admin@phapluatdansu.edu.vn

LUẬN BÀN VỀ CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐIỀU CHỈNH NGHIỆP VỤ MUA BÁN NỢ CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Kết quả hình ảnh cho TRADING LIABILITIESTHS. NGUYỄN BÍCH NGÂN – Học viện Ngân hàng

Phát triển thị trường mua bán nợ là đòi hỏi tất yếu trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường. Thị trường tài chính Việt Nam nói chung và hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM) nói riêng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng đã và đang thực hiện ngày một rộng và sâu nghiệp vụ mua bán nợ này. Thực tế cho thấy, nghiệp vụ mua bán nợ phát triển sẽ giúp cho tình hình tài chính của các NHTM được lành mạnh, minh bạch, giảm rủi ro tín dụng và tạo các cơ hội kinh doanh, sinh lời mới.

Tuy nhiên, hiện nay, các cơ chế, chính sách điều chỉnh nghiệp vụ mua bán nợ của các tổ chức tín dụng (TCTD) ở Việt Nam còn chưa hoàn chỉnh, thậm chí vẫn còn những điểm bất cập, mâu thuẫn lẫn nhau. Điều này sẽ phần nào làm cản trở sự phát triển nghiệp vụ quan trọng này tại các NHTM. Bài viết sau đây sẽ đi vào nghiên cứu về các văn bản quy phạm pháp luật hiện đang điều chỉnh hoạt động mua bán nợ của các TCTD Việt Nam và đưa ra các khuyến nghị cần thiết.

1. Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành điều chỉnh nghiệp vụ mua bán nợ của các tổ chức tín dụng Việt Nam

Thông tư 09/2015/TT-NHNN

Văn bản pháp lý đầu tiên ban hành quy chế cho nghiệp vụ mua bán nợ của các TCTD là Quyết định 140/1999/QĐ-NHNN ngày 19/04/1999. Quyết định 59/2006/QĐ-NHNN ngày 21/12/2006 thay thế cho Quyết định 140/1999/QĐ-NHNN, đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các TCTD trong hoạt động mua bán nợ nhằm mở rộng khả năng cho vay của TCTD đối với khách hàng, tăng cường khả năng chuyển dịch cơ cấu đầu tư, góp phần quản lý rủi ro tín dụng, củng cố tính thanh khoản và chất lượng các khoản đầu tư của TCTD. Tuy nhiên, quyết định này vẫn chỉ giới hạn ở quy định mang tính quy trình đối với hoạt động mua bán nợ mà thiếu đi những yêu cầu có tính bắt buộc bán nợ ở các TCTD nếu nợ xấu vượt quá tỷ lệ nhất định hoặc kéo dài quá thời hạn cho phép mà không được xử lý, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Vì vậy, ngày 17/7/2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 09/2015/TT-NHNN quy định về hoạt động mua bán nợ của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thông tư 09/2015/TT-NHNN ra đời có nhiều điểm mới với nội dung đầy đủ và chặt chẽ hơn các văn bản trước đó. Nếu trước đây bất cứ TCTD nào cũng có thể tham gia mua nợ, thậm chí thông qua các đơn vị môi giới hoặc lập ra các công ty “sân sau” để xử lý nợ xấu về mặt hình thức thì đến nay, hoạt động này buộc phải dừng lại. Ngoài ra, các quy định cụ thể về tỷ lệ nợ xấu bắt buộc của đơn vị mua nợ, phạm vi mua nợ cho phép của các công ty quản lý tài sản cũng như các yêu cầu mới về quy trình, thủ tục, hồ sơ mua bán nợ… mà Thông tư nêu ra sẽ ngăn chặn các trường hợp xử lý nợ ảo, đưa hoạt động mua bán nợ vào khuôn khổ và đi vào thực chất. Điều này đặt cơ sở cho việc thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng, đưa tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống về mức dưới 3% như mục tiêu của NHNN.

Có thể nói, Thông tư 09/2015/TT-NHNN phản ánh những nỗ lực không ngừng của NHNN nhằm từng bước hoàn thiện môi trường pháp lý về hệ thống ngân hàng, tạo thuận lợi cho hoạt động của các TCTD tại Việt Nam. Tuy vậy, Thông tư này vẫn còn một số điểm cần luận bàn như sau:

– Tại khoản 2, Điều 1: quy định phạm vi điều chỉnh của Thông tư không áp dụng đối với hoạt động mua bán nợ phát sinh từ hợp đồng tín dụng giữa các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Các TCTD có thể lợi dụng điểm này để thông đồng chuyển giao các khoản nợ cho nhau, đảo nợ hoặc làm sạch nợ xấu, để đảm bảo tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Khi đó, các TCTD vẫn đủ điều kiện để tham gia mua bán nợ trên thị trường theo đúng nguyên tắc được quy định tại Điều 5.

– Các TCTD muốn mua nợ phải được sự cho phép của NHNN.

Quyết định cho phép mua nợ của NHNN đôi khi sẽ không được chính xác. Hoặc khi các TCTD đã được chấp thuận cho phép mua nợ, mà việc bán nợ lại không cần phải xin phép NHNN, tình trạng mua bán nợ lòng vòng có thể tái diễn giữa các
ngân hàng.

– Trình tự, thủ tục chấp thuận hoạt động mua nợ được xem xét trong vòng 40 ngày.

Đây là khoảng thời gian tương đối dài. Ngân hàng muốn mua nợ dễ bị chậm trễ trong việc mua một khoản nợ, nếu khoản nợ đó là khoản nợ tốt.

– Định giá khoản nợ trong Điều 12 có quy định được định giá trên cơ sở là giá trị tài sản bảo đảm.

Tuy nhiên, Thông tư chưa quy định rõ là tài sản bảo đảm được định giá theo giá thị trường hay giá trị sổ sách.

Thông tư số 19/2013/TT-NHNN (TT 19/2013) và Thông tư số 14/2015/TT-NHNN (TT 14/2015)

Ngày 06/09/2013, NHNN ban hành Thông tư 19/2013/TT-NHNN quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC). Đây là văn bản quy định toàn diện về các khía cạnh liên quan đến việc mua bán nợ giữa VAMC và NHTM. Sau đó, ngày 28/08/2015, NHNN tiếp tục ban hành Thông tư số 14/2015/TT-NHNN về sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 19/2013/TT-NHNN. Bên cạnh việc ban hành thông tư sửa đổi giúp Thông tư 19/2013 hoàn thiện và bám sát thị trường hơn thì Thông tư 19/2013 có một số điểm cần được nghiên cứu:

– Điều 11, chưa quy định về việc chuyển nhượng của trái phiếu đặc biệt có được không hay bị giới hạn những gì cũng như lãi suất thời hạn của của các loại trái phiếu, việc trích lập dự phòng rủi ro cho trái phiếu có phải trích lập không.

– Điều 15, chưa đề cập chi tiết tới việc thanh toán các loại trái phiếu khi đến hạn hay việc gia hạn thời hạn trả nợ trái phiếu có được phép hay không, gây nên sự khó khăn cho các bên tham gia mua bán nợ.

– Điểm a, khoản 1, Điều 43 chưa nói rõ về việc VAMC sẽ gửi số tiền thu hồi được ở đâu?

– Theo Thông tư 19/2013, VAMC được mua nợ xấu của các ngân hàng theo giá thị trường (trước đó, mua theo giá trị sổ sách) và trả cho ngân hàng trái phiếu do VAMC phát hành. Trái phiếu này được giao dịch trên thị trường mở (OMO), được dùng để tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước, được chuyển nhượng giữa các TCTD với nhau hoặc với NHNN. Để thị trường mua bán nợ được thực sự diễn ra phải hội tụ đủ ba điều kiện:

Thứ nhất, nợ xấu phải được mua bán theo giá thị trường (Thông tư 19/2013 đã đạt được).

Thứ hai, nợ xấu được mua bán theo hình thức mua đứt bán đoạn. Thông tư 19/2013 đã cho phép ngân hàng bán đứt nợ xấu cho VAMC, chuyển toàn bộ quyền lợi của ngân hàng sang chủ nợ mới là VAMC. Tuy nhiên, điều kiện này chưa thể đạt được kỳ vọng về hiệu quả, vì tính pháp lý tại Việt Nam vẫn còn xung đột và chồng chéo về xử lý tài sản đảm bảo của khoản nợ vay; tòa án vẫn chỉ cho phép người khởi kiện con nợ phải là chủ nợ đầu tiên (tức ngân hàng). Do vậy, cần phải có cơ chế cho VAMC khi trở thành chủ nợ mới khi xử lý tài sản đảm bảo mà không cần dựa vào chủ nợ cũ và cũng không cần sự hợp tác của con nợ.

Thứ ba, mua bán nợ xấu phải được thực hiện bằng tiền mặt. Trái phiếu mà VAMC phát hành thông qua việc mua nợ theo giá thị trường chưa phải là tiền mặt. Để có thể hoán đổi trái phiếu này thành tiền mặt thì cần phải được các công ty chứng khoán công nhận và nhà đầu tư sẵn sàng mua.

Với Thông tư 19/2013 chắc chắn nợ xấu sẽ được xử lý tốt hơn, nhưng có thể chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Vì trong ba điều kiện để hình thành một thị trường mua bán nợ thực sự thì Thông tư 19/2013 mới chỉ đáp ứng được điều kiện thứ nhất. Điều kiện thứ hai và ba vẫn còn có vướng mắc.

– Theo Thông tư 19/2013, đối với việc hoạt động mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt, TCTD có tỷ lệ nợ xấu từ 3% so với tổng dư nợ tín dụng trở lên phải bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản. Do việc bắt buộc phải bán nợ cho công ty quản lý tài sản khi có tỉ lệ nợ xấu từ 3% trở lên, sẽ không tránh khỏi trường hợp một số TCTD cố ép nhằm giảm tỉ lệ nợ xấu để không phải thực hiện việc bán nợ xấu này. Các NHTM có thể dùng kỹ thuật tài chính để đẩy tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3%; hoặc nếu buộc phải bán nợ thì các tài liệu, đánh giá nội bộ, thông tin về doanh nghiệp có thể không được chuyển giao hoàn toàn cho VAMC, gây ảnh hưởng đến tốc độ xử lý nợ xấu. Đối với các NHTM cổ phần nhà nước, việc bán nợ cho VAMC cũng đồng nghĩa với việc để lộ ra những khoản vay không hiệu quả. Đây là những rào cản lớn nhất làm chậm quá trình xử lý nợ xấu của VAMC cũng như các tổ chức mua bán nợ khác vì thông tin nợ xấu không chính xác khiến cho việc lập chiến lược và thực hiện quy trình giải quyết dứt điểm nợ xấu trở nên khó khăn.

2. Một số khuyến nghị đối với các quy phạm pháp luật điều chỉnh nghiệp vụ mua bán nợ của các NHTM tại Việt Nam

Tác giả xin đưa ra một số khuyến nghị về khung pháp lý điều chỉnh trực tiếp nghiệp vụ mua bán nợ của các NHTM như sau:

Một là, khuôn khổ pháp lý cho mô hình xử lý nợ xấu trong hệ thống tài chính Việt Nam còn có bất cập nên cần phải có sự đánh giá, rà soát để phát triển thị trường mua bán, xử lý nợ, khuyến khích các tổ chức tham gia, phát triển các công cụ để đa dạng hóa việc mua bán, xử lý nợ, tạo ra giấy tờ có giá trong việc mua bán nợ.

Hai là, rà soát lại các cách thức có thể thực hiện mua bán nợ trong bối cảnh hiện nay và các cơ chế về thị trường mua bán, xử lý nợ để đưa ra luật điều chỉnh cụ thể cho từng hình thức mua bán.

Ba là, về lâu dài, hoạt động mua bán và xử lý nợ, tài sản tồn động cần phải được xây dựng thành bộ luật riêng biệt, thống nhất nhằm tạo ra môi trường pháp lý chặt chẽ, nâng cao năng lực hoạt động cho các bên liên quan, trong đó quy định rõ ràng về trách nhiệm của các bên liên quan như: Doanh nghiệp, tổ chức không để công nợ tồn đọng, cung cấp đủ thông tin về hoạt động, tài chính, nhân sự, giám sát.

Bốn là, cần quy định rõ trách nhiệm với các TCTD, đơn vị liên quan phối hợp với VAMC trong việc xử lý nợ. Có chế tài xử lý nghiêm với các TCTD chưa phối hợp với VAMC trong công tác mua, bán nợ, nhất là các khoản nợ không có khả năng thu hồi. Cần xây dựng một cơ chế bán nợ, nhất là nợ xấu bảo đảm bán đúng theo giá trị thị trường và kiểm soát được các tiêu cực có thể xảy ra.

Bên cạnh việc củng cố các văn bản quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh về hoạt động mua bán nợ thì một mặt quan trọng nữa là hệ thống pháp lý liên quan đến hoạt động mua bán nợ cũng cần có các điều chỉnh kịp thời.

Thứ nhất, nền móng về định chế, luật pháp, giúp các ngân hàng có thể bán nợ xấu với giá trị cao nhất hiện nay chưa được hoàn chỉnh, trong đó có cơ sở pháp lý để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài, các nguồn vốn nước ngoài muốn tham gia.

Thứ hai, hệ thống pháp lý là một trong những vấn đề cần được tiếp tục hoàn thiện khi giải quyết nợ xấu có liên quan đến tài sản thế chấp. Một khoản nợ có công chứng giao dịch đảm bảo, đăng ký đầy đủ thủ tục pháp lý và ngân hàng là người giữ giấy tờ sở hữu chính. Thế nhưng khi cần phải xử lý, thu hồi nợ thì ngân hàng gần như không có bất cứ quyền gì mà hoàn toàn phụ thuộc vào bên chủ tài sản. Nếu họ không hợp tác, ngân hàng sẽ khó thu giữ được tài sản, không phát mại được và phải nhờ đến cơ quan pháp luật. Hơn nữa khi đưa ra giải quyết tranh chấp tại toà án thì thủ tục, quy trình xử lý rất phức tạp, rườm rà.

Thứ ba, hệ thống pháp lý cho thị trường tài chính nói chung chưa có hướng dẫn cụ thể về định giá các khoản nợ để bán.

Kết luận

Nhìn chung, thị trường mua bán nợ nói chung và cho các NHTM ở Việt Nam hiện nay trong giai đoạn đang phát triển. Để đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ này, từ đó góp phần làm lành mạnh hóa tình hình tài chính nền kinh tế, cần thực hiện nhiều giải pháp, trong đó, vai trò điều tiết, quản lý của nhà nước là rất quan trọng. Các văn bản pháp lý hướng dẫn cho hoạt động mua bán nợ cần theo kịp sự thay đổi của tình hình thực tế, đồng thời, làm cơ sở thiết lập thị trường và áp dụng các hình thức xử lý tiến bộ theo kinh nghiệm quốc tế đã được triển khai thành công để hỗ trợ hoạt động của các tổ chức xử lý nợ, cũng như thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân hay thậm chí cả các nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

– Thông tư 09/2015/TT-NHNN quy định về hoạt động mua, bán nợ của Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

– Quyết định 59/2006/QĐ-NHNN ban hành quy chế mua, bán nợ của các Tổ chức tín dụng

– Thông tư 19/2013/TT-NHNN quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam.

– Thông tư số 14/2015/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của thong tư số 19/2013/TT-NHNN về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam.

SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 20/2016

Trích dẫn từ: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading