admin@phapluatdansu.edu.vn

BÁO CÁO CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO VỀ CÔNG TÁC TỔ CHỨC CÁN BỘ CỦA HỆ THỐNG TÒA ÁN NHÂN DÂN TẠI HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC NGÀNH TÒA ÁN NĂM 2018

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO – Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” – là cơ sở pháp lý và điều kiện quan trọng để đổi mới tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án nhân dân theo mục tiêu Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao”.

Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 được Quốc hội khóa XIII, tại kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 24/11/2014 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2015). Đây là một trong những đạo luật cơ bản về hoàn thiện bộ máy Nhà nước trong giai đoạn mới, đã thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân. Để đánh giá những thuận lợi, kết quả, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân nhằm tiếp tục triển khai thi hành tốt Luật tổ chức Tòa án nhân dân, đặc biệt là đề ra những giải pháp trong những năm tiếp theo, Tòa án nhân dân tối cao báo cáo tình hình, kết quả công tác tổ chức cán bộ của hệ thống Tòa án nhân dân như sau:

A – TỔ CHỨC HỆ THỐNG TÒA ÁN NHÂN DÂN THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN NĂM 2014

I. Về vị trí, vai trò và tổ chức của Tòa án nhân dân

Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” (Điều 2). Theo đó, các Tòa án nhân dân được tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử, gồm 4 cấp Tòa án: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện và các Tòa án quân sự (Điều 3), cụ thể:

1. Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; cơ cấu, tổ chức gồm: Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Bộ máy giúp việc và cơ sở đào tạo bồi dưỡng.

– Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (từ 13-17 người) gồm: Chánh án, các Phó Chánh án là Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và các Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thực hiện nhiều nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 22. Trong đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng là công tác xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng và ban hành Nghị quyết hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật.

– Bộ máy giúp việc gồm 14 vụ và các đơn vị tương đương: do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn. Bộ máy giúp việc được chia thành khối các đơn vị giúp việc về chuyên môn, nghiệp vụ xét xử; khối các đơn vị tham mưu về công tác xây dựng Tòa án và khối các đơn vị sự nghiệp.

– Học viện Tòa án (cơ sở đào tạo, bồi dưỡng) do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức, bộ máy của Học viện Tòa án do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định.

2. Tòa án nhân dân cấp cao.

Là cấp Tòa án được thành lập mới, có thẩm quyền tư pháp trên phạm vi nhiều đơn vị hành chính cấp tỉnh; cơ cấu, tổ chức gồm:

– Ủy ban Thẩm phán: do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định thành lập theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao; Ủy ban Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 31;

– 06 Tòa chuyên trách, gồm: Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Hành chính, Tòa Kinh tế, Tòa Lao động, Tòa Gia đình và người chưa thành niên, có nhiệm vụ, quyền hạn xét xử phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.

– Bộ máy giúp việc có Văn phòng và các đơn vị khác do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn.

3. Tòa án nhân dân cấp tỉnh; cơ cấu, tổ chức gồm:

– Ủy ban Thẩm phán: do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định thành lập theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 39 và không xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm như trước đây, chỉ thảo luận về kiến nghị của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm;

– Các Tòa chuyên trách: ngoài 05 Tòa chuyên trách như trước đây (Hình sự, Dân sự, Kinh tế, Hành chính, Lao động), có thêm Tòa Gia đình và người chưa thành niên. Căn cứ vào yêu cầu thực tế xét xử ở mỗi Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc tổ chức các Tòa chuyên trách;

– Bộ máy giúp việc gồm có Văn phòng, phòng và các đơn vị tương đương. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định thành lập và quy định về chức năng, nhiệm vụ.

4. Tòa án nhân dân cấp huyện.

Về cơ cấu, tổ chức: có thể có các Tòa chuyên trách (Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa gia đình và người chưa thành niên, Tòa xử lý hành chính). Căn cứ vào yêu cầu thực tế xét xử ở mỗi Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc tổ chức các Tòa chuyên;

– Bộ máy giúp việc: do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn

5. Các Tòa án quân sự

a) Tòa án quân sự Trung ương; cơ cấu tổ chức gồm:

– Ủy ban Thẩm phán: do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định thành lập theo đề nghị của Chánh án Tòa án quân sự Trung ương; Ủy ban Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 52 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.

– Các Tòa phúc thẩm: thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 54 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.

– Bộ máy giúp việc: do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định thành lập và quy định về chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Bộ máy giúp việc gồm đơn vị cấp phòng, đó là: Văn phòng; Phòng Giám đốc kiểm tra; Phòng Nghiên cứu tổng hợp; Phòng Tổ chức – Cán bộ; Phòng Thông tin tư liệu và Quản lý lí lịch tư pháp.

b) Tòa án quân sự quân khu và tương đương; cơ cấu tổ chức gồm:

– Ủy ban Thẩm phán: do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định thành lập theo đề nghị của Chánh án Tòa án quân sự Trung ương; Ủy ban Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 57 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.

– Bộ máy giúp việc là Ban Hành chính tổng hợp, do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định thành lập và quy định về chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

c) Tòa án quân sự khu vực: thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.

Bộ máy giúp việc là Ban Hành chính tổng hợp, do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định thành lập và quy định về chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

TRA CỨU ĐẦY ĐỦ VĂN BẢN TẠI ĐÂY

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Trích dẫn từ: http://www.toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/kho_noidung/193370503/240108753

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d