VCCI – Khi xây dựng mọi văn bản pháp luật, xuất phát điểm là mục tiêu chính sách. Nếu coi xã hội như một cơ thể sống và chính sách là liều thuốc can thiệp của Nhà nước để chữa các căn bệnh của cơ thể đó, thì việc xác định mục tiêu chính sách chính là giai đoạn khám bệnh nhằm xác định được những vấn đề chưa tốt của xã hội nhằm điều chỉnh theo hướng tốt hơn.
Các quy định giải quyết được vấn đề bức xúc, khó khăn đang tồn tại
Kết quả của Cuộc bình chọn cho thấy, các quy định được coi là quy định tốt về tính cần thiết là khi nhà làm luật lựa chọn đúng những vấn đề bức thiết của xã hội để giải quyết. Ví dụ, quy định “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” trong khoản 2 Điều 14 của Bộ luật dân sự 2015 và khoản 2 Điều 4 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 được rất nhiều người đánh giá cao. Nhà làm luật đã nhìn thấy vấn đề xã hội khi người dân và doanh nghiệp muốn tìm đến Tòa án để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình thì có thể bị từ chối chỉ vì lý do hệ thống văn bản pháp luật chưa hoàn thiện. Mục tiêu chính sách ở đây rất rõ ràng: bảo đảm quyền tiếp cận công lý của người dân và doanh nghiệp kể cả khi điều này có thể gây ra khó khăn, tăng thêm trách nhiệm cho Tòa án.
Một ví dụ khác về việc xác định mục tiêu chính sách là khi xây dựng Luật doanh nghiệp 2014, cơ quan soạn thảo đã nhận thấy nguy cơ hoạt động của doanh nghiệp có thể bị đình trệ nếu người đại diện theo pháp luật có việc phải đi xa, bị ốm đau, hoặc không hợp tác với những thành viên còn lại, bởi rất nhiều văn bản của doanh nghiệp yêu cầu phải có chữ ký của người đại diện theo pháp luật. Từ đó, nhà làm luật đã bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp có thể đăng ký nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật tại khoản 2 Điều 13 của Luật doanh nghiệp 2014. Quy định này cũng được đánh giá cao vì đã mở rộng tối đa quyền tự quyết của doanh nghiệp trong việc quản lý nội bộ, Nhà nước không can thiệp bằng các quy định mệnh lệnh, mà chỉ yêu cầu doanh nghiệp khai báo, đăng ký đầy đủ.
Quy định nâng thời hạn giao đất nông nghiệp từ 20 năm lên 50 năm tại Điều 126 và Điều 127 của Luật đất đai năm 2013 cũng đã thể hiện việc nắm bắt nhu cầu của xã hội của nhà làm luật. Thời hạn giao đất nông nghiệp quá ngắn sẽ khiến người dân gặp khó khăn trong việc đầu tư trên mảnh đất của mình, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi thời hạn giao đất nông nghiệp sắp hết. Việc kéo dài thời hạn giao đất sẽ loại bỏ rào cản cho hoạt động đầu tư kinh doanh tiềm năng này, khuyến khích các hoạt động đầu tư bài bản và dài hạn vào nông nghiệp. Mục tiêu của chính sách này rất rõ ràng: thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Nhìn rộng ra, quy định này một lần nữa khẳng định một trong những nguyên tắc căn bản của kinh tế thị trường: chỉ khi nào quyền tài sản của chủ sở hữu được pháp luật bảo vệ, thì khi đó người dân và doanh nghiệp mới yên tâm đầu tư phát triển kinh tế. Do đó, để thực hiện chủ trương lớn về tái cơ cấu nền nông nghiệp thì điều đầu tiên cần làm là mở rộng việc bảo hộ quyền sở hữu đối với đất nông nghiệp, không chỉ về thời hạn sử dụng mà còn về giới hạn diện tích sử dụng, mở rộng các quyền năng của chủ sở hữu và hạn chế tình trạng thu hồi đất nông nghiệp.
TRA CỨU VĂN BẢN ĐẦY ĐỦ TẠI ĐÂY
SOURCE: WEBSITE XÂY DỰNG PHÁP LUẬT CỦA VCCI – VIBONLINE.COM.VN
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: LÝ LUẬN VỀ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT, Nhà nước và nền KTTT, TÀI LIỆU THAM KHẢO, THÔNG TIN TƯ VẤN, Xã hội, nhà nước và pháp luật Việt Nam |
Leave a Reply