admin@phapluatdansu.edu.vn

MỐI QUAN HỆ GIỮA TẬP QUÁN THƯƠNG MẠI VÀ CÁC NGUỒN PHÁP LUẬT KHÁC

Kết quả hình ảnh cho TRADE SETTLEMENTTHS. NGUYỄN MẠNH THẮNG – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà 7

1. Thứ tự ưu tiên áp dụng tập quán thương mại

Nói đơn giản, nguồn của pháp luật là nơi chứa đựng các quy tắc pháp luật hoặc các giải pháp pháp lý để áp dụng cho các trường hợp tranh chấp xảy ra trong tương lai. Về mặt lý luận, nguồn của pháp luật được xem là hình thức biểu hiện bên ngoài của pháp luật[1]. Các luật gia Việt Nam quan niệm hình thức pháp luật là cách thức mà giai cấp thống trị sử dụng để thể hiện ý chí của giai cấp mình thành pháp luật, và nhận định: “Trong lịch sử đã có ba hình thức được các giai cấp thống trị sử dụng để nâng ý chí của giai cấp mình thành pháp luật là tập quán pháp, tiền lệ pháp và văn bản quy phạm pháp luật (QPPL)”[2]. Trong khi đó, các luật gia trên thế giới có quan niệm rộng rãi hơn về nguồn của pháp luật, có thể bao gồm:

(1) Văn bản pháp luật: văn bản lập pháp và văn bản lập pháp ủy quyền;

(2) Tiền lệ pháp: báo cáo pháp luật và án lệ;

(3) Tập quán pháp;

(4) Thói quen ứng xử;

(5) Hợp đồng giữa các bên;

(6) Học thuyết pháp lý;

(7) Lẽ công bằng.

Các loại nguồn này của pháp luật được gộp lại trong hai loại lớn hơn – đó là nguồn pháp luật thành văn và nguồn pháp luật bất thành văn. Văn bản QPPL hay các văn bản lập pháp và các văn bản lập pháp ủy quyền được xem là nguồn pháp luật thành văn. Các nguồn còn lại được xếp vào nguồn pháp luật bất thành văn vì chúng không được ban hành vào một thời điểm cụ thể bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhiều khi thuật ngữ “thành văn” hay “bất thành văn” khiến người ta liên tưởng tới việc thể hiện bằng văn bản hoặc không thể hiện bằng văn bản của các quy tắc pháp luật. Nhưng thực chất theo nghĩa pháp lý, luật thành văn là một tập hợp các quy tắc xử sự được ghi nhận hay quy định trong một hình thức văn bản nhất định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo đúng trình tự và thẩm quyền tại một thời điểm xác định. Các quy tắc xuất hiện thiếu một trong các đặc tính như vậy được xem là luật bất thành văn. Tập quán pháp là một trong những loại nguồn pháp luật bất thành văn, nhưng nhiều khi được người ta tập hợp và ghi chép lại dưới dạng văn bản, chẳng hạn như những sách nói về luật tục của đồng bào các dân tộc ít người hay những sách ghi chép các quy tắc tập quán thương mại do một hoặc một số tác giả nghiên cứu, sưu tập và xuất bản…

Theo một cách phân loại khác dựa trên vai trò của các loại nguồn trong các hệ thống pháp luật cụ thể, nguồn pháp luật có thể được phân loại thành nguồn chính thức và nguồn bổ sung. Nguồn chính thức có vai trò chính yếu và thường xuyên trong việc cung cấp các quy tắc pháp luật hay các giải pháp cho hoạt động xét xử. Nguồn bổ sung chỉ cung cấp các giải pháp cho việc giải quyết các tranh chấp khi các giải pháp như vậy không được tìm thấy tại các nguồn chính thức và bị ràng buộc vào những điều kiện áp dụng chặt chẽ và thường không thể vượt qua được các nguyên tắc đã được đặt ra bởi các nguồn chính thức. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại nguồn dù chính thức hay bổ sung đều phải bảo đảm sự công bằng. Do đó, việc sử dụng các loại nguồn cần có sự linh động.

Trong các truyền thống pháp luật và trong các hệ thống pháp luật cụ thể, việc chấp nhận các loại nguồn pháp luật và thứ tự ưu tiên các loại nguồn có thể khác nhau. Tuy nhiên, tập quán pháp được xem là một loại nguồn pháp luật ở hầu hết các nền tài phán. Tập quán pháp có thể được xem là loại nguồn chính thức trong hệ thống pháp luật này, nhưng có thể được xem là loại nguồn bổ sung trong hệ thống pháp luật khác. Có những nhà luật học so sánh phân loại pháp luật của các nước trên thế giới thành các hệ thống pháp luật như: Civil Law System, Common Law System, Islamic Law System, Customary Law System và Mixed Legal System[3]. Theo cách phân loại này, tập quán pháp là loại nguồn quan trọng và phổ biến trong các nước có hệ thống pháp luật tập quán (Customary Law System).

Các nước thuộc họ Pháp luật xã hội chủ nghĩa (XHCN) theo truyền thống Sovietique Law thường chỉ xem văn bản QPPL là nguồn của pháp luật. Vì vậy, các luật gia thuộc họ pháp luật này đôi khi phân biệt giữa pháp luật và tập quán. Bên cạnh đó cũng có quan điểm cho rằng, trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, có những tập quán tiến bộ thể hiện truyền thống và đạo đức dân tộc được nhà nước XHCN vẫn tôn trọng và tạo điều kiện cho chúng phát huy tác dụng[4]. Vì vậy các luật gia ở Việt Nam thường định nghĩa: “Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự do nhà nước ban hành (hoặc thừa nhận) và bảo đảm thực hiện, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị trong xã hội, là yếu tố điều chỉnh các quan hệ xã hội nhằm tạo ra trật tự và ổn định trong xã hội”[5]. Các quy tắc pháp luật tập quán chính là các quy tắc pháp luật được nhà nước thừa nhận để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Như vậy, các quy tắc tập quán vẫn có thể được áp dụng như một loại nguồn pháp luật bổ sung tại Việt Nam. Thực tế hiện nay một số đạo luật trong lĩnh vực luật tư các đặt ra các nguyên tắc áp dụng tập quán để giải quyết các tranh chấp. Và trong thực tiễn tư pháp, tòa án đã áp dụng một số tập quán để giải quyết các tranh chấp, nhất là các tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài. Truyền thống Sovietique Law chỉ xem tập quán có vai trò trong chừng mực có ích cho việc giải thích hay áp dụng pháp luật thành văn hoặc trong rất ít trường hợp bản thân tập quán hay thói quen ứng xử được pháp luật thành văn đề cập tới[6].

Theo Mary Ann Glendon, Paolo G. Carozza, Colin B. Picker, về mặt lý thuyết, trong truyền thống Civil Law, tập quán là loại nguồn pháp luật đầu tiên, nhưng bị coi thường trong thực tiễn[7]. Tuy nhiên tập quán trong truyền thống pháp luật này có vai trò lớn hơn vai trò của tập quán trong truyền thống Sovietique Law. Các chế độ cũ ở Việt Nam trong thời kỳ Pháp thuộc và trước khi thống nhất đất nước cũng theo truyền thống Civil Law. Do đó có luật gia giải thích về vai trò và thứ tự ưu tiên của tập quán pháp như sau: “Ở trong nền pháp luật Tây phương, tục lệ được coi là một nguồn gốc của dân luật để bổ khuyết những chỗ thiếu sót trong luật pháp. Vì vậy, nguồn gốc này chỉ có tính cách bổ sung, và chỉ áp dụng khi không có điều khoản nào của trong luật pháp. Nó không thể đi trái với các điều khoản của luật pháp”[8]. Thực tế, quan niệm về vai trò và thứ tự ưu tiên áp dụng tập quán pháp có sự khác biệt giữa các hệ thống pháp luật trong họ Pháp luật La Mã – Đức. Theo René David, các luật gia Pháp xem một phần nào đó của tập quán đã lỗi thời với tư cách là một nguồn của pháp luật kể từ khi tính vượt trội không thể chối cãi được của văn bản lập pháp được thừa nhận. Ở Ý và Áo chỉ áp dụng tập quán khi các quy định của văn bản lập pháp quy định rõ ràng. Còn ở Đức, Thụy Sĩ và Hy Lạp, xuất phát từ việc xem pháp luật là sản phẩm của lương tâm phổ biến, nên có khuynh hướng coi văn bản lập pháp và tập quán là hai loại nguồn pháp luật ngang bằng nhau[9].

Mặc dù đều coi trọng pháp điển hóa và xây dựng các bộ luật mà mỗi bộ luật cố gắng bao quát các quy tắc của cả một ngành luật, nhưng việc áp dụng các bộ luật trong sự cân đối với áp dụng các tập quán cũng có sự khác nhau ở các nước thuộc Civil Law.

Ở Tây Ban Nha có nhiều xứ mà tại đó, tập quán được ưu tiên áp dụng trên cả Bộ luật Dân sự (BLDS)[10]. Tại xứ Catalonia của Tây Ban Nha, BLDS không áp dụng đối với những vấn đề đã được luật tập quán địa phương điều chỉnh. Hệ thống pháp luật Đức cho phép ưu tiên áp dụng tập quán trên cả luật thành văn trong một số trường hợp. Còn hệ thống pháp luật Pháp cũng coi tập quán là một loại nguồn pháp luật bổ sung nhưng không loại trừ luật thành văn[11].

BLDS Bắc Kỳ 1931 tại Điều thứ 1453 cho phép duy trì một số phong tục, tập quán riêng biệt của các dân tộc ít người ở phía Bắc, có nghĩa là tập quán pháp trong chừng mực nào đó theo Bộ luật này có thứ tự ưu tiên áp dụng cao hơn đạo luật[12]. Điều 1 Bộ luật Thương mại (BLTM) Czech 1996 quy định thứ tự ưu tiên áp dụng pháp luật cho các tranh chấp thương mại cụ thể như sau:

(1) Ưu tiên số một: áp dụng các quy định cụ thể của BLTM;

(2) Ưu tiên số hai: áp dụng các quy định của BLDS (nếu không thể giải quyết được tranh chấp theo các quy định của BLTM);

(3) Ưu tiên số ba: áp dụng thói quen hay tập quán thương mại (nếu không thể giải quyết được tranh chấp theo các quy định của BLDS)

(4) Ưu tiên số bốn: áp dụng các nguyên tắc của BLTM (nếu không có thói quen hoặc tập quán thương mại liên quan).

BLTM Nhật Bản 1899 đưa ra thứ tự ưu tiên các loại nguồn khác với BLTM Czech 1996. Theo Bộ luật này: nếu một tranh chấp thương mại được đưa ra giải quyết thì trước hết áp dụng các quy định của Bộ luật này; nếu không có các quy định như vậy thì áp dụng tập quán thương mại; và nếu không có một tập quán như vậy thì áp dụng các quy định của BLDS[13].

Các khảo sát trên cho thấy, ở những nước Civil Law xây dựng hai bộ luật (BLDS và BLTM) phải cân nhắc tới thứ tự ưu tiên áp dụng giữa BLTM, BLDS và tập quán thương mại. Do đó, việc áp dụng luật trở nên phức tạp, hơn nữa gây khó khăn cho việc áp dụng các quy tắc tập quán. Việc áp dụng pháp luật ở những nước Civil Law xây dựng một bộ luật áp dụng cho cả quan hệ dân sự và quan hệ thương mại có sự khác biệt. Chẳng hạn BLDS và Thương mại Thái Lan quy định tại Điều 4 liên quan tới vấn đề áp dụng luật và thứ tự ưu tiên các loại nguồn như sau:

“Luật phải được áp dụng đối với tất cả các vụ việc nằm trong phạm vi chữ và nghĩa của bất kỳ quy định nào của nó.

Khi không có quy định có thể áp dụng, vụ việc phải được quyết định phù hợp với tập quán địa phương.

Nếu không có tập quán như vậy, vụ việc phải được quyết định bởi áp dụng tương tự với quy định gần gũi nhất có thể áp dụng được, và, nếu không có quy định như vậy thì áp dụng tương tự với các nguyên tắc chung của pháp luật”.

Việc không có thêm một Bộ luật tham gia vào quá trình chia sẻ thứ tự ưu tiên áp dụng làm cho các tầng nấc hay các lược đồ áp dụng luật cho các vụ việc cụ thể trở nên đỡ phức tạp hơn, do đó việc áp dụng luật có thể chính xác hơn. Tuy nhiên hiện nay các nước theo thuyết nhất nguyên không nhiều, bao gồm: Ý, Hà Lan, Thái Lan, Québec (Canada), Nga, Thụy Sĩ…

Các nước theo truyền thống Common Law có lịch sử hình thành, phát triển và cấu trúc hệ thống pháp luật không giống với các nước theo truyền thống Civil Law. Common Law được phát triển trên nền tảng các tập quán của các bộ lạc Giéc-manh sinh sống tại Anh Quốc từ thời kỳ Trung cổ và các tập quán địa phương. Tập quán thương mại hay tập quán của các thương nhân cũng đã xâm nhập vào common law (với tư cách là một nguồn pháp luật)[14]. Tuy nhiên, luật của Anh không phải là luật tập quán. Tập quán được xem là loại nguồn thứ ba bổ sung cho văn bản lập pháp và tiền lệ pháp[15].

Pháp luật Hoa Kỳ được xây dựng trên hình mẫu pháp luật Anh, tuy nhiên có điểm riêng biệt liên quan tới vấn đề pháp điển hóa. BLTM Nhất thể (UCC) của Hoa Kỳ tuyên bố chính sách khuyến nghị các Tiểu bang thông qua như sau: (1) đơn giản hóa, minh bạch hóa và hiện đại hóa pháp luật điều chỉnh các giao dịch thương mại; (2) cho phép mở rộng hoạt động thương mại thông qua tập quán, thói quen ứng xử và thỏa thuận giữa các bên; và (3) nhất thể hóa pháp luật giữa các nền tài phán khác nhau (Điều 1-102). Tập quán thương mại ở đây được không những được chú ý, mà còn được coi trọng và có thứ tự ưu tiên cao.

Ở các nước theo pháp luật Hồi giáo (Islamic Law hay Muslim Law) người dân hay tín đồ đã và đang sống phù hợp với tập quán trong khi thừa nhận các giá trị và quyền lực của pháp luật Hồi giáo mặc dù tập quán không bao giờ trở thành một bộ phận của hệ thống pháp luật này. Tuy nhiên, ngoại lệ, pháp luật Hồi giáo được bổ sung thêm một số quy tắc tập quán mà trong đó có cả tập quán thương mại[16].

Các nước Châu Phi có đời sống pháp lý phụ thuộc vào luật tục của tổ tiên và tự nguyên tuân thủ nó bởi mỗi người đều có tư tưởng phải sống như tổ tiên của người đó đã từng sống[17]. Trong một hệ thống pháp luật tập quán như vậy, bản thân thủ tục giải quyết các tranh chấp cũng tuân thủ các quy tắc tập quán mà hầu hết là quy tắc liên quan tới việc giải quyết thân ái giữa các bên. Khuynh hướng giải quyết tranh chấp như vậy hiện có tại luật tục ở Tây Nguyên (Việt Nam).

Trong thương mại quốc tế, Unidroit xuất phát từ quan niệm: tập quán (nếu được áp dụng) ràng buộc các bên như các điều khoản ngầm định trong hợp đồng, do đó xem tập quán có giá trị áp dụng cao hơn những quy định của Bộ nguyên tắc về hợp đồng thương mại quốc tế[18]. Theo nghĩa này, tập quán có thứ tự ưu tiên áp dụng cao hơn các quy định của luật thành văn, bởi lẽ khi có một tranh chấp xảy ra giữa các bên trong quan hệ hợp đồng, thì hợp đồng phải là nguồn pháp luật đầu tiên được xem xét để rút ra các giải pháp để giải quyết tranh chấp.

2. Vai trò của tập quán thương mại trong việc phát triển các nguồn pháp luật khác

Tập quán có vai trò không thể phủ nhận trong việc phát triển văn bản QPPL, nhất là các đạo luật về thương mại. Các quy tắc tập quán của các thương nhân ngày nay đã được pháp điển hóa thành các đạo luật về thương mại ở hầu hết các nước.

Khi nghiên cứu về luật tục ở Việt Nam, có khuynh hướng cho rằng: “Nhà nước lựa chọn, thừa nhận các quy phạm xã hội mang tính phổ biến, khái quát của Luật tục, “đề lên thành luật” các quy phạm đó. Đây là hình thức qua con đường lập pháp để chuyển các quy phạm xã hội thành QPPL”[19].

Quy tắc của luật tục theo quan niệm trên được xem là quy tắc xã hội đơn thuần, nhưng có vai trò trong việc phát triển các quy tắc pháp luật bởi tính khái quát và phổ biến của nó. Bên cạnh đó có quan niệm đầy đủ và sát hợp hơn với mối quan hệ giữa luật tục và nguồn văn bản QPPL, như: “Luật tục không thuần túy là “luật”, và tất nhiên cũng không phải hoàn toàn là “tục”, mà nó là hình thức trung gian, chuyển tiếp giữa luật và tục; hay nói cách khác, nó là hình thức phát triển cao của phong tục, tục lệ và là hình thức sơ khai, hình thức tiền luật pháp. Chính vì thế, hình thức luật tục này phù hợp với các xã hội tiền công nghiệp, phù hợp với các cộng đồng nhỏ gắn với từng nhóm tộc người, từng địa phương cụ thể. Đặc trưng này của luật tục không chỉ cung cấp tư liệu thực tế, giúp cho các nhà nghiên cứu lịch sử pháp luật, mà còn là cơ sở thực tiễn cho việc kế thừa luật tục trong xây dựng pháp luật và ngược lại “luật pháp hóa luật tục” như một số người quan niệm”[20].

Mặc dù có thể nói, các nhận thức trên về luật tục trong mối quan hệ với pháp luật đều xuất phát từ quan niệm pháp luật theo trường phái thực chứng pháp lý cực đoan, có nghĩa là chỉ thừa nhận một loại nguồn của pháp luật là văn bản QPPL do nhà nước ban hành, nhưng lại cho thấy một cách nhìn nhận rất đáng lưu ý về vai trò lớn của tập quán hay luật tục trong việc phát triển nguồn văn bản QPPL.

Thực tế trong lĩnh vực thương mại, các quy tắc tập quán có vai trò rất rộng lớn và có tính quốc tế cao, không chỉ dừng lại trong một cộng đồng nhỏ có tính cách địa phương. Do đó, chúng có vai trò lớn hơn rất nhiều trong việc xây dựng các văn bản QPPL. Bởi thế Luật Thương mại 2005 của Việt Nam đề cao nguyên tắc áp dụng tập quán. Nếu không sự đề cao này thì sẽ khó khăn trong việc giao thương quốc tế. Nhưng nếu đề cao rồi mà các quy tắc tập quán thương mại khác hẳn hay trái ngược với các nguyên tắc và các quy tắc cơ bản khác của luật thành văn, thì việc đề cao đó không thành hiện thực. Vì vậy việc làm hài hòa hóa các quy tắc tập quán và các quy tắc của luật thành văn là rất cần thiết. Nói cách khác cần xem xét tới các quy tắc tập quán trong việc xây dựng văn bản QPPL.

Tập quán nói chung và tập quán thương mại nói riêng còn có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của tiền lệ pháp. Nghiên cứu pháp luật Anh, người ta thấy vai trò không nhỏ của các tập quán thương mại trong việc hình thành nên các quyết định xét xử với ý nghĩa là một loại nguồn phổ biến ở Anh Quốc và các nước khác theo truyền thống Common Law. Trong công trình nghiên cứu về tập quán pháp, Ngô Huy Cương cho rằng: “Khi áp dụng tập quán có thể tạo ra tiền lệ, chẳng hạn phán quyết của tòa án trong vụ “Cây chà 19 tiếng” có thể tạo ra tiền lệ cho vấn đề đại diện – một chế định được xem là trung tâm của luật tư mà nhà làm luật Việt Nam có khuynh hướng kiểm soát chặt chẽ bằng các quy định của văn bản QPPL để bảo vệ quyền của người được đại diện. Vì vậy khi áp dụng tập quán, thẩm phán cần có tầm nhìn rộng ra cả các chế định pháp luật khác”[21].

Tập quán hay luật tục còn có tầm ảnh hưởng tới các học thuyết pháp lý – một loại nguồn của pháp luật. Khi nghiên cứu luật tục, nhiều học thuyết pháp lý được hình thành và có ảnh hưởng tới đời sống pháp lý. Chẳng hạn các học thuyết về dân chủ cơ sở, tổ hòa giải, quy ước nông thôn mới, và học thuyết sử dụng tập quán thương mại…

Ở một khía cạnh nhất định, tập quán còn tác động tới nhận thức và lý giải về lẽ công bằng (với tính cách là một nguồn của pháp luật, được áp dụng khi không tìm được các giải pháp giải quyết tranh chấp từ các loại nguồn khác). Đây được xem là nguồn pháp luật ở tầng sâu nhất liên quan đến các nhận thức và quan điểm về pháp luật nói chung[22]. Và theo một nghĩa nào đó, các nhận thức và các quan điểm này bị chi phối bởi các tập quán.

Tóm lại, tập quán không chỉ bù đắp các khiếm khuyết của luật thành văn trong việc điều tiết các quan hệ dân sự, thương mại, mà còn có vai trò quan trọng trong việc phát triển các loại nguồn pháp luật khác như: văn bản QPPL, tiền lệ pháp, học thuyết pháp lý và lẽ công bằng./.


[1] Khoa Luật – Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Giáo trình lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật, Hà Nội, 1993, tr. 345

[2] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình lý luận Nhà nước và Pháp luật, Nxb Công an Nhân dân, Hà Nội, 2009, tr. 353

[3] Ngô Huy Cương, Góp phần bàn về cải cách pháp luật ở Việt Nam hiện nay, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2006, tr. 227

[4] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình lý luận nhà nước và pháp luật, Sđd. tr. 354

[5] Khoa Luật – Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Giáo trình lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật, Sđd, tr. 226

[6] René David and John E.C . Brierlrey, Major Legal Systems in the World Today, Secon Edition, The Free Press, New York . London. Toronto. Sydney. Tokyo. Singapore, 1975, p. 254

[7] Mary Ann Glendon, Paolo G. Carozza, Colin B. Picker, Comparative Legal Traditions in a Nutshell, Third edition, Thomson West, 2008, p. 131

[8] Vũ Văn Mẫu, Dân- luật khái- luận, in lần thứ hai, Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, Sài gòn, 1960, tr. 295

[9] René David and John E.C . Brierlrey, Tlđd, p. 119

[10] Ngô Huy Cương, Cụ thể hóa quan điểm về tập quán pháp theo Nghị quyết số 48- NQ/TW của Bộ Chính trị, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 3+4 (164+165) tháng 2/2010, tr. 77

[11] Mary Ann Glendon, Paolo G. Carozza, Colin B. Picker, Comparative Legal Traditions in a Nutshell, Third edition, Thomson West, 2008, p. 131

[12] Ngô Huy Cương, Tlđd, tr. 77

[13] Ngô Huy Cương, Tlđd, tr. 75

[14] Ngô Huy Cương, Luật so sánh, Bài giảng điện tử

[15] René David and John E.C . Brierlrey, Major Legal Systems in the World Today, Tlđd, p. 358

[16] René David and John E.C . Brierlrey, Major Legal Systems in the World Today, Tlđd, p. 432- 433

[17] René David and John E.C . Brierlrey, Major Legal Systems in the World Today, Tlđd, p. 505

[18] Unidroit, Bộ nguyên tắc của Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế 2004, bản dịch tiếng Việt với sự tài trợ của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2005, tr. 66

[19] Lê Hồng Sơn, “Khái niệm, vị trí, vai trò và một số nội dung chính của luật tục từ góc độ nghiên cứu pháp luật”, Tọa đàm Luật tục trong mối quan hệ với luật dân sự, Hà Nội, 22/02/2001

[20] Ngô Đức Thịnh, “Luật tục và luật pháp”, Tọa đàm Luật tục trong mối quan hệ với luật dân sự, Hà Nội, 22/02/2001

[21] Ngô Huy Cương, Cụ thể hóa quan điểm về tập quán pháp theo Nghị quyết số 48- NQ/TW của Bộ Chính trị, Tlđd, tr. 74

[22] Ngô Huy Cương, Pháp luật nghĩa vụ cho cao học, Bài giảng điện tử, Tlđd

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP ĐIỆN TỬ

Trích dẫn từ: http://www.nclp.org.vn/kinh_nghiem_quoc_te/moi-quan-he-giua-tap-quan-thuong-mai-voi-cac-nguon-phap-luat-khac

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading