admin@phapluatdansu.edu.vn

CHẾ ĐỊNH MỚI VỀ THỦ TỤC RÚT GỌN trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015

Policy-and-Procedures-1140x427 TS. NGUYỄN THỊ THU THỦY – Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016, đã dành riêng Phần thứ 4 từ Điều 316 đến Điều 324 quy định về giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn ở cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm. Bài viết này phân tích cơ sở xây dựng chế định thủ tục rút gọn, từ đó đánh giá tính hợp lý trong các quy định về thủ tục rút gọn trong Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành.

1. Cơ sở xây dựng chế định thủ tục rút gọn trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam

Chế định thủ tục rút gọn trong BLTTDS 2015 ra đời xuất phát từ nhu cầu nội tại của các điều kiện kinh tế – xã hội.

Trước hết, việc xây dựng thủ tục rút gọn xuất phát từ nhu cầu đảm bảo tính hiệu quả của hệ thống tư pháp.

Hoạt động của hệ thống tư pháp, cũng giống như hoạt động của bất kỳ một tổ chức nào trong xã hội, đều cần có tính hiệu quả. Tính hiệu quả của pháp luật nói chung và hoạt động của hệ thống tư pháp nói riêng đã là đối tượng nghiên cứu của triết lý kinh tế luật từ những năm 60 của thế kỷ trước[1].

Theo trường phái này, hiệu quả của hoạt động xét xử không chỉ được căn cứ vào khả năng giải quyết tốt các tranh chấp mà còn thể hiện ở hiệu quả của các quy phạm pháp luật[2]. Xuất phát từ quan điểm việc phân tích về trình tự, thủ tục pháp lý trong tố tụng cũng giống như việc nhà kinh doanh tính toán về hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty mình[3], triết lý kinh tế luật cho rằng mục đích của hệ thống tố tụng nhìn từ góc độ kinh tế học là nhằm giảm thiểu rủi ro xảy ra các sơ suất trong quá trình xét xử và cả chi phí để vận hành hệ thống đó nữa[4]. Do đó, việc xác định quy trình tố tụng cần phải cân nhắc đến tính hài hòa giữa chi phí bỏ ra để vận hành bộ máy tố tụng với những lợi ích được bảo vệ nhờ sự hoạt động của bộ máy tố tụng này.

Căn cứ vào lý thuyết này có thể thấy nếu một lượng nguồn lực xã hội với nghĩa là các khoản tài chính, nhân lực, thời gian … được sử dụng vào một mục đích đem lại kết quả có giá trị là A mà cùng với lượng nguồn lực đó nếu sử dụng vào mục đích khác đem lại giá trị là A+ lớn hơn A thì như vậy là nguồn lực này đã không được sử dụng một cách hiệu quả nhất, còn nếu trong trường hợp A có giá trị nhỏ hơn lượng nguồn lực đã bỏ ra thì đấy là sự lãng phí nguồn lực xã hội. Trong việc xây dựng thủ tục rút gọn, sự so sánh này là giữa một bên là những lợi ích không lớn cần phải bảo vệ và một bên là những hao tổn, chi phí của nhà nước và đương sự nếu việc giải quyết vụ án phải trải qua nhiều giai đoạn, nhiều cấp xét xử[5].

Thủ tục rút gọn được xây dựng để giải quyết các vụ án có tình tiết đơn giản, rõ ràng hoặc có giá trị tranh chấp thấp giúp tiết kiệm chi phí tố tụng. Thủ tục tố tụng thông thường đảm bảo ở mức độ cao khả năng tìm kiếm và bảo vệ công lý đối với các vụ án dân sự được áp dụng. Tuy nhiên, việc áp dụng thủ tục thông thường đối với các vụ án đơn giản, rõ ràng, hoặc có giá trị tranh chấp thấp là một sự lãng phí về thời gian và tiền do phải trải qua nhiều hoạt động tố tụng không cần thiết hoặc thời gian tố tụng kéo dài. Việc áp dụng thủ tục rút gọn trong các trường hợp này đảm bảo được tính phù hợp giữa nhu cầu giải quyết vụ án và phương thức giải quyết vụ án, từ đó đảm bảo được hiệu quả của hoạt động tố tụng.

Thứ hai, việc xây dựng thủ tục rút gọn xuất phát từ nhu cầu của quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một phần tất yếu trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Phát triển về kinh tế đòi hỏi những thay đổi tương ứng trong các thiết chế xã hội để phù hợp với nó. Sự tăng trưởng kinh tế, gia tăng các quan hệ kinh doanh thương mại đồng nghĩa với khả năng xảy ra các tranh chấp dân sự nói chung, tranh chấp kinh doanh thương mại nói riêng, và pháp luật tố tụng dân sự, với vai trò là một cơ chế giải quyết các tranh chấp dân sự theo nghĩa rộng, cần phải có những thay đổi nhất định.

Thực tiễn xét xử trong những năm vừa qua cho thấy, cùng với sự phát triển của nền kinh tế từ những năm sau đổi mới, các tranh chấp về dân sự, thương mại diễn ra ngày càng nhiều về số lượng và phức tạp về nội dung. Các vụ án dân sự mà tòa án nhân dân các cấp thụ lý đã tăng từ 223.228 vụ năm 2005 lên đến 395.415 vụ năm 2013 trong đó số lượng các vụ án tòa án nhân dân cấp sơ thẩm thụ lý và giải quyết là rất lớn, thường chiếm trên 90% số lượng án giải quyết của toàn hệ thống, cùng với đó là số lượng án còn tồn đọng của tòa án các cấp cũng còn nhiều[6].

Trong nền kinh tế thị trường, các yếu tố liên quan đến đầu vào của quá trình sản xuất, kinh doanh như thời gian, vốn, sức lao động…luôn luôn trong quá trình vận động để tạo ra giá trị thặng dư. Do đó, sự tự do lưu thông của các yếu tố này đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của yếu tố kinh tế trong một xã hội, vai trò này càng lớn hơn khi nền kinh tế đang trên đà phát triển. Trong các tranh chấp dân sự, các yếu tố này có thuộc tính đang tranh chấp, đang bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đảm bảo thi hành án… nên chúng mất đi tính tự do lưu thông và hệ quả là cản trở sự phát triển của nền kinh tế. Thời gian giải quyết tranh chấp càng dài, chủ thể có quyền, lợi ích hợp pháp đối với các yếu tố đó càng bị thiệt hại bởi không khai thác được tính kinh tế của chúng. Yếu tố thời gian trong giải quyết tranh chấp không chỉ ảnh hưởng riêng đến các bên trong quan hệ kinh doanh thương mại mà còn ảnh hưởng đến cả các bên trong quan hệ pháp luật dân sự theo nghĩa rộng. Ví dụ không chỉ các doanh nghiệp cần vốn cho hoạt động kinh doanh mà ngay cả cá nhân có quyền sở hữu trí tuệ, có quyền sử dụng đất hoặc các tài sản khác cũng có thể đưa tài sản đó vào hoạt động kinh doanh tạo ra giá trị thặng dư.

Như vậy, thời gian giải quyết tranh chấp ngắn là một trong những yêu cầu quan trọng của quá trình phát triển kinh tế thị trường đặt ra đối với pháp luật tố tụng dân sự. Chỉ khi có cơ chế giải quyết tranh chấp linh hoạt, mềm dẻo, nhanh gọn thì mới có thể tạo được niềm tin cho các doanh nghiệp, doanh nhân an tâm đầu tư, phát triển sản xuất[7]. Việc xây dựng thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự, vì thế có ý nghĩa lớn trong việc giảm thời gian giải quyết tranh chấp, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là xây dựng một nhà nước trong đó quyền con người, quyền công dân được đề cao và bảo vệ. Một trong số những nội dung của quyền công dân là quyền tiếp cận công lý và được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Bằng việc áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ án có tình tiết đơn giản, chứng cứ rõ ràng hoặc giá trị tranh chấp thấp, pháp luật cho phép các bên được sử dụng các quy trình tố tụng nhanh gọn mà vẫn đảm bảo mục đích của tố tụng. Tiết kiệm thời gian và chi phí cũng giúp các bên đỡ e ngại khi sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp hợp pháp là tòa án thay vì sử dụng các phương pháp tiêu cực như bắt cóc, tống tiền, đòi nợ thuê…[8]. Thủ tục nhanh chóng, đơn giản và ít tốn kém cũng làm giảm sự bất bình đẳng giữa các bên có tiềm lực tài chính khác biệt, nhất là trong các vụ án liên quan đến quyền của người tiêu dùng.

Thứ ba, việc xây dựng thủ tục rút gọn xuất phát từ tính đa dạng của các tranh chấp trong thực tiễn đời sống xã hội

Xu hướng chung của pháp luật tố tụng dân sự là quy định một cách chặt chẽ các bước tiến hành tố tụng để đảm bảo bất kỳ một vụ án dân sự nào khi được giải quyết bằng quy trình đó sẽ có khả năng cao nhất đạt được mục đích của tố tụng dân sự là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. Tuy nhiên, thực tiễn các tranh chấp dân sự trong xã hội mang tính đa dạng, có những tranh chấp phức tạp, nhiều quan hệ pháp luật dân sự chồng chéo, nhiều chủ thể trong tranh chấp nhưng cũng có những tranh chấp đơn giản, dễ dàng xác định các quan hệ pháp luật dân sự; có những vụ tranh chấp nhiều nghìn tỷ đồng nhưng cũng có những tranh chấp chỉ vài trăm ngàn đồng, có những tranh chấp mà các chứng cứ khó thu thập, cần phải giám định, định giá nhưng có những vụ án mà các bên đều thống nhất về giá trị tranh chấp, chứng cứ rõ ràng, đầy đủ…Việc áp dụng chung các tranh chấp dân sự với cùng một thủ tục tố tụng, cùng thời gian giải quyết tranh chấp sẽ là không hợp lý bởi nhu cầu giải quyết đối với từng loại vụ án là khác nhau.

Thực tiễn giải quyết các tranh chấp dân sự cho thấy có nhiều loại vụ việc có nhu cầu giải quyết bằng một thủ tục đơn giản hơn so với thủ tục tố tụng thông thường, gồm những vụ kiện có nội dung đơn giản, chứng cứ rõ ràng, các sự kiện đã được xác định, không cần phải thu thập thêm chứng cứ hoặc có giá trị tranh chấp thấp. Các loại việc này bao gồm: những vụ kiện mà các bên không có tranh chấp về nghĩa vụ phải thực hiện nhưng bị đơn không chịu thực hiện nghĩa vụ của mình; Những tranh chấp có chứng cứ đầy đủ, rõ ràng, các sự kiện đã được xác định, việc giải quyết tranh chấp không cần xác minh, thu thập thêm chứng cứ; Những vụ kiện có giá trị tranh chấp thấp[9].

2. Các quy định cụ thể về thủ tục rút gọn trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 – Một số đánh giá và kiến nghị

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016, đã dành riêng phần thứ 4 từ Điều 316 đến Điều 324 quy định về giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn ở cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm. Các quy định về thủ tục rút gọn không chỉ đảm bảo tính phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội, phù hợp với triết lý xây dựng thủ tục rút gọn trong khoa học pháp lý mà còn có sự kế thừa và phát triển truyền thống pháp luật của Việt Nam.

Theo đó, thủ tục rút gọn được áp dụng đối với các vụ án dân sự thỏa mãn các điều kiện sau đây:

“a) Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ;

b) Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng;

c) Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản”[10].

Những vụ án dân sự có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật dễ dàng được xác định, không cần phải thu thập thêm tài liệu, chứng cứ, không có yếu tố nước ngoài hoặc yếu tố nước ngoài không ảnh hưởng đến giải quyết nội dung vụ án…là loại vụ án có tính chất đơn giản. Loại vụ việc này chiếm một tỷ lệ lớn trong số các vụ việc dân sự mà hệ thống tòa án nhân dân phải giải quyết[11], việc giải quyết các vụ việc này theo thủ tục rút gọn sẽ tăng cường tính hiệu quả của hoạt động tư pháp, giảm thời gian và chi phí tố tụng cho người dân. Đây cũng là một loại vụ việc được áp dụng giải quyết bằng thủ tục rút gọn phổ biến trong pháp luật các nước.

Bên cạnh thủ tục giải quyết các vụ án có tính chất đơn giản, trong pháp luật các nước còn có thủ tục thanh toán séc và hối phiếu, thủ tục giải quyết khiếu kiện nhỏ. Các thủ tục này cũng cần tiếp tục được nghiên cứu để áp dụng phù hợp với Việt Nam, đảm bảo tính đa dạng của thủ tục giải quyết các vụ việc dân sự, tăng cường khả năng tiếp cận công lý của người dân.

Thành phần giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn bao gồm một thẩm phán[12] và thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự theo thủ tục rút gọn cũng giống như thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự theo thủ tục thông thường. Những sửa đổi trong Hiến pháp 2013 đã cho phép việc xét xử vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn không cần tuân thủ nguyên tắc xét xử tập thể và nguyên tắc xét xử có Hội thẩm nhân dân.

Thành phần giải quyết vụ án chỉ gồm một thẩm phán là một đặc điểm nổi bật của thủ tục rút gọn. Pháp luật tố tụng các nước đều có quy định tương tự để đảm bảo tính nhanh gọn của thủ tục, phù hợp với đối tượng của hoạt động giải quyết tranh chấp.

Việc giải quyết vụ án dân sự bằng thủ tục rút gọn được trao cho tòa án nhân dân cấp huyện và các Tòa chuyên trách của tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết sơ thẩm vụ việc dân sự là phù hợp với mô hình tổ chức và hoạt động hiện tại của hệ thống tòa án nhân dân. Tổ chức bộ máy của các Tòa án theo Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014 được quy định theo hướng chuyên môn hóa nhưng linh hoạt, hiệu quả. Mặc dù thẩm quyền áp dụng thủ tục rút gọn trong pháp luật của nhiều nước được trao cho một tòa chuyên trách như ở Austraylia[13], Đức[14] hoặc trao cho tòa án cấp sơ thẩm thực hiện như ở Liên bang Nga[15]. Tuy nhiên, việc xây dựng và hoàn thiện chế định thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự Việt Nam vẫn còn mang tính sơ khai, thăm dò nên, việc trao thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự theo thủ tục rút gọn như quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự 2015 là hợp lý.

Thủ tục rút gọn được áp dụng cả ở hai cấp xét xử. Quyết định, bản án giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn có thể bị kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm, quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật có thể bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm, giám đốc thẩm. Quy định này phù hợp với nguyên tắc hai cấp xét xử được quy định tại khoản 6 Điều 103 Hiến pháp 2013.

Thủ tục rút gọn trong pháp luật các nước đều chỉ áp dụng với một số loại việc nhất định và hầu hết không áp dụng với tranh chấp về các quan hệ pháp luật có vai trò quan trọng đối với cá nhân. Tương ứng với phạm vi đó là thủ tục tố tụng rất đơn giản, hạn chế hoặc không cho phép kháng cáo để đảm bảo tính nhanh chóng của thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, hạn chế hoặc không cho phép kháng cáo có thể ảnh hưởng đến quyền tiếp cận công lý của các đương sự. Do vậy, để đảm bảo quyền tự định đoạt của đương sự, đồng thời vẫn đảm bảo tính nhanh chóng, chế định thủ tục rút gọn trong Bộ luật tố tụng dân sự 2015 được quy định theo hướng áp dụng thủ tục rút gọn ở cả hai cấp xét xử. Với cách tiếp cận đó, thủ tục rút gọn trong Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đã đảm bảo được tính nhanh chóng, đơn giản về thủ tục nhưng do vẫn tuân thủ nguyên tắc xét xử hai cấp nên không thể nhanh chóng giải quyết một cách triệt để một số loại vụ việc dân sự như mục đích nguyên thủy của loại thủ tục này.

Trách nhiệm cung cấp chứng cứ thuộc về người nộp đơn khởi kiện trừ các trường hợp quy định tại Điều 91 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Thủ tục rút gọn chỉ được áp dụng đối với các vụ kiện có tình tiết đơn giản, chứng cứ rõ ràng, do đó, trừ trường hợp ngoại lệ, các đương sự có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ việc để từ đó thẩm phán phụ trách xem xét và ra quyết định thụ lý vụ án theo thủ tục rút gọn. Chỉ khi các tài liệu chứng cứ được nộp cùng đơn khởi kiện cho thấy vụ án có tình tiết đơn giản, rõ ràng thì vụ việc mới giải quyết theo thủ tục rút gọn, trong trường hợp phát sinh nhu cầu cần tòa án thực hiện các biện pháp thu thập chứng cứ thì đây sẽ là một trong các căn cứ để chuyển vụ việc sang giải quyết theo thủ tục tố tụng thông thường.

Lệ phí, án phí và các chi phí tố tụng khác trong thủ tục rút gọn được áp dụng như trong thủ tục thông thường. Quy định về các chi phí tố tụng được xác định theo cách này sẽ không khuyến khích các bên tranh chấp yêu cầu tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015, các vụ việc khi có đủ điều kiện sẽ được áp dụng thủ tục rút gọn mà không phụ thuộc vào ý chí của đương sự như quy định ở một số quốc gia khác nên nhìn chung quy định này không làm ảnh hưởng đến hiệu quả của thủ tục rút gọn.

Các quy định về thủ tục rút gọn trong Bộ luật tố tụng dân sự 2015 như hiện nay có tính khả thi cao nhờ vẫn đảm bảo mô hình hai cấp xét xử, quy định một loại thủ tục rút gọn giải quyết các vụ việc dân sự có tính đơn giản, rõ ràng. Tuy nhiên, trong tương lai, chế định này cần được tiếp tục quy định theo hướng bổ sung một hoặc một số loại thủ tục rút gọn nữa áp dụng cho các loại tranh chấp dân sự đặc thù như yêu cầu thanh toán nợ, thủ tục ra lệnh thực hiện một công việc…; đồng thời, không cho phép hoặc hạn chế quyền kháng cáo, kháng nghị đối với bản án, quyết định sơ thẩm thủ tục rút gọn kết hợp với việc xác định phạm vi các quan hệ pháp luật không được áp dụng thủ tục rút gọn.

Ở thời điểm hiện tại, để đảm bảo hiệu quả thực thi thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự, cần phải hoàn thiện một số vấn đề sau:

Thứ nhất là làm rõ nội hàm của “Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng” để các tòa án thống nhất trong việc áp dụng thủ tục rút gọn

Với quy định chung chung như trong khoản 1 Điều 317 dễ dẫn tới việc nhận định khác nhau ở mỗi thẩm phán dẫn đến việc áp dụng pháp luật, đồng thời, thủ tục rút gọn có thể được áp dụng để giải quyết các vụ việc có ảnh hưởng quan trọng đối với các bên đương sự. Tham khảo các quy định về thủ tục rút gọn trong pháp luật tố tụng Cộng hòa Liên bang Đức cho thấy có đến 50 loại việc cụ thể được xác định trong một danh mục chuẩn[16]. Cách làm này vừa tạo ra sự thống nhất trong áp dụng thủ tục rút gọn, tăng cường tính minh bạch, dễ dự đoán của pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân và hạn chế khả năng việc áp dụng thủ tục rút gọn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống đương sự.

Qua nghiên cứu kinh nghiệm pháp luật về thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự ở các nước trên thế giới có thể thấy mối tương quan giữa phạm vi áp dụng và hiệu lực của quyết định, bản án trong thủ tục rút gọn. Hầu hết các quốc gia đều không cho phép kháng cáo bản án, quyết định trong thủ tục rút gọn (Cộng hòa Liên bang Đức, Vương quốc Anh) hoặc nếu bị đơn phản đối thì vụ án chuyển sang thủ tục tố tụng thông thường và bắt đầu lại từ đầu (Cộng hòa liên bang Nga)… Phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn ở các nước này cũng được quy định cụ thể từng loại việc và không bao gồm những vụ việc có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của các đương sự như hợp đồng lao động, ly hôn, nghĩa vụ cấp dưỡng… Cách quy định này cho phép giải quyết nhanh chóng, dứt điểm một số tranh chấp thông dụng, không có giá trị lớn, rõ ràng.

Thứ hai, về cơ chế chuyển đổi giữa các loại thủ tục tố tụng

Cần xác định yếu tố “cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời” không phải là một điều kiện để chuyển đổi từ thủ tục rút gọn sang thủ tục tố tụng thông thường. Ngoài ra, cần bổ sung cơ chế chuyển đổi từ thủ tục thông thường sang thủ tục rút gọn để đảm bảo tính hợp lý trong quy trình tố tụng.

Thủ tục rút gọn, trong thời kỳ đầu được áp dụng, đã được đánh giá là một biện pháp để giải quyết sự chậm trễ và tồn đọng án ở tòa án[17], cho đến nay vẫn được coi là một công cụ hiệu quả nhằm giải quyết nhanh chóng và đơn giản một tỷ lệ khá lớn các vụ án, cần được tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện trong thời gian tới để phát huy hiệu quả trong giải quyết các tranh chấp dân sự.


Chú thích:

[1] Lê Nết (2006), Kinh tế luật, Tri Thức, Hồ Chí Minh tr 15.

[2] Mai Hồng Quỳ (1999), “Thực tiễn tranh chấp kinh tế với việc hoàn thiện pháp luật kinh doanh”, Đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Bộ, Hồ Chí Minh Tr.89

[3] Lê Nết (2006), Kinh tế luật, Tri Thức, Hồ Chí Minh, tr.20.

[4] Richard .A. Posner (2003), Economic Analysis of Law, Aspen Publishers, tr.517.

[5] Nguyễn Thị Thu Thủy (2011), “Khả năng áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự ở Việt Nam”, Nhà nước và Pháp luật. 11, tr. 37-42, tr.38.

[6] Dự án “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam” (2015), Tài liệu hội thảo Góp ý Dự thảo báo cáo “Nghiên cứu và đề xuất cơ chế, mô hình giải quyết tranh chấp dân sự theo thủ tục rút gọn tại tòa án Việt Nam”, Hà Nội tr. 22.

[7] Đào Văn Hội (2004), Hoàn thiện pháp luật giải quyết tranh chấp kinh tế ở nước ta hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội tr. 52-54.

[8] Dự án “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam” (2015), Tài liệu hội thảo Góp ý Dự thảo báo cáo “Nghiên cứu và đề xuất cơ chế, mô hình giải quyết tranh chấp dân sự theo thủ tục rút gọn tại tòa án Việt Nam”, Hà Nội tr.28.

[9] Xem thêm tlđd, tr.30.

[10] Điều 317 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

[11] Xem thêm Dự án “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam” (2015), Tài liệu hội thảo Góp ý Dự thảo báo cáo “Nghiên cứu và đề xuất cơ chế, mô hình giải quyết tranh chấp dân sự theo thủ tục rút gọn tại tòa án Việt Nam”, Hà Nội tr.26 – tr.30.

[12] Điều 65 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

[13] Trần Anh Tuấn (2015), Tham luận hội thảo Góp ý dự thảo báo cáo “Nghiên cứu và đề xuất cơ chế, mô hình giải quyết tranh chấp dân sự theo thủ tục rút gọn tại Tòa án Việt Nam”, Hà Nội tr.6.

[14] Tlđd, tr.5.

[15] Điều 23 BLTTDS Liên bang Nga quy định việc ban hành lệnh của tòa án thuộc thẩm quyền của thẩm phán hòa giải xét xử ở cấp sơ thẩm.

[16] Dự án “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam” (2015), Tài liệu hội thảo Góp ý Dự thảo báo cáo “Nghiên cứu và đề xuất cơ chế, mô hình giải quyết tranh chấp dân sự theo thủ tục rút gọn tại tòa án Việt Nam”, Hà Nội tr.35

[17] Xem thêm Charles E. Clark and Charles U. Samenow (1929), “The Summary Judgment”, Yale Law Journal. 38, tr. 423-471


SOURCE: Tạp chí Thanh tra số 2/2017, tra. 18-21

CÁM ƠN TÁC GIẢ ĐÃ CHIA SẺ BÀI VIẾT

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading