Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

PHỔ BIẾN VÀ SỬ DỤNG ÁN LỆ

Advertisements

ISABELLE POIDEVIN – Thẩm phán, Tổng thư kí Tòa Phúc thẩm Rouen, Cộng hòa Pháp

Năm 1893, Augustin-Charles Renouard, thẩm phán tại Tòa án tư pháp tối cao đã viết như sau: “Các bản án của tòa án không thuộc quyền sở hữu của người thẩm phán đã tuyên những bản án đó, cũng không phải là tài sản của những người khởi kiện. Mọi bản án đều là tài sản của toàn dân; việc công bố công khai các bản án vừa là một bảo đảm cho người dân, vừa là cách để giáo dục người dân“.

Ngày nay, cách đánh giá trên đã được cụ thể hóa bằng một hệ thống thu thập và phổ biến các bản án (III). Hệ thống đó là kết quả của một quá trình nghiên cứu về những thách thức của chính sách phổ biến án lệ (I) và về những nguyên tắc mà chính sách này cần phải tuân thủ (I).

I. Những thách thức của việc phổ biến án lệ

Phổ biến án lệ vừa là một hoạt động dịch vụ công (1), vừa là một thách thức đối với các cơ quan tư pháp (2).

1. Một hoạt động dịch vụ công

Chính sách phổ biến án lệ của các tòa án ngạch tư pháp hoặc hành chính nhằm thực hiện một mục tiêu mang tính hiến định, đó là mục tiêu đảm bảo pháp luật phải dễ tiếp cận dễ hiểu.

Giá trị hiến định của hai khái niệm “tính dễ tiếp cận” và “tính dễ hiểu” của pháp luật đã được Hội đồng bảo hiến tái khẳng định tại Quyết định số 99-421 DC ngày 16 tháng 12 năm 1999 về đạo luật cho phép Chính phủ thông qua phần các quy định lập pháp của một số Bộ luật.

Việc thực hiện chính sách phổ biến án lệ cũng phù hợp với các chuẩn mực pháp lý của Liên minh Châu Âu. Thật vậy, trong các chuẩn mực pháp lý này, vai trò của việc phổ biến án lệ đối với việc đảm bảo tính dễ tiếp cận và tính có thể dự đoán trước của pháp luật vẫn thường xuyên được khẳng định.

Theo Tòa án của Liên minh Châu Âu về quyền con người, khái niệm pháp luật không giới hạn trong một định nghĩa mang tính hữu cơ mà được dùng để chỉ “pháp luật thực định nói chung của một Quốc gia”, bao gồm cả hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và thực tiễn áp dụng chúng, tức là án lệ. Án lệ phải dễ tiếp cận và có thể dự đoán. Muốn vậy, án lệ phải được công bố “bằng mọi phương tiện phù hợp”.

Tòa án công lý của Liên minh Châu Âu khẳng định rằng mục tiêu hàng đầu của việc phổ biến án lệ là nhằm đảm bảo cho người dân “được hưởng sự bảo hộ tối thiểu nhờ vào vai trò hàng đầu của pháp luật trong một xã hội dân chủ”, đồng thời cho phép người dân biết rõ quyền và nghĩa vụ của họ.

Mọi công dân khi tham gia vào một quan hệ pháp luật cụ thể phải có thể có được đầy đủ thông tin về những quy phạm pháp luật áp dụng đối với quan hệ đó. “Với sự hỗ trợ của những tư vấn đúng đắn, khi tham gia vào một quan hệ pháp luật nhất định, công dân phải có thể tự mình lường trước được ở mức hợp lý đâu là những hệ quả có thể phát sinh từ hành vi của họ” (Tòa án của Liên minh Châu Âu về quyền con người, ngày 2 tháng 8 năm 1984, Vụ Malone).

Đoạn căn cứ thứ 16 của Chỉ thị 2003/98/CE ngày 17 tháng 11 năm 2003 về việc sử dụng lại các thông tin của các cơ quan, tổ chức của nhà nước, cũng thể hiện yêu cầu tương tự như trên: “việc công bố công khai tất cả các tài liệu sẵn có do các cơ quan, tổ chức của nhà nước nắm giữ – không chỉ là các tổ chức chính trị, mà bao gồm cả các cơ quan tư pháp và hành chính – là một công cụ thiết yếu để đảm bảo một trong những nguyên tắc cơ bản của dân chủ, đó là tăng cường sự hiểu biết pháp luật của công dân. Mục tiêu này được đặt ra đối với toàn bộ các thiết chế, từ cấp địa phương đến cấp trung ương và cả cấp độ quốc tế”.

Tòa án cao nhất của ngạch tòa án hành chính, tức là Tòa án hành chính tối cao, cũng đã có dịp để đưa ra quan điểm về bản chất của nhiệm vụ phổ biến án lệ, khi Tòa án này phải giải quyết khiếu nại chống lại Nghị định số 96-481 về cung cấp các cơ sở dữ liệu luật với tính chất như một dịch vụ công.


 

TRA CỨU BÀI VIẾT ĐẦY ĐỦ TẠI ĐÂY


 

SOURCE: TÀI LIỆU LỚP BỒI DƯỠNG THẨM PHÁN,  Nhà Pháp luật Việt – Pháp, Hà Nội, 31/10 – 01/11/2005

Exit mobile version