admin@phapluatdansu.edu.vn

PHÁP LUẬT VỀ HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH VÀ BỘ LUẬT DÂN SỰ PHÁP

GS. FRANCOISE DEKEUWER-DEOSEZ – Trưởng khoa Khoa Khoa học Pháp lý, Chính trị và Xã hội, Trường Đại học Lille II Cộng hòa Pháp

Tóm tắt: Bộ luật dân sự 1804, cũng như Bộ luật dân sự hiện nay, là cơ sở để bảo đảm quyền cá nhân, là cơ sở pháp luật về hôn nhân, là nền tảng pháp lý về gia đình. Sự phát triển của Bộ luật dân sự phản ánh sự phát triển của xã hội, thể hiện thông qua việc tăng cường bình đẳng về giới, việc đa dạng hóa các hình thức hôn nhân, sự phát huy vai trò của gia đình tự nhiên và những thay đổi về quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ. Mở đầu thiên niên kỷ thứ ba, nhiều cải cách pháp luật đã được tiến hành, nhưng người ta vẫn chờ đợi những cải cách mới.

Bộ luật dân sự Pháp không dành một Thiên hay một Chương riêng về hôn nhân gia đình. Quyển thứ nhất của Bộ luật có tựa đề “Về người”. Đương nhiên những quy định trong Quyển này cũng điều chỉnh vấn đề gia đình. Những người soạn thảo Bộ luật đều khẳng định vai trò quan trọng của gia đình trong xã hội. Locré, Portalis và những người đầu tiên giải thích Bộ luật đều cho rằng sự ổn định của gia đình sẽ đảm bảo sự ổn định của xã hội, và gia đình chính là vườn ươm của xã hội. Tuy nhiên, gia đình ở đây được nhìn nhận như là một tập hợp các quan hệ giữa nhiều cá nhân chứ không được nhìn nhận như một nhóm người thực sự. Điều này cũng là lô gích, bởi phạm vi của gia đình thường xuyên thay đổi: có người sinh ra, có người chết đi, hội tụ rồi chia ly.

Bộ luật dân sự 1804 có rất ít định nghĩa trong phần quy định về người và gia đình. Bộ luật đưa ra nhiều định nghĩa trong lĩnh vực tài sản và nghĩa vụ, nhưng liên quan đến hôn nhân, xác định quan hệ cha mẹ và con, năng lực pháp luật thì hoàn toàn ngược lại. Lý do được đưa ra để giải thích cho thực trạng này là các chế định đó đã được mọi người biết đến quá rõ. Nhưng lý do thực chất là: đây là những chế định nhạy cảm rất khó có thể đưa ra được một định nghĩa có thể được toàn xã hội chấp thuận.

Hai thế kỷ sau, các luật về đạo đức y sinh học ban hành ngày 29 tháng 07 năm 1994 cũng đã áp dụng cách tiếp cận đó để xử lý những vấn đề pháp lý đặt ra liên quan đến các phôi hình thành trong ống nghiệm mà không phải động chạm đến bản chất pháp lý của các phôi này. Cũng chính sự thiếu vắng định nghĩa đó đã cho phép đặt ra vấn đề “hôn nhân giữa những người cùng giới tính”. Các quy định về hôn nhân – gia đình trong Bộ luật dân sự dường như không có gì thay đổi trong suốt 80 năm kể từ khi được ban hành. Những thay đổi chỉ bắt đầu vào năm 1884, khi chế định ly hôn được tái thiết lập. Kể từ thời điểm này, một loạt cải cách đã liên tiếp được tiến hành, phản ánh sự thay đổi trong phong tục và tư tưởng xã hội, trái ngược hẳn so với các chế định nghĩa vụ và tài sản. Kể từ năm 1964, một cuộc cải cách toàn diện pháp luật dân sự về hôn nhân gia đình đã được giao cho Jean Carbonnier triển khai, bằng cách xây dựng 5 đến 6 đạo luật lớn. Khác với quá trình “phi pháp điển hóa” đối với một số lĩnh vực pháp luật, các đạo luật đó đã được đưa luôn vào trong Bộ luật dân sự. Trong nhiều trường hợp, các quy định tương ứng của những luật này đã được đưa vào thay thế quy định cũ của Bộ luật, nhưng vẫn giữ nguyên tên Điều. Ví dụ vấn đề suy đoán quan hệ cha – con vẫn được quy định tại Điều 312, định nghĩa về lỗi làm căn cứ ly hôn vẫn được quy định tại Điều 242. Cách làm này vừa thuận tiện cho người áp dụng pháp luật nói chung, vừa thể hiện sự ổn định và liên tục trong tinh thần của Bộ luật.

Tuy nhiên, công cuộc cải cách khởi đầu từ năm 1964 vừa hoàn thành thì một loạt quy định mới nằm rải rác ở các văn bản khác nhau liên quan đến hôn nhân và gia đình đã lại được ban hành. Thực tế này lại đòi hỏi phải có sự rà soát, xắp xếp lại các quy định đó. Vậy là một cuộc cải cách mới đã được triển khai, bắt đầu từ năm 1999. Đa số các văn bản quy phạm pháp luật mới đó đã được đưa vào Bộ luật dân sự, nhằm đảm bảo sự thống nhất của pháp luật dân sự về hôn nhân gia đình. Tuy nhiên, quyết tâm thống nhất hóa của nhà lập pháp cũng vơi dần trước những đòi hỏi của các nhóm áp lực và trước những tranh luận về tư tưởng. Mở đầu thiên niên kỷ thứ ba, pháp luật về hôn nhân – gia đình vẫn tiếp tục là một lĩnh vực liên tục được sửa đổi, bổ sung. Sau luật ngày 3 tháng 12 năm 2001 về con ngoài giá thú, về quan hệ hôn nhân khi một người đã chết và về quyền thừa kế, hai đạo luật ngày 4 tháng 3 năm 2002 về quyền của cha mẹ đối với con và về tên họ và luật ngày 26 tháng 5 năm 2004 sửa đổi bổ sung chế độ ly hôn. Tới đây, Pháp lệnh về xác định quan hệ cha, mẹ và con và cải cách chế độ thừa kế.

….


TRA CỨU VĂN BẢN ĐẦY ĐỦ TẠI ĐÂY


SOURCE: HỘI THẢO “200 NĂM BỘ LUẬT DÂN SỰ PHÁP”, NHÀ PHÁP LUẬT VIỆT – PHÁP, THÁNG 11/2004 (Bản dịch của Nhà Pháp luật Việt – Pháp)

One Response

  1. Hay quá! cảm ơn tác giả

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading