admin@phapluatdansu.edu.vn

KỶ YẾU HỘI THẢO VIỆT – PHÁP NĂM 2011 VỀ SỬA ĐỔI BỘ LUẬT DÂN SỰ

Thời gian qua có một số ý kiến băn khoăn về một số nội dung mới trong Bộ luật dân sự năm 2015 chưa được thảo luận một cách thấu đáo. Civillawinfor trân trọng giới thiệu Kỷ yếu Hội thảo Việt – Pháp về “Sửa đổi Bộ luật dân sự” tại Nhà Pháp luật Việt – Pháp (năm 2011) để các bạn có thêm thông tin.

Trích

Bình luận của Ông Alain LACOUR về Bộ luật dân sự (BLDS) Pháp :

Như Giáo sư GRIMALDI đã nói, BLDS Pháp là một bộ luật thống nhất, do những người trực tiếp thực thi pháp luật là các thẩm phán Tòa phá án biên soạn nhằm 2 mục đích : kế thừa truyền thống pháp luật phong kiến và tiếp thu những thành tựu của Cách mạng Pháp. Do đó, bộ luật này vừa giữ lại những khái niệm và học thuyết của pháp luật La Mã (phần nghĩa vụ và sở hữu), đồng thời thiết lập những quy định nghiêm ngặt để gìn giữ những thành tựu cách mạng (quyền bình đẳng giữa các chủ thể, hạn chế các quy định mang màu sắc phong kiến…). Chẳng hạn, khi hai bên giao kết hợp đồng mà hợp đồng đó không nêu rõ thời hạn thực hiện, mỗi bên hoàn toàn có thể rút lui khỏi hợp đồng vì đó không phải là cam kết vĩnh viễn. Tương tự, các quy định về dịch quyền cũng hết sức nghiêm ngặt, dịch quyền chỉ áp dụng đối với một thửa đất, vì lợi ích của một thửa đất khác chứ không phải của một chủ thể khác.

BLDS Pháp là bộ luật nền tảng, bộ luật gốc và là bộ luật duy nhất trong số 4 bộ luật lớn của Pháp đã tồn tại qua hơn hai thế kỷ. Khi biên soạn BLDS, có thể cân nhắc giữa 2 phương thức sau đây : hoặc chỉ đề ra những nguyên tắc cơ bản và không đi sâu vào từng chi tiết, tình huống, để có thể thích ứng dễ dàng với những thay đổi trong đời sống xã hội; hoặc dự kiến tối đa các tình huống có thể xảy ra và phương án giải quyết. Dĩ nhiên các tình huống đưa ra phải hết sức cụ thể, tuy nhiên, với phương thức này, các thẩm phán có thể lúng túng trước những tình huống mới nảy sinh. Vì vậy, chúng tôi nghiêng về phương thức thứ nhất, đó là BLDS nên chỉ đưa ra những nguyên tắc chung, tổng quát làm kim chỉ nam cho các thẩm phán để họ linh hoạt áp dụng vào từng vụ việc cụ thể.

Ông François TOURET DE COUCY – Phó Giám đốc Nhà Pháp luật Việt – Pháp:

Tôi nhận thấy rằng thẩm phán ở Việt Nam thường chịu sự ràng buộc của các quy định pháp luật và không có thẩm quyền giải thích luật hoặc tự mình giải quyết những tình huống mà luật chưa đề cập đến. Điều này cũng đặt ra nhiều vấn đề liên quan tính linh hoạt của các quy định pháp luật, tính thích đáng của việc biên soạn BLDS mới. Quả vậy, nếu thẩm phán Việt Nam không có thẩm quyền giải thích luật, sau 5, 10 năm, các quy định trong BLDS sẽ không còn phù hợp nữa, dẫn đến việc phải sửa đổi, bổ sung BLDS thêm một lần nữa. Dĩ nhiên, các bạn hoàn toàn có thể đề ra những quy định càng cụ thể càng tốt, nhưng đối với những tranh chấp chưa được quy định trong pháp luật, có thể đề ra những tư tưởng, những nguyên tắc chung làm nền tảng cho các thẩm phán để họ giải quyết những tình huống mới nảy sinh trên tinh thần đó. Một lí do khiến cho BLDS Pháp, dù trải qua một số lần thay đổi, bổ sung nhưng vẫn giữ nguyên cấu trúc của nó, đó là vì ở Pháp, thẩm phán có thẩm quyền giải thích luật và áp dụng luật vào từng bối cảnh cụ thể. Các bạn có thể lựa chọn phương án phù hợp, nhưng phải lưu ý rằng nếu không cho thẩm phán quyền giải thích và áp dụng luật một cách linh hoạt, BLDS Việt Nam có thể phải trải qua một lần sửa đổi bổ sung trong vòng 10 năm, 20 năm nữa.

Giáo sư Michel GRIMALDI:

Vậy thẩm phán có quyền từ chối xét xử với lí do là luật không quy định hay không? Câu trả lời là không. Theo Điều 4 BLDS Pháp, thẩm phán không thể từ chối xét xử, với lí do luật không quy định, quy định không rõ ràng hoặc không đầy đủ. Tùy theo luật quy định cụ thể hay chung chung mà thẩm phán có thể rơi vào những tình huống khác nhau. Nếu luật quy định rõ ràng, mọi chuyện vô cùng đơn giản. Trong trường hợp luật quá chung chung, thẩm phán phải tự mình tìm hiểu nguyên tắc ẩn dấu đằng sau từng câu chữ và có cách giải thích luật phù hợp. Tùy thuộc vào truyền thống pháp luật của từng nước, đặc biệt là điều kiện bổ nhiệm và hành nghề mà thẩm phán có thẩm quyền rộng hay hẹp. Theo Portalis, «thẩm phán là người phát ngôn của pháp luật», tức chỉ có vai trò giải thích pháp luật chứ không có vai trò làm luật. Tuy nhiên, từ hơn một thế kỷ nay, nhờ sự tích cực của giới thẩm phán mà pháp luật của Pháp đã biến đổi không ngừng.


TRA CỨU TOÀN VĂN KỶ YẾU TẠI ĐÂY

SOURCE: NHÀ PHÁP LUẬT VIỆT – PHÁP

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading