TRÍCH DẪN TỪ TÀI LIỆU THAM KHẢO “VỀ PHẢN BIỆN XÃ HỘI” CỦA TRUNG TÂM THÔNG TIN KHOA HỌC – VIỆN NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP
1. Xã hội dân sự với vai trò phản biện và vai trò trọng tài
Xã hội dân sự là một xã hội tự cân bằng. Chính sự tự cân bằng của xã hội đã tạo ra nhà nước và đặc biệt là tạo ra chức năng và nội dung của hoạt động nhà nước. Ở mỗi một thời đại, mỗi một thể chế chính trị hoặc mỗi một trình độ phát triển, nội dung của xã hội dân sự khác nhau. Gần đây, khi nói đến xã hội dân sự người ta vẫn nói đến các tổ chức độc lập với nhà nước, tức là các tổ chức phi chính phủ. Tôi có phát biểu tại Singapore trong một cuộc hội thảo rằng tôi không đồng ý với cách định nghĩa này, vì các tổ chức phi chính phủ chỉ là một biểu hiện của xã hội dân sự chứ không phải là toàn bộ xã hội dân sự. Nó là biểu hiện ở một trạng thái phát triển nào đó, ở một số quốc gia nào đó của xã hội dân sự chứ không phải là xã hội dân sự.
Xã hội dân sự là xã hội phi nhà nước. Xã hội dân sự tồn tại song song với nhà nước. Nó có các quy tắc văn hóa để hạn chế tất cả sự cực đoan, tất cả những hành vi không phù hợp với lợi ích công cộng. Trong đời sống dân sự hàng ngày con người ít cần đến nhà nước, con người có những tổ chức phi chính phủ để thể hiện những loại hình ý chí khác nhau của cộng đồng, họ thương thảo với nhau và tạo ra sự đồng thuận xã hội. Người Á Đông chúng ta không quen với xã hội dân sự cho nên định nghĩa về xã hội dân sự của chúng ta hiện nay vẫn không đúng. Xã hội dân sự mà chúng ta định nghĩa vẫn là cái gì đó có tính chất tôn trọng nhân dân nhưng lại không tôn trọng quyền tự cân bằng của xã hội. Ở một số quốc gia, nhà nước là tất cả, luôn luôn tồn tại nhà nước để giải quyết một loạt các vấn đề mà nhà nước cho rằng xã hội dân sự không làm được. Việc pháp luật không thừa nhận tình trạng không có nhà nước trong một loạt các khu vực khác nhau của đời sống làm cho nó mất đi những điều kiện tồn tại của xã hội dân sự.
Cần phải nhấn mạnh rằng, bản chất của xã hội dân sự là tính tự lập của xã hội, tức là xã hội phải giải quyết các vấn đề của nó. Nhà nước là một bộ phận của xã hội nhằm giải quyết những vấn đề có chất lượng chiến lược của đời sống chứ không phải là người giải quyết tất cả các vấn đề của đời sống. Xã hội dân sự là một xã hội tự quản lấy mình và đến một mức độ mà nó không có khả năng để tự quản nữa thì phần còn lại đó rơi vào nhà nước chuyên nghiệp. Hay nói cách khác, nhà nước chuyên nghiệp là bộ phận nối dài của xã hội dân sự để giải quyết những công việc mà bản thân xã hội không tự giải quyết được.
Sẽ không thể có hoạt động phản biện xã hội nếu xã hội dân sự không được tôn trọng hoặc không có được địa vị hợp pháp của nó. Bởi thứ nhất, phản biện là một quyền tự nhiên, là tiếng nói của xã hội dân sự, xã hội không có địa vị hợp pháp thì có nghĩa là quyền ấy cũng không hợp pháp. Vậy làm thế nào để xã hội thực hiện quyền phản biện? Thứ hai, xã hội cũng chính là trọng tài của các cuộc phản biện, hay nói đúng hơn là trọng tài giữa các khuynh hướng khác nhau tranh luận với nhau thông qua phản biện, Sự đánh giá đúng sai được thể hiện bằng sự hoan hô của xã hội đối với từng loại ý kiến, đối với từng mức độ chất lượng của ý kiến. Nếu xã hội không được tôn trọng, xã hội không có địa vị hợp pháp thì liệu xã hội có thể tự do thể hiện sự hoan hô của mình đối với những ý kiến có chất lượng không? Và khi đó phản biện xã hội liệu có còn tác dụng? Cho nên, vấn đề ở đây là chúng ta cần phải xác định rõ vai trò và địa vị của xã hội dân sự để có được quan niệm đúng đắn về xã hội dân sự, dựa vào đó mà thức tỉnh xã hội về những quyền hợp pháp của mình, đồng thời thức tỉnh nhà nước về việc tôn trọng địa vị hợp pháp của xã hội dân sự.
2. Nhà nước với chức năng quản lý hoạt động phản biện
Như đã nói ở trên, phản biện là một đặc trưng của nền dân chủ. Chỉ có những nhà nước mạnh mẽ thì mới thừa nhận một cách công khai và rõ ràng các quyền tham gia vào đời sống chính trị của người dân. Nếu quyền tham gia vào đời sống chính trị của người dân không được khẳng định một cách tự nhiên thì đó là biểu hiện của sự bất lực hoặc sự ép của nhà nước. Tuy nhiên, khi nhà nước thừa nhận cái quyền ấy mà xã hội vẫn không tham gia thì nó thể hiện tính chậm phát triển về chính trị của xã hội. Trong tình trạng như vậy nếu nói là nhà nước không cho thì không đúng vì nó không khoa học. Trong mọi trường hợp, chúng ta đều phải phân tích một cách khoa học. Quyền tham gia một cách tự nhiên vào đời sống chính trị phải được kiểm soát một cách an toàn bởi nhà nước, bởi vì nhà nước mà không kiểm soát sự an toàn chính trị trong quá trình các lực lượng xã hội tham gia vào quá trình ấy thì nhà nước không hoàn thành chức năng của nó là bảo vệ sự yên ổn của xã hội. Nhưng nếu nhà nước làm quá lên thì nhà nước tiêu diệt năng lực sống của xã hội hay hạn chế các quyền sống tự nhiên của xã hội. Cái sai ở đây là nhà nước nhận thức sai về vùng ảnh hưởng của mình đối với sự phát triển. Anh tưởng là người dân tham gia vào các tiến trình chính trị thì đất nước sẽ không ổn định thì đó là nghĩ sai. Bắt đầu từ nghĩ sai cho nên dẫn đến làm sai. Nên hiểu rằng nếu nhân dân tham gia một cách tích cực trong khuôn khổ điều chỉnh của pháp luật vào các tiến trình chính trị thì đấy chính là mở rộng động lực phát triển của xã hội. Khi chúng ta đi khám bệnh mà không định hướng được căn bệnh thì chúng ta sẽ phạm sai lầm. Để hoàn tất các chức năng chính trị đảm bảo yên ổn xã hội, một số nhà nước đã làm quá nên làm cản trở tiến trình phát triển, cho nên, nhiệm vụ của nhà nước là phải xác định được ranh giới hợp lý của quản lý. Đo đếm cái ranh giới hợp lý giữa tự do và quản lý là toàn bộ trí tuệ của nhà cầm quyền.
Gần đây, trong xã hội chúng ta cũng xuất hiện nhiều tranh luận về vấn đề phản biện xã hội. Về phía nhà nước cũng có những chính sách vĩ mô khuyến khích phản biện xã hội, cụ thể là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được giao thực hiện phản biện xã hội. Đấy là những dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên có một vấn đề nên xem xét đó là liệu có nên giao cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện một hoạt động vốn dĩ là quyền tự nhiên của xã hội? Như đã phân tích, phản biện xã hội là hoạt động tự nhiên của xã hội, nó thể hiện quyền tự nhiên của xã hội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không đủ cơ sở pháp lý cũng như khoa học để có thể thực hiện chức năng phản biện. Nó có thể lãnh đạo hoạt động phản biện nhưng nó không phải là tổ chức phản biện. Phản biện là xã hội nói tiếng nói của mình để những người đưa ra các chính sách buộc phải uốn nắn lại chính sách của mình, buộc phải cân bằng lại khuynh hướng của mình cho phù hợp với đòi hỏi của xã hội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không phải là một tổ chức làm được việc ấy và cũng không nên làm việc ấy. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức tập hợp các lực lượng quần chúng của xã hội Việt Nam, có nghĩa là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một tổ chức nối dài của nhà nước trong đời sống quần chúng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bắt sâu rễ trong đời sống xã hội, do đó, nó có điều kiện để nắm bắt nguyện vọng và tổ chức cho các nguyện vọng khác nhau có tiếng nói. Cho nên, nếu nói rằng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hỗ trợ nhà nước trong việc tổ chức và lãnh đạo hoạt động phản biện thì mới nhất quán với hệ thống chính trị hiện nay chúng ta đang thừa nhận.
3. Giải pháp cho phản biện xã hội
Tìm kiếm sự phát triển trong thời đại ngày nay đã trở thành động cơ của tất cả các nghiên cứu khoa học. Chúng ta đi tìm các giải pháp khoa học để góp ý với giới cầm quyền trong việc tìm kiếm sự phát triển, nhưng để cho giải pháp mà chúng ta nghiên cứu trở thành giải pháp trong thực tế thì phải có giải pháp của giải pháp. Giải pháp của giải pháp là các quyền tự do. Nghiên cứu phản biện xã hội chính là nghiên cứu về quyền tự do ngôn luận, một trong những quyền tự do cơ bản. Không có quyền này thì các quyền tự do khác khó có thể trở thành hiện thực. Bởi vì như đã phân tích, ngôn luận chính là quyền tự do lựa chọn và bày tỏ về sự lựa chọn của xã hội, nếu xã hội không có quyền lựa chọn thì xã hội sẽ không có tự do. Do đó, trong quá trình tổ chức và rèn luyện nền dân chủ phản biện xã hội cần phải được biến thành một quyền phổ biến. Như đã phân tích ở những phần trên, xã hội phải có khả năng nói tiếng nói của mình nhưng nhà nước với chức năng chủ yếu của nó là đảm bảo an ninh xã hội vẫn cần có những hoạt động quản lý. Cho nên, vấn đề cần nghiên cứu là làm thế nào để hoạt động quản lý của nhà nước không lấn át xã hội đến mức tạo ra nguy cơ đẩy xã hội vào tình trạng bất hợp pháp hoặc mất năng lực phản biện. Tôi cho rằng để giải quyết được vấn đề này, chúng ta phải nhận thức một cách rõ ràng về vai trò của xã hội dân sự và mối quan hệ biện chứng giữa sự phát triển của xã hội dân sự và qui mô của nhà nước.
Đã từ lâu, tất cả chúng ta quá quen thuộc với quan điểm nhà nước là một hiện tượng lịch sử có đầu và có cuối, có nghĩa là nhà nước sẽ biến mất khi không còn giai cấp, đến mức chúng ta tin chắc rằng đó là quy luật bất di bất dịch. Đấy chính là một trong những bế tắc trong lý luận về nhà nước. Theo quan điểm của tôi, nhà nước tồn tại vĩnh viễn bởi vì xã hội tồn tại vĩnh viễn. Xã hội dân sự tồn tại vĩnh viễn, sự nối dài, sự chuyên nghiệp hoá trong việc điều hành xã hội là vai trò của nhà nước, do nhà nước thực hiện và nó tồn tại vĩnh viễn. Nhà nước không biến mất cùng bất kỳ cái gì cả trừ khi biến mất loài người. Tôi cũng không nghĩ rằng có một quy luật là xã hội càng phát triển thì vai trò của nhà nước càng thu hẹp lại. Bởi vì cuộc sống có nhiều pha, trong đó có thể sắp xếp thành hai pha cơ bản là bình thường và khủng hoảng. Trong sự phát triển bình thường, nhà nước quả thật có thể thu hẹp chức năng lại. Nhưng trong những giai đoạn khủng hoảng của đời sống phát triển, nhà nước sẽ có những chức năng mở rộng ra. Ví dụ, ở Mỹ chúng ta thấy rằng nhà nước dưới thời của Tổng thống Bill Clinton là một nhà nước thông thường. Các quyền tự do thông thường của người dân được đảm bảo và được tôn trọng một cách đầy đủ. Nhưng khi đến thời Tổng thổng Bush, sau sự kiện 11/9 thì xã hội khủng hoảng, do đó, chính phủ Mỹ buộc phải thay đổi và nó lấn át một số quyền đương nhiên của xã hội dân sự. Vì thế, tổng thống có quyền nghe lén điện thoại không phải để phục vụ những mục tiêu riêng của tổng thống mà phục vụ chức năng quản lý xã hội trong thời chiến. Cho nên, không phải là càng ngày nhà nước càng thu hẹp mà các yêu cầu của xã hội dân sự đối với vai trò của nhà nước trong mỗi một pha khác nhau của đời sống phát triển là rất khác nhau. Vì thế, không có quy luật xã hội càng phát triển thì nhà nước càng thu hẹp vai trò. Xã hội càng phát triển thì càng dễ có những sự bùng nổ, những sự bùng nổ của đời sống phát triển tạo ra những đòi hỏi mới, những đòi hỏi có thể là thu hẹp, có thể là mở rộng nhà nước. Nói cách khác, quy mô của nhà nước cũng như những chức năng của nó phát triển nhịp nhàng với sự đòi hỏi về vai trò của nhà nước của đời sống. Ở đây không có sự mâu thuẫn, vai trò của nhà nước đến đâu là do đòi hỏi điều hành của xã hội chứ không phải là nhà nước đòi hỏi xã hội phải mở rộng hoặc thu hẹp vai trò của mình. Nhà nước là một hệ thống chính trị mang chất lượng bị động đối với sự phát triển.
Theo một kết quả khảo sát thì hiện nay ở các nước phát triển, mỗi năm chính phủ giải quyết khoảng từ 350 – 450 đầu việc. Một số nước đang phát triển như Trung Quốc thì một năm chính phủ giải quyết khoảng 1200 đầu việc, ở Việt nam là khoảng 6000 – 6500 đầu việc. Nhìn nhận một cách đơn giản thì có vẻ như những kết quả nghiên cứu như vậy phản ánh rằng trình độ của xã hội càng cao thì nhà nước càng ít việc đi, nhưng nhà nước chỉ ít những việc thông thường chứ không hề ít việc trong việc tìm kiếm con đường phát triển của xã hội. Nghiên cứu vai trò của Nhà nước thông qua đầu việc chỉ là một loại nghiên cứu về trạng thái phát triển của xã hội chứ không thể là nghiên cứu về trạng thái phát triển của Nhà nước. Trạng thái phát triển của nhà nước là nó đảm bảo khả năng hướng dẫn sự phát triển xã hội của nó chứ không phải là nó làm thay xã hội những công việc hằng ngày. Kết luận rằng xã hội càng phát triển, nhà nước càng ít việc thì tôi không đồng ý. Tôi cho rằng xã hội càng phát triển thì vai trò của nhà nước càng lớn bởi vì nhà nước không còn là một bộ máy để làm những việc thông thường mà nhà nước trở thành bộ não chỉ đạo sự phát triển xã hội. Đấy chính là mục tiêu mà các nhà nước cần hướng tới.
Để đi đến mục tiêu ấy, trước hết cần phải tạo ra một tiền đề cho nó, đó chính là đưa xã hội ra khỏi tình trạng lạc hậu phổ biến của nó. Chúng ta không thể khăng khăng đổ hoàn toàn lỗi cho nhà nước rằng xã hội lạc hậu vì nhà nước tồi được, bởi vì nhà nước sản sinh ra từ chính xã hội. Ở những xã hội lạc hậu, con người không có khả năng phản biện, thậm chí cũng không có năng lực phản đối và họ thay thế sự phản đối bằng sự bất mãn yếm thế. Sự bất mãn yếm thế tạo ra trạng thái lãn công chính trị, sự lãn công chính trị dần dần tạo ra sự lười biếng chính trị, sự lười biếng chính trị là nguồn gốc của tất cả mọi sự chậm phát triển. Khi xã hội không tham gia vào các quá trình chính trị thì có hai nguyên nhân: thứ nhất là nó không đủ năng lực và trí tuệ để tham gia vào các khuynh hướng chính trị và thứ hai là nó không có quyền tham gia. Nhưng như đã nói ở trên, trong trường hợp nguyên nhân thứ hai đã được loại trừ mà xã hội vẫn không tham gia thì nó thể hiện tính chậm phát triển về chính trị của xã hội. Chính vì vậy chúng ta cần phải thức tỉnh về một thực tế là tư duy cần cho một xã hội chậm phát triển bây giờ là tư duy vượt lên trên trạng thái lạc hậu.
Trong khi nghiên cứu về Tự do, tôi thấy rằng các xã hội phương Đông không phát triển bằng phương Tây vì phương Đông thiếu tự do. Người Trung Quốc chẳng kém gì người Tây, nền văn minh Trung Hoa có trước nền văn minh châu Âu, nhưng vì không có tự do cho nên họ không ra khỏi trạng thái lạc hậu của chính mình được. Anh nghĩ về những điều cá nhân anh tâm đắc mà không biết rằng sự nghĩ của riêng anh không tạo ra sự phát triển được vì nó không tạo ra cảm hứng xã hội. Đến bây giờ, người viết về trăng hay nhất của nước Trung Hoa chỉ có hai nhà thơ là Lý Bạch và Đỗ Phủ. Một tỉ ba người dân Trung Hoa không làm thơ về trăng hay được như họ, vì con người không thể có cảm hứng trong khi người ta đang nghĩ về miếng bánh. Trong bộ phim "Phải sống" của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, ông bác sĩ, nạn nhân của cách mạng văn hoá, mà gia đình ông Phú Quý đón về để cứu con gái mình đã chết vì ăn liền một lúc bảy cái bánh bao. Trong khi người ta mải nghĩ về cái bánh bao thì trăng chẳng có nghĩa gì cả. Cho nên, cần phải trả lại cho đời sống Tự do và làm cho con người thức tỉnh một cách tập thể về giá trị của Tự do. Và những nhà lãnh đạo mọi nước trên thế giới cần phải hiểu rằng Tự do là nguồn gốc của sự sống, nguồn gốc của việc hình thành các giá trị con người, nguồn gốc của phát triển. Không có tự do thì không có giải pháp nào, không có trí khôn nào có thể đưa một đất nước ra khỏi tình trạng chậm phát triển được.
Mặc dù là một yếu tố rất quan trọng, phản biện xã hội cũng chỉ là một trong các biểu hiện của cơ chế tập trung dân chủ, nó chỉ có ý nghĩa và giá trị khi nằm trong các tổng thể cơ chế tập trung dân chủ. Phản biện xã hội áp dụng tràn lan và cứng nhắc có thể làm mất đi tính năng động và kịp thời của quá trình điều hành xã hội. Nếu tổ chức không tốt quá trình phản biện xã hội, dẫn đến bị lợi dụng, thì có thể làm tê liệt nhất thời sự điều hành của Nhà nước. Do đó, nhìn nhận phản biện xã hội phải theo tư duy nguyên tắc, nhưng cũng phải biện chứng. Điều này rất quan trọng khi chúng ta bàn về phương thức phản biện xã hội.
Nội dung của phản biện xã hội
Phản biện xã hội là đưa ra các lập luận, phân tích nhằm phát hiện, chứng minh, khẳng định, bổ sung hoặc bác bỏ một đề án (phương án, dự án) xã hội đã được hình thành và công bố trước đó.
Một đề án, dự án, phương án xã hội khi đưa ra bao giờ cũng dựa trên những cơ sở lập luận nhất định. Vì vậy, phản biện xã hội dựa vào các lập luận, phân tích từ một góc nhìn khác, một hệ thống công cụ khác với góc nhìn và hệ thống công cụ đã dùng ở đề án xã hội nói trên. Như vậy, phản biện xã hội chỉ có thể triển khai trên cơ sở đa nguyên ý kiến, lập luận và công cụ phân tích (không nên đánh đồng đa nguyên này với đa nguyên về tổ chức chính trị và hệ tư tưởng).
Phản biện xã hội có thể được thực hiện với bất cứ một phương án xã hội nào được công bố, cho dù là từ đâu: từ phía lực lượng lãnh đạo xã hội hay từ các lực lượng hoạt động xã hội khác. Phương án xã hội nhằm chỉ bất cứ một kế hoạch, chủ trương… nào có tính chất xã hội, tức là liên quan đến quyền lợi và đời sống của đông đảo mọi người trong quốc gia. Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể này, chúng ta giới hạn “phản biện xã hội” là sự nhận xét đối với các phương án xã hội lớn do lực lượng đang nắm quyền lãnh đạo xã hội đưa ra (đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật, các quyết định kinh tế – xã hội lớn…).
Khi giới hạn như vậy, một nội hàm hẹp hơn của phản biện xã hội là: những ý kiến, lập luận, quan điểm được đưa ra khác với phương án “chính thống”, nhằm mục đích vạch ra những điểm thiếu sót, bổ sung, làm rõ những khía cạnh chưa hợp lý, hoặc khẳng định, hoặc bác bỏ phương án “chính thống”.
Lập luận phản biện đương nhiên khác với lập luận “chính thống” là cơ sở của đề án xã hội đã được đưa ra. Tuy nhiên “dải tần” của sự khác biệt này rất rộng, dẫn đến các kết quả cuối cùng rất khác nhau. Như trên đã chỉ ra, phản biện có thể dẫn đến kiểm tra, rà soát, bổ khuyết, và có thể cả phê phán và bác bỏ phương án được đưa ra để trưng cầu phản biện.
Phản biện có thể dẫn đến phản bác. Nhưng phản biện khác phản bác chính là ở chỗ “dải tần” của phản biện rộng, và phản bác chỉ là một khả năng, một tình huống có thể có trong phản biện.
Phản biện xã hội và phản biện khoa học có những điểm giống và khác biệt rất quan trọng.
Phản biện xã hội cũng phải dựa trên cơ sở các lập luận và ý kiến hướng đến chân lý khách quan như phản biện khoa học. Trong nhiều trường hợp (tùy thuộc nội dung và chủ thể phản biện xã hội), phản biện xã hội cũng chính là phản biện khoa học. Ví dụ: Chính phủ đưa ra chủ trương phát triển nguồn năng lượng, trong đó đề xuất xây dựng nhà máy điện nguyên tử. Đây vốn là vấn đề kinh tế – kỹ thuật, nhưng do tầm quan trọng lớn lao của nó với an sinh xã hội nên cần phải tranh thủ rộng rãi ý kiến khác nhau, trong đó có phản biện của các nhà khoa học.
Điểm khác nhau giữa phản biện xã hội và phản biện khoa học:
– Phản biện khoa học bao giờ cũng phải có sự hoàn chỉnh tương đối của lập luận để “đua tranh” với lập luận “chính thống”. Phản biện xã hội không phải bao giờ cũng như vậy. Có những trường hợp phản biện xã hội là sự tập hợp của nhiều ý kiến, phản ứng, dư luận, lý lẽ… riêng rẽ, không có tính hoàn chỉnh tương đối, nhưng vẫn có thể tác động mạnh đến phương án xã hội “chính thống” đã được đưa ra.
– Phản biện khoa học về bản chất là khách quan, không có tính giai cấp. Phản biện xã hội bên cạnh thuộc tính khoa học, có thuộc tính xã hội, tức là phản ánh các quan điểm, quyền lợi của các tầng lớp khác nhau trong xã hội. Vì vậy phản biện xã hội không phải lúc nào cũng dựa trên cơ sở lập luận khoa học thuần túy. Ngược lại, trong đa số các trường hợp của phản biện xã hội có thể thấy yếu tố quyền lợi chính trị – kinh tế – xã hội được phản ánh thông qua chủ thể phản biện.
Đây là khác biệt hết sức quan trọng. Không nắm vững điểm khác biệt này sẽ dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng trong việc nhìn nhận và tổ chức, xây dựng cơ chế phản biện xã hội, nhất là trong bối cảnh xã hội có những quyền lợi khác biệt, trong giai đoạn quá độ.
Về khái niệm, không khó phân biệt phản biện xã hội và phản kháng xã hội. Tuy nhiên, thực tế đây là vấn đề rất phức tạp. Trong bối cảnh đấu tranh giai cấp, xung đột quyền lợi (kể cả trong nước và quốc tế), phản kháng xã hội có thể nấp dưới hình thức phản biện xã hội, ít ra là trong một giai đoạn nhất định. Trong trường hợp này, phản biện xã hội là hình thức đấu tranh hợp pháp của lực lượng theo đuổi mục tiêu xã hội đối lập với mục tiêu xã hội “chính thống”.
Từ một góc nhìn khác, cần lưu ý rằng phản biện xã hội mặc dầu có tính chất xây dựng nhưng trong những bối cảnh, tình huống nhất định có thể bị lực lượng theo đuổi phản kháng xã hội lợi dụng để phục vụ cho hoạt động phản kháng, ít nhất là trong quá trình vận động, tập hợp lực lượng, gây dư luận xã hội. Do vậy, trong bối cảnh cụ thể của nước ta, khi Đảng cộng sản là đảng cầm quyền duy nhất, việc xây dựng cơ chế phản biện xã hội cần phải khoa học, chặt chẽ, tránh kẽ hở để các lực lượng thù địch lợi dụng.
Nội dung của phản biện xã hội rất rộng. Lực lượng lãnh đạo trong xã hội có những đường lối, hệ thống các quan điểm lãnh đạo chính trị – kinh tế – xã hội cho từng giai đoạn, thể chế và pháp chế hóa các chủ trương, quan điểm đó, đồng thời thường xuyên phải cụ thể hóa đường lối của mình thành các chính sách. Đó là đối tượng của phản biện xã hội. Tiếp nữa, vì ở vị thế cầm quyền, lực lượng này phải đưa ra các quyết sách cụ thể. Không phải tất cả các quyết định có tính chất điều hành này đều là đối tượng của phản biện. Nhưng nhiều quyết định có ảnh hưởng lớn đến đời sống và tâm trạng của toàn xã hội hoặc của một bộ phận, tầng lớp dân cư, một khu, vùng miền… cũng cần có phản biện xã hội. Phản biện xã hội thực hiện chủ yếu ở hai trường hợp: Một là, đối với các dự thảo chủ trương, chính sách; Hai là, phát hiện các điểm chưa hoàn thiện, thậm chí sai sót, hoặc không còn phù hợp trong đường lối, chính sách, quy định pháp lý… đang được thực hiện trong thực tế, để lực lượng cầm quyền có những điều chỉnh, sửa đổi hoặc thay đổi chính sách cho phù hợp, ưu việt. Phản biện không hoàn toàn giống với việc đề xuất, phát biểu, kiến nghị nói chung. Phản biện là hoạt động sau khi đã có những công bố (diện hẹp hoặc rộng) các quan điểm, chủ trương, chính sách và nhằm vào các chủ trương, chính sách… đã công bố. Còn việc biểu lộ quan điểm, chính kiến, đề xuất có thể không gắn với một chủ trương, chính sách đã đưa ra thì không thuộc phạm vi khái niệm phản biện xã hội.
Ý nghĩa và giá trị của phản biện xã hội
A – Phản biện xã hội đối với đường lối, chính sách, pháp luật do lực lượng cầm quyền đề xuất và chủ trương thực hiện là hoạt động thường xuyên diễn ra, là hiện tượng không thể thiếu trong cuộc sống chính trị của mỗi đất nước trong các thời kỳ. Có hai nguyên nhân chính dẫn đến điều này:
– Thứ nhất, các lực lượng cầm quyền có nhu cầu về phản biện xã hội đối với các chính sách của mình. Thực tế đã chứng minh rằng cá nhân hoặc lực lượng lãnh đạo, cầm quyền thường cần phản biện xã hội để kiểm tra, khẳng định hay để điều chỉnh, sửa đổi, thay đổi các chủ trương, chính sách, quyết định xã hội của mình. Các hình thức để có được phản biện xã hội thay đổi tùy theo từng thời kỳ, phụ thuộc từng chính thể, có thể rất thô sơ, và cũng có thể rất phức tạp. Trong lịch sử, các nhà cầm quyền khôn ngoan luôn biết cách sử dụng phản biện xã hội như một kênh thông tin rất quan trọng phục vụ cho công việc của mình. Bản thân việc chấp nhận và sử dụng phản biện xã hội chưa có nghĩa là nhà nước đó là nhà nước tiến bộ. Đối với nhà nước “do dân, vì dân”, phản biện xã hội là hình thức sinh hoạt chính trị dân chủ giúp thực hiện mục đích xã hội tốt đẹp. Nhưng các thể chế khác cũng có thể chấp nhận phản biện xã hội như là phương thức thu thập thông tin để xử lý theo hướng đối phó với tâm trạng xã hội. Trong xã hội tư bản, các đảng tư sản đấu tranh quyết liệt để giành vị trí cầm quyền. Điều này phản ánh sự xung đột trong lợi ích của một bộ phận giai cấp tư sản với bộ phận khác. Nhưng giai cấp tư sản có quyền lợi chung, nên xung đột này chỉ giới hạn trong một chừng mực nhất định. Sau khi một đảng thắng cử, đảng tư sản kia trở thành đảng đối lập. Điều ấy không có nghĩa là đảng này đối lập về đường lối và mục tiêu với đảng cầm quyền. Quá trình chỉ trích, phê phán diễn ra trong toàn bộ thời gian sau đó chỉ có ý nghĩa như cuộc tranh cử sớm, và cũng lại có vai trò như một hình thức phản biện xã hội của giai cấp tư sản. Quá trình này phục vụ một cách hiệu quả cho sự cầm quyền của giai cấp tư sản trong nhiều thập kỷ qua.
– Thứ hai, trong lịch sử có những thể chế, cá nhân cầm quyền “dị ứng” với sự nhận xét, phê phán của xã hội nhằm vào các chính sách của mình. Nhưng phản biện xã hội là phản ứng tự nhiên của các thành phần trong xã hội đối với các chủ trương, chính sách (đã được áp dụng hoặc mới là dự định) của phía cầm quyền, nó khách quan, không phụ thuộc vào ý muốn của nhà cầm quyền. Khi chính sách được áp dụng hoặc được công bố, nó sẽ động đến quyền lợi của các tầng lớp xã hội. Do vậy các tầng lớp này bao giờ cũng biểu lộ ý kiến của mình. Tùy theo bản chất nhà nước và cách thức vận hành của hệ thống phản biện xã hội mà các ý kiến này được ghi nhận đến đâu, nhưng trong mọi trường hợp nó đều hiện hữu. Một nhà nước không chấp nhận phản biện đối với các chính sách của mình, cũng không thể có phương tiện để ngăn chặn triệt để sự xuất hiện, lan truyền và tác động của phản biện xã hội đối với các chính sách của nhà nước đó. Hơn thế, thực tế chứng minh rằng, ngăn chặn phản biện xã hội là con đường ngắn nhất dẫn đến phản kháng xã hội. Đó là điều mà một thể chế chính trị tỉnh táo nên tránh.
Thực tế diễn ra ở Liên Xô trước đây, riêng trong vấn đề phản biện xã hội, cho ta hai bài học đau xót.
Bài học đầu tiên là mặc dầu có một hệ thống nghiên cứu khoa học xã hội rất đồ sộ và trình độ dân trí rất cao, nhưng các đường lối, chính sách lớn lại không có sự phản biện xã hội thật sự. Thông thường một số cơ quan nghiên cứu trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô soạn thảo các văn kiện quan trọng, và dự thảo văn kiện được thông qua dưới sự chỉ đạo của một nhóm nhỏ các cá nhân lãnh đạo trong lĩnh vực đó. Ngay trong nội bộ Viện Hàn lâm khoa học xã hội trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô – một trung tâm có vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, hình thành các văn kiện – quá trình soạn thảo cũng có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng không có sự thảo luận dân chủ kỹ càng. Một đặc điểm nữa là việc giao nhiệm vụ chuẩn bị văn kiện cho cơ quan nghiên cứu nào phụ thuộc nhiều vào việc cá nhân người lãnh đạo là ai. Nếu như Tổng Bí thư Brê-giơ-nhép dựa chủ yếu vào bộ máy của Ban Chấp hành Trung ương, thì Tổng Bí thư Goóc-ba-chốp hầu như “không tin tưởng” các cơ quan này. Thời Goóc-bachốp, Viện Hàn lâm khoa học xã hội trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô hầu như chỉ là nơi thực hiện các khóa đào tạo. Các văn kiện chủ yếu được tin tưởng giao phó cho một số viện nằm trong cơ cấu Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (ví dụ: Viện nghiên cứu kinh tế của A-ban-kin và Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế của Pri-ma-cốp). Hậu quả là quan điểm, chủ trương lớn của toàn Đảng nhiều khi chỉ là “tác phẩm” của một nhóm, một trường phái, một cơ quan khoa học. Có thể nêu ví dụ học thuyết về giai đoạn “chủ nghĩa xã hội phát triển” được Tổng Bí thư Brê-giơ-nhép đưa ra và thể chế hóa trong Hiến pháp Liên Xô năm 1977, đóng vai trò như là định hướng quan trọng nhất của đường lối chính trị – kinh tế – xã hội của Liên Xô giai đoạn này – không phải là sản phẩm khoa học được hình thành qua sự nghiên cứu, chà xát khoa học kỹ lưỡng của toàn bộ các lực lượng nghiên cứu khoa học xã hội. Ngay từ thời gian đó, nhiều nhà khoa học, nhiều cán bộ Đảng đã có ý kiến cho rằng: xã hội Liên Xô có những biểu hiện trì trệ, nhất là trong lĩnh vực công nghệ (công nghệ thông tin không được áp dụng để đẩy mạnh nền kinh tế), lĩnh vực kinh tế (cơ chế quản lý hành chính quan liêu mệnh lệnh trong kinh tế khiến cho Liên Xô tụt hậu trong việc đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của tiêu dùng trong nước, chưa nói đến phát triển để thích ứng với bối cảnh “chiến tranh kinh tế” trên thế giới). Do đó, thuyết “Giai đoạn chủ nghĩa xã hội phát triển” không vạch ra được con đường bứt phá khỏi trì trệ, mà như sự “hợp thức hóa” trì trệ. Điều này về lâu dài sẽ không có lợi cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển chủ nghĩa xã hội tại Liên Xô. Tuy nhiên, những ý kiến đó hầu như không có diễn đàn để thảo luận nghiêm túc, chỉ âm ỉ trong phạm vi hẹp.
Phải nói rằng thiếu phản biện xã hội thực sự, phản biện xã hội có tổ chức trong giai đoạn thể chế chính trị còn rất ổn định tại Liên Xô thời kỳ Brê-giơ-nhép đã khiến cho Ban lãnh đạo Xô-viết khi đó không nắm bắt được các yêu cầu và thách thức xã hội đang ngầm trở thành hiểm họa, do đó không sớm xử lý được nhiệm vụ chính trị, góp phần dẫn đến tình trạng sụp đổ ở giai đoạn sau.
Bài học thứ hai, còn cay đắng hơn, là khi đứng trước tình huống bị tụt hậu khá xa về kinh tế, khi cả xã hội nhận thức được rằng chủ nghĩa xã hội chỉ có thể đứng vững và vượt lên nếu tạo được năng suất lao động không thua kém (điều mà Lê-nin từng khẳng định như một nguyên tắc sống còn), khi cần đưa ra những chủ trương, đường lối mới, thì nhóm Goóc-bachốp vừa không thoát khỏi cách làm cũ (quá trình dự thảo chính sách vẫn thiếu sự chuẩn bị khoa học), nhưng đồng thời lại phạm vào những sai lầm mới: biến phản biện xã hội thành một quá trình không kiểm soát được, biến hoạt động khoa học và lý luận của các cơ quan soạn thảo văn kiện nhiều khi thành một hoạt động dạng câu lạc bộ vô chính phủ. Như vậy, phản biện xã hội vừa là một nhu cầu khách quan của công việc lãnh đạo xã hội, vừa là một hiện thực tất yếu luôn tồn tại trong đời sống xã hội. Không nên và cũng không thể ngăn cản phản biện xã hội, nhưng lại có thể và cần thiết tổ chức phản biện xã hội để phục vụ cho các mục tiêu phát triển xã hội đúng đắn, phân biệt để hạn chế và đấu tranh với việc lợi dụng phản biện xã hội vào các mục đích chống lại thể chế.
B – Phản biện xã hội có ý nghĩa và giá trị lớn, thể hiện qua hai khía cạnh:
– Phản biện xã hội, nếu được thực hiện đúng đắn, sẽ đem lại kết quả tích cực trực tiếp: chủ trương, đường lối, chính sách sẽ phù hợp với vận động của thực tiễn khách quan; các chính sách và chế tài phản ánh đúng nhu cầu thực tế, có cơ sở khoa học vững chắc, đem lại hiệu quả cao, không hoặc ít gây ra các hậu quả trái với mục tiêu đề ra.
Thực tế chỉ ra rằng có những chủ trương, chính sách không hẳn là vấn đề chính trị – xã hội, nhưng ảnh hưởng nhiều đến dân sinh, như: cải cách sách giáo khoa, chế tài về an toàn giao thông, quản lý giá thuốc…, hoàn toàn có điều kiện để trưng cầu phản biện xã hội rộng rãi trước khi đưa vào thực hiện, nhưng do không làm tốt việc này, nên gặp rất nhiều khó khăn. Phản biện xã hội tạo điều kiện để chúng ta có những phương án hợp lý nhất, chắc chắn nhất, hiệu quả nhất, gặp được sự ủng hộ rộng rãi khi đưa vào thực hiện.
– Phản biện xã hội cũng có thể không đem lại hiệu quả cụ thể trước mắt vì nhiều lý do chủ quan và khách quan, nhưng vẫn đem lại hiệu quả xã hội tích cực về lâu dài là góp phần xây dựng nền nếp dân chủ trong hoạch định chính sách, không khí đồng thuận trong xã hội và nhất là tránh được hiện tượng bàng quan chính trị trong dân chúng.
Bàng quan chính trị là hiện tượng nguy hiểm đối với chính thể. Hiện tượng này là kết quả của quá trình giảm sút lòng tin của quần chúng đối với Nhà nước, và cũng là kết quả của việc quần chúng không hoặc ít có cơ hội tham gia vào các quyết sách xã hội. Hiện tượng bàng quan chính trị do không có biểu hiện gay gắt như chống đối và phản kháng, nên mức độ nguy hiểm của nó ít khi được đánh giá đúng mức. Một phân tích kỹ càng sẽ cho ta thấy: Liên Xô sụp đổ không phải do lực lượng chống chế độ có sức mạnh to lớn vào thời điểm đó. Thậm chí vào lúc đó các lực lượng này chưa có một cơ sở xã hội rõ ràng (về cơ bản, hạ tầng kinh tế và xã hội khi đó chưa bị biến dạng quá nhiều so với giai đoạn ổn định). Sự phản bội của nhóm người lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô là một yếu tố rất quyết định, nhưng không phải có tính chất gốc rễ, bởi trong một bối cảnh khác, sự phản bội này gây thiệt hại lớn, nhưng không thể dẫn đến sự sụp đổ thể chế. Thể chế chính trị của Liên Xô sụp đổ chủ yếu do đông đảo đảng viên, quần chúng đã không bảo vệ chính thể lúc cần thiết. Và xảy ra điều này là do trước đó, đã có trạng thái bàng quan chính trị trong xã hội, khi đông đảo cán bộ, đảng viên và người dân đã không còn thấy mình là người trong cuộc đối với các vấn đề lớn của xã hội. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bàng quan chính trị tại Liên Xô trước đây có nhiều, nhưng trong đó có phần thiếu dân chủ trong việc hình thành các chủ trương, chính sách điều chỉnh đời sống xã hội, vi phạm các nguyên tắc dân chủ của Lê-nin.
– Thấy hết ý nghĩa và giá trị của phản biện xã hội là điều cần thiết, nhưng cũng không nên tuyệt đối hóa vai trò của phản biện xã hội, cho đó là giải pháp vạn năng trong đời sống chính trị. Mặc dù là một yếu tố rất quan trọng, phản biện xã hội chỉ là một trong các biểu hiện của cơ chế tập trung dân chủ, nó chỉ có ý nghĩa và giá trị khi nằm trong tổng thể cơ chế tập trung dân chủ. Cũng cần phải vạch ra rằng, phản biện xã hội không thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi tình huống, bối cảnh. Một nhà nước phải điều hành hoạt động xã hội hằng ngày, trong các bối cảnh trong nước và quốc tế rất đa dạng, không thể áp dụng phản biện xã hội cho mọi quyết sách của mình. Phản biện xã hội áp dụng tràn lan và cứng nhắc có thể làm mất đi tính năng động và kịp thời của quá trình điều hành hoạt động xã hội. Nếu tổ chức không tốt quá trình phản biện xã hội, dẫn đến bị lợi dụng, thì có thể còn làm tê liệt nhất thời sự điều hành của nhà nước. Do đó, nhìn nhận phản biện xã hội phải theo tư duy nguyên tắc, nhưng cũng phải biện chứng. Điều này rất quan trọng khi chúng ta bàn về phương thức thực hiện phản biện xã hội.
3. Phản biện xã hội – nhân tố quan trọng của phát triển
Phản biện là hành vi thể hiện tính khoa học của con người trước khi chuẩn bị hành động. Phản biện xã hội được coi là hành vi có chất lượng khoa học của xã hội dối với hệ thống chính trị. Một xã hội được tổ chức phản biện tốt sẽ góp phần tạo ra sự đồng thuận cho phát triển, giảm được tối đa sự phản kháng không cần thiết của dân chúng.
Chính vì phản biện có vai trò quan trọng như vậy với xã hội nên trong Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng X đã đề cập việc "xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dần đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và việc tổ chức thực hiện, kể cả đối với công tác tổ chức và cán bố".
Phản biện như một hành vi có chất lượng khoa học của phê phán
Trước mỗi hành vi chính trị đều có những ý kiến khác nhau. Những ý kiến này thường tồn tại ở các cấp độ khác nhau. Từ tán thành đến chưa tán thành, từ chỉ trích đến phê phán, từ phản biện đến phản đối, thậm chí là sự kịch liệt phản đối đến nổi loạn. Trong các trạng thái đó, phản biện được coi là hành vi có chất lượng khoa học của sự phê phán khiến xã hội có thể chấp nhận một cách "tâm phục khẩu phục".
Không có "phản biện" sẽ không có phát triển. Bởi lẽ, khoa học là một chuỗi sai lầm được sửa chữa. Mà sửa chữa được, là nhờ có phản biện. Tức là sự tranh luận có chất lượng khoa học chứ không phải là sự cãi vã nhằm phê phán cái sai. Từ đó có thể chấp nhận cái đúng, loại bỏ cái sai để cho cái đúng được tiếp tục đúng. Nhưng, cũng không chỉ với khoa học. Những "sai lầm được sửa chữa" ấy không kiêng dè, loại trừ bất cứ một lĩnh vực nào trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của một đất nước. Quá trình dẫn đến “đổi mới" là kết quả của một quá trình phản biện xã hội lâu dài đối với mô hình kế hoạch hóa tập trung bao cấp quan liêu đã từng đưa nền kinh tế đất nước đến bên bờ vực của khủng hoảng.
Sự sống không bao giờ đứng yên một chỗ, trái lại, luôn luôn vận động và phát triển. Nhân tố mới xuất hiện với sự hợp lý hơn sẽ thay thế cho hiện thực cũ đang tiêu vong. Đối với triết học biện chứng thì không có gì là tuyệt đối cả. Vì thế sẽ là phản biện chứng với những ai tự dành cho mình cái quyền luôn luôn đúng tuyệt đối đúng, thậm chí chỉ "đúng trở lên"!
Phản biện như một nhân tố không thể thiếu của phát triển
Lịch sử cho thấy, sự độc quyền kéo dài thường là nguyên nhân chính của sự trì trệ. Lý do đơn giản họ chỉ quen độc thoại chứ không chấp nhận đối thoại.
Cũng có nghĩa là không chấp nhận có sự phản biện đế tranh luận đúng sai. Thói quen độc thoại suy cho kỹ, là thói quen của người có quyền lực và là biểu hiện sự tha hóa của quyền lực. Chuyện ấy cũng không có gì khó hiểu. Khi đã yên vị trên cái ghế quyền lực rồi, nếu không thật sự có bản lĩnh, rất dễ ngại sự đổi thay, vì đổi thay có thể làm lưng lay cái ghế quyền lực của mình. Bởi lẽ, mỗi bước tiến mới sẽ tất yếu biểu hiện ra như là một sự xúc phạm tới cái thiêng liêng, là một sự nổi loạn chống lại trạng thái cũ đang chứa trong nó những mầm mống của sự tha hóa nhưng được tập quán thần thánh hóa. Chính cái tập quán này là một sức trì kéo ghê gớm mà con mắt trực quan đôi khi không nhận ra. Cần phải có cái nhìn biện chứng để thấy được rằng, khi đã thực hiện được một cuộc thay đổi nhân sự trong chính quyền thì thông thường nhân tố mới trước kia là cách mạng không lâu sau đó sẽ trở thành bảo thủ. Cũng chính vì quy luật này, nên phản biện xã hội không phải lúc nào cũng có cơ hội tồn tại một cách sinh động nếu người nắm quyền không cởi mở.
Theo ông Nguyễn Trần Bạt Chủ tịch Invest Consult Group, phản biện là một hoạt động đương nhiên trong một xã hội dân chủ. Nếu thiếu đi hoạt động này là do xã hội không có năng lực phản biện hoặc không được thực hiện năng lực phản biện.
Muốn để nhân dân thực hiện được chức năng phản biện, điều cần thiết là họ phải được trang bị những phương tiện và điều kiện cần thiết. Trong một số buổi nói chuyện với cơ sở gần dây, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã nhiều lần nhắc nhở "tôn trọng những ý kiến khác biệt”. Đây là một bước tiến bộ ở Việt Nam. Nhưng để ý tưởng này có thể đi vào đời sống, chúng ta cần tạo ra những cơ chế cụ thể trong đó phải kể đến việc lấp đi những "khoảng trống" quan trọng trong hệ thống pháp luật liên quan đến vấn đề này.
Để phản biện xã hội trở thành một thói quen thường trực
Như đã nói ở trên, phản biện xã hội như là một nhân tố không thể thiếu được của sự phát triển. Nếu chúng ta tạo môi trường cho phản biện xã hội phát triển như một hoạt động phê phán có chất lượng khoa học, sẽ tạo ra được động lực thường xuyên cho sự phát triển. Muốn vậy, điều đầu tiên là chúng ta phải tạo ra một môi trường xã hội, trong đó quyển được nói cần phải được coi trọng. Có như thế, chúng ta mới có những hoạt động phản biện một cách có chất lượng.
Để đạt được điều đó trước hết chúng ta phải có một xã hội dân sự. Thêm vào đó là, Việt Nam phải xây dựng một Nhà nước pháp quyền hoàn thiện, đúng nghĩa của từ này. Bởi lẽ, chỉ cô một Nhà nước pháp quyền với những yếu tố đầy đủ của nó, mới có thể tạo ra sự độc lập của các cơ quan quyền lực. Sự độc lập của các cơ quan quyền lực là điều kiện cần để sự phản biện xã hội tồn tại và phát triển.
Xã hội dân chủ cũng là điều kiện cần cho việc mở rộng dân chủ. Khi người dân được quyển bày tỏ, sẽ giúp cho các nhà chính trị có thể lắng nghe một cách chân thành và nghiêm tức tiếng nói từ bên dưới, từ đó mới có thể nhận được những thông tin phản hồi trung thực để điều chỉnh và sửa sai nhằm hoàn thiện chủ trương, đường lối chính sách. Quá trình dân chủ hóa xã hội ta đã có những khởi sắc nhưng đây đó thói quen chỉ muốn độc thoại chứ không thích đối thoại vẫn chưa hẳn đã hết.
Sự hạn chế của năng lực tư duy khiến người ta không muốn thay đổi, từ đó họ cho mình cái quyền độc thoại để chỉ ban phát ý kiến dẫn dắt, mà không quen lắng nghe và tiếp nhận thông tin từ cuộc sống, từ dòng chảy cuồn cuộn của cuộc cách mạng khoa học công nghệ. Thói quen độc thoại tự cho mình đã biết tất cả, chân lý là đã có sẵn, chỉ cần lấy ra rao giảng, chính là biểu hiện tha hóa của quyền lực. Ngược lại tác phong đối thoại được xác lập từ nhận thức rằng chân lý đến từ quá trình tìm tòi, suy ngẫm phân tích và tiếp nhận trong dòng chảy miệt mài liên tục của cuộc sống.
Sự mở cửa giao lưu với thế giới bên ngoài, sự hội nhập ngày càng sâu của nền kinh tế không cho phép chúng ta bảo thủ. Việc hạn chế phản biện xã hội hay duy trì sự phản biện chất lượng kém sẽ dễ đẩy một đất nước đi vào vòng xoáy của chuyên chế, độc tài sẽ kìm hãm sự phát triển của chính xã hội ấy.
Phản biện xã hội với sự phát triển của Việt Nam
Bất kỳ cuộc cải cách xã hội nào cũng cần thiết một sự đồng thuận. Nhưng mâu thuẫn không tránh khỏi của phát triển luôn tồn tại: sự biến đổi mô hình kinh tế đi nhanh hơn, dẫn đến sự “hụt hơi” của các mặt khác trong cuộc sống trên đồng thời một quỹ đạo thời gian. Kết quả của sự lệch pha này dẫn đến xu hướng phân hoá xã hội thành các nhóm khác nhau về lợi ích và mục tiêu.
Hãy hình dung xã hội như căn hộ bao gồm một gia đình có nhiều người con. Do khác nhau về tuổi tác, thể chất, giới tính… tạo cho mỗi cá thể sự khác biệt về sở thích và thói quen. Va chạm tự nhiên của các lợi ích hay các nhóm lợi ích này sinh ra mâu thuẫn (conflict of interests). Có mâu thuẫn thì xuất hiện tranh luận. Sự dung hoà lợi ích của các thành viên trong gia đình thường được giải quyết bởi tiếng nói cuối cùng của người lớn, bằng những lý lẽ – có phần chủ quan – cha mẹ sẽ ưu tiên cho một người con. Hoặc tạo điều kiện cho tất cả cùng có điều kiện phát triển.
So sánh khác với thí dụ đơn giản trên, sự dung hoà lợi ích của cuộc sống thực đan xen và phức tạp hơn rất nhiều lần. Trong mô hình quản lý xã hội hiện đại, có hai yếu tố quan trọng luôn được đề cập tới. Một, Nhà nước là đơn vị cao nhất để giải quyết các mâu thuẫn, hoạt động theo luật pháp. Hai, dù dưới hình thức thể chế chính trị nào đi nữa, vai trò và tác động của người dân lên chính quyền cũng như các chính sách công là không được phép xâm phạm, như phương châm qua câu phát biểu nổi tiếng của tổng thống Hoa kỳ Abraham Lincoln, xây dựng một chính quyền của dân, do dân và vì dân (Government of the people, by the people, for the people, shall not perish from the Earth).
Từ hai yếu tố trên, hình thành nhu cầu tất yếu: Một chính quyền của dân, do dân và vì dân thì không thể không lắng nghe dân nói, dù người dân đó thuộc tầng lớp nào, thành phần nào. Ngoài những lối minh hoạ, tán dương, khen thưởng, còn cần có góc nhìn trực diện vào những mặt khác nhau của vấn đề, góc nhìn qua lăng kính phản biện xã hội.
Trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X, tại phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) và các đoàn thể nhân dân (ĐTND) có viết: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để MTTQVN và các ĐTND thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội”. Tài liệu Tham thảo: Về phản biện xã hội 30 Nếu không có sự giám sát, quyền lực có xu hướng được sử dụng để trở thành lợi ích. Đặc biệt trong điều kiện một Đảng cầm quyền như ở nước ta hiện nay, nhu cầu xây dựng các đoàn thể quần chúng trở thành người đại diện thật sự và có thẩm quyền của các tầng lớp nhân dân, có tiếng nói đối với Đảng, với mọi công việc của đất nước là một nhiệm vụ vô cùng cần thiết.
Làm sao hình thành văn hoá "tranh luận"
Không nghi ngờ gì nữa, xã hội càng phát triển nhu cầu tranh biện càng trở nên tự nhiên như hơi thở trong cuộc sống. Tuy nhiên, việc áp dụng điều tự nhiên ấy vào quản lý xã hội lại là việc không đơn giản.
Ít nhất có ba vật cản về phạm trù tâm lý đối với PBXH: (1) Sự khó chịu thường tình với ai "trái ý". Người ta vẫn hay ca ngợi "Người hay cãi" nói chung nhưng vẫn ác cảm với "Người hay cãi" cụ thể ở trong đơn vị của mình, dưới quyền mình. Theo lối thông thường mọi người vẫn chuộng “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” hơn là “thẳng mực tàu đau lòng gỗ”. (2) Sự lo ngại sẽ nảy sinh cái gì đó "bất ổn", ảnh hưởng đến vị thế của cá nhân hay cơ quan quyền lực. Lo lắng quá đáng chuyện phản biện xã hội dẫn đến phản kháng, gây mất ổn định, trong đa số các trường hợp xuất phát từ căn bệnh ích kỷ của người, của cấp đang có quyền lực. Mà căn bệnh ích kỷ ấy cũng rất tự nhiên, rất khó tránh. (3) Một yếu tố nữa rất chủ quan của mỗi người: Ngại việc. Ngại mất thời gian; ngại tốn tiền bạc (một cuộc trưng cầu dân ý dĩ nhiên là tốn kém, không thể làm tràn lan được). Và thường có tâm lý “Trăm người trăm ý, chắc gì đã hơn một người quyết".
Tiếp cận dưới cách nhìn lịch sử tiến hoá, có thể đưa ra một nhận xét khái quát: So với sinh vật thích nghi với môi trường trực tiếp bằng cơ thể, nên sự phát triển của chúng là thay đổi cấu tạo cơ thể để có thể thích nghi cao hơn. Con người thích nghi với môi trường bằng tư liệu sản suất và những sản phẩm do mình chế tạo ra. Vì thế sự phát triển của con người nằm ở công đoạn cải tiến tư liệu sản xuất, mà động lực chính là thông qua trí tuệ.
Ở đây hai vế tương hỗ với nhau trong một bài toán đã dần dần rõ ràng đáp số. Vế thứ nhất, trí tuệ được hình thành qua quá trình cá nhân tự thu thập kiến thức từ bên ngoài vào, qua học tập, sách vở, cuộc sống…
Ngược lại, kiến thức được mở rộng, kế thừa, giao thoa… thông qua vế thứ hai, nằm ở quy trình ngược (freeback) của mỗi cá nhân khi họ đem sự hiểu biết của mình ra trao đổi. Nhờ tranh luận, phê bình, phản biện… giúp gạn lọc những “hạt nhân hợp lý”, sao cho cái còn lại cuối cùng phù hợp nhất với khoa học và thực tiễn cuộc sống.
Khi chấp nhận trí tuệ đóng vai trò cốt lõi của sự phát triển (chúng ta vẫn đang hướng đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế tri thức trong tương lai), thì sự khó chịu do ý kiến khác mình, là những lo ngại không cần thiết. Về mặt thực tiễn cuộc sống, ngay cả trong mô hình từng gia đình, các giải pháp áp đặt từ trên xuống của cha mẹ, thầy cô… hiện nay đã không còn mang lại hiệu quả như trước.
Thử suy nghĩ rộng ra xã hội: thay vì e ngại, áp đặt, ngăn cấm,… chúng ta nên hướng dẫn sự tranh luận, cách giải quyết mâu thuẫn trở thành những cuộc thảo luận chuyên nghiệp mà biểu hiện cao nhất của nó là sự phản biện. Phản biện xã hội chính là cách thức cân bằng tốt nhất đối với các “tập đoàn lợi ích”, giúp họ phản ánh tiếng nói của mình để những nhà quản lý, chính trị gia uốn nắn, điều chỉnh lại các chính sách cho phù hợp với đòi hỏi của quần chúng số đông.
Tuy không phản bác ý kiến nhận định người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng thường mang nặng tâm lý “dĩ hoà vi quí”, "một tạ cái lý không bằng một tý cái tình”, nhưng không nên nghĩ vì thế mà chúng ta không thể tự tạo cho mình một môi trường văn hoá tranh luận phù hợp với tình hình đất nước hiện nay.
Bên cạnh những hạn chế về khía cạnh tâm lý xã hội và con người, chúng tôi cho rằng: Văn hoá tranh luận vẫn có thể được hình thành một cách có hệ thống nếu chúng ta tiếp cận vấn đề dưới một góc nhìn bao quát hơn, góc nhìn thông qua việc phân tích tác động chung của chính sách và cơ chế.
TRA CỨU TOÀN VĂN TÀI LIỆU “VỀ PHẢN BIỆN XÃ HỘI” TẠI ĐÂY
SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIÊN NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP CỦA QUỐC HỘI
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: Nhà nước và nền KTTT, Xã hội, nhà nước và pháp luật Việt Nam |
Leave a Reply