Ngày 24 tháng 11 năm 2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 (sau đây gọi là BLDS năm 2015),[1] có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017. Mục tiêu của việc ban hành BLDS năm 2015 đã được Chính phủ xác định rõ khi trình Quốc hội và được tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội đồng tình, được nhân dân đồng thuận (qua việc lấy ý kiến nhân dân) là trong bối cảnh triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 cần xây dựng Bộ luật dân sự thực sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên nguyên tắc tự do ý chí, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia; ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.[2]
Thực hiện nhất quán mục tiêu cơ bản này, trên cơ sở kế thừa, phát huy truyền thống pháp luật dân sự Việt Nam, thành tựu của các Bộ luật dân sự năm 1995 và năm 2005, đúc rút kinh nghiệm điều chỉnh các quan hệ pháp luật dân sự qua 30 năm đất nước đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế, BLDS năm 2015 được Quốc hội thông qua đã ghi nhận nhiều nội dung mới, quan trọng, mang tính đột phá cả về nhận thức và tư duy lập pháp trong việc hoàn thiện cơ chế pháp lý điều chỉnh quan hệ dân sự trong đời sống hàng ngày của cá nhân, pháp nhân.
Những nội dung mới này được thể hiện qua một số phương diện cơ bản sau đây:
1. Bộ luật dân sự thực sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật tư
BLDS năm 2015 được xác định là nền tảng, là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự, thương mại… giữa các cá nhân, pháp nhân được hình thành trên nguyên tắc tự do ý chí, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia (sau đây gọi là quan hệ pháp luật tư).[3] Với vai trò đó, BLDS năm 2015 đã hoàn thiện cơ chế pháp lý bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, ổn định và có tính dự báo của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ này. Cụ thể:
Thứ nhất, BLDS năm 2015 quy định thống nhất về những dấu hiệu đặc trưng của quan hệ dân sự thuộc đối tượng điều chỉnh của hệ thống pháp luật tư.[4] Trên cơ sở đó, BLDS năm 2015 xác định lại một cách rõ ràng 05 nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, gồm: bình đẳng; tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận; thiện chí, trung thực; tôn trọng lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác và tự chịu trách nhiệm dân sự.[5]
So với Bộ luật dân sự năm 2005, BLDS năm 2015 đã có một số sửa đổi lớn về các nguyên tắc cơ bản trong Bộ luật dân sự năm 2005 như sau:
– Không ghi nhận lại quy định mang tính chung chung “tuân thủ pháp luật” là một nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự mà thay vào đó quy định cụ thể về các trường hợp chủ thể bị giới hạn quyền dân sự hoặc phải tuân thủ quy định của pháp luật trong Bộ luật dân sự hoặc luật khác có liên quan;[6]
– Tương tự, cũng không quy định “tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp”, “hòa giải”… là những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự mà căn cứ vào bản chất của các quy định này, BLDS năm 2015 hoặc đã quy định chúng thành “chính sách của Nhà nước đối với quan hệ dân sự”[7] hoặc đã cụ thể hóa chúng trong các quy định liên quan về xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.[8]
Cách tiếp cận của BLDS năm 2015 về các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự như trên không chỉ có ý nghĩa về mặt học thuật mà còn có tác dụng lớn trong thực tiễn, tạo chuẩn mực pháp lý chung, thống nhất cho cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự và đảm bảo tính minh bạch của pháp luật; qua đó hạn chế tối đa việc lạm dụng, lẩn tránh pháp luật, nhất là trong hợp đồng có yếu tố nước ngoài hay trong việc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài tại Việt Nam. Một ví dụ cụ thể là trong thực tiễn những năm qua, nhiều phán quyết của trọng tài nước ngoài cũng như Việt Nam không được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam vì lý do “vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”, trong đó có các nguyên tắc cơ bản quy định tại các Bộ luật dân sự trước đây.[9] Hệ lụy của nó là, trong hầu hết các hợp đồng thương mại, đầu tư, thậm chí bảo lãnh của Chính phủ Việt Nam với nước ngoài, đối tác đều đưa ra điều kiện lấy pháp luật nước ngoài, chứ không phải pháp luật Việt Nam, làm luật áp dụng. Cách tiếp cận như trên của BLDS năm 2015 sẽ góp phần tránh được tình trạng này.
Thứ hai, trong mối quan hệ với các luật khác thuộc hệ thống pháp luật tư, trên cơ sở ghi nhận nhất quán vị trí, vai trò là luật chung, BLDS năm 2015 quy định các luật này phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự khi điều chỉnh quan hệ dân sự cụ thể; trường hợp luật khác có liên quan không có quy định hoặc có quy định nhưng trái với 05 nguyên tắc cơ bản nêu trên thì quy định của BLDS năm 2015 được áp dụng.[10] Quy định như vậy nhằm làm rõ mối quan hệ giữa Bộ luật dân sự với luật khác có liên quan, tạo cơ chế pháp lý để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là Tòa án áp dụng pháp luật một cách thống nhất, không thể tùy tiện như đã và đang xảy ra trong thời gian qua ở nước ta. Điều này sẽ góp phần khắc phục và hạn chế tình trạng các luật khác có liên quan (luật chuyên ngành) có những biểu hiện “qua mặt” hay “thoát ly” khỏi Bộ luật dân sự. Do đó, những tranh luận về việc nên áp dụng quy định nào (của Bộ luật dân sự hay của các luật chuyên ngành) để giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, nhất là trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chắc chắn sẽ không còn “đất” để tồn tại. Điều này giúp tránh tạo ra những rào cản pháp lý trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.[11]
Thứ ba, vai trò luật chung của BLDS năm 2015 còn được thể hiện trong nội dung các quy định về địa vị pháp lý của chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự, về giao dịch, đại diện, thời hiệu, quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng, thừa kế và pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài như sẽ được phân tích cụ thể dưới đây. Đặc biệt, BLDS năm 2015 quy định thống nhất về cơ chế pháp lý có tính chuẩn mực về thực hiện, bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân. Theo đó, đối với chủ thể quan hệ dân sự thì họ được tự do ý chí trong thực hiện quyền dân sự nhưng không được lạm dụng quyền của mình gây thiệt hại cho người khác, vi phạm nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện mục đích khác trái pháp luật. Đối với Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác, các cơ quan này phải có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân; trường hợp quyền dân sự của họ bị xâm phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền có thể được thực hiện theo thủ tục hành chính, tố tụng tại Tòa án hoặc trọng tài. Tòa án có thể xem xét lại, hủy bỏ các quyết định giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính hoặc các quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.
Các quy định như vậy là những quy định mang tính nền tảng pháp lý, có tính chuẩn mực, ổn định cao, thể hiện được vai trò định hướng của Bộ luật dân sự cho các luật khác có liên quan áp dụng trong điều chỉnh quan hệ dân sự cụ thể hoặc cụ thể hóa trong nội dung quy định của các luật chuyên ngành.
2. Một số nội dung mang tính đột phá, tiếp cận thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Để bảo đảm cho Bộ luật dân sự thực sự là luật của các quan hệ thị trường, đặc biệt về chủ thể quan hệ pháp luật dân sự, tài sản và sở hữu, giao dịch… thì BLDS năm 2015 đã được xây dựng dựa trên một chủ thuyết nhất quán, minh bạch, ổn định và hội nhập hơn. Trong đó:
Thứ nhất, về chủ thể quan hệ pháp luật dân sự, BLDS năm 2015 tạo cơ sở pháp lý thống nhất khi ghi nhận chủ thể quan hệ pháp luật dân sự chỉ bao gồm cá nhân, pháp nhân; cùng với đó là việc hoàn thiện cơ chế pháp lý để các chủ thể được bình đẳng, độc lập về tài sản, được tự do ý chí, tự do lựa chọn hình thức quan hệ, cách thức, quy mô khai thác tài sản và năng lực chịu trách nhiệm dân sự. Đối với các quan hệ dân sự có sự tham gia của Nhà nước, hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân, BLDS năm 2015 đã có cách tiếp cận mới, hài hòa hơn giữa nhu cầu điều chỉnh sự đa dạng của các thực thể thực tế tham gia quan hệ dân sự và yêu cầu chủ thể trong quan hệ dân sự phải là các thực thể cụ thể, độc lập về tài sản, có năng lực tố tụng và tự chịu trách nhiệm dân sự. Theo đó, Nhà nước Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương, ở địa phương khi tham gia quan hệ dân sự trong nước thì bình đẳng và phải chịu trách nhiệm dân sự như cá nhân và pháp nhân khác; ghi nhận sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân như là các thực thể thực tế tham gia các quan hệ dân sự nhưng chỉ có các thành viên của chúng mới là chủ thể của các quan hệ dân sự đó.[12]
Thứ hai, BLDS năm 2015 đã có cách tiếp cận mới cơ bản, toàn diện về tài sản và sở hữu trong quan hệ thị trường, như:
(i) Quy định tách biệt quan hệ thực tế giữa người chiếm hữu với tài sản qua việc bổ sung chiếm hữu như là một tình trạng thực tế về nắm giữ, chi phối tài sản độc lập với quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản;[13]
(ii) Bổ sung quyền khác đối với tài sản, cho phép chủ thể có quyền này được trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác, bao gồm: quyền đối với bất động sản liền kề, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt;[14]
(iii) Quy định tách bạch giữa thời điểm giao dịch có hiệu lực, thời điểm chuyển quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và thời điểm phát sinh hiệu lực công khai với người thứ ba;[15]
(iv) Ghi nhận tài sản trong giao lưu dân sự bao gồm bất động sản và động sản, có thể là tài sản hiện có, tài sản hình thành trong tương lai, quyền sử dụng đất là quyền tài sản, việc đăng ký tài sản phải công khai.[16]
Với cách tiếp cận nêu trên, BLDS năm 2015 đã thực sự tạo ra sự đột phá về thể chế hóa tài sản,[17] tạo cơ chế pháp lý đầy đủ, minh bạch hơn về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản, bảo đảm an toàn pháp lý trong các quan hệ có liên quan. Xét trên phương diện này, quy định của BLDS năm 2015 góp phần quan trọng vào việc khắc phục những “điểm nghẽn” pháp lý về tài sản và sở hữu, hoàn thiện môi trường pháp lý theo hướng ổn định, có tính dự báo cho sự phát triển các quan hệ kinh tế – xã hội. Qua đó, bảo đảm tài sản là hàng hóa trong giao lưu dân sự được lưu thông không ngừng ở nhiều hình thức, quy mô khác nhau, được khai thác lợi ích không chỉ bởi chủ sở hữu mà còn bởi cả người không phải là chủ sở hữu; tạo nhiều cơ hội và sự bảo đảm về pháp lý cao hơn để chủ sở hữu mạnh dạn, yên tâm giao tài sản của mình cho người khác đầu tư, khai thác sử dụng; đồng thời, người không phải là chủ sở hữu cũng yên tâm, mạnh dạn đầu tư vào tài sản thuộc sở hữu của người khác, từ đó làm phát sinh nhiều lợi ích hơn cho chính các chủ thể liên quan, cho nền kinh tế và cho toàn xã hội, góp phần làm giảm thiểu chi phí cho phát triển kinh tế. Cách tiếp cận này làm cho pháp luật Việt Nam phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, góp phần thực hiện chủ trương chủ động, tich cực hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước ta.
Thứ ba, BLDS năm 2015 quy định chế độ pháp lý về giao dịch dân sự, đại diện, thời hiệu, nghĩa vụ và hợp đồng thông thoáng, an toàn, ít rủi ro pháp lý hơn, bảo đảm cho người dân, doanh nghiệp xác lập, thực hiện giao dịch theo đúng ý chí và nhu cầu của mình trên cơ sở tôn trọng lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Điều này thể hiện rõ ở các chế định về:
(i) Bảo vệ người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự vô hiệu theo nguyên tắc “hiệu lực công tín”;[18]
(ii) Tôn trọng quyền, lợi ích và ý chí của chủ thể trong giải quyết giao dịch vô hiệu tương đối, giao dịch vô hiệu không tuân thủ quy định về hình thức;[19]
(iii) Ghi nhận pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật;[20]
(iv) Bảo vệ người thứ ba ngay tình trong xác lập, thực hiện giao dịch với người không có thẩm quyền đại diện theo thuyết “đại diện bề ngoài”;[21]
(v) Việc áp dụng thời hiệu chỉ khi một hoặc các bên đương sự có yêu cầu;[22]
(vi) Hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến giao kết hợp đồng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản, hủy bỏ hợp đồng, đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng;[23]
(vii) Quy định trách nhiệm dân sự theo nguyên tắc suy đoán người vi phạm nghĩa vụ có lỗi và trách nhiệm của bên bị vi phạm phải áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để giảm thiểu thiệt hại của chính mình[24]…
Các quy định này thực sự là những cách tiếp cận mang tính “khai thông” lớn cho một thị trường phát triển lành mạnh, có tính hội nhập hơn, bảo đảm an toàn, ít rủi ro pháp lý, bảo đảm công bằng, hợp lý trong thực hiện quyền về tự do giao dịch, tự do kinh doanh, cũng như sự ổn định của các quan hệ xã hội có liên quan.
Thứ tư, liên quan đến vai trò của Tòa án trong việc bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân, Bộ luật dân sự năm 2005 cũng như pháp luật dân sự hiện hành của nước ta chưa quy định cơ chế pháp lý để giải quyết vụ việc dân sự khi các bên không có thỏa thuận, không có tập quán và không áp dụng được tương tự pháp luật. Do đó thẩm phán có thể từ chối giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp này. Trong khi đó, một Bộ luật dân sự dù có quy mô lớn đến đâu cũng không thể điều chỉnh đầy đủ, cụ thể tất cả các tình huống có thể xảy ra trong lĩnh vực dân sự. Thực tế đó đã gây ra không ít khó khăn cho Tòa án, đặc biệt cho người dân, doanh nghiệp trong việc giải quyết các vụ việc dân sự.
Để phát huy vai trò bảo vệ công lý của Tòa án theo quy định của Hiến pháp năm 2013, khắc phục “lỗ hổng” của pháp luật trước nhu cầu điều chỉnh đa dạng quan hệ dân sự, lần đầu tiên Bộ luật dân sự nước ta quy định Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.[25] Quy định này xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước, cụ thể là Tòa án, trong việc giải quyết tranh chấp, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự. Cùng với quy định đó, BLDS năm 2015 cũng đã ghi nhận các công cụ pháp lý đầy đủ hơn cho Tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp này. Theo đó, khi các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không áp dụng được tập quán, tương tự pháp luật thì Tòa án có quyền vận dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết.[26] Đây thực sự là một đột phá quan trọng trong thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp của Đảng, Nhà nước ta, đáp ứng được nhu cầu điều chỉnh đa dạng của quan hệ dân sự, bảo đảm được sự ổn định của hệ thống pháp luật tư cũng như trong thực hiện, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự.
3. Bảo vệ tốt hơn quyền công dân đã được hiến định trong lĩnh vực dân sự
Bên cạnh việc hoàn thiện chế độ pháp lý về quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của các chủ thể trong quan hệ dân sự, BLDS năm 2015 đã dành sự quan tâm đáng kể trong việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế pháp lý để hỗ trợ cho một số đối tượng là người yếu thế trong xã hội. Những người này do có những hạn chế về khả năng nhận thức, làm chủ hành vi hoặc do định kiến xã hội hoặc vì các lý do khác mà không thể hoặc gặp khó khăn trong việc tiếp cận, thực hiện quyền con người, quyền công dân của mình trong lĩnh vực dân sự. Do đó, để quyền, lợi ích hợp pháp của họ trong lĩnh vực dân sự được tôn trọng, thực hiện và bảo vệ kịp thời thì họ cần phải được sự “bảo trợ” đặc biệt từ Bộ luật dân sự. Các cơ chế pháp lý đặc thù, dành riêng cho đối tượng này gồm: quy định về chế độ trợ giúp pháp lý cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; quy định quyền của người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ trong lựa chọn người giám hộ cho mình trước khi họ ở tình trạng cần được giám hộ; quyền của người được giám hộ là người từ đủ sáu tuổi trở lên được tham khảo ý kiến trong việc cử người giám hộ; xây dựng cơ chế xác định họ, tên, dân tộc của trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định cha đẻ, mẹ đẻ; cơ chế thực hiện quyền đối với hình ảnh của cá nhân, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình…[27]
Đặc biệt, BLDS năm 2015 đã ghi nhận sự bình đẳng về địa vị pháp lý của người chuyển đổi giới tính trong các quan hệ dân sự và cơ chế pháp lý để họ thực hiện quyền của mình. Điều 37 Bộ luật này khẳng định “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi…”. Đây là một quy định rất quan trọng, tiến bộ, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia có quy định pháp lý cụ thể để để bảo vệ quyền của người chuyển đổi giới tính nói riêng và quyền của nhóm người đồng tính, song giới, chuyển giới (LGBT) nói chung, phù hợp với Nghị quyết của Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc được thông qua vào tháng 9/2014 về nhân quyền, xu hướng tình dục và giới tính.[28]
Các quy định nêu trên của BLDS năm 2015 xét ở tầm vĩ mô sẽ góp phần thực hiện tốt công bằng và hòa nhập xã hội cho nhóm người yếu thế – một trong ba trụ cột định hướng để Việt Nam phát triển bền vững theo Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” do Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố vào tháng 2/2016.[29]
4. Những nội dung mới, quan trọng trong điều chỉnh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài
Ở phương diện này, quy định của BLDS năm 2015 về cơ bản đã tương thích với các chuẩn mực chung của pháp luật quốc tế, tiến gần tới thực tiễn của các quốc gia về tư pháp quốc tế trong lĩnh vực dân sự, thương mại. Đặc biệt, so với các Bộ luật dân sự năm 1995 và năm 2005, quyền miễn trừ của Nhà nước, các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương trong tham gia quan hệ dân sự, thương mại có yếu tố nước ngoài đã được quy định cụ thể trong BLDS năm 2015.
Lần đầu tiên trong các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam, BLDS năm 2015 một mặt khẳng định Nhà nước Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương, ở địa phương khi tham gia quan hệ dân sự thì bình đẳng với các chủ thể khác và tự chịu trách nhiệm dân sự; Nhà nước, cơ quan nhà nước ở trung ương, ở địa phương không chịu trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự của pháp nhân do mình thành lập, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước, trừ trường hợp có bảo lãnh cho nghĩa vụ dân sự của pháp nhân đó. Mặt khác, BLDS năm 2015 đã ghi nhận quyền miễn trừ của Nhà nước, đồng thời quy định rõ việc từ bỏ quyền miễn trừ của Nhà nước Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương, ở địa phương khi tham gia quan hệ dân sự, thương mại với nhà nước, pháp nhân, cá nhân nước ngoài chỉ trong các trường hợp: (i) điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về việc từ bỏ quyền miễn trừ; (ii) có thỏa thuận từ bỏ quyền miễn trừ; hay (iii) đơn phương từ bỏ quyền miễn trừ. Các quy định mới nêu trên phù hợp thông lệ quốc tế, đảm bảo tính minh bạch, qua đó tạo sự tin tưởng, an toàn pháp lý cho các đối tác nước ngoài khi tham gia các quan hệ dân sự, thương mại với Nhà nước, cơ quan nhà nước của Việt Nam.
Bên cạnh đó, như đã phân tích ở trên, tính hội nhập của BLDS năm 2015 không chỉ được thể hiện trong quy định về pháp luật nội dung liên quan đến chủ thể quan hệ dân sự, giao dịch, đại diện, thời hiệu, tài sản, quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản, nghĩa vụ, hợp đồng, cơ chế thực hiện, bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân và cơ chế ưu tiên thực hiện điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên mà còn được thể hiện rõ nét trong quy định về pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. So với Bộ luật dân sự năm 2005, BLDS năm 2015 ghi nhận cơ chế linh hoạt trong giải quyết các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài theo hướng tiếp thu có chọn lọc các nguyên tắc xác định pháp luật áp dụng đã được quốc tế thừa nhận rộng rãi (trong đó có cơ chế cho phép chủ thể quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được lựa chọn pháp luật áp dụng), trong các hệ thuộc quy phạm xung đột pháp luật và thứ tự ưu tiên áp dụng các hệ thuộc này, nhất là đối với quan hệ hợp đồng, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.[30]
Các nội dung mới này sẽ góp phần hoàn thiện khung pháp lý để thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam, bảo đảm sự hội nhập của nền kinh tế nước ta với nền kinh tế thế giới, thúc đẩy phát triển giao lưu dân sự giữa Việt Nam với các quốc gia khác và giữa các cá nhân, pháp nhân liên quan, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã và đang là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế đa phương như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Cộng đồng ASEAN, tham gia nhiều hiệp định thương mại, tư pháp quốc tế song phương, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh kinh tế Á Âu (VN-EAEU FTA), một số công ước của Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế (HccH).
Với những cải cách tương đối toàn diện, mang tính đột phá nêu trên, BLDS năm 2015 đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử xây dựng và hoàn thiện pháp luật dân sự của Việt Nam. Đây thực sự là một bước tiến lớn trong việc định hình cách ứng xử của các cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự, bảo vệ tốt hơn các quyền nhân thân và quyền tài sản không chỉ của 94 triệu người dân và khoảng 1/2 triệu tổ chức kinh tế của Việt Nam mà còn cả của người nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài có quan hệ dân sự, thương mại với Việt Nam. BLDS năm 2015 về cơ bản đã tương thích với thông lệ quốc tế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như của các doanh nghiệp trong các “sân chơi” kinh tế quốc tế. Các quy định mới của BLDS năm 2015 được kỳ vọng sẽ góp phần tạo đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển. Qua đó, nếu được thi hành nghiêm chỉnh, BLDS năm 2015 sẽ thực sự góp phần quan trọng vào sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước theo thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế sâu rộng như tinh thần của Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra./.
Chú thích:
[1] Ngày 08 tháng 12 năm 2015, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Lệnh số 20/2015/L-CTN về việc công bố Luật.
[2] Nghị quyết số 101/NQ-CP ngày 20/8/2013 của Chính phủ về Phiên họp chuyên đề; Tờ trình số 390/TTr-CP ngày 12/10/2014 của Chính phủ về dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi).
[3] Mặc dù BLDS năm 1995 và BLDS năm 2005 trên thực tế đã có vai trò rất quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật tư nhưng về mặt pháp lý thì chưa bao giờ được xác định là luật chung, luật gốc của hệ thống pháp luật tư. Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp Việt Nam, vị trí này của Bộ luật dân sự đã được ghi nhận một cách chính thức tại Điều 4 của BLDS năm 2015.
[4] Đó là các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm. Xem Điều 1 BLDS năm 2015.
[5] Điều 3 BLDS năm 2015.
[6] Khoản 2 Điều 2, Điều 9, Điều 10, Điều 13, khoản 2 Điều 25, khoản 2 Điều 74, Điều 117, Điều 129, Điều 133, Điều 142, Điều 149, Điều 160, Điều 295, Điều 387, Điều 405, Điều 406, Điều 420… BLDS năm 2015.
[7] Điều 7 BLDS năm 2015.
[8] Điều 8, Điều 275… BLDS năm 2015.
[9] Như nguyên tắc tuân thủ pháp luật: Tòa án cho rằng việc công nhận và cho thi hành phán quyết đó tại Việt Nam có thể vi phạm quy định tại một thông tư nên từ chối công nhận và cho thi hành.
[10] Điều 4 BLDS năm 2015.
[11] BLDS năm 2005 và Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 có quy định khác nhau về trần lãi suất (Điều 476 BLDS năm 2005 quy định về trần lãi suất trong khi Luật các tổ chức tín dụng cho phép các tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất) trong khi BLDS năm 2005 không quy định nguyên tắc giải quyết đã gây nên bất cập trong thực tiễn xét xử về trần lãi suất.
[12] Điều 1, Điều 97 đến Điều 104 BLDS năm 2015. Cách tiếp cận này sẽ khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi và đăng ký hoạt động theo Luật doanh nghiệp, qua đó “thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp Việt Nam cả về số lượng và chất lượng”. Xem Báo cáo chính trị của BCH Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, trong Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 105; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 (Mục II.2(a)).
[13] Điều 179 đến Điều 185 BLDS năm 2015.
[14] Điều 159, Điều 245 đến Điều 273 BLDS năm 2015.
[15] Điều 161 BLDS năm 2015.
[16] Điều 105, 106 và 115 BLDS năm 2015.
[17] Thể chế hóa về tài sản nhằm hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp là một trong các yêu cầu nêu trong Báo cáo chính trị của BCH Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Xem Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 104.
[18] Điều 133 BLDS năm 2015 quy định: Trường hợp tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch với người thứ ba không bị vô hiệu. Trường hợp này, chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại.
[19] Điều 125 đến Điều 129 BLDS năm 2015.
[20] Điều 137 BLDS năm 2015.
[21] Điều 142, 143 BLDS năm 2015.
[22] Điều 149 BLDS năm 2015.
[23] Điều 385 đến Điều 408, Điều 420, Điều 423 đến Điều 428 BLDS năm 2015.
[24] Điều 351, 362 BLDS năm 2015.
[25] Khoản 2 Điều 14 BLDS năm 2015. Chính nhờ quy định này trong BLDS năm 2015 mà Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (khoản 2 Điều 4) cũng đã có quy định tương tự, tạo ra sự đồng bộ giữa hai Bộ luật.
[26] Điều 9, 10, 14 và 15 BLDS năm 2015.
[27] Điều 23, Điều 26 đến Điều 29, Điều 32, 37, 38, 48, 54 BLDS năm 2015.
[28] Hiện nay trên thế giới còn khoảng 81 quốc gia còn có quy định về hình sự hóa một số vấn đề của nhóm người LGBT. Nghiên cứu của Ngân hàng thế giới cho thấy Ấn Độ mất khoảng 1.4% GDP vì không đối xử công bằng với nhóm người LGBT.
[29] Ba trụ cột là: (i) thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường; (ii) công bằng và hòa nhập xã hội; và (iii) Nhà nước có năng lực và trách nhiệm giải trình.
[30] Điều 664, 683, 686, 687 BLDS năm 2015.
SOURCE: TẠP CHÍ CỘNG SẢN SỐ 885 (7-2016)