admin@phapluatdansu.edu.vn

CÔNG TÁC PHÁP ĐIỂN HÓA HIỆN NAY TẠI CỘNG HÒA PHÁP

MATTIAS GUYOMAR – Thẩm phán Tòa án Hành chính tối cao, Cộng hòa Pháp[1]

Việc tiếp nối quá trình pháp điển hóa kể từ năm 1989 vừa mang tính khiêm tốn, vừa mang nhiều tham vọng. Khiêm tốn nếu so với công cuộc xây dựng Bộ luật dân sự 1804 ban đầu và các Bộ luật Na-pô-lê-ông khác. Tham vọng, bởi vì công tác pháp điển hóa không đơn giản chỉ là tập hợp các văn bản quy phạm pháp luật theo từng chủ đề hoặc theo từng khoảng thời gian mà còn đòi hỏi phải thống nhất toàn bộ các quy định của từng ngành luật vào một Bộ luật thống nhất, qua đó "làm cho pháp luật được đơn giản và rõ ràng hơn"[2]. Chỉ cần nhìn vào bản danh sách ban hành kèm theo Thông tư ngày 30 tháng 5 năm 1996 về hoạt động pháp điển hóa các văn bản pháp luật[3] là có thể đánh giá được tham vọng đó: danh sách này lấy lại chương trình hoạt động của Uỷ ban pháp điển hóa mới được thông qua vài tháng trước đó, dự kiến soạn thảo trong thời gian 5 năm tổng cộng 25 Bộ luật mới và sửa đổi 18 Bộ luật hiện hành.

Cũng như Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự chỉ được xếp vào số các Bộ luật cần được bổ sung thêm quy định mới, nên không có tên trong danh sách đầy tham vọng nói trên. Nhiều Bộ luật khác đã được sửa đổi rất nhiều, trong đó phải kể đến Bộ luật Thương mại. Do đó, vào thời điểm mà chúng ta đang xem xét khả năng “xây dựng lại” Bộ luật dân sự, thiết nghĩ cần rút ra một số kinh nghiệm từ việc thực hiện chương trình pháp điển hóa nói trên.

Công cuộc pháp điển hóa hiện nay là kết quả của sự hợp tác hiệu quả giữa nhiều thiết chế khác nhau. Những Bộ luật được soạn thảo hoặc sửa đổi từ năm 1989 đến nay đều có được nhờ nhiều yếu tố: quyết tâm chính trị của Chính phủ; sự tham gia tích cực của các cơ quan cấp Bộ có liên quan trong việc xây dựng các dự thảo; vai trò quyết định của Uỷ ban pháp điển hóa tối cao và của cá nhân ông Guy Braibant, phó chủ tịch Uỷ ban[4]; sự đóng góp của Tham chính viện[5]; vai trò của các Viện trong Quốc hội, ít nhất là đối với những Bộ luật được trình Quốc hội thông qua[6].

Uỷ ban pháp điển hóa tối cao và Tham chính viện đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình pháp điển hóa. Hoạt động của Uỷ ban từ 15 năm qua đã cho phép hình thành hệ thống quan điểm học thuật về pháp điển hóa, đảm bảo sự hài hòa trong công tác này, nhằm để cho tất cả các Bộ luật do Uỷ ban thông qua đều đáp ứng được những tiêu chí như nhau. Nhờ cơ cấu tổ chức và cách thức làm việc của mình, Uỷ ban pháp điển hóa thực sự là cầu nối hữu ích giữa Bộ phụ trách xây dựng dự thảo với Tham Chính viện[7], bởi vì dự thảo từ cơ quan soạn thảo phải được Uỷ ban kiểm định trước khi chuyển cho Thủ tướng Chính phủ để tham khảo ý kiến Tham chính viện. Sự tham gia của Uỷ ban vào quá trình xây dựng dự thảo có thể chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là công việc của nhóm công tác thành phần hẹp do một báo cáo viên đặc biệt làm nhóm trưởng[8]. Báo cáo viên đặc biệt là một chuyên gia được Uỷ ban chỉ định để hỗ trợ nhóm biên tập của Bộ phụ trách xây dựng dự thảo. Giai đoạn thứ hai: Uỷ ban họp phiên toàn thể để thông qua đề cương Bộ luật và quyết định những vấn đề chưa được giải quyết hoặc chưa có sự thống nhất ý kiến[9].

Về phần mình, Tham chính viện đã đóng góp tích cực vào quá trình thực hiện chương trình pháp điển hóa. Một mặt, Tham chính viện là cơ quan tư vấn về pháp luật của Chính phủ nên có nhiệm vụ xem xét tất cả các dự thảo Bộ luật được xây dựng mới hoặc sửa đổi. Mặc khác, vai trò của Tham Chính viện đặc biệt được nâng cao khi một số Bộ luật là do Chính phủ ban hành.


TRA CỨU BÀI VIẾT ĐẦY ĐỦ TẠI ĐÂY


[1] Bài viết này có sử dụng một số nội dung bài viết của J. Arrighi de Casanova: Tham Chính viện và công tác pháp điển hoá, in trong tập Bộ luật dân sự 1804- 2004, Nhà xuất bản Dalloz và Litec, tr. 151.

[2] Đây cũng chính là nhiệm vụ của Uỷ ban pháp điển hóa tối cao theo quy định tại điều 1 Nghị định số 89-647 ngày 12 tháng 9 năm 1989 về thành lập Uỷ ban pháp điển hóa.

[3] Trong Thông tư này (công bố trên Công báo ngày 5 tháng 6 năm 1996, tr. 8263), Thủ tướng Chính phủ tái khẳng định quyết tâm “hoàn thành việc pháp điển hóa toàn bộ các Luật và văn bản dưới luật trong thời hạn 5 năm”. Ngoài ra, Thủ tướng còn xác định rõ phương pháp pháp điển hóa theo đề xuất của Uỷ ban pháp điển hóa.

[4] Nghị định ngày 12 tháng 9 năm 1989 quy định Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch của Uỷ ban

[5] Cho dù hiện nay Tham chính viện không còn chức năng trực tiếp xây dựng các dự thảo luật và văn bản dưới luật, nhưng cũng cần phải nhắc lại rằng trong quá trình soạn thảo Bộ luật dân sự 1804, Tham chính viện đã có tới 107 phiên làm việc về dự thảo Bộ luật, trong đó có 55 phiên họp do đích thân Na-pô-lê-ông làm chủ tọa.

[6] Một trong những đặc điểm chính của công tác pháp điển hóa ở Pháp, đó là các việc pháp điển hóa chủ yếu được thực hiện bằng Sắc lệnh.

[7] Tuy nhiên, có một số dự thảo Bộ luật không cần sự kiểm định của Uỷ ban. Ví dụ như Bộ luật về đấu thầu, Bộ luật chung về thuế.

[8] Đối với mỗi dự thảo Bộ luật, Uỷ ban còn chỉ định một báo cáo viên riêng có trách nhiệm phụ trách phần các quy định áp đụng cho các lãnh thổ hải ngoại.

[9] Về phương pháp pháp điển hóa, xem bài viết của Guy Braibant và Aude Zaradny: Hoạt động của Uỷ ban pháp điển hóa tối cao AJDA N° 34/2004 tr. 1856.


SOURCE: HỘI THẢO “200 NĂM BỘ LUẬT DÂN SỰ PHÁP”, NHÀ PHÁP LUẬT VIỆT – PHÁP, THÁNG 11/2004 (Bản dịch của Nhà Pháp luật Việt – Pháp)

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: