NGUYỄN THỊ LƯƠNG TRÀ
Trong thời gian qua, một số khó khăn, vướng mắc đã phát sinh khi thực hiện các giao dịch liên quan tới tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng như: cơ sở cụ thể để xác định một tài sản là tài sản chung hay tài sản riêng của vợ chồng; việc xác định tư cách đại diện của một bên vợ, chồng khi tham gia giao kết các hợp đồng, giao dịch có liên quan đến tài sản chung của vợ, chồng… Điều này khiến cho các bên trong giao dịch có thể gặp rủi ro như hợp đồng, giao dịch bị tuyên vô hiệu hoặc các giao dịch bảo đảm bị tuyên vô hiệu dẫn tới các khoản nợ có bảo đảm thành nợ không có bảo đảm.
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp lần thứ 7 thông qua ngày 19/6/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về chế độ tài sản vợ chồng trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, qua đó giải quyết được một số khó khăn, vướng mắc trong việc xác lập, thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản của vợ chồng. Bài viết dưới đây xin giới thiệu một số thay đổi cơ bản có tác động tới hoạt động ngân hàng trong quy định về chế độ tài sản vợ chồng tại Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật (Civillawinfor: Tác giả viết bài này tại thời điểm BLDS năm 2015 và BLTTDS năm 2015 chưa được ban hành).
1. Về việc công nhận chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận
Theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, chế độ tài sản vợ chồng thực hiện theo luật định bao gồm việc xác định tài sản chung, tài sản riêng, nghĩa vụ chung, nghĩa vụ riêng vợ chồng… Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 công nhận việc vợ chồng phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân nhưng chỉ trong trường hợp vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác1.
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đã có điểm mới quan trọng khi công nhận chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận. Theo đó Luật cho phép vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận2. Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn và vợ chồng có thể thỏa thuận về xác định tài sản theo một trong các nội dung: (i) Tài sản giữa vợ và chồng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng; (ii) Giữa vợ và chồng không có tài sản riêng của vợ, chồng mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc tài sản chung; (iii) Giữa vợ và chồng không có tài sản chung mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được tài sản đó; (iv) Xác định theo thỏa thuận khác của vợ chồng3. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận sửa đổi, bổ sung một phần hoặc toàn bộ nội dung của chế độ tài sản đó hoặc áp dụng chế độ tài sản theo luật định. Thỏa thuận sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật4. Việc quy định cho phép áp dụng chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận giúp cho các giao dịch liên quan đến tài sản vợ chồng được rõ ràng và thông thoáng hơn, các bên có thể nhanh chóng xác định được tài sản trong giao dịch là tài sản chung hay tài sản riêng vợ chồng cũng như xác định được bên có quyền xác lập, thực hiện giao dịch đối với khối tài sản đó.
Bên cạnh đó, để đảm bảo bên thứ ba có đầy đủ thông tin khi thực hiện giao kết với vợ chồng, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực và trong giao dịch với người thứ ba (ví dụ giao dịch bảo đảm với tổ chức tín dụng), vợ chồng có nghĩa vụ cung cấp cho người thứ ba biết về những thông tin liên quan. Nếu vợ, chồng vi phạm nghĩa vụ này thì người thứ ba được coi là ngay tình và được bảo vệ quyền lợi theo quy định của Bộ luật Dân sự5. Quy định này cũng được áp dụng tương tự trong trường hợp sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng. Theo đó, để đảm bảo quyền lợi, tổ chức tín dụng khi thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản vợ, chồng nên yêu cầu vợ, chồng xác nhận việc có/không có thỏa thuận áp dụng chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận, nội dung của thỏa thuận nếu có xác lập thỏa thuận.
2. Về việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung vợ chồng
Theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung vợ chồng có giá trị lớn hoặc là nguồn sống duy nhất của gia đình, việc dùng tài sản chung để đầu tư kinh doanh phải được vợ chồng bàn bạc, thỏa thuận, trừ tài sản chung đã được chia để đầu tư kinh doanh riêng6. Trong khi đó, việc xác định tài sản chung có giá trị lớn của vợ chồngquá chung chung, chưa cụ thể7, gây khó khăn cho bên giao dịch với vợ chồng khi phải xác định tài sản chung trong giao dịch có giá trị lớn trong khối tài sản chung của vợ chồng hay không và giao dịch họ muốn xác lập có cần sự giao kết của cả vợ chồng hay không? Điều này dẫn tới những rủi ro tiềm ẩn cho các bên khi ký kết các hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản chung vợ chồng mà chỉ ký kết với một bên vợ hoặc chồng.
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đã có cách tiếp cận vấn đề này một cách rõ ràng, cụ thể hơn. Theo đó, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 khi quy định việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung vợ chồng không lấy “giá trị lớn” làm cơ sở xác định cần có sự thỏa thuận của vợ chồng. Về nguyên tắc, Luật khẳng định việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung vợ chồng phải do vợ chồng thỏa thuận.
Cụ thể, trong trường hợp vợ chồng lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận thì các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng. Trường hợp áp dụng chế độ tài sản vợ chồng theo luật định hoặc trong thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng không quy định về việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản chung thì việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận. Vợ chồng có thể cùng xác lập giao dịch với bên thứ ba liên quan đến tài sản chung vợ chồng; hoặc đại diện cho nhau để xác lập thực hiện giao dịch với bên thứ ba theo quy định về đại diện tại Luật hôn nhân và gia đình và Bộ luật dân sự; hoặc cùng thỏa thuận cho một người được toàn quyền định đoạt đối với khối tài sản chung.
Tuy nhiên, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định rõ, một bên vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung vợ chồng mà không cần có thỏa thuận chung vợ chồng vẫn được pháp luật công nhậntrong các trường hợp sau đây:
(i) Khi áp dụng chế độ tài sản vợ chồng theo luật định, trong trường hợp vợ chồng xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung (không bao gồm tài sản là bất động sản, động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu, tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình) để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì được coi là có sự đồng ý của bên kia8. Nhu cầu thiết yếu cũng được Luật làm rõ, là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình9. Quy định này cũng sẽ được áp dụng cho chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận nếu tại thỏa thuận của vợ chồng chưa thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng về vấn đề này.
(ii) Trong trường hợp vợ chồng kinh doanh chung thì vợ hoặc chồng trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh được xác định là người đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó (trừ trường hợp trước khi tham gia quan hệ kinh doanh, vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc Luật này và các luật liên quan có quy định khác). Trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó (thỏa thuận vợ chồng phải lập thành văn bản)10. Quy định này hoàn toàn phù hợp với bản chất hoạt động kinh doanh khi các giao dịch phải được tiến hành một cách thường xuyên, nhanh chóng và khi các bên đối tác chỉ quan tâm tới người đại diện trực tiếp tham gia quản lý, điều hành việc kinh doanh. Quy định giúp đảm bảo cơ sở cho việc xác lập, thực hiện các giao dịch trong kinh doanh và xác định nghĩa vụ liên đới giữa vợ chồng khi vợ chồng cùng tham gia kinh doanh.
(iii) Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, cụ thể:
Thứ nhất, vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó11.
Thứ hai, vợ, chồng đang chiếm hữu động sản mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó trong trường hợp Bộ luật dân sự có quy định về việc bảo vệ người thứ ba ngay tình12.
Người thứ ba sẽ không được coi là ngay tình trong trường hợp: (i) Đã được vợ, chồng cung cấp thông tin liên quan theo quy định về cung cấp thông tin về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận trong giao dịch với người thứ ba; (ii) Vợ chồng đã công khai thỏa thuận theo quy định của pháp luật có liên quan về việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản và người thứ ba biết hoặc phải biết nhưng vẫn xác lập, thực hiện giao dịch trái với thỏa thuận của vợ chồng.
Như vậy, theo các quy định nêu trên, các bên trong giao dịch sẽ không phải “loay hoay” định lượng tài sản chung nào là “tài sản có giá trị lớn” để xác định tư cách tham gia giao dịch của vợ chồng. Luật cũng đã minh bạch hóa một bước các giao dịch liên quan đến việc định đoạt tài sản chung vợ chồng. Theo đó, đối với các tài sản chung phải đăng ký quyền sở hữu ((i) Bất động sản; (ii) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu) hoặc tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình, việc định đoạt tài sản chung phải có sựthỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng13 (nghĩa là trong giao dịch liên quan đến việc định đoạt tài sản này như thế chấp bảo đảm nghĩa vụ vay tại tổ chức tín dụng phải do cả hai vợ chồng xác lập, thực hiện, trừ trường hợp Luật có quy định khác). Đối với tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu, vợ, chồng đang chiếm hữu động sản được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó trong trường hợp Bộ luật dân sự có quy định về việc bảo vệ người thứ ba ngay tình14.
3. Về việc đại diện giữa vợ và chồng trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chung chỉ ghi tên vợ hoặc chồng
Với mục đích đảm bảo quyền lợi bình đẳng của vợ chồng đối với tài sản chung vợ chồng và đảm bảo minh bạch trong việc xác định tài sản chung vợ chồng, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng. Tuy nhiên, do đặt trong quy định chung về xác định tài sản chung vợ chồng dẫn tới có nhiều cách hiểu chưa đúng về việc ghi tên hai vợ chồng trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản như: nếu giấy chứng nhận chỉ ghi tên vợ hoặc chồng thì tài sản đó là tài sản riêng của vợ, chồng; hoặc vợ hoặc chồng ghi tên trên giấy chứng nhận là người đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch đối với khối tài sản đó… Trên thực tế thời gian qua vẫn có trường hợp cấp giấy đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản chung vợ chồng nhưng chỉ ghi tên một người. Trong khi đó, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 không có quy định cụ thể về các giao dịch liên quan đến tài sản chung của vợ chồng trong trường hợp này.
Để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng và gia đình, quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba, sự an toàn trong giao dịch, khi xác lập, thực hiện các giao dịch đối với tài sản chung của vợ chồng mà theo quy định pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng trong giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ ghi tên vợ hoặc chồng, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đã bổ sung quy định về việc đại diện giữa vợ và chồng trong trường hợp này. Theo đó, vợ hoặc chồng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản chung vợ chồng sẽ không đương nhiên là người đại diện cho người còn lại để xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung vợ chồng. Việc đại diện giữa vợ và chồng trong trường hợp này được thực hiện theo quy định về căn cứ xác lập đại diện giữa vợ và chồng và xác định đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh. Trong trường hợp vợ hoặc chồng có tên trên các giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản tự mình xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch với người thứ ba trái với quy định về đại diện giữa vợ và chồng của Luật hôn nhân và gia đình thì giao dịch đó vô hiệu, trừ trường hợp có đủ căn cứ xác định người thứ ba ngay tình theo quy định của Bộ luật dân sự15.
Mặc dù tại Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đã đưa ra quy định đảm bảo quyền lợi cho người thứ ba ngay tình theo quy định của Bộ luật Dân sự, tuy nhiên hiện nay theo quy định tại dự thảo Bộ luật dân sự năm 2015, trong trường hợp tài sản giao dịch là bất động sản hoặc là động sản phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa. Do đó, các tổ chức tín dụng khi nhận đảm bảo bằng tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng để tránh gặp rủi ro cần lưu ý: (i) Đối với tài sản mà trên giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu ghi tên cả hai vợ chồng thì việc xác lập, thực hiện giao dịch đối với tài sản này phải có sự tham gia của cả vợ và chồng. (ii) Đối với tài sản mà trên giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu chỉ ghi tên một người thì cần yêu cầu người đó cung cấp các thông tin cần thiết để xác định tài sản được cấp có phải là tài sản chung vợ chồng (nhưgiấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản được cấptrước hay trong thời kỳ hôn nhân, có văn bản thỏa thuận của vợ chồng về việc tài sản giao dịch là tài sản riêng/chung của vợ, chồng…). Trường hợp tài sản giao dịch là tài sản chung vợ chồng, việc xác lập thực hiện giao dịch đối với tài sản này phải có sự tham gia của cả vợ và chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận riêng bằng văn bản về việc cho một người được toàn quyền định đoạt tài sản.
Ngoài ra, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung còn chưa rõ ràng về việc xác định tài sản chung, tài sản riêng, nghĩa vụ chung, nghĩa vụ riêng của vợ chồng … tại Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2015. Với những sửa đổi, bổ sung cơ bản về chế độ tài sản vợ chồng, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 được hy vọng sẽ góp phần minh bạch hóa tài sản chung, tài sản riêng vợ chồng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong các giao dịch liên quan đến tài sản vợ chồng, đảm bảo lợi ích của các bên tham gia giao dịch, đặc biệt là các giao dịch có liên quan đến tài sản chung của vợ chồng với tổ chức tín dụng ./.
Chú thích:
1 Khoản 1 Điều 29 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 2 Khoản 1 Điều 28 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 3 Khoản 1 Điều 15 Nghị định 126/2014/NĐ-CP 4 Điều 17 Nghị định 126/2014/NĐ-CP 5 Điều 47 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014; Điều 16 Nghị định 126/2014/NĐ-CP 6 Khoản 3 Điều 28 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 *7 Khoản 3 Điều 4 Nghị định 70/2001/NĐ-CP quy định “Tài sản chung có giá trị lớn của vợ chồng nói tại khoản 1, khoản 2 Điều này được xác định căn cứ vào phần giá trị của tài sản đó trong khối tài sản chung của vợ chồng”. 8 Khoản 1 Điều 13 Nghị định 126/2014/NĐ-CP 9 Khoản 20 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 10 Điều 25, 36 Luật hôn nhân và gia đình Khoản 1 Điều 32 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 12 Khoản 2 Điều 32 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 13 Khoản 2 Điều 35 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 14 Khoản 1 Điều 138 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Trong trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản giao dịch là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 257 của Bộ luật này” 15 Điều 26 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
Trích dẫn từ: https://www.sbv.gov.vn
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: 3. VẬT QUYỀN, Giao dịch - Đại diện - Thời hiệu, Quan he tai san |
em đang là đề tài khóa luận về đề tài xác định tài sản vợ chồng tại giao dịch ngân hàng thương mại Việt Nam , và em đang vướng ở chỗ bất cập ạ, không biết anh chị có thể giúp đỡ em k ạ