PGS.TS. NGUYỄN NGỌC ĐIỆN – Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM (Civillawinfor: Tham luận góp ý sửa đổi BLDS 2005)
1. Những điểm bất hợp lý của chế độ bảo đảm nghĩa vụ hiện hành
Bảo đảm nghĩa vụ: hạn chế quyền sở hữu. Trong luật Việt Nam hiện hành, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nói chung và, nói riêng, bảo đảm nghĩa vụ bằng thế chấp, cầm cố tài sản được xem lả các quan hệ pháp lý (có nguồn gốc từ hợp đồng) giữa hai con người, cụ thể là giữa bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm. Luật Việt Nam không dung nạp khái niệm vật quyền, bởi vậy không hình dung khả năng phân biệt các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ thành bảo đảm đối vật và bảo đảm đối nhân như luật của các nước châu Âu. Có tác dụng xác lập nghĩa vụ bảo đảm, quan hệ bảo đảm nghĩa vụ trong luật Việt Nam có thể có đối tượng là một tài sản đặc thù, như trong trường hợp cầm cố, thế chấp, hoặc cả một khối tài sản thuộc về một chủ thể, như trong trường hợp bảo lãnh bằng tín chấp của ngân hàng hoặc của các tổ chức xã hội. Nói riêng về các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ bằng cầm cố hoặc thế chấp tài sản, trong khung cảnh của luật thực định, các biện pháp này không tạo ra quyền trực tiếp của chủ nợ có bảo đảm đối với tài sản được cầm cố, thế chấp, mà được cho là có tác dụng “treo” quyền định đoạt của chủ sở hữu hay đúng hơn nữa là đặt việc thực hiện quyền đó dưới sự giám sát nghiêm ngặt của chủ nợ1.
Một khi được cầm cố hoặc thế chấp, tài sản không thể được chuyển dịch cho đến khi việc cầm cố hoặc thế chấp được giải trừ một cách hợp pháp, trừ trường hợp có sự đồng ý của chủ nợ nhận thế chấp. Do thế chấp tài sản thiết lập sự hạn chế đối với quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu mà trên nguyên tắc việc định đoạt tài sản thế chấp bị coi là hành vi trái pháp luật. Nhận thức xã hội thậm chí trên thực tế đã đi đến chỗ rất cực đoan: trong nhiều trường hợp việc bán tài sản trong thời gian thế chấp mà không có sự dồng ý của bên nhận thế chấp đã bị nhà chức trách xác định là những vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng và bị xem xét, xử lý ở góc độ hình sự theo tội danh lừa đảo để chiếm đoạt tài sản.
Cũng vì quan hệ thế chấp là quan hệ giữa hai chủ thể, chứ không phải là quan hệ có tác dụng xác lập quyền trực tiếp của bên nhận thế chấp đối với tài sản, mà một khi nợ được bảo đảm không được trả, chủ nợ nhận thế chấp phải làm động tác yêu cầu chủ sở hữu giao tài sản cho mình xử lý (BLDS Điều 351 khoản 5). Nếu chủ sở hữu không giao, thì trong logic của sự việc, chủ nợ phải kiện ra toà án để yêu cầu cưỡng chế theo thủ tục chung về tố tụng dân sự chứ không có cách nào khác. Nói chung, trong khung cảnh luật thực định, bảo đảm nghĩa vụ bằng thế chấp tài sản hầu như chỉ có tác dụng tạo thế ưu tiên của chủ nợ có bảo đảm trong mối quan hệ với các chủ nợ khác của người thế chấp liên quan đến việc xử lý tài sản thế chấp để thu nợ. Nó không tạo được sự khác biệt về vị thế của chủ nợ trước người thế chấp về phương diện quyền đối với tài sản thế chấp.
Trường hợp có nhiều nghĩa vụ được bảo đảm bằng một tài sản. Về bản chất, bảo đảm nghĩa vụ, dù mang tính chất đối vật hay đối nhân, được xác định là biện pháp có tác dụng tạo sự an tâm của chủ nợ đối với khả năng thu hồi nợ. Nếu đã có đủ sự tin cậy đối với người mắc nợ, chủ nợ có thể không cần biện pháp bảo đảm; nếu có sự tin cậy nhưng chưa đủ, thì chủ nợ có thể đòi hỏi bảo đảm việc hoàn trả ít nhất đối với một phần số nợ; còn nếu không thể tin vào lời hứa suông của người mắc nợ, chủ nợ có thể yều cầu cụ thể hoá lời hứa bằng sự bảo đảm chắc chắn đối với việc hoàn trả toàn bộ số nợ.
Nói chung, có cần bảo đảm nghĩa vụ hay không và nếu cần thì dưới hình thức nào và nhất là đến mức độ chặt chẽ nào và đến phạm vi nào là những vấn đề, trên nguyên tắc, gắn với lợi ích riêng tư của chủ nợ và là chuyện riêng của người này. Người làm luật Việt Nam nhận thức được điều này; bởi vậy, tại BLDS Điều 319 khoản 1, có ghi: “Nghĩa vụ dân sự có thể được bảo đảm một phần hoặc toàn bộ theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật”. Thực ra pháp luật chỉ quy định mang tính can thiệp về phương diện xác định phạm vi bảo đảm nghĩa vụ đối với những nghĩa vụ xác lập theo luật, chẳng hạn nghĩa vụ cấp dưỡng. Các nghĩa vụ có nguồn gốc kết ước được bảo đảm đến đâu là chuyện do các bên viết ra, luật pháp không làm thay.
Thế nhưng, khi giải quyết vấn đề dùng một tài sản để bảo đam nhiều nghĩa vụ cùng một lúc, người làm luật lại nói: “Một tài sản có thể được dùng để bảo đảm nhiều nghĩa vụ dân sự, nếu có giá trị tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác” (BLDS Điều 324 khoản 1). Có thể nhận thấy từ điều luật đó mong muốn của người làm luật về khả năng “bảo bọc” nợ của tài sản thế chấp. Từ đó nảy sinh nghịch lý: trong trường bảo đảm một nghĩa vụ, thì tài sản có thể chỉ bảo đảm một phần nghĩa vụ; nhưng khi bảo đảm nhiều nghĩa vụ, thì điều cần thiết là tài sản phải có khả năng bảo đảm tất cả các nghĩa vụ đó một cách toàn bộ.
Nói khác đi, với Điều 324 khoản 1, người làm luật dã chủ động can thiệp vào quá trình kết ước dân sự và cuối cùng trở thành người giám hộ bất đắc dĩ của các bên trong quan hệ bảo đảm nghĩa vụ. Luật nhà ở còn đi xa hơn nữa vào việc kết ước loại này bằng cách chỉ cho phép dùng một nhà ở bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ được xác lập với cùng một tổ chức tín dụng (Điều 114). Với quy định của luật nhà ở, thậm chí việc thế chấp nhà ở giữa người dân với nhau cũng vô hiệu: quyền thế chấp nhà ở chỉ còn được giới hạn trong một phạm vi chủ thể rất hẹp. Vật quyền bảo đảm nghĩa vụ được người soạn thảo điều luật đó nhào nặn để trở thành một quan hệ đối nhân thuần tuý. Thậm chí trong chừng mực nào đó, nó còn khiến cho các quyền chủ nợ có bảo đảm trở thành các quyền gắn chặt với nhân thân của chủ nợ: nếu quyền đòi nợ được chuyển nhượng cho người khác, biện pháp bảo đảm đối với quyền đòi nợ ấy tự nhiên phải biến mất, do không đáp ứng được điều kiện ngặt nghèo của điều luật, theo đó, một tài sản chỉ được thế chấp để bảo đảm nhiều nghĩa vụ đối với cùng một chủ nợ.
2. Lợi ích của việc thừa nhận tính chất vật quyền của quan hệ bảo đảm nghĩa vụ
Tháo gỡ những ràng buộc phí lý của quan hệ bảo đảm nghĩa vụ đối với quyền sở hữu. Luật của các nước châu Âu, như ở Pháp, Đức, thừa nhận rằng chủ nợ có bảo đảm bằng việc cầm cố, thế chấp tài sản có quyền trực tiếp đối với giá trị kinh tế của tài sản. Quyền này phân biệt với quyền sở hữu, là quyền trực tiếp đối với bản thể vật lý của tài sản. Nói khác đi, tài sản được cầm cố, thế chấp vẫn thuộc về người có quyền sở hữu; tuy nhiên, trong trường hợp nghĩa vụ có bảo đảm không được thực hiện, thì chủ nợ cò bảo đảm có quyền kê biên và bán tài sản rồi thu hồi nợ từ tiền bán tài sản. Quyền đó được thực hiện mà không cần sự hợp tác của chủ sở hữu: người này phải tôn trọng quyền của chủ nợ có bảo đảm và phải để yên cho chủ nợ thực hiện quyền, nhất là không được phép có hành vi gây trở ngại cho việc thực hiện quyền đó.
Cần nhấn mạnh rằng do quyền sở hữu đối với tài sản thế chấp, cầm cố không bị hạn chế mà chủ sở hữu vẫn có thể chuyển nhượng tài sản của mình trong tình trạng đang được cầm cố, thế chấp. Tất nhiên, muốn cho quy tắc ấy thực sự có ý nghĩa, điều quan trọng là phải làm thế nào để người mua nắm bắt đầy đù tình trạng pháp lý của tài sản, bao gồm mối quan hệ bảo đảm nghĩa vụ ràng buộc tài sản, để có thể một mặt, xác lập hợp đồng chuyển nhượng với các điều kiện hợp lý, nhất là không bất lợi đối với mình, mặt khác, có thái độ ứng xứ đúng mực trong mối quan hệ giao tiếp với các chủ thể có các quyền đặc biệt đối với tài sản, như chủ nợ nhận thế chấp. Để giải quyết vấn đề, người làm luật các nước tiền tiến dựa vào hệ thống đăng ký và công bố. Cụ thể, việc thế chấp tài sản được ghi nhận trong sổ đăng ký do một cơ quan chuyên môn quản lý và việc đăng ký một quyền dối với tài sản có tác dụng công khai về phương diện pháp lý sự tồn tại của quyền này. Bởi vậy, trên nguyên tắc, chủ sở hữu tài sản không có trách nhiệm thông tin cho người giao dịch với mình về những ràng buộc pháp lý đối với tài sản giao dịch một khi những ràng buộc ấy đã được ghi chép vào sổ đăng ký. Chính người giao dịch, kể cả người mua tài sản, phải tự mình liên hệ với cơ quan quản lý việc đăng ký để yêu cầu cung cấp mọi thông tin do cơ quan này nắm giữ dựa theo sổ đăng ký liên quan đến tình trạng pháp lý của tài sản. Nếu đã biết rõ tình trạng thế chấp của tài sản mà vẫn chấp nhận mua, thì trong trường hợp nợ không được trả và tài sản bị kê biên, thì người mua chỉ có thể lựa chọn giữa hai giải pháp: hoặc chấp nhận trả trọn số nợ để bảo toàn tài sản; hoặc bỏ mặc tài sản cho chủ nợ xử lý2. Cho phép khai thác tốt nhất năng lực bảo đảm của tài sản. Vật quyền bảo đảm, một khi được thiết lập, sẽ giúp chủ nợ có bảo đảm thiết lập quyền ưu tiên so với các chủ nợ khác trong việc khai thác giá trị kinh tế của tài sản để thu hồi nợ. Cụ thể, chủ nợ có quyền lấy trước số tiền cần thiết cho việc trả nợ từ tiền bán tài sản; các chủ nợ khác chỉ được lấy sau khi chủ nợ có bảo đảm đã thực hiện xong quyền đòi nợ của mình mà tiền bán tài sản vẫn còn thừa. Việc thiết lập quyền ưu tiên của chủ nợ có bảo đảm cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức trả nợ trong trường hợp có nhiều chủ nợ được bảo đảm bằng giá trị của cùng một tài sản. Hệ thống đăng ký có tác dụng tạo ra thứ bậc ưu tiên của các chủ nợ có bảo đảm: chủ nợ đăng ký trước được phép lấy trước so với chủ nợ đăng ký sau. Trước khi xác lập giao dịch bảo đảm, chủ nợ cần tìm hiểu thông tin về tình trạng bảo đảm nghĩa vụ của tài sản tại cơ quan đăng ký, từ đó hiểu được mình có bao nhiêu phần trăm khả năng thu hồi được nợ từ việc xử lý tài sản liên quan, nói chung, từ việc xử lý các tài sản của người mắc nợ trong trường hợp xấu nhất mà người mắc nợ không tự nguyện trả nợ. Có thể nói rằng với việc thừa nhận tính chất vật quyền của quan hệ bảo đảm nghĩa vụ và với một hệ thống đăng ký vận hành tốt, người làm luật sẽ rũ bỏ được tâm trạng lo âu kỳ quặc về số phận của những món nợ tư nhân, từ đó sẽ thấy không cần đòi hỏi rằng giá trị tài sản phải đủ để thanh toán tất cả các khoản nợ có bảo đảm, như tại BLDS Điều 324 khoản 1. Cũng nhờ hệ thống đăng ký có chức năng xếp hạng ưu tiên các chủ nợ có bảo đảm mà chính chủ nợ, chứ không phải người mắc nợ, mới là người có lợi ích trong việc xúc tiến việc đăng ký. Nhận thức được điều này, người làm luật sẽ coi đăng ký là một quyền của chủ nợ chứ không phải là một nghĩa vụ của người mắc nợ như hiện nay (Luật đất đai năm 2003 Điều 130 khoản 1 điểm b); tương ứng, việc xoá đăng ký để khôi phục tình trạng bình thường của tài sản là quyền của người mắc nợ phát sinh sau khi biện pháp bảo đảm được tháo gỡ, chứ không phải là một nghĩa vụ của chủ nợ có bảo đảm (BLDS Điều 350 khoản 2).
Chú thích:
1 Theo BLDS Điều 348 khoản 4, người thế chấp tài sản không được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 349. Với quy tắc này, thì tài sản thế chấp chỉ được bán trong hai trường hợp: 1. Đó là hàng hoá cần luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh; 2. Chủ nợ nhận thế chấp cho phép bán, trao đổi,… Người làm luật không quan tâm đến vấn đề bán, trao đổi,… đối với tài sản cầm cố, có lẽ vì nhận thấy điều đó không cần thiết do tài sản đã nằm trong tay chủ nợ.
2 Luật của Pháp còn thừa nhận một cách loại trừ rủi ro đối với người mua khi mua một tài sản đang ở trong tình trạng thế chấp, gọi là sự thanh tiêu (purge): BLDS Pháp Điều 2475 và kế tiếp. Với phương thức thanh tiêu, người mua có quyền đề nghị giải trừ thế chấp đối với tài sản bằng cách trả tiền mua tài sản trực tiếp cho các chủ nợ có bảo đảm, thay vì trả cho người bán. Một trong những vấn đề bật ra khi áp dụng phương thức xử lý này là làm sao ngan ngừa khả năng thông đồng giữa người bán và người mua để hạ thấp giá bán so với giá trị thực của tài sản. Luật nói rằng nếu thấy giá bán thấp một cách không bình thường, chủ nợ có quyền yêu cầu đưa tài sản ra bán đấu giá (BLDS Pháp Điều 2480).
SOURCE: TỌA ĐÀM VỀ SỬA ĐỔI BLDS 2005, PHẦN BẢO ĐẢM THỰC HIỆN NGHĨA VỤ. BỘ TƯ PHÁP = NHÀ PHÁP LUẬT VIỆT – PHÁP. HÀ NỘI. 11-12/1/2012
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: 1. SỬA ĐỔI BLDS 2005, 3. VẬT QUYỀN, Quy định chung về nghĩa vụ và bảo đảm nghĩa vụ |
Leave a Reply