admin@phapluatdansu.edu.vn

NHẬN DẠNG LỢI ÍCH GẮN LIỀN VỚI NGHĨA VỤ TRONG QUAN HỆ KẾT ƯỚC – KINH NGHIỆM CỦA ANH VÀ PHÁP

PGS.TS. NGUYỄN NGỌC ĐIỆN – Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh

1. Dẫn nhập

Trong tư thế bình đẳng và với ý thức tự nguyện, bên giao kết hợp đồng tham gia vào quan hệ kết ước trong khuôn khổ tìm kiếm một hoặc nhiều lợi ích nào đó. Việc nhận dạng, xác định bản chất của lợi ích mà bên kết ước theo đuổi được người làm luật coi là một trong những căn cứ để đánh giá chất lượng của quan hệ kết ước được xác lập, từ đó, có thái độ phù hợp trong việc điều chỉnh quan hệ ấy bằng luật. Một hợp đồng được giao kết nhằm tìm kiếm các lợi ích trái pháp luật, phi đạo đức không xứng đáng được hưởng sự bảo đảm thi hành bằng sức mạnh của luật pháp, công lực.

Tuy nhiên, tìm hiểu ý chí nội tâm của bên kết ước, xem họ mong muốn gì khi xác lập một giao kèo, là việc không đơn giản, nếu không muốn nói là rất khó. Vào thời La Mã cổ đại, người làm luật cũng như thẩm phán không quan tâm đến chuyện tìm hiểu căn cơ đích thực của nghĩa vụ, đặc biệt là nghĩa vụ có nguồn gốc từ hợp đồng1: chỉ cần được xác lập phù hợp với các quy định của pháp luật, thì hợp đồng có hiệu lực ràng buộc; người ta không cần biết vì lý do gì hợp đồng được giao kết.

Đến thời Trung Cổ, luật giáo hội mới bắt đầu cân nhắc việc sàng lọc, phân loại các cam kết dựa theo ý chí của bên kết ước. Trong điều kiện việc xác định ý chí nội tâm gặp khó khăn, người làm luật chủ trương tìm kiếm các yếu tố được cho là sự bộc lộ, là biểu hiện bề ngoài của ý chí đó. Có hai yếu tố chính được ghi nhận: tính liên kết giữa các nghĩa vụ và động cơ xác lập nghĩa vụ. Tư tưởng chủ đạo là một mặt, một bên không phải giữ lời hứa của mình nếu bên kia không giữ lời hứa của họ; mặt khác, mục tiêu của việc xác lập quan hệ kết ước phải phù hợp với đạo đức. Nhiều quy tắc đã được xây dựng từ tư tưởng đó, cho phép vô hiệu hoá các hợp đồng bất bình đẳng hoặc được giao kết nhằm mục đích bất chính, phi đạo đức, như hợp đồng để giết người, cướp của, lừa lọc, mua bán đồ cấm,…

Các nền văn hoá pháp lý, xuất phát những cách tiếp cận không giống nhau khi xem xét bản chất của quan hệ kết ước, đã đi đến chỗ xây dựng những hệ thống giải pháp khác nhau đối với bài toán nhận dạng lợi ích, từ đó đánh giá chất lượng của hợp đồng. Thử nêu ra dưới đây kinh nghiệm đúc kết trong luật của Anh và luật của Pháp.

2. Luật của Anh

2.1. Vật đánh đổi2

Khái niệm. Vật đánh đổi (valuable consideration) – (VĐĐ) là một khái niệm rất riêng của luật Anh – Mỹ mà việc mô tả bằng ngôn ngữ của các hệ thống pháp lý khác không phải là việc đơn giản. Tư tưởng chủ đạo là: một vật có giá trị kinh tế được chuyển giao, một việc mang lại lợi ích kinh tế được thực hiện phải nhằm đổi lấy một vật, một việc khác; một lời hứa được giữ chỉ vì một lời hứa khác – cũng phải được giữ: lời hứa này là VĐĐ của lời hứa kia. Nếu không được xây dựng dựa vào tư tưởng chủ đạo đó, thì một cam kết không thể phát sinh hiệu lực pháp luật. Một hợp đồng mua bán được phân tích thành một cam kết chuyển quyền sở hữu tài sản đổi lấy một cam kết trả tiền mua tài sản.

Từ quan niệm ban đầu đó, luật của Anh xây dựng quan niệm tiếp đối trọng về “lời hứa suông” (bare promise), là một lời hứa được đưa ra không nhằm đổi lấy một lời hứa khác của người đối tác. Lời hứa suông, trong luật của Anh, không có hiệu lực pháp luật: một người hứa tặng cho một người khác một tài sản; người được hứa tặng cho không thể yêu cầu buộc người hứa tặng cho chuyển giao tài sản cho mình. Một cách ngoại lệ, nếu một lời hứa được ghi nhận trong một chứng thư (deed) hoặc trở thành một điều ràng buộc, thì lời hứa có thể có hiệu lực bắt buộc thi hành. Một trong những ví dụ về tầm quan trọng của việc xác định VĐĐ có thể được hình dung như sau: A hứa với B rằng nếu B thực hiện một công việc, thì A sẽ trả tiền cho C; B thực hiện công việc, nhưng A lại không trả tiền cho C; C không có quyền kiện A, bởi C không có một lời hứa nào đánh đổi với lời hứa của A; đáng lý ra B có quyền kiện A, nhưng ở đây B lại không có lý do trực tiếp để làm việc đó.

Lý thuyết về VĐĐ trong luật hợp đồng của Anh là một lý thuyết rất trừu tượng và phức tạp mà việc áp dụng trong thực tiễn là công việc tế nhị đối với thẩm phán.

VĐĐ không thể gắn với một chuyện đã rồi. VĐĐ có thể được xếp thành ba nhóm: sẽ được (executory), được (executed) hoặc đã đi vào quá khứ (past). VĐĐ sẽ được là một lới hứa về một việc sẽ được thực hiện trong tương lai, ví dụ, sẽ trả một số tiền để đổi lấy một tài sản sẽ được giao. VĐĐ được là vật được giao, việc được thực hiện để đổi lấy một vật, một việc khác. VĐĐ đã đi vào quá khứ là một việc đã làm hoặc một lời hứa đã được đưa ra không với ý định kết ước. Các VĐĐ sẽ được và được là những VĐĐ có giá trị. VĐĐ đã đi vào quá khứ không có giá trị: A cứu B khỏi chết đuối; sau khi được vớt lên, B hứa sẽ thưởng cho A một số tiền; cuối cùng, B không thưởng; A không thể kiện B để yêu cầu buộc B trả thưởng, bởi việc A cứu B – VĐĐ – là việc đã rồi và khi thực hiện việc đó, A không hề được thôi thúc bởi một lời hứa thưởng. Tương tự, khi một người hứa bảo đảm việc trả một món nợ đã được giao kết, thì lời hứa đó không trói buộc người hứa, bởi món nợ đã được giao kết và ở thời điểm giao kết, không ai được động viên bởi một lời hứa bảo lãnh như thế.

VĐĐ phải xuất phát từ người thụ hưởng lời hứa. Trừ một vài trường hợp ngoại lệ, một người tìm cách buộc một người khác thực hiện một lời hứa phải là người trực tiếp thụ hưởng lợi ích từ việc thực hiện lời hứa đó, đồng thời là người đã trực tiếp đánh đổi lời hứa đó bằng một tài sản mà mình chuyển giao hoặc bằng một công việc mà mình thực hiện. Nói cách khác, người yêu cầu phải là người chịu sự mất mát mà việc thực hiện lời hứa đó sẽ có tác dụng bù đắp và nếu lời hứa không được thực hiện, thì sự mất mát không thể được bù đắp.

VĐĐ phải đủ nhưng không nhất thiết phải thoả đáng. Điều quan trọng là có hai vật có giá được đánh đổi cho nhau. Giá trị của hai vật không nhất thiết tương đương nhau. Vậy nghĩa là có thể dùng để đánh đổi, một vật gì đó rất tượng trưng về phương diện giá trị kinh tế, ví dụ, một đồng xu, miễn là vật đó được người đối tác chấp nhận. Với nguyên tắc này, luật của Anh thừa nhận rằng, một người kết ước có thể bỏ ra một lợi ích rất nhỏ để thu lại một lợi ích lớn hơn nhiều. Luật không có trách nhiệm viết lại cho các bên bản hợp đồng của họ sao cho có sự cân xứng nghĩa vụ, nhân danh những lý tưởng trừu tượng về sự công bằng. Có thể nói rằng luật của Anh là hệ thống luật duy nhất không có các quy tắc chung để hạn chế những tác hại (đối với một bên hoặc đối với trật tự công cộng) của các hợp đồng giao kết một cách thiếu cân nhắc, cũng không đòi hỏi ở các bên kết ước sự trung thực khi giao kết hợp đồng3.

VĐĐ không đủ. Gọi là không đủ, một VĐĐ không có giá trị kinh tế. Không thể có quan hệ hợp đồng theo đó, một vật không có giá trị kinh tế được đánh đổi với một vật có giá trị kinh tế. Một lời hứa thực hiện một bổn phận mà người hứa có trách nhiệm thực hiện theo quy định của pháp luật không thể dùng làm VĐĐ với một lời hứa khác: một người nhận được một cú điện thoại tống tiền; người này hứa thưởng cho cảnh sát, nếu cảnh sát bắt được tên tống tiền trong tình trạng phạm pháp quả tang; cảnh sát không thể yêu cầu buộc người bị tống tiền thực hiện lời hứa thưởng sau khi đã bắt được tên tống tiền, nếu người bị tống tiền từ chối thưởng.

Cũng như vậy, bị coi là vô nghĩa một lời hứa thực hiện một nghĩa vụ đã được xác lập trước, theo thoả thuận, đối với người thụ hưởng lời hứa: người thụ hưởng không thể có lời hứa mới bên cạnh lời hứa cũ liên quan đến nghĩa vụ đã được xác lập trước đó. Một người mua hứa với một người bán sẽ thưởng cho người bán một số tiền, nếu người sau này giao hàng đúng hẹn theo hợp đồng; người bán giao hàng đúng hẹn và người mua từ chối trả thưởng; người bán không có quyền yêu cầu buộc người mua trả thưởng bởi lời hứa thưởng của người mua không đối ứng với một lời hứa nào mới của người bán bên cạnh lời hứa cũ – giao hàng đúng hẹn theo một hợp đồng đã được xác lập từ trước.

Quy tắc về sự vô hiệu của lời hứa về việc thực hiện một nghĩa vụ đã được xác lập trước, theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật, có những hệ quả thực tiễn rất quan trọng. Cứ hình dung: một người bán, trong điều kiện hàng hoá khan hiếm, có thể tìm cách trì hoãn việc giao hàng; một nhân viên cứu hoả có thể chờ một lời hứa thưởng để tiến hành nhanh hơn việc cứu hộ. Tất nhiên, luật không cấm người mua tự động trả thêm tiền, người cần được cứu hộ tự động trả thưởng; nhưng nếu những người này không giữ lời hứa của mình, thì người thụ hưởng lời hứa không có quyền yêu cầu pháp luật can thiệp.

Dẫu sao, không ai cấm các bên thay đổi hoặc xác định lại nội dung của các thoả thuận đã đạt được. Nếu giữa người mua và người bán có sự thoả thuận theo đó, người mua sẽ trả cho người bán thêm một số tiền và số tiền đó cộng với giá mua trước đây tạo thành giá mua mới, thì coi như các bên đã có thoả thuận lại về giá mua thay thế cho thoả thuận cũ. Thoả thuận mới được gọi là thoả thuận thay thế nghĩa vụ (novation) và hoàn toàn có giá trị. Giải pháp này cũng được thừa nhận trong luật của nhiều nước châu Âu, như Pháp, Đức và Italia.

1.2. Điều trói buộc

Khái niệm. Có thể tạm định nghĩa điều trói buộc (estoppel) như là một vật, một việc có tác dụng ngăn cản người cam kết rút lại lời nói của mình và gây thiệt hại cho người khác. Tất cả các hệ thống luật đều nói rằng người cam kết không thể huỷ bỏ lời cam kết của mình một cách tuỳ thích; tuy nhiên, việc áp dụng nguyên tắc này trong luật của Anh trở nên tế nhị do có lý thuyết về VĐĐ.

Mọi chuyện bắt đầu từ vụ án Central London Property Trust v High Trees House năm 1947. Chủ đất cho một số tá điền thuê đất; trong thời gian chiến tranh, một số tá điền bỏ đất ra đi; để giữ chân những tá điền khác, chủ đất hạ thấp giá thuê; sau chiến tranh, chủ đất muốn khôi phục giá thuê cũ và, thậm chí, đòi cả phần chênh lệch mà người thuê đã giữ lại trong thời gian giảm giá. Các cuộc tranh cãi xoay quanh vế thứ hai của yêu cầu trên. Chủ đất nói rằng những người thuê đất còn ở lại chỉ làm mỗi việc là thực hiện hợp đồng thuê đã được giao kết, họ không có cam kết gì mới đối ứng với cam kết hạ giá thuê của chủ đất, bởi vậy, theo đúng lý thuyết về vật đánh đổi, cam kết hạ giá thuê không có hiệu lực.

Khi sự việc được đưa ra Toà án, các thẩm phán, trong các nỗ lực bảo vệ quyền lợi được cho là chính đáng của người thuê đất, đã xây dựng lý thuyết về điều trói buộc. Tư tưởng chủ đạo là: nếu một người, bằng lời nói hoặc bằng thái độ xử sự, đưa ra một lời cam kết khiến cho người khác hành động do được thôi thúc bởi lòng tin vào lời cam kết đó, thì người cam kết không được chối bỏ lời cam kết của mình, một khi sự chối bỏ đó tỏ ra không phù hợp với lẽ công bằng. Người chủ đất trong vụ án High Trees đã muốn làm cho người thuê tin mình và ở lại trên đất thuê; họ đã tin và đã ở lại; bởi vậy, người chủ đất không thể chối bỏ lời hứa của mình.

Từ lý thuyết về điều trói buộc, người ta có được một quy tắc cho phép bảo vệ quyền lợi của một người do tin tưởng vào lời hứa của một người khác mà hành động dù không có vật gì để đánh đổi với lời hứa đó. Thế nhưng, nếu ta nói rằng tính “có qua có lại” là cơ sở duy nhất của những lời hứa có hiệu lực pháp luật, thì làm thế nào để thực hiện được sự đánh đổi giữa một bên là một lời hứa và bên kia là lòng tin cậy nhằm đặt cơ sở cho sự phát sinh hiệu lực của lời hứa được đánh đổi? Trong một vụ án khác, một người chồng hứa trả cho người vợ một khoản cấp dưỡng khi hai người sống ly thân; người vợ chấp nhận ly thân và cuối cùng người chồng không cấp dưỡng; người vợ kiện đòi các khoản cấp dưỡng đến hạn chưa trả. Thẩm phán trong trường hợp này lại bác đơn yêu cầu của người vợ với lý do người này không có gì để đánh đổi lời hứa của người chồng. Người vợ phản biện rằng, do mình đã tin tưởng vào lời hứa của chồng và quyết định không kiện xin một bản án cấp dưỡng lúc ly thân, vậy người chồng, theo các nguyên tắc High Trees, không được chối bỏ lời hứa của mình. Thế nhưng, các thẩm phán bác bỏ cả lời phản biện đó với lý do: các nguyên tắc High Trees, đặt cơ sở cho lý thuyết về điều trói buộc, là một công cụ tự vệ – một lá chắn (shield) – chứ không phải là một công cụ tiến công – một thanh gươm (sword).

Điều trói buộc chủ sở hữu bất động sản. Rất nhiều luật gia Anh, Mỹ công kích quan niệm theo đó, lý thuyết về điều trói buộc là một lá chắn chứ không phải là một thanh gươm, cho rằng đó chỉ là sự nguỵ biện thể hiện sự thiếu dũng cảm của thẩm phán trong việc bảo vệ tới cùng lẽ công bằng, chống lại những nguyên tắc cứng nhắc liên quan đến vật đánh đổi. Dưới sức ép của sự phê phán ấy, một số thẩm phán đề nghị rằng một người tin vào một lời hứa theo đúng ý muốn của người hứa, phải có quyền yêu cầu buộc người hứa thực hiện cam kết của mình. Tuy nhiên, cho đến nay, án lệ Anh chỉ mới chính thức thừa nhận điều này, như một ngoại lệ của các nguyên tắc High Trees, trong trường hợp người hứa là chủ sở hữu một bất động sản và lời hứa có liên quan đến các quyền đối với bất động sản đó. Nội dung của ngoại lệ là: nếu A làm cho B tin rằng B có quyền đối với bất động sản của A, và B đã thực hiện các khoản chi nhằm tạo điều kiện cho việc thực hiện quyền đó với lòng tin vào lời hứa của A, thì B có quyền kiện A để yêu cầu bảo vệ các quyền lợi liên quan của mình cả trong trường hợp B không có gì để đánh đổi lời hứa của A. Một người hứa cho người khác thiết lập quyền về lối đi qua trên đất của mình; người thụ hưởng lời hứa đã đầu tư tiền bạc để xây dựng lối đi qua; người hứa không có quyền chối bỏ lời hứa của mình và khoá chặt lối đi qua đó.

Những lời hứa khác có hiệu lực mà không cần VĐĐ. Trong một vài trường hợp ngoại lệ đặc thù, luật của Anh cũng thừa nhận hiệu lực pháp luật của một lời hứa, dù không có VĐĐ cũng không có sự hỗ trợ của các nguyên tắc High Trees. Ví dụ điển hình là một lời hứa được ghi nhận trong một chứng thư (deed), tức là một văn bản được lập theo những thể thức long trọng và có người làm chứng. Các khoản tín dụng được xác nhận của ngân hàng, các giao kèo có tác dụng hạn chế quyền sử dụng đất và các trusts là những ngoại lệ hiếm hoi khác.

3. Luật của Pháp

3.1. Lý thuyết về nguyên nhân của nghĩa vụ4

Luật của Pháp không có quan niệm nào tương tự như quan niệm về VĐĐ trong luật của Anh. Để đánh giá hiệu lực của một cam kết, người Pháp dựa vào lý thuyết về nguyên nhân của nghĩa vụ (cause de l’obligation). Luật học của Pháp phân biệt nguyên nhân của nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ kết ước và nguyên nhân của chính sự kết ước đó.

Nguyên nhân của nghĩa vụ trong quan hệ kết ước. Nguyên nhân ấy được hiểu như là mục đích mà bên có nghĩa vụ muốn đạt tới khi giao kết hợp đồng. Mục đích, về phần mình, được hình dung một cách trừu tượng, tách biệt với nhân thân, hoàn cảnh cụ thể của bên kết ước và trở nên hoàn toàn giống nhau đối với tất cả các hợp đồng cùng loại. Chẳng hạn, trong hợp đồng mua bán, người mua có nghĩa vụ trả tiền mua vì nghĩa vụ đó cần thiết cho việc phát sinh hiệu lực của nghĩa vụ chuyển quyền sở hữu tài sản của người bán. Khi xác định nguyên nhân của nghĩa vụ trong quan hệ kết ước, người ta không tự hỏi tại sao người mua muốn mua tài sản: câu hỏi đó liên quan đến động cơ mua bán và được xem xét trong khuôn khổ tìm hiểu nguyên nhân của quan hệ kết ước.

Trong trường hợp hợp đồng đơn vụ, không thể xác định nguyên nhân của nghĩa vụ bằng cách dựa vào nghĩa vụ đối ứng, vì nghĩa vụ đối ứng không tồn tại. Người Pháp nói rằng nguyên nhân của nghĩa vụ trong trường hợp này nằm ngay tại cơ sở của hợp đồng. Trong hợp đồng bảo lãnh, nguyên nhân của nghĩa vụ bảo lãnh là sự tồn tại của món nợ được bảo đảm. Trong hợp đồng vay mượn, nguyên nhân của nghĩa vụ giao trả tài sản vay mượn gắn với việc chuyển giao tài sản vay mượn: người vay mượn phải giao trả tài sản vay mượn chỉ vì đã nhận tài sản vay mượn,… trừ trường hợp chứng minh được rằng mình đã tiếp nhận tài sản trong khuôn khổ một hợp đồng tặng cho. Cũng nên lưu ý rằng, hợp đồng vay tài sản trong luật của Pháp, khác so với luật Việt Nam, là một hợp đồng thực tại và do đó là hợp đồng đơn vụ: người cho vay không có nghĩa vụ chuyển giao tài sản vay cho người vay, bởi hợp đồng được giao kết chính bằng việc chuyển giao tài sản từ người cho vay sang người vay.

Một cách ngoại lệ, trong trường hợp hợp đồng tặng cho, tính chất không có đền bù của hợp đồng khiến người ta phải đi tìm nguyên nhân của nghĩa vụ trong lý do, động cơ thôi thúc người tặng cho đi đến quyết định tặng cho của mình. Hệ quả: nếu động cơ tặng cho hình thành như là kết quả của sự ngộ nhận, thì hợp đồng tặng cho vô hiệu do nghĩa vụ tặng cho không có nguyên nhân. Một người tặng cho người khác một tài sản vì ngỡ rằng người sau này đã cứu mạng mình; thực ra, người được tặng cho không cứu mạng người tặng cho; hợp đồng tặng cho vô hiệu vì không có nguyên nhân.

Nguyên nhân của sự kết ước. Sự phân biệt giữa nguyên nhân của nghĩa vụ kết ước và nguyên của chính sự kết ước đó được án lệ Pháp trực tiếp đề cập nhân giải quyết tranh chấp liên quan đến một hợp đồng mua bán. Theo Toà Phá án5, nếu nguyên nhân của nghĩa vụ (trả tiền) của người mua chính là sự chuyển quyền sở hữu và chuyển giao tài sản bán, thì nguyên nhân của hợp đồng mua bán chính là yếu tố đã thúc đẩy người mua đi giao kết, là cái mà thiếu nó, thì người mua đã không chấp nhận giao kết. Nói khác đi, nguyên nhân của sự kết ước là lý do, động cơ bên trong thôi thúc một bên đi đến chỗ giao kết hợp đồng với bên kia. Đó là mục tiêu mà một bên nhắm tới khi tham gia quan hệ kết ước. Chẳng hạn, mua một chiếc ô tô, vì cần có ô tô để di chuyển; mua một cái nhà, vì cần có nhà để ở, để làm ăn, mua bán,…

Khi xem xét nguyên nhân của sự kết ước, người Pháp đặt và giải quyết hai vấn đề: sự tồn tại của nguyên nhân đó và tính hợp pháp của nó.

1. Thực ra, luật của Pháp không chủ trương về sự cần thiết của việc kiểm tra sự tồn tại của nguyên nhân của sự kết ước. Một người mua nhà tại một thành phố chỉ vì tin rằng mình sắp được bổ nhiệm vào một chức vụ tại thành phố đó; việc bổ nhiệm không thành, hợp đồng mua bán nhà không vì thế mà có thể bị tuyên bố vô hiệu.

Cá biệt trong trường hợp có nhiều hợp đồng gắn chặt với nhau và hợp đồng này là lý do, động cơ của hợp đồng khác, thì sự vô hiệu, huỷ bỏ hoặc bất thành của một hợp đồng có thể dẫn đến sự vô hiệu của hợp đồng còn lại. Một người mua một phần mềm chỉ vì sự thành công của dự án mua máy vi tính; nếu hợp đồng mua máy vi tính bị tuyên bố vô hiệu, bị huỷ bỏ, thì hợp đồng mua phần mềm cũng bị vô hiệu hoá vì không có nguyên nhân. Tuy nhiên, để có sự gắn chặt giữa các hợp đồng theo cách đó, các bên không chỉ phải biết về sự tồn tại của các hợp đồng trong mối quan hệ gắn bó đó, mà còn phải chấp nhận thiết lập sự ràng buộc lẫn nhau giữa các cam kết trong các hợp đồng khác nhau.

2. Trái lại, luật của Pháp có những quy tắc chặt chẽ nhằm kiểm tra tính hợp pháp của nguyên nhân kết ước. Các quy tắc ấy được xây dựng dựa theo hai tiêu chí lớn – trật tự công cộng và thuần phong mỹ tục. Luật của Pháp nói rằng, khi hợp đồng có một nguyên nhân phi pháp hoặc phi đạo đức, thì hợp đồng phải bị tuyên bố vô hiệu.

– Trường hợp hợp đồng không có đền bù. Có thể hình dung: tặng cho một tài sản như một hình thức biểu lộ sự cám ơn đối với một đối thủ đã bỏ cuộc trong một cuộc tranh tài thể thao hoặc đối với một người thực hiện cho mình một công việc thuộc chức trách của người đó (hối lộ). Nói chung, các trường hợp mà trong đó nguyên nhân của một hợp đồng không có đền bù bị coi là bất chính hoặc phi đạo đức rất đa dạng và việc đánh giá tuỳ thuộc vào thẩm phán. Một hợp đồng tặng cho giữa hai người chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giao kết do sự thôi thúc của một bổn phận hỗ trợ, giúp đỡ mang tính đạo đức sẽ có giá trị; nhưng một hợp đồng tặng cho giữa hai người đó mà được giao kết chỉ nhằm mục đích thiết lập hoặc duy trì mối quan hệ chung sống như vợ chồng có thể bị tuyên bố vô hiệu, vì mục đích của hợp đồng trái với nguyên tắc tôn trọng quyền tự do kết hôn của con người.

– Trường hợp hợp đồng có đền bù. Có người mua một căn nhà để tổ chức mại dâm, mua một chiếc xe để làm phương tiện vận chuyển ma tuý; một người vay một số tiền để đi đánh bạc… Những hợp đồng đó được coi là có nguyên nhân phi pháp hoặc phi đạo đức. Đặc biệt, việc một người gửi giữ một tài sản có được do trộm hoặc cướp, nhằm giấu giếm tài sản khỏi sự truy tầm, cũng khiến cho hợp đồng (gửi giữ) có một nguyên nhân phi pháp. Tuy nhiên, để có thể yêu cầu tuyên bố vô hiệu hợp đồng do có nguyên nhân phi pháp hoặc phi đạo đức, điều quan trọng là các bên giao kết phải biết rõ nguyên nhân đó: một người nhận gửi giữ một chiếc xe hơi bị cướp mà không hay biết gì về vụ cướp, hợp đồng gửi giữ không thể bị tuyên bố vô hiệu chỉ vì tài sản gửi giữ là tài sản bị cướp.

Khi tất cả các điều kiện mà pháp luật đòi hỏi đều có đủ, bất kỳ người nào cũng có thể yêu cầu tuyên bố vô hiệu một hợp đồng do có nguyên nhân phi pháp hoặc phi đạo đức.

2.2. Nguyên nhân của nghĩa vụ và lợi ích của bên kết ước

Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba. Do không có lý thuyết về VĐĐ, luật của Pháp thừa nhận rằng một người có thể giao kết hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba. Theo Bộ luật Dân sự Pháp Điều 1121, một hợp đồng có thể được xác lập vì lợi ích của một người thứ ba và người này có các quyền trực tiếp, phát sinh từ hợp đồng, đối với người cam kết vì lợi ích của mình theo hợp đồng đó. Ví dụ điển hình về kỹ thuật giao kết hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là các hợp đồng bảo hiểm nhân mạng: người thụ hưởng, theo hợp đồng giao kết giữa người bảo hiểm và người được bảo hiểm, có thể trực tiếp yêu cầu buộc người bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho mình sau khi người được bảo hiểm chết.

Thiệt hại cho bên kết ước. Nguyên nhân của nghĩa vụ không phải là một lợi ích định giá được bằng tiền dùng để đánh đổi nghĩa vụ của bên kết ước. Nhưng nếu, trong một hợp đồng song vụ, nghĩa vụ của một bên tỏ ra quá khiêm tốn về giá trị kinh tế, đến mức không thể coi việc đặt nghĩa vụ đó đối ứng với nghĩa vụ của bên kia là nghiêm túc, thì hợp đồng có thể bị tuyên bố vô hiệu, ví dụ, bán một vật có giá trị cao chỉ với một đồng Franc (nay là một Euro). Luật của Pháp còn có quy định cho phép huỷ bỏ hợp đồng trong trường hợp có sự mất cân đối quá đáng về giá trị kinh tế giữa hai nghĩa vụ đối ứng trong hợp đồng song vụ, dù giá trị kinh tế của cả hai nghĩa vụ đều lớn; tuy nhiên, quy định này chỉ được áp dụng cho trường hợp mua bán bất động sản (Bộ luật Dân sự Pháp Điều 1674)6.


(1) Xem Mazeaud, Leçons de droit civil, Tập II, quyển 1, ấn bản lần 5 của De Juglart, Nxb Montchrestien, Paris, 1991 tr. 245.

(2) Xem .Whincup, Contract law and practice, Nxb Kluwer Law International, The Hague, 1996, tr.55 và kế tiếp.

(3) Ngày càng có nhiều ngoại lệ được thừa nhận trong luật của Anh, ví dụ, Đạo luật về các điều khoản hợp đồng gian lận (Unfair Contract Terms Act) năm 1977; Quy chế về điều khoản gian lận trong hợp đồng với người tiêu dùng (Unfair Terms in Consumer Contracts Regulations) năm 1994. Tuy nhiên, nguyên tắc được thiết lập trong luật của Anh vẫn không thay đổi.

(4) Xem, Mazeaud, sđd, tr. 244 và kế tiếp; Terré, Simler và Lequette, Droit civil – Les obligations, Nxb Dalloz, Paris, 2002, tr. 336 và kế tiếp.

(5) Tập hợp án lệ Dalloz, Nxb Dalloz, Paris, 1989, chuyên mục I.R, số 286.

(6) Theo Điều luật này, thì người bán có quyền yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu do phải chịu thiệt hại, trong trường hợp giá bán được thoả thuận thấp hơn 7/12 so với giá thị trường tại thời điểm bán. Điều luật này có nguồn gốc từ luật La Mã. Cả tỷ lệ 7/12 cũng là của luật La Mã, được giữ nguyên cho đến bây giờ.


SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP SỐ 210-211, THÁNG 1-2/2012

Trích dẫn từ: Tạp chí Nghiên cứu lập pháp điện tử – nclp.org.vn

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading