admin@phapluatdansu.edu.vn

CẦM GIỮ TÀI SẢN CÓ PHẢI LÀ BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM THỰC HIỆN NGHĨA VỤ DÂN SỰ?

TS. BÙI ĐỨC GIANG – Công ty Luật Audier and Partners Vietnam LLC

Cầm giữ tài sản là một chế định pháp lý vẫn còn nằm tách bạch so với các quy định về giao dịch bảo đảm của Bộ luật Dân sự (BLDS). Dự thảo BLDS trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 23/9/2014 (Dự thảo) đã đưa cầm giữ tài sản vào danh sách các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận (điểm c, khoản 1 Điều 294). Bài viết phân tích các hạn chế của quy định hiện hành, bình luận cách tiếp cận của Dự thảo thông qua việc so sánh với quy định pháp luật của Anh và Pháp.

1. Khái niệm quyền cầm giữ tài sản

Quan hệ hợp đồng song vụ – Theo quy định tại khoản 1 Điều 416 BLDS, quyền cầm giữ tài sản chỉ phát sinh trong quan hệ hợp đồng, cụ thể là hợp đồng song vụ. Điều 324 của Dự thảo cũng vẫn giữ cách tiếp cận này. Bên cầm giữ có thể cầm giữ một phần hay toàn bộ tài sản (điểm a khoản 2 Điều 416 BLDS).

Pháp luật của một số nước công nhận cả các tình huống không mang tính chất song vụ. Chẳng hạn theo Điều 2277 của BLDS Pháp, người đang chiếm giữ một tài sản bị đánh cắp hay bị mất nếu đã mua tài sản này tại một hội chợ, chợ, một buổi bán đấu giá hay từ một người bán hàng bán các tài sản tương tự chỉ phải hoàn trả tài sản này cho người chủ ban đầu khi người chủ này hoàn trả cho anh ta số tiền anh ta đã phải trả khi mua tài sản, tức là, nếu không được hoàn trả số tiền bằng giá mua thì người đang chiếm giữ được tiếp tục cầm giữ tài sản. Ở đây không có quan hệ hợp đồng trực tiếp giữa người đang chiếm giữ tài sản và chủ sở hữu tài sản. Một ví dụ khác liên quan đến hợp đồng thuê nhà ở, nếu trong hợp đồng thuê có quy định quyền của bên cho thuê được bán căn nhà cho thuê và yêu cầu bên thuê ra khỏi địa điểm thuê trong thời hạn của hợp đồng thuê thì bên thuê chỉ phải rời địa điểm thuê khi được bên cho thuê hay bên mua nhà thanh toán các khoản bồi thường thiệt hại được quy định trong hợp đồng hay theo quy định của pháp luật[1].

Pháp luật chuyên ngành – Bên cạnh BLDS, quyền cầm giữ còn được nêu trong Luật Thương mại. Theo quy định tại Điều 149 Luật Thương mại, bên đại diện cho thương nhân có quyền cầm giữ tài sản, tài liệu được giao để bảo đảm việc thanh toán các khoản thù lao và chi phí đã đến hạn. Tương tự, Điều 239 và 240 của văn bản luật này trao cho thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics quyền cầm giữ hàng hóa và chứng từ liên quan để đòi nợ đã đến hạn của khách hàng và đi xa hơn BLDS là trao cho bên cầm giữ quyền định đoạt hàng hóa và chứng từ sau thời hạn 45 ngày kể từ ngày thông báo cầm giữ cho khách hàng để trừ khoản nợ liên quan.

Pháp luật Pháp – Ngoài các trường hợp cầm giữ tài sản đặc biệt như trong hai ví dụ vừa nêu, BLDS Pháp dành riêng Điều 2286 để khái quát hóa phạm vi áp dụng của quyền cầm giữ tài sản, theo đó các đối tượng sau được hưởng quyền cầm giữ tài sản : (i) bên mà tài sản đã được chuyển giao cho tới khi quyền đòi nợ của bên này được thanh toán (đây chính là trường hợp cầm giữ tài sản trong khuôn khổ quan hệ cầm cố); (ii) bên mà quyền đòi nợ chưa được thanh toán phát sinh từ hợp đồng trong đó có quy định nghĩa vụ của bên này phải chuyển giao tài sản (trường hợp này giống với cầm giữ tài sản theo quy định của pháp luật Việt Nam); (iii) bên mà quyền đòi nợ chưa được thanh toán được xác lập trong quá trình bên này nắm giữ tài sản (chẳng hạn nếu chủ sở hữu một bất động sản yêu cầu người chiếm hữu bất động sản trả lại bất động sản đó cho anh ta thì người chiếm hữu bất động sản có quyền tiếp tục chiếm giữ đối với bất động sản đó nếu chưa được bồi thường các phí tổn mà anh ta đã bỏ ra để sửa chữa hay đầu tư vào bất động sản đó); (iv) bên nhận cầm cố tài sản mà không có chuyển giao tài sản (cầm cố ô tô, cầm cố bất động sản…)[2]. Các học giả Pháp gọi đây là quyền cầm giữ ảo[3].

Trường hợp cầm giữ trong khuôn khổ cầm cố thông thường nêu trên thực chất chỉ là một quyền gắn liền với đặc trưng của cầm cố: quyền chiếm hữu về mặt vật chất tài sản cầm cố được chuyển giao cho bên nhận cầm cố. Cũng cần phải thấy rằng cầm giữ khác với cầm cố ở chỗ, tài sản (chẳng hạn hàng hóa) được gửi không phải vì mục đích đảm bảo thực hiện nghĩa vụ (chẳng hạn như để bảo quản hộ hay để sửa chữa). Tương tự, việc trao cho bên nhận cầm cố mà không có việc chuyển giao tài sản quyền cầm giữ ảo chẳng qua là cách thức mà nhà lập pháp muốn tăng cường hiệu quả của biện pháp bảo đảm này mà thôi và cũng khá gượng ép. Tại Pháp hiện nay đang có tranh luận về mặt học thuật, liệu cầm giữ tài sản có áp dụng cho các tài sản vô hình như quyền đòi nợ hay không. Chẳng hạn để giải thích cho việc bên nhận thế chấp quyền đòi nợ có độc quyền nhận ưu tiên thanh toán, một số tác giả cho rằng, sau khi thông báo với bên có nghĩa vụ trả nợ về việc thế chấp, bên nhận thế chấp có quyền cầm giữ đối với quyền đòi nợ được thế chấp[4]. Tuy nhiên, cách tiếp cận như vậy có nguy cơ đi ngược lại với bản chất pháp lý của cầm giữ vốn gắn liền với việc nắm giữ về mặt vật chất và do đó, chỉ có thể thực hiện được với các tài sản hữu hình mà thôi.

Điều 2286 nói trên nằm trong phần quy định chung về các biện pháp bảo đảm của BLDS Pháp. Dù coi quyền cầm giữ tài sản là một biện pháp bảo đảm, các nhà lập pháp của Pháp vẫn còn dè dặt trong cách tiếp cận biện pháp bảo đảm này. Về điểm này, tại Việt Nam trước khi BLDS 2005 ra đời, một số học giả cho rằng, cầm giữ tài sản có thể được xem một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự[5]. Tuy nhiên, BLDS 2005 không đưa cầm giữ tài sản vào phần quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự (các điều từ Điều 318 đến Điều 373) mà đề cập khái niệm này trong phần quy định chung về thực hiện hợp đồng dân sự (các điều từ Điều 412 đến Điều 422). Có ý kiến cho rằng cầm giữ tài sản là một trong các chế tài dân sự áp dụng trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ hợp đồng[6].

Pháp luật Anh – Khác với pháp luật Pháp, trong pháp luật Anh, cầm giữ tài sản (lien) trước hết là một biện pháp bảo đảm được tạo ra trên cơ sở mặc nhiên được pháp luật thừa nhận (by operation of law) chứ không cần phải có thỏa thuận. Các bên cũng có thể tạo ra quyền cầm giữ thông qua hợp đồng (contractual lien). Biện pháp cầm giữ không cần phải được đăng ký để đảm bảo giá trị pháp lý với các bên thứ ba.

Bốn dạng cầm giữ tài sản phổ biến nhất của hệ thống pháp luật này bao gồm:

– Quyền cầm giữ theo án lệ (legal liens): là biện pháp bảo đảm được tạo ra trong một số trường hợp khi bên có quyền đang có quyền chiếm hữu tài sản của bên có nghĩa vụ và có thể là quyền cầm giữ cụ thể (particular liens) hay quyền cầm giữ chung (general liens). Quyền cầm giữ cụ thể phát sinh khi[7] (i) theo quy định của pháp luật chung một người có nghĩa vụ tiếp nhận tài sản động sản hữu hình chẳng hạn như chủ khách sạn phải cho khách lưu trú cùng với hành lý hay bên chuyên chở có nghĩa vụ chở hàng hóa được giao hoặc (ii) một người cải thiện một tài sản động sản hữu hình bằng công việc và kỹ năng của mình. Quyền cầm giữ chung được xác lập từ các tập quán thương mại[8] và cho phép một số đối tượng như bên môi giới chứng khoán, ngân hàng hay luật sư tư vấn được cầm giữ mọi tài sản đang nắm giữ cho tới khi bên có nghĩa vụ thanh toán hết cho mình các khoản tiền còn nợ.

– Quyền cầm giữ theo thỏa thuận: hợp đồng có thể mở rộng quyền của bên có quyền cầm giữ theo án lệ trong việc xử lý biện pháp bảo đảm thông qua việc trao cho bên này quyền bán tài sản động sản hữu hình khi bên có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thỏa thuận mở rộng phạm vi của quyền cầm giữ theo án lệ bằng cách tăng phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm (chẳng hạn chuyển một quyền cầm giữ cụ thể thành một quyền cầm giữ chung) hoặc mở rộng phạm vi của tài sản là đối tượng cầm giữ.

– Quyền cầm giữ theo văn bản pháp luật (statutory liens): một số văn bản pháp luật nêu cụ thể quyền cầm giữ đã được án lệ thừa nhận. Chẳng hạn quyền cầm giữ của một người bán hàng chưa được thanh toán tiền hàng được nêu trong Luật về Mua bán hàng hóa năm 1979 (Sale of Goods Act 1979) hay quyền cầm giữ của bên môi giới bảo hiểm hàng hải trong Luật Bảo hiểm hàng hải năm 1960 (Marine Insurance Act 1906). Một số quyền cầm giữ khác phát triển độc lập với án lệ như quyền của sân bay được giữ máy bay theo Điều 88 của Luật Hàng không dân dụng 1982 (Civil Aviation Act 1982).

– Quyền cầm giữ công bình (equitable liens) thường có đối tượng là đất đai và khác các dạng cầm giữ nêu trên ở chỗ không đòi hỏi phải cầm giữ về mặt vật chất tài sản. Cần lưu ý là việc có hay không quyền cầm giữ công bình đối với một số tài sản vô hình như phần vốn góp hay văn bằng sáng chế vẫn chưa thực sự rõ ràng trong pháp luật Anh[9].

Cách tiếp cận của Dự thảo – Việc đưa cầm giữ vào ngang hàng với các biện pháp bảo đảm theo thỏa thuận như quy định tại Điều 294 của Dự thảo không hợp lý vì quyền cầm giữ theo tinh thần của Dự thảo là biện pháp bảo đảm phát sinh do mặc nhiên được pháp luật thừa nhận chứ không phải trên cơ sở thỏa thuận[10]. Có lẽ Dự thảo lấy cảm hứng từ các quy định nêu trên của Luật Thương mại và phần quy định về cầm cố tài sản để nêu quyền và nghĩa vụ của bên cầm giữ. Thêm vào đó, quy định đối tượng của cầm giữ là động sản (Điều 324) chưa hợp lý bởi động sản bao gồm cả các quyền tài sản (tài sản vô hình) (khoản 2 Điều 108) và về nguyên tắc quyền cầm giữ chỉ được thực hiện trên các tài sản hữu hình mà thôi. Cuối cùng cách gọi tên cầm giữ tài sản  của Dự thảo như tại Điều 416 chỉ nói lên sự việc pháp lý và cần được gọi tên chính xác là quyền cầm giữ tài sản.

2. Điều kiện thực hiện quyền cầm giữ tài sản

Nguyên tắc – Từ định nghĩa về quyền cầm giữ tài sản Điều 416 BLDS và Điều 324 Dự thảo, có thể thấy quyền cầm giữ tài sản chỉ được thực hiện khi thỏa mãn đồng thời 3 điều kiện sau đây:

– Tồn tại một quyền đòi nợ: nghĩa vụ làm phát sinh quyền cầm giữ là nghĩa vụ của chủ sở hữu tài sản khi đến hạn không được thực hiện hay thực hiện không đúng theo thỏa thuận;

– Khả năng chiếm giữ tài sản: tài sản cầm giữ thuộc sở hữu của bên có nghĩa vụ đang được bên có quyền chiếm giữ một cách liên tục và hợp pháp;

– Mối liên hệ pháp lý giữa quyền đòi nợ và khả năng chiếm giữ tài sản: nghĩa vụ là căn cứ phát sinh quyền nắm giữ và việc chiếm giữ tài sản phải gắn trực tiếp với quan hệ hợp đồng song vụ. Đây là điều kiện quan trọng nhất trong số ba điều kiện làm phát sinh quyền cầm giữ tài sản. Về bản chất, cầm giữ tài sản là một biểu hiện cụ thể của quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ dân sự trong hợp đồng song vụ của bên phải thực hiện nghĩa vụ sau được quy định tại Điều 415 BLDS[11]. Thực vậy, mối liên hệ pháp lý này phản ánh một sự phụ thuộc giữa các nghĩa vụ: một quyền đòi nợ (hay nghĩa vụ thanh toán nếu xét từ góc độ người có nghĩa vụ) và một nghĩa vụ giao tài sản, cả hai nghĩa vụ này đều phát sinh từ một hợp đồng. Tuy vậy, bằng việc cầm giữ tài sản mà đáng lẽ phải trao lại cho người có nghĩa vụ, bên có quyền chỉ làm tạm hoãn việc thực hiện nghĩa vụ của mình và đây chính là việc thực hiện quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ dân sự trong hợp đồng song vụ của người có quyền. Tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ dân sự là một ngoại lệ không thực hiện nghĩa vụ theo quy định của BLDS. Theo Điều 414 của Bộ luật này, trong hợp đồng song vụ, khi các bên đã thỏa thuận thời điểm thực hiện nghĩa vụ thì mỗi bên phải thực hiện nghĩa vụ của mình khi đến hạn và việc thực hiện nghĩa vụ trước hay sau là do các bên thoả thuận, nếu không phải thực hiện đồng thời hoặc bên nào thực hiện nghĩa vụ mất nhiều thời gian hơn thì phải thực hiện nghĩa vụ trước.

Hạn chế – Xét một cách tổng thể, quy định về mối liên hệ giữa giữa quyền đòi nợ và khả năng chiếm giữ theo quy định của pháp luật Việt Nam như vừa phân tích ở trên là tương đối hẹp. Pháp luật của Pháp công nhận cả mối liên hệ mang tính vật chất và mối liên hệ mang tính chất thỏa thuận giữa quyền đòi nợ và khả năng chiếm giữ. Mối liên hệ vật chất phát sinh khi quyền đòi nợ phát sinh trong quá trình chiếm giữ tài sản. Mối liên hệ mang tính chất thỏa thuận phát sinh khi người có nghĩa vụ giao một tài sản cho người có quyền nhằm bảo đảm việc trả khoản nợ của mình mà không cầm cố tài sản này. Chẳng hạn một người vay tiền của một người khác để mua một chiếc xe máy có thể giao cho người cho vay giấy tờ xe. Việc giao giấy tờ này rõ ràng không phải là việc cầm cố nhưng lại làm phát sinh quyền cầm giữ. Người cho vay sẽ chỉ trả lại giấy tờ xe khi người đi vay đã hoàn trả khoản nợ. Tuy không trao cho bên cầm giữ quyền ưu tiên thanh toán hay quyền được yêu cầu Tòa án trao tài sản nhưng quyền cầm giữ mang tính chất thỏa thuận này ít nhiều mang một vài đặc điểm của cầm cố. Cho nên, việc xác lập quyền cầm giữ theo thỏa thuận về mặt logic sẽ tuân thủ một vài nguyên tắc vốn áp dụng cho cầm cố tài sản đặc biệt là yêu cầu xác lập thỏa thuận bằng văn bản để việc cầm giữ có hiệu lực và việc trao tài sản cho người cầm giữ để đảm bảo tính đối kháng với các bên thứ ba. Chính vì vậy, cầm giữ tài sản có phạm vi áp dụng rộng hơn rất nhiều so với quy định của pháp luật Việt Nam và là một công cụ pháp luật khá hiệu quả giúp bảo vệ quyền lợi của người có quyền (người cầm giữ tài sản) tại Pháp.

3. Hệ quả pháp lý

Đối với bên có nghĩa vụ – Điểm đặc thù của hệ quả pháp lý của quyền cầm giữ tài sản nằm ở chỗ chế định này trao cho người cầm giữ tài sản một quyền không phải làm một việc nhất định, tức là cho phép người cầm giữ từ chối hoàn trả tài sản đang chiếm giữ. Cầm giữ tài sản đơn thuần là một cách thức gây áp lực buộc chủ sở hữu tài sản (bên có nghĩa vụ) phải thực hiện nghĩa vụ của mình đối với bên cầm giữ (bên có quyền).

Theo quy định tại điểm c, khoản 3 Điều 416 BLDS 2005, người có quyền đòi nợ được tiếp tục giữ tài sản cho đến khi bên có nghĩa vụ hoàn thành nghĩa vụ. Khoản 4 Điều 328 Dự thảo bổ sung một trường hợp khác là khi người thứ ba thực hiện xong nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ. Từ đó có thể suy luận rằng, cho dù khoản nợ đã được thanh toán một phần thì người có quyền đòi nợ vẫn được tiếp tục cầm giữ tài sản. Cách tiếp cận này cũng tương tự quy định của Pháp vì về bản chất quyền cầm giữ tài sản là một quyền không thể phân chia được.

Đối với bên thứ ba – Theo quy định của pháp luật Pháp, quyền cầm giữ tài sản có tính đối kháng đối với người thứ ba mua tài sản đang bị cầm giữ[12], với người thừa kế của người có tài sản bị cầm giữ[13]. Đặc biệt, nó có tính đối kháng với người có nghĩa vụ đang được hưởng quyền tạm không bị các chủ nợ đòi nợ khi mới bị mở thủ tục phá sản, hay khi đã bị Tòa án tuyên bố áp dụng các biện pháp phục hồi hoạt động hay thanh lý tài sản. Thực vậy, theo quy định tại khoản 2 Điều L. 622-7-II, Bộ luật Thương mại Pháp, thẩm phán phụ trách thủ tục phá sản có thể ra quyết định thanh toán một quyền đòi nợ phát sinh trước khi mở thủ tục phá sản để doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản có thể lấy về một tài sản được cầm giữ hợp pháp khi mà việc lấy về tài sản này cần thiết cho hoạt động của doanh nghiệp, tức là bên cầm giữ chỉ phải trao tài sản cầm giữ sau khi đã được thanh toán. Án lệ Pháp công nhận quyền ưu tiên tuyệt đối này trong trường hợp bán tài sản cầm giữ khi thực hiện phương án phục hồi hoạt động của doanh nghiệp quy định tại khoản 1, Điều L.626-22 của Bộ luật Thương mại[14]. Nói cách khác, quyền của bên cầm giữ tài sản được đề cao hơn quyền của mọi chủ nợ có bảo đảm hoặc không có bảo đảm khác[15]. Chính vì lý do này mà tại Pháp, các giao dịch bảo đảm làm phát sinh quyền cầm giữ thường được các chủ nợ có bảo đảm ưu tiên sử dụng.

  Tuy vậy, quyền cầm giữ tài sản cũng là một quyền khá mong manh vì hai lý do chủ yếu sau đây:

– Bên cầm giữ tài sản không có quyền được ưu tiên thanh toán hay quyền truy đòi: Khác với bên nhận cầm cố, hay thế chấp, nếu bên cầm giữ tài sản giao tài sản để bán đấu giá thì bên cầm giữ tài sản mặc nhiên bị mất đi quyền này và sẽ không được ưu tiên thanh toán so với các chủ nợ khác. Dù Điều 21 của Nghị định 163 của Chính phủ về Giao dịch bảo đảm ngày 29/12/2006 được bổ sung, sửa đổi bởi Nghị định 11/2012/NĐ-CP ngày 22/2/2012 (Nghị định 163) đặt việc thực thi quyền cầm giữ tài sản lên trên quyền của bên nhận thế chấp, nhưng cũng cần hiểu đúng bản chất của việc ưu tiên này tức là trong trường hợp này bên cầm gi tiếp tục được thực hiện việc cầm giữ (không trả tài sản bảo đảm để xử lý thế chấp) đến khi nào chủ tài sản (hay bên nhận thế chấp) thanh toán khoản nợ của bên có nghĩa vụ (bên thế chấp) cho bên cầm giữ. Tuy vậy, nếu bên cầm giữ vô tình trả lại tài sản cho bên thế chấp hay bên nhận thế chấp để xử lý, thì khi đó, việc thanh toán sẽ chỉ dựa vào tính chất của khoản nợ mà người có nghĩa vụ phải trả cho bên cầm giữ tài sản. Tương tự, nếu bên cầm giữ bỏ tài sản và giao nó cho một người thứ ba thì bên cầm giữ cũng không thể thực hiện quyền truy đòi tài sản của mình;

– Trong quá trình thanh lý tài sản của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản, bên có quyền không thể viện quyền cầm giữ của mình để yêu cầu được ưu tiên phân chia tài sản thanh lý như một chủ nợ có bảo đảm chừng nào mà pháp luật chưa công nhận cầm giữ tài sản là một biện pháp bảo đảm[16].

    Điều 21 Nghị định 163 quy định bên cầm giữ chỉ phải giao tài sản mà mình đang cầm giữ cho bên nhận thế chấp để xử lý sau khi bên nhận thế chấp hoặc bên có nghĩa vụ đã hoàn thành nghĩa vụ đối với bên cầm giữ. Như vậy, chừng nào bên cầm giữ tài sản còn chưa được thanh toán thì bên này vẫn có quyền cầm giữ tài sản. Duy chỉ có điều Nghị định này không nói rõ nguyên tắc này có được áp dụng hay không trong trường hợp bên thế chấp tài sản cầm giữ lâm vào tình trạng phá sản. Nếu thừa nhận bên cầm giữ tiếp tục được thực hiện quyền cầm giữ trong trường hợp này sẽ tăng cường hiệu quả của biện pháp cầm giữ tài sản.

Quyền bổ sung của bên cầm giữ – Điểm b và d khoản 2 Điều 416 BLDS trao cho người cầm giữ tài sản quyền được thu hoa lợi từ tài sản cầm giữ và được dùng hoa lợi thu được để bù trừ nghĩa vụ cũng như quyền được yêu cầu bên có tài sản bị cầm giữ thanh toán các chi phí hợp lý cần thiết cho việc bảo quản, giữ gìn tài sản đó. Cơ chế này tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh toán khoản nợ đối với bên cầm giữ và giúp bên cầm giữ bù đắp được các chi phí phát sinh trong quá trình cầm giữ tài sản, nhất là khi tài sản có khối lượng lớn (chẳng hạn cần có kho, bãi chứa hàng) hay trong trường hợp chủ sở hữu tài sản bị cầm giữ cố tình không thực hiện nghĩa vụ khiến thời gian cầm giữ kéo dài. Điều đáng tiếc là Dự thảo đã bỏ quyền thu hoa lợi này.

Pháp luật Anh – Bên cầm giữ tài sản có quyền chiếm giữ tài sản cho tới khi nghĩa vụ được bảo đảm được thanh toán. Ngược lại, bên cầm giữ không được bán tài sản trừ khi các bên có thỏa thuận khác và cũng không được yêu cầu Tòa án ra quyết định bán tài sản[17].

      Hơn nữa, quyền cầm giữ cũng có hiệu lực trong thủ tục phá sản của bên có nghĩa vụ nhưng vẫn phải chịu nguyên tắc tạm hoãn xử lý tài sản bảo đảm trong thủ tục phục hồi kinh doanh (administration) hay thủ tục thỏa thuận tự nguyện với chủ nợ(company voluntary arrangement) đối với công ty có quy mô nhỏ[18].

4. Chấm dứt quyền cầm giữ tài sản

Các căn cứ chấm dứt – Khoản 3 Điều 416 BLDS nêu ba căn cứ có thể dẫn tới việc chấm dứt quyền cầm giữ tài sản, đó là :

– Theo thỏa thuận của các bên (được hiểu là bên có nghĩa vụ là chủ sở hữu tài sản và bên cầm giữ);

– Bên cầm giữ vi phạm nghĩa vụ bảo quản, giữ gìn tài sản cầm giữ;

– Bên có tài sản bị cầm giữ hoàn thành nghĩa vụ.

Dự thảo bổ sung thêm ba trường hợp khác là khi (i) bên có quyền cầm giữ mất quyền chiếm hữu tài sản, (ii) bên có nghĩa vụ bổ sung biện pháp bảo đảm để thay thế cho quyền cầm giữ (iii) người thứ ba thực hiện xong nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (Điều 328).

Hạn chế – Căn cứ liên quan đến việc bảo quản, giữ gìn tài sản ẩn chứa nhiều rủi ro đối với bên cầm giữ tài sản bởi vì ở đây cần xác định việc bên cầm giữ tài sản vi phạm nghĩa vụ bảo quản, giữ gìn tài sản đến mức nào sẽ làm phát sinh yêu cầu chấm dứt việc cầm giữ tài sản. Nếu không sẽ rất dễ dẫn đến việc bên có tài sản bị cầm giữ lạm dụng quyền yêu cầu chấm dứt việc cầm giữ, từ đó làm mất tác dụng của chế định cầm giữ tài sản. Tương tự việc bổ sung biện pháp bảo đảm có vẻ như hơi máy móc bởi thực ra quyền cầm giữ trong nhiều trường hợp còn hiệu quả hơn rất nhiều so với các biện pháp bảo đảm khác.

Trong thực tế, việc chấm dứt cầm giữ tài sản có thể được các chủ nợ khác và bên có quyền thỏa thuận. Đây là một tình huống thường gặp và thông thường, cách thức mà các bên áp dụng để giải quyết phụ thuộc vào mức độ chênh lệch giữa giá trị của tài sản cầm giữ so với giá trị của nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng song vụ:

– Nếu nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng song vụ có giá trị thấp hơn giá trị của tài sản bị cầm giữ, thông thường các chủ nợ khác sẽ cùng nhau thanh toán khoản nợ cho người cầm giữ tài sản để có thể kê biên tài sản và bán để thu hồi nợ.

– Nếu giá trị của tài sản bị cầm giữ thấp hơn giá trị của nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng song vụ, thì hiệu quả của việc cầm giữ hạn chế hơn rất nhiều so với trường hợp nêu trên vì lúc này bên cầm giữ tài sản buộc phải tiếp tục giữ tài sản mà không được bán tài sản đó vì nếu bán tài sản thì bên cầm giữ tài sản sẽ có chung số phận như các chủ nợ không có bảo đảm khác. Trong trường hợp này, người cầm giữ tài sản có thể thỏa thuận với các chủ nợ khác để được trả một phần khoản nợ của mình trước khi trao tài sản cho các chủ nợ này.

      Việc giới hạn các căn cứ chấm dứt việc cầm giữ tài sản ở thỏa thuận giữa bên cầm giữ và bên có nghĩa vụ vô tình loại trừ sự thỏa thuận giữa bên cầm giữ tài sản và các bên có quyền yêu cầu khác, vốn rất phổ biến trong thực tế và là cơ chế hiệu quả để bảo vệ quyền lợi của bên cầm giữ tài sản.

Có thể thấy việc công nhận quyền cầm giữ tài sản là biện pháp bảo đảm là điều nên làm để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của bên cầm giữ, nhất là trong thủ tục phá sản của bên có nghĩa vụ. Tuy nhiên các quy định của Dự thảo vẫn còn khá sơ sài và chỉ dừng lại ở việc đưa ra các nguyên tắc. Việc xác định rõ bản chất pháp lý của quyền cầm giữ tài sản là biện pháp bảo đảm phát sinh do hệ quả của pháp luật rất cần thiết. Nhà lập pháp cũng có thể nghiên cứu quy định thêm quyền cầm giữ phát sinh trên cơ sở thỏa thuận như cách tiếp cận của pháp luật Anh để đa dạng hóa cơ chế pháp lý này./.


[1] Các Điều 1744 và 1749 BLDS Pháp.

[2] Trong trường hợp này, không có việc cầm giữ về mặt vật chất tài sản theo cách hiểu truyền thống nữa mà chỉ là việc cầm giữ về mặt pháp lý.

[3] Về biện pháp cầm giữ tài sản theo quy định của Pháp, xem thêm Aynès (A.), Le droit de rétention, unité ou pluralité?, th. Economica 2005, préf. Ch. Larroumet và Luciano (K.), «Analyse juridique du droit de rétention», Rev. proc. coll., no4, juillet 2012, étude 29.

[4] A. Aynès, «Le nantissement de créance de droit commun : quelle efficacité? », Banque et Droit, numéro hors série, décembre, 2010.

[5] TS. Nguyễn Văn Vân, “Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự”, Tạp chí Khoa học Pháp lý, số 2/2005.

[6] Nguyên Tấn, “Rắm rối chế tài dân sự, thương mại”, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ngày 1/4/2010.

[7] Các bản án Majeau Carrying Co v Coastal Rutile [1973] 129 CLR 48 at 54, Robins & Co v Gray [1895] 2 QB 501 và Scarfe v Morgan [1838] 4 M & W 270.

[8] Bản án Bock v Gorrissen [1860] 2 De GF & J 434 at 443.

[9] Richard Calnan, Taking security – Law and Practice, Jordans, 2nd edn, 2011, paras. 10 and seq.

[10] Xem thêm bài viết của Bùi Đức Giang “Sửa quy định về giao dịch bảo đảm : bước tiến hay lùi”, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 18/8/2014.

[11] Khoản 2 Điều 415 BLDS 2005: “Bên phải thực hiện nghĩa vụ sau có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ đến hạn nếu bên thực hiện nghĩa vụ trước chưa thực hiện nghĩa vụ của mình khi đến hạn”.

[12] Năm 1992, Tòa Tư pháp tối cao thừa nhận quyền của một người bán một chiếc xe tải khi chưa được người mua thanh toán giá mua được từ chối trao cho người mua lại chiếc xe này các giấy tờ xe dù người mua lại đã thanh toán tiền mua xe cho người bán lại, tức là người mua ban đầu.

[13] Cass.civ., 6 avril 1875.1. 354; 8 juillet 1913, DP 1914. 1. 241.

[14] Cass.com, 20 mai 1997, Bull. Civ. IV, no151.

[15] Cass.com, 26 février 1991, Bull. Civ. IV, no88.

[16] Nếu đọc kết hợp Điều 53 và Điều 54 Luật Phá sản số 51/2014/QH13 ngày 19/6/2014, có thể thấy khi thanh lý tài sản, chủ nợ có bảo đảm có vị trí ưu tiên thanh toán cao nhất trong số các chủ nợ của doanh nghiệp, trên cả các khoản nợ đặc biệt khác như chi phí phá sản, khoản nợ lương, nợ bảo hiểm, khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản và các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước (chẳng hạn các khoản thuế) và các khoản nợ không có bảo đảm.

[17] Tuy vậy, Tòa án có thể ra quyết định bán các hàng hóa dễ bị hư hỏng hoặc cần được bán ngay (Civil Procedure Rules 1998, SI 1998/3132, r 25.1(1)(c)(v) và bản án Larner v Fawcett [1950] 2 All ER 727). Một số văn bản luật chuyên ngành cũng cho phép bán tài sản cầm giữ: chẳng hạn bên bán hàng chưa được thanh toán có quyền cầm giữ có thể bán hàng hóa trong một số trường hợp (Sale of Goods Act 1979, ss 39(1)(c) and 48).

[18]Xem thêm đoạn 43 Luận án TS của Bùi Đức Giang, «Sûretés conventionnelles sur créances en droit français, anglais et vietnamien» (Giao dịch bảo đảm theo thỏa thuận có đối tượng là quyền đòi nợ theo quy định của pháp luật Pháp, Anh và Việt Nam), thèse Paris II, 2014, sous la direction du professeur Michel GRIMALDI tạihttps://docassas.u-paris2.fr/nuxeo/site/esupversions/a4250d8e-0b30-4240-af6d-2eba741371df

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP ĐIỆN TỬ

TRA CỨU BÀI VIẾT CÙNG TÁC GIẢ TẠI ĐÂY

3 Responses

  1. Nếu tài sản là giấy tờ có giá ví dụ như cổ phiếu, chứng khoán thì nếu để bên cầm giữ tài sản cầm giữ sẽ có thể dẫn đến tài sản bị mất đi giá trị lớn do tính chất của nó. Vậy trong trường hợp này xử lý như thế nào?

  2. giá trị của tài sản bị cầm giữ thấp hơn giá trị của nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng song vụ, thì hiệu quả của việc cầm giữ hạn chế hơn rất nhiều so với trường hợp nêu trên vì lúc này bên cầm giữ tài sản buộc phải tiếp tục giữ tài sản mà không được bán tài sản đó vì nếu bán tài sản thì bên cầm giữ tài sản sẽ có chung số phận như các chủ nợ không có bảo đảm khác

  3. Mình ko hiểu rõ lắm về đoạn này, tác giả có thể giải thích cụ thể hơn dùm mình ko?
    Ngoài các trường hợp cầm giữ tài sản đặc biệt như trong hai ví dụ vừa nêu, BLDS Pháp dành riêng Điều 2286 để khái quát hóa phạm vi áp dụng của quyền cầm giữ tài sản, theo đó các đối tượng sau được hưởng quyền cầm giữ tài sản

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading