admin@phapluatdansu.edu.vn

RỦI RO PHÁP LÝ KHI GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TẠI TÒA ÁN – GIẢI PHÁP CHÍNH SÁCH

Kết quả hình ảnh cho contract disputesPGS.TS. VÕ TRÍ HẢO – Đại học Kinh tế TP.HCM

1. Dẫn nhập

Khi quan sát mô hình và văn hóa kinh doanh ở Việt Nam, chúng ta có thể thấy hai điểm khá bất thường: quy mô kinh doanh nhỏ[1]và “văn hóa bia rượu”, chi phí tiếp khách trong kinh doanh khá lớn [2]. Hai đặc điểm này, theo chúng tôi, là hệ quả của việc rủi ro cao trong thực thi hợp đồng, khiến cho doanh nhân Việt gặp khó khăn khi liên kết hợp tác làm ăn quy mô lớn và cần nhiều thời gian, chi phí và các cách thức khác nhau để thẩm định đối tác.

Chúng tôi sẽ bước đầu nhận diện các rủi ro pháp lý trong thực thi hợp đồng; giải mã những tập quán kinh doanh bất thường; đưa ra các khuyến nghị chính sách loại bỏ, giảm bớt các rủi ro này, hướng tới môi trường kinh doanh ít rủi ro, cắt giảm chi phí kinh doanh không cần thiết, nâng cao độ hấp dẫn, sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Hiện tượng bội tín trong kinh doanh không chỉ liên quan đến bản thân luật hợp đồng, mà còn liên quan đến một loạt các chế định như: thời hiệu khởi kiện, phạm vi bồi thường, tố tụng dân sự, thiếu chế tài hình sự cần thiết, thi hành án, phí luật sư… Bài viết này cũng trực tiếp góp ý vào Dự thảo sửa đổi Bộ luật Dân sự (BLDS), Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS), Bộ luật Hình sự (BLHS) nhằm cung cấp giải pháp tổng thể, góp phần khắc phục tận gốc những rủi ro trong thực thi hợp đồng.

2. Rủi ro khi giải quyết tranh chấp hợp đồng tại tòa án

Khi phát sinh tranh chấp, nếu các bên không thương lượng, hòa giải thành công và không có cơ hội giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại, các bên phải đưa vụ việc ra tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự. Nhưng ở đó, có nhiều rủi ro pháp lý sẽ bủa vây nguyên đơn.

2.1. Rủi ro bị từ chối thụ lý đơn kiện vì lý do hết thời hiệu khởi kiện

Điều 427 BLDS năm 2005 quy định: “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm”. Không ít rủi ro pháp lý đã diễn ra trong thực tế liên quan đến điều khoản này, bởi các nguyên nhân sau:

Thứ nhất, người Việt thường cả nể nhau trong kinh doanh và vì vậy thường không quyết định khởi kiện ngay khi đối tác vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Văn hóa người Việt cũng quan niệm “vô phúc đáo tụng đình” nên rất dè dặt khi khởi kiện. Chỉ khi diễn biến vụ việc đi quá ngưỡng chịu đựng của bên bị xâm hại, họ mới quyết định khởi kiện và khi đó, có thể đã quá thời hạn hai năm.

Thứ hai, nhiều người Việt quan niệm “công lý không có thời hạn” và không ý thức được rằng sau hai năm, nếu họ không khởi kiện thì sẽ mất khả năng đòi lại quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Thứ ba, ngay cả trong trường hợp một doanh nhân có tinh thần sẵn sàng khởi kiện và hiểu được hết nội dung của điều luật nêu trên, thì không phải lúc nào cũng dễ dàng xác định được chính xác thời điểm nào quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại; điều thường xảy ra khi nghĩa vụ hợp đồng được thực thi thành nhiều đợt; khiếm khuyết của sản phẩm khó phát hiện ngay. Thời điểm lợi ích bị xâm hại cũng khó xác định đối với các vụ án yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại theo hợp đồng.

2.2. Rủi ro trong xác minh, củng cố chứng cứ vụ án dân sự

Khi phát sinh tranh chấp hợp đồng, nghĩa vụ chứng minh thuộc về nguyên đơn. Việc xác minh, củng cố chứng cứ nhằm tìm ra sự thật là một việc khó khăn nói chung và liên quan đến tất cả các chủ thể tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng; nhưng công việc này càng khó khăn với nguyên đơn – vốn không có quyền lực nhà nước để buộc một chủ thể nào đó cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan. Mà chứng cứ vụ án thì nằm rải rác ở nhiều chủ thể liên quan, trong đó nhiều chứng cứ do bên bị đơn nắm giữ và vì do có lợi ích đối kháng, nên bị đơn sẽ tìm cách né tránh cung cấp các chứng cứ có lợi cho nguyên đơn.

Bởi vậy, các hệ thống pháp luật tố tụng dân sự trên thế giới, trong đó có BLTTDS năm 2004 của Việt Nam, đều quy định tòa án có trách nhiệm giúp đỡ các đương sự thu thập chứng cứ vụ án dân sự.

Tuy nhiên, thực tiễn tố tụng ở Việt Nam cho thấy, tòa án chưa được trao đầy đủ công cụ, sức mạnh cần thiết để hoàn thành bổn phận trợ giúp này. Bởi Điều 308 BLHS năm 1999 hiện nay chỉ mới quy định trách nhiệm hình sự đối với hành vi từ chối cung cấp tài liệu (một loại chứng cứ bằng văn bản), trong khi chứng cứ vụ án dân sự còn bao gồm nhiều loại khác.

Và ngay cả việc từ chối cung cấp tài liệu, thì Điều 389 BLTTDS năm 2004 lại tự giới hạn khả năng trừng phạt thêm một lần nữa. Theo đó, người không thi hành quyết định của tòa án về việc cung cấp chứng cứ sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt tiền (khoản 1); việc truy cứu trách nhiệm hình sự còn tùy theo mức độ vi phạm. Hay nói cách khác, việc chống lại quyết định có hiệu lực của tòa án không tự động áp dụng Điều 304, Điều 308 BLHS năm 1999.

2.3. Rủi ro từ khai man, tạo chứng cứ giả

Thực tiễn tố tụng dân sự cho thấy, các đương sự có thể khai báo gian dối, tạo chứng cứ giả mạo gây khó khăn cho tòa án khi tìm hiểu sự thực, dẫn tới kết quả xét xử bị sai lệch. Để hạn chế hiện tượng này, BLHS năm 1999 đã quy định trách nhiệm hình sự đối với hành vi “thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, huỷ, làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung hồ sơ vụ án” (Điều 300) và hành vi “khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật” (Điều 307).

Tuy nhiên, hai tội danh nêu trên chỉ áp dụng đối với “Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Toà án, nhân viên tư pháp khác, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự” (Điều 300) và “người giám định, người phiên dịch, người làm chứng” (Điều 307) mà không áp dụng khi bản thân đương sự có hành vi này.

Việc không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hai nhóm hành vi nêu tại Điều 300 và Điều 307 đối với bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với nguyên tắc “một người không bị buộc đưa ra lời khai buộc tội (hình sự) lại chính mình”, nhưng sự mở rộng để áp dụng máy móc nguyên tắc này sang các vụ án dân sự là không phù hợp và dẫn đến đương sự trong các vụ án dân sự đã lạm dụng thực hiện hai nhóm hành vi nêu trên mà không phải chịu trách nhiệm hình sự nào. Điều này giải thích tại sao trong các vụ án dân sự ở Việt Nam, đương sự không ngại khai báo gian dối, nhất là trong các vụ án có giá trị tranh chấp lớn.

Không hiếm trường hợp, các bên tranh chấp hợp đồng đã ngụy tạo các giấy biên nhận, giấy giao nhận hàng hóa, nợ viết tay và giả mạo chữ ký của đối tác[3]. Sở dĩ hiện tượng ngụy tạo này xảy ra nhiều, vì Điều 266 BLHS năm 1999 chỉ quy định về: “Tội sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức” mà không hề quy định tội sửa chữa, sử dụng giấy xác nhận giả của cá nhân; Điều 267 quy định tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức mà không bao gồm hành vi làm giả giấy tờ của cá nhân. Theo ngôn từ của Điều 266, chỉ có giấy tờ của cơ quan nhà nước mới được chú trọng, còn giấy tờ, con dấu của doanh nghiệp chưa được đề cập trực tiếp: “Người nào sửa chữa, làm sai lệch nội dung hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch hoặc các loại giấy chứng nhận và tài liệu khác của cơ quan, tổ chức và sử dụng giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

Hành vi khai man, sửa chữa, thêm bớt làm sai lệch chứng cứ trong các vụ án dân sự thường được pháp luật hình sự trên thế giới coi là hành vi phỉ báng tòa án và áp dụng trách nhiệm hình sự đối với nhóm hành vi này.

3. Rủi ro sau khi thắng kiện

Khi một hợp đồng xảy ra tranh chấp, các “khổ chủ” phải trải qua rất nhiều công đoạn, với rất nhiều rủi ro pháp lý, họ có thể thắng kiện. Nhưng từ khi thắng kiện, với bản án có hiệu lực pháp luật trong tay đến khi thu hồi được tài sản, bù đắp được tổn thất còn là một quảng đường khá xa. Trước khi đi vào phân tích chi tiết, chúng ta có thể hình dung tổng quan về bức tranh này qua kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố tại Hội thảo “Luật thi hành án dân sự – Góc nhìn từ doanh nghiệp” do VCCI phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức tại Hà Nội[4]ngày 10/3/2014. “Đó là, tỷ lệ thành công khi thuê “xã hội đen” thu hồi nợ cao đến 90% và thời gian chỉ từ 15 đến 30 ngày, trong khi đó nếu sử dụng phương án khởi kiện tại tòa và cơ quan thi hành án, thì hiệu quả thu hồi chỉ khoảng 50% và thời gian kéo dài tới… 400 ngày [5].…

Khi sử dụng phương án khởi kiện tại tòa án và cơ quan thi hành án, chủ nợ phải bỏ ra khoản chi phí bằng 20 – 30% khoản nợ[6][6] nhưng chưa kể tiền lót tay và các khoản chi phí không chính thức khác. Còn nếu sử dụng “xã hội đen”, chi phí bỏ ra khoảng chiếm 40 – 70% khoản nợ, và không có chi phí phụ nào. Còn với một phương án thu nợ khác là thuê các dịch vụ thu nợ hợp pháp, thì thời gian trung bình khoảng 60 – 90 ngày, tỷ lệ thành công 70 – 80%’’.

3.1. Rủi ro từ vi phạm thời hạn luật định trong công tác thi hành án

Cũng tại hội thảo nêu trên, có ý kiến nhận định rằng, một trong những nguyên nhân căn bản của chất lượng thi hành án còn kém hiệu quả là do hệ thống pháp luật còn thiếu chặt chẽ, nhiều chế tài mơ hồ, rườm rà[7]. Còn theo một ý kiến khác, thì: “khuyết điểm lớn nhất của Luật Thi hành án là nhiều thủ tục không có thời hạn xác định…”[8]; “việc vi phạm thời hạn luật định trong công tác thi hành án diễn ra rất phổ biến nhưng lại thiếu chế tài xử lý. Chính điều này đã làm cho không ít doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề do thu hồi nợ chậm và phát sinh nhiều chi phí phụ”[9].

Sự rườm rà trong Luật Thi hành án dân sự còn liên quan trực tiếp đến khởi động việc thi hành án, làm dừng và thay đổi nội dung bản án, quyết định của tòa án. Riêng tòa án phải ra tới 12 loại văn bản, trong đó có tới 17 quyết định về thi hành án dân sự[10].

Ngoài ra, còn có rủi ro từ nghĩa vụ bên được thi hành án phải xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nhất là việc xác minh tại các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tín dụng… và cung cấp cho cơ quan thi hành án. Đây là điều khó vì việc xác minh điều kiện thi hành án của một doanh nghiệp hiện nay là điều dường như không thể hoặc phải tốn rất nhiều chi phí “mua tin” [11]

3.2. Rủi ro do bên thua kiện đã tẩu tán tài sản trước thời điểm nộp đơn khởi kiện

Hiện nay, trong hệ thống pháp luật Việt Nam, chỉ trong vụ án hình sự[12][12] hoặc trong thủ tục giải quyết phá sản doanh nghiệp mới có các quy định ngăn chặn việc tẩu tán tài sản trước khi khởi tố vụ án hình sự hoặc trước khi mở thủ tục phá sản doanh nghiệp. Còn trong BLDS năm 2005, BLTTDS năm 2004, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 đều chưa có quy định ngăn chặn việc tẩu tán tài sản trước khi đơn khởi kiện được thụ lý. Bởi vậy, nếu một trong các bên đối tác của hợp đồng có ý đồ gian lận, thì họ có thể tẩu tán tài sản trước cả khi tòa án thụ lý đơn khởi kiện và nguyên đơn vô phương ngăn chặn việc tẩu tán này. Bởi theo quy định hiện hành, chỉ sau khi nộp đơn, nguyên đơn mới có quyền yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, bao gồm biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản, nhằm bảo đảm thi hành án khi thắng kiện. Còn đối với giao dịch nhằm tẩu tán tài sản liền trước khi nguyên đơn nộp đơn khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng thì vẫn được pháp luật Việt Nam thừa nhận giá trị pháp lý. Bởi vậy, nếu bị đơn nhanh tay tẩu tán hết tài sản, trước khi nguyên đơn yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, thì khi nguyên đơn thắng kiện, bản án có hiệu lực pháp luật, tài sản của bị đơn đã không còn gì đáng giá để có thể trả nợ cho nguyên đơn; nguyên đơn thắng kiện, mất chi phí, thời gian theo đuổi vụ kiện, nhưng không thu hồi được bất kỳ tài sản nào.

3.3. Rủi ro do sự vênh nhau giữa các văn bản pháp luật

Trong một số trường hợp, một hợp đồng liên quan đến một tài sản đồng bộ, nhưng các văn bản pháp luật khác nhau đưa ra các hướng giải quyết khác nhau dẫn tới tình trạng không thể xử lý được tài sản liên quan. Một trong số này là sự vênh nhau giữa quy định về thời điểm thay đổi quyền sở hữu nhà theo Luật Nhà ở năm 2014 và thời điểm thay đổi quyền sử dụng đất ở theo Luật Đất đai năm 2013. Luật Nhà ở trọng “dung” (nội dung) và lấy mốc là thời điểm hoàn thành hợp đồng chuyển quyền, tặng cho, góp vốn; trong khi Luật Đất đai lại trọng “thức” (hình thức) lại lấy mốc là hoàn thành thủ tục đăng ký vào sổ địa chính.

Cụ thể, khoản 1 và khoản 2 Điều 12 Luật Nhà ở năm 2014 quy định: “Thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là kể từ thời điểm bên mua, bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền mua, tiền thuê mua và đã nhận bàn giao nhà ở, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Trường hợp góp vốn, tặng cho, đổi nhà ở thì thời điểm chuyển quyền sở hữu là kể từ thời điểm bên nhận góp vốn, bên nhận tặng cho, bên nhận đổi nhận bàn giao nhà ở từ bên góp vốn, bên tặng cho, bên đổi nhà ở”.

Trong khi đó, khoản 1 và khoản 7 Điều 95 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “1. Đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý; đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu.

7. Việc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào Sổ địa chính”.

Chính sự vênh nhau về thời điểm chuyển quyền sở hữu nên trong thực tế có thể diễn ra trường hợp: B nhận chuyển nhượng nhà gắn liền với đất ở từ A và trên cơ sở hợp đồng chuyển nhượng này, B dùng tài sản là căn nhà gắn liền với quyền sử dụng đất để thế chấp vay vốn ngân hàng C, hoặc chuyển nhượng tiếp cho D mà trước đó chưa làm thủ tục đăng ký đất đai vào sổ địa chính. Khi đến hạn, B không trả được nợ; dẫn tới khi ngân hàng C làm thủ tục phát mãi căn nhà này thì cơ quan thi hành án từ chối cưỡng chế thi hành vì lý do: nhà đã thuộc sở hữu của B theo quy định của Điều 12 Luật Nhà ở năm 2014, nhưng quyền sử dụng đất thì vẫn thuộc sở hữu của A; và chỉ có thể cưỡng chế được khi A và B phối hợp với nhau để hoàn tất nốt thủ tục đăng ký đất đai theo khoản 7 Điều 95. Do không còn lợi ích liên quan, A không có lý do gì phải phối hợp với B; B thì sẽ bị phát mãi nhà và đất nên cũng không có động lực phối hợp với A.

3.4. Chi phí kiện tụng lớn hơn lợi ích được bù đắp

Khác với các hệ thống pháp luật tiên tiến trên thế giới, hiện nay, BLDS năm 2005 và BLTTDS năm 2004 của Việt Nam xây dựng dựa trên nguyên tắc: bên thắng kiện chỉ được trả lại những gì mình đáng được hưởng nếu không có tranh chấp xảy ra, chưa tính đến bù đắp những phí tổn không đáng có mà bên thắng kiện đáng lẽ không phải gánh chịu nếu không có tranh chấp xảy ra. Điều này dẫn tới, trong nhiều trường hợp nguyên đơn thắng kiện, nhưng tính về tổng thể vẫn hao tài, thiệt thân.

Khi thắng kiện, người thắng kiện chỉ được nhận lại giá trị tương ứng với giá trị tranh chấp. Nhưng để thắng kiện, thân chủ ít khi tự mình bỏ ra thời gian hai năm theo đuổi các cấp xét xử, mà thường phải thuê luật sư. Trong trường hợp thân chủ là người có kiến thức pháp lý và có đủ thời gian để tự mình trực tiếp theo đuổi vụ kiện, thì tiền công lao động của họ tương ứng với thù lao luật sư nêu trên cũng sẽ không được tòa án tính đến để bù đắp.

Điều này có nghĩa, ngay cả trong trường hợp thắng kiện, một khi tranh chấp xảy ra, người thắng kiện vẫn bị tổn thất không đáng có, bị mất đi gián tiếp ước tính từ 10% – 30% giá trị tranh chấp từ chi phí kiện tụng[13].

Điều này lý giải cho hiện trạng thường thấy ở Việt Nam, là nếu giá trị tranh chấp dưới 20 triệu – dưới mức sàn chi phí thuê luật sư – thì ít ai khởi kiện, mà sẽ từ bỏ quyền đòi nợ, nếu như các phương thức phi tố tụng không có hiệu quả.

Để bảo đảm công bằng, răn đe kẻ chây ỳ và khuyến khích bên làm ăn chính đáng khởi kiện các vụ án, thì các hệ thống pháp luật tiên tiến trên thế giới thường buộc bên thua kiện phải gánh chịu chi phí luật sư, kiện tụng cho bên thắng kiện. Do vậy, dù giá trị tranh chấp rất nhỏ thì các đối tác cũng không dám chây ỳ, vì nếu để xảy ra kiện tụng thì bên chây ỳ sẽ phải gánh chịu phí luật sư lớn hơn rất nhiều lần giá trị tranh chấp. Hay nói cách khác, khoản phí luật sư này làm cho bên chây ỳ phải đối mặt với rủi ro rất lớn nếu thua kiện.

Còn ở Việt Nam, những kẻ chây ỳ gần như không phải trả giá gì đáng kể khi thua kiện, ngoài án phí – vốn ít có ý nghĩa răn đe nếu giá trị tranh chấp nhỏ.

4. Các khuyến nghị chính sách

Phân tích ở phần trên cho thấy, hiện tượng bội tín không chỉ liên quan bản thân luật hợp đồng, mà còn liên quan đến một loạt các chế định liên quan: thời hiệu khởi kiện ngắn, thiếu vắng chế tài hình sự đối với kẻ không trung thực, hiệu quả thi hành án thấp, chi phí kiện tụng không được bù đắp… Chúng tôi đề xuất các giải pháp đồng bộ, liên quan đồng thời đến Dự thảo BLDS, Dự thảo BLHS, Dự thảo BLTTDS đang được sửa đổi, bổ sung và vấn đề đánh giá tổng kết công tác thừa phát lại.

4.1. Bổ sung chế tài hình sự, sửa đổi các tội danh liên quan đến hành vi giả mạo chứng cứ, khai báo gian dối

BLHS năm 1985 và BLHS năm 1999 chưa chú trọng thích đáng đến việc bảo vệ tư hữu nói chung và bảo vệ chống lại các hành vi xâm hại công lý trong tố tụng dân sự. Sự tụt hậu này cần được khắc phục để bảo đảm công lý, duy trì quyền uy cho tòa án trong tố tụng dân sự, và trực tiếp trừng phạt những hành vi gian dối, phỉ báng tòa án.

Cụ thể, Dự thảo BLHS sửa đổi cần điều chỉnh như sau:

(a) Sửa đổi, bổ sung Điều 266 BLHS năm 1999/ Điều 353 Dự thảo sửa đổi BLHS[14]

Bổ sung tài liệu của doanh nghiệp, cá nhân vào đối tượng bị xâm hại của hành vi phạm tội vào Điều 266 BLHS năm 1999/ Điều 353 Dự thảo sửa đổi BLHS. Theo đó Điều 266/ Điều 353 Dự thảo sửa đổi BLHS cần đổi thành[15][15]: “Tội sửa chữa, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân” và nội dung cần sửa đổi tương ứng thành: “Người nào sửa chữa, làm sai lệch nội dung hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch hoặc các loại giấy chứng nhận và tài liệu khác của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và sử dụng giấy tờ đó thc hiện hành vi trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

(b) Bổ sung tội danh “Vi phạm lời khai tuyên thệ tại phiên tòa dân sự, trọng tài thương mại, hành chính”

Để chống lại việc các đương sự có thể khai báo gian dối, tạo chứng cứ giả mạo trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính[16][16] gây khó khăn cho tòa án khi tìm hiểu sự thực, dẫn tới kết quả xét xử bị sai lệch; đồng thời bảo đảm nguyên tắc “một người không bị buộc đưa ra lời khai buộc tội lại chính mình” trong tố tụng hình sự, cần bổ sung Điều 396 vào Dự thảo sửa đổi BLHS[17][17] tội danh “Vi phạm lời khai tuyên thệ tại phiên tòa dân sự, trọng tài thương mại, hành chính”. Theo đó: “Người nào được tòa án, tòa trọng tài yêu cầu thực hiện lời khai tuyên thệ mà cố tình khai gian dối mà biết rõ là sai sự thật thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm”.

4.2. Thay đổi nguyên tắc, mốc tính thời hiệu khởi kiện hợp đồng trong BLDS

Hiện nay, thời hiệu khởi kiện về hợp đồng ngắn, chỉ là hai năm, nên có nhiều điểm không phù hợp[18] với tập quán kinh doanh ở Việt Nam, góp phần khuyến khích sự chây ỳ, vì nếu họ chây ỳ sau hai năm và không bị khởi kiện thì họ đã thành công, tự động được miễn trừ nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ hợp đồng theo Điều 427 BLDS năm 2005, vì bên bị vi phạm hết quyền khởi kiện.

(a) Không chỉ kéo dài thời hiệu nói chung, Điều 427 cần phải thay đổi dựa vào ba nguyên tắc:

Thứ nhất, cần giảm bớt gánh nặng, rủi ro cho bên có quyền; gia tăng cơ hội áp dụng chế tài với kẻ chây ỳ, vi phạm hợp đồng. Bởi vậy, cần quy định mốc khách quan “khi quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm hại” sang mốc nguyên đơn ý thức được sự xâm hại này. Điều 165 Dự thảo sửa đổi BLDS hiện nay đã thay đổi mốc tính là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, theo chúng tôi, quy định thời hiệu ba năm tại Điều 155 Dự thảo, vẫn là quá ngắn.

Thứ hai, khi bên có quyền chưa từ bỏ quyền, thì cần được hiểu là quyền vẫn thuộc về họ; họ vẫn còn quyền khởi kiện. Triết lý này đã được áp dụng rộng rãi trong các hệ thống pháp luật tiên tiến[19][19]; trong công pháp quốc tế khi xem xét thụ đắc lãnh thổ theo thời hiệu.

Thứ ba, thời hiệu khởi kiện vẫn được duy trì để bảo đảm an toàn pháp lý (legal peace); nhưng phải đặt trong mối tương quan với lợi ích của bên có quyền.

Trên cơ sở ba nguyên tắc này, nội dung Điều 427/ Điều 165 Dự thảo sửa đổi BLDS cần viết lại như sau: “Chủ thể có quyền lợi liên quan mất quyền khởi kiện khi từ bỏ quyền khởi kiện một cách công khai, rõ ràng hoặc không tiến hành khởi kiện trong vòng năm năm kể từ ngày rõ ràng nhận biết quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm và có điều kiện khởi kiện nhưng đã không khởi kiện”.

(b) Theo nguyên tắc thứ hai nêu trên, thì khoản 1 Điều 162 BLDS năm 2005/ khoản 1 Điều 159 Dự thảo sửa đổi BLDS cũng cần bổ sung thêm trường hợp (điểm d) thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại từ đầu: “Khi bên có quyền có yêu cầu bằng văn bản bên có nghĩa vụ hoàn thành nghĩa vụ dân sự”[20][20].

4.3. Bổ sung bên thua kiện phải chịu phí luật sư, chi phí nhắc nợ, xác nhận nợ  và Luật Chi phí tố tụng

Hiện nay, khi một bên chây ỳ không thực hiện nghĩa vụ dân sự hoặc có tranh chấp về lợi ích tư, nếu bị khởi kiện ra tòa và bị thua kiện, thì họ chỉ phải thực hiện nghĩa vụ vốn dĩ thuộc về họ, trả lại những gì không thuộc về họ mà không phải chịu tổn thất nào đáng kể ngoài án phí. Trong khi nguyên đơn phải mất rất nhiều công sức bắt đầu từ những giấy tờ nhắc nợ, đàm phán, thương lượng… đặc biệt là chi phí luật sư. Theo chúng tôi, nên xây dựng Pháp lệnh Án phí, lệ phí tòa án thành luật, mang tên “Luật Chi phí tố tụng” trong đó:

– Mở rộng phạm vi áp dụng sang cả tố tụng trọng tài, trừ khi Luật Trọng tài thương mại có quy định khác;

– Ấn định chi phí bên thua kiện phải trả cho mỗi thông báo yêu cầu thực hiện nghĩa vụ từ bên thắng kiện;

– Yêu cầu bên thua kiện trong tố tụng dân sự, tố tụng trọng tài thương mại phải chịu chi phí luật sư; cách tính tương tự như án phí, nhưng mức tối thiểu phải từ 15 triệu VND khi tranh chấp được giải quyết tại thành phố trực thuộc trung ương; từ 10 triệu đối với các địa bàn còn lại.

4.4. Bổ sung các giải pháp chống tẩu tán tài sản

Để bảo đảm thi hành án sau khi có kết quả giải quyết tranh chấp dân sự, Chương III BLTTDS (Thẩm quyền của tòa án) cần phải bổ sung các giải pháp chống tẩu tán tài sản tương tự như trong thủ tục phá sản (theo Luật Phá sản doanh nghiệp năm 2014) và trao cho tòa án thẩm quyền tuyên bố vô hiệu những giao dịch nhằm tẩu tán tài sản trong thủ tục tố tụng dân sự.

Nếu Điều 59 Luật Phá sản doanh nghiệp năm 2014 áp dụng chế tài tuyên bố vô hiệu đối với các giao dịch trong vòng 6 và 18 tháng trước ngày tòa án mở thủ tục phá sản, thì trong tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, cần lấy mốc là thời điểm tòa án, tòa trọng tài thụ lý đơn khởi kiện.

Theo chúng tôi, nên chia hành vi tẩu tán thành hai nhóm tùy theo mức độ rõ ràng của dấu hiệu tẩu tán tài sản. Đối với nhóm có dấu hiệu rõ ràng thì phạm vi bị tuyên bố vô hiệu mở rộng đối với các giao dịch có dấu hiệu tẩu tán là 18 tháng; đối với nhóm chưa có dấu hiệu rõ ràng là 06 tháng trước ngày tòa án sơ thẩm, tòa trọng tài thụ lý vụ việc.

4.5. Xã hội hóa hoạt động thi hành án

Từ những thành công của chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, chúng ta thấy, xã hội hóa hoạt động thi hành án là hoàn toàn cần thiết và cấp bách[21][21] để tạo nên cơ chế cạnh tranh trong hoạt động này, loại bỏ tham nhũng, trì trệ trong công tác thi hành án hiện nay. Để xã hội hóa hoạt động thi hành án, cần thực hiện một số giải pháp sau:

– Sửa đổi Luật Thi hành án dân sự, cho phép áp dụng rộng rãi chế định thừa phát lại. Không nên tách thành luật thừa phát lại riêng mà ngược lại, cần quy định trong một luật chung để nếu có sự bất bình đẳng giữa thừa phát lại và cơ quan thi hành án dân sự hiện nay, thì sự bất bình đẳng đó khó bị che giấu.

– Khắc phục sự thiếu hợp lý giữa cơ quan thi hành án với văn phòng thừa phát lại: Cần trao cho văn phòng thừa phát lại tất cả các quyền mà cơ quan thi hành án hiện có. Lúc đó, cơ quan thi hành án dân sự sẽ phải thay đổi từ thái độ “bề trên” thành một chủ thể phải tham gia cạnh tranh, tìm kiếm khách hàng trong cùng một khuôn khổ pháp luật và quyền năng giống nhau.

– Việc thi hành án có thể liên quan đế nhiều chủ thể, nhiều bất động sản tại nhiều địa phương khác nhau, vì vậy cần loại bỏ rào cản về địa hạt đối với hoạt động thi hành án của các văn phòng thừa phát lại (hoặc văn phòng thi hành án). Bên cạnh đó, giải pháp này còn góp phần loại bỏ những tiêu cực liên quan đến phân định địa hạt tống đạt giấy tờ giữa các văn phòng thừa phát lại; tạo ra sự cạnh tranh lớn hơn; cho phép hình thành những thương hiệu thừa phát lại mạnh, có chi nhánh trên toàn quốc.

– Cho phép văn phòng thừa phát lại mua quyền khởi kiện, thực hiện dịch vụ đòi nợ thuê: dịch vụ cung cấp, thẩm định thông tin lịch sử tuân thủ nghĩa vụ hợp đồng của cá nhân, tổ chức./.


[1] Nguyễn Tuyền (2015), Doanh nghiệp Việt mãi cứ nhỏ li ti thì hội nhập làm sao?, truy cập 07/06/2015 – 09:39, http://dantri.com.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-viet-mai-cu-nho-li-ti-thi-hoi-nhap-lam-sao-1082206.htm

[2] Vũ Hoàng (2015), Nạn rượu bia ở Việt Nam lên báo Pháp, truy cập 14/2/2015 | 11:14 GMT+7 , http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/nan-bia-ruou-o-viet-nam-len-bao-phap-3147577.html .

[3]Trong quá trình hoạt động tư vấn, chúng tôi đã trực tiếp gặp tình huống đương sự giả mạo chữ ký của cá nhân khác, sau đó được Báo Bình Phước phản ánh (xem: Minh Luận – Lê Trực (2015), Vụ kiện vừa ăn cướp vừa la làng vẫn chưa kết thúc, cập nhật 8:48 ngày 26/08/2015, http://baobinhphuoc.com.vn/Content/vu-kien-vua-an-cuop-vua-la-lang-van-chua-ket-thuc-47149).

[4] Kông Lý (2014), Thu hồi nợ: Vì sao xã hội đen “ăn đứt” thi hành án?, cập nhật 12:14 – Thứ Năm, 27/2/2014, (http://vneconomy.vn/doanh-nhan/thu-hoi-no-vi-sao-xa-hoi-den-an-dut-thi-hanh-an-20140227120213461.htm)

[5] Con số này trùng hợp với Báo cáo thường niên Ease of Doing Business in Vietnam của World Bank (2015), Enforcing Contracts, cập nhật 12:00 ngày 22 /9/2015, (http://www.doingbusiness.org/data/exploreeconomies/ vietnam/#enforcing-contracts)

[6] Báo cáo thường niên Doing Business của World Bank đưa ra con số rất sát 29%: World Bank (2015), Enforcing Contracts, cập nhật 12:00 ngày 22/9/2015, (http://www.doingbusiness.org/data/exploreeconomies/vietnam/ #enforcing-contracts)

[7] Kông Lý (2014), Thu hồi nợ: Vì sao xã hội đen “ăn đứt” thi hành án?, tlđd.

[8] Kông Lý (2014), Thu hồi nợ: Vì sao xã hội đen “ăn đứt” thi hành án?, tlđd.

[9] Kông Lý (2014), Thu hồi nợ: Vì sao xã hội đen “ăn đứt” thi hành án?, tlđd.

[10] Kông Lý (2014), Thu hồi nợ: Vì sao xã hội đen “ăn đứt” thi hành án?, tlđd.

[11] Kông Lý (2014), Thu hồi nợ: Vì sao xã hội đen “ăn đứt” thi hành án?, tlđd.

[12] Theo kết quả khảo sát của Viện Khoa học Thanh tra phối hợp với UNDP, ngay cả đối với các vụ án hình sự, nhóm tội tham nhũng thì tỷ lệ thi hành án cũng khá thấp, dẫn theo VnEconomy (2015), Rất ít tài sản tham nhũng đứng tên chủ sở hữu, cập nhật 12:02 – Thứ Sáu, 31/7/2015, (http://vneconomy.vn/thoi-su/rat-it-tai-san-tham-nhung-dung-ten-chu-so-huu-20150731110344991.htm).

[13] World Bank (2015), Enforcing Contracts, cập nhật 12:00 ngày 22/9/2015, (http://www.doingbusiness.org/data/ exploreeconomies/vietnam/#enforcing-contracts).

[14] Chúng tôi dựa vào Dự thảo ngày 22/9/2015 công bố trên www.duthaoonline.quochoi.vn .

[15] Tên hiện hành của Điều 266 BLHS 1999: “Tội sửa chữa, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

[16] Tội danh này cũng cần bao gồm các hành vi tương tự trong tố tụng hành chính.

[17] Mặc dầu tính chất tương tự nhau, nhưng không nên hợp nhất với Điều 307 BLHS 1999/ Điều 395 Dự thảo sửa đổi BLHS hiện hành, vì chủ thể khác nhau (Điều 307 BLHS/ Điều 395 Dự thảo không bao gồm đương sự trong các vụ án dân sự, tố tụng trọng tài).

[18] Xem thêm những bất cập về thời hiệu khởi kiện nói chung: Nguyễn Ngọc Điện (2015), Khắc phục triệt để những bất hợp lý trong các quy định của BLDS năm 2005 về thời hiệu và thời hiệu thừa kế, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, Số 13 (293), tr.10.

[19] Nguyễn Ngọc Điện (2015), tldđ, Số. 13 (293), tr.10.

[20] Hiện nay, việc gửi công văn nhắc nợ, đối chiếu công nợ… không được xem là căn cứ bắt đầu lại thời hiệu.

][21] Thông tấn xã Việt Nam (2014), Khẳng định vai trò thừa phát lại trong hoạt động bổ trợ tư pháp, cập nhật 03/12/14(http://www.vietnamplus.vn/khang-dinh-vai-tro-thua-phat-lai-trong-hoat-dong-bo-tro-tu-phap/ 294506. vnp).

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP ĐIỆN TỬ

Trích dẫn từ: http://www.nclp.org.vn/nha_nuoc_va_phap_luat/rui-ro-phap-ly-khi-giai-quyet-tranh-chap-hop-111ong-tai-toa-an-giai-phap-chinh-sach

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading