admin@phapluatdansu.edu.vn

KINH NGHIỆM CỦA BANG QUÉBEC – CANADA VỀ ĐĂNG KÝ CÁC QUYỀN ĐỐI VỚI ĐỘNG SẢN TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG BỘ LUẬT DÂN SỰ MỚI VÀ HỆ THỐNG ĐĂNG KÝ ĐỘNG SẢN

SUZANNE POTVIN PLAMONDO – Cục trưởng Cục Đăng ký và Chứng thực, Bộ Tư pháp Bang Quesbec, Canada

Ở Québec, quá trình sửa đổi bổ sung Bộ luật dân sự đã khởi động từ những năm 1950 và cho đến những năm 1990, các nội dung cải cách cuối cùng cũng được thông qua. Đây là chủ đề của rất nhiều công trình nghiên cứu.

Bang Québec nằm ngay sát nước Mỹ, các bang khác của Ca-na-đa liền kề với Québec đều áp dụng hệ thống pháp luật chịu ảnh hưởng của hệ thống Common law, trong khi pháp luật của Québec lại chịu ảnh hưởng của pháp luật Pháp. Từ đó đã đặt ra nhiều khó khăn trong thực tiễn áp dụng pháp luật và bảo đảm tính thống nhất của các quy phạm pháp luật. Chính vì vậy, các nguyên tắc sửa đổi bổ sung Bộ luật dân sự được thông qua vào năm 1994 về cơ bản đều là những nguyên tắc dựa theo hệ thống Dân luật, nhưng bên cạnh đó cũng có một số cơ chế hoặc phương thức vay mượn của Bộ luật Thương mại thống nhất Hoa Kỳ, nhằm mục đích xây dựng được một hệ thống đơn giản, dễ tiếp cận và hiệu quả hơn.

1. Một số khía cạnh pháp lý của việc đăng ký các quyền đối với động sản

1.1. Các mục đích của việc sửa đổi Bộ luật dân sự năm 1994

Về mục đích sửa đổi bổ sung Bộ luật dân sự Québec, trước năm 1994, ở Québec không có pháp luật điều chỉnh một cách thống nhất chế độ đăng ký quyền đối với động sản, mà chỉ có quy định điều chỉnh cho từng trường hợp khi xét thấy có nhu cầu, nhằm mục đích tăng cường tín dụng giữa các doanh nghiệp. Thời kỳ này, hệ thống đăng ký quyền đối với động sản ở Québec còn gắn liền với hệ thống đăng ký đất đai (là nơi đăng ký mọi giao dịch liên quan đến các quyền cần đăng ký), với nhiều loại Sổ đăng ký khác nhau, nhiều khu vực đăng ký khác nhau và dựa trên những tiêu chí không rõ ràng như tư cách pháp lý của người có nghĩa vụ, trụ sở hoặc vị trí kinh doanh, chứ không phụ thuộc vào loại hình giao dịch. Theo đó, một giao dịch có thể phải đăng ký tại 5, 6 khu vực và vào nhiều Sổ đăng ký khác nhau, chẳng hạn như Sổ đăng ký tên, Sổ đăng ký chuyển nhượng hàng tồn kho, cầm cố tài sản trong nông nghiệp, cầm cố tài sản trong thương mại, v.v.

Chính vì thế, khi muốn cấp tín dụng thương mại liên quan đến động sản, các bên gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định tình trạng pháp lý của tài sản liên quan. Điều này dẫn đến tình trạng lãi suất cho vay tăng vì khoản vay đó bị coi là khoản vay có độ rủi ro cao. Trong chế độ này, mỗi loại giao dịch bảo đảm chịu sự điều chỉnh của những quy định riêng, cả về thứ tự ưu tiên của quyền, phương thức đăng ký lẫn hiệu lực của đăng ký trong trường hợp người có nghĩa vụ phá sản. Hàng loạt những quy định như vậy dẫn đến một hệ thống đăng ký phức tạp và kém hiệu quả. Ngoài ra, nhiều giao dịch bảo đảm mới phát sinh theo quy định của pháp luật về thương mại không được đăng ký. Như vậy, trước năm 1994, hệ thống đăng ký và công khai quyền đối với động sản hoạt động gắn liền với hệ thống đăng ký bất động sản nhưng hoàn toàn không có hiệu quả.

Việc sửa đổi bổ sung Bộ luật dân sự chính là nhằm khắc phục những bất cập nói trên và hướng tới mục tiêu bảo đảm tính ổn định, thống nhất của môi trường pháp lý, bảo đảm hiệu quả của việc đăng ký và nâng cao mức độ an toàn cho các giao dịch, đặc biệt là giao dịch tín dụng giữa các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, mục tiêu đặt ra khi sửa đổi bổ sung Bộ luật Dân sự cũng là để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của các quy định pháp luật áp dụng cho mọi loại giao dịch bảo đảm, khắc phục sự lạc hậu so với bối cảnh pháp luật của Bắc Mỹ. Kêbếch là bang cuối cùng của Ca-na-đa xây dựng và áp dụng một hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm hiện đại, có thể sánh ngang với hệ thống áp dụng ở các bang khác của Ca-na-đa (là hệ thống Personal Property Security Acts, rập khuôn theo mô hình quy định tại Điều 9 UCC).

1.2. Điều 9 của UCC (một điều luật đã được tất cả các nước tham khảo khi sửa đổi pháp luật về giao dịch bảo đảm của nước mình)

Về Điều 9 UCC, đây là một trong những nội dung nghiên cứu, xem xét trong quá trình sửa đổi bổ sung Bộ luật dân sự Québec. Tuy nhiên, một số nguyên tắc và phương thức quy định tại Điều này không phù hợp và khó tiếp nhận trong hệ thống pháp luật đi theo văn hóa pháp lý Pháp của Québec. Do đó, chúng tôi quan tâm đến một khái niệm quen thuộc hơn trong pháp luật dân sự là khái niệm “thế chấp” (hypothèque).

Xem xét Điều 9 UCC, có thể thấy Điều này được xây dựng dựa trên một khái niệm cơ bản là khái niệm Lợi ích được bảo đảm (Security Interest); việc xác định loại giao dịch bảo đảm được thực hiện trên cơ sở mục đích của giao dịch chứ không dựa vào loại quyền phát sinh từ hợp đồng, có nghĩa là luôn phải xem xét ý định của các bên: liệu việc giao kết hợp đồng này có nhằm bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ nào đó hay không? Quy định như vậy có thể làm giảm hiệu lực của pháp luật, chẳng hạn như trong trường hợp có một giao dịch được xác định là giao dịch bảo đảm theo Điều 9 UCC nhưng sau đó, người ta lại phát hiện ra rằng ý định của các bên liên quan không phải là bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, thì khi đó, giao dịch đó lại không được coi là giao dịch bảo đảm nữa.

Điều 9 UCC cũng quy định về các quyền yêu cầu có thể trở thành đối tượng của giao dịch bảo đảm, theo đó, tương ứng với mỗi loại quyền yêu cầu là những quy định riêng biệt. Trong khi đó, đây lại là một vấn đề bất cập mà Québec muốn giải quyết, tức là phải thống nhất các quy định pháp luật, nhằm bảo đảm sự bình đẳng hơn nữa giữa những người có quyền yêu cầu. Ngoài ra, theo Điều 9 UCC, các tài sản được phép trở thành đối tượng của giao dịch bảo đảm cũng được liệt kê cụ thể cùng với các ngoại lệ. Như vậy, đây là một hệ thống quy định theo từng trường hợp, chứ không phải là quy định xuất phát từ khái niệm. Mà pháp luật dân sự của chúng tôi vốn đi từ các khái niệm rồi mới đến từng trường hợp cụ thể.

Ở Mỹ không có Sổ đăng ký tập trung và duy nhất, mà mỗi loại giao dịch phải được đăng ký vào một sổ đăng ký phù hợp. Điều này không phù hợp với mục tiêu của Québec đặt ra khi tiến hành sửa đổi bổ sung Bộ luật dân sự. Mặt khác, Điều 9 UCC cũng quy định nhiều tiêu chí đăng ký, giống như quy định trước đây của Québec, như tư cách pháp lý của người có nghĩa vụ nếu người có nghĩa vụ là doanh nghiệp, trụ sở của doanh nghiệp, vị trí kinh doanh, mà đây lại là những yếu tố có thể thay đổi theo thời gian, nên không đáng tin cậy. Ngoài ra, Điều 9 UCC còn đề cập đến khái niệm đăng ký sơ bộ trước khi giao kết hợp đồng phát sinh quyền cần đăng ký: cơ chế này có những ưu điểm nhất định, nhưng cũng có hạn chế trong trường hợp hợp đồng liên quan không được giao kết trên thực tế.

Tóm lại, căn cứ vào những mục đích sửa đổi bổ sung Bộ luật dân sự của chúng tôi, có thể thấy quy định tại Điều 9 UCC có những điểm bất cập như sau: việc giải thích quy định tại Điều này gặp nhiều khó khăn; Điều 9 không bao quát được mọi trường hợp; một số quyền vẫn có giá trị đối kháng với người thứ ba mà không cần đăng ký; quy định về đăng ký rất sơ sài khiến các bên luôn phải dẫn chiếu đến hợp đồng; tồn tại quá nhiều nơi đăng ký do các tiêu chí không rõ ràng, ổn định. Như vậy, nếu tiếp nhận các phương thức đăng ký quy định tại Điều này thì không khắc phục được những thiếu sót, bất cập của hệ thống pháp luật trước đây của Québec. Nói tóm lại, Điều 9 UCC không đáp ứng mục tiêu của việc sửa đổi bổ sung Bộ luật dân sự Québec.

… > > >


TRA CỨU ĐẦY ĐỦ BÀI VIẾT TẠI ĐÂY


SOURCE: TỌA ĐÀM “PHÁP LUẬT VỀ ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM VÀ TIN HỌC HỌC HÓA HỆ THỐNG ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM”, NHÀ PHÁP LUẬT VIỆT – PHÁP, 17-19/01/2005

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: