admin@phapluatdansu.edu.vn

CÁC CHÍNH SÁCH VÀ CHƯƠNG TRÌNH DÂN SỐ TẠI NHẬT BẢN

GS. SHUNICHI INOUE – Trường Cao đẳng Khoa học và Nhân văn (Đại học Nihon, Tokyo)

Không giống như những quốc gia Đông Á khác, Chính phủ Nhật Bản không bảo trợ cho chương trình kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) trong suốt quá trình quá độ dân số, trừ một khoảng thời gian rất ngắn.

Theo kết quả điều tra khảo sát định kỳ của Ban Dân số Liên Hiệp Quốc về những chính sách và chương trình dân số được ban hành chính thức, hành động cụ thể duy nhất của Chính phủ Nhật Bản trong việc tác động đến các xu thế dân số là nỗ lực điều chỉnh phân bố dân cư theo vùng tại Nhật Bản (Ban Dân số Liên Hiệp Quốc, 1995). Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu suy luận rằng Chính phủ không quan tâm đến các vấn đề dân số hay không hoạch định chính sách dân số.

Cũng như các quốc gia khác, những đặc trưng dân số của Nhật Bản có quan hệ mật thiết với phát triển kinh tế, và Chính phủ đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển này. Vậy thì tại sao Chính phủ lại không bảo trợ cho chương trình KHHGĐ? Tại sao mức sinh lại giảm tại Nhật Bản trong khi thiếu một chương trình như vậy? Những biến động dân số đã tác động đến phát triển kinh tế như thế nào và Chính phủ có vai trò gì trong việc định hướng các xu thế dân số để đáp ứng các nhu cầu kinh tế?

Chương này tập trung kiểm điểm từng bước phát triển của các chính sách dân số Nhật Bản và các mối quan hệ tương tác giữa những chính sách này với phát triển kinh tế trong thời kỳ hiện đại hoá, đặc biệt là sau Đại chiến Thế giới thứ II.

Để xác định rõ, tác giả định nghĩa chính sách dân số là chính sách do Chính phủ tuyên bố nhằm chủ yếu tác động đến quy mô, cơ cấu dân số và phân bố dân cư, và chương trình dân số là những biện pháp hành chính và pháp luật được Chính phủ ban hành nhằm đạt được những mục tiêu chính sách đó.

Các chính sách dân số thường trực tiếp tác động đến mức sinh vì mức sinh ảnh hưởng mạnh mẽ đến tăng trưởng và cơ cấu dân số. Nói đúng ra, những chính sách nhằm cải thiện các điều kiện sức khoẻ của dân cư không được coi là chính sách dân số vì các mục tiêu y tế được xác định mà không tính đến những hệ quả dân số.

Tuy nhiên, các biện pháp y tế cũng gây nên những ảnh hưởng về mặt dân số (Y. Okazaki 1997, 9-10), và vì thế mà tác giả sẽ đề cập đến vần đề này trong nghiên cứu của mình. Các chính sách có định hướng tác động đến di cư nội địa và quốc tế là những chính sách dân số vì tác động trực tiếp đến phân bố dân cư, mặc dù các mục tiêu trước mắt của những chính sách này chủ yếu nhằm phục vụ các mục đích kinh tế và xã hội chứ không phải vì mục đích dân số.

Do vậy, nghiên cứu dưới đây được chia thành hai phần: các chính sách về tăng trưởng dân số và chính sách phân bố dân cư.

Chính sách dân số Nhật Bản trong thời kỳ hiện đại (từ giữa thế kỷ XIX) được thực hiện trong 4 giai đoạn liên tiếp, tương ứng với 4 xu thế dân số riêng biệt. Đó là (1) thời kỳ trước khi kết thúc Đại chiến Thế giới thứ II; (2) Thời kỳ bùng nổ dân số sau chiến tranh và tiếp theo là mức sinh giảm mạnh trong bối cảnh điều kiện kinh tế khó khăn; (3) Thời kỳ mức sinh thấp ổn định cùng với tăng trưởng kinh tế nhanh; và (4) Thời kỳ hiện nay, mức sinh không đủ thay thế và tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Thời kỳ trước khi kết thúc Đại chiến Thế giới thứ II

Sau hai thế kỷ cách ly mình với phần còn lại của thế giới, năm 1859, Nhật Bản mở cửa ba trong số các cảng biển của mình cho năm quốc gia: Hoa Kỳ, Nga, Anh Quốc, Hà Lan và Pháp. Sự tiếp cận với những thế lực bên ngoài rõ ràng đã tạo nên một cuộc tái cơ cấu toàn diện xã hội, đánh dấu bằng một cuộc cách mạng chính trị gọi là Phục hưng Meiji vào năm 1868.

Dưới sự lãnh đạo của Chính phủ mới, Nhật Bản bắt đầu xây dựng một quốc gia hiện đại và mạnh về quân sự nhằm bảo vệ đất nước khỏi sự xâm lấn tiềm tàng và ách thuộc địa từ các thế lực phương Tây. Tác giả không có ý định thảo luận về lịch sử của công cuộc hiện đại hoá và công nghiệp hoá của Nhật Bản, mà chỉ đơn thuần ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể và liên tục của dân số trong suốt thời kỳ này. Các số liệu khảo sát dân số do Nhà nước phong kiến Ado thực hiện từ thế kỷ XIX cho thấy dân số Nhật Bản hầu như trì trệ trong suốt thế kỷ XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX.

Năm 1872, Chính phủ Nhật Bản mới tiến hành cuộc tổng điều tra dân số và hộ gia đình trên quy mô toàn quốc, tổng dân số thường trú là 34,8 triệu người. Từ đó đến Đại chiến Thế giới thứ II, dân số Nhật Bản tăng lên hơn hai lần, đạt quy mô 71,9 triệu người vào năm 1940.

Sự tăng trưởng dân số này là do mức chết giảm và mức sinh tăng. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê chính thức, từ năm 1873 đến 1920 tỷ suất sinh thô và tỷ suất chết thô đều tăng: tỷ suất sinh thô tăng từ 23,1%o lên 36,2%o và tỷ suất chết thô tăng từ 18,9 %o lên 25,4%o.

Những xu hướng tăng này, đặc biệt là tỷ suất chết thô phần nào phản ánh sự cải thiện của hệ thống theo dõi báo cáo (Y. Okazaki 1987, 20-24). Nhưng thậm chí sau khi điều chỉnh số sinh và số chết chưa được báo cáo thống kê trước đó, mức sinh dường như vẫn tiếp tục tăng trong những năm đầu của thế kỷ XX. Kết quả là tỷ lệ tăng dân số hàng năm tăng mạnh từ 0,43 % năm 1873 lên 1,08% vào năm 1920 khi cuộc Tổng điều tra dân số hiện đại đầu tiên được thực hiện.

Bất chấp những khó khăn do gia tăng nhanh dân số tạo ra, Chính quyền Meiji vẫn muốn có nhiều dân để củng cố sức mạnh quân đội và kinh tế. Nhằm duy trì mức sinh cao, Chính phủ đã ban hành những quy định pháp lý cấm nạo phá thai và ngăn chặn tục lệ giết trẻ sơ sinh, một thực tế xảy ra phổ biến trong thời kỳ Edo. Ngoài ra, Chính phủ cũng cấm các hoạt động sản xuất và phân phối thuốc và dụng cụ tránh thai trong nỗ lực ngăn chặn kiểm soát sinh con.

Năm 1903, lần đầu tiên vấn đề kiểm soát sinh được thảo luận rộng rãi trong một cuốn sách mang tên Cải thiện Xã hội (Shakai Kaizo Ron), nhưng không thu hút được nhiều sự quan tâm của công chúng. Tuy nhiên, sau chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của Maragret Sanger vào năm 1922, vấn đề kiểm soát sinh đã trở thành đề tài được tranh luận rộng khắp.

Lúc đó một số tổ chức – trong đó có Tổ chức Nghiên cứu Kiểm soát sinh Nhật Bản (Nihon Sanjisengen Kenkyukai), do Isoo Abe và Keikichi thành lập, và Văn phòng Tư vấn Kiểm soát sinh (Sanji Sêign Sodanjo) do Umashima thành lập – bắt đầu tích cực ủng hộ vần đề kiểm soát sinh (A. Okazaki 1957, 38-39).

Năm 1927, khi Tổng cục Thống kê báo cáo rằng hàng năm dân số tăng trưởng đã vượt qua ngưỡng 1 triệu người, Chính phủ đã thành lập Hội đồng Điều tra các Vấn đề Dân số và Lương thực (Jinko Mondai Chosakai).

Hội đồng nhận định rằng với dân số có quy mô lớn hơn là một biểu hiện đáng khích lệ của quốc gia thịnh vượng và Hội đồng chỉ luận bàn những biện pháp tăng sản xuất lương thực để theo kịp tốc độ tăng trưởng dân số (A. Okazaki 1957, 31)

Viện các vấn đề Dân số, nay là Viện Nghiên cứu Quốc gia về An sinh Xã hội và Dân số, được thành lập năm 1939 dưới sự bảo trợ của Bộ Y tế và Phúc lợi với mục đích tương tự. Năm 1941, Chính phủ quyết định tăng cường nỗ lực gia tăng dân số và soạn thảo Hướng dẫn Hoạch định Chính sách Dân số (Jinko Seisaku Kakuritsu Yoko), bao gồm các biện pháp như ưu tiên khám chữa bệnh cho bà mẹ mang thai và phụ nữ nuôi con nhỏ, trợ cấp nuôi dưỡng trẻ em, và các lợi ích liên quan đến thuế cho các gia đình đông con (A. Okazaki 1957, 32,39 Takeuchi 1996, 123; Y. Okazaki 1997, 91-93).

Những nỗ lực của Chính phủ nhằm khuyến khích quy mô gia đình lớn hơn, đặc biệt trong Đại chiến thế giới thứ II, chỉ thành công phần nào và thực tế không ngăn cản được sự suy giảm mức sinh kéo dài, bắt đầu vào khoảng năm 1920 (Oobuchi và Morioka 1981 189-94).

Tỷ suất sinh thô giảm từ 36,2 %o năm 1920 xuống còn 29,4%o vào năm 1940. Sau đó, dường như đáp lại các biện pháp khuyến sinh của Chính phủ, tỷ suất sinh thô tăng nhẹ lên khoảng 30%o trong những năm 1940 – 1943, sau đó lại giảm xuống dưới mức 30%o khi chiến tranh đi đến đoạn kết vào năm 1945. Trong những năm 1944-46, không có bất cứ một số liệu chính thức nào về số trẻ em sinh ra.

Với điểm xuất phát vào giữa thế kỷ XIX, dân số tăng trưởng tương đối chậm, trong vòng sáu thập niên từ 1870 đến cuối những năm 1920 dân số tăng tự nhiên bắt đầu lấy đà tăng dần và đạt đỉnh điểm vào những năm cuối của thập niên 20 với tỷ lệ gia tăng hàng năm khoảng 1,5%.

Sau đó, tỷ lệ gia tăng dân số bắt đầu chậm lại, giảm dưới mức 1% vào cuối thập niên 30. Rõ ràng trong thời kỳ này, chính sách khuyến sinh của Chính phủ không thành công trong việc ngăn cản mong muốn của các cặp vợ chồng Nhật Bản đối với gia đình quy mô nhỏ. Mong muốn này hình thành một phần do đô thị hoá và khu vực kinh tế hiện đại ngày một phát triển.

Trong những năm từ 1920 – 1940, tỷ lệ lực lượng lao động trong các ngành nông nghiệp và công nghiệp chủ chốt đã giảm từ 54% xuống còn 25%, và tỷ lệ dân số sống tại các khu vực thành thị đã tăng từ 18% lên đến 38% (Japan BOS 1975, Bảng 3. 32).

Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng hệ thống giáo dục phổ thông bắt buộc của Nhật Bản bắt đầu có hiệu lực theo quy định của Luật Hệ thống Giáo dục (Gaku Sei) vào năm 1872, đã phát triển thành một hệ thống giáo dục bắt buộc 6 năm vào năm 1907.

Trong những năm 1920, khi tăng trưởng dân số bắt đầu chậm lại, nạn mù chữ trong dân số lớn tuổi hầu như đã được xoá bỏ trừ một số bộ phận người già. Không còn nghi ngờ gì, phổ cập giáo dục toàn dân có quan hệ mật thiết với hành vi sinh sản hiện đại trở nên phổ biến, đóng góp cho xu thế gia đình ít con.

Chính vì thế, giai đoạn thứ hai của quá độ dân số tại Nhật Bản, trong giai đoạn này mức sinh giảm xuống mức thay thế, bắt đầu từ những năm 1920 và mất xấp xỉ 30 năm để hoàn thành. Nhìn lại quá khứ, dường như tỷ lệ gia tăng dân số bất thường chỉ xảy ra trong Đại chiến thế giới thứ II và ngay sau khi chiến tranh kết thúc.

Đó chỉ là bất ổn tạm thời, chứ không phải là một sự đảo ngược của quá trình chuyển đổi mức sinh bền vững.

Bùng nổ dân số sau chiến tranh và giai đoạn 1945 – 1955

Khi Đại chiến Thế giới thứ II chấm dứt, một Nhật Bản thất bại phải đối mặt với nền kinh tế kiệt quệ, trong một lãnh thổ nhỏ và quá đông dân. Hầu hết các nhà máy và máy móc của Nhật Bản đã bị phá hủy trong những cuộc tấn công của lực lượng đồng minh; những tài sản còn lại được sử dụng như những đền bù thiệt hại chiến tranh của Nhật Bản.

Hàng triệu cựu chiến binh và người dân bắt đầu từ nước ngoài trở về Nhật Bản. Chỉ trong năm 1946 và 1947, số người Nhật Bản hồi hương được ước tính vào khoảng 4,5 triệu người. Những người hồi hương, chủ yếu là nam giới, được đoàn tụ với vợ hoặc lấy vợ. Bùng nổ kết hôn dẫn đến bùng nổ số trẻ em chào đời diễn ra liên tục trong một số năm.

Năm 1951, tỷ lệ sinh tăng trở lại ở mức trước chiến tranh. Trong suốt thời kỳ bùng nổ dân số này, tỷ suất sinh thô đạt 34,4%o vào năm 1947 và duy trì trên 30%o trong một số năm. Vừa tăng số người hồi hương vừa bùng nổ dân số tạo nên một làn sóng gia tăng dân số, đạt mức tăng trưởng 5% vào năm 1946 và sau đó bắt đầu suy giảm – 3,1% vào năm 1947 và 2,4% năm 1948, và 2,2% vào năm 1949.

Tốc độ tăng trưởng dân số Nhật Bản là chưa có tiền lệ và làm ngạc nhiên nhiều người, bao gồm cả những chính trị gia và các nhà kinh tế học có uy tín. Đột nhiên, quá tải dân số được nhìn nhận như một mối đe doạ và rất nhiều người đã lên tiếng cảnh báo (A. Okazaki 1957, 171-74).

Thời kỳ này cũng chứng kiến những cải thiện về y tế công do những hoạt động của các trung tâm y tế công của Nhật Bản và những tiến bộ về thuốc men.

Tỷ suất chết thô giảm từ 14,6%o năm 1947 xuống còn 7,8%o trong năm 1955. Mức chết giảm tạo điều kiện cho gia tăng nhanh dân số. Từ năm 1945 – 1951, lực lượng đồng minh đóng quân và cai quản Nhật Bản; quyền lực và các giá trị tinh thần đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến người dân Nhật Bản, khiến quốc gia này chuyển từ chế độ quân chủ sang chế độ dân chủ.

Năm 1949, Tổng tư lệnh liên quân mời hai chuyên gia dân số người Mỹ là Warren S. Thompson và Pascal K. Whelpton đến Nhật Bản. Cả hai chuyên gia này đều cảnh báo Nhật Bản về hiểm hoạ gia tăng nhanh dân số, ủng hộ việc áp dụng các biện pháp tránh thai để kiểm soát dân số.

Khi những ý kiến của họ được đăng trên các báo tại Nhật Bản, họ đã phải đối mặt với những phe đối lập, những người đại diện cho Nhà thờ Thiên chúa giáo, bao gồm cả các giáo sỹ của khu vực Tokyo Yokohama và Câu lạc bộ Phụ nữ Thiên chúa giáo Liên quân tại Tokyo.

Đối mặt với những phản đối này, Tổng tư lệnh Liên quân thông báo rằng quan điểm của Warren S. Thompson và Pascal K. Whelpton là những ý kiến của chuyên gia và rằng Liên quân trung lập trong vấn đề kiểm soát sinh. Vấn đề kiểm soát sinh là do người dân Nhật Bản tự quyết định.

Tuy nhiên, quan điểm của hai chuyên gia dân số nước ngoài dường như cũng tác động đến nhiều người dân Nhật Bản. Trong vòng vài năm tiếp theo, ít nhất 16 tổ chức và nhóm được thành lập để ủng hộ kiểm soát sinh. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai bắt đầu tăng mạnh (Matsumura 1977, 167-78).

Chính phủ Nhật Bản, vốn dĩ đã không ủng hộ cuộc vận động kiểm soát dân số, vẫn giữ quan điểm rằng việc sử dụng các biện pháp tránh thai là quyền tựn quyết của mỗi người dân. Nhưng vào năm 1947, Chính phủ đã thay đổi Luật Dược (Yakuji Ho) cho phép các công ty tư nhân sản xuất và phân phối các loại phương tiện tránh thai.

Tháng 5/1949, Chính phủ cũng thành lập Hội đồng các Vấn đề Dân số (Jinko Mondai Shingikai) và Hội đồng này trình lên nghị quyết đầu tiên về chính sách dân số cơ bản vào tháng 11 năm 1949. Trong các đề xuất của mình, Hội đồng đề nghị củng cố hoạt động của các trung tâm y tế công và các văn phòng tư vấn hôn nhân, cũng như phân phối miễn phí phương tiện tránh thai và thuốc tránh thai.

Năm 1954, Hội đồng trình lên Bộ Y tế và Phúc lợi một nghị quyết ủng hộ việc kiểm soát quy mô dân số quốc gia, và vào năm 1955 Hội đồng ủng hộ việc giảm gia tăng dân số tới mức đất nước có thể tự túc được (Mainichi Shimbun Sha 1992, 345-46).

Tháng 10/1951, Nội các Nhật Bản quyết định thúc đẩy kiểm soát sinh, và vào tháng 6/1952, Bộ Y tế và Phúc lợi thông qua Hướng dẫn khuyến khích kiểm soát sinh. Trong những năm tiếp theo, Viện các Vấn đề Dân số và Viện Y tế Công Quốc gia trực thuộc Bộ Y tế (Koshu Eisei In) bắt đầu thúc đẩy kiểm soát sinh tại các “quận thí điểm mô hình”.

Theo ghi nhận của báo chí trong năm 1955, Bộ Y tế và Phúc lợi tiến hành mở rộng các hoạt động khuyến khích kiểm soát sinh, đảm bảo hỗ trợ khoản lớn từ ngân sách trung ương và các chính quyền địa phương cho mục đích này.

Tuy nhiên, sự tham gia của Chính phủ trong các hoạt động kiểm soát sinh không kéo dài quá lâu do các tổ chức tư nhân và bản thân các cặp vợ chồng đã gánh vác trách nhiệm KHHGĐ (Minami 1972, 67-70). Năm 1952, Sanger thăm lại Nhật Bản và ủng hộ mạnh mẽ việc tạo điều kiện để các biện pháp kiểm soát sinh sẵn có cho tất cả những ai muốn thực hiện KHHGĐ.

Chuyến thăm của bà giúp tạo nên một sự hỗ trợ nhất định trong những chuyển biến về kiểm soát sinh của Nhật Bản. Các tờ báo đăng quảng cáo về các loại phương tiện tránh thai hầu như ra hàng ngày, và nhiều các loại sách, tờ rơi được xuất bản, mô tả quá trình tái sinh sản ở người và các kỹ thuật tránh thai cụ thể.

Theo kết quả khảo sát của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế và Phúc lợi), việc cung cấp các sản phẩm tránh thai như viên uống tránh thai, viên đặt, kem, bao cao su, vòng tránh thai, băng vệ sinh và các sản phẩm vệ sinh gia tăng rất nhanh, với tổng giá trị đạt khoảng 400 triệu Yên vào năm 1953 (A. Okazaki 1952, 184-88).

Theo kết quả khảo sát của Viện các Vấn đề Dân số, với cơn sốt kiểm soát sinh lan rộng, tỷ lệ các cặp vợ chồng thành thị trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai tăng từ 25% lên 28% chỉ trong vòng ba năm (1950 – 1952), và tỷ lệ này ở các cặp vợ chồng nông thôn thậm chí còn cao hơn, từ 12 đến 18% trong cùng thời kỳ.

Sự phổ biến các biện pháp tránh thai ở người Nhật không ngừng gia tăng. Theo các khảo sát định kỳ do Báo Mainichi thực hiện năm 1950, tỷ lệ phụ nữ Nhật Bản đang sử dụng hoặc đã sử dụng các biện pháp tránh thai tăng từ 29% trong năm 1950 lên 52% năm 1955, và lên đến 68% vào năm 1961 (Mainichi Shinbun Sha 1992, 54).

Biện pháp tránh thai phổ biến nhất là bao cao su, đạt tỷ lệ hơn 50% số người sử dụng kể từ năm 1952 và thậm chí đạt mức 80% vào năm 1980. Biện pháp phổ biến thứ hai trong suốt thập niên 50 và 60 là biện pháp tính chu kỳ kinh nguyệt, khoảng 30-40% người chấp nhận thực hiện KHHGĐ sử dụng biện pháp này.

Tuy nhiên, tỷ lệ thất bại cũng khá cao và rất nhiều người trong số họ phải tìm kiếm giải pháp nạo phá thai. Nạo phá thai được coi là hợp pháp tại Nhật Bản từ năm 1948 (Mainichi Shinbun Sha 1992, 54).

Vào năm 1917, các chính trị gia và các học giả Nhật Bản bày tỏ sự quan tâm về sự di truyền các bệnh thần kinh. Vào năm 1938, Bộ Y tế và Phúc lợi thành lập Uỷ ban Ưu sinh để xử lý các vấn đề ưu sinh. Hai năm sau, Chính phủ ban hành Luật Ưu sinh Quốc gia (Kokumin Yusei-ho), cho phép các bác sĩ thực hiện triệt sản “ưu sinh” theo nguyện vọng của bệnh nhân. Tuy nhiên, số ca phẫu thuật là không nhiều, chưa bao giờ vượt quá mức 200 ca một năm trong suốt thời kỳ.

Quy định này không nhằm mục đích tác động đến tăng trưởng dân số và cũng không liên quan đến chính sách dân số (A. Okazaki 1957, 195-99). Tháng 7/1948, Luật Bảo vệ Ưu sinh được thông qua thay thế Luật Ưu sinh Quốc gia cũ. Luật mới có hai đặc trưng cơ bản: Cho phép chỉ định triệt sản nhằm mục đích ưu sinh với những điều kiện cụ thể, và cho phép nạo phá thai vì mục đích ưu sinh cũng như bảo vệ cuộc sống và sức khoẻ của người mẹ.

Theo luật mới (hiện nay vẫn còn hiệu lực), nếu người mẹ có tiền sử bệnh lý, hoặc người mẹ mang thai do bị hãm hiếp, hoặc nếu có vấn đề về sức khoẻ hay kinh tế khó khăn, thì những yếu tố này được coi là nguy cơ gây hại cho cuộc sống và sức khoẻ của người mẹ. Nói khác đi, trong điều kiện đó phụ nữ mang thai có thể thực hiện nạo phá thai hợp pháp vì nếu không, việc mang thai sẽ đe doạ sức khỏe và tình trạng kinh tế của người mẹ.

Những quy định mở này cho phép các bác sĩ thực hiện các ca phá thai bất cứ khi nào sản phụ yêu cầu, bất kể lý do (A. Okazaki 1957, 199-203). Rất khó có thể coi quy định này được thông qua chỉ đơn thuần với mục đích ưu sinh; nó trở nên một biện pháp pháp lý hữu hiệu nhằm xoá bỏ những ca mang thai ngoài ý muốn. Như vậy, nó nhanh chóng kiểm soát được việc gia tăng nhanh dân số.

Sau khi ban hành Luật này, số ca nạo phá thai được báo cáo tăng từ 102.000 vào năm 1949 lên đến 1.170.000 vào năm 1955. Và còn rất nhiều ca không được báo cáo. Năm 1955, tỷ lệ nạo phá thai được báo cáo so với số ca sinh là 68% (IIP 1996, 66).

Do những thất bại phổ biến trong việc sử dụng các biện pháp tránh thai trong những năm đầu, rất nhiều phụ nữ thực hiện nạo phá thai như giải pháp đơn giản chấm dứt mang thai ngoài ý muốn. Một vài cặp vợ chồng thậm chí còn không buồn sử dụng các biện pháp tránh thai, thay vào đó dựa vào nạo phá thai để hạn chế quy mô gia đình.

Những con số lớn về nạo phá thai, kể cả được báo cáo và không được báo cáo cho thấy rằng biện pháp kiểm soát sinh này là nguyên nhân chính làm suy giảm nhanh mức sinh tại Nhật Bản vào đầu thập niên 50.

Báo cáo Kinh tế thường niên năm 1956 của Chính phủ (Keizai Hakusho) thông báo rằng thời kỳ tái thiết sau chiến tranh đã kết thúc khi thu nhập đầu người đã đạt mức trước chiến tranh vào năm 1955. Trong suốt hai thập niên sau thông báo này, Nhật Bản trải qua một thời kỳ tăng trưởng kinh tế đáng ghi nhận.

Tổng thu nhập bình quân đầu người đạt mức như tại nhiều quốc gia châu Âu. Sản lượng công nghiệp tăng nhanh chóng, và một cuộc chuyển đổi khổng lồ lực lượng lao động nông nghiệp sang công nghiệp đã xảy ra nhằm đáp ứng các nhu cầu lao động công nghiệp. Những thay đổi này đã tạo nên một dịch chuyển dân số lớn từ nông thôn đến các khu vực thành thị.

Trong những năm này, nhu cầu lao động cho mở rộng các ngành công nghiệp sản xuất là rất lớn và đã được đáp ứng nhờ dân số trong độ tuổi sinh đẻ tăng nhanh (đó là đoàn hệ sinh ra từ trước chiến tranh và do tăng bù sau chiến tranh với những mức sinh khá cao).

Tỷ lệ tăng hàng năm ở nhóm dân số trong độ tuổi sinh đẻ (15 – 49) là khoảng 2% trong những năm 50 và duy trì trên 1% trong những năm 60. Do mức sinh đã giảm ổn định, khoảng cách giữa tỷ lệ tăng trưởng dân số (người tiêu thụ) và dân số ở độ tuổi sinh đẻ (người sản xuất) đã được nới rộng đáng kể. Điều này tạo nên cái gọi là dư lợi dân số hay còn gọi là cơ cấu dân số vàng khi số người lao động tăng nhanh hơn rất nhiều so với số người tiêu thụ.

Đặc trưng của thời kỳ này là mức sinh ổn định. Trong giai đoạn 1955 – 1975, tỷ suất sinh thuần (số con gái trung bình của một phụ nữ sinh ra đủ thay thế họ) được duy trì ở mức sinh thay thế (từ 0,9 đến 1,06; chỉ số sai lệch không đáng kể).

Mức sinh giảm mạnh trong năm 1966 là một ngoại lệ, khi tỷ suất sinh thuần giảm xuống mức 0,73. Đó là năm Hinoeuma, năm Ngựa bạch theo lịch âm của Trung Quốc. Theo mê tín truyền thống của Trung Quốc, con gái sinh vào năm này sẽ sát chồng. Rất nhiều các cặp vợ chồng Nhật Bản tránh sinh con vào năm này nhằm ngăn chặn những khó khăn về cưới xin trong tương lai cho con gái.

Trong suốt thời kỳ mức sinh ổn định này, các biện pháp tránh thai được thực hiện rộng rãi hơn. Theo kết quả khảo sát của Mainichi Shinbun, tỷ lệ phụ nữ có chồng dưới 50 tuổi đang sử dụng các biện pháp tránh thai tăng từ 33,6% lên 60,5% trong giai đoạn 1955-75.

Nếu cộng thêm cả những người đã từng một lần sử dụng các biện pháp tránh thai, tỷ lệ này tăng từ 52,5% lên đến 81,5% (Mainichi Shinbun Sha 1992, 4). Kết quả là Chính phủ dừng việc coi KHHGĐ như một vấn đề chính sách dân số và bắt đầu chuyển ngân sách đầu tư cho chương trình KHHGĐ sang cho y tế và phúc lợi xã hội của người dân. Năm 1959, Bộ Y tế và Phúc lợi chuyển các nhiệm vụ liên quan đến KHHGĐ cho Vụ Bảo vệ Bà Mẹ và Trẻ em.

Ban đầu lượng lao động di cư từ nông thôn đến thành thị và lượng dân số trẻ của thời kỳ bùng nổ dân số sau chiến tranh đáp ứng được các nhu cầu lao động công nghiệp. Nhưng đến cuối thời kỳ này bắt đầu xuất hiện hiện tượng thiếu lao động trong các ngành công nghiệp xây dựng và sản xuất quy mô nhỏ, nơi mà công việc thường được coi là vất vả và nguy hiểm. Các nhà kinh tế học đã cảnh báo về khả năng thiếu lao động (Oobuchi 1992, 135-51) và rất nhiều lãnh đạo kinh tế yêu cầu Chính phủ thông qua chính sách khuyến sinh và cấp thị thực cho các công nhân nước ngoài không có tay nghề.

Trước Hội nghị Dân số Thế giới lần đầu tiên được tổ chức tại Bucharest năm 1977, các vấn đề dân số Nhật Bản được các chuyên gia dân số thảo luận tại Hội đồng các Vấn đề Dân số. Hội đồng đã nhận thấy sự gia tăng dân số toàn cầu và kiến nghị Nhật Bản thông qua chính sách nhằm ổn định dân số trong tương lai (Matsumura 1977, 176). Đề xuất này, cùng với tác động của suy giảm kinh tế trong nửa cuối những năm 70 đã khởi nguồn cho những tranh cãi về khuyến sinh của Nhật Bản.

Thời kỳ tiếp tục giảm mức sinh, từ 1975 đến nay

Sau cuộc khủng hoảng dầu lửa 1973 – 1980, kinh tế Nhật Bản không còn tăng trưởng nhanh, bất chấp những đổi mới trong công nghiệp và những nỗ lực không mệt mỏi của công nhân. Mức tăng GDP hàng năm giảm hơn 1,5 lần so với trước khủng hoảng.

Bỗng nhiên, tình hình trở nên khó khăn cho lớp trẻ trong việc vay tiền để lo đám cưới và các nhu cầu về nhà ở. Cùng thời gian này, sự tham gia của nữ giới tại các trường đại học và cao đẳng gia tăng, đạt 32% vào năm 1975 và tiếp tục tăng những năm sau đó.

Lượng học sinh nữ tại các trường trung học phổ thông vượt trội so với học sinh nam vào năm 1989 và đạt 48% vào năm 1995. Xu hướng này gắn với xu hướng lực lượng lao động nữ ngày càng tăng. Theo kết quả tổng điều tra dân số năm 1955, 74% phụ nữ ở nhóm tuổi 20-24 và hơn 50% độ tuổi 20-60 tham gia lực lượng lao động (IPP 1966, 133,144).

Có lẽ tất cả những nhân tố này đã tạo nên xu hướng lập gia đình muộn và tiếp theo là giảm mức sinh. Tỷ lệ phụ nữ chưa từng lập gia đình ở nhóm tuổi 25- 29 tăng từ 21% năm 1975 lên 49% vào năm 1995. Mặc dù quy mô gia đình mong muốn của các cặp vợ chồng không thay đổi ở mức hai con, tỷ lệ gia tăng người độc thân tiếp tục làm đình trệ mức sinh.

Không giống như các nước phương Tây, chung sống với nhau khi chưa cưới không phải là hiện tượng phổ biến ở Nhật Bản và phụ nữ độc thân sinh con cũng rất hiếm. Số ca sinh con ngoài giá thú vào năm 1994 là dưới 15.000, hay 1,2% trên tổng số ca sinh (IPP 1996,65). Kết quả là tổng tỷ suất sinh, trước năm 1974 duy trì ở mức trên 2,0 đã giảm xuống dưới mức 2,0 vào năm 1975 và vẫn tiếp tục giảm, đạt 1,76 vào năm 1985 và 1,43 vào năm 1996.

Mức sinh rất thấp này gây sự quan tâm đặc biệt từ phía các quan chức Chính phủ và công chúng. Những quan ngại chủ yếu tập trung vào vấn đề dân số già và tác động của nó đến những chi tiêu phúc lợi công cộng trong tương lai.

Hơn nữa, đáng lẽ phải quan tâm nhiều hơn đến khả năng thiếu lao động ngay từ khi tổng tỷ suất sinh của Nhật Bản chưa giảm xuống dưới mức sinh thay thế; suy thoái kinh tế khởi phát vào năm 1991 đã khiến cho mức sinh tiếp tục giảm xuống dưới mức thay thế, tạo nên một làn sóng dịch chuyển các ngành công nghiệp Nhật Bản sang các nước đang phát triển.

Như tác giả được biết, khi đó chỉ có duy nhất một tờ báo thúc giục Chính phủ quan tâm nhiều hơn đến mức sinh như một phương cách giải quyết vấn đề dân số già. Chính phủ đã quyết định không can thiệp đến cuộc sống riêng của người dân và chính sách dân số tiếp tục là chính sách tự do.

Chỉ trong những chính sách xã hội để cải thiện điều kiện cho phụ nữ và các gia đình, Chính phủ mới bắt đầu áp dụng các biện pháp khuyến sinh như nghỉ đẻ, xây dựng nhà trẻ, tăng trợ cấp cho trẻ em và tạo điều kiện cho phụ nữ quay trở lại nơi làm việc sau khi sinh con (Y.Okazak 1997, 131-36).


SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ DỰ THẢO ONLINE CỦA QUỐC HỘI – duthaoonline.quochoi.vn

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading