admin@phapluatdansu.edu.vn

TÌNH HUỐNG THỰC TIỄN: BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI THEO HỢP ĐỒNG GỬI GIỮ XE

  BÁO PHÁP LUẬT TP.HCM điện tử 

1. Kiện chủ quán cà phê vì mất xe

TÂN SƠN – TAND tỉnh Kiên Giang vừa xử phúc thẩm vụ tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản theo hợp đồng gửi giữ tài sản giữa ông DNH với bà DKS (chủ quán cà phê) do bà S. có kháng cáo.

Đến uống cà phê, bị mất xe

Trong đơn khởi kiện, ông H. trình bày: Khoảng 19 giờ 30 ngày 16-1-2017, ông chạy xe máy hiệu Exciter chở một người bạn vào uống cà phê tại quán cà phê của bà S. Khi vào quán, ông đậu xe máy trong quán ngay tầm nhìn của bảo vệ quán để bảo vệ dễ quan sát, lúc đó có bảo vệ trông thấy.

Tại đây, ông H. cùng bạn uống cà phê đến khoảng 21 giờ thì có thêm hai người bạn khác đến ngồi chung. Bốn người uống cà phê đến 21 giờ 55 thì ra về.

Khi ra về, không thấy xe của mình đâu, ông H. và bạn tìm bảo vệ để hỏi thì không thấy bảo vệ đâu. Khoảng năm phút sau, một người bảo vệ mới tới quán. Khi ông H. hỏi thì người bảo vệ này nói mới nhận ca nên không biết. Ông H. hỏi về số điện thoại bên công ty bảo vệ để trình bày sự việc, nhờ bạn đi trình báo công an phường, còn ông ngồi ở quán đợi chủ quán.

Đến 22 giờ 15, tổ trưởng bên công ty bảo vệ có đến quán gặp ông H. để nắm sự việc. Gần 22 giờ 20, bạn ông H. chạy về quán nói công an phường yêu cầu chủ xe qua phường trình bày. Ông H. và bạn đến công an phường trình bày sự việc và công an phường có ghi nhận.

Theo ông H., hiện ông vẫn còn giữ giấy đăng ký xe mang tên ông và chìa khóa xe. Khi ông vào quán uống cà phê thì bảo vệ quán phải có trách nhiệm trông giữ xe máy của ông. Do bảo vệ quán sơ hở, mất cảnh giác nên kẻ gian đã đột nhập và lấy mất xe máy của ông. Do đó, ông yêu cầu chủ quán cà phê và người quản lý quán cà phê phải có trách nhiệm bồi thường chiếc xe bị mất cho ông (trị giá gần 46 triệu đồng).

Không treo biển khách tự giữ xe, chủ quán phải đền

Tại tòa, bà S. (chủ quán cà phê) trình bày rằng bà có hợp đồng thuê bảo vệ của công ty bảo vệ, trong hợp đồng có bàn giao phụ trách an ninh trong quán và trông giữ xe. Vào một thời gian nào đó bà không nhớ rõ, lúc bà không có mặt tại quán, bà được phía công ty bảo vệ thông báo có việc mất xe. Việc mất xe được công an phường ghi nhận và có lấy lời khai của nhân viên bảo vệ.

Qua các lần hòa giải ở phường, bà S. có yêu cầu mời đại diện công ty bảo vệ tham gia nhưng do thất lạc hợp đồng giữa bà và công ty bảo vệ nên phường không mời. Nay bà không chấp nhận bồi thường cho ông H., đồng thời yêu cầu xác minh vụ mất xe có xảy ra tại quán hay không, yêu cầu mời đại diện công ty bảo vệ tham gia tố tụng.

Tháng 4-2018, tòa sơ thẩm đã tuyên buộc bà S. phải bồi thường cho ông H. 31 triệu đồng (giá trị xe bị mất theo kết quả định giá). Không đồng ý, bà S. kháng cáo.

Mới đây, xử phúc thẩm vụ án, TAND tỉnh Kiên Giang nhận định: Tại các biên bản hòa giải ở UBND phường, người quản lý quán cà phê thừa nhận có sự việc mất xe máy và đồng ý bồi thường cho ông H. nhưng yêu cầu công ty bảo vệ phải có trách nhiệm liên đới.

Tòa phúc thẩm xét thấy việc ông H. mất xe máy hiệu Exciter tại quán cà phê của bà S. là có thật. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại xe cho ông H. thuộc về bà S. bởi lẽ quán cà phê không treo biển báo khách tự giữ xe, mặt khác người quản lý quán cà phê xác định trong thời gian ông H. báo mất xe, bảo vệ không phát thẻ giữ xe. Cạnh đó, bà S. không có đơn yêu cầu công ty bảo vệ liên đới bồi thường thiệt hại.

Theo tòa phúc thẩm, tòa sơ thẩm buộc bà S. bồi thường thiệt hại cho ông H. là có căn cứ. Bà S. có quyền khởi kiện yêu cầu công ty bảo vệ bồi thường thiệt hại trong vụ án khác nên HĐXX tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm.

2. Làm mất xe SH, quán cà phê phải bồi thường 135 triệu đồng

PHƯƠNG LOAN – TAND quận Tân Bình (TP.HCM) vừa tuyên buộc chủ một quán cà phê phải bồi thường cho khách đến uống cà phê giá trị chiếc xe SH bị mất.

Theo hồ sơ, tối 18-10-2011, ông Võ Công Trí đến quán cà phê C.E.N trên đường Ba Vân uống cà phê. Ông gửi chiếc SH cho nhân viên bãi xe giữ. Khoảng một tiếng sau thì ông được báo là xe đã mất. Ngay sau đó ông đã trình báo sự việc với công an.

Chủ quán cà phê từ chối bồi thường cho ông Trí với lý do: “Tôi đâu có biết mặt mũi cái xe của anh ra sao mà bắt tôi đền. Hơn nữa, tôi sợ phải bồi thường nếu xe của khách mất nên đã ký hợp đồng với Công ty Dịch vụ Bảo vệ Đại Đô Thành hằng tháng hơn 8 triệu đồng để họ chịu trách nhiệm rồi”. Trong khi đó, phía công ty bảo vệ thì cho rằng tại thời điểm mất xe, giữa quán và công ty đã hết hợp đồng cung ứng dịch vụ bảo vệ. Người đến giữ xe cho quán vào thời gian đó không phải do công ty cử đến mà tự đến do quen biết…

Việc thương lượng bồi thường giữa các bên không thành nên ông Trí đã khởi kiện chủ quán cà phê ra TAND quận Tân Bình yêu cầu bồi thường giá trị chiếc xe SH.

Xử sơ thẩm lần đầu, TAND quận Tân Bình xác định trách nhiệm bồi thường thuộc về công ty bảo vệ. Sau phiên xử, phía công ty bảo vệ kháng cáo. Tại phiên phúc thẩm hồi tháng 3-2013, TAND TP.HCM nhận định ông Trí chỉ kiện chủ quán đòi bồi thường, chủ quán cũng không phản tố yêu cầu công ty bảo vệ chịu trách nhiệm mà tòa sơ thẩm lại buộc công ty bảo vệ có trách nhiệm là giải quyết vượt quá yêu cầu khởi kiện. Từ đó tòa đã tuyên hủy án để cấp sơ thẩm giải quyết lại.

Tại phiên sơ thẩm lần hai này, chủ quán cà phê vẫn không đồng ý bồi thường với lập luận: “Nếu trên thẻ xe có tên tôi hoặc tên quán thì tôi đền”. Theo tòa, việc mất xe là do người trông xe cho quán gây ra thì quán phải bồi thường. Từ đó tòa chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, buộc chủ quán cà phê phải bồi thường 135 triệu đồng. Tòa cũng ghi nhận thiện chí hỗ trợ cho quán cà phê 45 triệu đồng của công ty bảo vệ. Sau khi nhận đủ tiền, ông Trí phải giao toàn bộ giấy tờ chiếc xe đã mất cho chủ quán.

3. Gửi giữ xe bằng thẻ từ: Mất sẽ khó đòi!

ÁI MINH – Mới đây, TAND TP.HCM mở phiên phúc thẩm xử vụ tranh chấp hợp đồng gửi giữ xe giữa ông NMHT (ngụ quận 11) với Công ty TNHH Phát triển CAV. Vụ án gây chú ý khi việc mất xe diễn ra tại bãi xe áp dụng công nghệ gửi giữ hiện đại (còn gọi là bãi giữ xe thông minh) nhưng khi có sự cố thì bên giữ xe bảo dữ liệu lưu trữ bị mất.

Công nghệ hiện đại

Tháng 1-2014, ông T. nộp đơn khởi kiện ra TAND quận 12 (nơi Công ty CAV đặt trụ sở) để đòi bồi thường chiếc xe SHi của ông bị mất.

Ông T. trình bày ông ngụ tại chung cư Phú Thọ, quận 11. Bãi giữ xe tại chung cư này do Công ty CAV quản lý. Tháng 1-2011, ông ký thỏa thuận gửi giữ xe tháng với công ty tại bãi xe chung cư. Công ty yêu cầu ông đưa bản phôtô giấy đăng ký xe để làm thẻ giữ xe tháng. Sau đó công ty đưa thẻ giữ xe SHi biển số như cung cấp để ông giữ và quản lý. Mỗi tháng ông phải trả phí giữ xe là 140.000 đồng.

Quy trình gửi xe như sau: Sau khi đăng ký gửi xe tháng, Công ty CAV cấp cho ông T. một thẻ xe (thẻ từ) có mã vạch. Thẻ này chỉ sử dụng cho xe mà ông T. đã đăng ký. Khi cho xe vào bãi, người giữ xe sẽ quét mã vạch xác nhận xe đã đưa vào bãi và khi lấy xe ra, bên giữ xe sẽ quét mã vạch để xác nhận đúng chiếc xe và người gửi xe đã lấy xe ra. Mỗi lần gửi và lấy xe, ông T. đều phải xuất trình thẻ cho nhân viên bãi xe quét thẻ.

Dữ liệu bị mất tại thời điểm mất xe (!?)

Theo ông T., tối 3-11-2011, ông đem xe vào bãi, đến 14 giờ ngày hôm sau ông xuống bãi lấy xe thì không thấy xe đâu. Ông lập tức báo cho nhân viên bãi xe biết, đồng thời trình báo sự việc cho công an phường. Ông xác nhận khi cho xe vào bãi ông có đưa thẻ cho nhân viên bãi xe, còn việc nhân viên có quét thẻ hay không thì ông không biết.

Ông T. cho biết thêm bãi xe có camera ghi hình và khi phát hiện mất xe ông có yêu cầu nhân viên bãi xe cho xem lại dữ liệu ghi hình. Tuy nhiên, nhân viên bãi xe lại hẹn ông đến 9 giờ sáng hôm sau. Hôm sau, ông được báo là camera không hoạt động từ ba tháng trước nên không lưu lại hình ảnh gửi và lấy xe của ông.

Ông T. khẳng định người nhà ông đều có xe riêng nên chiếc SHi chỉ mình ông sử dụng. Tại thời điểm trước khi mất xe, ông không cho ai mượn xe. Sau khi mất xe, ông nhiều lần liên hệ với Công ty CAV đòi bồi thường nhưng không thấy có thiện chí nên phải đi kiện.

Ngược lại, phía công ty không đồng ý bồi thường vì cho rằng mình không làm mất xe. Phía công ty cho rằng ông T. đã lấy xe không xuất trình thẻ và không gửi lại bãi vào ngày 3-11-2011 như ông này trình bày.

Người làm chứng (là nhân viên bãi xe) cho rằng khi nghe ông T. nói mất xe, người có thẩm quyền kiểm tra máy tính và đầu ghi hình thì phát hiện dữ liệu không lưu trữ trên ổ cứng từ 26-8-2011 đến 4-11-2011. Sau đó, người này bật chế độ ghi hình trên đầu ghi thì nó mới bắt đầu hoạt động. Sở dĩ ghi hình camera không lưu dữ liệu trước đó là vì mất điện. Nhân viên khẳng định nhân viên bãi xe không thể truy cập vào đầu ghi hình vì không biết mật mã.

Nghị án kéo dài vì vụ án phức tạp

Xử sơ thẩm hồi tháng 3-2014, TAND quận 12 nhận định phía bị đơn cho rằng ông T. và cha ông đã lấy xe ra vào tối 31-10-2011, sau đó không đem xe quay lại nhưng không có chứng cứ chứng minh do camera đã bị hư từ tháng 6-2011. Từ đó, tòa buộc phía Công ty CAV có trách nhiệm bồi thường hơn 138 triệu đồng trị giá chiếc SHi bị mất theo định giá.

Không đồng tình, Công ty CAV kháng cáo.

Tại phiên phúc thẩm, hàng loạt câu hỏi được đặt ra với phía công ty. Chẳng hạn công ty có chứng minh được camera trong thời gian đó do cúp điện không ghi hình được mà không có sự can thiệp khác từ con người không vì sang ngày hôm sau mới cung cấp băng ghi hình? Cúp điện camera không hoạt động nhưng máy quét thẻ vẫn hoạt động, vậy công ty có cung cấp được dữ liệu cuối cùng ra vào của xe ông T. không? Và liệu có tác động từ con người làm thay đổi dữ liệu không?…

Tranh luận tại tòa, công ty cho rằng khi ông T. cho xe vào nói có đưa thẻ vào bãi cho nhân viên tên Hiếu nhưng người này là người sắp xếp xe, không phải kiểm soát xe. Sự việc mất xe không chứng minh được bãi xe làm mất, không có chứng cứ ông T. đã đưa xe vào bãi. Ông T. thường cho xe ra vào bãi mà không quét thẻ. Mặt khác, nhân viên bãi xe vào làm phải đóng ký quỹ cả trăm triệu đồng nên không thể có hành vi gian dối…

Phát biểu quan điểm, VKS cho rằng công ty không chứng minh được kháng cáo có căn cứ nên đề nghị tòa tuyên y án sơ thẩm. HĐXX cho rằng vụ án phức tạp nên kéo dài thời gian nghị án, dự kiến ngày 30-7 sẽ tuyên án.

Nhận trông giữ, làm mất thì phải bồi thường

Theo Điều 554 BLDS 2015, hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.

Theo khoản 2 Điều 556 BLDS 2015, bên gửi tài sản có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

Theo khoản 1 Điều 557 BLDS 2015, bên giữ tài sản có nghĩa vụ bảo quản tài sản theo đúng thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ. Theo khoản 4 điều này, bên giữ tài sản có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.


SOURCE: Báo Pháp luật TP.HCM điện tử – PLO.VN

Trích dẫn từ:

Link trích dẫn có thể không còn truy cập được tại thời điểm bạn tra cứu do trang nguồn có sự thay đổi về lưu trữ

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading