admin@phapluatdansu.edu.vn

QUY ĐỊNH CỦA CỘNG HÒA PHÁP VỀ KHÁNG CÁO, KHÁNG NGHỊ TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ

JEAN – MARIE COULON – Chánh án, Toà Phúc thẩm Pari, Cộng hòa Pháp

1. Chức năng của việc kháng cáo, kháng nghị

Có người cho rằng việc quy định quyền kháng cáo, kháng nghị vừa là một công cụ tốt đảm bảo công lý, vừa là một điều gây khó khăn cho các tòa án.

Về cá nhân tôi, với tư cách là chánh án Tòa phúc thẩm Pari, tôi cho rằng việc quy định quyền kháng cáo, kháng nghị là một công cụ tốt để đảm bảo công lý hơn là một điều gây khó khăn cho tòa án.

Thực ra, mỗi người sử dụng quyền kháng cáo, kháng nghị nhằm một mục đích khác nhau tuỳ theo lợi ích của riêng mình. Về phía các bên đương sự, có thể họ tận dụng quyền kháng cáo, kháng nghị để kéo dài thời hạn. Về phía luật sư, họ khuyên đương sự kháng cáo, khiếu nại để có thêm việc làm… Như vậy, để xem xét vấn đề này, một vấn đề hết sức quan trọng, chúng ta cần phải tính đến nhiều yếu tố, nhiều khía cạnh khác nhau.

Nhìn chung, việc quy định quyền kháng cáo, kháng nghị, khiếu nại là một biện pháp bảo đảm thực hiện nền công lý, bảo đảm quyền và lợi ích của công dân trước tòa án. Công dân được quyền khiếu nại lên tòa án cấp cao hơn để phản đối lại một quyết định của tòa án. Nhưng nếu sử dụng một cách thái quá quyền này sẽ làm cho tòa án bị quá tải, và như vậy cũng sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của tòa án. Điều này thực tế đã xảy ra ở Pháp, nhất là ở cấp tòa phúc thẩm.

Để hiểu cụ thể hơn về vấn đề này, trước tiên chúng ta hãy cùng xem xét việc quy định quyền kháng cáo, kháng nghị nhằm những mục đích gì ? Quyền kháng cáo, kháng nghị được quy định tuân theo nhiều nguyên tắc pháp lý nhiều khi trái ngược nhau.

Đối với quyền kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm, phải tuân theo hai nguyên tắc (tất nhiên, hai nguyên tắc này cũng đã có nhiều thay đổi) : Nguyên tắc thứ nhất là nguyên tắc sửa đổi bản án sơ thẩm, có nghĩa rằng đương sự sẽ kháng cáo phúc thẩm, thẩm phán sẽ phải xem xét kháng cáo phúc thẩm này trong một thời hạn hợp lý, đảm bảo xét xử lại vụ việc cả về mặt nội dung và căn cứ pháp luật ; nguyên tắc thứ hai là nguyên tắc hoàn thiện bản án sơ thẩm, có nghĩa là tòa phúc thẩm sẽ xem xét lại tất cả các yếu tố, tình tiết liên quan đến vụ việc, bổ sung những điểm còn thiếu mà cấp sơ thẩm chưa tính đến. Về phần cá nhân, tôi đi theo nguyên tắc thứ nhất, tức là đi theo hướng xét xử lại vụ việc, sửa đổi lại bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, đây chưa hẳn đã là ý kiến của đa số.

Một điều rõ ràng là biện pháp đầu tiên sử dụng đến để hạn chế các trường hợp kháng cáo, kháng nghị đó là xem xét căn cứ của việc kháng cáo, kháng nghị đó. Nếu pháp luật có quy định về các căn cứ để thực hiện quyền kháng cáo, kháng nghị thì sẽ có thể hạn chế được việc lạm dụng quyền này.

Ở Pháp, quyền kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm là một quyền có giá trị pháp lý mang tính phổ quát. Tuy nhiên, quyền này lại không được thừa nhận trong Công ước Châu Âu về quyền con người. Một điều trái ngược hoàn toàn với những gì chúng ta thường nghĩ. Điều này có nghĩa là chúng ta hoàn toàn có thể quy định một hệ thống “lọc” nhằm hạn chế việc kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm, và điều đó không hề trái với quy định tại Điều 6, Công ước Châu Âu về quyền con người quy định về việc đảm bảo xét xử công bằng. Một ví dụ điển hình là trường hợp của nuớc Anh, ở đó các bên phải có sự cho phép của tòa án mới được thực hiện việc kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm.


XEM BÀI VIẾT ĐẦY ĐỦ TẠI ĐÂY


SOURCE: HỘI THẢO “PHÁP LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ” – NHÀ PHÁP LUẬT VIỆT – PHÁP, HÀ NỘI, 9-11/10/2000

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d