GS.TS. PAMELA S. KATZ – Đại học Sage (New York), Học giả Chương trình Fulbright tại Việt Nam năm 2012-2013; Chương trình Fulbright tại Ấn Độ năm 2016
NCS. LÊ NGUYỄN GIA THIỆN – Khoa Luật, Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TP.HCM
Dẫn nhập:
Hệ thống tòa án có thể được xem là chế định bền vững và ít thay đổi nhất tại Hoa Kỳ. Những nhà soạn thảo Hiến pháp Hoa Kỳ đã tiên đoán được những thách thức mà nhánh quyền lực này gặp phải khi giải thích và thi hành pháp luật, đặt trong khung cảnh của một quốc gia liên bang, cũng như các bang trong tổng thể hệ thống chính quyền liên bang.
Những nhà lập hiến Hoa Kỳ đồng ý thiết lập một hệ thống tòa án lưỡng cấp, mà ở đó các tòa án liên bang, dù có thẩm quyền hạn chế, vẫn có những sự ảnh hưởng rất lớn khi các tòa này thực thi quyền tư pháp của mình. Hệ thống tự điều chỉnh theo chiều dọc của các tòa án, cũng như sự cân bằng và đối trọng giữa các nhánh quyền lực nhà nước, giúp hạn chế những sự lạm dụng quyền lực một cách tuyệt đối ở tất cả các nhánh quyền lực, bao gồm cả nhánh tư pháp.Sự cân bằng một cách hài hòa giữa tính ổn định và tính linh hoạt của hệ thống tòa án được duy trì một cách xác đáng trong nhiều thế kỷ, mặc dù trải qua không ít thách thức.Tuy nhiên, các thách thức phải đối mặt ngày nay thực sự phức tạp, đòi hỏi sự cố gắng của tất cả hệ thống nhằm khắc phục những khó khăn cũng như phát huy những thế mạnh của hệ thống tòa án Hoa Kỳ.
I. Hệ thống tòa án lưỡng cấp
Tồn tại hai hệ thống tòa án tại Hoa Kỳ, hệ thống tòa án liên bang được thiết lập bởi Hiến pháp Hoa kỳ và Đạo luật tư pháp liên bang , còn hệ thống tòa án bang được thiết lập bởi hiến pháp và luật của 50 bang khác nhau (US, 1879, Judicial Act). Theo Điều III Hiến pháp Hoa Kỳ, các tòa án liên bang là những tòa án có thẩm quyền xét xử hạn chế. Các tòa án này chỉ có thể xét xử các vụ việc:
…theo quy định của Hiến pháp và các điều luật của Hoa Kỳ, các hiệp ước đã hoặc sẽ ký dưới thẩm quyền của Chính phủ; đối với các trường hợp liên quan tới các đại sứ, các công sứ và các lãnh sự, đối với các trường hợp liên quan tới luật pháp hàng hải và hải quân; đối với các tranh tụng trong đó Chính phủ
Hợp chủng quốc là một bên tranh chấp; đối với các cuộc tranh chấp giữa hai bang trở lên, giữa một bang với các công dân của bang khác, giữa các công dân của các bang khác nhau, giữa các công dân trong một bang tranh chấp đất đai do các bang khác nhau cấp, giữa một bang hoặc các công dân của bang đó với ngoại quốc hoặc với công dân hoặc thần dân ngoại quốc (US, Judiciary Act 1789, ch. 20, § 25, 1 Stat. 73, 85).
Khi một vụ việc được đưa đến các tòa án liên bang, bao gồm cả sơ thẩm và thượng thẩm, Điều III sẽ được áp dụng. Nếu không, vụ việc sẽ được trả về cho các tòa án bang. Thẩm quyền và cấu trúc của các tòa án bang không được đề cập trong Hiến pháp, Tu chính án thứ 10 với quy tắc ‘những quyền lực không được Hiến pháp trao cho Liên bang và không ngăn cấm các bang thực hiện, thì thuộc về các bang tương ứng hoặc thuộc về nhân dân’ sẽ được áp dụng. Theo đó, các tòa án bang là các tòa án có thẩm quyền chung, căn cứ vào những giới hạn được mô tả trong luật của từng bang (US, Constitution). Với tư cách là những tòa án có thẩm quyền chung, các tòa án bang cũng có thể xét xử các vụ việc có liên quan đến việc giải thích Hiến pháp Hoa Kỳ, luật của liên bang và một số vấn đề thuộc về thẩm quyền của các tòa liên bang, các tòa bang thực hiện điều này rất thường xuyên. Tùy theo nguyên đơn chọn tòa nào để giải quyết vụ việc của mình, khi họ có sự lựa chọn giữa các tòa án bang và liên bang. Bị đơn có quyền yêu cầu tòa án liên bang bác đơn của nguyên đơn, nếu nguyên đơn chọn tòa án bang để giải quyết vụ việc mà lẽ ra thuộc về thẩm quyền của tòa án liên bang (US, 28 U.S.C. Judiciary and Judicial Procedure). Theo nguyên tắc chung, khi một vụ việc được yêu cầu giải quyết tại một tòa án liên bang, vụ việc này không thể cùng lúc được xét xử tại một tòa án bang, cũng không được tòa án liên bang xử lại. Tương tự, nếu một vụ việc đang được giải quyết bởi một tòa án bang thì các bên không thể mang đến một tòa án bang để nhờ xử lại, càng không thể yêu cầu tòa án liên bang xử cùng lúc với tòa án bang. Các nguyên tắc collateral estoppel và res judicata cấm bên nguyên đơn thực hiện khởi kiện nhiều lần về cùng một vụ việc (Legal Information Institute of Cornell Law School, 1992).
Các phán quyết của tòa án bang có thể bị phúc thẩm bởi các tòa thượng thẩm bang và các phán quyết của tòa sơ thẩm liên bang (Federal District Court) có thể bị phúc thẩm bởi các tòa thượng thẩm liên bang (Federal Circuit Court). Tòa thượng thẩm liên bang có thể xử phúc thẩm vụ việc đã được tòa sơ thẩm bang xử trước đó, và ngược lại tòa thượng thẩm bang cũng có quyền phúc thẩm các phán quyết của tòa sơ thẩm liên bang, dù rằng việc này là vô cùng hạn hữu. Tình huống phổ biến nhất của việc xem xét lại bản án đã được xử phúc thẩm của các Tòa thượng thẩm liên bang là khi các yêu cầu thượng tố được mang đến trước Tòa án tối cao Hoa Kỳ, nhằm cậy nhờ tòa này đưa ra phán quyết cuối cùng liên quan đến các vấn đề về tính hợp hiến (constitutional questions) hay xem xét lại các cáo buộc về thân trạng (habeas corpus) (Legal Information Institute of Cornell Law School, 1992).
II. Các tòa án liên bang và sự tiến triển của Điều III Hiến pháp
Quan ngại lớn nhất mà những nhà lập hiến Hoa Kỳ nhận thấy, khi xem xét về sự phát triển của hệ thống tòa án liên bang, là làm sao để đảm bảo được sự độc lập của nhánh tư pháp đối với các nhánh khác của quyền lực nhà nước. Một nhánh tư pháp độc lập và minh bạch là yếu tố nền tảng và phải luôn luôn được duy trì. Chỉ khi thông qua một hệ thống minh bạch, khách quan và tự điều chỉnh, những nguyên tắc pháp quyền mới được bảo đảm.
Nguyên tắc cân bằng và đối trọng được xây dựng cho hệ thống tòa án tiếp tục phát huy hiệu quả, mặc dù không phải là không có những khó khăn . Để trở thành thành viên hội đồng thẩm phán các tòa án liên bang, ứng viên phải thông qua sự giới thiệu của tổng thống và sau đó phải được Thượng nghị viện thông qua (US, Constitution, Article II). Trong khi một số quốc gia tin rằng tư pháp độc lập yêu cầu sự lựa chọn, bổ nhiệm thẩm phán phải được thực hiện bởi các thẩm phán . Hiến pháp Hoa Kỳ không cho phép các thành viên của hội đồng thẩm phán các tòa hoặc các luật sư đoàn bổ nhiệm thẩm phán hay luật sư của mình . Khi lựa chọn một thẩm phán để bổ nhiệm vào các Tòa sơ thẩm liên bang, nguyên tắc senatorial courtesy sẽ được pháp dụng: Tổng thống sẽ tìm những sự đề cử dành cho các ứng viên từ những Thượng nghị sỹ của bang mà vị trí trống cần được bổ nhiệm . Theo đó, ví dụ, nếu có một chỗ trống trong hội đồng thẩm phán của Toà sơ thẩm liên bang tại New York, Tổng thống sẽ yêu cầu các Thượng nghị sỹ của bang New York đề xuất một ứng viên. Ở bang New York, thực tiễn chỉ ra rằng hai Thượng nghị sỹ của bang này sẽ thay phiên nhau giới thiệu các ứng viên cho Tổng thống. Đối với việc bổ nhiệm vào các chỗ trống trong trường hợp các tòa phúc thẩm liên bang và Tòa án tối cao Hoa Kỳ, Tổng thống sẽ có thẩm quyền kiểm tra năng lực và lý lịch của các ứng viên thông qua Nhà trắng, Bộ Tư pháp liên bang và Cục Điều tra liên bang.Tổng thống cũng nhận được những bản đánh giá từ các nhánh quyền lực nhà nước khác ở nhiều cấp độ khác nhau, các nhóm hữu quan, các luật sư đoàn, các thành viên những đảng phái chính trị… Người được Tổng thống giới thiệu sẽ là người có đầy đủ năng lực, nhận thức giống Tổng thống và quan điểm chính trị giống với đa sốnhững người biểu quyết cho vị trí còn trống đó (các Thượng nghị sỹ của Thượng nghị viện) .
Việc thay thế một thẩm phán liên bang được tiến hành thông qua một sự đàn hạch (hay luận tội – impeachment), tuy vậy điều này cũng rất khó xảy ra, vì các nguyên tắc của sự đàn hạch này được thiết kế nhằm bảo vệ các thẩm phán khi thẩm phán đưa ra những quyết định tư pháp của mình. Thẩm phán có quyền đưa ra những quyết định không mang tính phổ biến, miễn là luật cho phép làm như vậy. Các cơ sở để thay thế thẩm phán rất hạn hữu và quy trình cũng rất phức tạp, mang tính bảo vệ các thẩm phán rất cao. Thực ra, chỉ có 7 thẩm phán liên bang từng bị đàn hạch và chưa từng có bất kỳ thẩm phán nào của Tòa án tối cao bị thay thế thông qua các phiên đàn hạch này (Edwards và những người khác 2011).
Hiến pháp quy định các thẩm phán liên bang có nhiệm kỳ suốt đời, nghĩa là các thẩm phán này sẽ không bị bổ nhiệm lại, để duy trì sự có mặt của mình trong thành phần hội đồng thẩm phán của tòa mà mình phụng sự. Tương tự, Hiến pháp hạn chế sự can thiệp của các nhánh hành pháp và tư pháp vào vấn đề lương bổng của các thẩm phán. Điều III Hiến pháp nói rằng ‘các thẩm phán của Tòa án tối cao và các tòa án cấp dưới sẽ giữ chức vụ của mình đến suốt đời nếu luôn luôn có hành vi chính đáng, và trong thời gian nêu trên, họ được nhận khoản tiền lương cho công việc của mình và khoản tiền này sẽ không bị giảm đi trong thời gian tại chức’US, (Constitution, Article III, 1). Tại vị suốt đời và việc không thể bị giảm lương của các thẩm phán tòa án liên bang giúp hạn chế việc các phán quyết tư pháp sẽ thiên vị cho một số người, nhất là khi những người này lại kiểm soát sự bổ nhiệm và lương bổng của các thẩm phán. Tính độc lập và khách quan là những nguyên tắc bất di bất dịch của hệ thống tòa án.
Nhánh tư pháp là một nhánh độc lập của quyền lực nhà nước và không cần phải giải trình một cách trực tiếp với người dân. Tổng thống được bầu thông qua một cuộc bầu cử quy mô toàn liên bang và các nhà lập pháp được bầu cử thông qua các bang của mình (trong trường hợp các Thượng nghị sỹ) hoặc các khu vực bầu cử (trong trường hợp các Hạ nghị sỹ). Sự bổ nhiệm các thẩm phán không thông qua sự bầu cử của người dân mà thông qua sự giới thiệu của Tổng thống và bổ nhiệm của Thượng viện. Hoàn toàn không có bất kỳ một sự giải trình nào về sự trì hoãn các vấn đề tư pháp (ngoài trừ quy trình đàn hạch, vốn dĩ rất khó thực hiện). Có nhiều sự lo lắng và quan ngại giữa các đại biểu tham gia Hội nghị lập hiến và của cả nhân dân về tính bất khả giải trình của các nhánh quyền lực nhà nước. Giới hạn thẩm quyền của các tòa án liên bang phần nào giảm bớt được những sự quan ngại này. Những người phản đối trả lời trên Tờ Người liên bang số 78 (The Federalist 78), viết bởi Alexander Hamilton và xuất bản trong Tạp chí Độc lập (Independent Journal) ngày 14/7/1788.Theo đó, Hamilton giải thích rằng nhánh tư pháp thực sự là nhánh có quyền lực ít nhất của cả bộ máy nhà nước vì:
Bất cứ ai quan tâm đến sự khác nhau giữa các nhánh quyền lực nhà nước phải hiểu rằng, trong một nhà nước mà các nhánh quyền lực được tách bạch với nhau, nhánh tư pháp, xuất phát từ chức năng căn bản của mình, sẽ luôn là nhánh quyền lực ít nguy hiểm nhất đối với các quyền chính trị được thiết lập bởi Hiến pháp; vì vốn dĩ nó ít có khả năng nhất trong việc ảnh hưởng hoặc gây phương hại đến các quyền này.Nhánh hành pháp không chỉ có thanh danh, mà còn nắm giữ uy quyền của cộng đồng. Nhánh lập pháp không chỉ chi phối ngân quỹ, mà còn thiết lập các quy tắc điều chỉnh các nghĩa vụ và quyền của mỗi công dân. Nhánh tư pháp, ngược lại, không có bất kỳ sự ảnh hưởng nào đối với ngân quỹ và uy quyền, không chi phối sức mạnh cũng như sự thịnh vượng của xã hội; đồng thời cũng không có bất kỳ tác động trực tiếp nào. Có thể không quá khi nói rằng nhánh này không có cả quyền lực lẫn ý chí, nó chỉ có sự phán xét; và hoàn toàn phải dựa vào sự hỗ trợ của lực lượng hành pháp trong việc hiện thực hóa các phán xét của mình (The Federalist 78).
Phúc quyết tư pháp (judicial review), khả năng mà tòa án bác bỏ hoặc xác nhận tính hợp hiến của các đạo luật được ban hành bởi các nhánh quyền lực khác, đã được thảo luận rất nhiều tại Hội nghị lập hiến nhưng chỉ thực sự được công nhận sau đó thông qua vụ kiện giữa Marbury kiện Madison . Giải thích Hiến pháp rõ ràng là chức năng của tòa án. Trong vụ Marbury, Tòa án tối cao đã có những bước đi hợp lý khi sử dụng quyền lực tối thượng của mình để tự trao cho mình thẩm quyền bác bỏ các đạo luật được thông qua bởi tòa án cũng như các sắc lệnh được Tổng thống ban hành.
III. Cấu trúc của tòa án Liên bang
Điều III của Hiến pháp Hoa Kỳ chỉ đề cập đến Tòa án tối cao. Điều này trao quyền cho pháp cơ quan lập pháp trong việc thiết lập các tòa án cấp dưới trong một số trường hợp cần thiết (US, Constitution, Article III, 1). Đạo luật Tư pháp 1789, sau những lần tu chỉnh, cũng như các luật bổ sung đã thiết lập nên hệ thống các tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm cũng như nhiều Tòa đặc thẩm (tòa có thẩm quyền đặc biệt) trong toàn bộ hệ thống tòa án liên bang (Judiciary Act 1789).
Tòa sơ thẩm liên bang gọi là U.S. District Courts. Có tổng cộng 94 Tòa sơ thẩm liên bang, bao gồm ít nhất một Tòa sơ thẩm liên bang ở mỗi bang, Quận Columbia và Puerto Rico. Số lượng Tòa sơ thẩm liên bang được xác định thông qua cơ quan lập pháp, căn cứ vào tính hiệu quả và phân bổ nguồn lực. Các bang có nhiều dân cư, nhiều vụ tranh chấp thì sẽ được thiết kế nhiều tòa án hơn và phân bổ nguồn lực cũng nhiều hơn. Các tòa sơ thẩm liên bang là các tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm các vụ việc trong giới hạn của Điều III Hiến pháp .Nếu các bên có nhu cầu phúc thẩm vụ việc của mình, vốn đã được xét xử bởi các Tòa sơ thẩm liên bang, thì có thể cầu viện các Tòa thượng thẩm liên bang (U.S. Circuit Court of Appeals) phù hợp, căn cứ vào vị trí địa lý.
Thẩm quyền phúc thẩm liên bang được phân cho 12 Tòa thượng thẩm liên bang, bao gồm các tòa được đánh số thứ tự từ 1 đến 11 và D.C Circuit (Tòa thượng thẩm liên bang Quận Columbia) . Việc yêu cầu Tòa thượng thẩm liên bang phúc thẩm lại các bản án đã được Tòa sơ thẩm liên bang xét xử hầu hết liên quan đến vấn đề nhận định và áp dụng sai pháp luật. Khi yêu cầu phúc thẩm tại Tòa thượng thẩm liên bang, bên nguyên kháng (bên yêu cầu phúc thẩm) và bên bị kháng sẽ nộp các văn bản để biện hộ cho mình và cùng tham dự vào phiên tranh tụng trước hội đồng xét xử gồm 3 thẩm phán. Hội đồng xét xử, sau khi xem xét vụ việc, sẽ tuyên y án sơ thẩm hoặc hủy phán quyết của Tòa sơ thẩm liên bang. Hội đồng xét xử cũng có quyền trả vụ việc về cho Tòa sơ thẩm liên bang để tòa này tìm ra các tình tiết mới hoặc, theo yêu cầu của một bên, sẽ xét xử lại cả vụ việc theo nguyên tắc en banc (in bench) với sự tham gia của các thẩm phán Tòa thượng thẩm liên bang (thường là 7 người).
Bên thua trong phiên phúc thẩm trước Tòa thượng thẩm liên bang có thể thượng tố vụ việc của mình một lần nữa lên Tòa án tối cao. Để thượng tố, bên này cần nộp một yêu cầu thượng tố đến Tòa án tối cao (writ of certiorari) với các lập luận xác đáng về lý do tại sao Tòa án tối cao nên xét xử lại vụ việc của mình. Bên thắng trong phiên phúc thẩm, nếu không muốn Tòa án tối cao xem xét lại vụ việc mà mình đã thắng, có thể nộp các biện hộ và trình bày lý do tại sao Tòa án tối cao không nên xem xét yêu cầu của bên thua kiện. Nguyên tắc “pháp đình bằng hữu” (amicus curiae) cũng được áp dụng, theo đó những người dù không phải là các bên trong vụ việc, vẫn có quyền hỗ trợ Tòa án tối cao trong việc gửi các nhận xét, đánh giá, thông tin mình có được liên quan đến các bên trong vụ việc. Quan điểm thắng thế nhất được áp dụng khi Tòa án tối cao chấp thuận thỉnh cầu của bên thực hiện tố quyền, ví dụ như chấp thuận xét xử lại vụ việc khi có một sự sai biệt về mặt nhận thức ở các tòa thượng thẩm liên bang (split in the circuits), nghĩa là các tòa thượng thẩm liên bang giải thích khác nhau về cùng một luật hoặc về các nguyên tắc của Hiến pháp (Edwards và những người khác 2011).
Chỉ có Tòa án tối cao với 9 thẩm phán khi xét xử vụ việc. Tòa án tối cao chỉ thụ lý một số lượng rất nhỏ những vụ việc mà mình nhận được, thường thì 99% tổng số các yêu cầu thượng tố đều không được xem xét (Edwards và những người khác 2011). Các thẩm phán và thư ký của Tòa án tối cao xem xét các yêu cầu thượng tố một cách liên tục. Nếu 4 thẩm phán đồng ý xem xét vụ việc, yêu cầu thượng tố được chấp thuận và vụ việc được đưa vào lịch xét xử. Các lập luận cũng như lịch xét xử và phiên tranh luận sẽ được gửi cho các bên đương sự và các bên hỗ trợ tòa án (những pháp đình bằng hữu).
Sau khi một vụ việc được tranh luận, quy trình đưa ra phán quyết của Tòa án tối cao thường không công khai. Chỉ biết rằng một khi được các thẩm phán đưa ra phán quyết theo đa số, Chánh án Tòa án tối cao, nếu cũng là người ra quyết định theo đa số sẽ ký thông qua phán quyết này. Nếu Chánh án không phải là người quyết định theo số, thẩm phán có thâm nhiên nhất trong số các thẩm án đưa ra quyết định sẽ ký thông qua phán quyết này. Dự thảo phán quyết của Tòa án tối cao sẽ được chuyển cho tất cả các thẩm phán và nếu cần thiết thì sẽ có những sự điều chỉnh, trên cơ sở thỏa thuận giữa những thẩm phán này. Cuối cùng, một quyết định chung thẩm sẽ được thông qua khi có từ 5 đến 9 thẩm phán đồng ý, các ý kiến không đồng ý của những thẩm phán khác cũng được ghi nhận và đính kèm theo phán quyết này. Phán quyết dựa trên quyết định của đa số thẩm phán là nguyên tắc nền tảng nhất (Edwards và những người khác 2011).
IV. Sự chính trị hóa các tòa án
Những nhà lập hiến Hoa Kỳ đã nỗ lực thiết lập các nền tảng cho một hệ thống tư pháp phi chính trị và tự điều chỉnh, nhằm tránh hỏi những tác động từ các nhánh quyền lực hoặc những tổ chức khác. Tuy nhiên, qua nhiều biến chuyển của lịch sử Hoa Kỳ, những nỗ lực này phần nào bị ảnh hưởng và hạn chế nhiều. Trong thế kỷ 21, đặc biệt là khoảng đầu năm 2016 đến nay, vấn đề chính trị hóa tòa án đã thách thức các chức năng cũng như mục đích của hệ thống tòa án Hoa Kỳ. Các tòa án liên bang được cho là chịu ảnh hưởng ít nhất về mặt chính trị trong số các nhánh quyền lực nhà nước. Các thẩm phán được bổ nhiệm, chứ không phải được bầu. Việc các thẩm phán không phải giải trình với bất kỳ ai về các quyết định tư pháp của mình không ảnh hưởng nhiều về mặt chính trị . Bên cạnh đó, việc các thẩm phán đưa ra những quyết định của mình cũng không ảnh hưởng gì đến việc tại vị của họ.
Dĩ nhiên, chính trị có ảnh hưởng nhất định trong quá trình bổ nhiệm thẩm phán, đặc biệt là khi Tổng thống là người của đảng chính trị không chiếm đa số ở Thượng nghị viện (những người phê chuẩn sự giới thiệu của Tổng thống). Tổng thống nhiều khi phải giới thiệu một ứng viên, dù có năng lực tốt, nhưng có khuynh hướng chính trị khác với Ủy ban tư pháp của Thượng nghị viện, hay rộng hơn là của cả Thượng nghị viện. Nếu ứng viên là thẩm phán hoặc học giả có tiếng, sẽ có những bản thu thập về nội dung các bài viết, phát biểu, quan điểm của ứng viên như thế nào, một số ứng viên vì điều này mà không được Thượng nghị viện thông qua. Nhận định này, cùng với các vấn đề chính trị xung quanh việc bổ nhiệm, nhất là các thẩm phán Tòa án tối cao Hoa Kỳ, càng nhận được nhiều sự quan tâm hơn khi thẩm phán Antonin Scalia qua đời ngày 13/2/2016.
Việc bổ nhiệm gặp nhiều khó khăn dưới các điều kiện nhất định. Các Tổng thống là người của đảng chiếm thiểu số ở Thượng nghị viện hoặc là những người thực hiện việc bổ nhiệm vào cuối nhiệm kỳ của mình càng đối mặt với nhiều khả năng bị phản đối hơn. Các Tổng thống…dự định bổ nhiệm những người có thể thay đổi sự cân bằng trong Tòa án tối cao cũng nhiều khả năng đối mặt với những sự phản đối (Edwards và những người khác 2011).
Tất cả các vấn đề này đều được bộc lộ vào năm 2016. Vào thời điểm 9 thẩm phán của Tòa án tối cao phân hóa thành 4 người theo khuynh hướng cởi mở và 4 người theo khuynh hướng bảo thủ , sự qua đời của thẩm phán bảo thủ Scalia có đã dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ về bản chất của Tòa án tối cao, nếu một người có khuynh hướng cởi mở ngồi vào vị trí mà thẩm phán này để lại. Ngay sau sự qua đời đột ngột của Scalia, lãnh đạo của nhóm Nghị sỹ chiếm đa số thuộc Đảng Cộng hòa thông báo rằng họ sẽ không xem xét sự giới thiệu của Tổng thống Obama (thuộc Đảng dân chủ), nhưng vẫn sẽ đợi cho đến khi cuộc bầu cử vào tháng 11/2016, để xem liệu nguyện vọng của người dân về vấn đề này như thế nào . Ngày 16/3/2016, Tổng thống Obama giới thiệu thẩm phán Merrick Garland vào chỗ trống, vì ‘tìm một ứng viên có quan điểm phù hợp sẽ dẫn đến sự phản đối của Đảng Cộng hòa, đơn giản vì lý do chính trị’ (New York Times ngày 16 tháng 3 năm 2016) . Đến ngày 10/5/2016, thẩm phán Garland nộp các yêu cầu bổ nhiệm và các bản cáo bạch cho Ủy ban Tư pháp của Thượng viện, nhưng không được xem xét, đồng nghĩa với việc thẩm phán Garland không thể ngồi vào vị trí của thẩm phán Tòa án tối cao.
Các luật gia sau đó có những quan điểm trái chiều về tính hợp hiến trong các hành động của Thượng nghị viện cũng như những lựa chọn cho Tổng thống Obama. Cùng lúc, Tòa án tối cao kết thúc chương trình làm việc năm 2016 với nhiều quyết định có 4 phiếu thuận, 4 phiếu chống, đã làm cho Tòa án tối cao gặp nhiều khó khăn về các vấn đề như di trú và công đoàn.
Không lâu sau khi nhậm chức, ngày 31/1/2017 Tổng thống Donald Trump đã giới thiệu thẩm phán Tòa thượng thẩm liên bang Neil Gorsuch vào vị trí trống ở Tòa án tối cao mà thẩm phán Scalia để lại. Vị thẩm phán này, cũng như thẩm Garland trước đó, có đầy đủ năng lực làm việc và đã được Thượng viện phê chuẩn với sự đồng thuận cao khi được giới thiệu vào vị trí thẩm phán Tòa thượng thẩm liên bang theo đề nghị của Tổng thống George W. Bush trước đây. Nhưng khác với Garland, Gorsuch có khuynh hướng bảo thủ về các vấn đề xã hội, chính trị và cả tư pháp. Điều này sẽ không gây nên những vấn đề rắc rối vì mọi việc đã được quyết định bởi những đảng viên Đảng Cộng hòa vốn chiếm đa số ở Thượng viện, những người đã đồng thuận với sự giới thiệu theo quy định của Điều II Hiến pháp, .
Vào tháng 3/2017, việc giới thiệu thẩm phán Gorsuch được gửi đến Ủy ban Tư pháp của Thượng viện để cơ quan này xem xét. Ủy ban Tư pháp đã đồng thuận với sự giới thiệu này và đề xuất thông qua ở Thượng viện, nơi mà Đảng Cộng hòachiếm số ghế quá bán (51 trên 100 ghế). Phiên bỏ phiếu thông qua của Thượng viện về việc giới thiệu thẩm phán Gorsuch được tiến hành vào ngày 7/4/2017. Trong khi trước đây, các ứng viên thẩm phán của Tòa án tối cao cần phải có được 60 phiếu để được Thượng viện thông qua sự giới thiệu của Tổng thống thì nay quy tắc bỏ phiếu đã được thay đổi theo hướng thuận lợi hơn cho các ứng viên vì họ chỉ cần đạt được đa số phiếu là sẽ được thông qua vị trí thẩm phán của mình (trong trường hợp của Gorsuch là 54 phiếu thuận và 45 phiếu chống).
Kết luận
Hệ thống tư pháp lưỡng cấp là sản phẩm đặc trưng của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, mục tiêu và tôn chỉ của hệ thống tòa án liên bang là tính độc lập, phi chính trị và chất lượng xét xử tốt. Các cơ chế được tạo ra bởi Hiến pháp Hoa Kỳ nhằm đạt được các mục tiêu của Hiến pháp, bao gồm cả nguyên tắc cân bằng và đối trọng, đã thực sự hoạt động hiệu quả. Sự khác biệt trong đời sống xã hội và chính trị ở Hoa Kỳ đã gây ra một trở ngại khác thường đối với hệ thống tòa án, nó duy trì sự tác động đối với tòa án và việc thiết lập án lệtheo Hiến pháp trong tương lai.
Chú thích:
1. (US, Judiciary Act1789, ch. 20, § 25, 1 Stat. 73, 85).
2. Xem Phần IV của bài viết này về sự chính trị hóa hệ thống tòa án.
3. Theo (Chintan Chandrachud2015) thì ở Ấn Độ hiện nay có nhiều sự quan tâm tranh luận về vấn đề này.
4. George C. Edwards, III, Martin P. Wattenberg, Robert L. Lineberry(2011) nhận định rằng các thẩm phán đương nhiệm thường xuyên được tham vấn cùng với Nhà trắng, Bộ Tư pháp liên bang và Cục Điều tra liên bang để đánh giá về các ứng viên tiềm năng. Các cơ quan này hoặc những cơ quan khác nữa có thể tìm kiếm những ứng viên cho Tổng thống lựa chọn. Các thẩm phán và luật sư Tòa án tòa án tối cao, thông qua Ủy ban thường vụ của American Bar Association (Liên đoàn thẩm phán và luật sư Tòa án tối cao) có thể đưa ra những nhận xét, đánh giá về các ứng viên tiềm năng hoặc các ứng viên được lựa chọn.
5. Tất cả các ứng viên đều phải được kiểm tra về năng lực và lai lịch bởi Nhà trắng, Bộ Tư pháp liên bang và Cục Điều tra liên bang.
6. Đôi khi, một tỷ lệ đa số áp đảo được yêu cầu trước Thượng nghị viện, nếu sự cản trở (filibuster) được tiến hành. Filibuster nghĩa là các thượng nghị sỹ từ chối kết thúc tranh luận về một vấn đề nào đó (bao gồm cả việc bổ nhiệm các thẩm phán) để hướng đến việc không thể bỏ phiếu thông qua vấn đề này, xem (Edwards và những người khác 2011).
7. “Marbury v. Madison”.Oyez. Chicago-Kent College of Law at Illinois Tech, website https://www.oyez.org/ cases/ 1789-1850/5us137, (truy cập ngày 21/6/2016).
8. Theo (US, Constitution, Article II, 2, 2), rất hiếm khi Tòa án tối cao có thẩm quyền giới hạn. Thẩm quyền này bao gồm “… các trường hợp liên quan tới các đại sứ, các công sứ và các lãnh sự…”
9. Tòa Thượng thẩm Quận Columbia giải quyết hầu hết các tranh các vụ việc về phúc thẩm án hành chính. Tòa Thượng thẩm liên bang thứ 13 (Court of Appeals for the Federal Circuit) thụ lý phúc thẩm một số vụ việc chuyên sâu, như về nhãn hiệu và các vụ việc đã được xử sơ thẩm tại Tòa Thương mại quốc tế liên bang và Tòa hành chính liên bang.
10. Với ngoại lệ là quy trình đàn hạch, thẩm phán tòa cấp dưới khi bị thẩm phán tòa cấp trên hủy án, hoặc trả hồ sơ lại để điều tra bổ sung cũng không ảnh hưởng đến khả năng tại vị của thẩm phán tòa cấp dưới đó.
11. Thẩm phán Anthony Kennedy là người có khuynh hướng cởi mở khi thông qua các phán quyết.
12. Người dân sẽ không bỏ phiếu trực tiếp để bầu ra thẩm phán Tòa án tối cao, nhưng việc họ bầu Tổng thống cũng gián tiếp dẫn đến việc giới thiệu thẩm phán Tòa án tối cao.
13. NEW YORK TIMES ngày 16 tháng 3 năm 2016 đăng thông tin về việc Obama chọn Merrick Garland vào Tòa án tối cao.
tài liệu tham khảo
1) Chintan Chandrachud (2015), ‘Collaboration, Not Confrontation: The Indian Supreme Court on Judicial Appointments’, Int’l J. Const. L. Blog of the International Journal of Constitutional Law.
2) George C. Edwards III, Martin P. Wattenberg, Robert L. Lineberry (2011), Government in America: People, Politics and Policy (15th Ed.).
<http://www.iconnectblog.com/2015/10/collaboration-not-confrontation-the-indian-supreme-court-on-judicial-appointments>
3) Legal Information Institute of Cornell Law School (1992), Habeas corpus, truy cập ngày 14 tháng 6 năm 2016,
https://www.law.cornell.edu/wex/habeas_corpus
4) Legal Information Institute of Cornell Law School (1992), Res Judicata, truy cập ngày 14 tháng 6 năm 2016, https://www.law.cornell.edu/wex/res_judicata
5) “Marbury v. Madison”, Oyez. Chicago-Kent College of Law at Illinois Tech, <https://www.oyez.org/cases/1789-1850/5us137>
6) Todd. C. Peppers, Artemus Ward (2012), In Chambers: Stories of Supreme Court Law Clerks and Their Justices, The Unversity of Virginia Press.
7) The Federalist 78 <http://www.constitution.org/fed/federa78.htm>
8. US, Judiciary Act 1789.
9. US, Constitution
SOURCE: TẠP CHÍ PHÁP LUẬT VÀ PHÁT TRIỂN, Số 1+2/2018
Trích dẫn từ: http://phapluatphattrien.vn/a460/cau-truc-va-chuc-nang-cua-toa-an-hoa-ky.html
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: 8. Tố tụng nước ngoài, Xã hội, nhà nước và pháp luật nước ngoài |
Leave a Reply