admin@phapluatdansu.edu.vn

THỎA THUẬN TRỌNG TÀI HAY LÀ HỢP ĐỒNG CUNG CẤP DỊCH VỤ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

 LÊ NGUYỄN GIA THIỆN – Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TP.HCM

 LÊ NGUYÊN GIA THUẬN – Đại học Luật TP.HCM

Khái niệm Thỏa thuận trọng tài

Không phải đến giữa thế kỷ XX người ta mới nhận ra vai trò quan trọng của trọng tài, mà thực ra trọng tài đã được hình thành và phát triển trong lòng nền pháp chế La Mã. Luật XII Bảng (xuất hiện khoảng năm 450 TCN) quy định rằng một số tranh chấp đặc thù liên quan đến việc chia di sản thừa kế giữa các đồng thừa kế, ranh giới giữa các mảnh đất, nước mưa rơi xuống mảnh đất của một người nhưng lại gây ra thiệt hại cho tài sản của người khác và việc chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật đều có thể được giải quyết thông qua trọng tài.[1] Trong công cuộc pháp điển hóa của Hoàng đế Justinian I, với thành quả là Bộ Corpus Juris Civilis[2], chế định trọng tài cũng được các luật gia La Mã như Paulus, Ulpian, Gaius, Pomponius, Labeo… chú trọng và ghi chép rất kỹ lưỡng trong Quyển 4, Chương 8 của Bộ Digest. Theo quan niệm của pháp luật La Mã thì thỏa thuận trọng tài là sự tự nguyện thỏa thuận giữa các bên, theo đó các bên sẽ mang tranh chấp của mình đến nhờ một bên thứ ba giải quyết, bên thứ ba này gọi là trọng tài viên (arbiter)[3].

Trong bối cảnh pháp luật hiện đại, Luật mẫu về Trọng tài thương mại quốc tế của Ủy ban về Luật thương mại quốc tế của Liên Hiệp Quốc (Model Law of United Nations Commission on International Trade Law – Luật Mẫu UNCITRAL) vẫn giữ nguyên tinh thần của luật La Mã, nhưng quy định có phần chi tiết và chặt chẽ hơn, theo đó: “Thỏa thuận trọng tài là sự đồng thuận của các bên về việc cậy nhờ trọng tài giải quyết toàn bộ hay một phần tranh chấp đã phát sinh, hoặc có thể phát sinh từ một quan hệ pháp luật nhất định, bất kể có phải là quan hệ hợp đồng hay không. Một thỏa thuận trọng tài có thể là một điều khoản trong hợp đồng hoặc một thỏa thuận riêng biệt” [4].

Pháp luật các nước, khi tiếp nhận hoặc tham khảo các quy định của Luật Mẫu UNCITRAL đều có cách tiếp cận tương tự. Ví dụ, Điều 1029(1) Bộ Luật tố tụng dân sự (Zivilprozessordnung – ZPO) của Đức[5] quy định rằng: “Thỏa thuận trọng tài là sự thỏa thuận giữa các bên về việc cậy nhờ trọng tài giải quyết toàn bộ hay một phần tranh chấp đã hoặc có thể phát sinh từ một quan hệ pháp luật nhất định, bất kể có phải là quan hệ hợp đồng hay không. Một thỏa thuận trọng tài có thể là một điều khoản trong hợp đồng hoặc một thỏa thuận riêng biệt”. Hay như Điều 351(1) ZPO của Thụy Sỹ nêu một cách ngắn gọn: “Thỏa thuận trọng tài có thể liên quan đến những tranh chấp hiện thời hoặc hình thành trong tương lai phát sinh từ các quan hệ pháp luật nhất định”[6] . Có thể nhận định rằng, điểm khác biệt lớn nhất giữa tố tụng trọng tài và tố tụng tòa án chính là ở chỗ tố tụng trọng tài thượng tôn tinh thần tự chủ thông qua sự thỏa thuận của các bên (party autonomy), còn tố tụng tòa án lại không hề tồn tại bất cứ sự thỏa thuận nào, các quy trình tố tụng đã được nêu rõ trong các đạo luật cụ thể. Cơ quan trọng tài được các bên lựa chọn sẽ là người đứng ra giải quyết tranh chấp cho các bên, điều này cũng đồng nghĩa với việc các cơ quan này đã cung cấp cho các bên một dịch vụ theo nguyện vọng của họ, gọi là “dịch vụ giải quyết tranh chấp”[7].


TRA CỨU BÀI VIẾT ĐẦY ĐỦ TẠI ĐÂY


Chú thích:

[1] Luật XII Bảng các điều luật: Luật 5, Điều 5; Luật 8, Điều 4; Luật 8, Điều 7; Luật 9, Điều 3.

[2] Corpus Juris Civilis (hay còn gọi là “Dân pháp đại toàn”) là bộ pháp điển hóa được biên soạn dưới sự chỉ đạo của Hoàng đế Justinian I và được thực hiện bởi bởi Ban soạn thảo quy tụ ba luật gia hàng đầu La Mã thời bấy giờ, gồm Tribonianus (Quaestor sacri palatii – chức danh như là Bộ trưởng Tư pháp thời nay), Theophilus (giáo sư luật tại Constantinople) và Dorotheus (giáo sư luật tại Berytus). Bộ pháp điển hóa này gồm 4 bộ nhỏ, lần lượt theo trình tự thời gian là Codex (hoàn thành năm 529, sau đó được sửa đổi, bổ sung năm 533); Digest (còn gọi là Pandekten, hoàn thành năm 533); Institutiones (hoàn thành năm 533) và Novelle (được biên soạn từ 535 đến năm 565), xem: Charles Phineas Sherman, Roman law in the modern world (Vol. I), Nxb. Boston Book Company, 1917, tr. 134-139.

[3] Digest 4.8.32.3, Digest 2.14.1.3.

[4] Xem Điều 7 (1) của Luật mẫu UNCITRAL.

[5] Đức có thể xem như là một trong những nước đi đầu khi tiếp nhận và nội luật hóa các quy định của Luật Mẫu, bằng chứng là các điều khoản của Quyển X ZPO của Đức (Zivilprozessordnung – ZPO) gần như là tiếp thu toàn bộ tinh thần của Luật Mẫu UNCITRAL. Thoạt nhìn thì có thể suy diễn rằng pháp luật Đức không có sự linh hoạt và tiếp thu Luật Mẫu một cách thụ động, tuy nhiên nếu sâu sát với luật trọng tài của Đức thì sẽ thấy rằng sở dĩ luật Đức hạn chế việc “địa phương hóa” (localization) các điều khoản của Luật Mẫu đến mức thấp nhất là vì các điều khoản của Luật Mẫu vốn dĩ đã được thiết kế một cách khoa học và có khả năng dự rất báo cao. Thứ nữa, việc áp dụng nguyên mẫu các điều khỏa của Luật Mẫu cho cả trọng tài trong nước và trọng tài quốc tế ở Đức sẽ không tạo ra những điểm khác biệt không đáng có giữa Luật Mẫu và luật quốc gia. Kết quả là việc vận dụng trực tiếp các điều khoản của Luật Mẫu đã khiến cho Đức trở thành một nền pháp chế có luật và thực tiễn trọng tài được ưa chuộng hàng đầu trên thế giới. Xem: Böckstiegel/Kröll/Nacimiento, Arbitration in Germany: The Model Law in Practice (2 ed.), Nxb: Wolters Kluwer, 2015, tr. v – vi.

[6] Dù là nền pháp chế với truyền thống trọng tài lâu đời và hệ thống trọng tài hiệu quả bậc nhất trên thế giới, song luật trọng tài của Thụy Sỹ không tiếp nhận Luật Mẫu UNCITRAL một cách chính thức như Đức, thay vào đó pháp luật Thụy Sỹ có cách quy định riêng của mình. Luật trọng tài của Thụy Sỹ được chia làm hai cấp độ, đối với trọng tài trong nước, hình thức này sẽ chịu sự điều chỉnh của Phần 3 ZPO của Thụy Sỹ (ZPO). Còn đối với trọng tài quốc tế, Chương XII của Luật tư pháp quốc tế (Bundesgesetz über das Internationale Privatrecht – IPRG) sẽ được áp dụng. Xem, Thomas Sutter-Somm, Die neue Schweizerische Zivilprozessordnung (ZPO), 86 Ritsumeikan Law Review, Số 29, 2012, tr. 86.

[7] Đây là quan niệm được trọng tài thương mại quốc tế thừa nhận rộng rãi. Trong Báo cáo Sơ kết 4 năm thi hành Luật Trọng tài thương mại, Bộ tư pháp, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về trọng tài, cũng đã sử dụng thuật ngữ “dịch vụ trọng tài”.


SOURCE: TẠP CHÍ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ: CHUYÊN SAN KINH TẾ – LUẬT VÀ QUẢN LÝ, TẬP 2, SỐ 1, 2018

CÁM ƠN TÁC GIẢ ĐÃ CHIA SẺ BÀI VIẾT

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading