1. Về áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình
Tập quán nói chung và tập quán về hôn nhân và gia đình nói riêng đã được nhiều quốc gia công nhận với tư cách là một nguồn của luật pháp trong nước. Một khi được công nhận, tập quán sẽ trở thành luật mang tính ràng buộc và có giá trị pháp lý tương đương với các quy phạm pháp luật khác. Tuy nhiên, trong áp dụng tập quán, giữa các nước cũng đã áp dụng những giải pháp pháp lý khác nhau:
- Thứ nhất, pháp điển hóa tập quán thành quy phạm trong các văn bản Luật. Giải pháp này được áp dụng tương đối phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, ví dụ: Bộ luật dân sự Pháp đã pháp điển hóa vai trò của Hội đồng gia tộc trong xác định tư cách và điều kiện cần thiết để kết hôn (Điều 159, được sửa đổi theo Luật số 64-1230 ngày 14/12/1964);
– Thứ hai, áp dụng tập quán khi không có thỏa thuận và không có quy định của pháp luật. Giải pháp này được áp dụng phổ biến ở nhiều nước[1], đặc biệt ở các nước thẩm phán có quyền giải thích pháp luật, ví dụ: Luật Gia đình của Philipines quy định quan hệ tài sản giữa vợ và chồng được xác định theo thỏa thuận của các bên, không có thỏa thuận thì áp dụng theo quy định của Luật, nếu không có thỏa thuận và Luật không có quy định thì áp dụng tập quán (Điều 74);
– Thứ ba, bên cạnh hai giải pháp trên, một số nước quy định chủ thể có quyền lựa chọn áp dụng tập quán hoặc quy định của pháp luật trong quan hệ hôn nhân và gia đình của mình nếu tập quán đó không vi phạm các điều kiện áp dụng được quy định trong Luật, ví dụ: Bộ luật dân sự Nhật Bản quy định “trong trường hợp tập quán khác với các quy định của Luật hay pháp luật về trật tự công cộng, mà các bên trong hành vi pháp lý đã thể hiện nguyện vọng tuân thủ tập quán này thì tập quán này có ưu thế” (Điều 92); Luật kết hôn đặc biệt năm 1954 của Ấn Độ quy định trong trường hợp một tập quán về kết hôn đã được công bố công khai trên công báo của Chính phủ có nội dung khác với điều kiện kết hôn được quy định trong Luật, thì việc kết hôn theo tập quán có thể được công nhận…
2. Về các quy định liên quan đến tuổi kết hôn
Tuổi kết hôn luôn là nội dung pháp lý quan trọng trong pháp luật về hôn nhân và gia đình ở tất cả các nước và cũng đã có nhiều cách tiếp cận khác nhau trong quy định về vấn đề này:
– Thứ nhất, đa số các nước quy định nguyên tắc tròn đủ trong tính tuổi kết hôn, ví dụ: Bộ luật dân sự Pháp quy định “Nam chưa tròn mười tám tuổi, nữ chưa tròn mười lăm tuổi không được kết hôn” (Điều 144) (từ năm 2006, ở Pháp, để tránh phân biệt đối xử giữa nam và nữ, tuổi kết hôn của cả hai giới được quy định đều từ đủ 18 tuổi)[2]; Luật hôn nhân Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Luật Gia đình Australia, Luật Gia đình Liên bang Nga, Bộ luật dân sự Nhật Bản, Bộ luật dân sự và thương mại Thái Lan, Luật Gia đình của Philipines, Bộ luật dân sự Campuchia, Luật hôn nhân Thụy Điển… cũng có cách tính tuổi tương tự;
– Thứ hai, nhiều nước quy định người chưa thành niên có thể được kết hôn và khi họ kết hôn thì cần phải có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp. Kể từ thời điểm kết hôn, người chưa thành niên được coi là người có năng hành vi đầy đủ trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, ví dụ: Bộ luật dân sự Nhật Bản quy định người đã thành niên là người đủ 18 tuổi trở lên (Điều 3), nhưng tuổi kết hôn của nam là từ đủ 18 tuổi, nữ từ đủ 16 tuổi (Điều 731), trong trường hợp người chưa thành niên kết hôn thì việc kết hôn đó phải có sự đồng ý của bố hoặc mẹ (Điều 737), đồng thời nếu một người chưa thành niên kết hôn, thì thông qua việc kết hôn, người đó được coi là người thành niên (Điều 753); tương tự, trong Bộ luật dân sự của Campuchia cũng quy định nam nữ nếu chưa đến tuổi thành niên thì không được phép kết hôn. Tuy nhiên, trường hợp một bên đã đến tuổi thành niên và bên kia là người vị thành niên từ 16 tuổi trở lên thì có thể kết hôn nếu có sự đồng ý của người có quyền – cha mẹ hoặc người giám hộ trẻ vị thành niên đó (Điều 948) và trẻ vị thành niên nếu đã kết hôn thì sẽ được xem là người thành niên theo quy định của luật này (Điều 968); Luật Gia đình Nga cũng quy định đối với một số trường hợp ngoại lệ và khi có yêu cầu của đương sự, chính quyền địa phương sẽ cho phép công dân kết hôn khi đủ 16 tuổi (Điều 13); hầu hết các Bang của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đều quy định về tuổi kết hôn trước tuổi đã thành niên và khi người chưa thành niên kết hôn thì phải có sự đồng ý của cha mẹ, ví dụ: Bang South Carolina quy định, nữ từ đủ 14 tuổi, nam từ đủ 16 tuổi được kết hôn và người nào kết hôn dưới 18 tuổi (tuổi đã thành niên) phải có sự đồng ý của cha mẹ…;
– Thứ ba, một số nước quy định, Tòa án có thể cho phép tuổi kết hôn thấp hơn tuổi kết hôn theo luật định, ví dụ: Điều 1448 Bộ luật dân sự và thương mại Thái Lan quy định “việc đính hôn chỉ có thể được thực hiện khi người đàn ông và người đàn bà đã đủ 17 tuổi. Nhưng Tòa án có thể, trong trường hợp có lý do chính đáng, cho phép họ kết hôn trước tuổi 17”; Luật hôn nhân năm 1987 của Thụy Điển quy định tuổi kết hôn của nam, nữ là từ đủ 18 tuổi, nhưng Tòa án có thể công nhận việc kết hôn của người dưới 18 tuổi nếu có lý do chính đáng;
– Thứ tư, một số ít nước quy định độ tuổi kết hôn theo nguyên tắc chỉ người đã thành niên mới được kết hôn, ví dụ: Luật hôn nhân Trung Quốc quy định tuổi kết hôn của nam là từ đủ 22 tuổi và nữ từ đủ 20 tuổi (Điều 6)…
TRA CỨU ĐẦY ĐỦ NỘI DUNG TẠI ĐÂY
[1] Tại liên bang Nga, tuy Luật gia đình không quy định nhưng Điều 5 Bộ luật dân sự quy định: “Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thoả thuận thì có thể áp dụng tập quán; nếu không có tập quán thì áp dụng quy định tương tự của pháp luật. Tập quán và quy định tương tự của pháp luật không được trái với những nguyên tắc quy định trong Bộ luật này”
[2] Đối với trường hợp ngoại lệ (ví dụ: khi người phụ nữ đã có thai) thì Viện trưởng Viện công tố có thể cho kết hôn trước 18 tuổi. Tuy nhiên ngày nay, những trường hợp ngoại lệ không nhiều vì việc có thai ngoài ý muốn là rất hiếm, đồng thời các thẩm phán cũng cho rằng việc cho phép quá nhiều ngoại lệ sẽ đi ngược lại với quan điểm chống cưỡng hôn. Ngoài ra, công dân Pháp kết hôn ở nước ngoài vẫn phải thỏa mãn các điều kiện kết hôn theo pháp luật dân sự Pháp, kể cả điều kiện về độ tuổi. Nếu không, việc kết hôn này không được pháp luật Pháp công nhận mà vẫn chỉ coi người đó đang độc thân và chung sống như vợ chồng với một người khác.
SOURCE: HỒ SƠ DỰ ÁN LUẬT HNGĐ (SỬA ĐỔI) CHÍNH PHỦ TRÌNH QUỐC HỘI, THÁNG 10/2013