admin@phapluatdansu.edu.vn

ỨNG XỬ VỚI KHÁC BIỆT/ NGƯỜI “KHÁC LẠ”: Quan điểm của cộng đồng dân tộc thiểu số về người có xu hướng tính dục và bản dạng giới thiểu số

ĐỖ QUỲNH ANH, TRẦN NGỌC LINH & HOÀNG NGỌC AN

Cách tiếp cận của nghiên cứu

Khái niệm về “căn tính” trong Nhân học

Các nhóm phân loại con người theo các đặc tính (traits) và căn tính (identities) không được tạo ra bởi tự nhiên mà được con người tạo ra để đơn giản hóa sự phức tạp trong sự đa căn tính (multiple identities) của con người và trong các hiện thực đa chiều (multiple realities)5. Trong một thảo luận về sự hạn chế của chủ nghĩa kiến tạo xã hội (social constructionism), Epstein (1987) cho rằng ‘căn tính’ được xác định trong mối quan hệ giữa cá nhân với toàn thể xã hội, là kết quả của quá trình liên tục tìm kiếm ‘căn tính’ nhằm tìm kiếm một sự liên hệ giữa cá nhân với đám đông và chính danh hóa (legitimate) vị thế của họ trong xã hội. Epstein đã tổng kết hai cách định nghĩa về căn tính: một cách giải thích nhìn nhận căn tính như là bản chất (essential) của con người, do đó thuộc về nội tâm (intrapsychic); cách còn lại theo luận điểm của chủ nghĩa kiến tạo xã hội cho rằng căn tính là các nhãn (labels) hoặc vai trò (roles) được ‘tập nhiễm’ (acquired) vào mỗi cá nhân. Cách hiểu căn tính thuộc về nội tâm coi căn tính như một đặc tính cố định và bền vững của một người, mô tả bản chất thật sự của con người. Trong khi đó, định nghĩa còn lại cho rằng căn tính là sự nhập tâm (internalization) hoặc tiếp nhận có ý thức các nhãn và vai trò đã được áp đặt hoặc xây dựng trong quá trình xã hội hóa.

Golobovic (2011) đã diễn giải khái niệm căn tính từ cách tiếp cận Nhân học như sau: căn tính (của cá nhân hoặc tập thể) không được trao một cách tự nhiên mà là sự định nghĩa và thiết lập mang tính văn hóa, để những con người sống trong các bối cảnh văn hóa như là “bản chất tự nhiên thứ hai của con người”. Khái niệm về căn tính trong nghiên cứu Nhân học thường được sử dụng khác nhau trong các thuật ngữ: i) là “căn tính nguyên thủy” (primordial identity) được tạo thành như một thực thể được trao cho một cách tự nhiên và không thể thay đổi; và ii) là cảm thức (sense) văn hóa – xã hội, chính trị hoặc ý thức hệ được kiến tạo về căn tính của cộng đồng hoặc cá nhân. Căn tính nguyên thủy thuộc về nhóm phân loại dân tộc/ tộc người (ethnic), trong khi các căn tính mang tính cảm thức thuộc về các phân nhóm mang tính văn hóa 7. Căn tính hàm chứa những cách thể hiện và giá trị của cá nhân hoặc của tập thể và những điều làm nên sự khác biệt giữa ‘tôi’/ ‘chúng tôi’ và ‘họ’. Trong khi phân tích về căn tính có thể thấy sự nổi lên của những cặp phạm trù đối lập: ‘lựa chọn’ (choice) và ‘cưỡng chế’ (constraint), ‘đồng nhất’ (sameness) và ‘khác biệt’ (difference).

Các thảo luận chính của nghiên cứu này sẽ xoay quanh hai loại căn tính: căn tính tộc người (ethnic identity), căn tính giới (gender identity) và căn tính tính dục (sexual identity). Căn tính tộc người là một loại căn tính nguyên thủy, được trao chuyền qua các thế hệ cho cá nhân từ khi được sinh ra. Các nghiên cứu khoa học xã hội thường xem xét căn tính tộc người trong bối cảnh quyền lực với các nhóm khác. Căn tính giới là trải nghiệm của cá nhân gắn với một giới xác định, có thể đồng nhất với giới tính sinh học hoặc có thể không. Hầu hết các xã hội đều xây dựng một hệ thống giới nhị nguyên, bao gồm nam giới và nữ giới. Các nghiên cứu về căn tính giới cũng thường xem xét các quy chuẩn giới được quy định bởi các nền văn hóa. Tuy nhiên trong một nghiên cứu về các xã hội dựa trên hệ thống thân tộc, Harriet Whitehead (1981) cho rằng: “Nói rằng các khái niệm và định nghĩa giới liên quan tới giới tính và giới là các biến thể văn hóa đa dạng thì không nhất thiết phải nói chúng thay đổi vô hạn trên những trục cũ kĩ”, cố gắng kết nối ý nghĩa văn hóa với giới tính và giới trong mối quan hệ có tính cấu trúc xã hội cụ thể. Về căn tính tính dục, có nhiều tranh cãi xem nó thuộc về loại hình căn tính nội tâm, mang tính bản chất hay loại hình căn tính được tập nhiễm, mang tính xã hội hóa. Epstein (1987) đã gợi ý rằng “chỉ có một vị trí trung gian giữa hai cực của căn tính nội tâm và căn tính tập nhiễm mới có thể cho phép chúng ta thừa nhận rằng căn tính tính dục là không thể tránh khỏi và có thể biến đổi.”


TRA CỨU TÀI LIỆU ĐẦY ĐỦ TẠI ĐÂY


 

SOURCE: Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) – Nghiên cứu thể hiện quan điểm riêng của nhóm tác giả

One Response

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d