Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

TỔNG QUAN BÁO CÁO CỦA CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN LIÊN HỢP QUỐC (UNDP) VỀ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI NĂM 2015 – VIỆC LÀM VÌ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI

Advertisements

LỜI NÓI ĐẦU

Hai mươi lăm năm trước, Báo cáo phát triển con người đầu tiên năm 1990 ra đời với một quan niệm giản đơn: phát triển chính là mở rộng những lựa chọn của con người— tập trung chủ yếu vào sự thịnh vượng của đời sống con người thay vì đơn thuần là sự thịnh vượng của các nền kinh tế. Việc làm là nền tảng cơ bản cho sự thịnh vượng của các nền kinh tế cũng như sự thịnh vượng của đời sống con người nhưng thường bị đóng khung trong các thuật ngữ kinh tế hơn là các thuật ngữ về phát triển con người. Báo cáo phát triển con người năm 2015 vượt ra khỏi quy ước đó bằng cách kết nối trực tiếp vấn đề việc làm với sự thịnh vượng của đời sống con người.

Báo cáo này mở đầu bằng một câu hỏi cơ bản — việc làm thúc đẩy phát triển con người như thế nào? Báo cáo đưa ra một cách nhìn rộng về vấn đề việc làm, vượt ra ngoài phạm vi các công việc làm thuê và xem xét đến cả những hoạt động như chăm sóc không được trả lương, hoạt động tình nguyện và hoạt động mang tính sáng tạo —tất cả đều đóng góp vào sự thịnh vượng của đời sống con người.

Báo cáo nhấn mạnh tiến bộ phát triển con người đầy ấn tượng trong một phần tư thế kỷ vừa qua. Ngày nay, con người sống lâu hơn, nhiều trẻ em được đến trường và nhiều người được tiếp cận với nước sạch và các điều kiện vệ sinh cơ bản hơn. Thu nhập bình quân đầu người trên thế giới tăng lên, và tỷ lệ nghèo giảm xuống, kết quả là mức sống của rất nhiều người được nâng cao. Cách mạng kỹ thuật số kết nối con người giữa các quốc gia và các xã hội với nhau. Việc làm đóng góp vào tiến bộ này thông qua xây dựng năng lực của con người. Việc làm bền vững đem lại cho con người cảm nhận về phẩm giá và cơ hội tham gia đầy đủ vào đời sống xã hội.

Vẫn còn đó những thách thức không nhỏ, từ tình trạng đói nghèo dai dẳng và bất bình đẳng nghiêm trọng đến biến đổi khí hậu và bền vững môi trường nói chung, đến tình trạng xung đột và bất ổn. Tất cả đều cản trở con người có được công ăn việc làm đầy đủ, và hệ quả là quá nhiều tiềm năng của con người vẫn chưa được khai thác. Đây là mối quan ngại đặc biệt đối với thanh niên, phụ nữ, người khuyết tật và những người bị đẩy ra ngoài lề xã hội. Báo cáo lập luận rằng nếu tiềm năng của tất cả mọi người được khai thác thông qua những chiến lược và chính sách phù hợp thì có thể đẩy nhanh tiến bộ về phát triển con người và giảm thiểu các bất cập về phát triển con người.

Báo cáo nhắc nhở chúng ta rằng mối liên kết giữa việc làm và phát triển con người không phải là mặc nhiên hay tất yếu. Chất lượng việc làm là một khía cạnh quan trọng để đảm bảo rằng việc làm sẽ thúc đẩy phát triển con người. Tuy nhiên, các vấn đề như phân biệt đối xử và bạo lực là rào cản để có được những mối liên kết tích cực giữa việc làm và phát triển con người. Một số loại hình công việc gây tổn hại nghiêm trọng đến phát triển con người, như lao động trẻ em, lao động cưỡng ép và lao động bị buôn bán trái phép, tất cả những hình thức lao động này đều vi phạm nghiêm trọng các quyền con người. Trong nhiều trường hợp người lao động làm việc trong những điều kiện nguy hiểm độc hại phải đối mặt với nguy cơ bị xâm hại nghiêm trọng, mất an toàn cũng như mất tự do và tự chủ.

Tất cả những vấn đề này càng cần phải giải quyết một cách cấp bách vì trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng khoa học kỹ thuật, thế giới việc làm đang trải qua những thay đổi nhanh chóng. Toàn cầu hóa đã đem lại lợi ích cho một số người và tổn thất cho những người khác. Cách mạng kỹ thuật số đã tạo ra những cơ hội mới, nhưng đồng thời cũng làm gia tăng những thách thức mới, như việc phân bổ không cân xứng hình thức hợp đồng lao động thời vụ và việc làm ngắn hạn giữa người lao động có kỹ năng cao và không có kỹ năng.

Báo cáo đưa ra lập luận xác đáng rằng phụ nữ là đối tượng chịu thiệt thòi trong thế giới việc làm — cả việc làm có thu nhập và không có thu nhập. Trong lĩnh vực việc làm có thu nhập, phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động ít hơn nam giới, thu nhập thấp hơn, công việc của họ thường có nhiều rủi ro hơn và họ không được tham gia đúng mức vào những vị trí quản lý cấp cao và có quyền ra quyết định. Với việc làm không có thu nhập, phụ nữ phải gánh vác phần lớn việc nhà và chăm sóc gia đình.

Báo cáo xác định rằng việc làm bền vững, với tác dụng thúc đẩy phát triển con người đồng thời giảm thiểu và loại bỏ các tác động phụ tiêu cực cũng như những hệ quả không đáng có, chính là trụ cột chính của phát triển bền vững. Việc làm bền vững sẽ mở rộng cơ hội của thế hệ hiện tại nhưng không làm giảm cơ hội của thế hệ tương lai.

Báo cáo lập luận rằng thúc đẩy phát triển con người thông qua việc làm đòi hỏi các chính sách và chiến lược ở ba lĩnh vực lớn— đó là tạo ra cơ hội việc làm, đảm bảo phúc lợi cho người lao động và xây dựng hành động hướng đến mục tiêu đã đề ra. Lĩnh vực đầu tiên tập trung vào các chiến lược việc làm quốc gia và nắm bắt những cơ hội trong thế giới việc làm đang thay đổi từng ngày, trong khi lĩnh vực thứ hai bao quát các vấn đề quan trọng như đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động, mở rộng hệ thống bảo trợ xã hội và giải quyết tình trạng bất bình đẳng. Những hành động mục tiêu cần tập trung vào vấn đề việc làm bền vững, giải quyết sự mất cân bằng giữa việc làm có thu nhập và không có thu nhập và các biện pháp can thiệp cho những nhóm đối tượng cụ thể – ví dụ, thanh niên và người khuyết tật. Trên hết, cần có một chương trình hành động nhằm đạt được một Khế ước xã hội mới, một Thỏa thuận toàn cầu, và một Chương trình nghị sự về việc làm bền vững.

Báo cáo năm nay ra đời rất đúng thời điểm, ngay sau Hội nghị thượng đỉnh LHQ về phát triển bền vững, nơi mà các Mục tiêu phát triển bền vững mới được thông qua, trong đó Mục tiêu số 8 nhấn mạnh một cách rõ ràng vào vấn đề việc làm: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ổn định, toàn diện và bền vững, tạo việc làm đầy đủ, hiệu quả và thỏa đáng cho tất cả mọi người.

Trong bối cảnh này chúng ta cần thảo luận nghiêm túc về các thách thức do những thay đổi đang diễn ra trong thế giới việc làm đem lại. Cần tận dụng cơ hội để củng cố mối liên kết giữa việc làm và phát triển con người. Trong suốt 25 năm qua, khái niệm phát triển con người, các báo cáo và bộ chỉ số liên quan đã tạo ra nhiều cuộc tranh luận, đối thoại và thảo luận trên khắp thế giới về những thách thức phát triển và những vấn đề chính sách. Tôi hy vọng năm nay không phải là ngoại lệ và báo cáo này sẽ mở ra những cuộc đối thoại và tranh luận xoay quanh khái niệm phát triển con người cũng như các chiến lược để thúc đẩy phát triển con người.

Helen Clark

Tổng giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc

TRA CỨU BÁO CÁO ĐẦY ĐỦ TẠI ĐÂY

Exit mobile version