admin@phapluatdansu.edu.vn

THỰC TIỄN ÁP DỤNG BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM BẰNG TÀI SẢN THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT DÂN SỰ NHẬT BẢN

Kết quả hình ảnh cho JAPAN CIVIL CODETS. NGUYỄN LAN HƯƠNG, KHOA LUẬT, ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

Bảo lãnh bằng tài sản là hình thức áp dụng phổ biến ở Nhật Bản trong quan hệ tín dụng bên cạnh bảo lãnh bằng uy tín dễ dàng thực hiện. Trong bảo lãnh bằng tài sản, người bảo lãnh có nghĩa vụ thực hiện cam kết bảo lãnh khi người được bảo lãnh là con nợ không hoàn trả được khoản vay.

Bộ Luật dân sự Nhật Bản quy định nghĩa vụ duy trì bảo đảm tại Điều 504. Theo đó, để bảo đảm thu hồi khoản nợ, các ngân hàng phải thực hiện biện pháp bảo đảm. Các biện pháp bảo đảm là cầm cố, thế chấp, bảo lãnh được thực hiện trong hoạt động cho vay của các ngân hàng cũng như các giao dịch dân sự, thương mại khác.

Với lịch sử lâu đời của ngành kinh doanh ngân hàng và bề dày lịch sử tồn tại của Bộ Luật dân sự, các quy định về biện pháp bảo đảm có những đặc thù riêng và đặc biệt được áp dụng linh hoạt trong hoạt động cho vay của các ngân hàng và nhiều thỏa thuận đã được án lệ công nhận. 

Bài viết đề cập đến một số điểm đặc thù trong quy định và áp dụng biện pháp bảo đảm theo Bộ Luật dân sự Nhật Bản.

1. Quyền bảo đảm

Bộ Luật dân sự Nhật Bản quy định về quyền bảo đảm: quyền cầm cố, quyền thế chấp và bảo lãnh. Về cơ bản, quyền cầm cố được sử dụng bảo đảm trái quyền, con nợ hoặc người thứ 3 thiết lập quyền cầm cố giao tài sản có thể là động sản hoặc bất động sản cho người nhận cầm cố chiếm hữu, khi con nợ không trả được nợ, người nhận cầm cố có quyền phát mại tài sản cầm cố. Còn quyền thế chấp được gọi là quyền được thanh toán trái quyền ưu tiên so với các chủ nợ khác khi con nợ thiết lập quyền thế chấp để bảo đảm cho khoản nợ đi vay. Đây là các vật quyền bảo đảm thực hiện hợp đồng, cầm cố có điều kiện chuyển giao quyền chiếm hữu.

Bảo lãnh bằng tài sản là hình thức áp dụng phổ biến ở Nhật Bản trong quan hệ tín dụng bên cạnh bảo lãnh bằng uy tín dễ dàng thực hiện. Trong bảo lãnh bằng tài sản, người bảo lãnh có nghĩa vụ thực hiện cam kết bảo lãnh khi người được bảo lãnh là con nợ không hoàn trả được khoản vay.

Bên cạnh đó, Nhật Bản còn quy định về quyền thế chấp gốc. Đây là quyền thế chấp đảm bảo cho một loạt trái quyền không xác định trong các giao dịch liên tục. Do đó, khác với quyền thế chấp thông thường, tại thời điểm xác lập thì không cần thiết có trái quyền được bảo đảm tồn tại, các trái quyền phát sinh trong các giao dịch riêng rẽ trở thành trái quyền được bảo đảm cho dù được thanh toán và không tồn tại chăng nữa thì trái quyền thế chấp gốc không chấm dứt nó lại tiếp tục tồn tại để bảo đảm cho các trái quyền khác phát sinh. Ngoài ra, khi thiết lập trái quyền gốc, tùy loại giao dịch mà cần thiết phải xác định phạm vi bảo đảm.

Quyền thế chấp gốc được xác lập giữa chủ nợ và người sở hữu bất động sản do đó, không cần thiết con nợ phải cùng là người thiết lập quyền thế chấp. Trong trường hợp này, người dùng tài sản thiết lập quyền thế chấp trên bất động sản có thể trở thành người bảo lãnh bằng tài sản. Có nhiều trường hợp liên quan đến thế chấp gốc.

Trên thực tế, chế độ quyền thế chấp gốc áp dụng trong vay vốn ngân hàng. Lý do là các doanh nghiệp thực hiện các giao dịch với ngân hàng liên tục, việc xác lập quyền thế chấp có thủ tục phức tạp và tốn nhiều chi phí, nên xác lập quyền thế chấp gốc tại thời điểm nhất định và với giá trị bảo đảm nhất định liên quan đến các trái quyền không xác định.

2. Đặc thù về thỏa thuận các biện pháp bảo đảm

2.1  Biện pháp bảo lãnh

Bảo lãnh tài sản có hai loại là bảo lãnh đơn giản và bảo lãnh liên đới. Bảo lãnh liên đới là trường hợp con nợ không thanh toán khoản nợ, thì người bảo lãnh có trách nhiệm thay thế trả nợ (Điều 446 BLDS). Bảo lãnh liên đới là chế độ bảo lãnh trong đó người bảo lãnh cùng với con nợ có trách nhiệm thanh toán trả nợ (Điều 454 BLDS). Hợp đồng bảo lãnh ký kết giữa người bảo lãnh và người cho vay. Người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh áp dụng chế độ “đôn đốc đòi nợ” (Điều 452), chỉ sau khi đã đôn đốc con nợ trả nợ nhưng con nợ chưa thực hiện được nghĩa vụ. Chế độ này áp dụng cho bảo lãnh đơn giản.  

Còn trong chế độ bảo lãnh liên đới, người bảo lãnh có vị trí giống như con nợ. Không áp dụng chế độ “đôn đốc đòi nợ” như trong trường hợp bảo lãnh đơn giản. Chủ nợ có thể không cần đôn đốc trả nợ mà yêu cầu người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ. Sau đó người bảo lãnh sẽ đòi con nợ về khoản bảo lãnh.

Bảo lãnh gốc được án lệ công nhận trong đó chế độ bảo lãnh này áp dụng cho giao dịch liên tục giữa hai bên, từ giao dịch này phát sinh nhiều khoản nợ thường xuyên cần được bảo lãnh.

2.2. Về bảo đảm chuyển nhượng tài sản

2.2.1  Khái niệm và cơ sở pháp lý

Như trên đã đề cập, Bộ luật Dân sự Nhật Bản quy định biện pháp cầm cố và thế chấp. Cầm cố là hình thức bảo đảm người nhận cầm cố nhận vật cầm cố, còn người cầm cố không giữ vật. Thế chấp chỉ hạn chế với đối tượng là bất động sản. Theo đó các bên chỉ được áp dụng các biện pháp theo quy định của Bộ Luật dân sự.

Dựa trên quy định trên, trong giao dịch dân sự phát sinh biện pháp bảo đảm chuyển nhượng tài sản bảo đảm (譲渡担保).

Bảo đảm chuyển nhượng tài sản bảo đảm là cách thức chuyển quyền sở hữu tài sản bảo đảm cho chủ nợ còn quyền chiếm hữu tài sản thuộc về người thiết lập quyền bảo đảm. Việc thỏa thuận này giúp cho con nợ có thể vay được vốn kinh doanh, vẫn có thể sử dụng tài sản để kinh doanh, và bên vay dễ dàng quản lý tài sản bảo đảm.

Hình thức bảo đảm này xuất hiện trên thực tế. Khi sử dụng hình thức này, bên cầm cố và bên nhận cầm cố ký hợp đồng mua bán và chuyển giao quyền sở hữu tài sản và nhận khoản tiền từ việc mua bán. Người bán tài sản là người cầm cố trở thành người thuê tài sản. Các bên ký kết hợp đồng để sau khi trả nợ, con nợ được trả lại tài sản cầm cố. Trong trường hợp con nợ không trả được nợ, bên cho vay được xử lý tài sản cầm cố. Bên cho vay phải trả khoản chênh lệch cho người vay khi khoản tiền bán tài sản lớn hơn khoản vay.

Các tài sản áp dụng là động sản (tài sản chứng khoán hóa, động sản lưu động, động sản đặc định…), bất động sản, quyền lợi (trái quyền, quyền tài sản vô hình, quyền kinh doanh…).

Căn cứ vào các quy định của Bộ luật dân sự Nhật Bản thỏa thuận trên có hiệu lực do không vi phạm quy định biểu thị lừa dối (Điều 94); không vi phạm Điều 345 và 349 do áp dụng nhằm thực hiện chức năng mang tính xã hội; không vi phạm nguyên tắc vật quyền luật định (Điều 175), cụ thể là Luật tập quán, Văn bản hướng dẫn áp dụng cũng như Điều 35 thi hành Bộ Luật dân sự cũng thừa nhận nội dung này.

Trong trường hợp bảo đảm chuyển nhượng động sản, giao vật là điều kiện đối kháng (Điều 178). Án lệ công nhận di chuyển quyền chiếm hữu là điều kiện đối kháng (Án lệ 1955.6.2).  Bởi vậy, khi bên nhận cầm cố giao lại vật cho bên cầm cố sử dụng, tài sản cầm cố có thể bị chuyển nhượng dễ dàng cho người thứ ba. Giải pháp đưa ra là dán nhãn để bên thứ ba không sở hữu tài sản cầm cố.

2.2.2  Nội dung thỏa thuận về bảo đảm chuyển nhượng tài sản bảo đảm

(1) Nghĩa vụ bảo quản tài sản của chủ nợ

Chủ nợ có nghĩa vụ bảo quản tài sản đến khi con nợ hoàn trả khoản nợ. Chủ nợ không có quyền tự tiện xử lý tài sản, mà chỉ có thể xử lý tài sản khi con nợ không trả được khoản nợ.

(2) Đăng ký chuyển nhượng

Điều kiện đối kháng trong trường hợp bảo đảm chuyển nhượng bất động sản là đăng ký (Điều 177). Trước đây, cơ sở đăng ký là xác lập quyền sở hữu thông qua mua bán, còn hiện nay, trên thực tế, việc bảo đảm chuyển nhượng là cơ sở đăng ký.

Trên thực tế, khi chủ nợ nhận bảo đảm chuyển nhượng bất động sản, về quan hệ chi phí đăng ký, chủ nợ vì mình phải tạm đăng ký yêu cầu chuyển nhượng tài sản (đăng ký giao dịch), tuy nhiên, trong trường hợp đăng ký thật thì để hạn chế việc chủ nợ tự tiện chuyển nhượng thì con nợ nên thực hiện tạm đăng ký chuyển nhượng tài sản (chế độ tạm đăng ký). Hơn thế nữa, động sản do con nợ tiếp tục sử dụng nên chủ nợ khó có thể chuyển nhượng tài sản của con nợ.

(3) Quyền siết nợ đối với bảo đảm chuyển nhượng tài sản bảo đảm

Con nợ trong trường hợp chiếm hữu động sản trong giao dịch bảo đảm chuyển nhượng tài sản, thì chủ nợ có tài sản bảo đảm chuyển nhượng không được siết nợ đối với tài sản đó do người bảo đảm tuy nắm giữ tài sản cầm cố, bất động sản nhưng đã đăng ký  tên danh nghĩa của người nhận cầm cố, thế chấp.

2.2.3 Thực hiện

(1) Phương pháp thực hiện:

Khi con nợ không hoàn trả khoản nợ đúng hạn, chủ nợ có quyền bán tài sản để thu hồi nợ  nhưng phải hoàn trả khoản chênh lệch bán tài sản vượt quá khoản nợ cho con nợ.

(2) Vấn đề đặt ra không có quy định pháp luật áp dụng nên áp dụng theo án lệ. Theo đó quan điểm giải quyết là ưu tiên bảo vệ con nợ trong Luật tạm đăng ký giao dịch bảo đảm.

+ Thông báo khi thực hiện xử lý tài sản bảo đảm của chủ nợ, kết quả là chủ nợ có quyền xử lý tài sản và quyền sở hữu xác định (hoặc chủ nợ chỉ có quyền sở hữu khi hoàn trả khoản tiền bán tài sản vượt trên giá trị khoản nợ.

+ Giao tài sản:

Trong trường hợp con nợ chiếm giữ tài sản, chủ nợ có quyền yêu cầu chuyển giao, con nợ có thể chuyển giao tài sản thỏa thuận hoặc hoán đổi bằng tài sản khác hoặc thanh toán. Con nợ không giao tài sản thì chủ nợ không thực hiện được xử lý tài sản.

+ Phương pháp hoàn trả, thanh toán

(i) Phương pháp thanh toán xử lý:  chủ nợ bán tài sản cho người thứ 3, bù đắp khoản nợ và hoàn trả khoản tiền thừa.

(ii) Phương pháp thanh lý quy thuộc: chủ nợ định giá chính xác tài sản và xác định đó là tài sản của mình và trả cho con nợ khoản tiền chênh lệch.

Phương pháp này phải được thỏa thuận trong hợp đồng. Trong trường hợp không thỏa thuận thì sẽ áp dụng theo phương pháp quy thuộc giống như bảo đảm tạm đăng ký sở hữu.

+ Giao tài sản: con nợ khi hoàn trả khoản nợ sẽ khôi phục lại quyền sở hữu tài sản. Khoản nợ chưa được hoàn trả thì chủ ơợ có quyền bán tài sản của người cầm cố, người thế chấp cho người thứ 3 đồng nghĩa với việc con nợ không khôi phục được quyền sở hữu.

3. Xác định thông tin về tài sản bảo đảm

Ngân hàng có thể phải có xác định tình trạng sở hữu bằng chứng nhận giá trị thuế tài sản cố định, và điều tra tình trạng nộp thuế của người có tài sản bảo đảm.

Trong trường hợp bảo đảm bất động sản thì con nợ và thiết lập quyền bảo đảm phải liên đới chịu trách nhiệm liên quan đến chi phí về đăng ký và bản sao đăng ký cho thư ký tư pháp [1]

4. Thỏa thuận về bảo hiểm tài sản

Tài sản có thể được bảo hiểm thiệt hại, trong trường hợp này người có tài sản bảo đảm phải ký kết hợp đồng bảo hiểm, trong trường hợp có sự kiện bảo hiểm xảy ra đối với tài sản bảo hiểm thì có quyền yêu cầu chi trả tiền bảo hiểm. Ngân hàng cần thiết lập quyền cầm cố quyền yêu cầu tiền bảo hiểm đối với tài sản trên.

Ngoài ra có cách thức chuyển nhượng quyền yêu cầu bảo hiểm đối với người nhận cầm cố, trong trường hợp này, cần có thỏa thuận về điều khoản về thực hiện quyền yêu cầu tiền bảo hiểm giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm (người nhận thế chấp hoặc người thế chấp gốc).

Ngân hàng ký hợp đồng bảo hiểm cháy nổ, còn khoản phí bảo hiểm và khoản phí khác, khoản tổn thất do bên nợ và bên thế chấp tài sản (người thế chấp gốc) chịu. [2]


Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Luật dân sự Nhật Bản (日本民法)

2. Sách: Học Luật tài sản,  Yamakawa, Hogakushoin, 2000 (山川一陽著 『財産法を学ぶ』(第2版)法学書院)

3. Tổng luận về trái quyền, Hinano, Shinsansha,  2005 (平野博之『債権総論』 (第3版) 信山社)

4. Quy chế cho vay của Ngân hàng Yokohama, tải từ http://www.boy.com.jp/hojin.loan

5. Quy chế của ngân hàng Mizuho (みずほダイレクト規定), tải từ http://www.mizuho.bank.com/direct/regulation.html

6. Câu hỏi và trả lời liên quan đến hợp đồng trên Web của Ngân hàng Mizuho (よくあるご質問 契約書について) : http://www.mizuho.bank.com


[1] Giải thích về rủi ro về hợp đồng của Ngân hàng Yokohama.

[2] Quy chế ngân hàng Yokohama.

SOURCE: THỜI BÁO NGÂN HÀNG

Trích dẫn từ: http://thoibaonganhang.vn/thuc-tien-ap-dung-bien-phap-bao-dam-bang-tai-san-theo-quy-dinh-cua-bo-luat-dan-su-nhat-ban-57067.html

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading