admin@phapluatdansu.edu.vn

NỖ LỰC XỬ LÝ NỢ XẤU TRONG QUÁ TRÌNH TÁI CƠ CẤU CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG Ở VIỆT NAM

TS. LÊ THỊ THÙY VÂN – Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính

Cùng với các biện pháp quản lý nợ xấu trong quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD), tỷ lệ nợ xấu bình quân toàn hệ thống TCTD đã giảm dần từ 17,21% dư nợ (tháng 9/2012) xuống dưới 3% trong giai đoạn 2015 – 2017. Bên cạnh những nỗ lực trong giám sát hệ thống ngân hàng, những nỗ lực của Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC) trong xử lý nợ xấu với các biện pháp linh hoạt, việc triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (có hiệu lực trong 05 năm từ ngày 15/8/2017) cũng đã cho phép áp dụng nhiều chính sách mới về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, góp phần tạo lập cơ sở pháp lý thuận lợi hơn cho việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán nợ xấu.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra trong quá trình xử lý nợ xấu đòi hỏi cần có các giải pháp đồng bộ, chú trọng vào các vấn đề như nâng cao hiệu lực, hiệu quả xử lý nợ của VAMC, phát triển thị trường mua bán nợ, vấn đề định giá nợ xấu, chứng khoán hóa nợ xấu hay xử lý những vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14… Bài viết đánh giá những kết quả đạt được trong xử lý nợ xấu ở Việt Nam, gắn với quá trình cơ cấu lại các TCTD. Đồng thời, nhận diện một số hạn chế, các vấn đề đặt ra cần được quan tâm để có giải pháp phù hợp nhằm xử lý triệt để nợ xấu, lành mạnh hóa các TCTD.

1. Những kết quả đạt được trong quá trình xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu các TCTD

Xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa tình hình tài chính của các TCTD là một trong ba vấn đề trọng tâm trong tái cơ cấu hệ thống các TCTD từ đầu năm 2012 theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015”. Theo đó, từ năm 2012, trước nhu cầu cấp thiết xử lý vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, Chính phủ đã đưa ra những giải pháp cần thiết để giảm tỷ lệ nợ xấu (Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/02//2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu). Trong đó, có yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai giải pháp tự xử lý nợ xấu như đánh giá lại nợ, cơ cấu lại nợ, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, hạn chế nợ xấu phát sinh trong tương lai, nâng cao chất lượng đánh giá giá trị thị trường của các khoản nợ xấu, hỗ trợ liên quan tới hoàn thành các hồ sơ pháp lý liên quan đến tài sản bảo đảm (TSBĐ) tiền vay để sớm xử lý được nợ xấu. Bên cạnh đó, Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/02/2013 về phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 – 2020 đã cụ thể hóa mục tiêu xử lý nợ xấu của Chính phủ nhằm giảm nợ xấu của các ngân hàng thương mại (NHTM) xuống dưới 3% tổng dư nợ tín dụng.

Để thực hiện được các giải pháp xử lý nợ xấu, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC nhằm tập trung xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% tổng dư nợ và nợ xấu có tài sản bảo đảm, đặc biệt là tài sản bảo đảm bằng bất động sản. Nghị định số 18/2016/NĐ-CP đã sửa đổi một số quy định về hoạt động của VAMC. Theo đó, Nghị định 18/2016/NĐ-CP bổ sung quy định về quyền của VAMC đối với khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt1. Nghị định 18/2016/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 14 Nghị định 53/2013/NĐ-CP theo hướng cho phép VAMC mua nợ xấu của TCTD theo giá trị thị trường trên cơ sở thỏa thuận và giá trị khoản nợ xấu được đánh giá lại.

Nghị định 61/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và việc thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn2. Theo đó, Nghị định quy định cụ thể các trường hợp phải thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu bao gồm: (i) Khoản nợ xấu được Công ty VAMC mua theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt mà khi xác định giá khởi điểm để đấu giá, VAMC không thỏa thuận được với tổ chức tín dụng bán nợ về giá khởi điểm; (ii) Khoản nợ xấu được Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam mua theo giá thị trường; (iii) Tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà khi xác định giá khởi điểm để đấu giá, Công ty VAMC không thỏa thuận được với bên bảo đảm về giá khởi điểm. Nghị định quy định khung pháp lý rõ ràng, tạo điều kiện cho VAMC xác định và thỏa thuận giá trị các khoản nợ xấu/TSBĐ dựa trên giá thị trường, do một công ty thẩm định giá có chuyên môn xác định. Đặc biệt là Nghị định cho VAMC quyền lựa chọn sau cùng khi lựa chọn công ty thẩm định giá và quyền giảm giá bán cho đến khi tìm được người mua, mỗi lần giảm không quá 10% giá khởi điểm của lần đấu giá không thành liền trước đó. Từ đó, loại bỏ được trở ngại lớn hiện nay khi các bên tham gia mua bán nợ không đồng thuận về các điều khoản và VAMC không thể làm gì vượt ngoài khuôn khổ. Điều này mở ra cơ hội cho các ngân hàng có tình hình tài chính mạnh muốn mua và xử lý các khoản nợ xấu.

Bên cạnh đó, Thông tư số 09/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2013/TT-NHNN ngày 6/9/2013 quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC đã sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến bán nợ xấu được mua theo giá trị thị trường. Theo đó, VAMC bán khoản nợ xấu theo phương thức thỏa thuận trực tiếp với bên mua nợ, khi giá bán khoản nợ không thấp hơn giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ xấu tại VAMC hoặc sau khi đã bán nợ theo phương thức đấu giá hoặc phương thức chào giá cạnh tranh không thành… Ngoài ra, Thông tư 09 là bổ sung điều kiện các khoản nợ xấu được VAMC mua theo giá trị thị trường. Đây cũng là nội dung quan trọng, được kỳ vọng là công cụ chủ lực giúp VAMC xử lý nhanh, gọn số nợ xấu đang nằm trong kho. Thông tư 09 cũng sửa đổi, bổ sung quy định về việc thực hiện mua nợ xấu theo giá trị thị trường như việc chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) thành khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường.

Kết quả, trong giai đoạn 2013-2017 (4 năm hoạt động từ khi VAMC được thành lập), để đưa tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống về mức dưới 3%, VAMC đã mua một khối lượng nợ xấu rất lớn. Tính đến 31/12/2017, VAMC mua 26.221 khoản nợ xấu từ 16.269 khách hàng với tổng dư nợ giá nội bảng là 307.932 tỷ đồng, giá trị mua 277.755 tỷ đồng (hơn 12 tỷ USD). (Đồ thị 1)

Đồ thị 1: Kết quả mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, 2013-2017

(Đơn vị: tỷ đồng đối với dư nợ gốc và giá mua)

image

(Nguồn: VAMC)

Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã cho phép áp dụng nhiều chính sách mới (so với pháp luật hiện hành) về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, góp phần tạo lập cơ sở pháp lý thuận lợi hơn cho việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán nợ xấu. Nghị quyết 42/2017/QH14 quy định thí điểm một số chính sách về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng (VAMC). Đồng thời, Nghị quyết 42/2017/QH14 đã quy định cụ thể tiêu chí, phạm vi, cách thức xác định một khoản nợ là nợ xấu được áp dụng các chính sách quy định tại Nghị quyết. Theo đó, có 6 NHTM được lựa chọn tiên phong triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 (ACB, Sacombank, BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank) nhằm đúc kết các vướng mắc, kinh nghiệm để hoàn thiện các văn bản hướng dẫn xử lý nợ xấu.

Kết quả, cùng với các biện pháp quản lý nợ xấu trong quá trình cơ cấu lại các TCTD, tỷ lệ nợ xấu bình quân toàn hệ thống TCTD đã giảm dần từ 17,21% dư nợ (tháng 9/2012) xuống còn 2,52% trong năm 2016 (và tiếp tục giảm xuống 2,34% trong năm 20173). Bên cạnh những nỗ lực trong giám sát hệ thống ngân hàng, những nỗ lực của VAMC trong xử lý nợ xấu với các biện pháp linh hoạt (như phát mại, đấu giá, bán tài sản, bán khoản nợ thông qua hình thức xử lý trực tiếp hoặc ủy quyền cho các TCTD…) là những yếu tố góp phần quan trọng nhằm giảm nợ xấu của hệ thống TCTD. Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (có hiệu lực trong 05 năm từ ngày 15/8/2017) đã cho phép áp dụng nhiều chính sách mới (so với pháp luật hiện hành) về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, góp phần tạo lập cơ sở pháp lý thuận lợi hơn cho việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán nợ xấu. (Đồ thị 2)

Đồ thị 2: Những chuyển biến tích cực trong quá trình giảm tỷ lệ nợ xấu

của hệ thống các TCTD Việt Nam, 2007-2017

Đơn vị: %

image

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước

2. Một số hạn chế trong xử lý nợ xấu và kiến nghị về các vấn đề trọng tâm

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả nhất định, nhưng quá trình xử lý nợ xấu vẫn tồn tại một số hạn chế. Một số TCTD phải trích lập dự phòng rủi ro lớn khiến hiệu quả kinh doanh không cao. Tỷ lệ nợ xấu mặc dù đã giảm xuống 2,34% vào cuối năm 2017 nhưng đây mới chỉ là nợ xấu nội bảng4, chưa tính đến số nợ xấu mà VAMC đã mua mà chưa xử lý được. Tổng nợ xấu mà công ty mua bán nợ VAMC đã mua, nhưng chưa xử lý được, là trên 200.000 tỷ đồng, chiếm 3,29% tổng dư nợ. Nếu so với các nước trong khu vực, con số này hiện còn cao hơn so với Philippine (1,7%), Indonesia (1,5%), Thái Lan (3%), Singapore (2,9%), Malaysia (2%). (Bảng)

Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ của Việt Nam so với các nước (%)

Năm Việt Nam Singapore Malaysia Thái Lan Philippin Indonesia Trung Quốc Nhật Bản
2010 2,52 1,4 3,4 3,9 3,4 2,5 1,1 2,5
2011 3,3 1,1 2,7 2,9 2,6 2,1 1,0 2,4
2012 4,86/17,2 1,0 2,0 2,4 2,2 1,8 1,0 2,4
2013 3,79 0,9 1,8 2,3 2,4 1,7 1,0 2,3
2014 3,7 0,8 1,6 2,3 2,0 2,1 1,1 1,9
2015 2,55 0,9 1,6 2,7 1,9 2,4 1,7 1,6
2016 2,46 1,1 1,7 2,9 2,0 3,0 1,7 1,5

(Nguồn: Cơ sở dữ liệu FSIs và NHNN)

Hai phương án xử lý nợ xấu được sử dụng nhiều nhất là để các NHTM tự xử lý nợ xấu bằng các phương pháp nghiệp vụ (thu hồi nợ, giảm/giãn nợ, chuyển cho công ty quản lý tài sản thuộc ngân hàng đó…) hoặc bán nợ cho VAMC. Đối với phương án bán nợ cho VAMC, mặc dù VAMC đã sử dụng các biện pháp xử lý nợ xấu linh hoạt như phát mại, đấu giá, bán tài sản, bán khoản nợ thông qua hình thức xử lý trực tiếp hoặc ủy quyền cho các TCTD…, song, tổng số nợ thu hồi được chiếm tỷ trọng khá nhỏ so với số nợ đã mua về. Tốc độ thu hồi nợ so với tổng dư nợ đã mua còn hạn chế, tỷ lệ khách hàng tự trả nợ chiếm 70%, còn lại 30% là bán nợ, bán tài sản bảo đảm.

Quyết định 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020”. Đề án nhằm tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường. Tuy nhiên, để có thể xử lý triệt để nợ xấu, lành mạnh hóa các tổ chức tín dụng gắn với tái cơ cấu hệ thống các TCTD đến năm 2020, những vấn đề trọng tâm sau cần được chú trọng nhằm xử lý những hạn chế còn tồn tại trong quá trình mua và thu hồi nợ, trong đó nổi bật là những vấn đề về nguồn lực xử lý nợ, triển khai thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14, thị trường mua bán nợ, định giá nợ xấu và chứng khoán hóa nợ xấu… Cụ thể:

Thứ nhất, vấn đề nâng cao năng lực xử lý nợ xấu cho VAMC. Quy mô vốn điều lệ của VAMC thấp (500 tỷ đồng lúc thành lập và được điều chỉnh tăng lên 2000 tỷ đồng từ tháng 3/2015) trong khi yêu cầu đặt ra là phải mua và xử lý khẩn cấp hàng trăm ngàn tỷ đồng. VAMC mua nợ xấu chủ yếu bằng trái phiếu đặc biệt do mình phát hành, không hấp dẫn được TCTD bán nợ. Việc không có sử dụng tiền mà sử dụng trái phiếu đặc biệt để mua nợ khiến VAMC mới chỉ mua nợ theo giá trị sổ sách và bị động trong xử lý thu hồi nợ. Trong khi đó, theo nhiệm vụ, VAMC phải đồng thời thực hiện nhiều hoạt động khác như: đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, khai thác, sử dụng, cho thuê tài sản đảm bảo đã được VAMC thu nợ, đầu tư tài chính, góp vốn, mua cổ phần… Do đó, với nhu cầu và yêu cầu xử lý nợ xấu như trên, số vốn điều lệ của VAMC quá nhỏ.

Thứ hai, xử lý vướng mắc trong triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14. Mặc dù Nghị quyết 42/2017/QH14 quy định tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBĐ hoặc tranh chấp về quyền xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu của TCTD; nhưng thực tế nếu người đi vay không đồng ý với những phương thức giải quyết của ngân hàng, hoặc không đồng ý phán quyết của tòa án vẫn có thể kiện lại ngân hàng. Trong trường hợp này, thủ tục tố tụng cũng sẽ kéo dài. Do đó, về nguyên tắc quy định đặt ra đúng và phù hợp, nhưng có rút gọn được hay không phải tùy vào tình hình thực tế ứng xử của hai bên. Còn nếu một trong hai bên muốn kéo dài vụ kiện để tranh thủ quyền lợi một cách chính đáng, luật pháp cũng phải tôn trọng những vụ kiện đó. Bởi trên thực tế, thời gian bình quân giải quyết tranh chấp giữa chủ nợ và con nợ tại Việt Nam qua tòa án thường 400 ngày, chi phí chiếm 29% giá trị khoản nợ.

Thứ ba, phát triển thị trường mua bán nợ cạnh tranh. Hiện tại hành lang pháp lý để vận hành thị trường mua bán nợ tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, như chủ thể tham gia thị trường bị giới hạn5 theo quy định của pháp luật, việc thu giữ và phát mại tài sản bảo đảm gặp nhiều vướng mắc pháp lý, quyền và trách nhiệm của người mua, bán nợ chưa được quy định rõ ràng. Hiện nay, việc mua bán nợ ngoài VAMC chỉ có Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) của Bộ Tài chính là hoạt động tích cực, ngoài ra, có 28 công ty mua bán nợ (AMC) của các ngân hàng thương mại nhưng nguồn lực rất hạn chế và hầu hết chỉ xử lý nợ nội bộ cho chính các ngân hàng mẹ, không tham gia thị trường mua bán nợ. Cùng với những hạn chế về năng lực, phương thức mua bán nợ của các công ty này trên thị trường còn thiếu tính đa dạng. Các công ty mua bán nợ thường áp dụng một phương pháp duy nhất là mua bán nợ theo thỏa thuận nên thiếu tính linh hoạt.

Thứ tư, vấn đề định giá nợ xấu. Thực tế hiện nay, VAMC chưa thể tự định giá các khoản nợ, trong khi các tổ chức định giá khoản nợ ở Việt Nam còn rất ít do thị trường mua bán nợ chưa phát triển, không có nhiều tổ chức định giá khoản nợ độc lập. Việc bán nợ phù hợp với giá thị trường có thể mang ý nghĩa lớn với những bên bán nợ có yếu tố Nhà nước, nhưng việc các tổ chức có tự nguyện tham gia hay không lại là vấn đề khác. Lý do được đưa ra là nếu trong quá khứ, các TSBĐ được định giá cao hơn nhiều so với giá trị thực, việc bán nợ theo giá thực tế có thể gây lỗ lớn cho tổ chức bán nợ. Ngoài ra, việc định giá các khoản nợ xấu sao cho minh bạch, đúng giá trị thị trường để không dẫn đến hiện tượng tiêu cực, bị trục lợi trong khi bán cũng là một vấn đề. Thực tế là hiện tại thị trường vẫn còn thiếu các cơ quan định giá và định mức tín nhiệm chuyên nghiệp.

Thứ năm, chứng khoán hóa nợ xấu. Hiện nay, phương thức này chưa thực hiện được vì để thực hiện chứng khoán hóa các khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm cho loại chứng khoán này phải mang tính thanh khoản cao, để một bên thứ ba có thể xử lý dễ dàng tài sản đó. Có 2 cách chứng khoán hóa nợ xấu: (i) Chứng khoán hóa khoản nợ của doanh nghiệp thành cổ phần; (ii) Phân loại nợ xấu và đưa bán trên thị trường chứng khoán. Trong đó, theo cách thứ nhất là ngân hàng có nợ xấu tại một doanh nghiệp không xử lý được sẽ phải chứng khoán hóa khoản nợ đó thành cổ phiếu. Một số TCTD tại Việt Nam đã thực hiện theo hình thức này6. Theo đó, ngân hàng chuyển đổi từ một người cho vay thành một người sở hữu doanh nghiệp, trở thành nhà đầu tư của doanh nghiệp. Trong thời gian gần đây, việc các doanh nghiệp chào bán cổ phiếu để hoán đổi lấy khoản nợ của chủ nợ được quan tâm hơn bởi cơ chế này đã được cụ thể hóa, mới nhất là trong Nghị định số 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.

Tuy nhiên, việc tiếp cận, xây dựng và triển khai thực hiện chứng khoán hóa nợ xấu ở Việt Nam còn gặp phải những khó khăn nhất định. Trong đó, trước hết là vấn đề nguồn nhân lực, đây là nhân tố mang tính chất quyết định đối với hoạt động tài chính nói chung và cho việc ứng dụng kỹ thuật chứng khoán hóa nói riêng. Bên cạnh đó, vấn đề đặt ra đối với việc chứng khoán hóa các khoản vay có thế chấp bất động sản là khả năng xử lý những rủi ro phát sinh trong quá trình chứng khoán khá khó khăn. Bởi trong kỹ thuật chứng khoán hóa khoản vay có thế chấp bất động sản của các NHTM, nguồn tài chính cho việc thanh toán gốc và lãi chứng khoán chủ yếu dựa vào tiền thu hồi nợ của khách hàng vay, trên cơ sở đảm bảo bởi các nhà cửa, bất động sản. Vì vậy, chỉ cần những rủi ro phát sinh về thu hồi nợ, về nợ quá hạn hoặc về thị trường bất động sản là khả năng chi trả của các trung gian đặc biệt (SPV) sẽ diễn biến theo chiều hướng xấu. Ngoài ra, cần xác định loại tài sản nào có thể được chứng khoán hóa, bán cho các nhà đầu tư không phân biệt trong, ngoài nước; loại tài sản nào sẽ không được bán cho nhà đầu tư nước ngoài.

Chú thích:

1Theo đó, VAMC được thu một số tiền trên số tiền thu hồi khoản nợ xấu theo tỷ lệ do NHNN quy định sau khi thống nhất với Bộ Tài chính (trừ đi số tiền VAMC đã thu trong trường hợp số tiền thu được từ thu hồi khoản nợ xấu lớn hơn số tiền đã thu trên). Ngược lại, trong trường hợp số tiền này nhỏ hơn số tiền VAMC đã thu theo quy định trên, VAMC không phải hoàn trả TCTD số tiền đã thu theo quy định trên.

Trước đó, Nghị định 53/2013/NĐ-CP chỉ quy định VAMC được hưởng một tỷ lệ trên số tiền thu hồi các khoản nợ xấu được VAMC mua bằng trái phiếu đặc biệt theo quy định của NHNN sau khi thống nhất với Bộ Tài chính.

2 Nghị định số 61/2017/NĐ-CP áp dụng với đối tượng là tổ chức Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng. Đồng thời, áp dụng với doanh nghiệp thẩm định giá; Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; Tổ chức tín dụng có nợ xấu bán cho tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng; Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc đấu giá tài sản là nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

3 Tính đến cuối tháng 9/2017.

4 Nợ tiềm ẩn, có khả năng không mất vốn, phát sinh khi ngân hàng và khách hàng ký các cam kết tín dụng, hạn mức thấu chi chưa sử dụng hoặc thư tín dụng

5 Khoản 2 Điều 26 Luật số 69/2014/QH13), VAMC mua nợ xấu của các TCTD nhưng không thể bán được nợ cho bên thứ ba (ngoài DATC, AMC của các TCTD) nếu không có chức năng kinh doanh về ngành nghề mua bán nợ.

6Ví dụ: Trường hợp của Khách sạn Bảo Sơn, Công ty cổ phần Thủy sản Bình an (Bianfishco).

Trong trường hợp này, để chứng khoán hóa các khoản nợ của doanh nghiệp, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã phối hợp với tổ chức chuyên xử lý nợ gắn với cơ cấu lại doanh nghiệp và DATC, chuyển hóa được một phần khoản nợ thành cổ phần thành công. Từ đó làm đòn bẩy để doanh nghiệp có thể thực thi tái cấu trúc thành công. SHB cùng DATC tham gia quản trị, điều hành mọi hoạt động tại Bianfishco, đặc biệt chú trọng vào phát triển sản xuất kinh doanh, quản lý tài chính, kiểm soát chi phí thị trường đầu vào và đầu ra.


Tài liệu tham khảo

1. Advisory Expert Group (2010). Non-performing loans. Advisory Expert Group Meeting.

2. Alan M. Taylor (2012). When Credit Bites Back: Leverage, Business Cycles, and Crises. Working Paper 2011-27. Published on October 2012.

3. Đặng Văn Dân (2016), “ Chứng khoán hóa khoản vay có thế chấp bất động sản: Nhìn nhận lợi ích và khả năng phát triển ở Việt Nam”, ĐH Ngân hàng TP HCM.

4. Kiểm toán Việt Nam (2013), Những điểm nghẽn cần giải quyết để xử lý nợ xấu một cách triệt để và có hiệu quả. Tạp chí Nghiên cứu khoa học kiểm toán số 71.

5. Lê Thị Thùy Vân và Vương Duy Lâm (2015), VAMC và xử lý nợ xấu: Một số vấn đề đặt ra và khuyến nghị chính sách, Sách Tài chính Việt Nam 2014 – 2015, Nhà xuất bản tài chính.

6. Lê Thị Thùy Vân (2017), “Nợ xấu và quản lý nợ xấu đối với các tổ chức tín dụng ở Việt Nam”. Đề tài NCKH cấp cơ sở năm 2017.

7. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Báo cáo thường niên các năm 2010-2016.

8. Phạm Thị Hoàng Anh (2016), Đánh giá các công cụ trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.

9. Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (2016), Tài chính Việt Nam 2015: Chủ động tài khóa, Thúc đẩy tăng trưởng, Nhà xuất bản tài chính.


SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 6/2018

Trích dẫn từ: Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – sbv.gov.vn

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: