Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

KINH NGHIỆM NƯỚC NGOÀI VỀ TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC

Advertisements

BỘ TƯ PHÁP

Trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan nghiên cứu tiến hành nhiều hoạt động để tiếp cận với pháp luật nước ngoài về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN), trong đó, đã sưu tầm và dịch ra tiếng Việt Luật của khoảng 30 quốc gia, vùng lãnh thổ về TNBTCNN, tổ chức các hội thảo, hội nghị khoa học về kinh nghiệm pháp luật của nước ngoài có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.

Trên cơ sở kết quả các công việc đã được tiến hành như nêu trên, Ban soạn thảo Dự án Luật TNBTCNN (sửa đổi) xin báo cáo về một số nội dung cơ bản của pháp luật một số quốc gia, vùng lãnh thổ về TNBTCNN để phục vụ cho việc soạn thảo Dự án Luật này.

1. Về nguồn của pháp luật về TNBTCNN

Về vấn đề này, giữa các nước có sự khác biệt rõ ràng, trong đó, đa số các nước có đạo luật riêng điều chỉnh TNBTCNN và ngược lại, ở một số ít các nước, pháp luật về TNBTCNN lại tản mát, không có tính hệ thống, không được điều chỉnh bằng một đạo luật riêng biệt.

1.1. Một số nước có Luật điều chỉnh riêng TNBTCNN

Ở Châu Mĩ và Caribe, Canada và Hoa Kỳ là những quốc gia ở Bắc Mĩ có luật điều chỉnh riêng về TNBTCNN. Canada có luật về TNBTCNN từ rất sớm – Luật về Trách nhiệm Hoàng gia năm 1953 (Crow Liability Act). Đến năm 1985, Luật về Trách nhiệm Hoàng gia được sửa đổi thành Luật Thủ tục và trách nhiệm của Hoàng gia (Crow Liability and Proceedings Act 1985). Trên cơ sở các quy định chung của liên bang, nhiều bang cũng ban hành Luật riêng để áp dụng trong phạm vi bang, như Bang Manibota (Crown proceedings Act 1990), Bang Ontario (Crown proceedings Act 1990 – được sửa đổi các năm 1994, 1997, 2004), Bang Nova Scotia (Crown proceedings Act 1989)… Đối với Hoa Kỳ, TNBTCNN tại Hoa Kỳ được điều chỉnh bằng Luật Khiếu kiện bồi thường liên bang ban hành năm 1946 (Federal Tort Claims Act 1946). Ở khu vực Nam Mĩ thì một số quốc gia cũng có ban hành Luật riêng về TNBTCNN, điển hình là Guyana (State liability and proceedings Act 1998). Một số quốc gia ở khu vực Caribe cũng ban hành một luật riêng về TNBTCNN như Jamaica (Crown proceedings Act 1962).

Ở Châu á, nhiều nước có Luật điều chỉnh riêng về TNBTCNN. Nhật Bản có Luật Bồi thường nhà nước ban hành năm 1947 (Law concerning state liability for compensation 1947) và Luật Đền bù hình sự ban hành năm 1950. Tương tự như Nhật Bản, Hàn Quốc có Luật bồi thường nhà nước ban hành năm 1967 (State compensation Act 1967) và Luật Đền bù hình sự ban hành năm 1958. Tại Trung Quốc, đến năm 1994 Trung Quốc cũng ban hành Luật Bồi thường nhà nước (State compensation Law 1994). Trong khu vực đông nam á cũng có nhiều nước có ban hành Luật riêng điều chỉnh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước như Malaysia (Government proceedings Act 1956) và Singapore (Government proceedings Act 1965). Tuy nhiên, pháp luật của Malaysia và Singapore chịu ảnh hưởng lớn của pháp luật của Vương quốc Anh nên về nội dung, cơ cấu, bố cục là khá giống nhau. Vùng lãnh thổ Đài Loan cũng có ban hành Luật riêng về TNBTCNN từ năm 1980. Israel, một quốc gia trong khu vực Trung đông cũng có Luật về TNBTCNN từ rất sớm (Tort law – State liability 1952). Có thể nói, Luật về TNBTCNN của Israel là luật rất đặc thù so với tất cả các nước còn lại bởi Luật này chỉ quy định về giới hạn TNBTCNN, cụ thể là chủ yếu quy định các trường hợp và cơ chế xác định các trường hợp mà Nhà nước không phải chịu trách nhiệm bồi thường. Đặc biệt, do nằm ở khu vực Trung đông – khu vực luôn là điểm nóng trên thế giới vì xung đột vũ trang giữa các quốc gia – nên Luật về TNBTCNN của Israel có nhiều quy định phản ánh rất đậm nét tình hình này[1]. Để xác định TNBTCNN thì Israel ban hành một Thông tư quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trong đó, có những quy định riêng về TNBTCNN (Tort Ordinance 1962).

Ở Châu âu, một số quốc gia cũng có Luật điều chỉnh riêng về TNBTCNN. Vương quốc Anh là nước ban hành Luật về TNBTCNN sớm nhất (Crown proceedings Act 1947), trong đó, điều chỉnh những nội dung có tính chất chung cho toàn bộ lãnh thổ Vương quốc Anh, nhưng đồng thời, cũng có những quy định riêng dành cho Scotland và xứ Wales và Bắc Ailen. Thụy Sỹ có Luật Bồi thường nhà nước ban hành năm 1958 (Federal Law of March 14, 1958 on the Liability of the Confederation, Members of its Authorities and its Officials), và tương tự như Canada, Thụy Sỹ là quốc gia mà Nhà nước được tổ chức theo mô hình liên bang, trong đó, có 26 bang tại Thụy Sỹ. Ngoài luật của Liên bang, tại các Bang cũng có luật bồi thường nhà nước riêng của mình. Đến nay, 26 bang đã ban hành các quy định pháp luật của riêng mình về TNBTCNN. Ở khu vực Bắc âu và Baltic, Latvia (Law on repairation for damages caused by State Institutions 2005) và Estonia (State liability Act 2001) cũng là các quốc gia có ban hành Luật riêng về TNBTCNN. Riêng Phần Lan thì có điểm đặc thù hơn là có một Luật riêng điều chỉnh vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Tort liability Act 1974), và trong Luật này, có những quy định dành riêng cho TNBTCNN. Trong khối các quốc gia Đông âu thì Bulgaria cũng là nước có ban hành một Luật riêng về TNBTCNN (Act on the liability for damage incurred by the State and the muniticipalities 2006).

Ở Châu phi, nhiều nước cũng đã ban hành Luật riêng điều chỉnh về TNBTCNN, như Cộng hòa Zambia (State proceedings Act 1965), Cộng hòa Ghana (State proceedings Act 1998), Cộng hòa Sierra Leone (State proceedings Act 2000), Cộng hòa Nam phi (State proceedings Act 1957), Cộng hòa Botswana (State proceedings – civil actions or by or against government or public officers – Act 1966)… Một đặc điểm chung của pháp luật các nước Châu phi về TNBTCNN đó là, tương tự như Malaysia và Singapore ở Châu á, do chịu sự ảnh hưởng lớn từ pháp luật của Vương quốc Anh nên về cơ bản, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, kết cấu và bố cục của Luật về TNBTCNN của các nước này rất giống với Luật về TNBTCNN của Vương quốc Anh.

Ở Châu đại dương, pháp luật của New Zealand và Australia chịu ảnh hưởng lớn từ pháp luật của Vương quốc Anh. New Zealand thì ban hành Luật riêng về TNBTCNN 1950 (Crown proceedings Act 1950). Ngược lại, tại Australia thì với thể chế liên bang, mặc dù Australia không ban hành Luật điều chỉnh TNBTCNN ở cấp độ liên bang, nhưng tại từng bang thì có ban hành Luật riêng để quy định về TNBTCNN tại bang đó. Ví dụ: Bang New South Wales (Crown proceedings Act 1988), Bang Queensland (Crown proceedings Act 1980), Bang South Australia (Crown proceedings Act 1992), Bang Victoria (Crown proceedings Act 1958), Bang West Australia (Crown suits Act 1947)…

1.2. Một số nước không có Luật điều chỉnh riêng TNBTCNN

Ngược lại với các nước nêu trên, ở một số nước khác thì pháp luật về TNBTCNN lại không được điều chỉnh bằng một đạo luật riêng biệt mà nằm tản mát ở nhiều văn bản khác nhau.

Ở Châu á, tại khu vực đông nam á, Indonesia không có một luật riêng về bồi thường nhà nước mà trách nhiệm bồi thường nhà nước được quy định trong Luật về Tòa án hành chính và Luật Dân sự. Tương tự như vậy, tại Ấn độ, chế định TNBTCNN của nước này cũng được phát triển đồng thời từ những quy định mang tính nguyên tắc của Hiến pháp liên bang và án lệ của Tòa án.

Ở Châu âu, Cộng hòa Pháp là quốc gia có chế định pháp luật về TNBTCNN hình thành sớm nhất trên thế giới. Vào thời điểm khi mới hình thành, chế định này không phải là kết quả trực tiếp của một quy trình pháp điển hóa các quy phạm pháp luật cụ thể, nghĩa là không xuất phát từ ý chí của nhà lập pháp, mà nó là kết quả của thực tiễn xét xử của các Tòa án Pháp mà cụ thể là trên cơ sở án lệ Blanco nổi tiếng (1873). Đến nay, Cộng hòa Pháp cũng không có một đạo luật riêng biệt về TNBTCNN mà chế định pháp luật này nằm tản mạn ở nhiều văn bản khác nhau và tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện trên cơ sở án lệ. Tương tự như Cộng hòa Pháp, chế định pháp luật về TNBTCNN của CHLB Đức cũng không được điều chỉnh bằng một luật riêng mà chủ yếu hình thành từ những nguyên tắc chung của Hiến pháp, Bộ luật dân sự và thực tiễn xét xử của Tòa án.

2. Đối tượng được bồi thường

Pháp luật về TNBTCNNcủa tất cả các nước có điểm chung giống nhau là đều quy định các cá nhân, tổ chức trực tiếp bị Nhà nước gây thiệt hại thì được bồi thường.

Đối với trường hợp người bị thiệt hại là cá nhân mà đã chết, thì pháp luật về TNBTCNN của một số nước có quy định cụ thể đối tượng được bồi thường là người thừa kế của người đã chết[2]. Đối với trường hợp người bị thiệt hại là cá nhân, tổ chức nước ngoài thì đa số pháp luật về TNBTCNN của các nước không có sự phân biệt giữa cá nhân, tổ chức trong nước với cá nhân, tổ chức nước ngoài. Ngược lại, một số nước lại có sự phân biệt trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại, theo đó, pháp luật của những nước này quy định Nhà nước chỉ bồi thường cho cá nhân, tổ chức nước ngoài nếu pháp luật mà cá nhân, tổ chức đó mang quốc tịch cũng có quy định về TNBTCNN cho cá nhân, tổ chức nước ngoài trong điều kiện tương tự[3].

Riêng đối với trường hợp hành vi gây thiệt hại là hành vi của các lực lượng vũ trang (armed forces) hay lực lượng quốc phòng (defence forces) mà người bị thiệt hại chính là thành viên của lực lượng vũ trang hay lực lượng quốc phòng thì pháp luật về TNBTCNN của một số nước không quy định họ là người được bồi thường theo pháp luật về TNBTCNN, mà dẫn chiếu sang áp dụng các quy định của pháp luật có liên quan về trợ cấp do bị thương tật hoặc bị chết của quân nhân[4].

3. Cơ quan giải quyết bồi thường

Pháp luật về TNBTCNN của các nước về cơ quan giải quyết bồi thường có thể phân loại thành 02 nhóm chính:

Nhóm thứ nhất, là nhóm mà pháp luật về TNBTCNN quy định một cơ quan duy nhất hoặc chỉ một số cơ quan là cơ quan giải quyết bồi thường.

Luật về TNBTCNN 1967 của Hàn quốc thì quy định cơ quan này là một “Hội đồng” được tổ chức thành 02 cấp, cấp trung ương (thuộc Bộ Tư pháp hoặc một Hội đồng đặc biệt thuộc Bộ Quốc phòng) và cấp vùng. Cơ quan này vừa có chức năng giải quyết bồi thường vừa có chức năng thực hiện việc bồi thường thiệt hại (trên cơ sở quyết định do mình ban hành hoặc trên cơ sở bản án của Tòa án).

Luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Nhật bản trong các vấn đề liên quan đến lợi ích của Nhà nước thì quy định Bộ Tư pháp là “đại diện cho Nhà nước với tư cách là bị đơn tại Tòa án” trong mọi trường hợp người bị thiệt hại khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường.

Luật về TNBTCNN của các nước theo hệ thống thông luật thì quy định cơ quan bồi thường nhà nước là Tổng chưởng lý (thuộc Bộ Tư pháp) hoặc Trưởng luật sư công (thuộc Bộ Tư pháp) hoặc một cơ quan khác của Chính phủ là cơ quan bồi thường nhà nước. Tổng chưởng lý, hoặc Trưởng luật sư công hoặc cơ quan khác của Chính phủ sẽ thực hiện 02 chức năng: (1) đại diện cho Nhà nước là bị đơn tại Tòa án nếu bị người thiệt hại khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường và (2) đại diện cho Nhà nước khởi kiện tổ chức, cá nhân khác gây thiệt hại cho Nhà nước[5].

Nhóm thứ hai, là nhóm một số ít nước mà pháp luật về TNBTCNN quy định cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan đã gây ra thiệt hại.

Luật về TNBTCNN 1994 của Trung quốc thì quy định cơ quan quản lý hành chính (hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp) hoặc cơ quan tiến hành tố tụng đã gây ra thiệt hại là cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Tương tự như Luật của Trung quốc, Luật về TNBTCNN 1980 của Đài loan cũng quy định cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại (hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp) là cơ quan có trách nhiệm bồi thường.

4. Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Dưới nhiều tiêu chí khác nhau, pháp luật của các nước có thể được phân loại khác nhau, cụ thể như sau:

4.1. Tiêu chí liệt kê hay quy định điều kiện chung về phạm vi TNBTCNN

Với tiêu chí này, có thể phân loại pháp luật về TNBTCNN của các nước thành 02 nhóm chính:

Nhóm thứ nhất, là nhóm mà pháp luật về TNBTCNN của đa số các nước đều quy định liệt kê các trường hợp được bồi thường[6]. Việc pháp luật về TNBTCNN của các nước thuộc nhóm này liệt kê các trường hợp được bồi thường có những dạng cụ thể như sau:

(1) Liệt kê “xuôi” – theo đó, Luật về TNBTCNN liệt kê các các trường hợp được bồi thường.

Trong nhóm này lại có thể phân chia thành hai nhóm nhỏ: (i) Nhóm các nước mà Luật về TNBTCNN chỉ liệt kê các lĩnh vực hoạt động được bồi thường và (ii) Nhóm các nước mà Luật về TNBTCNN bên cạnh việc liệt kê các lĩnh vực hoạt động được bồi thường thì trong từng lĩnh vực, Luật còn liệt kê cụ thể các trường hợp được bồi thường.

(2) Liệt kê “ngược” – theo đó, Luật về TNBTCNN liệt kê các các trường hợp Nhà nước không bồi thường[7].

4.2. Tiêu chí các lĩnh vực hoạt động của Nhà nước

Như đã nêu trên, dưới tiêu chí các lĩnh vực hoạt động của Nhà nước, thì có 03 lĩnh vực hoạt động cơ bản của Nhà nước là lập pháp, hành pháp và tư pháp có thể chịu sự điều chỉnh của pháp luật về TNBTCNN.

Đối với hoạt động quản lý hành chính, pháp luật của tất cả các nước đều quy định TNBTCNN trong hoạt động quản lý hành chính.

Đối với hoạt động lập pháp, đại đa số các nước loại trừ TNBTCNN đối với hoạt động này. Chỉ một số ít nước có quy định TNBTCNN đối với hoạt động lập pháp.

Luật về TNBTCNN 1947 của Nhật Bản thì quy định TNBTCNN theo hướng chỉ quy định những điều kiện chung làm phát sinh TNBTCNN. Nhưng theo các chuyên gia pháp lý Nhật Bản từng nhiều năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam thì quy định như trên được hiểu là Luật về TNBTCNN của Nhật bản không loại trừ hoạt động lập pháp. Thực tiễn thi hành Luật TNBTCNN của Nhật bản cho thấy đã có nhiều án lệ của Tòa án Nhật bản về TNBTCNN trong hoạt động lập pháp, cụ thể: Án lệ thứ nhất, theo Luật Bầu cử của Nhật Bản tại thời điểm ra bản án này không quy định cho phép người tàn tật có thể tự bỏ phiếu ở nhà của mình tuy nhiên người tàn tật lại gặp khó khăn trong việc đến địa điểm bỏ phiếu để thực hiện quyền của mình. Theo Luật Bầu cử cũ trước đó thì lại cho phép người tàn tật được bỏ phiếu tại nhà mình và theo đó quy định này đã bị lợi dụng nhiều và gây ra tình trạng bất bình đẳng trong hoạt động bầu cử. Những người tàn tật đã khởi kiện Quốc hội Nhật Bản vì đã ban hành đạo luật không quy định cho phép người tàn tật được bỏ phiếu tại nhà mình. Việc không có quy định này đã không đảm bảo quyền lợi chính trị cho họ và như vậy là vi hiến. Ngoài ra những người tàn tật đã khởi kiện còn đưa ra lý do là Quốc hội đã không có hành vi sửa đổi Luật Bầu cử hiện hành để đảm bảo quyền lợi cho họ. Trong vụ việc này Tòa án tối cao Nhật Bản đã bác đơn kiện của nguyên đơn vì cho rằng đây là vấn đề chính trị mang tính chính sách – việc cho phép hay không là phụ thuộc vào quan điểm của Quốc hội. Án lệ thứ hai, trong năm 2005 tại Nhật Bản cũng có một vụ việc về kiện Quốc hội cũng từ lý do bầu cử do phía nguyên đơn là những người Nhật Bản định cư ở nước ngoài thực hiện. Phía nguyên đơn đã cho rằng, Quốc hội đã không có đạo luật nào tạo cơ chế bầu cử cho những người Nhật Bản đang định cư ở nước ngoài và vì vậy đã không đảm bảo quyền lợi cho họ. Tòa án tối cao Nhật Bản đã ủng hộ quan điểm này của phía nguyên đơn. Trong trường hợp này các đại sứ quán, lãnh sự quán hoàn toàn có thể xây dựng các cơ sở bầu cử cho người Nhật Bản ở nước ngoài nhưng họ đã không làm vì không có luật quy định, vì vậy điều này là vi hiến. Toà án tối cao Nhật Bản nhận định đây là trường hợp Quốc hội đã không hành động gây thiệt hại (không ban hành đạo luật về vấn đề này)[8].

Luật về TNBTCNN 2001 của Estonia thì quy định, người bị thiệt hại có quyền được bồi thường thiệt hại do một đạo luật mà cơ quan lập pháp ban hành gây ra với điều kiện là đạo luật đó phải là đạo luật được áp dụng chung cho mọi đối tượng chứ không chỉ điều chỉnh một nhóm đối tượng cụ thể nào.

Đối với hoạt động tư pháp (theo nghĩa hẹp – chỉ đối với hoạt động xét xử của Tòa án), đa số pháp luật về TNBTCNN loại trừ trách nhiệm của Nhà nước trong hoạt động tư pháp[9]. Ví dụ, Luật về TNBTCNN 1947 của Vương quốc Anh có quy định không được khởi kiện Hoàng gia đối với thiệt hại gây ra bởi hoạt động tố tụng tư pháp. Ngược lại với quan điểm nêu trên, pháp luật của một số nước lại có quy định về TNBTCNN đối với hoạt động tư pháp, tuy nhiên, điều kiện lại rất chặt chẽ – đó là hành vi gây thiệt hại của Thẩm phán phải là hành vi phạm tội. Ví dụ, Luật về TNBTCNN 2001 của Estonia quy định, một người có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại gây ra trong quá trình tiến hành các thủ tục tố tụng tư pháp nếu một thẩm phán đã thực hiện một hành vi phạm tội trong quá trình tiến hành các thủ tục tố tụng tư pháp.

4.3. Tiêu chí thiệt hại do tài sản của Nhà nước gây ra

Dưới góc độ này thì đa số pháp luật về TNBTCNN có quy định về thiệt hại do tài sản của Nhà nước gây ra[10]. Ví dụ, Luật về TNBTCNN 1947 của Nhật Bản và Luật về TNBTCNN 1967 của Hàn quốc có quy định về TNBTCNN đối với thiệt hại gây ra bởi sự thiếu sót trong quá trình lắp đặt hoặc quản lý tài sản thuộc sở hữu Nhà nước. Luật về TNBTCNN 1980 của Đài loan thì quy định TNBTCNN đối với các thiệt hại gây ra bởi sự khiếm khuyết trong quá trình lắp đặt hoặc quản lý các phương tiện thuộc sở hữu của Nhà nước. Luật về TNBTCNN 1985 của Canada thì quy định TNBTCNN đối với thiệt hại gây ra trên đường cao tốc bởi phương tiện cơ giới đường bộ thuộc sở hữu của Nhà nước.

4.4. Tiêu chí thiệt hại được bồi thường

Dưới góc độ này, có thể phân loại pháp luật về TNBTCNN của các nước thành 02 nhóm chính:

Nhóm thứ nhất, là nhóm các nước mà pháp luật về TNBTCNN không quy định cụ thể về thiệt hại được bồi thường mà dẫn chiếu áp dụng các quy định của pháp luật có liên quan[11]. Ở nhóm này, các nước theo hệ thống thông luật thì chỉ quy định về một loại thiệt hại được bồi thường đó là tiền lãi phát sinh đối với thiệt hại là một khoản tiền phải chi trả[12].

Nhóm thứ hai, là nhóm các nước mà pháp luật về TNBTCNN có quy định cụ thể về thiệt hại được bồi thường[13].

Khái quát chung thì các nước mà pháp luật TNBTCNN có quy định cụ thể về thiệt hại được bồi thường thì thiệt hại bao gồm các loại sau đây: (1) thiệt hại do tài sản bị xâm phạm; (2) thiệt hại do bị tổn hại về sức khỏe; (3) thiệt hại do người bị thiệt hại chết; (4) thiệt hại liên quan đến thu nhập và (5) thiệt hại do tổn thất về tinh thần. Trong nhóm này, một số rất ít các nước có quy định về một số thiệt hại rất đặc thù như thiệt hại đó là việc bị mất đi các cơ hội về kinh tế (ví dụ: Estonia) hay thiệt hại liên quan đến thu nhập trong tương lai của người đã chết (ví dụ: Hàn Quốc).

Nếu xem xét dưới khía cạnh tính định lượng của thiệt hại, pháp luật về TNBTCNN của một số nước có quy định cụ thể mức định lượng thiệt hại được bồi thường. Ví dụ, Luật Đền bù hình sự 1950 của Nhật Bản quy định mức định lượng bồi thường cho một ngày bị tù oan là từ 1.500 đến 12.000 yên. Luật về TNBTCNN 1994 của Trung quốc quy định định lượng thiệt hại do thu nhập bị mất nếu người bị hại bị gây ra thương tích là mỗi ngày do thu nhập bị giảm được tính theo lương bình quân ngày của nhân viên cơ quan nhà nước của năm trước đó nhưng tối đa không vượt quá 5 lần tiền lương bình quân của năm trước đó.

5. Thủ tục giải quyết bồi thường

Thủ tục giải quyết bồi thường được hiểu là trình tự tiến hành các bước mà người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình. Thủ tục giải quyết bồi thường được pháp luật về TNBTCNNcác nước quy định khá đa dạng, nhưng đều có đặc điểm chung là người bị thiệt hại đều có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường.

Về vấn đề này, có thể chia pháp luật về TNBTCNN của các nước thành hai nhóm chính:

Nhóm thứ nhất là nhóm mà pháp luật về TNBTCNN quy định người bị thiệt hại có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường ngay[14].

Nhóm thứ hai là nhóm mà pháp luật về TNBTCNN quy định việc giải quyết bồi thường trước hết phải được giải quyết tại cơ quan giải quyết bồi thường trước khi được khởi kiện ra Tòa án yêu cầu giải quyết bồi thường.

Luật về TNBTCNN 1994 của Trung quốc quy định việc giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự phải được tiến hành thông qua thủ tục thương lượng bắt buộc giữa cơ quan có trách nhiệm bồi thường và người bị thiệt hại. Người bị thiệt hại có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường nếu không đồng ý với kết quả giải quyết bồi thường của cơ quan bồi thường nhà nước hoặc hết thời hạn mà yêu cầu bồi thường của họ không được giải quyết.

Các án lệ của Cộng hòa Pháp cũng xác định, nếu trong quá trình khởi kiện quyết định, hành vi của cơ quan nhà nước, công chức nhà nước mà có yêu cầu bồi thường thì yêu cầu đó phải được giải quyết tại cơ quan đã gây ra thiệt hại trước khi được giải quyết tại Tòa án.

6. Trách nhiệm cá nhân của người thi hành công vụ

Trong quan hệ giữa Nhà nước với người thi hành công vụ dưới góc độ là một quan hệ lao động, Nhà nước thường được xem xét là người sử dụng lao động và người thi hành công vụ là người lao động. Theo nguyên lý chung về bồi thường thiệt hại do người lao động gây ra trong pháp luật dân sự, thì người sử dụng lao động phải là người có trách nhiệm bồi thường (hay còn được gọi là trách nhiệm thay thế – vacarious liability). Sau khi đã thực hiện xong trách nhiệm bồi thường của mình thì người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động đã gây ra thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền. Nguyên lý này được thể hiện rõ trong pháp luật về TNBTCNN của các nước, trong đó, Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm bồi thường đối với các thiệt hại mà người thi hành công vụ gây ra và sau đó, người thi hành công vụ sẽ phải hoàn trả một khoản tiền lại cho Nhà nước. Do đặc thù là hoạt động công vụ bên cạnh trách nhiệm vật chất là trách nhiệm hoàn trả, thì trách nhiệm kỷ luật cũng được áp dụng đối với người thi hành công vụ. Tuy nhiên, đó là nhìn nhận dưới góc độ luật thực định, dưới góc độ thực tiễn thi hành thì ở đa số các nước, trách nhiệm hoàn trả ít khi được áp dụng đối với người thi hành công vụ mà chủ yếu người thi hành công vụ bị xem xét trách nhiệm kỷ luật. Rà soát cho thấy, pháp luật của các nước quy định khá mờ nhạt về vấn đề này. Theo đó, pháp luật chỉ quy định nguyên tắc phải hoàn trả còn trình tự, thủ tục xem xét trách nhiệm hoàn trả thì không có quy định. Tuy nhiên, một điểm chung trong pháp luật của tất cả các nước là người thi hành công vụ chỉ phải hoàn trả nếu có lỗi trong việc để xảy ra thiệt hại.

Đi vào các nội dung cụ thể, quy định về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ trong pháp luật của các nước có thể được xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau, cụ thể:

Nếu xem xét mối quan tương quan giữa quyền và nghĩa vụ liên quan đến trách nhiệm hoàn trả, đa số các nước quy định việc hoàn trả là quyền yêu cầu từ phía Nhà nước. Điều này được hiểu là, nếu đã là quyền yêu cầu thì Nhà nước có thể thực hiện hoặc không thực hiện trên cơ sở cân nhắc các điều kiện mà luật quy định. Ngược lại với cách quy định nêu trên, ở các nước còn lại thì pháp luật quy định trách nhiệm hoàn trả là nghĩa vụ tự thân hay nghĩa vụ bắt buộc của người thi hành công vụ. Điều này được hiểu là, không chỉ người thi hành công vụ phải thực hiện trách nhiệm hoàn trả nếu hội đủ điều kiện luật định mà Nhà nước cũng có trách nhiệm trong việc phải yêu cầu người thi hành công vụ hoàn trả.

Về mức hoàn trả, đa số pháp luật các nước không quy định cụ thể mức hoàn trả của người thi hành công vụ mà chỉ quy định nguyên tắc chung liên quan đến trách nhiệm hoàn trả như căn cứ xác định mức hoàn trả hay nguyên tắc về việc phải hoàn trả… Chỉ một số ít nước mà pháp luật có quy định về mức hoàn trả, trong đó, quy định mức tối đa của trách nhiệm hoàn trả[15]. Riêng đối với trường hợp mà hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ đồng thời cấu thành tội phạm, và người thi hành công vụ đã bị một bản án của Tòa án tuyên là có tội, thì ở các nước mà pháp luật có quy định cụ thể về mức hoàn trả đều quy định người thi hành công vụ phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

7. Thi hành án bản án về bồi thường

Nhìn chung, pháp luật của đa số các nước có quy định khá đặc thù về việc thi hành án bản án về bồi thường. Theo đó, cơ quan thi hành án dân sự không tổ chức thi hành án đối với bản án về bồi thường của Tòa án. Nhà nước có trách nhiệm chi trả kịp thời và đầy đủ số tiền bồi thường mà bản án của Tòa án đã tuyên[16]. Đồng thời, các nước mà pháp luật về TNBTCNN có quy định đặc thù về thi hành bản án như nêu trên cũng có quy định đặc thù về việc chi trả tiền bồi thường của Nhà nước nếu một người được bồi thường là người phải thi hành án trong một bản án khác. Cụ thể là, về nguyên tắc thì nếu người bị thiệt hại là người phải thi hành án trong một bản án khác thì thay vì Nhà nước sẽ chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại, Nhà nước sẽ chi trả khoản tiền đó cho người được thi hành án. Ngoại lệ của quy định nêu trên là các khoản tiền bao gồm: tiền lương phải trả cho công chức, các khoản tiền mà theo các quy định tại bất kỳ đạo luật nào thì thuộc diện bị cấm hoặc hạn chế chuyển nhượng và các khoản tiền nào mà Nhà nước có nghĩa vụ chi trả cho bất kỳ ai vào tài khoản tiền gửi ở Ngân hàng tiết kiệm quốc gia./.


[1] Ví dụ như quy định về TNBTCNN trong trường hợp thiệt hại xảy ra trong khu vực có xung đột hay TNBTCNN trong trường hợp người bị thiệt hại là các nhà hoạt động chính trị đối lập hoặc người là thành viên của các tổ chức khủng bố hay là công dân của các quốc gia bị coi là quốc gia thù địch với Israel.

[2] Trung quốc, Hàn quốc, Phần lan.

[3] Trung quốc, Hàn quốc, Nhật bản, Đài loan.

[4] Canada, Guyana, Jamaica, Malaysia, Singapore, Vương quốc anh, Cộng hòa Zambia, Cộng hòa Ghana, Cộng hòa Sierra Leone, Cộng hòa Botswana, Cộng hòa Nam phi, New Zealand, Australia.

[5] Canada, Guyana, Jamaica, Malaysia, Singapore, Vương quốc anh, Cộng hòa Zambia, Cộng hòa Ghana, Cộng hòa Sierra Leone, Cộng hòa Botswana, Cộng hòa Nam phi, New Zealand, Australia.

[6] Hoa Kỳ, Trung quốc, Israel, Indonesia, , Thái lan, Thụy sĩ, , Phần lan, Estonia, Latvia, Canada, Guyana, Jamaica, Malaysia, Singapore, Vương quốc anh, Cộng hòa Zambia, Cộng hòa Ghana, Cộng hòa Sierra Leone, Cộng hòa Botswana, Cộng hòa Nam phi, New Zealand, Australia, Bulgaria.

[7] Duy nhất Hoa Kỳ là nước mà Luật về TNBTCNN liệt kê các trường hợp Nhà nước không bồi thường.

[8] Bộ Tư pháp, Kỷ yếu các Tọa đàm về Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong khuôn khổ hợp tác với Dự án JICA, Hà Nội, 2007, Trang 25, 26.

[9] Canada, Guyana, Jamaica, Malaysia, Singapore, Vương quốc anh, Cộng hòa Zambia, Cộng hòa Ghana, Cộng hòa Sierra Leone, Cộng hòa Botswana, Cộng hòa Nam phi, New Zealand, Australia.

[10] Nhật Bản, Hàn quốc, Đài loan, Thụy sĩ, Canada, Guyana, Jamaica, Malaysia, Singapore, Vương quốc anh, Cộng hòa Zambia, Cộng hòa Ghana, Cộng hòa Sierra Leone, Cộng hòa Botswana, Cộng hòa Nam phi, New Zealand, Australia.

[11] Đài loan, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Thụy sĩ, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa liên bang Đức, Canada, Guyana, Jamaica, Malaysia, Singapore, Vương quốc anh, Cộng hòa Zambia, Cộng hòa Ghana, Cộng hòa Sierra Leone, Cộng hòa Botswana, Cộng hòa Nam phi, New Zealand, Australia , Phần lan, Estonia, Israel, Bulgaria.

[12] Canada, Guyana, Jamaica, Malaysia, Singapore, Vương quốc anh, Cộng hòa Zambia, Cộng hòa Ghana, Cộng hòa Sierra Leone, Cộng hòa Botswana, Cộng hòa Nam phi, New Zealand, Australia.

[13] Hàn Quốc, Trung quốc, Indonesia, Thái lan, Phần lan, Estonia, Latvia.

[14] Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel, Indonesia, Đài loan, Thái lan, Thụy sĩ, Cộng hòa liên bang Đức, Phần lan, Estonia, Latvia, Canada, Guyana, Jamaica, Malaysia, Singapore, Vương quốc anh, Cộng hòa Zambia, Cộng hòa Ghana, Cộng hòa Sierra Leone, Cộng hòa Botswana, Cộng hòa Nam phi, New Zealand, Australia, cộng hòa Pháp, Phần lan, Estonia, Bulgaria.

[15] Ví dụ Luật về TNBTCNN 2001 của Estonia quy định, nếu thiệt hại gây ra không phải do lỗi cố ý của công chức thì khoản hoàn trả của công chức tối đa không vượt quá 6 lần tiền lương và trợ cấp của công chức đó.

[16] Canada, Guyana, Jamaica, Malaysia, Singapore, Vương quốc anh, Cộng hòa Zambia, Cộng hòa Ghana, Cộng hòa Sierra Leone, Cộng hòa Botswana, Cộng hòa Nam phi, New Zealand, Australia.

SOUCE: BÁO CÁO TỔNG THUẬT CỦA BỘ TƯ PHÁP VỀ PHÁP LUẬT NƯỚC NGOÀI VỀ TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC – HỒ SƠ DỰ ÁN LUẬT TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC (SỬA ĐỔI) TRÌNH QUỐC HỘI.

Exit mobile version