dụng đối với quan hệ hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với nhau mà một trong hai bên hoặc cả hai bên định cư ở nước ngoài”.

Theo quy định tại Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 về việc áp dụng pháp luật nước ngoài đối với quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài: “Trong trường hợp Luật này, các văn bản pháp luật khác của Việt Nam có quy định hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia viện dẫn thì pháp luật nước ngoài được áp dụng nếu việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc quy định trong luật này… thì áp dụng pháp luật hôn nhân gia đình Việt Nam”.

Mặt khác, tại khoản 1 Điều 7 Luật HNGĐ năm 2000 quy định về áp dụng pháp luật về hôn nhân gia đình đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài đã quy định “Các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được áp dụng đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài”. Cho nên, không thể nhận định rằng do quan hệ sống chung giữa ông Anh và bà Nương diễn ra ở Đức nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết 35 và không thể áp dụng Nghị quyết 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 để công nhận quan hệ hôn nhân thực tế của ông Anh và bà Nương.

Rõ ràng là ông Anh và bà Nương tuy không có đăng ký kết hôn nhưng họ đã chung sống từ năm 1985 và có hai con chung nên theo quy định tại điểm a mục 3 Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 9-6-2000 của Quốc hội; điểm c mục 1 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23-12-2000 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03-01-2001 thì ông Anh, bà Nương là vợ chồng trên thực tế và quan hệ vợ chồng của họ được công nhận kể từ ngày xác lập. Việc ông Anh kết hôn với bà Anh là vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 9, khoản 1 Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000; vi phạm nguyên tắc cơ bản của luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam là bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình, cấm người đang có vợ có chồng mà kết hôn với người khác nên Toà án tỉnh H áp dụng Nghị quyết 35/2000/NQ-QH10 và Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 để giải quyết vụ án là có căn cứ.


SOURCE: TẠP CHÍ TÒA ÁN NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ – https://tapchitoaan.vn

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d