NGUYỄN HỒNG HẢI – Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế, Bộ Tư pháp
1. Về bản chất pháp lý
Quyền hưởng dụng là một quyền mới được bổ sung vào trong Bộ luật dân sự năm 2015, cùng với quyền đối với bất động sản liền kề (địa dịch) và quyền bề mặt, quyền hưởng dụng được xếp vào nhóm quyền khác đối với tài sản.[1] Về cơ bản, nội hàm quyền hưởng dụng trong Bộ luật dân sự Việt Nam cũng khá tương đồng với nhiều bộ luật dân sự khác trên thế giới, theo đó, quyền này có bản chất pháp lý là một loại vật quyền có thời hạn trên tài sản của người khác, chủ sở hữu hoặc theo quy định của luật cho phép người khác khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản của chủ sở hữu và chủ sở hữu vẫn giữ lại quyền định đoạt đối với tài sản của mình.
1.1. Quyền hưởng dụng có ý nghĩa lớn về mặt xã hội và kinh tế trong việc khai thác, sử dụng tài sản, đáp ứng các nhu cầu ngày càng gia tăng, đa dạng ở các cấp độ khác nhau về vật chất và tinh thần của con người, phù hợp với sự đa dạng về tính chất và công dụng của tài sản trong tự nhiên và xã hội… trong đó:
a) Quyền hưởng dụng có thể giúp cho người dân có được những lựa chọn tốt hơn, đa dạng hơn trong việc khai thác, sử dụng tài sản của mình, bảo đảm hài hòa giữa khai thác công dụng, giá trị của tài sản với hạn chế rủi ro của chính mình và sự ổn định các quan hệ có liên quan, như:
(i) Chủ sở hữu tài sản có thể lựa chọn không chuyển quyền sở hữu tài sản cho con, người thân hoặc bất kỳ ai, nhưng lại trao quyền hưởng dụng tài sản cho những người này để họ có được nguồn thu nhập trọn đời hoặc trong một thời hạn nhất định trên tài sản của chủ sở hữu;
(ii) Chủ sở hữu có thể lựa chọn chuyển quyền sở hữu tài sản cho cho con, người thân hoặc bất kỳ ai, nhưng vẫn giữ lại quyền hưởng dụng đối với tài sản cho đến khi chủ sở hữu mất;[2]
(iii) Chủ sở hữu có thể lựa chọn việc chuyển quyền sở hữu tài sản của mình cho một người con nhưng lại trao quyền hưởng dụng trọn đời hoặc trong một thời hạn nhất định đối với tài sản đó cho người con khác;[3]
(iv) Chủ sở hữu tác phẩm văn học, nghệ thuật hoặc đối tượng khác của sở hữu trí tuệ có thể trao cho một tổ chức, cá nhân khác quyền hưởng dụng để khai thác tốt hơn lợi ích kinh tế hoặc khai thác tác phẩm văn học, nghệ thuật đúng mục đích hơn của trong các hoạt động xuất bản, phát hành, biểu diễn nghệ thuật hoặc các hoạt động khác khai thác giá trị của đối tượng sở hữu trí tuệ…;
(v) Chủ sở hữu cổ phiếu, vốn góp tại doanh nghiệp có thể lựa chọn việc trao cho người khác có năng lực kinh doanh hơn mình quyền hưởng dụng đối với cổ phiếu, vốn góp của mình, qua đó bảo đảm hài hóa lợi ích của chủ sở hữu, lợi ích của người hưởng dụng với việc tối đa hóa giá trị kinh tế mà cổ phiếu, vốn góp đem lại[4]…;
…
b) Việc áp dụng quyền hưởng dụng có thể giúp Nhà nước khai thác tốt hơn, tối đa hóa hơn giá trị hàng hóa của tài sản công bằng việc cấp quyền khai thác khoáng sản, quyền khai thác rừng tự nhiên, rừng trồng có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, quyền đánh cá,… cho người dân. Qua đó, bảo đảm được sự hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của xã hội và lợi ích của tư nhân; [5]
…
TRA CỨU BÀI VIẾT ĐẦY ĐỦ TẠI ĐÂY
[1] BLDS trên thế giới chia vật quyền thành: (1) Quyền trên tài sản của mình (Quyền sở hữu); và (2) Quyền trên tài sản của người khác – vật quyền khác (BLDS năm 2015 gọi là Quyền khác đối với tài sản, cá nhân tôi cho rằng việc sử dụng thuật ngữ “vật quyền khác” hoặc “Quyền trên tài sản của người khác” thì phù hợp với bản chất pháp lý của nhóm quyền này hơn).
[2] Trường hợp này bằng quyết định của mình, chủ sở hữu lại trở thành người hưởng dụng trên chính tài sản mà họ đã chuyển quyền sở hữu cho cho con, người thân hoặc bất kỳ ai.
[3] Trường hợp này quyết định của chủ sở hữu đã chấm dứt toàn bộ quyền của mình đối với tài sản nhưng để công bằng trong việc các con được hưởng lợi từ tài sản của cha mẹ, chủ sở hữu đã lựa chọn giải pháp là cho phát sinh đồng thời quyền của hai người con trên cùng một tài sản: một là chủ sở hữu và một là người hưởng dụng.
[4] Quyết định của chủ sở hữu cổ phiếu, vốn góp sẽ làm phát sinh hai chủ thể có quyền trong hoạt động của doanh nghiệp: một là chủ sở hữu vốn góp vào doanh nghiệp, một là người có quyền trong việc chia lãi, cổ tức của doanh nghiệp.
[5] Luật bảo vệ và phát triển rừng của Việt Nam cũng đã ghi nhận về việc quyền sử dụng rừng là quyền được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ rừng; được cho thuê quyền sử dụng rừng thông qua hợp đồng theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng và pháp luật dân sự.
SOURCE: Vietnam Law and Legal Forum, No 273/May 2017 (Bản dự thảo, khác một số câu, chữ trên bản đăng Tạp chí)
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: 1. SỬA ĐỔI BLDS 2005, Vật quyền khác |
Leave a Reply