admin@phapluatdansu.edu.vn

QUYỀN TỰ BẢO VỆ – ĐIỂM MỚI TRONG BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2015

Kết quả hình ảnh cho Self-Help in Civil codePGS.TS. NGUYỄN NGỌC ĐIỆN – Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Tóm tắt: Tự bảo vệ trong luật so sánh là hành vi ứng xử của chủ thể nhằm chấn chỉnh một thái độ ứng xử sai trái mà không dựa vào quy trình pháp lý bình thường. Trong lĩnh vực pháp luật tài sản, khái niệm này tạo điều kiện cho cá nhân giành lại tài sản hợp pháp của mình mà không cần nhờ đến thủ tục tư pháp theo quy định. Đặc biệt, chủ nợ có bảo đảm được quyền tiến hành giữ lấy tài sản đang nằm trong tay người mắc nợ miễn là việc nắm giữ được thực hiện mà không vi phạm điều kiện phá vỡ sự bình ổn. Trong luật thực định Việt Nam, tự bảo vệ được thừa nhận trong Bộ luật Dân sự và được cụ thể hoá trong lĩnh vực giao dịch bảo đảm thành quyền thu giữ tài sản.

1. Tổng quan

Tự bảo vệ được hiểu là hành vi phản ứng của chủ thể theo khả năng của bản thân chống lại hành vi của người khác có tác dụng hoặc có nguy cơ xâm hại các lợi ích của mình một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Tự bảo vệ có nghĩa là tự mình tổ chức, thực hiện các biện pháp đối phó với hành vi xâm hại mà không dựa vào công lực. Ở góc độ học thuyết pháp lý, tự bảo vệ được gọi là “self-help” và được định nghĩa là một nỗ lực nhằm chấn chỉnh một điều sai trái được nhận biết bằng hành động tự thân chứ không thông qua quy trình pháp lý bình thường[1]. Ví dụ, bị người khác tấn công, thì đánh trả; trong quan hệ tài sản, thấy người khác tự ý trồng cây, xây dựng trên đất của mình, thì tự mình chặt bỏ, phá dỡ; đồ vật của mình mà bị người ta cướp giật, thì mình tự giành lại.

Tự bảo vệ là động thái có nguồn gốc từ bản năng sinh tồn của động vật trong không gian sống thống trị bởi quy luật “mạnh được yếu thua”, là phản xạ tự nhiên khi đứng trước hiểm họa đối với bản thân.

Trong xã hội có tổ chức, tự bảo vệ cần được thực hiện như thế nào để đạt yêu cầu kép: một mặt, người tự bảo vệ đạt được mục tiêu bảo đảm sự an toàn của bản thân, sự toàn vẹn của tài sản thuộc sở hữu của mình; mặt khác, việc tự vệ không bị coi là việc tấn công nhằm xâm hại thân thể, tài sản của người khác một cách không chính đáng. Để đạt được yêu cầu đó, trước hết cần thừa nhận tự bảo vệ là một quyền của chủ thể và xây dựng một khung pháp lý cho phép nhận dạng, đồng thời tổ chức cho chủ thể thực hiện quyền này một cách có trật tự và hợp lý.

2. Quyền tự bảo vệ trong luật các nước

2.1 Từ Luật La Mã đến luật Anh-Mỹ

Khái niệm quyền tự bảo vệ xuất hiện từ rất sớm trong luật La Mã[2]. Trong quá trình phát triển, khái niệm này tỏ ra phù hợp với văn hoá của các nước nói tiếng Anh, do đó, được các nước này hoàn thiện với sự quan tâm cao, đặc biệt trong lĩnh vực pháp luật tài sản. Tư tưởng chủ đạo là chủ thể được quyền tự mình bảo vệ tài sản của mình; “nếu khi làm việc đó, chúng ta sử dụng nhiều sức mạnh hơn mức cần thiết, chúng ta có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và có thể chịu trách nhiệm dân sự, nhưng tài sản chúng ta đã lấy lại không thể bị tước đoạt để trả lại cho nạn nhân của biện pháp tự bảo vệ của chúng ta”[3].

Trong lĩnh vực nghĩa vụ tài sản, quyền tự bảo vệ được hoàn thiện và được biết với tên gọi tái chiếm hữu tự bảo vệ (self-help repossession)[4]. Tái chiếm hữu được hiểu là hành vi hoặc trạng thái nắm giữ lại tài sản đang nằm trong tay người khác. Thông thường, tài sản được chủ sở hữu nắm giữ, chi phối; một khi việc nắm giữ, chi phối tài sản của chủ sở hữu bị người khác quấy nhiễu, đe doạ, thì chủ sở hữu có quyền tự mình thực hiện các biện pháp mang ý nghĩa tự vệ nhằm bảo vệ sự an toàn đối với tài sản của mình.

Khái niệm tái chiếm hữu trở nên có ý nghĩa đặc thù trong trường hợp tài sản được chủ sở hữu nắm giữ, kiểm soát nhưng một người khác có quyền đối với tài sản ấy và mong muốn thực thi quyền này trong điều kiện chủ sở hữu không chấp nhận hợp tác. Trong luật cổ La Mã, quyền tái chiếm hữu để tự bảo vệ được biết dưới tên gọi pignoris capio[5]. Quyền này cho phép một người bị thiệt hại lấy các động sản của người gây thiệt hại như một cách để bù đắp thiệt hại mà người này phải gánh chịu do hành vi của người gây thiệt hại mà không cần nhờ đến các thủ tục tư pháp.

Ví dụ điển hình về quyền tái chiếm hữu mang tính chất tự bảo vệ được ghi nhận trong trường hợp chủ sở hữu thiết lập biện pháp bảo đảm nghĩa vụ trả nợ vay bằng tài sản đặc định (một chiếc ô tô, một căn nhà,…) với cam kết theo đó, nếu chủ sở hữu không trả nợ vay đúng hạn, thì chủ nợ được quyền bán tài sản bảo đảm (collateral) để thu hồi nợ. Tình huống đặt ra là chủ sở hữu không trả nợ và cũng không chịu giao tài sản bảo đảm để chủ nợ xử lý. Luật cho phép chủ nợ trong tình huống này được quyền tự mình thu giữ tài sản bằng các biện pháp thích hợp mà không cần theo thủ tục tư pháp, với điều kiện không “phá vỡ sự bình ổn” (breach of the peace) của xã hội[6].

2.2 Giới hạn của tự bảo vệ

Luật Anh – Mỹ, như đã biết, xây dựng và hoàn thiện khái niệm breach of the peace (phá vỡ sự bình ổn) như là giới hạn của việc thực hiện quyền tự bảo vệ. Tuy nhiên, cho đến nay, việc xây dựng và hoàn thiện khái niệm này chỉ diễn ra trong học thuyết và án lệ; người làm luật đến nay chưa có định nghĩa chính thức cho khái niệm này.

Điều chắc chắn là một khi đã gọi là tự bảo vệ, thì dứt khoát không được yêu cầu sự hỗ trợ của nhân viên công lực. Một chủ nợ có bảo đảm đến nhà của người mắc nợ cùng với một viên sĩ quan cảnh sát để cùng tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm coi như có hành vi phá vỡ sự bình ổn[7], bởi sự hiện diện và sự tham gia của công lực ở một bên rõ ràng khiến tương quan lực lượng giữa hai bên trở nên mất cân đối. Điều đáng nói hơn nữa là sự hiện diện và tham gia đó xảy ra ngoài khuôn khổ hoạt động tố tụng mà bên mắc nợ lại không phải trong tình trạng phạm pháp quả tang. Đây rõ ràng là việc làm bất hợp pháp.

Tuy nhiên, nếu đại diện công lực chỉ hiện diện mà không tham gia thu giữ tài sản, thì tuỳ theo mức độ tác động của sự hiện diện ấy đối với việc thu giữ, toà án có thể ghi nhận có hay không có vi phạm sự bình ổn[8].

Việc tự bảo vệ cũng bị coi là vi phạm sự bình ổn trong trường hợp được thực hiện bằng vũ lực. Chủ nợ cũng không được quyền tự ý xông vào nơi ở của người mắc nợ mà không được sự cho phép của chủ nhà để lấy tài sản[9]. Cũng có trường hợp người mắc nợ lên tiếng phản đối việc chủ nợ lấy tài sản; nhưng chỉ lên tiếng mà không có động thái cụ thể để ngăn chặn việc chủ nợ lấy tài sản, thì việc thu giữ tài sản không bị coi là vi phạm sự bình ổn.

Trong một vụ thu giữ tài sản gây xôn xao dư luận giới luật gia ở Mỹ[10], một người thu giữ chuyên nghiệp thực hiện việc thu giữ một chiếc ô tô của người mắc nợ đang dừng trên đường công cộng. Người thu giữ lái xe đi mà không biết trên băng ghế phía sau có hai đứa trẻ, con của người mắc nợ. Nhưng khi phát hiện điều này, người thu giữ vội vã quay lại, giao trả xe cùng với những đứa trẻ cho người mẹ. Toà án cho rằng không có yếu tố vi phạm sự bình ổn trong vụ này, dù những đứa trẻ được chẩn đoán là bị sốc về tâm lý sau sự cố. Sự việc này, cùng với nhiều việc xảy ra gây tranh cãi xoay quanh khái niệm “phá vỡ sự bình ổn”, đã tạo áp lực không nhỏ đối với người làm luật trong việc hoàn thiện khái niệm này về phương diện lập pháp.

3. Quyền tự bảo vệ trong luật Việt Nam

3.1 Quá trình hình thành và phát triển

Chậm và khó khăn. Việt Nam thuộc số không nhiều nước chính thức thừa nhận quyền tự bảo vệ trong lĩnh vực dân sự[11]. Quyền tự bảo vệ được chính thức thừa nhận trong luật Việt Nam từ khi có Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 1995. Theo Điều 263 của BLDS năm 1995, “chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền tự bảo vệ tài sản thuộc sở hữu của mình, tài sản đang chiếm hữu hợp pháp bằng những biện pháp theo quy định của pháp luật”. Giải pháp này được tái khẳng định trong BLDS năm 2005 (Điều 255).

Tuy nhiên, trong suốt thời gian áp dụng các BLDS năm 1995 và 2005, quyền tự bảo vệ hầu như không thoát được trạng thái phôi thai. Không có bản án dân sự nào được tuyên liên quan đến việc thực hiện quyền này. Các văn bản lập quy cũng không đề cập đến quyền này.

Chỉ riêng trong lĩnh vực bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, các chủ nợ có bảo đảm bằng thế chấp tài sản thường phải đương đầu với thái độ thiếu thiện chí, không hợp tác của người mắc nợ: không chịu trả nợ, người này thậm chí khăng khăng nắm giữ, không chịu giao tài sản cho chủ nợ để xử lý. Nhằm hỗ trợ cho các chủ nợ có bảo đảm trong việc thực thi quyền đòi nợ, Chính phủ ban hành Nghị định số 63/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 thừa nhận cho chủ nợ có bảo đảm quyền thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý (Điều 63). Sau hơn 5 năm được áp dụng, Nghị định này được hoàn thiện thêm một bước bằng Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012. Việc thực hiện hai nghị định này được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN ngày 06/6/2014 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên & Môi trường và Ngân hàng Nhà nước. Với quyền thu giữ, chủ nợ có bảo đảm có thể có được trong tay tài sản mình cần mà không phải tiến hành các thủ tục tố tụng phức tạp, mất thời gian và tốn kém. Trong chừng mực nào đó, có thể coi quyền thu giữ tài sản bảo đảm là sự cụ thể hoá quyền tự bảo vệ trong trường hợp đặc thù.

Một cách ngẫu nhiên, quyền thu giữ tài sản bảo đảm được hình thành theo cùng một triết lý như self-help repossession trong luật Anh – Mỹ: có lẽ ở đâu, lúc nào, chủ nợ có bảo đảm cũng thường phải đương đầu với cùng vấn đề về thái độ bất hợp tác của người mắc nợ, đồng thời nắm giữ tài sản bảo đảm. Nhưng quyền thu giữ tài sản trong luật Việt Nam được triển khai trong điều kiện không có học thuyết rõ ràng về quyền tự bảo vệ, nên gặp nhiều khó khăn.

BLDS năm 2015 nâng quyền tự bảo vệ thành một quyền có tính nguyên tắc, được ghi nhận tại Điều 11 và được nhận dạng như một quyền hợp pháp theo các điều kiện được ghi nhận tại Điều 12. Trong lĩnh vực pháp luật tài sản, quyền tự bảo vệ được thừa nhận cho chủ sở hữu và chủ thể có quyền khác đối với tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 164: “Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật”.

3.2 Quyền tự bảo vệ trong luật thực định

Lĩnh vực chi phối

Tất cả mọi lĩnh vực của đời sống dân sự. Theo Điều 11 BLDS năm 2015, khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm, thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan. Với quy định rất chung như thế, người làm luật thừa nhận trên nguyên tắc, quyền tự bảo vệ có thể được thực thi mỗi khi có sự xâm hại đối với quyền dân sự. Trong khi đó, các quyền dân sự bao gồm các quyền nhân thân và các quyền tài sản. Như vậy, phạm vi thực hiện quyền tự bảo vệ ở Việt Nam rất rộng, bao gồm cả các lĩnh vực tài sản và phi tài sản.

Cụ thể, chủ thể có quyền tự bảo vệ khi danh dự, nhân phẩm của mình bị xâm hại. Chẳng hạn, trong trường hợp bị lăng nhục công khai, chủ thể có quyền phản ứng tương thích. Chủ thể cũng có quyền chống trả khi tính mạng, sức khoẻ bị xâm hại. Ở điểm này, có thể thấy nhiều nét tương đồng giữa tự bảo vệ và phòng vệ chính đáng trong luật hình. Trong chừng mực nào đó, có thể thừa nhận phòng vệ chính đáng là một trường hợp đặc thù của tự bảo vệ, được ghi nhận trong lĩnh vực hình sự.

Trong quan hệ hợp đồng, quyền tự bảo vệ cũng được thừa nhận như là một cách chế tài đối với bên vi phạm nghĩa vụ vừa ít tốn kém, dễ thực hiện, vừa có hiệu quả. Trong chừng mực nào đó, các quyền huỷ bỏ hợp đồng hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng là các biến thể của quyền tự bảo vệ trong các trường hợp đặc thù. Trong các hợp đồng cụ thể, quyền tự bảo vệ được ghi nhận thành những hành vi ứng xử thích hợp và không trái luật. Chẳng hạn, người dùng điện, nước mà không chịu trả phí, thì nhà cung ứng có quyền tạm ngưng cung ứng dịch vụ.

Điều kiện

Giải pháp nào cho Việt Nam trong điều kiện không có khái niệm “phá vỡ sự bình ổn”? Theo Điều 12 BLDS năm 2015, việc tự bảo vệ quyền dân sự phải phù hợp với tính chất, mức độ xâm phạm đến quyền dân sự đó và không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định tại Điều 3 BLDS. Thực ra Điều 3 BLDS chỉ ghi nhận những nguyên tắc rất chung và không phải nguyên tắc nào cũng áp dụng được cho việc thực thi quyền tự bảo vệ.

Chắc chắn không thể dùng quyền tự bảo vệ như một vũ khí tấn công người khác trong điều kiện chưa có ai tấn công mình trước, theo kiểu phòng vệ từ xa. Nói rõ hơn, vấn đề tự bảo vệ chỉ được đặt ra trong trường hợp chủ thể đối mặt với thái độ ứng xử không đúng mực của một người nào đó và việc tự bảo vệ được thực hiện nhằm mục đích chấn chỉnh thái độ đó, cũng như để bảo vệ các lợi ích chính đáng của mình.

Trong trường hợp bị tấn công nhắm vào tính mạng, sức khoẻ hoặc tài sản, thì có thể dùng các thành quả của quá trình hoàn thiện học thuyết về phòng vệ chính đáng trong luật hình để xây dựng giới hạn của quyền tự bảo vệ, như đã trình bày ở trên. Khó khăn có thể phát sinh trong trường hợp đối tượng bị xâm hại là danh dự, nhân phẩm. Nếu bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm trên các phương tiện truyền thông đại chúng, thì người bị xúc phạm có thể tự bảo vệ bằng cách lên tiếng cải chính trên các phương tiện truyền thông. Còn nếu bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm bằng lời nói (gọi nôm na là bị mắng chửi) ở nơi công cộng, thì thế nào là tự bảo vệ trong giới hạn? Nếu phản ứng lại bằng vũ lực, thì chắc chắn là đi quá giới hạn tự bảo vệ; còn nếu phản ứng bằng lời nói, thì khó mà đánh giá được sự cân bằng của cuộc đôi co.

Trong trường hợp đối tượng của biện pháp tự bảo vệ không tấn công mà chỉ có thái độ bất hợp tác thụ động, thì cần xây dựng bộ tiêu chí riêng cho phép nhận dạng cái gọi là tự bảo vệ chính đáng. Luật Anh – Mỹ, như đã biết, đã trải qua một quá trình phát triển dài trong việc hoàn thiện khái niệm “phá vỡ sự bình ổn”, nhưng đến nay, sự hoàn thiện chỉ ở mức tập hợp một số tiêu chí: không dựa vào công lực, không dùng vũ lực,… Cần có thời gian để luật Việt Nam hoàn thiện ở điểm này, trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm áp dụng chế định tự bảo vệ trong thực tiễn, đặc biệt là thực tiễn xét xử, đồng thời vận dụng kinh nghiệm nước ngoài.

Điều quan trọng là phải nhận thấy rằng tự bảo vệ là con dao hai lưỡi; dùng không khéo, người tự bảo vệ có thể rơi vào tình trạng vi phạm pháp luật. Yêu cầu số một đối với biện pháp tự bảo vệ là phải được thực hiện một cách tỉnh táo, có chừng mực, nhất là chỉ được mang tính phòng vệ và phải tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi xâm phạm của người khác đối với lợi ích của mình. Người thuê nhà mà không chịu trả tiền nhà, thì chủ nhà có thể tự bảo vệ bằng cách không tiếp tục cho dùng điện, nước; nhưng không thể chỉ vì người thuê không chịu trả tiền nhà mà chủ nhà khoá cửa, khoá cổng không cho người thuê đi ra, đi vào nhà[12]: làm như vậy là tự vệ vượt giới hạn, là xâm phạm quyền đi lại, quyền cư trú của công dân được hiến định.

Quyền tự bảo vệ trong bảo đảm thực hiện nghĩa vụ

Quyền thu giữ tài sản bảo đảm trong luật Việt Nam. Đề xuất đưa quyền thu giữ tài sản bảo đảm vào BLDS đã được đưa ra trong quá trình xây dựng BLDS (sửa đổi), nay là BLDS năm 2015. Nhưng vì nhiều lý do, đề xuất này đã không được chấp nhận.

Trong khi đó, thực tiễn ghi nhận rằng, trong trường hợp tài sản bảo đảm nằm trong tay người bảo đảm, thì bản thân lý thuyết vật quyền không tạo được ưu thế cho chủ nợ có bảo đảm so với các chủ nợ khác của người bảo đảm trong việc thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý. Chủ nợ nhận thế chấp, dù có vật quyền, không thể tiến hành thu giữ tài sản thế chấp mà không cần các thủ tục tố tụng và thi hành án. Để giúp chủ nợ nhận thế chấp tháo gỡ khó khăn trong việc xử lý tài sản thế chấp, người làm luật đặt ra chế định quyền thu giữ, được ghi nhận tại Nghị định số 63 nêu trên. Đây được cho là một công cụ cho phép chủ nợ có bảo đảm vượt lên trước so với các chủ nợ thường trong cuộc chạy đua đòi nợ trong giới hạn luật pháp cho phép. Khi BLDS năm 2015 có hiệu lực, có thể Nghị định sẽ phải được sửa đổi cho phù hợp với tinh thần của BLDS. Nhưng mong rằng, quyền thu giữ sẽ được tiếp tục thừa nhận và hoàn thiện, chứ không bị bãi bỏ.

Tuy nhiên, cũng giống như self-help trong luật của Anh và Mỹ, quyền thu giữ chứa đựng nhiều rủi ro, hiểm hoạ tiềm tàng: sử dụng không hợp lý, nhất là không đúng mực, quyền này có thể trở thành một thứ bạo lực tư nhân đẩy xã hội vào tình trạng hỗn loạn, mất an toàn. Cần đặt quyền thu giữ trong một khung pháp lý chặt chẽ để quyền này phát huy được tác dụng mong muốn, nhất là không bị lạm dụng gây nguy hiểm cho xã hội.

Tư tưởng chủ đạo là chủ nợ có bảo đảm quyền trực tiếp đối với giá trị kinh tế của tài sản bảo đảm và có quyền thực hiện các việc cần thiết để giá trị này bật ra nhằm phục vụ cho việc thu nợ. Với tư tưởng đó, quyền thu giữ, cũng như self-help, mang tính chất của một quyền chấn chỉnh một hành vi sai trái – không tự giác thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Chủ nợ có bảo đảm ứng xử như thể quyền lợi của mình đang bị xâm hại do hành vi bất hợp tác của người bảo đảm.

Cụ thể, chủ nợ có bảo đảm có quyền tự mình thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý. Để làm được việc này, chủ nợ có thể triển khai lực lượng của mình tại hiện trường nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm[13]. Lực lượng này có chức năng giữ trật tự trong quá trình thực hiện quyền thu giữ của chủ nợ. Trong trường hợp người bảo đảm có phản ứng chống đối bằng vũ lực, thì lực lượng này có quyền tự vệ trong khuôn khổ pháp luật; chủ nợ khi đó cũng có quyền yêu cầu chính quyền địa phương can thiệp theo đúng quyền hạn và trách nhiệm của nhà chức trách công để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người bảo đảm. Suy cho cùng, phải có ai đó gây mất trật tự hoặc có dấu hiệu rõ ràng chuẩn bị gây mất trật tự, thì công lực mới có căn cứ pháp lý để ra tay với tư cách người chịu trách nhiệm gìn giữ, bảo đảm trật tự công cộng./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

– Black’s Law Dictionary, ấn phẩm 2004.

– F.H. Lawson và B. Rudden, The Law of Property, Oxford University Press, London, 2002.

– Ryan McRobert, Defining “Breach of the Peace” in Self-Help Repossession, Washington Law Review, Vol. 87-569.

– Nguyễn Ngọc Điện, Hoàn thiện các quy định về quản lý và xử lý tài sản thế chấp, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 23 (275), 2014.

– Th. A. Street, Foundations of Legal Liability – a Presentation of Theory and Development of Common Law, Northport, N.Y, Edward Thompson Company, 1906.


[1]Black’s Law Dictionary, ấn phẩm 2004, tr. 1391. Self-help is “an attempt to redress a perceived wrong by one own’s action rather than through the normal legal process”.

[2]Th. A. Street, Foundations of Legal Liability – a Presentation of Theory and Development of Common Law, Northport, N.Y, Edward Thompson Company, 1906, pp. 280-281.

[3] F. H. Lawson và B. Rudden, The Law of Property, Oxford University Press, London, 2002, tr. 63.

[4] Ryan McRobert, Defining “Breach of the Peace” in Self-Help Repossession, Washington Law Review, Vol. 87-569.

[5]Th. A. Street, sđd, tr. 280.

[6] Bộ luật Thương mại thống nhất (UCC) của Mỹ, Điều 9-609: “… after default, a secured party… may take possession of the collateral… pursuant to judicial process; or… without judicial process, is it proceeds without breach of the peace”.

[7] Ryan McRobert, Defining “Breach of the Peace” in Self-Help Repossession, đã dẫn, tr. 580 và 581.

[8] Ryan McRobert, Defining “Breach of the Peace” in Self-Help Repossession, đã dẫn, tr. 581.

[9] R. McRobert, đã dẫn, tr. 583. Nhưng chủ nợ có quyền đi vào sân vườn, lối đi dẫn vào nhà, với điều kiện đó là nơi ra vào được mà không cần xin phép.

[10]Chapa v. Traciers&Associates, 267 S.W. 3d 386 (Tex. Ct. App. 2008).

[11]Cần phân biệt chế định quyền tự bảo vệ trong luật dân sự (self-help) và chế định phòng vệ chính đáng trong luật hình (legitimate defence). Phòng vệ chính đáng, như là một chế định của luật hình, là hành vi tự vệ chống trả một hành vi khác mang tính chất tội phạm hình sự. Hành vi bị chống trả bởi biện pháp phòng vệ chính đáng là hành vi tấn công trực diện vào lợi ích của người phòng vệ, chẳng hạn đánh, giết người, cướp của. Trong khi đó, tự bảo vệ (self-help) là hành vi mang ý nghĩa chấn chỉnh một việc làm sai trái. Việc làm bị chấn chỉnh có thể không phải là một hành vi tấn công, mà chỉ đơn thuần là thái độ thụ động, bất hợp tác. Ví dụ điển hình là trường hợp người thế chấp tài sản ương ngạnh không chịu giao tài sản cho chủ nợ nhận thế chấp để xử lý. Hai khái niệm không đồng nhất, nhưng có mối tương quan trong luật Việt Nam.

[12] Như trường hợp Ban quản lý một khu công nghiệp ở Long An chặn bít cổng ra vào một doanh nghiệp toạ lạc trong khu công nghiệp như một cách làm áp lực để doanh nghiệp trả nợ tiền phí dịch vụ, sự việc xảy ra cách nay gần 1 năm: http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20160328/chan-loi-vao-doanh-nghiep-tranh-chap-cung-phai-co-chuan-muc/1074838.html.

[13]Chủ nợ có bảo đảm không thể dựa vào UBND địa phương để triển khai lực lượng, bởi cơ quan này không thể dùng lực lượng, phương tiện của mình phục vụ cho lợi ích tư nhân ngoài khuôn khổ thi hành một bản án có hiệu lực pháp luật. Chủ nợ có bảo đảm cũng không thể giao kết với UBND một hợp đồng dịch vụ giữ trật tự, bởi UBND không thể cung ứng theo hợp đồng một dịch vụ có đối tượng là một công việc thuộc nhiệm vụ được Nhà nước giao cho mình.

Trong khung cảnh luật thực định, trong trường hợp cần có lực lượng giữ trật tự, thì chủ nợ phải nhờ đến các công ty dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp có đăng ký hành nghề. Còn trên thực tế, không ít chủ nợ đã sử dụng các băng nhóm đòi nợ thuê kiểu xã hội đen để thu hồi nợ.

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP ĐIỆN TỬ

Trích dẫn từ: http://www.nclp.org.vn/thuc_tien_phap_luat/quyen-tu-bao-ve-111iem-moi-trong-bo-luat-dan-su-nam-2015

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading