admin@phapluatdansu.edu.vn

Trung Quốc và hệ thống thương mại đa phương – LỢI THẾ VÀ XUNG ĐỘT

ĐỖ TUYẾT KHANH

Sức mạnh kinh tế khổng lồ của Trung Quốc ngày nay hiển nhiên và cũng hiển nhiên không kém là Trung Quốc đã xây dựng được thế lực ấy nhờ thương mại, đặc biệt từ sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cuối năm 2001. Trong 12 năm qua, Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng ngay cả lúc kinh tế thế giới suy thoái, lần lượt qua mặt các cường quốc thương mại truyền thống như Nhật Bản và Đức, và nhất là mỗi lúc một nhanh hơn các tiên đoán.

Năm 2001, Trung Quốc là nền kinh tế thứ 6 trên thế giới, đồng hạng với Ý. Chỉ tám năm sau, năm 2009, Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới và chiếm hạng nhì về nhập khẩu. Năm 2012, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu non 3 870 tỉ đô la Mỹ (USD), Trung Quốc đứng hạng nhì nhưng chỉ thua 10 tỉ so với con số 3 880 tỉ USD của Mỹ. Tháng 3 năm nay, thống kê sơ khởi của WTO xác định tuyên bố của Trung Quốc là đã vượt qua Mỹ để trở thành cường quốc thương mại hàng đầu, với 4 160 tỉ USD xuất nhập khẩu trong năm 2013, trong đó xuất khẩu đạt 2 210 tỉ USD và nhập khẩu 1 950 tỉ USD. Ấn tượng hơn cả, ngày 1 tháng 5 vừa qua, Ngân hàng Thế giới dự đoán trên cơ sở ngang giá sức mua (purchasing power parity –PPP) Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới ngay trong năm nay, chứ không phải từ đây đến 2020 như theo các dự phóng trước đây, hạ bệ Mỹ khỏi vị trí độc tôn đã chiếm ngự trong gần 140 năm, từ 1872. Tất nhiên, tính theo GDP, Trung Quốc đứng hạng nhì (nếu không tính Liên hiệp châu Âu như một khối) nhưng còn rất xa Mỹ : theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho năm 2014, GDP của Trung Quốc (9 761 tỉ USD) chỉ hơn một nửa GDP của Mỹ (17 438 tỉ USD). So sánh GDP trên đầu người theo thống kê của IMF cho năm 2013, khoảng cách giữa Trung Quốc (6 747 USD) và Mỹ (53 101 USD) càng xa vời hơn nữa. Song, với đà phát triển như cho tới nay, viễn tượng Trung Quốc đứng đầu toàn thế giới về kinh tế ngày càng gần với hiện thực.

Năm 2001, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc là 266 tỉ USD. Tám năm sau, con số này đã được nhân lên gấp 4,5 lần, đạt 1 201 tỉ USD năm 2009. Mười hai năm sau khi gia nhập WTO, xuất khẩu của Trung Quốc, với 2 210 tỉ USD năm 2013, đã được nhân lên gấp 8,3 lần. Một đà tăng trưởng vũ bão chứng minh hùng hồn những lợi ích hệ thống thương mại đa phương đã mang lại cho Trung Quốc. Song tất nhiên không phải nước nào gia nhập WTO cũng có được những kết quả phi thường như thế. Trung Quốc là một biệt lệ, đã tận dụng hệ thống đa phương cùng những ưu thế của mình để thực hiện một chiến lược bành trướng toàn diện với mục tiêu cuối cùng là làm bá chủ thiên hạ, chiếm lại vị thế ưu việt tự coi là thiên định của mình, đã mất trong « thế kỷ nhục nhã » từ cuộc Chiến tranh Nha phiến năm 1848 cho đến hết đệ nhị thế chiến năm 1945, xoá đi « giai đoạn sai lầm của lịch sử » này.

Mục đích gia nhập WTO của mỗi nước ứng viên là được hưởng những quyền lợi dành cho các thành viên dựa trên ba nguyên tắc cơ bản : qui chế tối huệ quốc (most-favoured nation – MFN) cho phép mỗi thành viên hưởng tất cả những ưu đãi một thành viên khác đã thoả thuận với một đối tác ; chế độ đãi ngộ quốc gia (national treatment) cho phép nước xuất khẩu hưởng những điều kiện pháp luật và hành chính áp dụng cho các doanh nghiệp và ngành sản xuất nội địa; và nguyên tắc không phân biệt đối xử (non-discrimination), nền tảng của triết lý và khung pháp lý hệ thống thương mại đa phương. Ngoài ra và cũng quan trọng không kém, gia nhập WTO cho phép tự bảo vệ qua cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, thường gọi tắt là DSU (Dispute settlement Understanding). Tóm lại, vào WTO là được tiếp cận thị trường, cạnh tranh trên cơ sở bình đẳng, và dựa vào luật WTO để kiện tụng khi lợi ích của mình bị đụng chạm hay tự bào chữa khi bị khiếu nại. Song, để quyền lợi thành ích lợi cụ thể, thị trường rộng mở thành cơ hội làm giàu, phải có gì để xuất khẩu và bán đủ nhiều để gia tăng

ĐỌC TOÀN VĂN TÀI VIẾT TẠI ĐÂY

SOURCE: TẠP CHÍ THỜI ĐẠI MỚI SỐ 31, THÁNG 7 NĂM 2014, TR 49-78

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d