admin@phapluatdansu.edu.vn

TỔNG QUÁT VỀ PHÁP LUẬT THỰC ĐỊNH CỦA CỘNG HÒA PHÁP VỀ CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM

NHÀ PHÁP LUẬT VIỆT – PHÁP – Trong khuôn khổ Tọa đàm về sửa đổi Bộ luật dân sự, phần các biện pháp bảo đảm, do Nhà Pháp luật Việt-Pháp tổ chức các ngày 11 và 12 tháng 1 năm 2012, Giáo sư Michel Grimaldi đến từ Đại học Paris II, Cộng hòa Pháp đã có bài trình bày tổng quát về pháp luật thực định của Pháp về các biện pháp bảo đảm. Dưới đây là tổng hợp một số nội dung chính trong bài trình bày của Giáo sư.

I. Một số vấn đề chung

Triết lý trái quyền và vật quyền trong Bộ luật dân sự

Bộ luật dân sự Pháp được thiết kế dựa trên hai chế định cơ bản là trái quyền và vật quyền. Trái quyền hay còn gọi là quyền đối nhân được hiểu là quyền của một chủ thể đối với một chủ thể khác. Vật quyền hay còn gọi là quyền đối vật là quyền của chủ thể tác động lên một vật.

Các biện pháp bảo đảm cũng được thiết kế theo triết lý trái quyền và vật quyền và được chia thành hai loại là vật quyền bảo đảm và trái quyền bảo đảm. Vật quyền bảo đảm có sức mạnh đặc biệt vì nó tạo ra quyền trực tiếp của chủ nợ có bảo đảm đối với giá trị kinh tế của tài sản bảo đảm, thể hiện ở quyền theo đuổi và quyền ưu tiên của chủ nợ có bảo đảm. Quyền theo đuổi là quyền truy đòi tài sản bảo đảm dù tài sản đó không còn được con nợ nắm giữ. Quyền ưu tiên là quyền của chủ nợ có bảo đảm được ưu tiên thanh toán trước các chủ nợ không có bảo đảm.

Pháp luật về các biện pháp bảo đảm của Pháp được cải cách căn bản vào năm 2006 và được pháp điển hóa thành quyển IV của Bộ luật dân sự. Tài liệu này đã Nhà Pháp luật dịch và gửi cho Ban soạn thảo, Tổ biên tập Bộ luật dân sự. Tinh thần cơ bản của cải cách này là bảo vệ một cách cân bằng quyền lợi của người có quyền và người có nghĩa vụ.

Phân loại các biện pháp bảo đảm

Theo nguồn gốc xác lập bảo đảm, có bảo đảm theo luật định, bảo đảm theo thỏa thuận và bảo đảm theo quyết định của Tòa án.

Bảo đảm theo luật định: là các quyền ưu tiên được pháp luật thừa nhận cho một số chủ thể xác định, bao gồm chủ yếu Nhà nước (đối với các khoản nợ thuế), người lao động (các khoản nợ lương).

Bảo đảm theo thỏa thuận: là biện pháp bảo đảm được xác lập trên cơ sở một hợp đồng (hợp đồng cầm cố, thế chấp…) được pháp luật quy định.

Bảo đảm theo quyết định của Tòa án: là biện pháp bảo đảm do Tòa án quyết định theo yêu cầu của bên có quyền (ví dụ: chủ nợ cho rằng có nguy cơ không thu hồi được khoản nợ của mình thì có thể yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp bảo đảm để bảo toàn tài sản của con nợ).


TRA CỨU THAM LUẬN ĐẦY ĐỦ TẠI ĐÂY

TRA CỨU QUYỂN IV. CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM THỰC HIỆN NGHĨA VỤ – BLDS CỘNG HÒA PHÁP TẠI ĐÂY

SOURCE: TỌA ĐÀM VỀ SỬA ĐỔI BLDS 2005, PHẦN BẢO ĐẢM THỰC HIỆN NGHĨA VỤ. BỘ TƯ PHÁP & NHÀ PHÁP LUẬT VIỆT – PHÁP. Hà Nội. 11-12/1/2012

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: