admin@phapluatdansu.edu.vn

PHÂN LOẠI NHÃN HIỆU THEO HÌNH THỨC CỦA NHÃN HIỆU

TS. NGUYỄN THỊ QUẾ ANH – Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

Việc phân loại nhãn hiệu có ý nghĩa rất lớn cả về mặt lý luận và thực tiễn. Trước hết, phân loại nhãn hiệu cho phép xác định đặc trưng của một loại nhãn hiệu – đặc trưng này không chỉ ảnh hưởng tới yếu tố cảm nhận nhãn hiệu trong người tiêu dùng, tới tính chất của việc sử dụng nhãn hiệu mà còn ảnh hưởng tới cả quá trình đăng ký nhãn hiệu đó. Ví dụ: trong quá trình đăng ký, những yêu cầu cụ thể khác nhau có thể được đưa ra đối với việc mô tả các dấu hiệu tuỳ thuộc vào hình thức của chúng. Phân loại nhãn hiệu còn ảnh hưởng tới việc xác định chế độ pháp lý đối với từng loại nhãn hiệu cũng như giúp cho việc phân biệt nhãn hiệu với các dấu hiệu dùng để phân biệt khác như kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý…

Nhãn hiệu có thể được phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau: phân loại theo hình thức (nhãn hiệu từ ngữ; nhãn hiệu chữa cái, chữ số; nhãn hiệu hình ảnh; nhãn hiệu hình khối; nhãn hiệu kết hợp; nhãn hiệu đặc biệt như âm thanh, mùi vị, ánh sáng); phân loại theo số lượng chủ thể của nhãn hiệu (nhãn hiệu cá nhân; nhãn hiệu tập thể); phân loại theo mức độ nổi tiếng (nhãn hiệu thường và nhãn hiệu nổi tiếng); phân loại theo tính chất của nhãn hiệu (nhãn hiệu thường, nhãn hiệu chứng nhận; nhãn hiệu liên kết,…). Trong bài viết này tác giả đề cập tới việc phân tích đặc trưng của các loại nhãn hiệu khác nhau dựa trên sự khác biệt về hình thức thể hiện của chúng.

Theo hình thức thể hiện nhãn hiệu có thể ở dạng từ ngữ, chữ cái, chữ số, hình ảnh, hình khối hoặc là sự kết hợp các yếu tố này được thể hiện trên một hoặc nhiều màu sắc. Nhãn hiệu cũng có thể là những dấu hiệu đặc biệt như dấu hiệu âm thanh, mùi vị, ánh sáng.

1. Nhãn hiệu từ ngữ

Trong số những dấu hiệu được phân biệt theo hình thức, nhãn hiệu là từ ngữ chiếm một vị trí hết sức quan trọng. Những dấu hiệu là từ ngữ bao gồm những dấu hiệu là các từ, sự kết hợp giữa các chữ cái có thể phát âm, cụm từ, câu, những đơn vị tiếng khác cũng như sự kết hợp giữa chúng. Những dấu hiệu là từ ngữ phổ biến hơn do những đặc tính phân biệt có thể có trong ý nghĩa của những từ ngữ. Có thể giải thích vai trò của nhãn hiệu là từ ngữ bằng một loạt yếu tố như sau: Thứ nhất, dấu hiệu là từ ngữ dễ được cảm nhận (cả về thính giác và thị giác) và dễ ghi nhớ hơn. Thứ hai, khả năng tạo ra những dấu hiệu từ ngữ là không hạn chế trên thực tế. Thứ ba, dấu hiệu từ ngữ thể hiện một cách chính xác và tinh tế hơn những đặc tính ưu việt của hàng hoá; cuối cùng, dấu hiệu từ ngữ có những lợi thế lớn trong việc quảng cáo. Thông thường, nhãn hiệu là từ ngữ mang trong mình những nội dung có ý nghĩa đặc biệt, trong sự kết hợp với hiệu ứng phát âm của từ ngữ có khả năng tạo ra trong người tiêu dùng những cảm nhận tích cực về nhà sản xuất hay cung ứng sản phẩm, dịch vụ. Không phải tự nhiên mà người ta đã đưa ra một trong các qui luật chính để xây dựng nhãn hiệu: nhãn hiệu phải nỗ lực làm chủ một cụm từ nào đó trong tâm thức người tiêu dùng. Hiện nay, nhãn hiệu từ ngữ đang trở nên dần chiếm ưu thế hơn so với nhãn hiệu hình ảnh, mặc dù nhãn hiệu hình ảnh xuất hiện lâu đời hơn so với các loại nhãn hiệu khác. Trên thế giới, dấu hiệu từ ngữ chiếm khoảng 80% toàn bộ số nhãn hiệu được sử dụng [1].


TRA CỨU BÀI VIẾT ĐẦY ĐỦ TẠI ĐÂY


SOURCE: TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐHQGHN, Luật học 26 (2010) 100-108

Trích dẫn từ: http://tainguyenso.vnu.edu.vn

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: