TS. PHẠM ĐỖ NHẬT TÂN
1. Văn bản pháp luật quy định về bảo hiểm xã hội cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Các quy định trong các Luật hiện hành liên quan tới việc điều chỉnh người lao động nước ngoài tham gia BHXH cho thấy:
Bảo hiểm y tế
Căn cứ theo khoản 2 Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, quy định như sau: “Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có liên quan đến BHYT”. Bên cạnh đó, căn cứ điểm a khoản 1 Điều 12 quy định: “1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, bao gồm:
Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động)”. Theo đó, pháp luật về BHYT không có sự phân biệt đối với người lao động là công dân Việt Nam hay người lao động là công dân nước ngoài. Tức là người lao động nước ngoài cũng thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật BHYT hiện hành và phải tham gia BHYT nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng có thời hạn từ 03 tháng trở lên.
Mặt khác tại khoản 1 Điều 2- Giải thích từ ngữ có nêu: “BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện” Như vậy, có thể khẳng định rằng người lao động nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên tại Việt Nam phải tham gia BHYT bắt buộc.
Phương thức đóng có thể là 06 tháng hoặc 01 năm một lần và dựa trên tiền lương, tiền công ghi trên hợp đồng lao động. Nếu mức tiền lương đó cao hơn 20 tháng lương tối thiểu chung thì mức tiền lương tháng tối đa đóng BHYT bằng 20 tháng lương tối cơ sở (mức lương cơ sở hiện hành là 1.300.000 đồng/tháng). Theo đó mức lương tối đa làm căn cứ đóng BHYT hiện hành là 1.300.000 x 20 = 26.000.000 đồng. Quy định trên cũng đã được thể hiện tại các văn bản hướng dẫn như sau:
Kể từ 01/10/2009, người lao động là người nước ngoài (sau đây gọi tắt là NLĐNN) làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp (gọi chung là đơn vị) là đối tượng có trách nhiệm đóng BHYT.
– Mức đóng BHYT cho NLĐNN là 3% tiền lương, tiền công tháng, trong đó người sử dụng lao động đóng 2%, người lao động đóng 1%.
Kể từ ngày 01/01/2010, mức đóng BHYT là 4,5% tiền lương, tiền công, trong đó người sử dụng lao động đóng 3%, người lao động đóng 1,5%.
– Tiền lương, tiền công đóng BHYT là mức tiền lương, tiền công tháng ghi trên hợp đồng lao động. Trường hợp mức tiền lương, tiền công này cao hơn hai mươi tháng lương cơ sở thì mức tiền lương, tiền công tháng đóng BHYT bằng 20 tháng lương cơ sở.
– Người lao động nước ngoài có tiền lương, tiền công ghi trên hợp đồng lao động bằng ngoại tệ thì tiền lương, tiền công tháng đóng BHYT được tính bằng đồng Việt Nam trên cơ sở tính tiền lương, tiền công bằng ngoại tệ được chuyển đổi sang đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên Ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm ngày 02/01 cho 06 tháng đầu năm và ngày 01/7 cho 06 tháng cuối năm. Trường hợp trùng vào ngày nghỉ mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa công bố thì được lấy tỷ giá của ngày tiếp theo liền kề.
– Người sử dụng lao động và NLĐNN đóng BHYT theo phương thức 06 tháng hoặc 01 năm một lần, theo chu kỳ gia hạn thẻ BHYT của những người lao động khác trong đơn vị.
Các chế độ hưởng, mức hưởng, thủ tục tham gia và giải quyết hưởng BHYT đã được quy định rõ trong Luật cũng như văn bản hướng dẫn Luật mà cụ thể là Nghị định số 105/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/11/2014 về quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật BHYT.
Bảo hiểm thất nghiệp
Tại Điều 2 Luật Việc làm năm 2013 quy định đối tượng áp dụng của Luật là người lao động, người sử dụng lao động và cơ quan tổ chức, cá nhân khác có liên quan tới việc làm. Tại Điều 43. Đối tượng tham gia BHTN, quy định: (1) Người lao động phải tham gia BHTN khi làm việc theo HĐLĐ hoặc HĐLV như sau: (a) HĐLĐ hoặc HĐLV không xác định thời hạn; (b) HĐLĐ hoặc HĐLV xác định thời hạn; (c) HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng. Và tại khoản 3 đề cập tới người sử dụng lao động trong đó có bao gồm cơ quan tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 3 có quy định: Người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc.
Như vậy với các quy định trên của Luật Việc làm thì người lao động nước ngoài sẽ không tham gia BHTN song người sử dụng lao động nước ngoài vẫn là đối tượng điều chỉnh của BHTN với mức đóng được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 57, theo đó Người sử dụng lao động đóng 1% Quỹ lương tháng của những người lao động đang tham gia BHTN.
Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Tại khoản 4 Điều 2. Đối tượng áp dụng, Luật An toàn, Vệ sinh lao động năm 2015 có quy định: “Người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng; người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là đối tượng áp dụng của Luật này”. Theo đó, người lao động nước ngoài là đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 43 và họ không phải đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN mà chỉ có chủ sử dụng lao động phải đóng vào quỹ này theo quy định tại khoản 1 Điều 44. Và được quy định cụ thể tại Điều 3 của Nghị định số 44/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 về Quy định mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ-BNN.
Về điều kiện hưởng, các chế độ và mức thụ hưởng TNLĐ, BNN của người lao động được quy định cụ thể tại Mục 3. Chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN của Luật An toàn, Vệ sinh lao động nêu trên. Hiện nay Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 về Quy định chi tiết và hướng dẫn một số Điều của Luật An toàn, Vệ sinh lao động. Theo đó, đối tượng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng là đối tượng điều chỉnh của Nghị định. Đồng thời ngày 15/5/2016 Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 37/2016/NĐ-CP về Quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật An toàn, Vệ sinh lao động về Bảo hiểm TNLĐ, BNN, theo đó người lao động nước ngoài chưa được điều chỉnh trong Nghị định này.
Như vậy người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là đối tượng tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN song không phải đóng vào Quỹ, tuy nhiên chủ sử dụng lao động là người nước ngoài có trách nhiệm đóng vào Quỹ này theo Luật định và tại thời điểm này chưa có văn bản hướng dẫn chế độ bảo hiểm này đối với họ.
Bảo hiểm xã hội bắt buộc
Tại khoản 2 Điều 2. Đối tượng áp dụng, Luật BHXH năm 2014 quy định: Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính Phủ. Và tại khoản 1 Điều 124. Hiệu lực thi hành, thì BHXH bắt buộc đối với đối tượng này được áp dụng kể từ ngày 01/01/2018.
Vấn đề đặt ra các chế độ BHXH bắt buộc đối với người lao động nước ngoài bao gồm các chế độ gì và phương thức thực hiện như thế nào là do Chính phủ quy định. Hiện nay Chính phủ chưa ban hành văn bản pháp luật thực hiện nội dung trên.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện
Tại khoản 4 Điều 2. Đối tượng áp dụng, Luật BHXH 2014 có nêu rõ: “Người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này”, như vậy người lao động nước ngoài không thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Tóm lại, những người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được tham gia một số chế độ BHXH và được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật sau: BHYT bắt buộc, được điều chỉnh bởi Luật BHYT áp dụng từ ngày 01/01/2009; Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, điều chỉnh bởi Luật An toàn và Vệ sinh lao động, áp dụng từ năm tháng 7/2016; BHXH bắt buộc, điều chỉnh bởi Luật BHXH, áp dụng từ ngày 01/01/2018.
2. Bảo hiểm xã hội đối với lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
Để có cơ sở cho việc xây dựng văn bản pháp luật về chính sách BHXH cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, cần thiết nghiên cứu các chính sách, chế độ BHXH đối với người lao động nước ngoài trong đó có lao động Việt Nam làm việc tại một số thị trường có quy mô tiếp nhận lao động lớn. Sẽ là tham khảo hữu ích khi nghiên cứu BHXH đối với người lao động làm việc ở nước ngoài trong đó có lao động Việt Nam đang làm việc tại Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Đối với lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan
Việt Nam đưa lao động làm việc tại Đài Loan bắt đầu từ tháng 11/1999. Quy mô lao động của các nước cung ứng vào Đài Loan kể từ năm 1999 đến nay khoảng trên 600.000 lượt lao động trong đó lao động Việt Nam có khoảng trên 170.000 lượt lao động chiếm 28% thị phần lao động nước ngoài, đứng thứ 22 sau Indonesia về quy mô lao động làm việc tại Đài Loan.
Theo quy định của Đài Loan, mọi lao động nước ngoài đều phải tham gia BHXH bắt buộc. Riêng lao động giúp việc gia đình, chăm sóc người bệnh tại nhà không bắt buộc tham gia bảo hiểm lao động nhưng bắt buộc phải tham gia BHYT.
Đối với lao động nước ngoài, Đài Loan quy định người lao động tham gia hai chế độ BHXH bắt buộc, đó là:
BHYT xã hội, mức thu được tính bằng công thức sau: Tiền lương cơ bản * 4,91%.
Mức tiền lương cơ bản (thời điểm 1/7/2015) là 20.008 Đài tệ/tháng (tương đương khoảng 14 triệu đồng Việt Nam), tổng mức đóng BHYT sẽ là: 982 Đài tệ/tháng. Trong đó tỷ lệ mức đóng của các bên là: chủ sử dụng 60%, người lao động 30% và Chính phủ hỗ trợ 10%, nên mức đóng hàng tháng của người lao động nước ngoài là:
(20.008 Đài tệ x 4,91% x 30%) = 295 Đài tệ/tháng
(Tỷ giá tháng 5/2016: 1 Đài tệ = 696,45 VNĐ , mức đóng BHYT của người lao động khoảng 205.452 đồng VN)
Mức đóng BHYT trên áp dụng cho cả đối tượng lao động giúp việc trong các gia đình.
Bảo hiểm lao động, mức thu được tính bằng công thức Tiền lương cơ bản * 9%.
Trong đó tỷ lệ đóng của các bên là: chủ sử dụng 70%, người lao động 20% và Chính phủ hỗ trợ 10%, nên mức đóng hàng tháng của người lao động nước ngoài là:
(20.008 Đài tệ x 9% x 20%) = 360 Đài tệ/tháng (khoảng 251.000 đồng /tháng)
Mức đóng hàng tháng BHYT và BHLĐ phụ thuộc vào tiền lương cơ bản và tỷ lệ mức đóng được quy định trong văn bản pháp luật BHXH.
Như vậy, người lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan chỉ tham gia BHXH bắt buộc ngắn hạn đó là BHLĐ và BHYT với mức đóng xác định theo tiền lương cơ bản tháng. Trong đó, BHLĐ không bắt buộc đối với người lao động giúp việc gia đình và chăm sóc người bệnh tại nhà. Hiện tại, mức đóng hàng tháng của 2 chế độ này là 13,91% được tính trên nền mức lương cơ bản tháng trong đó người sử dụng đóng 9,246% chiếm 66,5% mức đóng, người lao động đóng 3,273%, chiếm 23,5% mức đóng và Chính phủ Đài Loan hỗ trợ 1,391% chiếm 10% mức đóng tháng.
Đôi với người lao động Việt Nam làm việc tại Malaysia
Việt Nam đưa lao động làm việc tại Malaysia bắt đầu từ năm 2002. Số lượng lao động Việt Nam làm việc tại Malaysia kể từ năm 2002 đến nay khoảng trên 230.000 lượt lao động, bình quân mỗi năm có khoảng 15.000 lao động sang làm việc tại đây, trong đó năm có số lượng lao động đi cao nhất là năm 2003 với 38.222 lao động. Lao động Việt Nam chủ yếu làm việc trong ngành sản xuất chế tạo như điện tử, cơ khí, dệt may, chế biến thủy sản và gỗ nội thất. Một số khác làm trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ khách sạn và giúp việc gia đình.
Theo quy định của Malaysia, mọi lao động nước ngoài đều phải tham gia hai loại bảo hiểm, gồm BHYT bắt buộc và bảo hiểm TNLĐ theo quy định của Luật Bồi thường lao động năm 1952.
BHYT được thực hiện theo quy định của luật pháp Malaysia, kể từ ngày 01/01/2011. Chủ sử dụng phải đóng phí BHYT cho người lao động nước ngoài tại 32 đại lý bảo hiểm đã đăng ký với Nhà nước (thay vì thanh toán trực tiếp cho cơ sở khám, chữa bệnh như trước đây) với mức đóng là 120 RM/năm.
– Bảo hiểm tai nạn lao động
Người lao động nước ngoài được áp dụng Luật bồi thường tai nạn ban hành năm 1952. Theo Luật này, người sử dụng lao động phải mua bảo hiểm tai nạn lao động cho người lao động tại công ty bảo hiểm địa phương và không được khấu trừ vào lương của người lao động. Hiện nay chủ đang nộp cho lao động: 72-200 RM/lao động/ năm tùy theo lĩnh vực thuê mướn lao động theo quy định của Luật Bảo hiểm 1963.
Bảo hiểm này dùng bồi thường cho người lao động bị chết, mất sức vĩnh viễn, mất sức tạm thời, thương tật do tai nạn lao động. Theo quy định của Luật về bồi thường cho lao động năm 1952, khi tai nạn xảy ra, công ty bảo hiểm sẽ chi trả chi phí điều trị; chi trả cho các trường hợp mất sức lao động hoàn toàn, hoặc một phần, chi trả cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp.
Như vậy, người lao động nước ngoài trong đó có lao động Việt Nam khi làm việc tại Malaysia chỉ tham gia BHXH bắt buộc ngắn hạn đó là BHTNLĐ và BHYT do phía người sử dụng đóng với mức đóng theo tiền lương tối thiểu. Mức lương tối thiệu hiện tại là 1.000 RM (khoảng 06 triệu VNĐ) , trong đó mức đóng BHYT khoảng 12 RM/ tháng và BHTNLĐ có mức đóng tùy theo lĩnh vực người lao động làm việc.
Đối với người lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản
Từ năm 1992, đã có sự hợp tác giữa Bộ LĐ-TB&XH với tổ chức JITCO trong việc đưa Tu nghiệp sinh, nay là Thực tập sinh (TTS) sang làm việc tại Nhật Bản. Hiện tại, đã có 204 doanh nghiệp tham gia cung ứng TTS sang thị trường Nhật. Trong số 15 quốc gia phái cử sang Nhật Bản, Việt Nam là nước thứ 02 sau Trung Quốc về số lượng TTS được nhập cảnh tiếp nhận hàng năm. Hiện có khoảng trên 40.000 TTS Việt Nam đang thực tập nâng cao tay nghề tại Nhật Bản. Thu nhập trung bình của mỗi thực TTS tại Nhật đạt từ 1000 USD – 1.200 USD/tháng.
Đối với lao động nước ngoài kể cả TTS, Nhật Bản quy định người lao động tham gia ba chế độ BHXH bắt buộc, đó là:
– BHYT quốc dân
Những người lao động Nhật Bản dù đi làm hoặc không đi làm cũng phải tham gia vào chương trình BHYT quốc dân này. Bảo hiểm này áp dụng cho cả những người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản trên 03 tháng.
Chế độ BHYT về cơ bản được chia ra làm 02 loại hình chính: (1) BHYT cho người lao động, thực hiện theo nơi làm việc; (2) BHYT cộng đồng thực hiện theo vị trí địa lý.
Các dịch vụ y tế được cung cấp bao gồm: khám bệnh, cung cấp thuốc và vật tư y tế, điều trị trong các trường hợp cấp cứu, phẫu thuật và các điều trị y khoa khác, chăm sóc y tế tại nhà, nằm viện và điều dưỡng. Người tham gia BHYT được tự do lựa chọn nơi khám, chữa bệnh và phải thực hiện cùng chi trả chi phí cho các dịch vụ y tế nhận được.
Mức đóng cho chế độ này được quy định: người lao động và chủ doanh nghiệp mỗi bên đóng theo tỷ lệ 50/50 mức phí bảo hiểm
Mức phí bảo hiểm y tế = Thu nhập tháng x mức đóng k%
Trong đó: Thu nhập tháng gồm mức lương cơ bản và tiền làm thêm giờ.
Mức đóng k% để tính BHYT phụ thuộc vào từng địa phương mà người lao động làm việc (thường k = 0,82% trong đó người lao động chịu mức 0,41%).
Mức chi phí mà người lao động phải đóng sẽ thay đổi tùy theo thu nhập của lao động. Thường thì mức phí bảo hiểm mà lao động phải trả là 20.000 Y/năm, khoảng 1.666 Y/tháng tương đương với 333.200 VNĐ/tháng.
– Bảo hiểm tai nạn lao động
Bảo hiểm tai nạn lao động, toàn bộ phí bảo hiểm sẽ do người thuê chi trả. Nhân viên làm việc bán thời gian, nhân viên làm việc theo thời vụ, người nước ngoài sở hữu tư cách lưu trú đang làm việc ở công ty đều được áp dụng loại bảo hiểm này. Trong khi làm việc, nếu bị thương tật hoặc bệnh tật hay trường hợp trên đường đi làm gặp tai nạn nếu được công nhận thì sẽ là đối tượng của bảo hiểm tai nạn và sẽ nhận được các loại bồi thường.
Bảo hiểm TNLD được điều chỉnh bởi Luật Bảo hiểm bồi thường tai nạn cho người lao động (WACI) ban hành vào năm 1947. WACI cung cấp bảo hiểm cho các tai nạn vì các lý do thương tật, ốm đau, tàn tật, chết của người lao động tại nơi làm việc hoặc trên đường đi đến nơi làm việc.
– Bảo hiểm lương hưu phúc lợi
Bảo hiểm lương hưu phúc lợi và Lương hưu quốc dân là hai hình thức khác nhau của chế độ Lương hưu công cộng.
Cả hai đều áp dụng chung cho tất cả các đối tượng gồm cả người Nhật và người nước ngoài sống tại Nhật. Nhưng Lương hưu quốc dân được áp dụng với những người không đi làm còn bảo hiểm lương hưu phúc lợi là dành cho những người đang đi làm.
Mức đóng Bảo hiểm hưu trí = Thu nhập tháng * Tỷ lệ đóng h%
Tỉ lệ h% được ấn định mỗi năm. Từ 9/2011-8/2012, h nhận mức 16.412% lương. Năm 2014 và 2015 h ở mức trên dưới 17,5%. Trong đó chủ sử đụng và người lao động đóng theo mức 50:50, có nghĩa là năm 2015, tỷ lệ mức đóng của cả người sử dụng lao động và người lao động là h = 8,75%
Như trên đã đề cập quy định đóng bảo hiểm lương hưu quốc dân (lương hưu cơ bản) áp dụng cho tất cả những ai ở Nhật, kể cả du học sinh và lao động nước ngoài, trong đó có người Việt Nam.
Để được nhận lương hưu, người lao động phải đóng BHXH tối thiểu 25 năm. Nhưng 25 năm là khoảng thời gian quá dài đối với những lao động nước ngoài tại Nhật Bản. Với những người làm việc chưa đủ 25 năm tại Nhật Bản, giai đoạn họ đã đóng tiền vào chương trình hưu trí tại Nhật Bản có thể được coi là tương đương với thời gian bảo hiểm tương tự ở nước xuất cư. Điều này có nghĩa là họ có thể “mang theo” số thời gian đã được bảo hiểm tại Nhật Bản để cộng gộp vào các chương trình hưu trí khi về nước.
Tuy nhiên Điều khoản này chỉ áp dụng với công dân các nước ký thỏa thuận với Nhật như Đức, Mỹ, Bỉ, Pháp, Canada (trừ Quebec), Úc, Hà Lan, Cộng hòa Séc, Tây Ban Nha, Ireland, Brazil, Thụy Sĩ và Hungary. Ngoài các trường hợp nêu trên, khi người lao động hết thời hạn hợp đồng về nước họ nhận một khoản trợ cấp một lần gọi là tiền Nenkin.
Như vậy, TTS nước ngoài trong đó có TTS Việt Nam khi thực tập, làm việc tại Nhật Bản tham gia BHXH bắt buộc cả chế độ BHXH ngắn hạn và BHXH dài hạn đó là BHTNLĐ, BHYT và Bảo hiểm hưu trí. BHYT và Bảo hiểm hưu tri người sử dụng lao động và người lao động cùng đóng theo tỷ lệ 50/50 với mức đóng BHYT của TTS là 0,41% và mức đóng BH hưu trí là 8,75% trên nền của thu nhập tháng (tiền lương cơ bản và tiền làm thêm giờ). Còn Bảo hiểm tai nạn lao động do phía người sử dụng đóng với mức đóng khác nhau tùy thuộc vào ngành nghề do Luật Bảo hiểm TNLĐ quy định.
Đối với người lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc
Hiện nay có khoảng trên 75.000 lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc, trong đó có trên 63.000 lao động đi theo chương trình EPS, gần 3000 lao động là thuyền viên đánh cá, lao động kỹ thuật có trình độ cao khoảng 600 người và có gần 3000 lao động đi theo hợp đồng cá nhận và hợp đồng thực tập nâng cao tay nghề của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Hệ thống BHXH cho người lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc khá phong phú và được thực hiện với các loại BHXH sau: BHYT Quốc dân; Bảo hiểm Bồi thường Tai nạn lao động; Bảo hiểm tai nạn rủi ro; Bảo hiểm hưu trí Quốc dân áp dụng cho các lao động của các nước đã ký với Hàn Quốc Hiệp định An sinh xã hội. Ngoài ra Hàn Quốc còn thực thi một số loại bảo hiểm khác mà chi phí đóng thuộc về người lao động, đó là bảo hiểm hồi hương.
– BHYT Quốc dân
Số tiền đóng góp được tính theo tỷ lệ với tiền lương của người lao động, được thu thông qua người sử dụng lao động.
Số tiền đóng hàng tháng = Tiền lương tháng * Tỷ lệ đóng (k%)
Tỷ lệ đóng góp k% được điều chỉnh hàng năm theo quy định của Chỉnh phủ, k giai đoạn 2010-2016 như sau: 2010: k=5,33%; 2011: 5,64%; 2012: 5,80%; 2013: 5,89%; 2014: 5,99%; 2015: 6,07% và 2016: 6,12%.
Người lao động nước ngoài phải mua BHYT trong vòng 14 ngày kể từ ngày ký kết hợp đồng với công ty. Mức đóng hàng tháng được chia đều giữa người sử dụng lao động và người lao động theo tỷ lệ 50/50. Như vậy số mức đóng hàng tháng của lao động đối với BHYT hiện nay là: Tiền lương tháng*3,06% (Won).
BHYT quốc gia bao gồm điều trị y tế (bệnh tật, phòng chống thương tích, chẩn đoán, điều trị…) và kiểm tra y tế / việc khám sức khỏe định kỳ hàng năm. Khi lao động nằm viện thì việc thanh toán theo hình thức đồng chi trả với mức BHYT trả 80%, người lao động 20% chi phí; Điều trị ngoại trú, BHYT chi trả khoảng 50% -80% chi phí bảo hiểm. Phương thức này được áp dụng cho người lao động nước ngoài cũng như đối với người lao động Hàn Quốc.
– Bảo hiểm bồi thường tai nạn lao động (IACI)
Các chủ sử dụng lao động chịu trách nhiệm đóng toàn bộ số tiền phí bảo hiểm chế độ này và người lao động không phải trả bất cứ khoản phí nào. Mức đóng của chủ sử dụng lao động từ 0,7% đến 34,04% lương tháng tùy thuộc vào từng ngành, từng lĩnh vực người lao động làm việc.
Các chế độ hưởng của chương trình IACI bao gồm: Chăm sóc y tế; Trợ cấp tàn tật tạm thời; Trợ cấp tàn tật vĩnh viễn và chế độ tử tuất.
– Bảo hiểm tai nạn rủi ro
Đây là loại hình bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động nước ngoài nhằm bảo hiểm trong các trường hợp người lao dộng gặp tai nạn rủi ro ngoài giờ làm việc. Người lao động phải đóng một lần; mức nộp cụ thể phụ thuộc vào lứa tuổi và giới tính của người đóng. Phí bảo hiểm của từng cá nhân được ghi theo bản hợp đồng bảo hiểm, khoảng từ 20.000 – 40.000 won tùy thuộc độ tuổi và giới tính của người lao động.
– Bảo hiểm hưu trí quốc dân (NPS)
Bảo hiểm hưu trí Quốc gia là một hệ thống An sinh xã hội được thực hiện bởi Chính phủ Hàn Quốc trong đó Chính phủ thu đóng góp hàng tháng của người lao động tham gia bảo hiểm và người lao động nước ngoài làm việc hợp pháp tại Hàn Quốc và trả tiền trợ cấp hưu trí cho những người được bảo hiểm hoặc người phụ thuộc của họ khi đủ điều kiện.
Mức đóng chế độ hưu trí là 9% thu nhập hàng tháng của người lao động (với mức tối thiểu là 220.000 won và tối đa là 3.600.000 won) trong đó chủ sử dụng đóng 4,5% và người lao động đóng 4,5%.
Hiện nay người lao động tham gia bảo hiểm hưu trí hàng tháng đóng bằng: Thu nhập hàng tháng nhân với 4,5% ( Won). Giống như Nhật Bản đối với các nước đã ký Hiệp định song phương thuộc lĩnh vực này thì khi lao động về nước họ có thể bảo lưu thời gian đóng BH tại Hàn Quốc để cộng nối với thời gian tiếp tục tham gia bảo hiểm tại nước họ hoặc họ có thể xin nhận trợ cấp một lần cho khoản thời gian này. Mọi hồ sơ, thủ tục được phía Hàn Quốc hướng dẫn một cách chu đáo và giải quyết nhanh trước khi rời Hàn Quốc về nước.
Như vậy, người lao động nước ngoài khi làm việc tại Hàn Quốc tham gia BHXH bắt buộc ngắn hạn đó là BHTNLĐ quốc dân, BHYT quốc dân và bảo hiểm Tai nạn rủi to với mức đóng xác định theo tiền lương tháng đối với lao động của nước cung ứng (trong đó có lao động Việt Nam) chưa ký Hiệp định An sinh xã hội với Hàn Quốc.
Trường hợp quốc gia cung ứng lao động đã ký hiệp định này thì người lao động phải tham gia chế độ hưu trí quốc dân bắt buộc.
Tóm lại, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài mà điển hình tại 4 nước (lãnh thổ) nêu trên đều tham gia BHXH theo quy định của nước tiếp nhận. Các chế độ BHXH mà lao động Việt Nam tham gia gồm: (1) BHYT; (2) Bảo hiểm lao động, Bảo hiểm tai nạn lao động. Riêng với Nhật Bản người lao động còn tham gia Bảo hiểm hưu trí bắt buộc. Các chế độ Bảo hiểm nêu trên đều được quy định vào các văn bản độc lập tương ứng với một chế độ bảo hiểm với các nội dung được hướng dẫn cụ thể, không viện dẫn, thuận tiện cho người lao động thực hiện.
3. Bảo hiểm xã hội đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Như đã trình bày, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam tham gia BHYT được điều chỉnh bởi Luật BHYT và đã được thực hiện từ năm 2009. Ngoài ra họ được tham gia chế độ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật An toàn, Vệ sinh lao động. Tuy nhiên Nghị định số 37/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật An toàn, Vệ sinh lao động về chế độ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp mới chỉ điều chỉnh đối tượng là người lao động Việt Nam mà chưa áp dụng đối với người lao động nước ngoài.
Như vậy, cần thiết phải ban hành một văn bản về bảo hiểm tai nạ lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động nước ngoài theo quy định của Luật An toàn, Vệ sinh lao đông với thiết kế cơ bản như nội dung quy định của Nghị định trên, song sẽ cụ thể hơn về mặt thủ tục tham gia, giải quyết các chế độ thụ hưởng phù hợp với đặc thù của lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Kinh nghiệm các nước mà lao động Việt Nam đang làm việc cũng tham gia loại bảo hiểm này và được điều chỉnh bởi một văn bản riêng quy định về chế độ này một cách chi tiết.
Với Luật BHXH 2014, tại khoản 2, Điều 2. Đối tượng áp dụng cũng đã quy định người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ và thực hiện từ ngày 01/01/2018. Hiện nay chưa văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung trên. Căn cứ vào thực tế BHXH của người lao động nước ta đang thực thi, căn cứ hiện trạng lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, căn cứ vào thực trạng tham gia BHYT của lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam trong 08 năm qua và các văn bản quy định về BHXH đối với người lao động nước ngoài làm việc tại các thị trường mà Việt Nam cung ứng có thể sẽ là những gợi ý tốt để hình thành văn bản hướng dẫn này. Có thể đưa ra một số vấn đề sau để cơ quan soạn thảo văn bản về nội dung này tham khảo.
3.1. Nguyên tắc thiết kế
– Văn bản hương dẫn nên có kết cấu rõ ràng và thể hiện chi tiết, ít viện dẫn để người lao động nước ngoài dễ hiểu và dễ thực hiện.
– Các chế độ bảo hiểm đáp ứng yêu cầu của phần lớn người lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, trước mắt không nhất thiết phải có đủ các chế độ BHXH bắt buộc như lao động Việt Nam, kinh nghiệm các nước có lao động nước ngoài làm việc cũng thể hiện theo hướng này.
3.2. Một số nội dung nên được quy định rõ
(1) Đối tượng áp dụng
Căn cứ khoản 2 và khoản 3 Điều 1 của Luật BHXH có một số điểm cần cân nhắc:
– Về người lao động nước ngoài tham gia BHXH bắt buộc:
Một số trường hợp theo quy định khi họ có giấy phép lao động thì họ là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc song đối với trường hợp họ là lao động do tổ chức, cá nhân người nước họ nhận thầu, hoặc đầu tư sang Việt Nam và đưa họ sang thì đối tượng này sẽ tham gia BHXH của nước họ nên cần loại trừ đối tượng này, tránh tình trạng song trùng bảo hiểm. Hoặc một số lao động nước ngoài tuy có giấy phép hành nghề do phía Việt Nam cấp như Giấy phép hành nghề Luật sư cũng như một số Giấy phép hành nghề khác cần được cân nhắc có thuộc diện đối tượng điều chỉnh của văn bản này không.
Nêu cụ thể hơn các đối tượng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc như quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP của Chính Phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
– Về người sử dụng lao động nước ngoài: Nên thiết kế như khoản 2 Điều 1 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì phù hợp hơn. Theo đó, nội dung Điều này có thể thể hiện như sau:
“Đối tượng áp dụng
(1) Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là người lao động có một trong các giấy tờ được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp gồm:
a) Giấy phép lao động không bao gồm giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp mà chủ doanh nghiệp nước họ trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân người nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có đưa lao dộng nước họ đi làm việc tại Việt Nam;
b) Giấy chứng chỉ hành nghề;
c) Giấy phép hành nghề.
(2) Người sử dụng người lao động nước ngoài gồm:
a) Doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư hoặc theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
b) Nhà thầu nước ngoài hoặc trong nước tham dự thầu, thực hiện hợp đồng;
c) Văn phòng đại diện, chi nhánh của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập;
d) Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp;
đ) Tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam;
e) Tổ chức sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật;
g) Văn phòng của dự án nước ngoài hoặc của tổ chức quốc tế tại Việt Nam;
h) Văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc của nhà thầu nước ngoài được đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật;
i) Các tổ chức hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật;
k) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã;
l) Hội, hiệp hội doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật;
m) Hộ kinh doanh, cá nhân được phép hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật.
3) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến BHXH.”
Vì chính các đối tượng trên là chủ thể xin cấp phép để nhận lao động nước ngoài và họ cũng sẽ có trách nhiệm đăng ký các đối tượng người lao động nước ngoài cho cơ quan BHXH để tham gia BHXH bắt buộc theo Luật định.
(2) Các chế độ BHXH bắt buộc
Như đã trình bày, Việt Nam trong những năm qua có trên 500.000 lao động đang làm việc ở trên 40 nước. Giai đoạn 2007 -2016, riêng 4 thị trường cung ứng lao động trọng điểm Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia và Hàn Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam đã cung ứng trên 742.000 lượt lao động tại các thị trường này, chiếm gần 80% tổng số lao động đưa đi, thì các lao động này cũng chỉ tham gia 2 chế độ BHXH bắt buộc đó là BHYT và bảo hiểm tai nạn lao động. Riêng tu ngiệp sinh đi Nhật tham gia thêm BH Hưu trí.
Với lao động nước ngoài làm việc Tại Việt Nam sẽ tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ và thực thi vào 01/01/2018, trước mắt sẽ là phù hợp khi chỉ áp dụng các chế độ BHXH ngắn hạn như ốm đau, thai sản và chưa áp dụng chế độ hưu trí và tử tuất khi mà các chế độ BHXH dài hạn còn trong giai đoạn từng bước cải cách nhằm khắc phục các bất cập ở một số phương diện. Hơn nữa trong thiết kế các chế độ này có không ít sự không tương thích với chế độ BHXH dài hạn của người lao động của các nước cung ứng. Vì vậy, trong văn bản hướng dẫn tại nội dung này chỉ nên thiết kế hai chế độ bảo hiểm ốm đau và bảo hiểm thai sản.
Tuy nhiên, cũng nên thiết kế một lộ trình để hướng tới lao động nước ngoài sẽ tham gia BHXH hưu trí và tử tuất với những nước mà Việt Nam sẽ ký hiệp định song phương về nội dung này trong tương lai.
(3) Quy định từng chế độ
Trong thiết kế từng chế độ cần thiết trình bày cụ thể theo một trình tự như: đối tượng và điều kiện hưởng; thời gian và mức hưởng; quy trình, hồ sơ, thủ tục hưởng.
Riêng thủ tục giải quyết hưởng nên được thể hiện chi tiết và cụ thể đặc biệt về hồ sơ cần có đã được quy định trong Luật và Nghị định hướng dẫn, tuy nhiên đối với người lao động nước ngoài, nội dung này cần cụ thể hơn và có tính tới các yếu tố đặc thù về môi trường sống, điều kiện làm việc và ngôn ngữ của họ.
(4) Một số lưu ý
– Chủ động bổ sung, hoàn thiện các mẫu hồ sơ sử dụng cho người lao động nước ngoài khi tham gia BHXH cũng như khi giải quyết các chế độ BHXH (sổ BHXH, các mẫu đơn giải quyết hưởng);
– Quy định chuyển đổi tiền lương bằng ngoại tệ sang đồng Việt Nam để đóng BHXH;
– Quyền và nghĩa vụ của người lao động nước ngoài khi tham gia BHXH; và một số hành vi nghiêm cấm về BHXH cần làm rõ đối với đối tượng này;
Tóm lại, để văn bản hướng dẫn đáp ứng được yêu cầu đặt ra: cụ thể, rõ ràng và thuận lợi thực hiện cho người lao động nước ngoài, thể hiện rõ quyền và lợi ích của người thụ hưởng nên có một sự đánh giá toàn diện về mọi mặt liên quan tới người lao động nước ngoài tham gia BHYT trong thời gian qua. Với trên 80.000 lao động nước ngoài của trên 70 quốc gia được cấp phép lao động làm việc tại Việt Nam, vậy tỷ lệ tham gia BHYT là bao nhiêu, những mặt được và hạn chế đối với việc tham gia chế độ này của người lao động nước ngoài để từ đó làm cơ sở cho việc xây dựng BHXH bắt buộc đối với lao động nước ngoài, khắc phục được các bất cập cũng như hoàn thiện hơn nữa những mặt tích cực trong hoạt động còn mới mẻ này./.
SOURCE: TẠP CHÍ BẢO HIỂM XÃ HỘI SỐ 10A+10B (2017)
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: Nhà nước và nền KTTT, PHÁP LUẬT VỀ LAO ĐỘNG VÀ ASXH |
Leave a Reply