admin@phapluatdansu.edu.vn

BÌNH ĐẲNG VỀ CHỖ NGỒI

Kết quả hình ảnh cho COURTROOM ĐỨC HIỂN

Tôi đã dự rất nhiều phiên tòa, mà tại đó thay vì trả lời, tranh luận với các luận điểm, luận cứ của luật sư, thì công tố viên chỉ tuyên bố gọn lỏn: “Giữ nguyên quan điểm như cáo trạng, không bổ sung gì thêm”. Cho dù cái quan điểm trong cáo trạng đã được luật sư phân tích rằng vô lý, rằng sai, rằng nó lung lay, không đứng vững.

Tôi nghĩ, những oan sai cũng một phần từ đấy mà ra, khi người ta từ chối tranh luận. Ở những diễn đàn khác, từ chối tranh luận có thể hiểu là do thiếu lý lẽ, là thua. Ở đây ngược lại, cái từ chối tranh luận ấy coi như đặt thêm một bút phê bất lợi vào số phận bị cáo. Và trong những phiên tòa đó, trước quyền lực của Hội đồng xét xử nhân danh Nhà nước, trước quyền uy của ông công tố viên in đậm lên phán quyết, tôi cảm giác luật sư chỉ là một cái bóng mờ.

Trong một thời gian dài, tại Việt Nam, chỗ ngồi của đại diện Viện kiếm sát được bố trí cao hơn chỗ ngồi của luật sư. Công tố viên ở trên bục còn bàn luật sư thì dưới thấp. 

Thật khó để tin rằng những người tham gia tố tụng không thấy sự bất bình đẳng ấy. Và cũng thật khó để tin rằng trong tâm tư mỗi người không gợn lên suy nghĩ công tố viên uy quyền hơn, lời nói của vị này đáng được tôn trọng hơn lời biện hộ của luật sư.

15 năm trước, Pháp luật TP HCM là tờ báo đầu tiên đặt vấn đề luật sư phải ngồi ngang hàng với kiểm sát viên để bàn luận. Đó là trước khi Nghị quyết 08/2003 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp ra đời. Suốt từ đó đến nay, chúng tôi luôn đeo đuổi, đau đáu và tiếp tục cổ xúy, tiến tới hiện thực hóa đề xuất. Mỗi khi có cơ hội là chúng tôi lại đào xới, tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, người dân và những cấp quản lý. 

Bởi chúng tôi hiểu rằng chỗ ngồi không chỉ thể hiện bình đẳng về hình thức mà còn là vị thế của hai bên buộc tội và gỡ tội. Quan trọng hơn, nó đáp ứng được hình thức cho một phiên tòa tranh tụng thực sự theo tinh thần cải cách tư pháp, bảo đảm cao nhất quyền con người.

Năm 2006, Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương là nơi đầu tiên thí điểm mô hình tiến bộ này nhưng sau đó đã không được nhân rộng. Đến năm 2013 TAND TP Đà Nẵng cũng triển khai mô hình này. Cuộc đấu tranh vì sự tiến bộ ấy chưa bao giờ dừng lại.

Thực ra, vị thế bình đẳng của luật sư và công tố viên không hề mới. Thế giới đã áp dụng từ cả thế kỷ nay. Tại Việt Nam, mô hình này đã được giới thiệu trên tập san Tư pháp số 9-1965 và đã được sử dụng trên thực tế. Tuy nhiên sau đó nó biến mất và cho tới giờ chưa ai lý giải vì sao, cũng không rõ nó từng được sử dụng đến thời gian nào.

Cả luật sư và kiểm sát viên, hai nhân vật chính của tranh tụng cho dù đối ngược nhau thì vẫn đều nhằm bảo vệ công lý, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Họ cần được bình đẳng nhưng cái chỗ ngồi đã hạ vị thế của luật sư trong nhiều thập kỷ . 

Cái chỗ ngồi, tưởng là chuyện nhỏ, nhưng lại thể hiện mạnh mẽ tinh thần về bình đẳng trong đối thoại. Khi tôi học về quản trị, chuyên gia nhắc đi nhắc lại là sẽ khó có một cuộc thảo luận tốt nếu khi thảo luận, sếp ngồi ghế bành còn nhân viên ngồi ghế đơn hoặc người chủ trì lại ngồi trên bục cao khi những người còn lại ngồi dưới thấp. Ông nói, để có chân lý thì ý tưởng phải được bình đẳng và người tham gia thảo luận phải có sự tự tin.

Nếu như vậy, tại các phiên tòa, để tìm ra chân lý thì người luật sư bào chữa phải có thế ngồi ngang hàng với công tố viên. Nó đảm bảo sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội trong quá trình tranh luận

Theo pháp luật tố tụng hình sự, luật sư là “người tham gia tố tụng” còn kiểm sát viên là “người tiến hành tố tụng”. Vai trò vị thế của luật sư được xếp ngang với rất nhiều người khác trong một phiên tòa hình sự như giám định viên, người làm chứng, người phiên dịch và những người có quyền lợi liên quan. Và cũng bởi sự bất bình đẳng mênh mông ấy, ở không ít phiên tòa, kiểm sát viên giữ quyền công tố từ chối tranh luận mà luật sư chẳng biết làm sao.

Tôi đã rất vui khi đọc rằng dự thảo thông tư hướng dẫn hình thức bố trí phòng xử án mà Chánh án TAND tối cao sắp ban hành, sẽ để luật sư ngồi ngang bằng với kiểm sát viên.

Nhưng rồi nghĩ lại, từ 1965 đến nay là 52 năm, lịch sử sang trang, thời đại cũng khác, sao một mô hình tiến bộ từng được giới thiệu và áp dụng, qua nửa thế kỷ mới được công nhận chính thức? Tôi không tin vì lý do tư duy. Tôi nghĩ rằng quyền lực là một thứ rất khó buông bỏ, và vì thế cải cách tư pháp sẽ thành công nhưng sẽ còn rất chông gai.

Không chỉ là chỗ ngồi luật sư, không chỉ trong lĩnh vực tố tụng, mà trong xây dựng pháp luật cũng thế. Chúng ta đã chứng kiến những giấy phép con, những quyền lực thay vì chuyển giao thì bị các bộ ngành khư khư nắm giữ đã kìm hãm sự phát triển và tự chủ của doanh nghiệp đến thế nào. 

Đôi khi cải cách chỉ là gỡ bỏ những sợi dây chính mình đã buộc.

SOURCE: BÁO ĐIỆN TỬ VNEXPRESS.NET

Trích dẫn từ: http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/binh-dang-cho-ngoi-3561119.html

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading