LUC BARBIER – Thẩm phán, Thành viên Hội đồng thẩm phán tối cao, Cộng hòa Pháp
Nước Pháp có khoảng 63 triệu dân trong đó khoảng 7.500 là thẩm phán (6.500 thẩm phán làm việc tại tòa, số còn lại làm việc tại các cơ quan trung ương của các bộ, ngành hoặc được biệt phái sang các cơ quan khác).
Ở Pháp, những người được gọi là thẩm phán bao gồm thẩm phán công tố và thẩm phán xét xử. Khác với nhiều nước khác, Pháp thiết lập một ngạch thẩm phán duy nhất. Việc đào tạo thẩm phán được tiến hành tại Trường thẩm phán quốc gia theo một chương trình chung và thẩm phán là người duy nhất có quyền quyết định sẽ trở thành thẩm phán đứng (thẩm phán công tố, vì đứng phát biểu tại phiên tòa) hoặc thẩm phán ngồi (thẩm phán xét xử, vì ngồi xét xử tại phiên tòa).
Để đảm bảo sự độc lập của cơ quan tư pháp, thẩm phán không thể được bổ nhiệm vào một vị trí mà họ không lựa chọn, trừ trường hợp bị xử lý kỷ luật theo quyết định của Hội đồng thẩm phán tối cao.
Hội đồng thẩm phán tối cao được thành lập theo Hiến pháp và có nhiệm vụ trợ giúp Tổng thống, cũng là Chủ tịch Hội đồng, trong việc bảo đảm sự độc lập của cơ quan tư pháp là nhiệm vụ mà Hiến pháp giao cho Tổng thống.
Hội đồng này là một thiết chế đặc biệt do có thành phần hỗn hợp. Hội đồng bao gồm các đại diện do các cơ quan nhà nước cao nhất chỉ định (Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện, Hội đồng toàn thể Tham chính viện) và các thẩm phán (12). (giải thích thêm về ban thẩm phán xét xử và ban thẩm phán công tố của Hội đồng, mỗi ban có 10 thành viên trong đó 6 thẩm phán và 4 người khác).
Hội đồng có nhiệm kỳ 4 năm (2006-2010), có nhiệm vụ trợ giúp Tổng thống và đưa ra ý kiến với Tổng thống. Các ý kiến này được đưa ra theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng nhưng trên thực tế, đôi khi Hội đồng có thể chủ động cho ý kiến.
Hội đồng cũng có vai trò rất quan trọng trong việc bổ nhiệm thẩm phán (giải thích thêm về sự khác biệt giữa thẩm phán công tố và thẩm phán xét xử) và còn có vai trò xử lý kỷ luật.
Trách nhiệm kỷ luật là vấn đề thường được báo chí nói đến nhiều nhất nhưng trách nhiệm của thẩm phán không chỉ giới hạn ở khía cạnh này. Trên thực tế, thẩm phán phải chịu trách nhiệm cả về dân sự và hình sự.
Trách nhiệm của thẩm phán là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận xã hội, chính trị. Cuộc bầu cử Tổng thống mới đây là dịp để mỗi đảng phái chính trị đưa ra đường hướng về vấn đề trách nhiệm của thẩm phán và những định hướng cải cách.
Nhiều vụ việc được báo chí đăng tải đã làm cho một số người cho rằng cần phải nâng cao trách nhiệm của thẩm phán vì chế độ trách nhiệm hiện nay chưa đầy đủ.
Thẩm phán xét xử tồi, thẩm phán công tố tồi là chủ đề tranh luận ở tất cả các nước, ở tất cả các nền văn hóa nhưng còn phải thống nhất quan điểm về khái niệm thẩm phán tồi. Bất cứ người nào bị thua kiện đều muốn quay lưỡi kiếm công lý về phía người đã không cho họ thắng kiện, nhưng đương nhiên điều đó không có nghĩa người này là một thẩm phán tồi.
Hơn nữa, nhiều người cho rằng thẩm phán có tố chất cao nhất nên họ không thể nhầm lẫn. Lỗi của thẩm phán được nhìn nhận hết sức nặng nề vì thẩm phán hành động nhân danh công lý.
Thẩm phán là một con người và do đó, không thể không mắc sai lầm. Chính vì vậy, hành vi, quyết định của thẩm phán, giống như của bất kỳ công dân khác, cũng có thể gây thiệt hại cho các cá nhân, tổ chức hoặc gây rối loạn xã hội.
Chính nhờ sự kết hợp giữa việc nâng cao hiểu biết pháp luật, tăng cường thông tin báo chí về các vụ kiện và tăng cường tính công khai, minh bạch của hoạt động tư pháp mà ý thức trách nhiệm của thẩm phán cũng được nâng cao. Không một nước châu Âu nào tránh khỏi xu thế này và nước Pháp đang trong giai đoạn phát triển.
Do vậy, cần phải xem xét ba loại trách nhiệm của thẩm phán. Chúng tôi chỉ giới thiệu những nội dung chính vì quá trình trao đổi, thảo luận tiếp theo sẽ cho phép đi vào chi tiết hơn.
Thẩm phán phải chịu :
– Trách nhiệm hình sự
– Trách nhiệm dân sự
– Trách nhiệm kỷ luật.
I. Trách nhiệm hình sự của thẩm phán
Sự độc lập của thẩm phán không ảnh hướng đến việc thẩm phán phải tuân thủ pháp luật hình sự.
Do đó, với tư cách là công dân, thẩm phán phải chịu trách nhiệm về hành vi phạm tội mà mình phạm phải trong hoạt động nghề nghiệp cũng như ngoài hoạt động nghề nghiệp.
Pháp luật Pháp không khác với pháp luật của đại đa số các nước khác về vấn đề này.
Từ khi Luật ngày 04/01/1993 được ban hành, thẩm phán không được hưởng bất kỳ ưu tiên nào về mặt tài phán nữa nên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự như mọi công dân khác và không có một quy định nào của Bộ luật tố tụng hình sự là thuận lợi cho thẩm phán nữa. Tuy nhiên, pháp luật thông thường được áp dụng và để đảm bảo tốt công lý, có thể viện dẫn lý do thẩm phán có nguy cơ xét xử không vô tư và yêu cầu thay đổi thẩm phán. Điều này không trực tiếp là để bảo vệ thẩm phán mà là để bảo vệ quyết định của tòa án và hình ảnh của tòa án.
Thẩm phán phải chịu trách nhiệm về hành vi phạm tội theo quy định chung của pháp luật như bất kỳ cá nhân nào khác (trộm cắp, lái xe trong tình trạng say rượu …) và ngoài ra, còn phải chịu trách nhiệm về một số tội phạm mà chỉ công chức nhà nước mới có thể phạm phải.
Ví dụ, thẩm phán có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn (Điều 432-4 Bộ luật hình sự) hoặc tội tham ô, biển thủ tài sản (điều 432-15 Bộ luật hình sự).
Với tư cách là thẩm phán, thẩm phán còn có thể bị truy cứu trách nhiệm về một số tội riêng biệt như tội đưa hối lộ, tội nhận hối lộ (Điều 434-9 Bộ luật hình sự), hoặc tội từ chối xét xử (Điều 434-7-1 Bộ luật hình sự).
Một số thẩm phán có một số chức năng, nhiệm vụ đặc biệt. Người đứng đầu tòa án là người lãnh đạo tòa án và phải đảm bảo tuân thủ các quy định về an toàn, vệ sinh và tổ chức công việc.
Tuy nhiên, bản thân nội dung quyết định của tòa án không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì quyết định này chỉ có thể bị xem xét lại bởi tòa án cấp trên. Nguyên tắc này được tòa hình sự Tòa phá án đưa ra ngày 09/12/1981 và là nền tảng của nguyên tắc độc lập của thẩm phán.
Số lượng đơn kiện trực tiếp đối với thẩm phán tăng đôi chút, không phải là do tình trạng vi phạm pháp luật hình sự gia tăng mà là do xu hướng tư pháp hóa xã hội ngày càng phát triển. Do đó, đối với một số người, nhất thiết phải tìm được một tấm lá chắn.
Khi thẩm phán bị kết án hình sự, Hội đồng thẩm phán tối cao thường phải thực hiện chức năng kỷ luật của mình như sẽ được trình bày dưới đây.
II. Trách nhiệm dân sự của thẩm phán
Nếu trách nhiệm hình sự của thẩm phán không đặt ra khó khăn về mặt thực tiễn cũng như lý luận thì trái lại, trách nhiệm dân sự của thẩm phán được thừa nhận một cách khó khăn hơn.
Điều này được giải thích bởi nó liên quan đến trọng tâm của chức năng thẩm phán.
Công lý được ban hành nhân danh nhân dân tối cao và ở mọi thời đại, việc thực hiện công lý không thể kéo theo một cách quá dễ dàng trách nhiệm của thẩm phán. Điều đó cũng tương tự như trách nhiệm của Nhà nước.
Quan điểm này được giải thích dễ dàng. Tư pháp nhằm mục đích giảm nhẹ xung đột xã hội hoặc giữa các cá nhân nên việc xem xét lại một cách dễ dàng các quyết định của cơ quan tư pháp trên cơ sở khiển trách thẩm phán này hay thẩm phán khác, sẽ tạo ra một sự không an toàn về mặt pháp lý đồng loạt. Do đó, tư pháp sẽ phản tác dụng và gây ra nhiều lo ngại.
Việc truy cứu trách nhiệm của thẩm phán cũng không thể là giải pháp tối ưu. Tuy nhiên, cơ quan tư pháp không phải là không có trách nhiệm. Luật ngày 05/07/1992 đặt ra nguyên tắc là Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hoạt động yếu kém của cơ quan tư pháp gây ra.
Mặc dù vậy, luật này giới hạn trách nhiệm bồi thường nhà nước trong trường hợp lỗi nặng hoặc trường hợp từ chối xét xử.
Ban đầu, Luật ngày 05/07/1992 được giải thích một cách rất hạn chế nhưng để thúc đẩy sự phát triển của án lệ, trong Bản án ngày 23/02/2001, hội đồng toàn thể Tòa phá án đã định nghĩa lỗi nặng là “mọi khiếm khuyết, yếu kém trong hoạt động hoặc một loạt hoạt động của cơ quan tư pháp, cho thấy cơ quan tư pháp không có khả năng thực hiện nhiệm vụ được giao”.
Định nghĩa này đủ rộng để cho phép thực hiện trách nhiệm bồi thường một cách phổ biến và thường xuyên hơn. Tháng nào các tòa án Pháp, đặc biệt là Tòa án sơ thẩm thẩm quyền rộng Paris, cũng nhận được yêu cầu bồi thường dựa trên căn cứ này.
Thẩm phán xử phạt những trường hợp sai phạm đó nhưng cần nhận thấy rằng có rất nhiều nguyên đơn tìm cách thu hút sự chú ý của báo giới bằng việc yêu cầu bồi thường. Do đó, không ít đơn kiện bị bác bỏ do thiếu căn cứ pháp luật.
Cũng phải nói thêm rằng nhà làm luật quy định trách nhiệm của Nhà nước đối với những thiệt hại liên quan đến các lĩnh vực cụ thể của hoạt động tư pháp. Ví dụ, lĩnh vực giám hộ đối với người không có năng lực hành vi (Điều 473 Bộ luật dân sự), trường hợp tạm giam người không có căn cứ (Điều 149 Bộ luật tố tụng hình sự) hoặc trường hợp một người được thừa nhận là không phạm tội sau khi tiến hành thủ tục tái thẩm (Điều 626 Bộ luật tố tụng hình sự).
Đó là việc thực hiện trách nhiệm dân sự của Nhà nước trong trường hợp không có lỗi.
Như vậy, cơ quan tư pháp có thể bị truy cứu trách nhiệm và bản thân thẩm phán cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm.
Luật tổ chức ngày 18/01/1979 đã đưa vào quy chế thẩm phán Điều 11-1 quy định “thẩm phán thuộc hệ thống tòa án tư pháp chỉ phải chịu trách nhiệm do lỗi cá nhân của mình” và “trách nhiệm của thẩm phán phạm lỗi cá nhân gắn liền với dịch vụ công tư pháp chỉ được thực hiện theo yêu cầu hoàn trả của Nhà nước”, thủ tục hoàn trả này được tiến hành tại tòa dân sự Tòa án tư pháp tối cao (Điều L.141-2 Bộ luật tổ chức tư pháp).
Nhà làm luật muốn giới hạn trách nhiệm của thẩm phán trong trường hợp có lỗi cá nhân. Đó là phương thức thông thường để phân biệt trách nhiệm bồi thường nhà nước trong trường hợp lỗi công vụ và lỗi cá nhân.
Có thể cho rằng trách nhiệm bồi thường được thực hiện trong trường hợp thẩm phán cố ý phạm lỗi hoặc phạm lỗi nghiêm trọng.
Do đó, trách nhiệm của thẩm phán được hiểu một cách hạn chế. Cho đến nay, chưa có trường hợp nào Nhà nước yêu cầu hoàn trả (một ví dụ trong hệ thống tòa án hành chính).
Chính vì vậy, người dân không hiểu và thường có cảm giác là thẩm phán không phải chịu trách nhiệm. Do đó, nhà làm luật đã phải can thiệp để nâng cao trách nhiệm của thẩm phán.
Trong dự thảo Luật được thông qua ngày 22/02/2007, các nhà soạn thảo dự kiến bổ sung vào định nghĩa về lỗi kỷ luật ("mọi vi phạm của thẩm phán đối với các nghĩa vụ của Nhà nước, danh dự, nhân phẩm"), một khoản quy định là "vi phạm nghĩa vụ của Nhà nước là hành vi vi phạm nghiêm trọng và cố ý của thẩm phán đối với các quy định tố tụng mang tính bảo đảm cơ bản đối với các quyền của đương sự, được thực hiện trong quá trình tố tụng kết thúc bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật".
Trong Quyết định ngày 01/03/2007, Hội đồng Bảo hiến kết luận rằng quy định này trái Hiến pháp Pháp vì lý do sau :
Xét rằng, nguyên tắc độc lập của cơ quan tư pháp quy định tại Điều 64 Hiến pháp và nguyên tắc tam quyền phân lập quy định tại Điều 16 Tuyên ngôn năm 1789, không ngăn cản nhà làm luật mở rộng trách nhiệm kỷ luật của thẩm phán đối với hoạt động tài phán trên cơ sở quy định là, trong trường hợp thẩm phán vi phạm nghiêm trọng và cố ý các quy định mang tính bảo đảm cơ bản đối với các quyền của đương sự thì phải chịu trách nhiệm kỷ luật ; tuy nhiên, các nguyên tắc này không cho phép truy cứu trách nhiệm kỷ luật của thẩm phán trong trường hợp hành vi vi phạm chưa được xác nhận bằng một bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật;
Xét rằng, như vậy, quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật trái Hiến pháp ; quy định tại khoản 2, không thể tách rời với khoản 1 điều này, cũng trái Hiến pháp.
Quan điểm trái ngược này dường như chỉ mang tính tạm thời vì tân Tổng thống đã nêu rõ mong muốn nâng cao trách nhiệm của thẩm phán. Năm 2008 sẽ là năm tiến hành các cải cách quan trọng về thể chế nên vấn đề trách nhiệm của thẩm phán có thể sẽ được cải cách sâu rộng.
III. Trách nhiệm kỷ luật của thẩm phán
Trách nhiệm kỷ luật của thẩm phán được quy định tại Điều 43 quy chế thẩm phán theo đó, lỗi kỷ luật là "mọi vi phạm của thẩm phán đối với nghĩa vụ của Nhà nước, danh dự hoặc nhân phẩm".
Trong một thời gian dài trước đây, việc truy cứu trách nhiệm kỷ luật chỉ được tiến hành bởi Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhưng từ năm 2001, được mở rộng cho người đứng đầu tòa án phúc thẩm nơi thẩm phán liên quan đang công tác trong phạm vi thẩm quyền của tòa án đó.
Hội đồng thẩm phán tối cao không thể chủ động can thiệp trong bất kỳ trường hợp nào. Ban có thẩm quyền giải quyết yêu cầu được xác định tùy theo tư cách của thẩm phán (thẩm phán công tố hoặc thẩm phán xét xử). Trong bản ý kiến với Chính phủ (năm 2006), Tham chính viện nêu rõ ban có thẩm quyền là ban bảo vệ tốt nhất các quyền lợi của thẩm phán.
Phân biệt (trình bày miệng) thành phần và phạm vi quyết định xử phạt của ban có thẩm quyền (ban thẩm phán công tố và ban thẩm phán xét xử).
Phạm vi quyết định xử phạt từ khiển trách có ghi vào hồ sơ đến cách chức.
Về căn cứ xử phạt, nếu không thể căn cứ vào nội dung quyết định của thẩm phán để xử phạt thì thẩm phán có thể bị xử phạt về cách thức ra quyết định đó (chậm trễ, không xem xét đầy đủ, thái độ không vô tư): 70% quyết định xử phạt của Hội đồng thẩm phán tối cao được tuyên dựa trên các lý do này. Như vậy, quyết định xử phạt có thể được tuyên vì sự toàn vẹn hoặc hình ảnh của cơ quan tư pháp đã bị ảnh hưởng bởi thái độ đó của thẩm phán.
Hội đồng thẩm phán tối cao cho rằng, về nguyên tắc, ‘hành vi xử sự trong cuộc sống riêng tư của thẩm phán không thuộc phạm vi trách nhiệm kỷ luật’ (Hội đồng thẩm phán tối cao, ngày 28/03/1996). Tuy nhiên, nếu trong cuộc sống riêng tư, thẩm phán có hành vi xử sự phương hại đến “uy tín của mình, niềm tin của người dân, đồng nghiệp, cán bộ, nhân viên lục sự hoặc bổ trợ viên tư pháp” (Hội đồng thẩm phán tối cao, ngày 27/06/1996) thì không áp dụng nguyên tắc miễn trừ nêu trên nữa.
Kết quả điều tra được tiến hành năm 2004 bởi hạ nghị sỹ Marc Le Fur, người đã chất vấn toàn bộ các bộ, ngành của Nhà nước về số lượng quyết định xử phạt được tuyên trong từng lĩnh vực, cho thấy thẩm phán và cảnh sát là các lực lượng cán bộ, công chức nhà nước bị xử phạt nhiều nhất, tỷ lệ thuận với số lượng của họ.
Mặt khác, các biện pháp xử phạt này nặng hơn các biện pháp xử phạt được áp dụng trong các ngành công vụ khác: số lượng quyết định buộc thôi việc hoặc cách chức đối với thẩm phán nhiều gấp 4 lần so với các cán bộ, công chức nhà nước khác.
Từ năm 1990, Hội đồng thẩm phán tối cao đã tuyên gần 120 quyết định xử phạt. Các phiên xử lý kỷ luật của Hội đồng được tiến hành công khai.
Ngoài ra, thẩm phán là nghề duy nhất đã tiến hành giới thiệu trên mạng Internet toàn bộ các thủ tục xử lý kỷ luật đối với thẩm phán cũng như các quyết định xử lý kỷ luật đã được tuyên. Có thể tìm các thông tin này trên trang Web của Hội đồng thẩm phán tối cao (www.conseil-superieur-magistrature.fr)
Năm 2006, toàn bộ thẩm phán được phát một đĩa CD-Rom chứa toàn bộ các quyết định xử lý kỷ luật mà Hội đồng thẩm phán tối cao đã tuyên trong 05 năm trước đó.
Tuy nhiên, dường như nhà làm luật muốn đi xa hơn, một mặt nhằm mở rộng khái niệm lỗi kỷ luật, (nhưng việc mở rộng này tạm thời hiện nay bị Hội đồng bảo hiến phản đối), và mặt khác, giao cho Hội đồng thẩm phán tối cao nhiệm vụ xây dựng bộ quy tắc đạo đức nghề thẩm phán.
Tại thời điểm này, chưa thể khẳng định là nhà làm luật muốn xây dựng một tập hợp quy tắc thông thường hay là xây dựng một bộ pháp điển về quy tắc đạo đức nghề nghiệp, một điều mà toàn nghành rất phê phán.
SOURCE: HỘI THẢO QUỐC TẾ “PHÁP LUẬT VỀ BỒI THƯỜNG NHÀ NƯỚC. NHÀ PHÁP LUẬT VIỆT – PHÁP, Hà Nội, 10- 11/09/2007
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: 8. Tố tụng nước ngoài, Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, Xã hội, nhà nước và pháp luật nước ngoài |
Leave a Reply